1. Trở lại Mỹ Sơn nhân ngày hội của đất Quảng, tôi được xe của khu du
lịch đổ xuống tận chân tháp. Hoang phế, lãng quên, vùi dập đã lùi vào dĩ
vãng. Thánh địa ngày nay là viên ngọc quý lấp lánh huyền hoặc. Quần thể
kiến trúc độc đáo bằng đất nung và đá trải dài liên tục gần thiên niên
kỷ của vương quốc cổ Champa đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới
dẫu chỉ còn một mảnh hình hài thương tật. Vẫn đầy mê hoặc. Đẹp đến
thương tâm.
Xưa chỉ có những con người
chay tịnh hàng tháng trời mới được đặt chân lên đất thánh. Giờ thì mọi
du khách đều được khu du lịch chắp cánh để vào thung lũng thần linh. Thế
mà tâm hồn tôi vẫn không chịu bay, cứ đau đáu nhọc nhằn men theo kỷ
niệm...
- Người Chăm dùng voi kéo gỗ và
gạch đá trên con đường này đây! - Một vị đưa tay chỉ con đường đã hiện
đại hóa đang bị chiếc xe du lịch nuốt chửng.
- Người ta bảo những vết lõm núi do đục lấy sa thạch, những thửa ruộng lấy đất làm gạch xây tháp vẫn còn.
- Giá mà viếng thánh địa bằng xe trâu nhỉ?
- Rõ dại! Thế này hơn chứ. Về quá khứ bằng phương tiện hiện đại.
Người
họa sĩ râu tóc man dại chào tôi với nụ cười trắng lóa trong nắng. Những
trang Nhật ký bằng tranh xé ra từ cõi lòng sâu nặng với văn hóa Champa
dựng rải rác quanh đó. Sơn dầu, bút sắt hay acrylic chúng đều có tên Mỹ
Sơn. Mỹ Sơn 1. Mỹ Sơn 2. Mỹ Sơn 3... Tôi thích mảng tranh bút sắt của
anh - Linga đường bệ trơ trọi, mảnh tháp thương tích lơ phơ ngọn cỏ gió
đùa, đôi mắt vời vợi, tít tắp, lung linh ánh lửa u uẩn huyền bí của hậu
bối nghệ sĩ Chăm xưa...
- Bán được mấy bức rồi?
-
Chỉ mấy lần ba chân bốn cẳng khuân tranh chạy. Dạo này thung lũng cứ
mưa chiều - Anh trả lời, nụ cười trong râu an lạc hiền hòa. Dường như ai
mê Mỹ Sơn cũng phảng phất nụ cười an nhiên của đá.
Tôi rời mắt khỏi những bức tranh bởi tiếng trống bập bùng mời gọi.
- Đến xem đi! Không phải khi nào cũng được coi múa Chăm trên nền tháp cổ. Họ sắp đi rồi - Họa sĩ giới thiệu.
Trên
nền tháp, một vũ nữ đang múa. Chậm rãi và uyển chuyển, dường như cô
không dùng sức mà dồn hết tâm ý vào động tác. Động tác nhẹ nhàng tĩnh
tại mà cứ khiến tâm hồn người xem bập bùng nhảy múa. Du khách đứng quanh
như bị hớp hồn theo pho tượng Chăm biết cử động.
Điệu
múa đã chấm dứt nhưng khát vọng hóa thân thành tượng vũ nữ thiên tiên
Apsara đã tạc người nghệ sĩ vào nền ngôi tháp cổ đổ nát. Váy áo dát nắng
vàng, nét mặt đắm chìm trong hoan lạc tự tại, cô không còn thuộc về thế
giới phù hoa hư ảo của trần thế, không còn nghe tiếng vỗ tay rào rào
của khách tham quan thánh địa.
Tôi ngắm cô, sững sờ thấy dưới bờ mi phải giọt nước mắt đen quen thuộc. Phải em đấy không, Apsara hoang dại ngày ấy?
Nữ
nghệ sĩ múa Chăm trước mặt tôi không còn trẻ nhưng nõn nà, đầy đặn,
gương mặt đẹp phảng phất nỗi buồn lưu lạc. Còn em... Trồi lên từ ký ức
tôi là con bé chăn bò gầy đen như que củi, tóc cháy nắng, đói khát quanh
năm. Một giọt lệ đen dưới bờ mi phải.
Vũ
nữ thiên tiên sắp bay về trời. Dàn nhạc đệm cho cô đang thu xếp kèn
trống. Không dằn lòng được, tôi buột miệng gọi: "Apsara hoang dại!".
Cô quay phắt như bị điện giật.
Là em.
2. "Đồ con rắn, hở chút là lủi vô cỏ!" - Lão già nhìn quanh rủa rồi đưa
tay lên miệng: "U...u...u....u...". Tiếng hú vừa dứt, một cái bóng nhỏ
nhoi với đuôi tóc đong đưa theo bước chạy xuất hiện. Khi bóng rõ thành
con bé gầy đen, lão già vung tay. Cái roi rít lên một tiếng lạnh người.
Con bé chỉ kịp đưa tay che mặt. Lằn roi bỏng rát vắt chéo qua sườn để
lại một vệt dài rướm máu. Nén đau, nó lủi thủi cầm mấy cái can nhựa ra
giếng. Múc đầy nước, nó dắt con bò già đến ra hiệu nằm xuống, buộc lên
lưng.
"Lấy tiền. Cho bò ăn. Kiếm củi và... thứ chi đó đem về".
Xong
mệnh lệnh, lão vung roi. Con bò ỳ ạch bước. Con bé lật đật chạy theo.
Lão già vói theo: "Kiếm được thì về ăn cơm, không thì ăn cỏ".
Con
đường mòn ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ men vách núi bò xuống thung
lũng Mỹ Sơn dài khoảng sáu, bảy cây số. Lội qua khe Thẻ, vạch lau lách
cao quá đầu người... Nhưng con bé quen rồi. Bao lần kiếm củi, chăn bò,
bao lần trốn lão cụt vào thánh địa tràn ngập tiếng chim và gạch đá im
lặng. Dọc đường con bé cho vào miệng những thứ có thể ăn được. Từ khi
vào thung lũng với nhiệm vụ mới, nó thường bị đói. Lão cụt thấy nó về
tay không với con bò bụng no cỏ chở đầy củi là nó bị nhịn. Đêm đói cồn
cào không ngủ được, nó như con chuột sục tìm cái ăn mọi xó xỉnh. Gạo
sống, sắn khô, những củ khoai non nhổ vội trong bóng tối... Không dễ
dàng gì đánh cắp cổ vật đào xới vì họ canh phòng kỹ lưỡng. Nó cũng không
muốn lấy của thần linh.
Bọn trẻ chăn bò
thường kể chuyện ma Hời trừng phạt những kẻ lấy cắp đồ thánh. Sớm muộn
gì cũng chết thảm. Để được ăn cơm, thỉnh thoảng nó cũng đem về một vài
mảnh tượng vỡ nhặt trong đống gạch đá. Lão cụt không hài lòng nhưng cũng
để đấy đợi dịp bán cắt cổ người cần mua. Vừa nhấm nháp sim chín, đọt
mâm xôi, nó vừa hái hoa. Nó thích có một bó hoa dại còn lóng lánh sương
và đẫm tiếng chim. Khi thung lũng thần linh hiện ra lộng lẫy trong nắng
sớm, huyền bí trong sương bạc, con bé dừng chân. Nó không hiểu được vẻ
đẹp của những ngôi tháp lở lói rêu phong kia nhưng vẫn bị mê hoặc. Cái
đống hoang tàn đổ nát bằng gạch đá đó chắc phải giá trị lắm, ông Tây to
đùng râu ria xồm xoàm như người rừng và bao nhiêu người nữa mới bỏ nhà
cửa vào lũng dựng lán nghiên cứu tu sửa. Lão cụt cũng bảo trong đó có
nhiều thứ quý giá vì đó là thánh địa ngàn năm của người Hời. Dưới nền
tháp cổ có vàng. Những pho tượng đá cũng có thể đổi thành vàng. Gặp dịp
là chôm, nhặt. Mày nhỏ không ai để ý.
Lão
đã đào nhặt cho đến khi một mảnh mìn cắt cụt một tay như lời cảnh báo
mà vẫn không chừa nỗi khát khao đổi đời từ kho báu của ma Hời. Khi thánh
địa trở thành công trường trùng tu, cấm dân đào xới, lão nghĩ đến nó...
- Con câm đem nước tới!
- Khát quá tui uống nước suối rồi. Chết biết liền.
-
Ông kiến trúc sư bảo chỉ tắm rửa, khoan uống. Chất độc hóa học từ rừng
đầu nguồn nước thời chiến tranh có thể làm nhiễm độc suối.
- Coi nó thồ nước từ làng vào khổ nhọc chưa tề! Ra đỡ cho nó.
Cái
lán nhỏ bằng tranh tre và tiếng người ồn ã khiến thung lũng ấm sự sống
và hơi người. Từ khi có họ, con bé rất thích vào thánh địa. Đám người
kia ngại uống nước suối nên nó mới có công việc thồ nước. Nó ngồi đợi
lấy tiền và trong thâm tâm, nó đợi ông Tây tốt bụng, có nụ cười dễ mến
trong râu.
"Ông Tây" sau khi lội quanh
các tháp đang sải những bước dài mạnh mẽ về phía lán. Trước khi chở nước
cho đội trùng tu, con bé cũng đã gặp ông một lần trong thung lũng. Ông
Tây to lớn rậm râu, da đỏ au ấy rất hiền. Ông ta bập bẹ tiếng Việt với
lũ trẻ chăn bò, còn về lán lấy suất cơm trưa của mình cho chúng, khi
chúng ăn thòm thèm gói cơm ghế sắn chấm muối đem theo. Thấy nó đứng một
mình lại chẳng có gì ăn, ông Tây đã cho nó một gói mì ăn liền. Đó là của
ngon đầu tiên nó nếm trong đời ngoài cơm độn, khoai sắn và quả dại.
Hương vị gói mì và ánh mắt ấm áp của người cho đọng mãi trong lòng nó
nỗi dịu êm chưa từng thấy.
Ông Tây chào nó với nụ cười nhân hậu trong râu. Nó rụt rè đưa cho ông bó hoa dại giấu sau lưng.
"O! Đep lam! Cam... on!".
"Con câm biết tặng hoa cho thủ trưởng, trời ạ!".
"Múc cho nó chén cháo! Nó phải đói lắm, chỉ thấy da với xương".
3. Năm 1978, thánh địa Mỹ Sơn được khai quang và tháo gỡ mìn. Bị rừng
rậm nuốt chửng năm thế kỷ rồi bom đạn vùi dập mấy mươi năm, thánh địa
ngàn năm rực rỡ huy hoàng của vương quốc Champa ngày ấy giờ hoang vu,
đầy mìn và rắn độc. Cả rừng tháp cổ đứng kề nhau trong thung lũng tuyệt
đẹp bọc tứ bề núi nay chỉ còn khoảng hai mươi tháp. Không cái nào nguyên
vẹn. Hoặc sụm xuống cả cụm dưới trận mưa bom hoặc tật nguyền, lỗ chỗ
thương tích. Đỏ rực trong chiều tà những ngôi tháp lở lói vẫn như những
ngọn lửa khát vọng đang cháy. Cháy trong thăng trầm dâu bể. Trong núi
thẳm rừng sâu. Trong mịt mù quên lãng. Trong bạo tàn bom đạn. Trong
ngưỡng vọng muộn màng...
Hai năm sau, Ba
Lan và Việt Nam hợp tác trùng tu. Nhân công lấy tại địa phương. Tôi là
một kiến trúc sư làm việc trong công trình ấy.
Thung
lũng hoang vu bắt đầu ấm hơi người. Phát hoang, dọn dẹp, sắp xếp hàng
ngàn mét khối gạch đá được khai quật... Bề bộn, cực nhọc và nguy cơ chạm
mặt với tử thần bởi bom mìn còn sót lại nhưng thật vinh dự. Chúng tôi
bê lên từ đống đổ nát những mẩu thịt da tươi nguyên của một nền văn hóa,
xót xa trước những mẩu vỡ, reo mừng trước một tác phẩm điêu khắc đẹp
không tả xiết bởi đôi tay nghệ nhân đã thành cát bụi. Công việc quyến rũ
đến nỗi không ai nhớ đến hiểm họa chiến tranh còn lẩn quẩn bên mình.
Ông
kiến trúc sư người Ba Lan, trưởng dự án trùng tu Mỹ Sơn suốt ngày quần
short, ở trần, bất chấp muỗi, rắn, nắng thiêu đốt, cứ đo chụp, ghi chép,
phác họa từng chi tiết vào sổ tay và luôn miệng thán phục: "Très
intéressant!". Để đỡ thì giờ đi lại, ông ở lại Mỹ Sơn, ngủ dưới vòm
tháp. Đời người dễ gì được ngủ khách sạn ngàn sao, được ru bằng nhạc dế,
được mơ thấy vũ nữ Chăm ngực trần trong đá bước ra dưới trăng mờ.
Chúng
tôi thảy đều bị thế giới gạch đá điêu tàn ấy mê hoặc. Tôi hay lang
thang khi xong việc. Trong thinh lặng, tôi có cảm giác hoa lá kỳ ảo nảy
nở, bắt gặp ánh mắt phù phép của đạo sĩ trên đài thờ hoặc nụ cười hoan
lạc của vũ nữ thiên tiên trên đá. Ông kiến trúc sư thích ghi chép bằng
hình vẽ, phác họa mọi thứ vào sổ tay. Duy gạch Chăm thì ông săm soi từng
mạch gạch, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ còn nguyên vẹn niềm kiêu hãnh và bí
mật mong tìm lời giải đáp: làm sao người xưa không cần sử dụng vật liệu
kết dính mà vẫn dựng nên đền tháp ngất ngưởng với thời gian thế kia?
Hội
Những kẻ Chàm ám mới gia nhập thêm hội viên. Một ông già người Chăm từ
Phan Rang ra thánh địa hành hương, xin ở lại giữ tháp và một con bé chăn
bò. Con bé rất khó đoán tuổi - hình hài còi cọc, phẳng phiu như đứa trẻ
lên mười nhưng đôi mắt hoang dại mênh mang buồn. Hỏi gì nó cũng không
nói, cứ nhìn chăm chắm như sợ người ta cắn. Chúng tôi gọi nó là con câm.
Một bữa khi lang thang cùng ông kiến
trúc sư, chúng tôi bắt gặp con câm bỏ mặc bò ăn cỏ, mê mải bắt chước
dáng điệu của một vũ nữ chạm khắc trên đá. Hai cánh tay gầy đen đủi của
nó dang rộng, mặt ngẩng say sưa. Bộ ngực lép kẹp ưỡn cong phô những giẻ
sườn. Nó đắm chìm rất lâu trong tư thế ấy. Ông kiến trúc sư giỏi ký họa
ngẩn người xúc động trước giấc mơ vịt con xấu xí biến thành thiên nga,
lấy sổ tay hí hoáy vẽ. Khi phát hiện ra chúng tôi, dải lụa trên tay con
bé lập tức trở lại nguyên hình cọng cỏ tranh sắc nhọn rơi xuống đất. Nó
xấu hổ lùi lũi dắt bò đi.
Sau đó ông kiến
trúc sư biến bức phác họa thành tranh màu nước treo trên vách lán.
Apsara hoang dại trong tranh không có nét tươi tắn duyên dáng và thân
thể căng trào sự sống như trên đá. Mảnh như cọng cỏ, áo quần tóc tai tơi
tả nhưng vẫn có gì lôi cuốn ở khát vọng hóa thân cháy bỏng.
Sáng
hôm sau vào đổ nước, con câm ngẩn người ngắm nó trong tranh. Phải lâu
lắm nó mới dời mắt dắt bò đi rồi đột ngột quay lại, đến trước chúng tôi,
hết chỉ vào tranh lại chỉ vào nó.
- Hắn muốn đổi bò lấy tờ giấy vẽ hắn! - Một anh chàng đùa rồi đến dắt con bò.
Con
câm giằng lấy sợi dây cột bò, tức tối bặm môi, ngửa cổ. Từ cái miệng
câm lặng của nó đột ngột vọt ra tiếng "N...ư...ớ...c...!".
Rời
rạc, choi chói, những âm tiết đẩy nhau ra khỏi cổ họng đang căng như
dây đàn nắm tay nhau đứng dậy liêu xiêu ngân rung trong nắng. Con câm
như vừa thoát khỏi cơn đau đẻ. Mặt đỏ bừng, mồ hôi rịn đầy trán, lưỡi
môi còn rung cong bởi sức nặng của cái tiếng khó nhọc vừa ném ra nhưng
mắt nó thì ngời ngợi như nữ thần chiến thắng.
- A, hắn nói được!
- Rứa mà tưởng câm!
-
Hắn rặn ra được một tiếng thủ trưởng ơi! - Anh chàng tếu táo chỉ về
phía con bé khốn khổ và gập người nhại lại tiếng "N...ư..ơ..c" của nó.
Tuy chỉ biết lõm bõm tiếng Việt, con người to lớn có đôi mắt màu biển
xanh và bộ râu của ông già Noel vẫn hiểu anh kia nói gì. Ông ta đến
trước con câm và chỉ vài động tác tay đã khiến bộ mặt nhăn nhó của con
bé gầy nhom dãn dần. Nó gật đầu lia lịa, còn cười bằng mắt. Thì ra nó
muốn đổi bức Apsara hoang dại lấy nước. Bao nhiêu nước cũng được.
Apsara
hoang dại không còn treo trên vách lán nhưng con bé vẫn được trả tiền
chở nước. Nó còn có bạn để chuyện trò bằng ngôn ngữ cử chỉ. Thỉnh thoảng
tôi gặp hai người bên thềm tháp. Như tạ gạo bên que củi. Tạ gạo đang ra
sức dạy cho que củi phát âm. Ông bảo con bé không câm bẩm sinh, có lẽ
chỉ câm sau một biến cố nào đó quá lớn mà thôi. Phải giúp nó nói trở
lại.
Con câm có nụ cười tuyệt xinh nhưng
hiếm khi nở trên môi. Chúng tôi cho nó ăn, dạy nó nói. Còn nó cho chúng
tôi những trận cười, giò phong lan tuyệt đẹp, nhánh dành dành tim tím,
cành lau trắng ngả nghiêng. Con bé giống viên gạch Chăm, nói nhiều điều
trong câm lặng.
4. Con câm nói trở lại
vào ngày bị rắn cắn. Hồi ấy Mỹ Sơn nhiều rắn lắm. Thường chúng không cắn
người. Nhưng con bé say sưa học múa với tượng đã giẫm phải nó. Con bé
nhào ra đám người đang làm việc, thét lanh lảnh: "Rắn! Rắn!". Mọi người
chẳng ai để ý lời nói trơn tru bởi họ bận nhào vào cứu chữa. Ông kiến
trúc sư xé ngay áo cột ga rô, rửa vết cắn. Định bế nó chạy ra bệnh viện
huyện thì ông già Chăm xuất hiện. Ông bảo thời gian ra đến bệnh viện đủ
nọc độc vô tim. Thấu tim là vô phương cứu chữa. Thà để nó cho ông. Con
bé nghe nói trườn ra khỏi tay bế nằm trên thềm tháp mở to đôi mắt khát
sống nhìn ông già. Rồi từ cửa miệng nó bật ra cả câu, rõ ràng từng âm
tiết: "Đừng để cháu chết!".
Nó nói lại thế đấy. Trơn tru, mạch lạc như chưa hề câm lặng.
Con
bé được uống thuốc gia truyền tẩy nọc của ông già Chăm và đắp chữa vết
thương. Nó chịu đựng thật dũng cảm những cơn đau khủng khiếp do nọc rắn
gây ra. Đau lắm. Gió thổi bay sợi tóc cũng đau. Quằn quại.
- Lủi vô cỏ thì ráng đỡ - Lão già cụt tay bảo.
- Hắn đau dữ rứa mà không thương. Bộ con câm không phải cháu ông hả ?
-
Tui lượm hắn trong thánh địa, kề bên mẹ hắn đã chết nổi dòi rồi. Lúc đó
hắn chừng bốn, năm tuổi, cứ rúc vô mẹ mặc kệ dòi bò trên mặt. Tui đem
hắn xuống suối tắm. Cũng không nghe hắn khóc. Đem về nuôi. Cũng chưa hề
nghe hắn nói dù cái chi hắn cũng hiểu. Con ni lì lắm. Trời đánh không
chết mô.
Con câm quay mặt khi ông già
nói. Không hiểu sao, tôi cũng không thích lão. Có lẽ vì những lằn roi
lão dành cho con bé thỉnh thoảng lộ qua manh áo rách...
Ông
già Chăm trở nên nổi danh vì rắn. Ngoài tài chữa rắn cắn, ông còn có
biệt tài chinh phục rắn độc như một nhà ảo thuật Ấn Độ. Chúng tôi đã
được xem ông điều khiển một con hổ mang uốn éo theo tiếng sáo của ông.
Ông bảo sẽ dạy rắn canh chừng cổ vật quý hiếm của tiền nhân. Con câm
được đổi tên vì nó không còn câm nữa. Ông già Chăm, người cho nó sống
lần thứ hai đặt tên nó là Tagiglao, một loài hoa nở rộ ở quê ông vào mùa
hội Katê. Còn tôi vẫn thích gọi nó là Apsara hoang dại.
5. Bức tượng sư tử đầu voi rất đẹp tìm thấy trong đống gạch đổ nát đột
nhiên biến mất. Ông kiến trúc sư tiếc đến đau đầu. Ban chỉ huy dự án họp
bàn những biện pháp ngăn chặn - cấm chăn trâu bò trong thung lũng thần
linh, không cho kẻ lạ vào công trường, gom cổ vật cử người canh giữ khi
chưa kịp chở về Đà Nẵng...
Apsara hoang dại buồn hẳn. Nó vào từ giã chúng tôi. Mắt đỏ hoe, nó vung tay lia lịa như có vẻ bức xúc lắm.
- Con này tụt lưỡi lại rồi, không nói được nữa! Chẳng hiểu nó muốn gì. Thông dịch viên đi vắng.
Ông già Chăm đến trước con bé, vỗ vỗ vào vai nó:
- Tagiglao, con muốn nói là con không lấy cắp tượng phải không ?
Con bé gật đầu òa khóc.
Tối
hôm sau, chúng tôi quây quần bên đống lửa uống rượu gạo tán gẫu. Xin
xỉn, nằm trên nền tháp nghe dế Mỹ Sơn miên man hòa tấu bản nhạc đêm
hoang dã. Gió lùa qua cổ tháp âm u mang theo hơi thở của ngàn xưa. Đêm
thơm mùi thiêng liêng của lễ thánh tẩy. Tiếng ngựa xe của đoàn quân
chiến thắng trở về dâng chiến lợi phẩm cho thần. Giữa lúc mơ màng tỉnh
say ấy tôi bỗng nghe tiếng rên.
"Hình như
có ai rên" - "Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than" - Duy trả lời bằng
câu thơ Chế Lan Viên. Anh chàng khác phụ họa: "Ma Hời cười đó mà!". Nửa
khuya như có tiếng cười thâu đêm". Họ bỗng ngừng đùa vì thủ trưởng đã
ngồi bật dậy nghe ngóng rồi chụp cây đèn pin sải những bước dài. Khi
chúng tôi theo kịp đã thấy ông quỳ bên một hình hài. Đèn pin soi rõ con
bé chăn bò quen thuộc! Nó nằm trên cỏ, ôm khư khư một vật gì đó. Thấy
ông kiến trúc sư, nó lẳng lặng đưa cho ông. Dưới ánh trăng ngàn chúng
tôi nhận ra bức tượng quý bị mất. Ông kiến trúc sư bế con bé về lán. Nến
soi rõ hàng chục vết xước, vết roi, đôi chân trần giẫm đá sỏi, gai góc
ri rỉ máu. Nó nằm lả vì kiệt sức nhưng mắt lấp lánh cười. Dường như nó
mãn nguyện đã đem pho tượng về trả chúng tôi.
O
nuôi cho nó uống nước đường và làm một tô mì gói. Nhìn con bé ăn mới
hiểu nó khốn khổ đến thế nào. Ăn hối ăn hả như sợ người ta giằng lại. Ăn
không sót chút nước, chút vụn mì. Ăn đến đâu hồi sinh đến đó. Mắt sáng
lên. Môi đỏ ra. Bờ mi phải đọng một nốt ruồi như giọt lệ đen. Dưới ánh
đèn cầy leo lét, tôi nhận ra Apsara hoang dại xinh đẹp và đói khổ đến
dường nào. Ăn xong, nó nằm vật xuống ngủ ngay không một lời giải thích.
Tấm hình hài bé bỏng tả tơi nói thay nó nỗi hãi hùng trải qua trên đoạn
đường rừng xuyên bóng đêm.
6. Con bé
chăn bò sợ lão cụt đánh không dám về. Nếu chúng tôi không thương tình
cho nó ăn có lẽ nó đã chết đói. Mỗi khi lão cụt hùng hổ vào thung lũng
tìm giết đứa nuôi ong tay áo, nó lại chui rúc trốn. Nó trốn chui trốn
nhủi cho đến một sớm mai người ta phát hiện lão già tham lam nằm chết
gần ngôi tháp làm nhà kho trưng bày, người sưng vù, tím ngắt. Ông già
Chăm bảo thần linh trị tội lão.
Dù lão
cụt đã chết, chúng tôi đã dùng nước suối, con bé vẫn gần như có mặt
thường xuyên trong thung lũng suốt mấy mùa trùng tu. Nó lớn lên như cây
hoang dã, trơ trọi, khốn khổ mà vẫn như đóa hoa dại của núi rừng. Nó mê
gạch đá không thua gì chúng tôi, chăm chút nhặt nhạnh từng mảnh vỡ trong
đống đổ nát đem cho ông Tây vì nó đã từng chứng kiến ông khóc trước một
bức tượng vỡ.
Tôi biết con bé vẫn âm
thầm học múa với các tượng vũ công, vũ nữ. Nó kiên trì tập đứng cho
giống tượng. Đứng được lại tập tòe chân, nghiêng người, chỉ tay... Nhiều
khi tôi không nhận ra con bé chăn bò khốn khổ. Tay chân nó gầy khô đen
đủi, ánh mắt u hoài man dại. Thế nhưng khi đứng trước tượng và đắm chìm
trong khát vọng hóa thân, nó bỗng khác hẳn. Nó như được tượng nhập. Ánh
nhìn bình thản. Gương mặt lai láng niềm hoan lạc thuần khiết. Những ngón
tay cáu bẩn đầy uy lực bởi độ mềm dẻo đến kinh ngạc. Tấm thân lau sậy
vẽ những đường cong sóng lượn. Ông kiến trúc sư tiên đoán nó sẽ trở
thành người múa Chăm giỏi vì nó lĩnh hội nghệ thuật từ thinh lặng của
đá.
Ông già Chăm thương nó lắm, bảo sẽ
đem về Phan Rang cho học múa, học hát. Tiếng hát nó trong như suối rừng
già, không lẫn tạp âm. Có lẽ vì được ấp ủ, chưng cất trong lòng bao
nhiêu năm tháng.
7. Người múa Chăm tài sắc vẹn toàn trước mắt tôi bây giờ là Apsara hoang dại ngày ấy.
Chúng tôi ngồi bên thềm tháp nhắc lại chuyện cũ. Đột nhiên cô bảo:
- Bây giờ em biết vì sao những viên gạch Chăm không cần chất kết dính vẫn gắn chặt nhau rồi!
- Hình như người xưa mài chập để kết dính chúng lại.
- Là chúng hôn nhau. Nụ hôn nóng bỏng khát vọng của một dân tộc!
Tôi ngạc nhiên nghe em nói. Con câm hoang dã luôn sợ người ta cắn ngày xưa bây giờ nói năng suy nghĩ như thế đó.
- Anh còn nhớ ông Tây không?
- Ông ấy người Ba Lan, người ta thường gọi là Kazik.
-
Nhưng em thích gọi là ông Tây. Ấn tượng thời thơ dại khó phai mờ. Thỉnh
thoảng em lại ăn ngấu nghiến một tô mì gói. Bức tranh ông Tây vẽ em, em
vẫn giữ. Khi ngã lòng, ngọn lửa khát vọng của Apsara hoang dại lại kéo
em đứng dậy. Cứ thế. Khi ông già Chăm mất, em tự nuôi sống mình, học
hành và trở thành người múa Chăm trong đoàn ca múa nhạc dân tộc...
Dấu
ấn ông Tây vẫn còn quanh đây - những mảng xi măng hiện đại trên nền
gạch rêu phong bí ẩn. Những con tiện bổ sung trên ô cửa sổ cố ý làm
khang khác con tiện gốc đứng cạnh như muốn thưa tôi thuộc về hậu thế...
Kazik quyết định trùng tu tháp Chăm theo quan điểm hiện đại. Giữ nguyên
vẹn di tích gốc, không làm giả, chỉ gia cố kỹ thuật để duy trì hiện
trạng. Phần gạch thuộc về dĩ vãng còn xi măng thuộc về công trình tu
sửa. Rạch ròi mới cũ phân minh.
- Em có gặp Duy gạch Chăm không?
- Ông ấy bây giờ là Duy tháp Chăm đó! Có thể làm hẳn một cái tháp Chăm, chỉ thiếu rêu phong.
Tôi
ngắm những cộng sinh thiên nhiên phất phơ trên đỉnh tháp, thân tháp.
Khát vọng tái tạo những ngôi tháp vang bóng một thời vẫn không nguội
lạnh trong lòng những người thương tiếc Mỹ Sơn nhưng hẳn tháp Chàm phải
trơ trọi lắm khi đứng ngoài dâu bể thời gian.
- Anh có thấy vệt nắng đi qua đỉnh tháp không?
- Không. Trong này tối thui.
-
Thế mà ngày nhỏ ngồi thu lu trong lòng tháp trốn lão cụt em thấy đó...
Em tin vệt nắng đi qua đỉnh tháp là do thần linh dạo gót trên trời và em
cầu nguyện thần cho em nói trở lại...
- Bây giờ em cầu nguyện gì đi! Tôi cũng cầu đây.
- Anh cầu gì?
- Trăm năm sau Thung lũng thần linh vẫn còn tháp Chàm.
- Trăm năm thôi à? Em cầu đến nghìn năm lận.
-
Thế em không thấy đền tháp tuy đã trở thành di sản thế giới vẫn ở trong
tình trạng phế tích, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào à? Chắc nhất là
cầu thần từng mùa mưa khi chưa có biện pháp trùng tu, bảo vệ.
Tôi cười. Em cũng cười. Bỗng nhận ra không phải ai mê Mỹ Sơn cũng phảng phất nụ cười an nhiên của đá!
(Quế Hương)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét