Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

TIN KHÓ TIN: CÁN BỘ CẮP Ô TÀN PHÁ HƠN THIÊN TAI, LŨ LỤT

Chỉ một nhúm cán bộ ở D mà đã móc túi ngân sách tỉ tỉ đồng sắm cho không thiếu thứ gì từ cặp số, áo vét xịn đến sim điện thoại. Nhưng cũng chưa bằng cái đám thư lại 30%, vô công rồi nghề, suốt ngày trà đá, máy tính, điện đóm của cơ quan, sau khi chơi game mỏi mắt và tranh thủ thời gian cho máy tính nghỉ cho mát thì tụ tập nói xấu những người siêng năng, giỏi giang. Đám này theo thống kê của một anh giỏi toán cao cấp là tác hại còn hơn thiên tai.

1. Dẹp ngay cái đám cắp ô cho dân nhờ

Cả một đội ngũ trùng điệp thư lại kém năng lực, kém đạo đức chỉ giỏi mỗi việc cắp ô đi cắp ô về ai cũng nhìn thấy mà không tài nào đuổi việc được. 

Biếm hoạ về tinh giảm biên chế tại Việt Nam hiện nay
 
Đã từ rất lâu rồi, nhưng những ngày này chỉ là nóng lên thôi, thực trạng nợ nần, phải đi vay để trả nợ, phải đi vay để trả lương nuôi bộ máy trong đó có đến 30% cắp ô. Có chuyên gia đã phải kêu lên “Không còn dư địa ngân sách”. Thực trạng đó là lửa đốt sau mông, nó đòi phải cách mạng ngay, cách mạng nhiều thứ, cách mạng toàn diện. Nhưng trước mắt ngay và luôn là dẹp cho được 30% cắp ô, dẹp cho được những bộ phận sống bám vào ngân sách, dẹp cho được bộ phận bất tài vô công rồi nghề ngồi chiếm chỗ trong bộ máy với đầy rẫy mưu toan kiếm chác, bòn rút, nhũng nhiễu, chia rẽ bộ máy, cản trở đổi mới. Nói tóm lại, cán bộ mà bất tài, vô công rồi nghề thì tai hoạ còn nghiêm trọng hơn thiên tai, địch hoạ nhiều lần.
Đây, chỉ mới riêng tại tại cơ quan DIV chi sai pháp luật để mua sắm vali, cặp công vụ, điện thoại và tiền cước phí… đã hàng chục tỉ đồng. Làm cán bộ như thế không sướng nhất thế giới, mà xếp nhì thì chỉ có lẫy trở lên.

2. Dân khổ vì đường tù BOT quá rồi, bộ Giao doạ đóng cửa trạm thu phí

Dân tình ca thán dẹp được nạn “cơm tù” chưa kịp hết mừng thì nay phải chịu cảnh “đường tù”. Dân nói bán đường BOT giá đắt mấy thì tuỳ nhưng phải có lựa chọn khác cho người dân, đằng này bỏ vốn ra làm ở những con đường độc đạo, độc quyền rồi chặn hai đầu thu phí, mỗi ngày mỗi tăng giá. Làm sao chịu cho thấu (?!).

Hôm qua, ông VEC gì đó lại tiếp tục xin bộ Giao cho tăng giá vé tuyến cao tốc Giẽ. Quý vị có xe ôtô cứ bình tĩnh sống. Lý do là trong bước đường cùng, trong thế dựa chân tường, thế nào rồi cũng có lối ra. Ở một số địa phương có trạm thu phí giá cao đã có nghề làm ăn mới rồi: Lập barie thu tiền cho xe né trạm trên những tuyến đường liên thôn, liên xã. Nhân đây, tôi xin thưa với nhà nước: Cần tính toán bằng toán sơ cấp coi tiền thu từ bán đường BOT có cân đối với tiền bỏ ra sửa đường hư, cầu sập do xe tải né trạm thu phí không.
Đường BOT bị hư hỏng nhưng nhà thầu không sửa chữa. Ảnh: Pháp luật VN 
 
Vẫn chưa hết tin xấu. “Đường bắc miền Trung bị lún, PMU 1 và PMU 6 đang ở đâu?”. Hai PMU và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 và Tổng Công ty 319 là những cái tên liên quan đến tình trạng hư hỏng mặt đường QL1A. Bộ Giao ra tối hậu thư buộc nhà thầu xử lý triệt để tình trạng hằn lún trên tuyến trước ngày 30.4, nếu không sẽ đóng cửa trạm thu phí. Mạnh mẽ và quyết liệt kinh khủng. Nhưng, cũng xin thưa bộ Giao, dân đi đường do quý ông BOT bán trên đoạn đường này thấy sự “mạnh mẽ, quyết liệt trên giấy” kiểu này không ít lần rồi. 




3. Nền đại học phục vụ đất nước… cách đây 60 năm

Các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân ở tất cả các làng quê đang vay mượn, nợ nần chồng chất để quyết cho con cái họ lấy đựơc tấm bằng đại học, dù không biết để làm gì. Rất đông sau đó cầm tấm bằng đại học để nuôi vịt, nuôi bò, phụ thợ nề… cùng với cha mẹ trả món nợ vay thời đi học. Rất, rất nhiều thanh niên lâm vào cảnh nợ nần, thất nghiệp từ một nền đại học mà các giáo sư cảnh báo là xa rời thực tiễn, lạc hậu, hiệu quả thấp, mất cân đối, phi kế hoạch… 

Biếm hoạ về đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay

GS. Pierre Darriulat cho rằng nền đại học của Việt Nam hiện nay đang khiến cho giới trẻ lãng phí 4, 5 năm của tuổi thanh xuân. Họ phải học những kiến thức lạc hậu, lỗi thời, có những thứ cách đây đã 60 năm. Ông tha thiết kêu gọi, nền đại học Việt Nam phải cảm thấy rằng đấu tranh cho sự phục hồi những giá trị tri thức và đạo đức là góp phần đề cao phẩm giá con người. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm trong việc thúc đẩy tạo nên một nền khoa học không biên giới.

Các giáo sư cũng đã nhiều lần lên tiếng rằng sinh viên Việt Nam tụt hậu là vì những môn học vô bổ. Thưa các nhà cải cách giáo dục, phải mau chóng chia tay với những trận đánh lớn bệnh thành tích trên mây trên mưa, với rất nhiều khẩu hiệu hoa hoè hoa sói. Hãy bắt tay hành động để ít nhất sinh viên Việt Nam được dừng học ngay những môn vô bổ, tập trung thời gian, năng lượng để học những điều cần thiết mà làm ăn.
4. Ấn tượng trong ngày: Ăn 1,5 bát phở Hà Nội là tội tham nhũng

Cơ quan công quyền Hà Nội hôm qua khẳng định vụ bát phở 300 nghìn đồng là không thể xử lý, vì đó là quan hệ thuận mua vừa bán, không có chặt chém gì ở đây hết. Ngay lập tức, người ăn phở trong nước và ngoài nước đã đồng thanh phản đối quyết liệt. Du khách nước ngoài ở viễn đông Sài Gòn tương lai nói không tưởng tượng được có bát phở giá 300 nghìn đồng. Nhân đó, nhiều khách du lịch cũng tố là ngành dịch vụ du lịch nước Nam có kiểu nhìn mặt khách rồi hét giá, mà dân gian gọi là coi ma đơm mâm. Chủ quán thấy mặt mình hơi ngơ ngơ là họ hét giá cao hơn người bàn bên vài chục ngàn như không…  

Bà Aung San Suu Kyi: Nhận quà trên 450 nghìn đồng là tội tham nhũng. Ảnh: VNE

Tôi chỉ lo với cách hành xử như vậy thì rồi còn khách du lịch ngoại quốc đến xứ mình nữa không. Trong khi đó, tại đất nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi vừa ký lệnh cấm cán bộ nước này nhận quà biếu giá trị 450 nghìn (đã quy đổi ra VNĐ) trở lên, nếu nhận ở mức đó phải chịu sự trừng phạt tội tham nhũng. So với tổng thống tiền nhiệm U Thein Sein con số bị quy tội tham nhũng là 5,4 triệu đồng thì sẽ thấy sự quyết liệt, không khoan nhượng của Suu, nhưng đồng thời nó cũng cho thấy lãnh đạo đất nước này nhận thức rất rõ về những nguy cơ thâm hụt ngân quỹ. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét