Ngày xưa, có một “ông ba” đi từ sáng đến tối mịt mới về, bỏ một mình
má loay hoay vừa buôn bán vừa nuôi ba đứa nhỏ. Cả ngày có khi ba chỉ ăn
một bữa tối. Hết giờ làm ổng còn la cà đâu đó đánh bida, bóng bàn, tập
xe cho mấy cô gái làm chung ở công sở...
Câu chuyện lên đến cao trào khi má sinh thằng nhóc nữa. Để tới bệnh
viện, “mình ên” ngồi xích lô đi, “mình ên” ngồi xích lô về. Mà ngày đó,
thời chiến tranh, đạn pháo cứ đì đùng bên tai. Không biết con cái ở nhà
thế nào, đẻ xong không dám ở lại, đành quấn con, trùm áo xin về. Má kể
xong, thở dài: “Ổng ghé thăm như thăm bẫy, không hỏi được một câu: Bà
đói không, ăn gì tui mua”.
Câu chuyện và tình huống không lạ, má đã kể mấy chục lần, mà lần nào
má cũng phẫn nộ như lần đầu. Đến khi có con, mình mới biết, đón nhận một
đứa bé là một trải nghiệm quá lớn lao so với những xúc cảm thông
thường. Phụ nữ nào chẳng mong manh, nhạy cảm và rối bời cảm xúc, nhất là
trong giai đoạn sinh nở. Chẳng dám trách má rằng chuyện đã qua lâu rồi
sao má không bỏ đi cho nhẹ lòng.
Mình ở giữa không biết bênh ai bỏ ai, đành giả lả: “Chứ hồi đó ba làm
gì mà không chăm má?”. Ông già không biết cảm thấy thế nào, chỉ lẩm
bẩm: “Ai biết đâu”. Ông già cũng đã già thật, bữa nhớ bữa quên. Làm sao
bắt ông nhớ lại ngày đã qua... Nhưng hình dung cảnh một người đàn bà trẻ
sinh con một mình, chồng có cũng như không, hai mẹ con quấn chung cái
mền, ngồi xích lô về giữa những ngày bom đạn... Chỉ dám hình dung, không
dám nghĩ sâu hơn.
Nhớ chị bạn lớn, đi sinh một mình, gọi cho chồng, chồng ham nhậu
không về, điện thoại tới không bắt máy, vợ vừa đi vừa căm phẫn: “Tao sẽ
bỏ mày”. Sinh xong. Chị bỏ thật. Bỏ êm ru, nhẹ hơn người ta phủi bụi
trên áo. Chị giải thích cũng êm ru, có đáng gì một thằng đàn ông, không
chịu ở bên mình những khi mình cần hắn nhất.
Cô bạn làm chung cũng không ít lần phàn nàn: “Mẹ cả một đời cúc cung
tận tụy, nhọc nhằn không biết bao nhiêu mà kể. Ba tui đáp lại bằng đánh
đập, bồ bịch hết bà này đến bà kia. Đến khi lấy chồng, nhớ lại chuyện
của mẹ, ừ, việc gì mẹ không dám làm, tui làm hết. Vậy mà thằng chồng nó
sợ, không dám lăn tăn”.
Một lần tình cờ nghe trên đài một chị chuyên gia tâm lý
nói vui: Phụ nữ dễ dụ, chỉ cần khen một tiếng, nào là thiên chức, nào
đảm đang... Thấy thấm, chỉ vỏn vẹn vài chữ mà trói buộc bao nhiêu thân
phận.
Không biết có ám ảnh gì từ những người mẹ, người chị xung quanh, các cô gái trẻ
sau này, nhiều cô không thấy cặp kè gì, cả đám bạn cứ “đi mây về gió”
cùng nhau. Nay mua sắm cái này, mai đi “phượt” chỗ nọ. Hỏi han, mấy cô
chỉ ném một câu xanh rờn: “Đàn ông tốt hả? Một là chưa sinh ra, hai là
đã chết”; “Nói thiệt, bọn em chưa tìm được lý do để lấy chồng”; “Ừ, em
vẫn hy vọng ở đâu đó có người đang đợi em. Sẽ có một người từ trên trời
rơi xuống. Chắc thế. Nhưng bao giờ, ai mà biết được?”...
Quả thật, có nhiều khoảnh khắc trong đời người ta cần có nhau. Lúc ốm
đau, khi thất vọng, giờ trống rỗng, những đoạn sợ hãi... Nhiều nhiều
những thời điểm khác nhau. Nhưng cảm giác cần nhau đó có phải là tình
yêu?
Liệu đến một lúc nào đó, người ta quen tự chủ cuộc đời mình đến mức
có một ai đó xen vào tự dưng thành kẻ phá bĩnh? Có lúc nào người ta quen
sắp xếp đến mức, sự xáo trộn không còn cơ hội sinh ra? Có lúc nào người
ta quen tự chủ đến mức tình yêu bay ngang rồi đành... bay đi luôn? Hy
vọng đó chỉ là suy nghĩ của một người bắt đầu vào tuổi... lẩn thẩn, chỉ
suy nghĩ lòng vòng, nghĩ nhiều đến mức không dám làm gì. Mình vẫn cho
rằng, nếu chưa lẩn thẩn thì ai lại không nghĩ đến và cũng vun vén cho
mình một cuộc tình thật đẹp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét