Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh
Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội Nguyễn
Tấn Đời là một trong những người giàu có và tiếng tăm ở làng Bình Hòa
thời bấy giờ.
1. Vì vậy, từ nhỏ Nguyễn Tấn Đời được gia đình cho ăn học khá
đàng hoàng. Năm 1945 bị hăm dọa, Nguyễn Tấn Đời trốn lên Sài Gòn, không
tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày Nguyễn Tấn Đời lân la khắp
nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ngủ ngoài hàng hiên một ngôi nhà ở
đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng). Người chủ nhà thấy thương tình nên không nỡ đuổi đi, thậm
chí còn “tặng” ông một chiếc ghế bố. Đây là kỷ niệm khó quên trong
khoảng thời gian hàn vi của Nguyễn Tấn Đời, cũng chính vì thế mà sau này
khi làm ăn khấm khá ông quyết định mua một căn biệt thự trên con đường
này tặng ân nhân xưa.
Lang thang vạ vật ăn bờ ngủ bụi một thời gian
Nguyễn Tấn Đời được một người bạn giới thiệu vào làm sổ sách cho một
hãng buôn của người Pháp. Nhưng vốn là người không thích ngồi một chỗ,
ông bỏ công việc nhàm chán này và chọn nghề môi giới để kiếm cơm. Ban
đầu ông giao thiệp với các hãng lớn tại Sài Gòn như Descour Cabaud,
Denis Frères, Biderman… với đủ loại mặt hàng, dần dần ông tập trung
“chuyên môn” vào hai loại chính là vật liệu xây dựng và vải vóc, không
ngờ nghề “buôn nước bọt” này đã giúp Nguyễn Tấn Đời giàu lên rất nhanh,
trở thành một nhà môi giới có tiếng, đi lại bằng xe hơi sang trọng.
Khi
có vốn liếng, Nguyễn Tấn Đời quay sang một công việc khác: buôn bán
tiền Pháp. Nghề này đòi hỏi phải có vốn lớn và gan cũng lớn vì thời điểm
ấy đồng tiền không ổn định, thị trường rất bấp bênh, hên thì giàu to,
xui thì… ra tro. Và thất bại đã chọn đúng Nguyễn Tấn Đời, năm 1949, ông
lỗ trắng tay, đến nỗi phải bán cả xe hơi để trả nợ. Chán nản, ông định
quay trở về nghề môi giới để làm lại từ đầu, nhưng rồi ông cảm thấy nghề
này có phần hơi ác đức, khó mà vững bền nên quyết định chuyển sang một
nghề hoàn toàn mới: mở Hãng gạch ngói Đời Tân.
Là một ông chủ hãng
nhưng hàng ngày Nguyễn Tấn Đời cứ lóc cóc đạp xe đến từng ngôi nhà đang
xây để chào hàng. Thậm chí, lúc giao gạch ngói, ông tự mình leo lên mái
nhà căng dây lẩy mực rồi cùng thợ lợp ngói ngon lành. Đến khi lát gạch
nền cũng thế, ông xắn tay vào làm thành thạo như một người thợ nhà nghề.
Tuần nào ông cũng tới Tòa Đô chánh Sài Gòn – Chợ Lớn tìm xin địa chỉ những nhà đang xin phép xây dựng để đến tận nơi chào hàng. Ông chịu khó đến nỗi nhà ở Bình Đông, Chợ Lớn, mà cứ sáng sáng đạp xe sang tận trung tâm Sài Gòn giao hàng và thu tiền. Trưa đến thì vào công viên tìm một chiếc ghế đá trống để ngả lưng. Đến xế chiều, ông lại lọc cọc đạp xe về tận Bình Đông.
Với cách làm như thế, chỉ hai năm sau, doanh thu của xưởng gạch ngói Đời Tân vượt lên dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng. Nguyễn Tấn Đời còn sang tận Pháp, đến Guillon Barthelemy để học hỏi công nghệ làm gạch ngói của người Pháp. Từ đó mẫu mã và chất lượng sản phẩm của ông chinh phục được hầu hết khách hàng, nơi nơi đều ưa chuộng. Hãng gạch ngói Đời Tân trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cung cấp cho thị trường từ Sài Gòn, miền Đông cho đến cả miền Tây Nam Bộ.
2. Phi thương bất phú
Sau sự thành công của Hãng gạch ngói Đời Tân, Nguyễn Tấn Đời mở rộng việc làm ăn ra đủ loại ngành nghề, nghề nào cũng mang lại lợi nhuận kếch xù. Năm 1952, ông sang Hồng Kông tìm thị trường chuyển ngân Sài Gòn – Paris – Hồng Kông, đăng ký nhập cảng lưới đánh cá từ Nhật về Hồng Kông sau đó từ Hồng Kông xin giấy nhập khẩu về Sài Gòn, rồi xuất cảng gạo từ Sài Gòn sang Hồng Kông, Singapore…, chưa hết, Nguyễn Tấn Đời còn sang Pháp lập Hãng Construction Métalliques để xuất cảng sườn sắt cho quân đội Pháp xây đồn bót… Năm 1953, ông lại mở công ty quảng cáo, cạnh tranh mạnh mẽ với Công ty quảng cáo AIP của người Pháp. Ông còn với tay sang lĩnh vực phim ảnh, lập Công ty Cửu Long Film, nhập phim từ Pháp về Việt – Campuchia – Lào rồi làm phụ đề cho thuê. Đến năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, người Pháp vội vã bán đồn điền để về Pháp, Nguyễn Tấn Đời bung tiền mua lại.
Năm 1955 - 1956, ông sang Campuchia đấu giá hội chợ và hùn vốn mở một công ty nhập khẩu xe đạp và máy móc nông ngư cụ đem về tiêu thụ tại miền Nam… Rồi ông cho nhập máy cày từ Âu – Mỹ về miền Nam bán cho nông dân. Thậm chí ông còn xoay qua hoạt động trong lĩnh vực hải sản, với một loạt những chiếc tàu đông lạnh ngày đêm hoạt động ngoài khơi. Đây là một ngành nghề rất mới mẻ thời bấy giờ, và nó đã đem lại cho Nguyễn Tấn Đời nhiều món lợi khổng lồ, vào những năm 1968, 1969, tại miền Nam phế liệu do quân đội Mỹ thải ra từ các căn cứ quân sự rất nhiều, chất cao như núi. Người ta cho đó là những đống rác bình thường nhưng Nguyễn Tấn Đời nhìn thấy vàng trong các đống rác đó. Ông đấu thầu mua lại toàn bộ với cái giá như cho không! Và, từ những đống phế liệu đó, ông cho nấu lại lấy đồng làm dây điện với nhãn hiệu Vidico, hãng Vidico trước đó bị phá sản do làm ăn thua lỗ, Nguyễn Tấn Đời bỏ vốn mua lại và biến nó từ đống tro tàn thành một hãng dây điện nổi tiếng miền Nam. Sản phẩm chất lượng tốt, lại trích hoa hồng cao cho các đại lý, vì vậy mà chẳng bao lâu dây diện Vidico của Nguyễn Tấn Đời đã lan tràn khắp nơi, trở thành một sản phẩm được tiêu thụ rất mạnh từ Quảng Trị cho đến Cà Mau, cạnh tranh mạnh mẽ, lấn lướt cả hàng ngoại nhập.
3. Ông “vua” cao ốc miền Nam
Đầu thập niên 1950, tại Sài Gòn có rất nhiều biệt thự được người Pháp xây dựng tại quận 3. Những ngôi biệt thự này một phần được cấp cho các quan chức chính quyền, một phần dành cho các nhà đại phú thuê ở. Một số nhà kinh doanh cũng học theo người Pháp, đầu tư xây dựng biệt thự để cho thuê, tuy nhiên Nguyễn Tấn Đời nghĩ khác, ông cho rằng chi phí để xây dựng biệt thự quá cao, lại tốn quá nhiều quỹ đất. Chính vì vậy, ông không đi theo lối mòn của người Pháp mà học hỏi con đường kinh doanh của các nước tân tiến Tây phương: đầu tư xây cao ốc. Năm 1954, cao ốc đầu tiên do ông xây dựng được đưa vào sử dụng. Đó là cao ốc Mai Loan 125 phòng tại số 16 Trương Định. Toàn bộ số phòng trên đều được thuê, đa số là những người sống độc thân như nhà văn, nhà báo, ca sĩ, vũ nữ…,
Năm
1955, thấy dân Sài Gòn đang sung túc, làm ăn mua bán nhiều, Nguyễn Tấn
Đời xây thêm cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở số 177 – 179
đường Lê Thánh Tôn. Các căn hộ trong cao ốc này rộng rãi và tiện nghi
hơn cao ốc Mai Loan, khi khánh thành cũng được thuê hết.
Một thời gian sau, Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc thứ ba là cao ốc Victoria ở số 937 đường Trần Hưng Đạo. Cao ốc này được xem là cao nhất và nhiều phòng nhất thời bấy giờ, gồm 240 phòng. Tuy nhiên, sau khi xây xong ông không cho thuê ngay như cao ốc Mai Loan và Tân Lộc mà để đó… chờ sau này người Mỹ thuê ở. Đến năm 1962, ông đầu tư xây cao ốc President ở số 727 đường Trần Hưng Đạo với 1.200 phòng, và ngay tức khắc nó đã được người Mỹ thuê dài hạn 10 năm, đến năm 1963, khi thấy Mỹ sắp hất Ngô Đình Diệm để chuẩn bị đưa lính Mỹ vào Việt Nam, Nguyễn Tấn Đời cho xây thêm cao ốc Đức Tân ở số 491 đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và cao ốc Prince ở số 175 – 177 đường Phạm Ngũ Lão.
Có thể nói, vào những năm 1960,
Nguyễn Tấn Đời là “vua” cao ốc của Sài Gòn. Những tòa cao ốc của ông rất
đồ sộ, có cái lên đến 1.655 phòng và tất cả được người Mỹ thuê hết, từ
tay trắng trở thành tỷ phú, cái tên Nguyễn Tấn Đời được người dân cả
miền Nam biết đến. Nhiều người tỏ ra khâm phục, kính trọng, nhưng cũng
lắm kẻ ghen ghét ganh tỵ, luôn tìm sơ hở để hãm hại ông. Nhưng với một
con người có khả năng thiên phú như Nguyễn Tấn Đời, ông đã vượt qua tất
cả, đi lên từ chính bàn tay khối óc của mình, thời gian sau, ông nhảy
sang kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng với cương vị là Chủ tịch Hội
đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa – một ngân hàng
thương mại lớn nhất miền Nam những năm 1970.
Ông đã có những cải tổ gây
chấn động ngành ngân hàng, “làm mưa làm gió” suốt một thời gian dài, gây
ra những làn sóng dai dẳng khen chê đủ kiểu làm tốn không ít giấy mực
của giới báo chí Sài Gòn, chỉ bốn năm sau, vào năm 1971, TNNH hầu như
trùm thiên hạ, lấn lướt hẳn các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng Việt Nam
Thương Tín. Biểu tượng ông Thần Tài đưa cao tay với xâu tiền điếu trong
tay, hầu như quen thuộc với mọi người. Ở tận các hang cùng ngõ hẻm, dân
nghèo sở hữu một món tiền nho nhỏ đều có thể có cuốn sổ tiết kiệm “Thần
Tài”.
Nhưng đùng một cái, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bị bắt! TNNH bị sụp đổ! Nguyễn Tấn Đời ở tù cho đến ngày 30/4/75, nhân lúc tình hình còn lộn
xộn, ông Đời đã thoát ra khỏi khám Chí Hòa, sau đó về Rạch Giá để rồi
lên tàu (do người nhà đóng sẵn) rời khỏi Việt Nam, định cư Canada. Tại
đây, ông mở một số nhà hàng Nhật và qua đời ở tuổi 70....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét