Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

VÀI SUY NGHĨ VỀ 60 PHÚT MỞ (Chung Lê)

Tôi không có ý định "ném đá" vào chương trình 60 phút mở về câu hỏi "Làm từ thiện để làm gì?" của MC Tạ Bích Loan và TS Đặng Hoàng Giang vì trên mạng đã có quá nhiều ý kiến trái chiều. Tôi lại càng không muốn tranh luận khi biết nhiệm vụ của chị là "châm ngòi nổ" và "nhồi thuốc súng". Phải công nhận là chị rất "bản lĩnh" khi biết trước sẽ phải hứng chịu "gạch đá" từ phía cộng đồng mạng. 
 Đẩy xe hàng lên điểm trường
Tuy nhiên, nếu đã là "tranh luận mở" thì người làm chương trình cần phải "fair play" - nghĩa là phải có cả những mặt tốt và mặt chưa tốt của công việc thiện nguyện. Chúng ta cần tìm một hướng đi, một giải pháp cho các nhóm thiện nguyện để chuyển từ tặng "con cá" sang tặng "cần câu" chứ không phải "lên án" hay "buộc tội" những người đang "vác tù và hàng tổng". Tại sao VTV không đến những nơi trẻ em phải nằm trên nền đất lạnh, học trong những phòng học rách nát. Những người có tâm đã hợp sức mang phản gỗ, chăn ấm, bàn ghế đến cho các con vui chơi. Các lớp học vùng cao đã được dựng lên từ nhừng đồng tiền nhỏ lẻ, đẫm mồ hôi của những người còn xa mới được đứng vào tầng lớp có "của ăn của để". VTV đã không tìm đến những "sân chơi" của nhóm "Chăn ấm" - nơi các chị em tổ chức những ngày làm ruốc thịt để mang lên vùng cao phát cho các con. VTV không quay được những cảnh một bé trai 7 tuổi bóc một gói mỡ cay trong gói mì ăn liền rưới lên cơm thay thức ăn mặn. VTV cũng không nghe được câu chuyện, có con chị phải đưa em đến lớp, vừa học vừa trông em cho bố mẹ đi nương. Đúng ngày "Chăn ấm" mang ruốc lên tặng cho mỗi con một hộp, con chị chia sẻ suất cơm trưa ở trường của mình với thằng em và dỗ dành: "ăn đi em, cơm hôm nay có ruốc ngon lắm". VTV cũng không biết để nhắc đến những chuyến đi vùng cao, các thành viên của đoàn thiện nguyện đã phải đi mảng qua suối để đến tận các điểm trường xa xôi. Có đoàn còn phải vác hàng đi bộ nhiều cây số trên đường lầy lội vì xe ô tô không vào được. Có thành viên trong đoàn từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình: "xuống đến sân UBND mới biết là mình còn sống" bởi đoạn đường 7 km đến điểm trường quá cheo leo vách núi. Sảy tay một chút là rơi ngay xuống vực.
Anh TS Đặng Hoàng Giang có thể chưa từng chứng kiến cảnh những người phụ nữ vùng cao (mặc nguyên váy áo dân tộc) cùng nhau xẻ núi, san nền; những ông bố vác những tấm tôn lợp đi bộ vài cây số để làm "vốn đối ứng" cho một nhóm thiện nguyện đến xây trường cho con em mình. Tôi từng nghe trong một buổi đi tặng quần áo ấm và đồ chơi cho các bé vùng cao. Một người mẹ trẻ cứ xấn vào đòi nhận quà cho con mình. Bà mẹ khác đứng bên cạnh nhắc: "mày không cho con đi lớp thì không được nhận đâu". Ở những nơi có điểm trường mới xây, số trẻ con đến trường cao hơn sơ với lúc lớp học còn rách nát.
Chung tay xây lớp học cho con em mình
Hồi các con tôi còn nhỏ, tôi hay ghi âm lại tiếng khóc của chúng. Khi chúng gắt ngủ, hoặc hờn quấy, tôi thường mở ra cho chúng nghe lại. Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bọn trẻ thường nín khóc khi nghe được tiếng khóc của chính mình. Chương trình 60 phút mở của VTV mới chỉ có một vài số đầu, dựng trên format của nước ngoài. Tôi chỉ mong chị TBL thỉnh thoảng nghe lại chính giọng nói của mình, biết đâu chị lại chẳng rút ra được điều gì.
TB: Cũng cần phải nói thêm cho chị TBL và anh TS ĐHG biết, nhiều tấm ảnh tặng quà đưa lên FB ngoài việc “tự sướng” thì còn có ý nghĩa báo cáo cho các nhà hảo tâm để họ thấy rằng, những đóng góp của họ đã đến được những địa chỉ cần đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét