Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

TIN KHÓ TIN: DU KHÁCH TRUNG QUỐC LẠI "MÚA GẬY VƯỜN HOANG" VÀ SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ RỒNG ĐỎ NHIỄM CHÌ

Du khách Trung Quốc không chỉ "múa gậy vườn hoang" không chỉ là chuyện riêng của Nha Trang khi Đà Nẵng thừa nhận "mất kiểm soát" từ việc đốt tiền Việt, tiêu tiền Nhân dân tệ đến chuyện mang theo hướng dẫn viên khi đi du lịch và xuyên tạc lịch sử. Lại chết đau đớn, tức tưởi, oan ức ở bệnh viện khi bác sĩ ép tim bệnh nhân đến gãy một lúc hai cái xương sườn. Chưa bao giờ "nhà thương" thiếu tình thương và đáng sợ như bây giờ. Nhưng đáng sợ hơn cả là sự im lặng của nhà sản xuất C2 và Rồng đỏ sau vụ nhiễm chì... 

1. Du khách Trung Quốc lại "múa gậy vườn hoang"

Không chỉ có mỗi Nha Trang của Khánh Hòa, du khách Trung Quốc cũng đang "múa gậy vườn hoang" ở Đà Nẵng. Và chuyện khách du lịch Trung Quốc chỉ tiêu đồng Nhân dân tệ và đốt tiền Việt Nam ở một quán bar tại Đà Nẵng vừa rồi chưa phải là điều tồi tệ nhất đối với ngành du lịch của thành phố này.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng nói rằng sự gia tăng lượng du khách Trung Quốc đến địa bàn thành phố (chiếm 40% lượng khách quốc tế) đang có những biểu hiện gần như ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.


Một nhóm du khách Trung Quốc tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). 
Ảnh: Trần Thường.

Hơn 100 hướng dẫn viên tiếng Trung của thành phố Đà Nẵng đang trong tình trạng “phẫn uất” bởi các đoàn khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không sử dụng hướng dẫn viên Việt Nam mà mang theo hướng dẫn viên người Trung Quốc.

Và những hướng dẫn viên Trung Quốc này giới thiệu về Đà Nẵng, về Việt Nam cho khách của họ như thế nào?

Có hướng dẫn viên tiếng Trung của Việt Nam phát hiện hướng dẫn viên của Trung Quốc giới thiệu “trước đây Việt Nam thuộc Trung Quốc, toàn bộ biển Đà Nẵng là của Trung Quốc”, ông Vinh cho biết.

Hết Khánh Hòa rồi đến Đà Nẵng, còn những nơi nào nữa trên đất nước mình khách du lịch Trung Quốc đang múa gậy vườn hoang do chính quyền địa phương quá ơ hờ và lỏng lẻo trong quản lý?

Nếu không sớm nhận thức đây là những mối nguy, không có ngay những biện pháp mạnh tay thì hậu quả xấu và hệ lụy, không chỉ đơn thuần là của riêng ngành du lịch hay của một vài địa phương!


2. Bác sĩ ép tim, bệnh nhân gãy xương sườn

Vợ ông Vinh mong các cơ quan chức năng sớm làm 
sáng tỏ cái chết của chồng. Ảnh: Dân Việt 
 
Lại sự cố ở bệnh viện nhưng lần này không phải toàn mạng kiểu chữa khớp gối bị cưa chân, đau tay phải mổ tay trái mà là chết người, chết đau đớn, chết tức tưởi, chết không rõ lý do vì sao chết?

Nạn nhân là ông Tạ Vinh (50 tuổi, trú phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông). Ông Vinh bị đau lưng nên đi chụp X-quang tại một phòng mạch tư. Bác sĩ phòng mạch chẩn đoán ông bị chướng hơi dạ dày và cho thuốc uống.

Uống được một ngày, ông Vinh chuyển qua đau bụng nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đăk Nông và được chẩn đoán đau ruột thừa.

Ông Vinh nhập viện và và 8 giờ sáng ngày hôm sau thì tử vong nên bệnh viện bàn giao thi thể để gia đình an táng.

Thấy có gì đó không đúng bởi trước đó ông Vinh đang rất khỏe mạnh, buổi sáng trước khi nhập viện còn rủ bạn bè ăn sáng, cà phê,  vợ ông Vinh cho rằng chồng mình chết bất thường nên nhờ công an làm rõ.

Và vợ ông Vinh đã đúng bởi khi cơ quan pháp y và Công an tỉnh Đăk Nông đã đến nhà nạn nhân, bật nắp quan tài để làm thủ tục khám nghiệm thì kết quả cho thấy, ông Vinh bị gãy 2 xương sườn số 2 và 4, phổi bầm, gan bầm, tím ứ nước và tụ máu não.

Hiện Sở Y tế tỉnh Đăk Nông chưa kết luận về cái chết của ông Vinh, nhưng giải thích việc hai cái xương sườn của ông này bị gãy là do khi bị ngưng tim, các bác sĩ ép tim dẫn đến việc… gãy xương sườn.

Ôi trời, ép tim mà gãy một lúc hai cái xương sườn thì chỉ có nước bác sĩ đứng lên lồng ngực ông Vinh rồi dùng chân mà đạp!

Bệnh viện là nơi cứu người, ngày trước người ta gọi bệnh viện là "nhà thương" nhưng chưa bao giờ nhà thương lại thiếu tình thương và đáng sợ như bây giờ!


3. Sự im lặng đáng sợ của Rồng đỏ nhiễm chì

URC Việt Nam đang chọn giải pháp im lặng là vàng 
trong vụ C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì?  
 
Hơn một tháng kể từ khi hàng nghìn chai nước trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ của Cty TNHH URC Việt Nam được phát hiện có hàm lượng chì vượt mức cho phép, có thể đe dọa sức khỏe người tiêu dùng Việt được đưa ra thị trường, nhà sản xuất vẫn chọn giải pháp im lặng thay vì xin lỗi người tiêu dùng về những sai sót của mình.

Thậm chí ngay cả việc đã được quy định trong Điều 22, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông”... nhà sản xuất này vẫn chưa làm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - lo ngại sự im lặng kiểu “để lâu cứt trâu hóa bùn” thế này có thể khiến vụ việc có thể bị “chìm xuồng” và thiệt hại lớn nhất vẫn là người tiêu dùng.

Hình như URC cho rằng im lặng là vàng. Và đây không phải là lần đầu tiên URC chọn giải pháp im lặng bởi trước đó năm 2015, URC từng bị phanh phui quá trình xây dựng, mở rộng nhà máy sản xuất nước C2 (URC Hà Nội, tại khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) đã không được cơ quan hữu trách Việt Nam cấp phép xây dựng, xây đè lên quy hoạch chung của khu công nghiệp.

Và trong vụ  xây dựng “nhà máy chui” này, không chỉ URC Việt Nam im lặng mà ngay các cơ quan hữu trách của Hà Nội, Tổng cục Môi trường- Bộ TNMT cũng chọn cách im lặng trước truyền thông, trước dư luận.

Im lặng, trong trường hợp này thật đáng sợ bởi đó là chỉ dấu của thái độ vô cảm, xem thường sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng của lãnh đạo URC Việt Nam cộng với sự “tiếp sức” của những lãnh đạo và cơ quan có thẩm quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét