Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

CÁC CÁNH NÓI NGỤY BIỆN THÔNG DỤNG NGƯỜI VIỆT (2) - Trọng Hiền

Ví dụ 15: Ngụy biện so sánh ẩu faulty analogy (nôm na "đánh tráo khái niệm" trong cách nói người Việt) 

Lời TS, Viện trưởng Khuất Thu Hồng nói về việc chỉ trích cô ca sĩ LQ cho con tè trên túi nôn máy bay: "(CHỬI LỆ QUYÊN THẾ) KHÁC NÀO KÊU ẦM LÊN LÀ SAO NƯỚC ĐÁI CỦA HOA HẬU LẠI KHAI THẾ - CỨ LÀM NHƯ HOA HẬU THÌ KHÔNG CÓ QUYỀN ĐÁI KHAI" - luận điểm trên phạm lỗi ngụy biện so sánh ẩu (faulty analogy). Ngụy biện này ý rằng, hai sự việc chỉ giống nhau một khía cạnh nhỏ, còn khác nhau hoàn toàn các khía cạnh khác nên so sánh chúng với nhau là ngụy biện.

Ở đây việc "lên án LQ cho con cô ta tè vào túi nôn trên máy bay" khác hoàn toàn việc "lên án hoa hậu không có quyền đái khai", việc đầu là logic, có lý còn việc kia là không thể chấp nhận được, do đó không thể so sánh chúng với nhau như vậy. (Chúng chỉ giống nhau là chuyện đi tè của hai đối tượng, hoa hậu và em bé, còn khác nhau hoàn toàn về ngữ cảnh, độ tuổi, không gian, thời gian, mức độ ý thức, độ riêng tư ..v..v.. của hai sự việc).

Ngụy biện so sánh ẩu này rất gần với thuật ngữ "đánh tráo khái niệm" mà người Việt hay dùng. Hai sự việc - hai khái niệm không đồng nhất, so sánh chúng chính là đánh tráo khái niệm hai sự việc, hai khái niệm này với nhau.

Ví dụ 16: Ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority), ngụy biện lạm dụng thống kê (statistical fallacy) ngụy biện lạm dụng số đông (ad populum).

"CÓ MỘT THỐNG KÊ TRÊN TOÀN CẦU CHO BIẾT RẰNG: HƠN 97% NGƯỜI LUÔN MỒM CHỬI CHẾ ĐỘ LÀ NHỮNG KẺ THẤT BẠI TRONG CÔNG VIỆC, SỰ NGHIỆP HAY CẢM THẤY KHÔNG HÀI LÒNG VỀ CUỘC SỐNG HIỆN TẠI CỦA MÌNH" câu nói của một facebooker tên Huỳnh Phước Sang.

Câu nói trên phạm ít nhất hai lỗi ngụy biện, ngụy biện lợi dụng nặc danh (anonymous authority)ngụy biện lạm dụng thống kê (statistical fallacy). Một ngụy biện khác có thể tính đến là ngụy biện lạm dụng số đông (ad populum).

Ngụy biện lợi dụng nặc danh: đưa ra một thông tin mà không chỉ rõ nó nguồn tin từ đâu, ai nghiên cứu, khi nào. Cách nói vậy không khả tín, không xác thực.

Ngụy biện thống kê (statistical fallacy): cách trích dẫn con số ấn tượng 97% của một nguồn thông tin nặc danh chính là ví dụ của ngụy biện lợi dụng thống kê. Nó đánh vào tâm lý tin vào con số thống kê của người đọc. Độ xác thực của thống kê này như thế nào? Ở đâu ra? Ai thực hiện nó? Khi nào? Nội dung thiết kế thống kê? Phương pháp? Tần suất lẫy mẫu của nó thế nào...? (Cần vô cùng cẩn thận khi ai đó đưa ra con số thống kê khi trao đổi, các bạn nhé)

Lưu ý, con số 97% còn biểu thị cho số đông, nên câu nói trên còn có thể liệt kê vào ngụy biện lợi dụng số đông (ad populum), ngụy biện cho rằng một luận điểm nào đó được số đông ủng hộ sẽ đúng. Cũng có thể coi nó là trường hợp ngụy biện con, sinh ra từ cách dùng ngụy biện lạm dụng thống kê nói trên.

Ví dụ 17: Tương tự ví dụ 15, cũng là ngụy biện so sánh ẩu faulty analogy (nôm na "đánh tráo khái niệm" trong cách nói người Việt)

Lời bà Tôn Nữ Thị Ninh, một tri thức khá có vai vế trong nước, năm 2004 khi được hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN: "TRONG GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI CÓ NHỮNG ĐỨA CON, CHÁU HỖN LÁO, BƯỚNG BỈNH THÌ ĐỂ CHÚNG TÔI ĐÓNG CỬA LẠI TRỪNG TRỊ CHÚNG NÓ, DĨ NHIÊN LÀ TRỪNG TRỊ THEO CÁCH CỦA CHÚNG TÔI. CÁC ANH HÀNG XÓM ĐỪNG CÓ MÀ GÕ CỬA ĐÒI XEN VÀO CHUYỆN RIÊNG CỦA GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI" phạm lỗi ngụy biện "so sánh ẩu" (faulty analogy) và nói theo ngôn ngữ Việt là đánh tráo khái niệm. Nhắc lại, ngụy biện này ý rằng, hai sự việc chỉ giống nhau một khía cạnh nhỏ, còn khác nhau hoàn toàn các khía cạnh khác nên so sánh chúng với nhau là ngụy biện.

Việc bà Ninh so sánh việc nhà nước VN xử lý công dân y hệt như việc ba mẹ dạy dỗ con cái trong một gia đình, và ám chỉ anh hàng xóm (nước láng giềng) không được can thiệp là một so sánh ẩu và sai. Mối quan hệ nhà nước - công dân, vốn dựa trên các quy định pháp luật, các giao kết ràng buộc mang tính pháp lý, ước khế xã hội và nó khác hoàn toàn mối quan hệ ba mẹ - con cái trong gia đình, vốn máu mủ và tình yêu thương thiêng liêng.

Hàng xóm - gia đình là một mối quan hệ xã hội, cũng khác quan hệ một nước với các nước lân bang vốn là mối quan hệ bang giao quốc tế, dựa trên các luật chơi quốc tế ... Bà Ninh còn nói hàng xóm ko có quyền can thiệp chuyện cha mẹ dạy con cái là sai. Cha mẹ mà đánh con cái quá đáng, bạo hành trẻ em, hàng xóm phát hiện hoàn toàn có thể báo nhà chức trách xử phạt, thậm chí phạt tù bậc cha mẹ như vậy (ví dụ ở Bình Dương).

Ngụy biện so sánh sai ẩu ở câu nói trên cũng chính là đánh tráo khái niệm, biến mối quan hệ nhà nước - công dân thành mối quan hệ ba mẹ - con cái trong gia đình.  

Ví dụ 18: Ngụy biện lý luận lươn trạch (Argument From Adverse Consequences)

Tác giả Chung Nguyễn viết trên báo TN về việc tịch thu bình nước miễn phí trên vỉa hè HN như sau: THỰC THI PHÁP LUẬT THÌ KHÔNG ĐƯỢC TẠO RA TIỀN LỆ, NGÀY NAY CÁC BẠN ĐẶT BÌNH NƯỚC, NGÀY MAI LÀ MộT QUÁN NƯỚC,  RỒI DẦN DẦN SẼ LÀ CÁI CHỢ CHĂNG? CHƯA KỂ, BẠN ĐẶT ĐƯỢC THÌ NGƯỜI BÊN CẠNH CŨNG ĐẶT ĐƯỢC, VÀ CẢ PHỐ CŨNG SẼ LÀM THEO, LÚC ĐÓ AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Mỗi câu nói trên đều phạm lỗi ngụy biện lý luận lươn trạch (Argument From Adverse Consequences), loại ngụy biện này cho rằng một nhận định phải sai, vì nếu nó đúng thì các sự kiện xấu khác (bad things) sẽ xảy ra sau đó. Ngụy biện này là ví dụ của một cách suy diễn tùy tiện, làm trầm trọng hóa vấn đề. Ngày nay đặt bình nước, rồi suy diễn cho rằng ngày mai sẽ là một quán nước, rồi thành cái chợ ... chính là cách nói lý luận luơn trạch như vậy. -"Chưa kể, bạn đặt được thì người bên cạnh cũng đặt được, và cả phố cũng sẽ làm theo, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?"- cũng là lý luận lươn trạch như trên.

Lưu ý: lý luận lươn trạch cũng là một ngụy biện thông dụng người Việt.

Ví dụ 19: Ngụy biện lợi dụng đám đông (ad populum) ngụy biện lạm dụng chữ nghĩa (appeal to emotion)

 1400 TỶ ĐỂ XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI NHẰM ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG VÀ TÌNH CẢM CỦA ĐỒNG BÀO TÂY BẮC VỚI BÁC HỒ, câu nói của ông Trần Bảo Quyến, Phó GĐ Sở VH-TT-DL Sơn La phạm hai lỗi ngụy biện: ngụy biện lợi dụng đám đông ngụy biện lạm dụng chữ nghĩa.

Ngụy biện lợi dụng đám đông: ngụy biện này nói rằng một lý lẽ được đám đông ủng hộ thì nó đúng. Ông Quyến đã dùng đám đông nhân dân Tây Bắc (cũng là một cách nói bừa thiếu chứng cứ) để biện hộ cho việc xây dựng này. Có thể thấy ngụy biện lợi dụng đám đông này được sử dụng rất sâu rộng bởi các chính trị gia tại Việt Nam.

Ngụy biện lạm dụng chữ nghĩa (appeal to emotion hoặc emotional appeal fallacy): ngụy biện khi kẻ tranh luận dùng các từ ngữ cảm tính để đánh vào cảm xúc, tâm lý của người đối thoại hay khán giả để giành được sự đồng thuận cho luận điểm anh ta. Câu nói "(đáp ứng) nguyện vọng và tình cảm nhân dân Tây Bắc với Bác Hồ" chính là dùng ngụy biện lạm dụng chữ nghĩa trên.

Ví dụ 20: Ngụy biện lợi dụng quyền lực (ad verecundiam) ngụy biện lạm dụng chữ nghĩa (hay lợi dụng cảm xúc (emotional appeal fallacy))

Lời ông PGS Nguyễn Trọng Phúc: "XÂY TƯỢNG TỐN KÉM, BÁC SẼ KHÔNG AN LÒNG" là một câu nói ngắn nhưng phạm hai lỗi ngụy biện trên.

Ngụy biện lợi dụng quyền lực (ad verecundiam): ngụy biện khi ai đó dùng danh tiếng hay uy tín những nhân vật nổi tiếng (trong trường hợp này là cụ Hồ) thay vì tính logic của luận điểm để tìm sự ủng hộ cho lời nói anh ta.

Ngụy biện lạm dụng chữ nghĩa (hay lợi dụng cảm xúc): "bác sẽ không an lòng" là cách nói không có bằng chứng, không logic và chính là lạm dụng cảm xúc mà thôi.

Ví dụ 21: Một câu nói, bốn lỗi ngụy biện cùng lúc: ngụy biện lợi dụng cảm xúc (emotional appeal fallacy), ngụy biện cá trích (red herring fallacy), ngụy biên rơm (straw man) ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions)

"TÔI XEM CLIP CẬU BÉ 14 TUỔI LÊN TIẾNG VỀ GIÁO DỤC VIỆT NAM MÀ KHÔNG KHỎI THẤY BUỒN. KHÔNG PHẢI VÌ CẬU BÉ NÓI KHÔNG CÓ LÍ, TÔI BUỒN VÌ NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐANG BỊ CUỐN VÀO THỨ “VĂN HÓA CHỬI” CỦA NGƯỜI LỚN.", câu nói trích từ bài viết trên báo Thanh Niên nói về lơi phát biểu em Tường Minh 14 tuổi về giáo dục VN (nguyên văn Youtube), phạm cùng lúc bốn lỗi ngụy biện trên. Cụ thể:

Ngụy biện lợi dụng cảm xúc (emotional appeal fallacy): ngụy biện khi dùng những từ ngữ cảm tính, các giá trị đạo đức hầu như không có tính logic vào trong tranh luận, để tác động vào suy nghĩ, cảm xúc người đọc, lấy được sự ủng hộ cho lời nói của mình. "Tôi cảm thấy buồn" chính là dùng những từ ngữ cảm tính (buồn, thất vọng ...) để tác động, lay động suy nghĩ người đọc, vốn không liên quan gì đến logic vấn đề đang bàn. Người đọc sẽ nghĩ, ừm, có vấn đề nghiêm trọng đây, mới khiến anh ta buồn vậy ...bla bla ...

Ngụy biện rơm (straw man): ngụy biện khi hạ thấp, bóp méo, suy diễn sai lời phát biểu đối phương đề giành phần lợi cho luận điểm của mình. Ở đây phát biểu Tường Minh lịch sự, thưa gửi, có trên có dưới, và đã từ tốn xin phép dùng một tính từ "thối nát" để mô tả thực trạng giáo dục VN. Gán ghép, chụp mũ, bóp méo lời nói đó, trong ngữ cảnh đó thành "chửi" là quá đáng. Cần phải khẳng định, lời em Tường Minh là một nhận xét, đánh giá cụ thể về GD VN, được trình bày từ tốn, có phép tắc cư xử đàng hoàng.

Ngụy biện cá trích (red herring): ngụy biện khi đẩy câu chuyện, lái vấn đề bàn luận sang chủ đề khác không liên quan. Sau khi bóp méo lời nói em Tường Minh thành "chửi", câu nói trên đẩy vấn đề lạc hướng sang việc "có những cậu bé nhiễm "văn hóa chửi" của người lớn". Việc các em bé nào đó có nhiễm văn hóa chửi của người lớn hay không là một vấn đề không liên quan đến tính đúng/sai trong luận điểm nhận xét về giáo dục của em Tường Minh này.

Ngụy biện kết luận ẩu (jumping to conclusions): ngụy biện khi chỉ đưa ra vài ví dụ, dẫn chứng không đầy đủ, rồi đi đến kết luận thiếu chính xác. Ở đây việc ám chỉ rằng em Tường Minh bị nhiễm văn hóa chửi người lớn cũng là một kết luận ẩu, vì chỉ từ ngữ cảnh câu nói chuyện của cậu ta là không đủ để có kết luận đó. Mặt khác, khẳng định em Tường Minh trong clip nói chuyện từ tốn, thưa gửi đàng hoàng, có phép tắc, văn hóa hẳn hoi.

Ví dụ 22: Ngụy biện lạm dụng tác phong (fallacies of appearance and manner)

NẾU ĐÓ LÀ SUY NGHĨ THẬT CỦA CẬU BÉ, THÌ NHỮNG NGƯỜI LỚN BÌNH TĨNH VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI TRẺ CON CẦN NÓI CHO CẬU HIỂU NÓI THẾ LÀ VỘI VÃ, LÀ KHÔNG ĐƯỢC. VÌ CÒN QUÁ NHIỀU ĐIỀU CẬU CHƯA ĐỦ HIỂU ĐỂ MÀ NÓI VỚI NỘI DUNG ẤY, THÁI ĐỘ ẤY, phạm lỗi ngụy biện lạm dụng tác phong, một biến thể của ngụy biện tấn công cá nhân.

Ngụy biện lạm dụng tác phong (fallacies of appearance and manner) là ngụy biện khi một ai đó lạm dụng tuổi tác, chức vụ, thành tích và danh xưng ... để hạ thấp người trao đổi, hạ thấp luận điểm họ và dành phần thắng cho mình.  Đức Hiển tự cho rằng nhận định về giáo dục em Tường Minh là sai, rồi lợi dụng độ tuổi nhỏ của em Tường Minh, lợi dụng vai vế tuổi tác lớn hơn của mình để hạ thấp lời em nói, ý bảo người lớn cần dạy bảo em lại... Câu nói trên có thể xem là tấn công cá nhân ad hominem em Tường Minh nhưng kín kẽ hơn, có vẻ trí thức hơn (lạm dụng tác phong) mà thôi.

Ví dụ 23: Ngụy biện anh cũng vậy (tu quoque fallacy) của GS Ngô Bảo Châu

Lời GS Ngô Bảo Châu khi bàn luận về các phát biểu tai tiếng của bộ trưởng Luận: NGƯỜI LÀM CHÍNH TRỊ CHẮC CHẮN PHẢI BIẾT ĐỐI MẶT VỚI DƯ LUẬN. VỀ PHÍA DƯ LUẬN, TÔI NGHĨ RẰNG TRƯỚC KHI PHÊ BÌNH CHÍNH QUYỀN CŨNG NÊN ĐẶT MÌNH VÀO VÍ TRÍ CỦA HỌ XEM MÌNH THỰC SỰ CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN HAY KHÔNG" phạm lỗi ngụy biện anh cũng vậy (Tu Quoque fallacy), ngụy biện đẩy vấn đề bị công kích sang người đối diện, hàm ý bảo anh cũng vậy thì đừng nói ai.

Hàm ý lời khuyên của NBC: nếu anh (dư luận) không làm tốt hơn họ, không bằng họ (họ = chính quyền) thì đừng nên (hạn chế) phê bình.

Câu nói của NBC là một hình thức biến thể cao cấp ngụy biện anh cũng vậy, và xuất hiện ở hình thức một lời khuyên (tai hại!). GS ngụy biện có khác!

Ví dụ 24: Ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam - appeal to pity) và ngụy biện cá trích (red herrings)

A: ÔNG NGUYỄN BÁ THANH THAM NHŨNG, ĐỒNG LÕA GIẤU ĐẤT GIẢITÒA ĐỀN BÙ CHO DÂN NGHÈO Ở ĐÀ NẴNG

B: ỔNG CHẾT RỒI, ĐỂ ỔNG YÊN.

Câu nói của B phạm hai lỗi ngụy biện trên:
Ngụy biện lợi dụng lòng thương hại: ngụy biện đánh vào cảm giác, tâm lý thương hại, trắc ẩn người đối thoại, để dành phân lợi cho luận điểm của mình. Việc bảo rằng ông Bá Thanh chết rồi thì không nên bơi móc quá khứ tham nhũng chính là lợi dụng sự thương hại như vậy. 

Ngụy biện cá trích: lái vấn đề sang một hướng khác không liên quan, để phân tán sự chú ý hoặc để dừng luận điểm người đối thoại. B dùng việc ông Thanh mất đi, nói "để ông yên", chính là để ngăn chặn luận điểm của A bàn về tham nhũng ông Thanh.

Ví dụ 25: Ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (ad misericordiam - appeal to pity), ngụy biện rơm (straw man), ngụy biện gây cảm giác tội lỗi (appeal to shame) và ngụy biện cá trích (red herrings)

A: ÔNG NGUYỄN BÁ THANH THAM NHŨNG, ĐỒNG LÕA GIẤU ĐẤT GIẢITÒA ĐỀN BÙ CHO DÂN NGHÈO Ở ĐÀ NẴNG

B: BẠN KHÔNG THẤY XẨU HỔ KHI BƯƠI MÓC QUÁ KHỨ MỘT NGƯỜI ĐÃ KHUẤT Ư

Câu nói trên của B tuy ngắn, nhưng đã phạm cùng lúc bốn lỗi ngụy biện trên: ngụy biện lợi dụng lòng thương hại, ngụy biên gây cảm giác tội lỗi, ngụy biện rơm ngụy biện cá trích.
Ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (appeal to pity): ngụy biện đánh vào cảm giác, tâm lý thương hại, trắc ẩn người đối thoại, để dành phân lợi cho luận điểm của mình. B đưa cái chết ông Bá Thanh vào để đánh vào tâm lý người đối thoại, gợi lòng trắc ẩn của họ.

Ngụy biện gây cảm giác tội lỗi (appeal to shame): ngụy biện khi cố ý gây cho người đối thoại, hay độc giả có cảm giác tội lỗi về luận điểm này, để dành phần lợi cho mình nhưng thật ra lời buộc tội chỉ đánh vào tâm ly, cảm xúc chứ không hề liên quan logic vấn đề đang bàn. B đã đi xa hơn, khi buộc tội A, làm cho A có cảm giác tâm lý có lỗi khi nói về việc tham nhũng của ông Bá Thanh.

Ngụy biện rơm (straw man): bóp mép, hạ thấp lời người nói. B dùng từ "bươi móc" chính là bóp méo lời nói đàng hoàng của A về ông Bá Thanh.

Ngụy biện cá trích (red herrings): lái vấn đề sang ý khác để đánh lạc hướng, hay dừng luận điểm người đối thoại. B đã sử dụng hàng loạt nguy biện, cũng chỉ là để ngừng luận điểm của A về ông Bá Thanh.
Đây là một ví dụ hiếm có và rất hữu ích, vì một câu nói ngắn mà sử dụng bốn ngụy biện kín kẽ cùng lúc.

Ví dụ 26: ngụy biện burden of proof (nghĩa vụ chứng minh hay luận điệu ngược ngạo) 
Xem trích đoạn đối thoại:

+ Facebooker Huỳnh Phước Sang: "Có một thống kê trên toàn cầu cho biết rằng: hơn 97% người luôn mồm chửi chế độ là những kẻ thất bại trong công việc, sự nghiệp hay cảm thấy không hài lòng về cuộc sống hiện tại của mình"

+ Trọng Hiền: "Con số 97% ở đâu ra? Tôi nghi ngờ nó"

+ HPS: "Bạn hãy chứng minh con số tôi đưa ra là sai"

Cách trả lời của HPS phạm lỗi Burden of Proof , dịch là "nghĩa vụ chứng minh", hay tài liệu GS NVT gọi là "luận điệu ngược ngạo". Đây là cách ngụy biện của người phát biểu, khi anh ta chuyển gánh nặng chứng minh hay tìm bằng chứng lời mình nói cho người đối thoại, trong khi đáng ra anh ta phải chứng minh nó. Trong ví dụ này, HPS đưa ra con số 97%, anh ta phải chứng minh hay đưa bằng chứng về nó, chứ không phải người đối thoại.

Ví dụ 27: Ngụy biện cắt xén thông tin (ngoài ngữ cảnh) - Quoting out of context fallacy

Chúng ta thường hay gặp các trường hợp có những người có ý đồ xấu, thường hay đăng lại một thông tin (ví dụ một phát ngôn, nhận xét, dữ liệu nào đó) ở dạng cắt xén, hay trích rút phát biểu ấy ra ngoài ngữ cảnh gốc, để lái vấn đề sang hướng khác, gây cho người đọc thứ ba hiểu nhầm. Ngụy biện này có tên FALLACY OF QUOTING OUT OF CONTEXT , tạm dịch "Ngụy biện cắt xét thông tin (ngoài ngữ cảnh)".

Ví dụ, tháng 4/2014, trong khi báo the The Strait Times đưa tin rằng trong 219 passport được khảo sát toàn thế giới về mức độ được chào đón (được miễn visa khi vào nước khác), passport VN xếp thứ 81 trên 93 nhóm. Thế nhưng báo VNExpress lấp liếm, cắt trích sai thông tin gốc về thứ hạng VN và có ý dối trá về việc này. Họ nói passport VN đứng thứ 81, nhưng không nói là 81/93, mà hàm ý cho người đọc nói là VN xếp thứ 81 trên 219 nước (và gọi là xếp hạng trung bình).

Quoting out of context hay cắt xén thông tin là một ngụy biện phổ quát mà báo chí nhà nước VN hay dùng để định hướng dư luận và các dư luận viên hay facebooker không đàng hoàng dùng nó để tấn công luận điểm và cá nhân người khác.

Ví dụ 28: Ngụy biện dụng bạo lực (ad baculum hoặc appeal to force)

 A: VĂC XIN Q VẪN AN TOÀN, NÊN CHÍCH

 B: TÔI KHÔNG ĐỒNG Ý, VÀI TÀI LIỆU VÀ THỰC TẾ CHO THẤY VẮC XIN Q KHÔNG AN TOÀN

 A: CẢNH CÁO, BẠN MÀ VÀO STATUS PHÁN TẦM BẬY LÀ CUI BLOCK, ĐUỔI CỔ KHỎI NHÀ

Ở đoạn trên, A đã dùng ngụy biện dụng bạo lực (ad baculum  hay appeal to force), ngụy biện mà kẻ tranh luận dùng sự đe dọa, ám chỉ đến những điều không hay xảy ra với người đối thoại để làm họ chùn bước, và từ đó phải chấp nhận quan điểm của hắn một cách bị ép buộc. Ở đây A đã dùng chiêu thức hù dọa block B, để làm B phải chùn bước và từ đó chấp nhận luận điểm của A.

Ngoài ra việc A quy chụp lời B nói là "phán tầm bậy" có thể quy vào ngụy biện rơm (straw man).

Ngụy biện dụng bạo lực rất hay được dùng trong trao đổi giữa người lớn và trẻ em trong gia đình, hay trong môi trường mối quan hệ bất bình đẳng như giữa sếp và nhân viên. Một status viết riêng về sự phổ dụng và tác hại của ngụy biện này trong gia đình có thể xem ở bài viết  LỖI CỦA CÁC BẬC BA MẸ - NGỤY BIỆN THƯỜNG GẶP TRONG GIA ĐÌNH VIỆT .

Ví dụ 29: Ngụy biện hãy nghĩ cho trẻ em (think of children fallacy)

"KHI NÀO LỚN LÊN EM SẼ HIỂU" 

Câu nói phổ dụng các chàng trai hay xài để trả lời các em gái trên, dùng các ngụy biện: 

1- Ngụy biện nghĩ cho trẻ em (thinking of children fallacy ), một dạng đặc biệt của ngụy biện lạm dụng cảm xúc (appeal to emotion). Đây là mẹo dùng để tránh né, kết thúc một cuộc tranh luận, hoặc bằng dùng các từ ngữ đánh vào cảm xúc người đối thoại, để dừng trao đổi (nghĩ về trẻ em đi các vị), hoặc đưa ra một quan điểm không trả lời được (unanswerable) nào đó, để người đối thoại tắc lại và không thể tiếp tục câu chuyện. Ở đây, thế nào là "đủ lớn", và có thật là cần lớn mới hiểu chuyện đó hay không? (Unanswerable)

2- Ngụy biện lạm dụng tác phong (xem ví dụ 22): dùng tuổi tác nhỏ của cô gái để ám chỉ cô ta chưa đủ "trình" để trao đổi câu chuyện. Rất may đây chỉ là lỗi nhỏ, chỉ là mẹo để dừng câu chuyện, không phải tấn công cá nhân (ad hominem) cô gái ấy.

(CÒN TIẾP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét