Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm
virus khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bệnh được đặc trưng,
như tên gọi, bởi các sẩn da dạng bóng nước ở tay, chân, mông, gối, khủy
tay, và những vết loét ở miệng.
Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm.
Bệnh tay chân miệng ở người hoàn toàn khác với bệnh lở mồm long móng ở
súc vật như heo, trâu bò, cừu. Hai bệnh này không liên quan gì đến nhau,
và gây ra bởi hai nhóm virus hoàn toàn khác nhau.
Bệnh tay chân
miệng gây ra bởi một nhóm virus có tên là enterovirus, nhóm này có nhiều
chủng nhỏ khác nhau. Coxsakievirus A16 là virus gây bệnh phổ biến nhất,
bệnh với virus này thường nhẹ, tự hết và ít biến chứng. Enterovirus,
đặc biệt là Enterovirus 71, là loại thường có liên quan đến những biến
chứng nguy hiểm, và tử vong, tuy nhiên, số ca do virus này gây ra không
nhiều.
Bệnh tay chân miệng có nghiêm trọng không?
Đa số các trường hợp bị tay chân miệng phục hồi hoàn toàn, không biến chứng trong 7-10 ngày.
Mất nước là biến chứng phổ biến nhất của tay chân miệng do Coxsackievirus, do trẻ bị đau miệng và không chịu ăn uống gì.
Trong một số ít trường hợp, đặc biệt các ca do Enterovirus 71, bệnh có
thể có biến chứng viêm màng não, viêm não, và có thể trở nên nghiêm
trọng.
Diễn tiến bệnh, dấu hiệu và triệu chứng:
Bệnh tay
chân miệng rất dễ lây, vì bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp
xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng, nước miếng, dịch từ các bong nước,
và phân của người bệnh. Người bị bệnh thường dễ lây cho người khác nhất
trong tuần đầu tiên của bệnh. Bệnh tay chân miệng không truyền qua người
từ nguồn súc vật hoặc thú nuôi trong nhà.
Bệnh tay chân miệng đa
số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng
nhỏ càng dễ có triệu chứng nặng hơn. Đa số người lớn đã có miễn dịch đầy
đủ nên ít bị bệnh hơn, nhưng cũng có những ca tay chân miệng được báo
cáo ở trẻ vị thành niên và người trưởng thành.
Thông thường, thời gian ủ bệnh là 3-7 ngày.
Khi phát bệnh, sốt là triệu chứng thường gặp đầu tiên, và trẻ thường
chỉ sốt trong 1-2 ngày đầu. Khi đó, trẻ cũng có những dấu hiệu rất chung
chung, không đặc hiệu, như kém ăn, mệt mỏi, và thường than đau họng
(nhưng chưa có loét).
1-2 ngày sau khi bắt đầu sốt, trẻ bắt đầu có
những vết chấm đỏ trong miệng, dần phát triển thành bong nước và vỡ ra
thành vết loét. Những vết loét này thường xuất hiện ở lưỡi, lợi, và
vòm hầu, họng, mặt trong má.
Sẩn da cũng xuất hiện trong thời gian
này, với những chấm đỏ, phẳng hoặc gồ lên, và nhiều khi phát triển
thành bóng nước, thường phân bố ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông,
vùng khủy tay và đầu gối.
Một số ít trường hợp, khi trẻ bị biến
chứng nặng, sẽ có những dấu hiệu thần kinh và hệ thống. Đây là những trẻ
cần được theo dõi sát và được quyết định điều trị chuyên biệt kịp
thời.