Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

VTV XỬ ÁN PHAN ANH (Bài 9): THẾ NÀO LÀ TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT? (Chu Mộng Long)

Nhà tâm lí học hành vi Phạm Mạnh Hà mù về tâm lí học hành vi, nhưng cuối buổi đối thoại trong clip đấu tố Phan Anh lại đưa ra một thông điệp khá sáng sủa: Tôn trọng những khác biệt!

Câu này thì không cần một khoa học gia, nó vẫn thường xuất hiện ở cửa miệng những người không cần hiểu biết. Vì thế, nói thì vẫn nói cho sang, còn hiểu đầy đủ thì lại là chuyện khác.

Phạm Mạnh Hà không hiểu, kể cả những người trong cuộc không hiểu, nên suốt buổi đối thoại không có sự tôn trọng nào, kể cả áp đặt ý chí của mình lên người khác để buộc tội. Trừ Phan Anh và Na Sơn, tất cả đều đồng loạt một giọng: thế giới mạng là thế giới “bản năng bầy đàn”. Vì thế, “bầy đàn” ấy xứng đáng được mang ra thí nghiệm kiểu Pavlov để khẳng định thứ động cơ mà những kẻ tự cho là đỉnh cao trí tuệ gán cho là “động cơ quyền lực”.

Thế giới tồn tại bằng những khác biệt (differences). Heraclite đã nói từ thời cổ đại. Cái kì diệu của Tạo hóa là làm ra những khác biệt. Nghệ sĩ thiên tài ở chỗ biết đem những cái khác biệt hòa điệu với nhau, giống như bản đàn luôn là sự hòa điệu của những âm khác biệt.

Tư tưởng này mãi đến giữa thế kỉ 20 mới được phục sinh qua các triết gia giải cấu trúc như Derrida, Foucault. Thế giới luôn khác biệt là một tất yếu. Các trung tâm quyền lực luôn có khuynh hướng phát tán, phân rã thành phi tâm, thế giới thành bản hòa âm của những khác biệt. Khác tạo ra sự đa dạng. Khác sinh ra cái mới. Khác là động lực của sáng tạo và phát triển.


Cái Khác, kẻ Khác (Otherness) có thể đối lập với mình, thậm chí tranh luận quyết liệt, không khoan nhượng, nhưng không đồng nghĩa với “thù địch”, trừ phi cái Khác, kẻ Khác ấy chỉ biết gieo rắc tội ác cần tiêu diệt.

Cần nói thêm, khác biệt ở đây là khác về cách nhìn, quan điểm, đánh giá, diễn giải về sự thật chứ không phải đổi trắng thay đen. Sự thật chỉ có một.

Tôn trọng khác biệt là mang nghĩa đó. Nó đề cao sự khác biệt nhưng chống kì thị, phân biệt. Nó xóa khoảng cách giữa người với người, nhưng chống lại sự đồng hóa. Nó tìm đến sự ổn định nhưng chống sự độc tài, một trung tâm thống trị. Nó giải các mặc cảm về sự bị trị, mặc cảm thuộc địa, mặc cảm thiểu số, mặc cảm về giới… để cho người gần người hơn.

Trong lịch sử nhân loại, con người với tham vọng quyền lực đã biến những khác biệt thành đồng nhất. Đó là một ảo tưởng. Ảo tưởng này ngu ngốc không khác gì tạo ra một bản đàn gồm những âm giống nhau. Các bạo chúa, những kẻ độc tài thiết lập một cơ chế xã hội đồng hóa các cá nhân thành một cộng đồng đồng nhất, từ tư tưởng, cảm xúc, lối sống cho đến ăn mặc, nói năng để dễ thống trị. Không ngờ, những kẻ độc tài, những tên bạo chúa đã chết khô từ lâu rồi mà chương trình “60 phút mở” của VTV lại hạ nhục đồng bào của mình là “bầy đàn”.

Khi miệt thị nhân quần của mình là “bầy đàn”, những kẻ đứng trên đầu người khác đang tự hào rằng mình đã đẻ ra cả “bầy đàn”. Đó là thói kiêu ngạo, luôn muốn kẻ khác thành kẻ tự ti. Goethe từng nói, “chỉ có những kẻ ti tiện mới tự ti”. Trong khi lẽ ra phải nâng cao dân trí, phát huy sáng tạo cá nhân thì những kẻ có quyền lực lại biến con người thành kẻ tự ti. Marx nói, đó là hành vi nhục mạ con người, tự nó nuôi sự phẫn nộ và chính ngọn lửa của sự phẫn nộ thiêu cháy kẻ kiêu ngạo dám nhục mạ con người!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét