Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

NGUYÊN NHÂN ẨN SÂU VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ NẠN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG



Sự việc một nữ sinh lớp 7 ở trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị gần chục bạn học sinh của lớp lao vào đánh hội đồng, trong đó có cả lớp trưởng mới được phát hiện gần đây cho thấy bạo lực trong học đường đã gia tăng đến mức báo động. 

12h trưa ngày 13/1/2015 tại trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh), em N.T.H. P, học sinh lớp 7/5 bị 7 bạn học sinh cả nam lẫn nữ lao vào đánh đập túi bụi, liên tiếp bị phang ghế vào đầu, tham gia đánh em P có cả lớp trưởng lớp 7/5.
Em P cho biết, nguyên nhân em bị đánh là do không nghe lời lớp trưởng xúi đánh một bạn nữ khác.

Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng thì lại xảy ra tiếp vụ gần 30 học sinh đánh nhau như phim hành động xuất hiện trên clip, đây đều là học sinh lớp 9, Trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn của 2 học sinh dẫn đến gây gổ, 2 em này kéo thêm bạn bè đến rồi chia hai phe đánh nhau. Trong clip còn nghe rõ “Cố lên, tiếp đi…đánh tiếp đi. Anh đang quay mà”.

Một vụ việc khác nữa là Quyên Thị Phương Hà (học sinh trường THPT Tử Đà, Phú Thọ) chỉ vì hiểu nhầm mà bị 4 bạn học cùng lớp đánh hội đồng, không chỉ bị thương tổn về thân thể, mà còn ảnh hưởng tâm lý đến nỗi không thể nói chuyện được và phải nghỉ học 5 tháng.  

Theo một thống kê của Bộ Giáo dục từ năm 2010 đến tháng 8/2014 có tới 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau bị xử lý kỷ luật (chưa kể số chưa bị kỷ luật), và tình trạng bạo lực đang có xu hướng gia tăng.
Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam mới đây đã khảo sát hơn 3.000 học sinh THCS, THPT và công bố có khoảng 80% học sinh từng bị bạo lực học đường ít nhất một lần ngay tại trường; 71% học sinh bị bạo lực trong sáu tháng.

Sau khi bị bạo lực các em còn bị tâm lý lo sợ, ám ảnh không dám đến trường, lo sợ bị trả thù.

Nguyên nhân bề mặt

Tại buổi hội thảo phòng chống bạo lực trong nhà trường do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 9/4/2010, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó trưởng Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: “Điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường ngày càng lan tràn như hiện nay là sự cô đơn bế tắc của trẻ. Cha mẹ chạy theo kinh tế, thầy cô chạy theo giờ hành chính, người lớn thiếu lòng yêu trẻ khiến các em không gần gũi, chia sẻ.”

PGS.TS Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý ĐH Văn Hiến, khẳng định: “Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của những trò chơi chém giết trong game, đồng thời cũng bị “nhiễm khuẩn” từ chính những cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội. Chính người lớn đã góp phần không nhỏ làm tăng thêm tính hung hãn, côn đồ ở trẻ”.

Tại buổi hội thảo này có nhiều ý kiến cho rằng giáo dục ngày nay nặng về kiến thức mà thiếu dạy làm người. Ngay cả giáo viên cũng sử dụng hình phạt mang tính bạo lực với học sinh, đối xử không công bằng với học sinh khiến các em bức xúc rồi dùng biện pháp quậy phá để lấy lại cân bằng.  

Hơn 80% học sinh khi được hỏi đều cho rằng những hình ảnh bạo lực từ game online, phim ảnh có tác động mạnh đến các em khiến không ít em bắt chước, làm theo.
Nhà tâm lý học trẻ em Sylvie Mansour phân tích ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực đến trẻ em như sau: Trước hết, các em sẽ bắt chước, tự xem mình là “người hùng” một cách ý thức hay vô ý thức. Sau đó là giai đoạn thẩm thấu vô thức, trẻ em vô tình có lời nói, cử chỉ giống nhân vật hư cấu mà vẫn tưởng bình thường. Giai đoạn thứ ba là phản xạ bạo hành của trẻ em nhanh và dễ dàng nếu điều kiện cho phép và sau đó các em cho bạo động là việc bình thường, không hề tỏ ra xúc động hay ăn năn sau khi đã phạm tội.

Nguyên nhân sâu xa

Ngoài các nguyên nhân trên bề mặt đã được đề cập ở trên, còn có một nguyên nhân sâu xa khác mà toàn xã hội cần nghiêm túc nhìn nhận lại.

Nguồn gốc văn hóa của dân tộc Việt bắt nguồn từ văn hóa cổ truyền mang tính bản thiện rất sâu sắc. các mối liên hệ các thành viên trong gia đình và xã hội đều hết sức gần gũi với cuộc sống, đó là bản chất của người Việt được truyền lại từ xa xưa đến nay.

Đến ngày nay những ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa cổ truyền mà ông cha để lại thì nhiều người không còn hiểu hết được nữa.

Mặt khác với sự du nhập học thuyết đấu tranh, đặc biệt trong giáo dục đã bôi đen nhân cách của học sinh. Những tấm gương của trẻ em là chú bộ đội cầm súng bắn Mỹ, học tập theo dũng sỹ diệt Mỹ để trở thành ‘dũng sỹ măng non’.

Học thuyết đấu tranh đầu độc trên tất cả mọi lĩnh vực, ví như “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận thông tin”, “chiến sỹ trên mặt trận văn hóa”, “chiến sỹ làm kế hoạch nhỏ”.

Giáo dục toàn ca ngợi những tấm gương anh hùng bạo lực, ngay từ mẫu giáo trẻ em đã được nhuốm màu bạo lực từ những bài hát như “em yêu chú bộ đội đánh Mỹ tài ghê”  v.v…, dũng sỹ diệt Mỹ đã thay thế cho cho vẻ thật thà chất phác của Thạch Sanh.

Mặt khác nhà trường và gia đình do ảnh hưởng của học thuyết đấu tranh lại vận động học sinh hay con em mình phải phấn đấu để học giỏi, phải đứng đầu, phải hơn người v.v…,

Mỗi khi có phong trào gì cũng vận động học sinh phải vượt lên đứng nhất, khiến cho học sinh trở nên ích kỷ, hiếu thắng, đối với nhau trở thành đối thủ, chỉ muốn tìm cách vượt lên trên bạn bè. Điều này khiến những học sinh không học giỏi bằng bạn bè trở nên tự ti và học sinh cũng ít có tính cộng đồng.

Thấy gì từ giáo dục Phần Lan

Chúng ta thử tìm hiểu về nền giáo dục Phần Lan, một quốc gia có nền giáo dục ấn tượng từng thu hút các chuyên gia giáo dục từ 65 quốc gia, kể cả nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ đến tìm hiểu khám phá nền giáo dục đất nước này.

Với phương châm nhà trường trở thành thiên đường của học sinh, giáo dục Phần Lan xóa bỏ cạnh tranh (ở Việt Nam vẫn dùng mỹ từ là ‘thi đua’, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực học đường ở Việt Nam), không có xếp hạng giỏi kém trong học tập và các kỳ sát hạch thi cử. Ở cấp tiểu học hoàn toàn không có kiểm tra kiến thức. Nhiệm vụ của giáo viên là làm cho học sinh hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã hội.

Học sinh Phần Lan có kỳ thi duy nhất sau 12 năm học đó là thi vào đại học, còn trước đó là một môi trường để trau dồi kiến thức chứ không có cạnh tranh.

Giáo dục Phần Lan tập trung cho học sinh yếu chứ không phải học sinh giỏi, học sinh giỏi cũng lo cho học sinh yếu, giúp chất lượng chung cả nền giáo dục cao, ươm trồng tinh thần hợp tác giúp đỡ nhau, vì thế mà học sinh thành những công dân có tính cộng đồng cao, sẵn lòng đỡ người khác, giúp văn hóa đạo đức của cả đất nước nâng cao.

Làm gì để hạn chế bạo lực học đường?

Cần xóa bỏ học thuyết đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực, ở lĩnh vực giáo dục cần để nhà trường thành môi trường để học sinh trau dồi kiến thức chứ không phải là môi trường phấn đấu nổi trội hơn người khác, không phải là môi trường thể hiện cái “tôi” của học sinh.

Ở điểm này thiết nghĩ Việt Nam cần học hỏi theo hướng của giáo dục Phần Lan đã đi qua, thực tế chứng minh có tác dụng giáo dụng hết sức tốt.

Mặt khác cần cương quyết xử lý game có tính bạo lực, hay hình ảnh phản cảm, cần đặt đạo đức xã hội lên trên hết chứ không thể vì lợi ích cá nhân.

Việc du nhập phim ảnh nước ngoài cần kiểm duyệt kỹ càng, loại bỏ tất cả các phim ảnh bạo lực.

Những nhân vật để học sinh học tập cần đặt đạo đức lên hàng đầu, khôi phục ý nghĩa văn hóa cổ truyền cho học sinh, dùng văn hóa cổ truyền của dân tộc là kim chỉ nam để giáo dục đạo đức học sinh.

Lịch sử cũng đã ghi nhận rằng, mỗi khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển văn hóa tinh thần cực thịnh, là lúc dân tộc có niềm tin tín ngưỡng vào văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét