1. Giới thiệu
Càng tranh luận trên facebook,
mình càng thấy lỗi ngụy biện (fallacies) trong thảo luận và trình bày ý
kiến là một vấn đề nghiêm trọng, xảy ra trên bình diện đại số đông người
Việt, không chỉ ở cả dân thường mà kể cả các vị có bằng cấp, học thức,
hot facebookers, bloggers. Lỗi này thường là bị nhiễm một cách vô hình
và đến từ nhiều nguồn, như từ cách nói chuyện thường ngày, như từ việc
bắt chước cách nói chuyện của người khác, như từ tâm lý ham thắng thua
cá vú lấp miệng em, hay như từ cách lý luận báo chí trong nước vốn là
một núi ngụy biện...
Ngụy biện nguy hiểm hơn, còn khiến
người nhiễm phải nó có một lối tư duy suy nghĩ và phân tích vấn đề sai
lệch, theo lối mòn. Người càng ít tranh luận thì càng khó có khả năng
phát hiện lỗi ngụy biện trong tư duy của mình để chỉnh sửa nó. Đó là lý
do ta thấy nhiều người ít nói, nhưng một khi mở miệng thì sẽ đuối lý và
kết quả là chỉ biết chửi thề, xúc phạm, tấn công cá nhân người khác mà
thôi.
Vì sao kiến thức về ngụy biện lại không được dạy
rộng rãi trong các trường ĐH, hay ít nhất là trong các khoa ngành XH,
báo chí tại Việt Nam? Câu trả lời mình nghĩ đến, đó là kiến thức này tuy
rất hay nhưng không có lợi cho nhà chức trách, vì họ muốn đại đa số dân
chúng không thấy những cách lý luận tầm bậy, sai bét nhè, phản khoa học
của các tài liệu chính thống nhà nước, báo chí VN.
Vậy ngụy biện là gì?
Ngụy
biện (fallacy) là các cách lập luận sai, vi phạm các quy tắc logic
trong suy luận để giành phần lợi trong tranh luận, trong đối thoại và từ
đó có thể biến sai thành đúng, biến đúng thành sai.
Ngụy
biện không phải là một đánh giá đúng sai cảm tính, mà trái lại, nó là
một vùng kiến thức đã được nghiên cứu và dạy rộng khắp trong các khóa
học ở các trường ĐH trên thế giới. Các nghiên cứu này đã nhận dạng, phân
loại và thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc, tài liệu nói về ngụy biện tiếng Việt thì chỉ có vài nguồn, như từ trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học ... trong khi tài liệu ngụy biện bằng tiếng Anh thì rất nhiều, google "fallacies" là ra ngay.
Ba
năm qua, từ khi biết và sử dụng phân tích ngụy biện, mình đã dùng nó để
cải thiện kỹ năng và phân tích tranh luận của mình, cũng như của một số
bạn bè, với một tần suất đề cập nó không nhiều. Nhưng từ hôm nay trở
đi, mình sẽ tập trung và nói về lỗi ngụy biện này nhiều hơn trước để
mong bạn bè mình nhận dạng vùng kiến thức này, lưu tâm đến nó và cải
thiện cách thức tranh luận của mình, và hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau
xây dựng một văn hóa tranh luận tốt hơn cho người Việt. Đó cũng là một
ấp ủ từ lúc đang làm PhD cách đây ba năm, nhưng đến giờ mới đủ thời gian
và quyết tâm hơn để thực hiện nó.
Cách làm của mình
rất đơn giản, chỉ là tìm các câu tranh luận, mẫu chuyện hay gặp và chúng
ta phân tích lỗi ngụy biện của nó. Note này sẽ là nơi tập hợp và ghi
lại các mẫu ngụy biện đó để ai cũng có thể xem lại sau này. Nguồn tham
khảo chính của chúng ta sẽ là các tài liệu tiếng Việt và Anh về
fallacies nêu trên. Mời bạn bè cùng đồng hành với hành trình tìm các
ngụy biện hay gặp trong tranh luận người Việt này của mình nhé. Cũng
mong các cao thủ fallacies phụ mình một tay luôn.
2. Các ví dụ ngụy biện hay gặp
Ví dụ 1: "CÓ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO ĐẤT NƯỚC ĐÂU MÀ TO MỒM THẾ"- câu nói hay gặp này phạm lỗi ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) và ngụy biện "anh cũng vậy" (Tu Quoque fallacy).
Thay
vì bàn luận logic chủ đề đang bàn, kẻ sử dụng luận điểm này lại quay
qua sỉ nhục, chửi rủa cá nhân người tranh luận để làm mất uy tín lời nói
anh/chị ta. Việc anh A, anh B làm cái gì, không làm được cái gì không
liên quan đến tính logic điều anh ta đang tranh luận.
Ngụy biện "anh cũng vậy": câu nói này còn hàm ý "anh cũng chả làm được gì mà nói người ta", hàm ý "anh cũng chả hay ho gì, anh cũng bậy bạ vậy".
Ví dụ 2:
"LÀM ĐƯỢC NHƯ NGƯỜI TA ĐI RỒI HÃY NÓI" - Câu nói khá thông dụng của các
bạn trẻ khi tranh luận với nhau này rất đáng tiếc lại phạm hai lỗi ngụy
biện: lỗi ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) và lỗi ngụy biện "anh cũng vậy" (Tu Quoque fallacy).
Tấn công cá nhân: Những gì anh A/anh B làm được hay không làm được không dính dáng gì đến tính đúng sai, logic lời anh ta nói cả
Ngụy biện "anh cũng vậy": câu nói này còn hàm ý "anh cũng chả làm được gì mà nói người ta", hàm ý "anh cũng chả hay ho gì, anh cũng bậy bạ vậy"
Ví dụ 3:
"NẾU KHÔNG HÀI LÒNG THÌ CÚT XÉO RA NƯỚC NGOÀI MÀ SINH SỐNG" là câu nói
phạm hai lỗi ngụy biện: "ngụy biện cá trích" (Red herring fallacy) và
(tạm dịch) "ngụy biện chọc tức, đâm thọt" (needling fallacy):
Lỗi "ngụy biện cá trích":
loại ngụy biện khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính
dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề.
Ở đây việc anh A/B sống ở trong hay ngoài nước không liên quan đến tính
logic vấn đề anh ta nói.
Lỗi ngụy biện "chọc tức, đâm thọt" (needling fallacy):
là ngụy biện dùng lời nói bất lịch sự, bề trên ("anh không đồng ý thì
đi ra nước ngoài mà sống") ko liên quan câu chuyện để làm đối thủ tức
giận. Một ví dụ nữa cho một câu nói hay gặp, và phạm hai lỗi ngụy biện.
Ví dụ 4:
"ĐỪNG CÓ NGỒI ĐÓ MÀ LÀM ANH HÙNG BÀN PHÍM" là câu nói thông dụng, nhưng
lại phạm hai lỗi ngụy biện: "tấn công cá nhân" (ad hominem) và ngụy
biện "anh cũng vây" (Tu Quoque fallacy).
Lỗi "tấn công cá nhân":
cách gọi "anh hùng bàn phím" là mang tính chê bai, tấn công cá nhân và
không dính dáng gì đến tính đúng sai, logic lời anh ta nói cả.
Lỗi ngụy biện "anh cũng vậy" (Tu Quoque fallacy): vì gọi là "anh hùng bàn phím" còn có ngụ ý nói "bạn cũng chả làm được gì vậy", "bạn cũng tệ vậy thì còn nói ai".
Ví dụ 5: Lỗi ngụy biện rơm (straw man) và lợi dụng lòng thương hai (ad misericordiam) cùng lúc.
"CHẲNG
LẼ CHỈ VÌ TỪNG ĐƯỢC ĐẶT CHO CÁI NICKNAME "BOM PHONE" MÀ NÓ BỊ LIỆT VÀO
DANH SÁCH VŨ KHÍ GIẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT CẦN PHẢI BỊ LÊN ÁN VÀ LOẠI BỎ"
(trích từ một bài trên báo Thanh niên) là câu nói mắc hai lỗi ngụy biện: ngụy biện rơm (straw man) và ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam)
Ngụy biện rơm:
ngụy biện khi bóp méo lời người trao đổi để làm luận điểm tấn công họ.
Có thể có ai đó gọi BPhone là Bom Phone" (chỉ là cách nói nhại, ý nói nổ
quá đáng), nhưng tác giả lại xuyên tạc, trầm trọng lời nói thành "vũ
khí giết người".
Lỗi ngụy biện lợi dụng lòng thương hại:
cấu trúc "chẳng lẽ vì ... mà chúng ta nỡ ...": người viết cố ý ví việc
đả kích BPhone đã bị trầm trọng thành "vũ khí nguy hiểm", ý nói BPhone
bị hàm oan, đáng thương ... để gây sự cảm thông độc giả.
Ví dụ 6: Lại là lỗi ngụy biện rơm (straw man) và lợi dụng lòng thương hai (ad misericordiam) cùng lúc.
"KHI
CHƯA RA ĐỜI, CHỉ CẦN BỊ ĐOÁN MÒ, BPHONE ĐÃ Bị NÉM ĐÁ THIẾU ĐIỀU NẾU NHƯ
KHÔNG ĐỦ CAN ĐẢM VÀ BẢN LĨNH THÌ CHA MẸ CỦA NÓ ĐÃ PHẢI VÔ BỆNH VIỆN PHỤ
SẢN MÀ PHÁ THAI" (câu nói cũng trích từ bài viết báo Thanh Niên trên)
cũng phạm hai lỗi ngụy biện: ngụy biện rơm và lợi dụng lòng thương hại.
Lỗi ngụy biện rơm: cường điệu hóa, chế diễu hóa hoặc thô tục hóa những nhận định đàng hoàng về BPhone thành những từ "đoán mò", "ném đá".
Lỗi lợi dụng lòng thương hại: đưa hình ảnh "sản phụ phải nạo phá thai" vào để làm động lòng trắc ẩn của người đọc. Một lần nữa, một câu nói - hai ngụy biện.
Ví dụ 7: "CON
LẠY CÁC THÁNH" - "LẠY ÔNG" - "PHÁN NHƯ THÁNH" là các cách nói hay gặp,
câu chữ rất ngắn, chỉ vài từ nhưng chúng lại phạm hai lỗi ngụy biện
nghiêm trọng: ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) và "ngụy biện chế diễu" (appeal to ridicule).
Tấn công cá nhân:
tấn công, sỉ nhục cá nhân người trao đổi (vốn không liên quan chủ đề
đang tranh luận) để hạ thấp giá trị bản thân họ, hạ thấp giá trị lời nói
của họ. Ở đây cách gọi "thánh", "ông" là hàm ý chê bai, tấn công cá
nhân.
Ngụy biện chế diễu: ngụy biện khi gọi lời người
trao đổi là nhảm nhí, là tầm bậy để hạ thấp giá trị các lời nói đó. Ở
đây "phán", hay "con xin lạy" là chế diễu cách nói chuyện đàng hoàng của
đối phương để hạ thấp giá trị lời nó của họ.
Ví dụ 8: Hai lỗi ngụy biện "Khái quát hóa vội vã" và "Lạm dụng chữ nghĩa" cùng lúc.
CHỈ
CÓ NHỮNG NGƯỜI CHÂN LẤM TAY BÙN TỪ NHỎ MỚI LÀ NGƯỜI CẦN CÙ CHĂM CHỈ
XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC, câu nói nhồi vào đầu giới trẻ HN cách đây 40 năm (lời
học giả Vương Trí Nhàn), dùng thuật ngụy biện "khái quát hóa vội vã" (Overgeneralization hay Hasty Generalization) và "lạm dụng chữ nghĩa".
Khái quát hóa vội vã:
người nói chỉ dùng ví dụ cho vài trường hợp nhỏ để khái quát hóa cho
cộng đồng. Ở câu nói trên, không phải người "chăm chỉ xây dựng đất
nước" nào cũng là người xuất thân "chân lắm tay bùn".
Rồi thế nào
là "chăm chỉ xây dựng đất nước", là "chân lắm tay bùn", vì sao dùng
hình ảnh đó trong câu nói trên? Trả lời: đó chính là ngụy biện "lạm dụng chữ nghĩa", loại ngụy biện dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu.
Ví dụ 9:
(tương tự ví dụ 8) LÀM SAO MÀ CÁC TRÍ THỨC ĐƯỢC ĐÀO TẠO Ở NƯỚC NGOÀI
LẠI CÓ LÒNG YÊU NƯỚC NỒNG NÀN NHƯ NHỮNG NGƯỜI CẢ ĐỜI CHỈ SỐNG VỚI MẢNH
ĐẤT NÀY. Tiếp tục một câu nói nhồi vào đầu giới trẻ HN cách đây 40 năm
mà học giả Vương Trí Nhàn nhắc đến. Câu này cũng dùng ngụy biện "khái quát hóa vội vã" và "lạm dụng chữ nghĩa".
Khái quát hóa vội vã:
người nói chỉ dùng ví dụ cho vài trường hợp nhỏ để khái quát hóa cho
cộng đồng. Ở câu nói trên, không phải người sống cả đời trong nước lại
yêu nước hơn người đi xa ở nước ngoài. Thực tế là nhiều người càng đi
xa, càng trăn trở và quan tâm về đất nước hơn.
"Yêu nước nồng nàn" là gì? Đây chính là ngụy biện "lạm dụng chữ nghĩa": dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu.
Ví dụ 10: ngụy biện kết luận vội vã (jumping to conclusions)
"GIA ĐÌNH HAI CON, VỢ CHỒNG HẠNH PHÚC"
Câu nói hay được dùng để tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình trên phạm lỗi ngụy biện "Kết luận vội vã" (jumping to conclusions http://www.logicallyfallacious.com/index.php/logical-fallacies/115-jumping-to-conclusions): loại ngụy biện đưa ra vài dữ kiện, nhận định không đầy đủ và đi đến kết luận vội vã, thiếu logic, thiếu chính xác.
Ở đây, vợ chồng hai con thì chưa chắc gì gia đình họ sẽ hạnh phúc, nên kết luận đó là vội vã.
Ví dụ 11: ngụy biện hai sai thành đúng (two wrongs make a right)
NƯỚC NÀO MÀ KHÔNG CÓ THAM NHŨNG
"A: VN tham nhũng ghê quá
B: Nước nào mà không có tham nhũng"
Câu nói của B phạm lỗi ngụy biện khá thông dụng: "hai sai thành đúng" (Two wrongs make a right http://rationalwiki.org/wiki/Two_wrongs_make_a_right).
Lỗi ngụy biện này sử dụng khi người trao đổi đưa ra một sự vật sai
tương tự để biện hộ, hay giảm nhẹ, hay làm lạc hướng cho cái sai của sự
vật đang xét đến.
Lưu ý đại đa số ngụy biện thông dụng "Anh cũng
vậy" (Tu Quoque fallacy) cũng phạm lỗi "Hai sai thành đúng", nhưng
chúng không đồng nhất nhau.
Ví dụ 12: ngụy biện đứt đoạn và ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions)
TRUYỆN MẦM ĐÁ CỦA TRẠNG QUỲNH phạm hai lỗi ngụy biện này.
NGỤY BIỆN TRONG TRUYỆN TRẠNG QUỲNH - VÍ DỤ 1: TRUYỆN "MẦM ĐÁ"
"Mầm đá" là một trong các câu chuyện Trạng Quỳnh nổi tiếng nhất. Tóm tắt
truyện là sau khi để chúa Trịnh đói phờ râu vì chờ món ăn nấu quá lâu,
Quỳnh đưa một lọ tương cho Chúa ăn với cơm và muối nhưng để tên là "Đại
phong". Do đói quá nên Chúa ăn rất ngon và hỏi "Đại phong" là món gì,
Quỳnh trả lời: "Đại phong" = "Gió lớn", "Gió lớn --> đổ chùa", "Đổ
chùa --> tượng lo", "Tượng lo = lọ tương". Chúa cười ha hả, hiểu thâm
ý của Quỳnh và hết chuyện. Dân gian thì qua đó khen Quỳnh thông minh,
dí dỏm.
Cách đối đáp vần chữ, suy luận kiểu này cũng ảnh hưởng
cực lớn đến cách diễn giải từ ngữ, chơi chữ trong văn học Việt Nam và
các thói quen đố vui nhiều người Việt sau này. Ví dụ hồi xưa mình có mấy
thằng bạn tên Phong, hay bị bạn bè trêu là Phong Nhĩ (là "Gió tai" =
...., thiệt tức cười, hì hì
Nhưng thật ra, nhìn kỹ lại cách suy luận trong "Mầm đá" là các cách suy
luận ẩu, thô thiển và phạm hàng loạt các lỗi ngụy biện.
Đó là ngụy
biện kết luận ẩu (tên tiếng Anh "jumping to conclusion") loại ngụy biện
đưa ra vài dữ kiện, nhận định không đầy đủ và đi đến kết luận vội vã,
thiếu logic, thiếu chính xác. Ở đây "gió lớn" chưa chắc "đổ chùa", "đổ
chùa" chắc gì liên quan đến "tượng lo" (mà tượng biết lo ư?).
Đó là
ngụy biện đứt đoạn. Một từ có thể có nhiều nghĩa và hình thái. Ngụy
biện đứt đoạn là khi người trao đổi sử dụng một nghĩa khác, hình thái
khác của từ đang nói vào trong trao đổi, làm thay đổi ngữ cảnh và ý
nghĩa của sự việc. "Tượng lo" và "lọ tương" có thể miễn cưỡng xem là gần
giống nhau về cách cấu trúc tạo chữ, nhưng chúng khác nhau hoàn toàn về
mặt ý nghĩa. "Tượng lo = lọ tương" chính là ngụy biện đứt đoạn trong ví
dụ này.
Việc sử dụng hàng loạt ngụy biện trong các cách giải
thích của Quỳnh (không chỉ trong truyện "Mầm đá" này) và các hành xử
thiếu văn minh của nhân vật này là tiền để để chúng ta nhìn nhận lại cái
gọi là sự thông minh của Quỳnh. Thực chất đó là một loại "thông minh
vặt vãnh", cái thông minh phi logic, vụn vặt và có phần nào xỏ lá (lừa
ăn món mới mang tên "mầm đá" nhưng lại là ăn món cũ "tương", cốt yếu bắt
người ta chờ đợi quá lâu để đói và ăn ngon, lừa vị giác người ăn).
Rất đáng lo, cách hành xử, cách đối đáp của Trạng Quỳnh được lưu
truyền, được dựng thành phim ảnh, được khen ngợi, ca tụng và do đó có
một tác động không nhỏ đến suy nghĩ, cách nói chuyện và thói quen của
không ít người Việt lâu nay.
Chúng ta sẽ tiếp tục khảo sát lỗi ngụy biện trong chuyện Trạng Quỳnh ở các status kế tiếp.
P/s: sẽ có vài người có nhận định rằng, khi đọc Trạng Quỳnh thì nên
nhìn nó theo cách informal, vui và chế diễu là chính, không nên đặt nặng
tính logic vào trong các câu chuyện trào phúng như vậy. Nhận định này
có lý, nhưng chưa chính xác. Do tính lan truyền đại chúng của Trạng
Quỳnh đến nhiều người Việt, do các hành xử thông minh vặt, xỏ lá của
nhân vật Quỳnh đã và có ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành xử nhiều người
Việt trước giờ, việc chỉ ra các lỗi logic, ngụy biện của nó và chỉ ra
lỗi hành xử thiếu văn minh của Trạng Quỳnh là việc đúng và cần thiết.
Chỉ tiếc là hiếm người để ý và làm điều này trước đến giờ mà thôi.
Ví dụ 13: "LO CÀY CUỐC LÀM GIÀU ĐI, ĐỪNG ĐI BÀN CHUYÊN THIÊN HẠ, QUỐC GIA. BIẾT GÌ MÀ BÀN?"
Mỗi câu trên đều phạm vài lỗi ngụy biện.
"Biết gì mà bàn": ngụy biện tấn công cá nhân ad hominem, cũng có thể liệt vào ngụy biện chế diễu, chọc tức (needling fallacy).
"Lo cày cuốc làm giàu đi, đừng đi bàn chuyện thiên hạ, quốc gia": ngụy biện anh cũng vậy
(Tu Quoque fallacy), vì ám chỉ anh cũng tệ vậy, lo thân anh còn chưa
xong, nói gì đến chuyện người khác. Ngoài ra có thể còn liệt kê vào lỗi
"ngụy biện cá trích" (red herring), đưa sự vật không liên
quan làm lạc hướng câu chuyện đang nói: chuyện tui làm giàu hay không
kệ tui, chả liên quan gì đến tính đúng sai vấn đề đang bàn cả.
Ví dụ 14: ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority)
Trích báo Một Thế Giới:
MỘT NGƯỜI VIỆT KỂ VỚI ANH BẠN NGƯỜI NHẬT CHUYỆN MẤY HÔM NAY XÔN XAO
VIỆC ÔNG NGUYỄN TỬ QUẢNG CHO RA "SIÊU PHẢM" ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH MANG
TÊN BPHONE... VỊ KHÁCH NHẬT HỎI: "THẾ ANH ĐÃ MUA BPHONE CHƯA? ANH SẼ MUA
CHỨ? ANH PHẢI BẢO THÊM NHỮNG NGƯỜI VIỆT MÀ ANH QUEN MUA ĐI, NẾU KHÔNG
ÔNG NGUYỄN TỬ QUẢNG SẼ NGUY
Toàn bộ đoạn văn trên đã dùng ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority):
ngụy biện khi một ai đó trích dẫn nguồn thông tin mơ hồ hay lời nói
của một người nặc danh (anonymous), vốn không thể kiểm chứng, không xác
tính, để biện minh hay dẫn chứng cho luận điểm của anh ta. Trong ví dụ
trên, người Nhật đó là người nào? Liệu có khả năng người viết bài này
bịa ra câu chuyện đó, hoặc trích dẫn lại từ một câu chuyện không có
thật hay không...
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét