Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

THỰC CHẤT CỦA DỰ ÁN "CẢI TẠO CẢNH QUAN VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VEN SÔNG ĐỒNG NAI"


Núp sau cái tên dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, nhưng thực chất dự án này là lấp sông Đồng Nai làm đô thị với đầy rẫy những điều bất hợp lý.

Về luật

Trong luật Tài nguyên nước Số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 06 năm 2012 tại điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm có 10 khoản:

- Khoản 4 có nêu rõ quy định các hành vi bị cấm gồm: “đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch”. 

- Và khoản 5 quy định các hành vi bị cấm gồm: “Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa”.

Rõ ràng là Luật đã quy định không đặt vật cản để gây cản trở dòng chảy của Sông thì dự án này lại xây hẳn cả một khu đô thị trên sông. Hệ lụy từ dự án này khiến cả dân thường lẫn giới trí thức phải lo lắng vì nó ảnh hưởng đến nguồn nước, đến môi trường sống của hầu hết cư dân xung quanh khu vực sông Đồng Nai.


Thực chất của dự án là lấp sông xây đô thị

Trả lời với báo Thanh niên, chủ đầu tư dự án Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát “Chúng tôi làm dự án không phải vì lợi nhuận, đầu tiên là vì mục tiêu cải tạo cảnh quan dòng sông. Báo cáo tác động môi trường do Sở TN-MT thực hiện cho thấy không ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy”.

Nhưng trên thực tế trong báo cáo thường niên của công ty CP Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát năm 2013 lại cho biết, dự án này dự kiến xây dựng 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai gồm 108 căn hộ liền kề (bán hầm, trệt, lửng và 3 lầu) ước đạt 555 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ 2015 – 2017;

- Giai đoạn 2: có mức lợi nhuận kỳ vọng là 260 tỷ đồng.

Như vậy dự án thu về là một khoản lợi nhuận khổng lồ từ xây dựng nhà ở trên đoạn sông bị lấn. Rõ ràng là lấp sông để xây khu đô thị bán kiếm lời nhưng lại núp bóng dưới cái tên “cải tạo cảnh quan ven sông”, bất chấp những cảnh báo về hủy hoại môi trường.

Nhận nhiều phản đối

Dự án này vấp phải quá nhiều phản đối từ các giới chức, từ giới trí thức cho đến người dân bình thường sống quanh khu vực ven sông. Họ là những người hiểu về dòng sông này hơn ai hết vì đã sống và lớn lên cùng nó.

Đã có nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ các dự án tương tự, ví như dự án lấp đầm lầy để làm khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Sài Gòn. Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng đã được phép đầu tư biến khu đầm lầy thành một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu. Điều đáng nói ở đây là khu đầm lầy này trước đây là nơi xả nước của Sài Gòn mỗi khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, giờ đây đầm lầy hóa thành khu đô thị, nước không thoát được gây ngập khu vực xung quanh. Cuối cùng người sẽ phải chịu khổ chính là những người dân sống quanh khu vực này.

Chiều ngày 23/3 tờ VRN đã phát đi thông cáo báo chí phản đối dự án lấn sông Đồng Nai. Thông cáo cho rằng việc dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” với quy mô 8,4 héc ta tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sẽ có những tác động xấu, ảnh hưởng toàn diện đến môi trường kinh tế và xã hội trên lưu vực sông. Việc thực hiện dự án sẽ đặt tiền lệ xấu cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và dòng chảy của các con sông của Việt Nam trong tương lai.

VRN đã gửi văn bản đề nghị UBND rút lại giấy phép thực hiện dự án, đồng thời thông báo cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát dừng mọi hoạt động xây dựng để chờ kết luận của các bên liên quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét