Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

TIN KHÓ TIN: NỢ XẤU MÓC TÚI NGƯỜI DÂN, SẮP GIẢI MẬT CUỘC CHƠI "VÀNG LÊN VÀNG XUỐNG"

Thật là hồi hộp quá đi mất. Cuộc thanh tra về các dự án nghìn tỉ mua máy móc phế thải của Trung Quốc về để thực hiện giấc mơ làm giàu từ sắn trộn với xăng diễn ra từ năm 2014 đến hôm qua vẫn chưa thể công bố. Nhưng đỉnh của đỉnh thì phải là cuộc thanh tra “vàng lên vàng xuống”. Khai đao từ 2013 nhưng bây giờ đã qua ngày cá tháng 4 nửa tháng, bí mật vẫn chưa được giải mật. Trong khi các tinh hoa tiền tệ đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để giảm nhiệt cơn sốt mua tiền, thì nhiều chuyên gia đã bất ngờ tung ra triết lý về nợ xấu. Cộng vào đó là 23 nghìn tỉ và hơn thế nữa... 

1. Dạ thưa Quốc hội, tiền vé BOT đã cao hơn tiền nhiên liệu rồi

Ngày hôm qua, bức xúc về giá vé thu phí trên các tuyến đường BOT đã lên tận các vị quan chức năng. Một đại tá chuyên về giao thông nói thu phí BOT hiện quá sức chịu đựng của người dân. Một quan chức Hiệp hội giao - vận nói là giá vé BOT hiện đã cao hơn giá nhiên liệu. Vị đại tá đề nghị Quốc hội cần vào cuộc giám sát việc mở trạm thu phí quá dày đặc, giá vé thu phí liên tục tăng cao.

Trong khi đó, bộ Giao như muốn đổ thêm xăng miễn phí cho các nhà xe khi tuyên bố giá vé BOT của Việt Nam hiện thấp nhất khu vực, chỉ 2.000 đồng/km. Nhưng, thưa với bộ Giao, hôm qua tờ Dân Việt đã nói về sự vùng vẫy trong tuyệt vọng của các nhà xe khi họ cả đi lẫn về trên con đường có 10km ở Cần Thơ mà đã mua vé phí BOT hết 400.000 đồng, nghĩa là 40 nghìn đồng/km, nghĩa là gấp 20 lần con số đẹp, rất đẹp nhưng vô cùng xa vời, phi hiện thực do bộ Giao đưa ra. Cũng trong ngày hôm qua, nói về sự điêu đứng của người dân trước nạn tăng giá vé BOT, có báo đã nêu về tuyến đường chỉ 100 cây số Hà Nội – Thái Bình mà có tới... 4 trạm thu phí BOT (!).

Ảnh minh họa
 
Các ông chủ vay tiền ngân hàng để làm đường BOT nói họ tăng gía vé là do bộ Tài cho phép. “Đúng là việc tăng phí đồng loạt của các trạm thu phí trên toàn quốc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp” – xin thưa, không phải tôi nói câu này đâu, chính là một Thứ trưởng bộ Giao nói đấy. Còn đây là tin cuối ngày hôm qua, phóng viên Lao Động từ hiện trường trạm thu phí BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp tường thuật người dân bức xúc giá vé cao đã tháo dỡ dải phân cách để phản đối. Tôi chỉ mong bà con bình tĩnh, kiềm chế, đừng để “mắc mưu địch” phải đi tù vì giá vé BOT, vì như vậy là lãng xẹt, không đáng mặt dân.
 
 
 
 
 
2. 3 tháng, 23 nghìn tỉ sai phạm + hàng chục nghìn tỉ khác chưa được “giải mật”

Trên 23 nghìn tỉ và gần 2 nghìn hécta đất sai phạm do Thanh tra phát hiện chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016. Và nghiêm trọng nữa là, bấy nhiêu cũng chỉ là muỗi so với hàng chục nghìn tỉ chưa được “giải mật” khác. Khởi động thanh tra các dự án nghìn tỉ về các nhà máy nghiền sắn trộn với xăng mua thiết bị phế thải từ Trung Quốc cách đây đã hơn 2 năm với thời hạn thanh tra 50 ngày, nhưng hôm qua (14.4), cơ quan Thanh tra nói chưa thể công bố kết quả.


Cũng như vậy, cuộc thanh tra về quản lý vàng tại Ngân hàng nhà nước triển khai từ 2013, nhưng đến nay vẫn đang còn là bí mật. Một quan chức trả lời tờ Thanh Niên là sẽ có thời điểm giải mật vụ này. Vụ thì sẽ, vụ thì sắp, kiểu như ngày mai ở đây ăn thịt chó không phải trả tiền. Nhưng không biết ngày mai nào. Tôi nghĩ nhiều người giống tôi: Bắc đẩu ngồi hóng giải mật. 

Nhưng cũng là thanh tra, lại có vụ rất nhanh. Đó là với đối tượng đa cấp. Hôm qua, truyền thông được một “bữa no” với kết luận của Thanh tra, rằng Cty Thiên Ngọc Minh Uy hoạt động đúng pháp luật, không có sai phạm. Vâng, đáng phục nhất là chỉ sau vỏn vẹn có 3 ngày, đoàn thanh tra đã có kết luận rõ, to và “giải mật” ngay tức thì, đồng thời công khai luôn cho báo chí. Một tấm gương sáng về thanh tra. Không nói đâu xa, các đoàn thanh tra về các dự án trộn sắn với xăng, chơi “vàng lên vàng xuống” cần học tập và làm theo đoàn thanh tra đa cấp.




3. Nợ xấu, nợ công đang “móc túi” người dân
 
Có vẻ như có một “bộ phận không nhỏ” vẫn đang râm ran, rấm rứt tự hào rằng chúng ta đang xử lý nợ xấu mà không tốn một đồng ngân sách. Nhưng các chuyên gia nói rằng sẽ vẫn phải mất tiền ở đâu đó. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển chỉ ra 3 địa chỉ mất tiền: Người gửi tiền - phải chịu lãi suất thấp; ngân hàng, tổ chức tín dụng – giảm lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu; đối tượng yếu thế nhất – người đi vay.

Hệ lụy không thể cưỡng lại là lãi suất cho vay phải tăng lên. Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy dự báo lãi suất cho vay sẽ phải tăng 1 – 2% trong thời gian tới, và như vậy doanh nghiệp không thể nào mở rộng sản xuất kinh doanh như năm 2015 được. Áp lực lãi vay buộc doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ. Người phải hứng chịu hậu quả vẫn là dân. 



TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) cho rằng tình trạng đôla hóa, nợ công, nợ xấu là những nút thắt cơ bản khiến lãi suất có xu hướng tăng thời gian qua. Về nợ công, do áp lực đảo nợ, quy mô huy động trái phiếu chính phủ đã tăng mạnh, ảnh hưởng  lãi suất cho vay, vì Chính phủ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp để vay vốn. Nợ xấu được coi là nguyên nhân chính khiến lãi suất bị đội thêm hơn 2% so với mặt bằng lạm phát kể từ năm 2012 đến nay.

Ẩn đằng sau các “triết lý” thương vay khóc mướn cho nợ xấu ngân hàng hiện nay, kiểu nếu ngân hàng ôm một đống nợ xấu thì không thể giữ vai trò huy động vốn – “vai trò huyết mạch của nền kinh tế” là gì vậy? Là dùng ngân sách một cục để giải quyết dứt điểm nợ xấu chăng? Là gì đi nữa thì cũng “quy ra thóc” trên mỗi đầu dân thôi các vị ạ! Không thấy những chức quyền tìm cách truy trách nhiệm bồi thường, xử lý cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu. Có lạ không? Thực ra là không lạ mà là quá lạ!
Từ bức tâm thư của một giáo viên ở Cao Bằng gửi tân bộ trưởng không có trận đánh kiến nghị bỏ mô hình dạy học “vẹo cổ, lác mắt”, một diễn đàn của 65 nghìn thành viên là giáo viên tiểu học đã gửi đến tân bộ trưởng kiến nghị quyết liệt: Bỏ mô hình dạy học VNEN. 

Đây được lãnh đạo bộ Giáo thời trận đánh lớn coi là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến; và đông đảo giáo viên, hiệu trưởng cũng cam chịu thực hiện, khen ngợi trong nhiều năm qua. Nhưng khi chữ ký nhậm chức của tân bộ trưởng chưa kịp ráo mực thì đã có ý kiến đồng thanh kiến nghị bỏ VNEN vì 6 lý do: Sách giáo khoa VNEN không khoa học; bất cập về chỗ ngồi và sĩ số; hội đồng tự quản như vẹt; chết ngộp vì trang trí; trình độ học sinh không đồng đều; giáo viên diễn nhiều hơn dạy. 

Tôi có lời khuyên chân thành như này, các thầy cô đừng quá kỳ vọng vào không có trận đánh, bởi lẽ chuyển cái rụp từ trận đánh lớn sang không có trận đánh không phải chuyện vừa đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét