Borries Gallasch vào tháng 4-1975 là phóng viên của báo Tấm Gương (Đức), thường trú tại miền Nam VN.
Từ trái sang: ông Nguyễn Văn Binh, ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông
Dương Văn
Minh, ông Nguyễn Văn Hảo và ông Vũ Văn Mẫu
đang nói chuyện với đại diện
quân giải phóng trưa 30-4-1975
(ảnh do gia đình nhà báo Borries Gallasch
tặng đại tá Bùi Văn Tùng)
Sáng 30-4-1975, mặc dù “sợ đến run cả hai đầu gối”,
Borries Gallasch vẫn tìm cách “lọt” vào bên trong dinh Độc Lập, và sau
đó trở thành phóng viên nước ngoài duy nhất chứng kiến thời khắc lịch sử
ở Đài phát thanh Sài Gòn.
Dưới đây là tường thuật của ông, với tư cách một nhà
báo. Nó được viết cách đây 32 năm và được in trong cuốn Ho - Tschi -
Minh Stadt. Vì cuốn sách được viết từ năm 1975, nên không thể tìm thấy
trong các hiệu sách ở Đức. Nhờ nỗ lực của nhà quay phim Đặng Việt Tùng,
bản sách duy nhất của Borries Gallasch đã được gửi về VN vào giữa năm
2006.
“Lọt” vào nơi chuyện quan trọng sẽ xảy ra
Đúng 7 giờ sáng, những chiếc máy bay trực thăng cuối
cùng của không lực Hoa Kỳ rời khỏi Sài Gòn. Đến 12g trưa, những lá cờ
của Mặt trận Giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập.
Dietrich Mummendey cùng tôi đã trụ lại qua đêm tại Hội
Chữ thập đỏ nằm trên đường Hồng Thập Tự. Vào khoảng 8 giờ sáng, chúng
tôi đi đến khách sạn Caravelle nơi tập trung hầu hết phóng viên thông
tấn nước ngoài còn ở lại. Đầu tiên là người Pháp, người Nhật, một vài
người Anh, Ý và cả chúng tôi. Mummendey và tôi không thể nán lại lâu hơn
nên đã đi đến văn phòng của Hãng Reuters, nằm cách khách sạn khoảng
2km.
Mặc dù sợ đến run cả hai đầu gối, nhưng sau đó tôi vẫn
đi bộ đến dinh Độc Lập vào lúc 11g sáng hôm ấy. Tôi đứng một mình trước
dinh mà giờ đây yên lặng như một viện bảo tàng và ngổn ngang những mũ
sắt, quân phục, súng ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống
tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
Không có một bóng người nào ở đó. Những tiếng nổ từ phía kho đạn của sân
bay Tân Sơn Nhất vẫn còn vọng lại. Tôi bước qua cánh cổng sắt mở hé.
Một thiếu tá bước sát ngay bên cạnh tôi, nhưng làm như có vẻ không nhìn
thấy tôi. Tôi băng ngang qua bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất
cứ lúc nào. Ngay bên những bậc thang dẫn đến lối vào chính có những
người lính đang cãi vã. Một chiếc Limousine đen, bên trong là ông Nguyễn
Văn Huyền, phó tổng thống của một chính thể không còn nữa, nói với tôi:
“Chúng tôi đang chờ phái đoàn của Mặt trận Giải phóng vào dinh, anh có
thể đợi nếu anh muốn”. Những người lính của đội cận vệ tổng thống thậm
chí đã không thèm chào khi một nhân vật quan trọng thứ hai của quốc gia
được chở ra bằng cổng sau.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước tiếp lên những bậc
tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi lên lầu một. Tại đây tôi
gặp Hà Huy Đỉnh - một luật sư Sài Gòn người nhỏ bé và cũng là học trò
của thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Hà Huy Đỉnh, người mà chỉ vừa mới đi lên từ
tầng hầm đã có cùng ý nghĩ như tôi: đi đến một chỗ mà nếu có chuyện gì
quan trọng xảy ra thì sẽ xảy ra ở đấy.
Một cảnh ngoạn mục
Trong khoảnh khắc ấy, khi chúng tôi còn đang đứng ở
giữa sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Minh “lớn”,
thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người thân cận từ dưới hầm trú ẩn đi
lên. Ông Minh “lớn” (Big Minh) nói: “Thật là tốt khi anh có mặt ở đây,
anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những
người xứng đáng hơn tôi”.
Trong lúc những nhân viên của tổng thống Dương Văn Minh
đi đi lại lại đầy lo âu, thì ông vẫn đứng im lặng giữa sảnh và phóng
tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của dinh về hướng nhà thờ Đức Bà.
Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng máy vang lên. Tôi nằm rạp
xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột ximăng. Phút cuối cùng của
sự nổi dậy, một cuộc đánh chiếm dinh?!
Không có tấm kính nào bị vỡ, chúng tôi rời khỏi chỗ
nấp. Minh “lớn” vẫn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên
cạnh ông thủ tướng thấp bé. Rồi trước mắt chúng tôi xuất hiện cảnh tượng
không thể tin được: ba chiếc xe tăng treo những lá cờ của Mặt trận Giải
phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước dinh. Súng bắn loạn
xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của
chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc tăng đầu tiên húc đổ cánh
cổng, lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng
còn lại vòng sang hai bên và rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của
dinh. Khoảng 20-30 phát súng khác được bắn lên.
Tôi chạy ra ban công chụp ảnh. Tôi và Hà Huy Đỉnh thay
phiên nhau. Thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi một người lính giải phóng
với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang
suýt xô ngã tôi. Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải
và bên trái của cầu thang. Đầu tiên không ai nhận thấy Minh “lớn” và
những người khác đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách.
Xe tăng lữ đoàn 203 đang ào ạt tiến vào sân dinh Độc Lập
trưa 30-4-1975 - Ảnh: Borries Gallasch
Một
người lính đứng ngay trước mặt tôi. Anh ta hét vào tôi, hét đi hét lại
điều gì đó mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh hét giải thích cho tôi là mở
cửa ra ban công. Tôi mở cánh cửa kính ra vào. Anh ta lướt qua tôi, kéo
cờ lên và vẫy đi vẫy lại.
Ở phía dưới nhiều chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào và tất cả đều bắn lên không trung. Một vài nhà báo chạy vào qua bãi cỏ.
Khoảng 30 binh sĩ của chế độ Sài Gòn đứng giơ tay đầu hàng và xếp thành ba hàng trên bãi cỏ.
Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất,
tôi chứng kiến đại tướng Minh “lớn” - tổng thống của VN cộng hòa, đã bị
bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải
phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn
khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh.
Nhưng tướng Minh không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài
nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong dinh. Họ tranh luận
việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính giải phóng chạy vào. Rồi họ bắt
đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả. Không có một cái máy ghi âm nào
trong dinh cả.
Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải
phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Ngay lúc đó, một nhóm đông người
tập trung lại và được đưa vào phòng tiếp khách của tầng thứ nhất.
oOo
Trong phần tường thuật kỳ tới, nhà báo Borries
Gallasch sẽ góp câu trả lời rõ ràng của mình cho vấn đề gây tranh cãi
hàng chục năm qua: người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống
Dương Văn Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét