Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

VÔ THẦN VÀ HỮU THẦN - Chu Mộng Long


Bài viết của tác giả Phạm Việt Hưng đúng sai chưa biết nhưng khá thú vị. Ông này dẫn lời của các nhà khoa học trứ danh và đi đến khẳng định: Chủ nghĩa duy vật là sai lầm! Tác giả quy kết cho chủ nghĩa duy vật, nhưng thực chất là xoay quanh vấn đề hữu thần hay vô thần. Trong khi chủ nghĩa duy tâm chủ quan vẫn vô thần.

Sai hay đúng còn nhiều tranh cãi và tranh cãi khôn cùng. Kết tội những người theo chủ nghĩa vô thần là “những gã bướng bỉnh ngoan cố” thì chính những người theo chủ nghĩa hữu thần cũng “bướng bỉnh ngoan cố” không kém. Cả hai đều bướng bỉnh ngoan cố cho nên họ tranh cãi cả mấy ngàn năm vẫn không đi đến một điểm chung nào. Bởi vì họ cãi cái điều không thể chứng minh.

Những người vô thần không thể chứng minh được cái gì khởi thủy của tồn tại và sự sống. Những người hữu thần cũng không thể chứng minh được thần của mình mặt mũi ra sao và cái gì sinh ra thần. Chỉ biết đó là cái Tuyệt đối!

Rốt cuộc khoa học chỉ là trò chơi của trí tuệ. Nó hợp thức hóa bằng niềm tin hơn là đảm bảo một chân lí khách quan.


Trong giờ Mỹ học, khi thảo luận về Plato và Aristotle, một ông cha đẻ của duy tâm và một ông cha đẻ của duy vật, sinh viên hỏi: Thưa thầy, giữa Plato và Aristotle, ai đúng hơn ai?

Tôi nói: Một ông chỉ tay lên trời, một ông chỉ tay xuống đất, thực ra cả trời và đất đều tồn tại.

Sinh viên nói: Chúng em đọc sách thấy nói, Aristotle đã chiến thắng trong cuộc tranh luận với người thầy của mình?

Tôi nói: Đó là sách giáo trình của Việt Nam. Ngay cả chuyện Aristotle sau những cuộc cãi vã với người thầy của mình đã lập trường học riêng và kéo học trò của mình sang đánh nhau với thầy trò Plato rồi tuyên bố chiến thắng, nếu có thật cũng không nói lên được điều gì. Chân lí không thuộc sức mạnh lấy thịt đè người. Tôi thấy, Aristotle vẫn luôn là học trò của Plato. Điều này chính Lenin cũng thú nhận: duy tâm thông minh hơn duy vật tầm thường. Ẩn dụ về hang động và cái bóng của Plato là một trí tuệ tuyệt vời, siêu việt. Nôm na ẩn dụ này là, đừng tin vào mắt mình!

Sinh viên hỏi: Tại sao giáo trình Mỹ học ở Việt Nam không nói đến trực giác?

Tôi nói: Họ không nói đến không phải họ không thừa nhận mà do họ không biết gì về trực giác. Aesthesis nghĩa gốc của Hy Lạp là sự nhạy cảm, đồng nghĩa với trực giác. Mỹ học không nói đến trực giác không phải là mỹ học đích thực. Đó là thứ Mỹ học duy ý chí, nó đưa ra những tiêu chuẩn, những khuôn mẫu chủ quan rồi áp đặt theo cơ chế quyền lực. Nó không có ý nghĩa thúc đẩy sự tiến bộ, khai phóng.

Sinh viên hỏi: Theo thầy có thần linh không?

Tôi nói: Học trò cụ Khổng từng hỏi câu tương tự. Đúng ra là hỏi câu: thưa thầy, sau khi chết rồi thì có còn không? Cụ Khổng trả lời, nếu ta nói còn thì các ngươi thi nhau chết, còn nếu ta nói không còn thì không ai thờ phụng tổ tiên, cha mẹ các ngươi. Học trò hỏi, thế thì có quỷ thần không? Cụ Khổng đáp: Quỷ thần kính nhi viễn chi!

Sinh viên hỏi: Khoa học vô thần luận khác với hữu thần luận ở chỗ nào?

Tôi nói: Khoa học vô thần luận là thứ khoa học không có khởi đầu, không có kết thúc. Chẳng hạn như Darwin không thể chỉ ra được cái đầu tiên sinh ra mọi cái, kể cả chứng minh loài này tiến hóa lên loài kia. Và cũng không thể chỉ ra được tiến hóa đến con người rồi thành con gì nữa. Hữu thần luận trả lời được, rằng mọi sự có khởi đầu và có kết thúc bằng công việc của thần. Nhưng thần là cái gì chỉ có thể cảm chứ không thể hiểu và chứng minh được.

Các bạn có quyền hoài nghi. Còn tôi tin A. Einstein: “Khoa học không có tôn giáo là khoa học què quặt; tôn giáo không có khoa học là tôn giáo mù quáng” (Science without religion is lame; Religion without science is blind).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét