Vì sao tôi
viết nhiều về VTV? Không phải vì tôi "thù địch" với cơ quan truyền
thông này. Chỉ vì, VTV là truyền hình quốc gia gắn kết chặt chẽ với giáo
dục, nền tảng của xã hội. Một cơ quan giáo dục phổ thông, đại chúng, có
sức mạnh tác động lớn nhất như thế, nếu không chuẩn mực sẽ gây tác hại
lâu dài. Mọi nỗ lực của ngành giáo dục về sự đổi mới căn bản và toàn
diện để hội nhập đã và đang bị cơ quan truyền thông này ném xuống sông
xuống biển.
Dư luận đã từng chỉ trích VTV về việc sử dụng tiếng Việt, sai từ chính tả đến cú pháp làm hỏng sự trong sáng của tiếng Việt.
Dư luận cũng từng chỉ trích VTV về những kiến thức không phải là kiến
thức trong những trò chơi tri thức. Tranh luận mở trên VTV chỉ là tranh
luận một chiều, bị cắt cúp để định hướng cho cái xấu phát triển.
Đặc biệt, sự giả dối là điều khó tha thứ khi nó hủy hoại lòng tin, làm tha hóa nghiêm trọng đạo đức, lối sống của người Việt.
Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương (Đồ Chiểu). Vì còn thương cái cơ
quan truyền thông mà tôi không xem thì cũng gia đình, con cái của tôi và
tất cả mọi người hàng ngày đều phải gắn bó với nó, cho nên phải lên
tiếng.
Tôi biết VTV quen thói trịch thượng, không biết nghe ai, thậm
chí còn đe dọa, như đã từng đe dọa bạn Bùi Minh Tuấn khi đánh cắp bản
quyền của người ta. Nhưng phải nói. Nói cho dân biết để phân biệt thật
giả.
Công bằng mà nói, trong clip VTV đấu tố Phan Anh, có 2 phát ngôn của
những người tham gia đấu tố đã mang đến 2 thông điệp đáng được ghi nhận
và cần phát huy:
Một, của đại tá an ninh kiêm nhà thơ Hồng Thanh Quang: Mình phải chịu trách nhiệm những gì mình đã làm và sẵn sàng hối lỗi.
Hai, của “nhà tâm lí học hành vi” Phạm Mạnh Hà: Tôn trọng sự khác biệt.
Bài này chỉ phân tích thông điệp thứ nhất.
Gạt đi ý đồ đe dọa của một đại tá an ninh, vấn đề trách nhiệm là điều cần thiết đối với mỗi công dân tham gia dư luận. Không trách những người do sợ hãi mà giấu tên, mạng xã hội không thể là nơi để mọi người bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Tôi đã từng là nạn nhân của sự bịa đặt, xuyên tạc, vu khống nên rất hiểu điều này. Chúng ta đang cần sự thật, không thể lấy sự dối trá chồng lên sự dối trá, như tôi đã từng viết.
Nhưng
có điều, bất cứ sự dối trá nào cũng có thể bị vạch trần ngay tức khắc
trên mạng xã hội. Sự dối trá chỉ có thể lừa một ít người, không thể lừa
cả triệu người.
Quan niệm của tôi, mạng xã hội hẳn nhiên là thế giới
ảo: nick ảo, người ảo, hình ảnh ảo…, nhưng lại là nơi bộc lộ nhiều sự
thật nhất. Chẳng phải như chị Tạ Bích Loan nói: “Bạn có bao giờ ra ngoài
đường và tự nhiên lại nói điều thầm kín và thì thầm với cả những người
ngoài đường mà bạn không quen biết không? Bình thường chúng ta không làm
thế nhưng chúng ta đã làm thế trên FB”. Tiếc là Tạ Bích Loan lại mỉa
mai vào sự thổ lộ này để khuyến khích sự che đậy, giả dối. Hay như anh
Cu Trí khẳng định: “Chúng ta đang nộp đời tư của chúng ta một cách vô
thức”. Giống như Tạ Bích Loan, Cu Trí cũng không che giấu sự mỉa mai,
miệt thị. Rõ ràng là FB thực hơn cả sự thực. Những gì trong đời thường
khó nói, người ta nói trên FB. Những gì không thỏa mãn trong đời sống
thực, người ta thỏa mãn trong thế giới ảo. Phạm Mạnh Hà nói rất đúng,
mạng xã hội là nơi người ta “thỏa mãn được quan điểm, thỏa mãn được tư
tưởng, thỏa mãn được những nhu cầu khác”. Ở mạng xã hội chỉ có chiếc mặt
nạ carnaval để che giấu thân phận (vì sợ hãi quyền lực) chứ không có
chiếc mặt nạ đạo đức giả.
Biết vậy, đã nói được vậy, nhưng thật lạ
là các người vẫn hô to, rằng thế giới ảo là giả bịa, sai sự thật. Do
động cơ lời nói của các người không trong sáng, nói theo lời kẻ khác,
nên câu trước đá câu sau. Chị Tạ, anh Phạm vẫn khăng khăng, thông tin
trên mạng xã hội không đáng tin. Anh Cu Trí tưởng share mấy bài thơ của
mình lên FB là “có thể nổi tiếng sau một đêm”. Cu Trí nhầm lẫn trong cả
triệu Cu trên FB, dễ có một vài cu to nhất để thành nổi tiếng. Kẻ hoang
tưởng thường nhầm người khác cũng hoang tưởng như mình. Cu Sơn còn nói:
“Sống thực tế lên một tí”. Cu Sơn mới mấy tuổi đầu đã tỏ ra cụ non,
khuyên rằng hãy rời FB mà đi kết bạn và đi tìm người yêu ngoài cuộc đời.
Cu Trí, Cu Sơn ơi, tôi cá chắc với các Cu, rằng ngoài đời toàn là giả
đấy. Đơn giản thế này, ở ngoài đời, giữa hội trường, các sếp hoặc nói
như vẹm hoặc nói bậy đều được mọi người vỗ tay và tung hô. Nhưng trên FB
thì không có chuyện ấy. Nói như vẹm, nói bậy, lập tức bị ném đá vỡ đầu!
Đố các Cu, đâu là thật đâu là giả?
Ngoài đời sống có thể có chuyện
“bầy đàn”. Một đám đông với thân phận bé nhỏ có thể vì sợ hãi mà a dua
theo kẻ có quyền lực, bị quyền lực xỏ mũi. Nhưng ở mạng xã hội thì không
có chuyện đó. VTV nhân danh quyền lực đấu tố Phan Anh, có được mấy ai
bị xỏ mũi theo? Mạng xã hội là thế giới tự do – bình đẳng, không phân
biệt. Ở thế giới tự do – bình đẳng ấy, mọi tiếng nói được cất lên với
tất cả sự đa thanh sống động của nó, không ai có thể xỏ mũi ai.
Mạng
xã hội không là chiếc bong bóng bay cho những cái đầu hoang tưởng như
các Cu. Mạng xã hội là nơi làm vỡ thứ bong bóng ấy để các sếp trở về với
sự thật.
Đó là lí do những kẻ quen với sự ve vuốt, nịnh bợ, quen với sự dối trá rất sợ hãi mạng xã hội. Kẻ thù địch với mạng xã hội chỉ có thể là kẻ không dám đối mặt với sự thật.
Đó là chưa nói lợi ích lớn nhất của mạng xã hội là nơi để con người trút xả stress thay vì kìm nén, ức chế dẫn đến bạo loạn, bạo lực.
Một chính quyền tốt rất cần mạng xã hội, bởi ở đó lãnh đạo được chia sẻ, được nghe đầy đủ nhất, chân thật nhất lòng dân. Tôi hoan nghênh ở một số địa phương, các quan bắt đầu biết chơi FB để lắng nghe được tiếng nói chân thực nhất của dân mà không bị những lời nịnh hót hàng ngày ru ngủ.
Biết được lòng dân mới có thể có chính sách đúng, hợp lòng dân! Không có chuyện ý chí quyền lực đi trước, buộc lòng dân phải theo sau! Dân không là trâu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét