Biết dơi diệt muỗi hữu hiệu, bác sĩ Hoài ở Đồng Nai phối hợp nông dân
dựng chòi để thu phục động vật này. Còn phân của chúng được dùng bón cho
cây trồng.
Xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thuộc vùng sâu, vùng xa
và được bao quanh bởi những cánh rừng. Trong nhiều năm, bệnh sốt rét,
sốt xuất huyết từng là nỗi khiếp đảm của cư dân địa phương. Để chống lại
những bệnh này, nhiều gia đình phải sử dụng hóa chất diệt trừ muỗi,
ngăn chặn loài trung gian gây bệnh.
Dùng dơi bắt muỗi
Do
hiểu rõ mối nguy đến từ côn trùng, bác sĩ Hồ Văn Hoài, Phó giám đốc
Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tập trung nghiên cứu cách diệt.
Nhiều phương thức được ông áp dụng nhưng hiệu quả không cao.
Chòi dơi được bác sĩ Hoài phối hợp nông dân Nguyễn Văn Sáu
xây dựng năm 2014. Ảnh: Ngọc An.
Năm
2014, trong lần đến thăm vườn cây người bạn cùng xã, vị bác sĩ được
nông dân chia sẻ dự án thu phục dơi để tạo nguồn phân bón.
Bác
sĩ Hoài nói: "Nghe bạn giới thiệu, tôi nghĩ ngay việc muỗi là món ăn
khoái khẩu của dơi, có thể sử dụng loài này vào mục đích y tế. Cũng từ
đó, tôi hùn vốn, góp công với bạn để cùng dựng chòi, thu phục động vật
hoang dã này”. Ông cho biết thêm: “Nông dân thích lấy phân bón, còn tôi
khoái cảnh dơi bay đi bắt muỗi”.
Chòi đầu tiên
được dựng lên trong vườn quýt của nông dân Nguyễn Văn Sáu ở ấp 1 (xã Phú
Lý). Công trình cao 12 m, rộng 6 m, dài 9 m được thiết kế trụ thép ở
các góc, lợp mái tôn. Bên trong được đặt 2.000 lá thốt nốt khô làm chỗ
cho dơi trú ngụ.
Theo bác sĩ, trên thị trường
không ai bán dơi giống nên việc tạo đàn phụ thuộc vào tự nhiên. Người
làm chòi phải khảo sát vị trí, chọn khu vực chúng thường xuyên bay qua
hoặc những điểm có nhiều thức ăn.
“Sau khi dựng
chòi ở những vị trí ‘đẹp’, dơi tự động đến làm tổ. Mỗi chòi có thể làm
nơi trú ngụ của hàng nghìn con. Người sở hữu loài săn côn trùng này
không phải bỏ công chăm sóc, không mất chi phí thức ăn. Tuy nhiên, việc
dựng nơi trú ẩn tiêu tốn từ 80 - 100 triệu đồng”, phó giám đốc Trung tâm
y tế huyện Vĩnh Cửu nói.
Theo ông Hoài, đây là
động vật có vú, thường gọi là dơi chuột có tên khoa học Vespertilio,
thuộc họ Vespertilionidae. Loài này sống theo đàn với số lượng lớn và
chỉ ăn muỗi, bướm, rầy, thiêu thân... Chúng không phá hại cây trái của
nhà nông như các loài dơi khác.
Nông dân thu phân dơi làm phân bón cho cây trồng Ảnh: Ngọc An.
Một
ngày, mỗi con có thể tiêu diệt 5.000 con muỗi và tỏa đi săn mồi cách xa
nơi trú ẩn hàng chục km; góp phần quan trọng trong việc phòng bệnh Zika,
sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... Động vật săn muỗi được
xác định không thuộc loài trung gian truyền bệnh cho con người.
Từ
khi các chòi dơi được dựng, người dân xã Phú Lý không phải sống trong
cảnh muỗi “bao vây”. “Mùa mưa những năm trước, muỗi nhiều vô kể. Nhà nào
cũng phải phun hóa chất, dùng hương độc để diệt trừ. Những biện pháp đó
tốn tiền, ảnh hưởng sức khỏe nhưng muỗi vẫn không hết. 2 năm nay, từ
vườn cây đến nhà cửa đều sạch sẽ”, bà Lê Thị Bích Em (50 tuổi, ngụ ấp 1,
xã Phú Lý) nói.
Lấy phân làm vườn
Nguồn
phân từ loài động vật này có hàm lượng lân lên đến 45%, đạm 35% và 6%
kali, có lợi trong trồng trọt. Nguồn này tạo mùn cho đất, giúp cây tăng
trưởng nhanh và nâng cao năng suất cây trồng.
Chất thải của dơi có hàm lượng lân, đam cao, tốt cho cây trồng. Ảnh: Ngọc An
Ông Nguyễn Văn Sáu cho biết: “2 chòi dơi đảm bảo
nguồn phân bón quanh năm cho 12 ha cây ăn quả quả gia đình. Mỗi ngày,
tôi thu gom 2 dạ (thùng nhựa loại 20 lít) chất thải của động vật này”.
Ông Sáu cho biết thêm, năm 2015, nguồn phân dư thừa được ông bán với giá
250.000 đồng/dạ, thu lợi 200 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý cho
biết: “Bác sĩ Hoài phối hợp cùng 2 gia đình dựng chòi dơi đầu tiên ở xã.
Mô hình mang lợi ích lớn nên 8 hộ khác trong vùng cũng học hỏi để làm.
Chòi được nông dân đặt trong rẫy, không gây tiếng ồn, không ảnh hưởng
môi trường”.
Ông Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho
biết, việc dùng dơi diệt muỗi là biện pháp tốt. Theo ghi nhận ban đầu,
phương pháp này hợp lý và có thể chế ngự được các loại côn trùng gây hại
trên diện rộng.
“Hiện tại, ngành y tế đang theo dõi tính hiệu quả.
Vì mô hình mới nên chúng tôi chưa tổng hợp được các số liệu và báo cáo
cụ thể. Đây sẽ là biện pháp hữu hiệu diệt muỗi, góp phần ngăn ngừa dịch
bệnh”, bác sĩ Hoàn nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét