Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

TIN KHÓ TIN: 200 NGÀN TỶ BỐC HƠI RA NƯỚC NGOÀI, TĂNG PHÍ CAO TỐC MỚI ĐỦ CHO CHỦ ĐẦU TƯ... TRẢ LÃI NGÂN HÀNG!

Đọc Tin khó tin hôm nay rất dễ tăng huyết áp thưa quý vị. Là bởi chưa kịp vui mừng vì xứ mình không có tên nào trong Hồ sơ Panama thì đã thấy lòi ra một “Hồ sơ Panama” khác với con số kinh hoàng: Trung bình mỗi năm có 200 ngàn tỷ đồng từ Việt Nam “bốc hơi” ra nước ngoài! Còn đây, ông Thứ trưởng Bộ Giao bảo đang tính toán sức chịu đựng của dân mình để… tăng phí cao tốc để đủ tiền cho chủ đầu tư trả lãi ngân hàng! 

1. Mỗi năm, 200 ngàn tỷ đồng từ Việt Nam “bốc hơi”
 
Cách đây mấy hôm, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết một chuyện đúng rồi: Hiện chưa có thông tin cụ thể nào cho thấy các cá nhân, tổ chức người Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. “Nếu theo hồ sơ, tài liệu Panama mà phát hiện ra người Việt Nam thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác để điều tra làm rõ".
 
Lượng tiền chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài 
tăng gần 4 lần trong giai đoạn 2004-2013. 
(Đồ họa: Vntinnhanh dựa trên số liệu từ GFI) 


Chưa tìm thấy tên liên quan đến Hồ sơ Panama, nhưng một báo cáo thống kê từ tổ chức quốc tế Global Financial Integrity (GFI – Tổ chức Toàn vẹn Tài chính Toàn cầu) cho thấy trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2013, có tới 92,93 tỷ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.
 
Đặc biệt vào thời điểm 2013, lượng tiền chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài lên tới 17,837 tỷ USD.
 
Tính trung bình trong giai đoạn 2004-2013, mỗi năm Việt Nam thất thoát ra nước ngoài 92,935 tỷ USD, tương đương với hơn 200 ngàn tỷ đồng, lớn hơn cả con số 116 ngàn tỷ đồng mà Chính phủ đi vay trong và ngoài nước của quý I năm nay để chi tiêu, trả nợ.
 
Con số này tăng gần 4 lần kể từ năm 2004 (4,034 tỷ USD) đến năm 2013 (17,837 tỷ USD).
 
Ôi thần linh ơi, tiền của ai, tiền ở đâu ra mà lắm thế?
 
 
2. Giấc mơ công nghiệp còn xa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong nhiệm kỳ qua như thế này:
 
Việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chưa đạt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn.
 
Tan tành giấc mơ tiến lên công nghiệp vào năm 2020. Ảnh minh họa

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu quả; môi trường đầu tư chậm được cải thiện; thủ tục hành chính còn phiền hà. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu; lãng phí, thất thoát còn lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao. Tình hình quốc tế, khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường…
 
Trước đó, trong báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận có đến 10/15 tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt.
 
 
 
3. Cả làng “bắt tạm giam” xe rác

Một cảnh tượng kỳ quặc và không thể nào tin nổi đang xảy ra tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thưa quý vị:
 
Người dân "bắt tạm giam" chiếc xe tải chở rác thải của Cty CP Môi trường Khánh Hòa trong lúc tài xế vận chuyển rác độc hại vào nhà máy xử lý đóng trên địa bàn thôn.
 
Chiếc xe tải chở rác thải độc hại bị người dân "bắt tạm giam" 
đặt trước nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ninh Ích, đặt bên QL1A
Ảnh: Nhiệt Băng

Sự việc xảy ra từ ngày 1.3 đến nay và chính quyền đã nhiều lần vận động, giải thích, thuyết phục nhưng người dân cương quyết, nói chỉ "thả" xe khi nào nhà máy di dời! 
 
Vui nhất là cả ngày lẫn đêm, người dân thay nhau túc trực "canh giữ" chiếc xe. Ông Nguyễn Quốc Chí - Chủ tịch UBND xã Ninh An cho biết: "Đến nay, từ tỉnh đến xã đã 7 lần đối thoại rồi mà... không ăn thua, không thống nhất được gì".
 
 
4. Xã Đội trưởng xé giấy tờ của dân, thách dân đi kiện

Một người dân ở xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên dẫn cháu mình là sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đến gặp lãnh đạo UBND xã xin xác nhận sơ yếu lý lịch để đi thực tập tốt nghiệp.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo xã từ chối xác nhận với lý do ông Xã đội trưởng của xã cho biết sinh viên này đã chống lệnh nghĩa vụ quân sự. Hai bác cháu lên phòng làm việc của ông Xã Đội trưởng để làm rõ vấn đề này thì ông Xã Đội yêu cầu phải nộp 500.000 đồng thì mới xác nhận cho, nếu không nộp thì không nói chuyện.
 
Giấy xác nhận của sinh viên bị ông Xã đội xé thẳng tay. Ảnh: Lao Động

Lần gặp sau, ông Xã đội trưởng không những không nói chuyện mà còn xé luôn giấy tờ sau khi mở mồm: “Tôi không nhận cái này”! Lúc này, cậu sinh viên kêu to: “Chú xé giấy tờ xác nhận của nhà trường cháu đúng không? Cháu ghi âm cả rồi đấy!”. Ông Luật nói: “Tôi không nhận thì xé, kiện thì cứ kiện đi”!.
 
Trao đổi với PV Báo Lao Động sau đó, ông Xã đội trưởng thừa nhận có sự việc ông xé giấy tờ của người dân, nhưng ông cho rằng ông bị… bẫy!
 
Ông Xã đội cứ đùa, thú rừng bây giờ bẫy còn khó nữa là bẫy cán bộ!
 
 
5. Phát ngôn trong ngày: Tăng phí cao tốc mới đủ cho chủ đầu tư… trả lãi ngân hàng!
 
Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 hôm qua đưa ra một nhận định rất đau lòng là phí lót tay đang tràn lan khu vực công của Việt Nam mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người Việt ngày càng tăng!
 
Nghe hai chữ “chịu đựng” cứ như trâu bò phải chịu đựng sự bóc lột của “ông chủ” về sức kéo mà không biết làm gì khác. Mà trâu bò cũng có ngưỡng của trâu bò, mới đây ở Hà Tĩnh nó chẳng phát điên “vùng lên” húc người chết kẻ bị thương là gì!
 
 Tăng phí cao tốc mới đủ cho chủ đầu tư… trả lãi ngân hàng! Ảnh minh họa  
 
Thật ra dân mình không chỉ có chịu đựng mỗi việc vòi vĩnh, tham nhũng của tầng lớp phục vụ mà còn chịu đựng cả phí đường bộ, cũng từ tầng lớp phục vụ mình.
 
Chả là trên Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ Giao Nguyễn Hồng Trường cho biết đang tính toán sức chịu đựng của người dân để xem xét lộ trình tăng phí đường bộ.
 
Cũng Thứ trưởng Bộ Giao nói trên VietnamNet rằng phải tăng phí cao tốc mới đủ cho chủ đầu tư trả lãi ngân hàng. Nếu không tăng phí, lãi suất ngân hàng sẽ ăn vào kinh doanh của nhà đầu tư!
 
Hóa ra “tính toán mức chịu đựng” của người dân là vì lợi ích của doanh nghiệp chứ không phải vì lợi ích của nhân dân các mẹ ạ!
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét