Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO


1) Người bệnh thường bất tỉnh ngay sau tai nạn và khi tỉnh lại không nhớ những gì đã xảy ra.

Việc này thường gặp ở những người bị chấn thương vùng đầu, do não bị chấn động, phải mất một thời gian để hồi phục. Thời gian này có thể từ vài giờ đến vài ngày, người bệnh có thể cảm thấy mỏi mệt, khó tập trung, khó nhớ mọi thứ, khó thực hiện được các việc phức tạp, và có thể có các thay đổi tâm trạng. Hầu hết người bệnh sẽ bình phục hoàn toàn.

2) Có phải sau khi chụp CT scan (chụp xi-ti) không thấy tổn thương là có thể mừng vì "không có gì"? Khi nào thì chụp CT ngay?

Sau khi bị chấn động các mạch máu ở não có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, nhất là ở người già, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường....

CT scan có một hạn chế là không phát hiện được các đường nứt nhỏ ở sọ, nhất là các đường nứt nằm theo mặt phẳng ngang. Các đường nứt này cũng có thể chảy máu sau đó gây ra khối máu tụ chèn ép lên não. Vì vậy, mặt dù chụp CT không phát hiện thương tổn, nhưng người bệnh vẫn cần được theo dõi ở bệnh viện hay tại nhà vài ngày đến vài tuần sau đó.


Có một thực tế là người bệnh và thân nhân, khi có chấn thương vùng đầu, thường yêu cầu chụp CT sọ não ngay, mặc dù giá thành chụp CT trước đây không hề rẻ đối với nhiều gia đình. Chúng ta thường quan niệm, chụp để xem có bị sao không và coi đó là tiêu chuẩn vàng thì rất sai lầm. Và đó không phải là việc làm có lợi cho bệnh nhân trong lúc máu đang chảy từ các vết thương khác, huyết áp đang tụt hoặc đang rất cao.

Điều quan trọng nhất với chấn thương sọ não là quan sát các triệu chứng của bệnh nhân. Bao gồm: tình trạng thức tỉnh hay hôn mê, có đau đầu nhiều không, có chóng mặt, buồn nôn, có nôn hay không? Có yếu liệt tay chân không? Nếu như người bệnh không có các triệu chứng trên thì việc chụp CT chưa thực sự cần thiết. Việc cần ưu tiên là theo dõi nạn nhân. Việc chụp CT phải được tiến hành ngay, thậm chí lần thứ 2, thứ 3 trong ngày, nếu bệnh nhân có biểu hiện xấu đi.

Chụp CT ngay sau chấn thương, có thể chúng ta không thu được hình ảnh tổn thương nào và dễ có một thái độ chủ quan. Chụp CT ngay sau đến bệnh viện cũng cần thiết nhưng còn rất nhiều điều quan trọng đáng làm hơn lúc này. Hãy để quyết định này cho các bác sĩ chuyên khoa.

3) Có tổn thương nặng nào ở não mà CT scan không phát hiện được? 

Như đã nói ở trên: Các đường nứt nhỏ ở sọ, nhất là các đường nứt nằm theo mặt phẳng ngang, sẽ không phát hiện được trên phim CT scan. Ngoài ra, còn một thương tổn nữa, có khi là rất nặng mà không phát hiện được trên CT scan: Đó là Tổn thương sợi trục lan tỏa (Diffuse axonal injury, gọi tắt là DAI). Có thể hiểu nôm na là tổn thương sợi thần kinh ở dạng vi thể nên khó có thể phát hiện bằng CT scan. Những người bệnh này thường hôn mê sâu mà không có hình ảnh tổn thương não phù hợp trên phim CT scan. Có khi bị chẩn đoán nhầm là say rượu. Nếu không được chẩn đoán và xử trí thích hợp thì người bệnh có thể chết hoặc chậm phục hồi. Tổn thương sợi trục lan tỏa là nguyên nhân chủ yếu đưa đến tình trạng sống thực vật và tàn phế nặng nề sau chấn thương sọ não. Chẩn đoán và điều trị Tổn thương sợi trục lan tỏa tùy thuốc vào các bác sĩ chuyên khoa.

4) "Máu tụ dưới màng cứng mạn tính"

Có trường hợp sau tai nạn đến hàng tháng, người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu ngày, uống thuốc giảm đau cũng không đỡ. Có người than yếu, đi lại không vững, nhìn mờ, tê nữa người, mất trí nhớ, nói ngọng hoặc lên cơn co giật.... Khi đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán "Máu tụ dưới màng cứng mạn tính" (mãn tính), cần phải mổ.

Như đã nói trên, sau khi chấn thương xảy ra, dù chụp CT lần đầu không thấy thương tổn nhưng các mạch máu ở não có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, nhất là ở người già, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường....

Máu tụ dưới màng cứng mạn tính là một diễn tiến đặt biệt: Lượng máu chảy khi đó không đủ nhiều để gây triệu chúng cho chúng ta phát hiện, hoặc có phát hiện thì cũng không có phẫu thuật, vì số lượng ít, có thể tan được. Tuy nhiên số máu này khi tan ra đã không tiêu (hấp thu) được, vì đã hình thành một vỏ bao bên ngoài. Số máu loãng bên trong có áp lực thẩm thấu cao hơn bên ngoài nên đã hút nước vào trong, làm cho túi máu căng phồng lên nữa. Lúc đó người bệnh mới bắt đầu có những triệu chứng kể trên. Nếu túi máu căng phồng nhanh quá, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

5) Trong một số trường hợp, phần não bị tổn thương hay máu tụ không nằm ở chỗ bị va chạm trực tiếp. 

Nhiều người nêu thắc mắc: "Con tôi bị đánh bên phải, bác sĩ dưới huyện nói có nứt sọ, sao bây giờ bác sĩ nói mổ bên trái?".

Đây là trường hợp thương tổn được gây ra do chấn động dội (Contrecoup effect), những thương tổn này thường nặng hơn bên trực tiếp va chạm.

6) Thời gian vàng trong chấn thương sọ não là gì? Có cần chuyển người bệnh về bệnh viện tốt nhất?

Việc cứu chữa người bị chấn thương sọ não nặng cần 3 yếu tố vàng:

- Một là: Thiết bị vàng, tức máy chụp CT scan (cắt lớp điện toán) nhằm phát hiện các tổn thương nội sọ và vị trí nào cần phải mổ. Hiện nay, nhiều bệnh viện cấp huyện đã có máy chụp CT.

- Hai là: Bàn tay vàng (người mổ phải có tài, có tâm và “mát tay”). Không phải chỉ bệnh viện tuyến trung ương mới có Bàn tay vàng.

-Ba là: Thời gian vàng: Nếu có chỉ định mổ thì phải được mổ càng sớm càng tốt, khi đó tỉ lệ cứu sống bệnh nhân càng cao và tỉ lệ di chứng, biến chứng càng thấp.

Cũng có những trường hợp đã được bác sĩ chỉ định mổ, thậm chí đã làm vệ sinh, cạo đầu xong, chuẩn bị đưa vào phòng mổ, nhưng thân nhân nhất định không đồng ý, nằng nặc đòi chuyển lên tuyến trên và bệnh nhân đã không qua khỏi trên đường chuyển viện. Hoặc khi lên được tuyến trên thì cũng không còn cứu chữa kịp nữa. Hoặc khả năng bị di chứng rất cao, khó phục hồi hơn. Vì vậy thay vì phải đưa bệnh nhân bằng được lên tuyến trung ương thì chúng ta nên đưa người bị chấn thương sọ não tới bệnh viện đa khoa gần nhất. Tốt hơn nữa là nơi có máy chụp CT và bác sĩ chuyên khoa chấn thương sọ não (ngoại thần kinh) ở gần nhất và lắng nghe ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. 

Nên nhớ rằng: Các chấn thương sọ não nếu được can thiệp kịp thời sẽ ít nguy hiểm đến tính mạng và di chứng nếu có cũng nhẹ hơn.


7) "Não của con tôi đang gởi hấp trên Sài Gòn".

Đó là lời của một bà mẹ trả lời cho người hỏi thăm mẹ con bà.

Lâu lâu trên báo, chúng ta cũng đọc được những tựa đề hấp dẫn không kém, như là: "Một cháu bé cần được giúp đỡ để ráp não", "Cậu sinh viên đầu lép mong có tiền ghép lại não", “Nuôi não trong ổ bụng”....

Bài báo còn ghi là trích dẫn lời của bác sĩ "Khoảng 3 tháng sau, mới có thể đưa não vào hộp sọ của anh C và tiếp tục điều trị". "Bộ não của anh Cảnh đã được các bác sỹ cấy ghép và nuôi ở bụng"...

Một người bạn học cũ của tôi cũng từng chất vấn tôi vụ này: "Báo nói rõ ràng, sao ông nói không có? Người ta mổ bằng kiếng hiển vi".

Mời xem về một bài báo ở đây:

http://m.nguoiduatin.vn/thuc-hu-thong-tin-nuoi-nao-trong-o-…

Xin khẳng định với các bạn, dù hiện nay Y học tiến bộ lắm, nhưng vãn chưa thể tháo rời bộ não con người rồi sau đó ghép lại. Chuyện thay nguyên cái đầu mới thí nghiệm trên khỉ và chó, nhưng cũng chỉ sống được có 1 -2 ngày thôi. Chuyện thay nguyên đầu người vẫn còn nằm trong giả tưởng mà thôi. Huống gì là não. Quý vị nào có đọc truyện "Đầu giáo sư Dowell"?

Vậy thì cái gì gởi hấp hay đông lạnh ở Sài Gòn và cái gì nuôi trong ổ bụng của bệnh nhân?

Xin thưa, đó là cái miếng xương sọ (bone flap = nắp sọ) mà bác sĩ tạm lấy ra sau 1 cuộc mổ gọi là phẫu thuật mở sọ giải áp, giảm áp hay giải ép (Decompressive craniectomy).

Nhưng là gởi đi bảo quản lạnh chứ không phải hấp và gởi tạm dưới da ngoài thành bụng chứ không phải trong ổ bụng.

Khi não bị chấn thương nặng, nó sẽ dễ bị sưng phù lên và bị bóp chết trong phạm vi hộp sọ cứng ngắt. Như là quý vị mặc cái quần Jean bó sát đùi, khi bị chấn thương bầm máu nó sưng lên vậy, khó chịu, chật chội vô cùng, chúng ta phải xé nó ra liền lập tức, để giải ép.

Khi nắp sọ được lấy ra, phải được bảo quản cho tốt để sau này ghép lại cho bệnh nhân, khi não đã thực sự xẹp xuống (Khoảng 3-6 tháng). Có 2 cách bảo quản, một là gởi về ngân hàng mô ở Sài Gòn để trong Nitơ lỏng ở âm mấy chục độ C, hai là làm một cuộc phẫu thuật nho nhỏ, gởi nó dưới da bụng khoảng dưới rốn bên trái. Cách này tiện lợi nhất cho các nơi ở xa Sài Gòn. Nhưng có nhiều bất tiện, nhất là không để lâu được, chỉ tối đa khoảng 4 tháng. Nếu lâu hơn nữa, có thể xảy ra hiện tượng thực bào, cơ thể sẽ ăn mòn miếng sọ đó, sau vài tháng nữa nó mỏng dần và nhỏ đi, chỉ còn bằng đồng xu.

(BS Nguyễn Như Thạch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét