Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

TẠI SAO ÁO KHOÁC CỦA BÁC SĨ MÀU TRẮNG, CÒN QUẦN ÁO PHẨU THUẬT LẠI MÀU XANH?

Ngày nay, khi nhắc đến trang phục của các y bác sỹ, người ta sẽ nghĩ ngay đến chiếc áo blouse trắng. Ngoài ra, họ sẽ mặc bộ quần áo màu xanh da trời hoặc xanh lá cây khi thực hiện các ca phẫu thuật. Hãy suy nghĩ xem: Tại sao thường ngày các bác sỹ khoác áo blouse trắng nhưng khi làm phẫu thuật họ lại mặc trang phục màu xanh da trời hoặc xanh lá cây?

Từ áo choàng xám đến blouse trắng

Đó là để bảo vệ cho cả bác sỹ lẫn bệnh nhân.

Trước thế kỷ hai mươi, các bác sỹ ở Âu Mỹ thường ăn mặc như những quý ông giàu có. Họ đội một chiếc mũ cao, khoác áo choàng xám và làm việc trong bệnh viện. Tại thời điểm đó, các khái niệm về vi sinh hiện đại và khử trùng chưa xuất hiện. Vi vậy, công dụng chính của loại trang phục chỉ là để bác sỹ tự bảo vệ mình khỏi máu và các bụi bẩn khác. Vì áo có màu xám nên trông quần áo đỡ dơ hơn.

 
Thời trung cổ ở châu Âu, các bác sỹ còn mang cả “mặt nạ mỏ chim”. Tuy là khoác lên người nguyên một màu xám hoặc đen như thế nhìn có hơi đáng sợ nhưng nó lại là minh chứng lịch sử cho cả một hành trình chống lại các dịch bệnh.

Còn áo blouse trắng chỉ mới xuất hiện khoảng hơn 100 năm trở lại đây. Nó được coi là biểu tượng cho sự trong sạch và thuần khiết. Người ta nói rằng Joseph – vị bác sỹ đến từ Anh Quốc – là người đầu tiên mặc áo Blouse trong khi tiến hành phẫu thuật.


Theo năm tháng, chiếc áo này ngày một trở nên phổ biến hơn. Ngày nay, ở một số trường đại học tại Mỹ người ta sẽ tổ chức buổi lễ trang trọng mang tên “Trao áo blouse trắng” cho các sinh viên khoa y khi họ tốt nghiệp, đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp “chăm sóc sức khỏe con người” của mình. Hơn 50% bệnh nhân cũng nghĩ rằng các bác sỹ phải khoác một chiếc áo blouse trắng bên ngoài trang phục đi làm của họ, như thế trông mới giống bác sỹ.

Màu trắng của áo còn mang một hàm ý: bác sỹ là người cẩn thận, luôn chú tâm và tập trung cao độ vào công việc

Rõ rằng là màu trắng rất dễ bị vấy bẩn, chỉ cần một vết máu hay một ít bụi dính vào là ngay lập tức chiếc áo sẽ trở nên rất khó coi. Do đó, màu trắng của áo còn mang một hàm ý: bác sỹ là người cẩn thận, luôn chú tâm và tập trung cao độ vào công việc. Ngoài ra nó còn giúp việc khử trùng và giặt giũ trở nên thuận tiện hơn, góp phần bảo vệ bệnh nhân.

Tất nhiên cũng có nhiều bác sỹ phàn nàn rằng: “Áo blouse màu trắng nhìn không đẹp lắm, chúng trông rất đơn điệu, không có gì đặc biệt”. Hầu hết, mọi người có thể bắt gặp “chiếc áo trắng” này ở bất cứ nơi đâu trong bệnh viện. Ngay cả, những giáo sư nổi tiếng cũng không ngoại lệ. Thông thường logo của bệnh viện và một số thông tin cần thiếc về bác sỹ được thêu ngay trên túi áo khoác nhằm tạo sự tin tưởng, an tâm cũng như giúp bệnh nhân và người nhà của họ thuận tiện hơn trong việc liên lạc với bác sỹ khi đến điều trị.

Trang phục phẫu thuật

Chúng làm giảm áp lực và giúp mắt của y bác sỹ điều tiết tốt hơn khi thực hiện các ca phẫu thuật.

Trong phòng mổ luôn có sẵn những bộ quần áo dành riêng cho bác sỹ nhưng tại sao chúng lại có màu xanh nhạt, mà không phải là màu trắng? Ngay khi vào phòng phẫu thuật các bác sỹ phải thay đổi trang phục. Họ mặc một bộ quần áo phẫu thuật (tên tiếng Anh của nó là Scrubs).

Đây là loại trang phục đặc biệt được sử dụng trong phòng phẫu thuật. Chúng tựa như “đồ ngủ” khá rộng rãi và thoải mái, được thiết kế sao cho người mặc dễ dàng thay đổi y phục. Nó cũng chính là bộ quần áo màu xanh mà các bác sỹ – trong bộ phim truyền hình “Grey’s Anatomy” do Mỹ sản xuất – mặc bên trong và khoác thêm áo blouse trắng bên ngoài.



Bộ quần áo phẫu thuật này là sự kết hợp giữa áo blouse ngắn, cổ chữ V và chiếc quần ống rộng mang lại cảm giác thoải mái, thông thoáng và thuận tiện cho người mặc. Trong phòng mổ các bác sỹ được yêu cầu phải mặc bộ quần áo này bên trong và khoác thêm một chiếc áo phẫu thuật dài tay bên ngoài, tất cả chúng đều có màu chủ đạo là xanh cổ vịt hoặc xanh da trời (Theo quy định ở Việt Nam là màu xanh cổ vịt).

Màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ, vậy tại sao lại chọn màu xanh cho trang phục phẫu thuật? Trước khi giải thích điều này, mời bạn xem hình ảnh dưới đây:

(Nguồn: internet)

Đầu tiên bạn hãy tập trung nhìn vào chấm đen của hình tròn đỏ (bên trái) ít nhất 30 giây. Sau đó, nhanh chóng nhìn sang điểm đen của hình tròn màu trắng (bên phải). Lúc này, bạn sẽ nhìn thấy hình tròn này có màu xanh biển hoặc xanh lá cây chứ không phải là màu trắng. Điều tương tự sẽ xảy ra khi bạn tập trung nhìn vào chấm đen trên hình tròn đỏ và nhanh chóng nhắm mắt lại. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng thị giác sau ảnh”. Nếu bạn nhìn lâu vào một màu nào đó và đột ngột nhìn sang chỗ khác bạn sẽ thấy các màu sắc bổ sung xuất hiện. Ví dụ như, màu đỏ sẽ biến thành xanh, xanh thành cam và vàng thành tím,…

Khi phẫu thuật các bác sỹ phải tập trung cao độ vào các cơ quan nội tạng và máu. Do đó để hạn chế “ảo giác màu xanh” xuất hiện người ta cần bổ sung thêm màu xanh xung quanh phòng. Vì vậy, họ sử dụng ánh đèn, quần áo màu xanh, hay thậm chí là các bức tường trong phòng phẫu thuật cũng được sơn màu xanh nhạt để giảm căng thẳng cho mắt và giúp mắt của các bác sỹ điều tiết được tốt hơn trong suốt ca mổ.

Một lý do khác nữa đó là khi bạn chăm chú nhìn vào các cơ quan nội tạng có màu hồng hoặc đỏ quá lâu sẽ khiến não bị mệt mỏi, làm mắt bạn bị lóa nhìn không được rõ. Khi đó, chỉ cần ta chuyển hướng sang nhìn các vật có màu xanh nhạt là mắt sẽ được cải thiện. Vì vậy, màu xanh không chỉ làm giảm áp lực cho mắt mà nó còn giúp cho não giữ được độ nhạy cảm với màu đỏ, tăng sự chính xác cho ca phẫu thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét