Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

TONY BUỔI SÁNG: MỘT LẦN CÁ NỤC


Để thành công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế, sống chung với bạn bè quốc tế, chúng ta phải trang bị nhiều kỹ năng, trong đó vệ sinh sạch sẽ vô cùng quan trọng.

Tây Ta gì họ cũng đánh giá cao một người sạch sẽ, chủ yếu được giáo dục từ bé, xuất thân từ gia đình cho cha mẹ sạch sẽ, biết giáo dục con ăn ở vệ sinh, từ đó hình thành thói quen. Khi đã ăn ở sạch sẽ rồi, mỗi lần nhìn thấy sự bẩn thỉu dơ dáy, chúng ta khó mà chịu được. 

Các bạn coi cái hình bảng hiệu này nhé. Bảng hiệu này được treo rất nhiều ở nước ngoài.

Clean up là dọn dẹp, sắp xếp.

Nhiều công ty phỏng vấn, thấy ứng viên kéo ghế ra ngồi xong cái đứng lên bỏ đi, đánh rớt luôn, vì không biết xếp lại cái ghế. Ly nước uống dở trên bàn cũng không đem dẹp. Cứ để đó. Mở cửa ra rồi không khép lại. Lấy giấy tờ xuống coi rồi không bỏ lên. Lấy hàng ra coi rồi vứt lung tung trong siêu thị. Làm rớt rác xuống đất mà cũng không buồn cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác. Hôm bữa Tony vô phòng họp công ty kia, thấy phòng họp mùi thức ăn còn nồng nặc. Trên bàn còn cây tăm xỉa răng còn dính chút máu, và 1 miếng thịt nhỏ bên cạnh cây tăm. Thấy lạnh sống lưng. Ăn sáng thì phải ăn ở nhà hay ở ngoài chứ, mắc mớ gì đem lên công ty ăn. Mình phải tự quản trị thời gian của mình chứ, 8h vô làm là 8h vô làm. Còn không dậy sớm được để ăn, ỉa hay tắm rửa, thì nhịn ráng chịu. Không thể ăn cắp giờ làm để thực hiện hành vi cơ bản này được.

After yourself tức sau khi sử dụng xong. Clean up after yourself là phải làm sạch sẽ, phải dọn dẹp, trả lại hiện trạng y chang như cũ. Pick up là nhặt lên. Đổ giọt nước xuống sàn phải lau khô. Vấy bẩn chỗ nào thì phải làm sạch chỗ ấy.

Your habits are a reflection of you: Thói quen của mày chính là tấm gương phản chiếu mày là ai. Habit là thói quen. Reflection là phản chiếu lại, phản xạ lại.


Nên mình phải để ý, ở đâu treo tấm bảng này, mình vô phải quan sát coi trật tự của nó thế nào, sử dụng xong, trả lại nguyên trạng. Nên nếu mình làm cha làm mẹ, nhắc nhở, trừng phạt con kỹ việc này. Nếu là sếp, nói thẳng luôn. Mất mặt thì chịu chứ không thể chấp nhận mấy đứa dơ dáy này ở công ty được. Nó tự ái thì nó nghỉ để về với cái chuồng của nó, công ty mình không phải là chuồng gia súc gia cầm mà vứt rác lung tung được. 

Còn nếu là mình, phải chịu khó để ý quan sát, kẻo bị sỉ nhục ở nước ngoài. Họ rất khó chịu khi mình bày ra mà không dọn dẹp. Hay lau tay thiệt khô mới bước ra ngoài, đừng làm cái cái nắm tay ở cửa ướt nhẹp, người sau mở cửa, sờ vô cái tay cầm ướt nhẹp như vậy, người ta sẽ sợ hãi vì gớm.

Cách đây mười mấy năm, Tony đi Anh Quốc ghé đứa bạn đang du học. Nó thuê phòng ở 1 cái nhà gần trường, toilet và nhà tắm phải dùng chung với chủ nhà. Cái mình sử dụng xong, có tấm kính chắn giữa nhà tắm và bồn cầu, nhưng không rõ sao nước nó vẫn văng ra ngoài được. Cái cuộn giấy vệ sinh mình lấy ra sử dụng, quên bỏ lại trên kệ phía trên mà để ngay trên bồn rửa mặt. Bồn cầu xài xong lại không đậy nắp. Lúc đó còn ngáo ngơ, mới ra trường không được ai dạy dỗ mấy cái này.

Tối, nhỏ bạn đi về, bà chủ nhà kêu lên. Bả hỏi là, bộ tụi mày không được dạy về clean up after use hả. Mày lúc mới qua cũng vậy, tao nói miết mới sửa. Còn bữa này your friend (ý nói Tony) lại tiếp tục didn’t clean up after himself. Mày nói với bạn mày là “his mom is not here”. Tây mà nói kiểu mẹ mày không có ở đây mà dọn dẹp cho mày là nặng lắm. 

Mình nằm trong phòng lắng tai nghe. Thấy có tiếng cười của sinh viên mấy nước khác cùng nhà trọ. Có 1 sự cá nục không hề nhẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét