Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

TIN KHÓ TIN: "TẤM ÁO VÁ" TRỊ GIÁ 1,5 TỈ ĐÔ

Hân hoan chào các bạn đã trở lại với Tin khó tin ngày 7.4. Các đại gia vay tiền ngân hàng sắm siêu xe, xây siêu trụ sở rồi đón các em chân dài về xài tiền vay hôm qua đã hứa rằng chuyến này chuyển sang đội Juve sẽ tu tâm tích đức để sớm về với vợ con chăm lo làm thuỷ sản kiếm tiền trả nợ. Nhưng, giá mua vào của Juve đang rớt thê thảm. Hôm qua, đã lại có thêm anh Huy cắp ô nhập kho vì xui khi nhận 20 chai hối lộ bị bắt tại trận. Thêm nữa, các quan xã bán dấu giá đắt cũng sắp hàng sau Huy. Xa hơn nữa, tiềm năng hơn nữa là các anh nghìn tỉ, nghìn tỉ… 

1. Phô trương trôi 1 nghìn tỉ, “trùm mền” nhà máy 1 nghìn tỉ và “tấm áo vá ” 1,5 tỉ đô

Tấm áo vá của chị Dậu giá 1,5 tỉ đôla đang được sửa sang nhưng 
vẫn bị hằn lún có nơi sâu 4cm. Ảnh: Một Thế Giới.  

Hôm nay vẫn chưa có gì vui đâu thưa quý độc giả. Mở đầu là hàng loạt đại gia thuỷ sản Cà Mau cùng một dây cán bộ ngân hàng VDB sắp chuyển sang đội Juve đã cấu kết với nhau lập hồ sơ vay rồi giải ngân làm thất thoát trên 1.000 tỉ đồng. Lấy được tiền ngân hàng các đại gia dùng để xây trụ sở, phô trương lấy le để tiếp tục đi vay nhiều hơn ở chỗ khác. Cứ như vậy, tiền ngân hàng thi nhau ra khỏi két sắt chảy vào siêu xe, siêu trụ sở, rồi đám thanh niên và cả các ông già dùng các thứ đó làm trang sức đi kiếm các em chân dài. Từ ngày nhập kho, nhận tin tức từ vợ con làm nghề bới cơm rằng các em chân dài đã bu theo các đại gia bất động sản cả rồi.


“Xin ngàn tỉ cứu dự án “trùm mền” – tờ Tuổi Trẻ hôm qua lại khoét vào nỗi đau của con chim đầu đàn ngành thép Việt TISCO. Dự án bỏ hoang phế từ năm 2012 sau khi bị nhà thầu Trung Quốc ôm đi 90% tiền thiết bị. Và để khởi động lại đống sắt vụn, TISCO lập dự án xin 1.000 tỉ đồng kèm các ân huệ miễn thuế, miễn lãi vay... Một số cá nhân, tổ chức với "trách nhiệm lương tri và thời đại" đã nói thẳng ra rằng thêm nghìn tỉ nữa vẫn không chắc đã thoát vòng "bỏ thì thương, vương thì tội".
 
Không một chút cường điệu, những người quan sát độc lập gọi con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với giá 1,5 tỉ đôla là tấm áo vá của chị Dậu. Chỉ mới sau 17 tháng đưa vào sử dụng, tình trạng hằn lún, hư hỏng xảy ra trên diện rộng. Các nhà xe nói họ phải chịu phí 300.000 đồng đến 1.220.000 đồng/ lượt/ xe, nhưng xe phải chạy trên con đường hằn lún có nơi sâu 4cm. Tôi đã nói rồi, các nhà xe hãy bình tĩnh sống, hôm nay là một sinh kế thoát hiểm mới: Thời gian tới đây nếu số xe tham gia giao thông giảm xuống, thì quý ông BOT sẽ lại giảm giá vé để thu hút nhà xe. Bình tĩnh sống để chờ đợi là vậy. Ngày ấy không xa, không xa.


http://www.tienphong.vn/phap-luat/hang-loat-dai-gia-thuy-san-ca-mau-bi-truy-to-989649.tpo

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160406/xin-ngan-ti-cuu-du-an-trum-men/1079776.html

http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/tam-ao-va-tri-gia-gan-1-5-ti-usd-mang-ten-noi-bai-lao-cai-26643.html

2. Đem con bỏ chợ, giấy tờ của quan xã ngày càng đắt đỏ
 
Dự án mỏ sắt trên diện tích 3.900 ha, với trên 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay tương lai vẫn vô định. Trong khi đó, 51 hộ dân di dân đầu tiên phải sống trong tình cảnh thiếu đủ thứ, thiếu đất sản xuất, không có điện, nước. Nhiều hộ đã quay trở lại làng cũ để làm lụng kiếm cái ăn. Tình trạng thiếu đói toàn diện là rất đáng lo ngại trước mắt và cả lâu dài.

 Người dân tái định cư quay lại làng cũ tìm kế sinh nhai, chống đói. Ảnh: Vietnam Net  

Vấn đề cần kíp nhất lúc này là 6 nghìn hộ dân trong khu vực di dời của mỏ cần một sự xác quyết chắc chắn của chính quyền, rằng có triển khai dự án khai thác sắt hay không. Trong khi đó, vấn đề của vấn đề lại nằm ở chỗ “đầu tiên”, mà câu hỏi tiền đâu lại phụ thuộc vào ông nhà băng. Phải hàng nghìn tỉ mới đủ cho dự án này. Có hay không? Tôi kiến nghị chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cần đủ dũng cảm và lý trí để sớm đưa ra quyết định là ngừng dự án này hay tiếp tục… treo.

Cũng là di dân. Nhưng ở Quảng Bình. Các hộ đi đến nơi ở mới được hỗ trợ tiền. Họ phải ký nhận 10 triệu đồng. Nhưng quan xã bớt lại 2 triệu, nói là tiền làm giấy. Làng nước ơi, dấu và chữ ký của quan xã mà đã 20% rồi thì dân nào sống nổi.
 
 
 
3. “Đánh” thẳng kinh tế tư nhân, “đánh” trách nhiệm kiểm toán

Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch một doanh nghiệp có số vốn đầu tư vào lĩnh vực điện lên tới gần 4.000 tỉ đồng thẳng thừng: “Nhà nước đừng làm thay doanh nghiệp, đừng tạo cơ chế xin - cho nữa!” sau khi bà nói rằng với cách quản lý như hiện nay Nhà nước đang “đánh” thẳng vào khối kinh tế tư nhân lĩnh vực điện.
 
 Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh: “Nhà nước đang 
“đánh” thẳng vào kinh tế tư nhân”. Ảnh: T.L
 
Cơ chế tính giá mua điện hiện nay là Nhà nước tính giá thành sản xuất điện. rồi cho doanh nghiệp một mức biên lợi nhuận. Giá thành sản xuất điện không phải do doanh nghiệp tính, mà do Nhà nước nhảy vào tính toán. Nhà nước có trách nhiệm đưa ra mức giá mua, rồi để cho doanh nghiệp tự tính toán giá đó họ có sản xuất để bán được không; như vậy mới kích thích sự cạnh tranh, tiết kiệm trong đầu tư. Đơn giản vậy nhưng không làm vì nếu vận hành đúng quy luật như vậy thì còn đâu đất sống cho mấy ông cắp ô xin – cho.
 
Ngày mai (8.4) cổ phiếu EIB sẽ bị đưa vào diện cảnh báo. Lý do, báo cáo tài chính của EIB có nhiều bất minh. Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) là đơn vị được lựa chọn để kiểm toán báo cáo tài chính của EIB. Người ta đã truy hỏi, trách nhiệm kiểm toán ở đâu trong vụ này? Vâng, tôi đề nghị phải truy hỏi gắt gao hơn nữa, để góp phần “kiểm soát quyền lực” trên quyền lực thứ 4 này…
 
 
 
4. Tin cuối ngày: 1 tin tốt, 1 tin 50 – 50 và 1 tin xấu

Chị Ba Sương – người đàn bà uy quyền đã trở lại trong vòng tay ấm áp của bạn bè, đối tác trong và ngoài nước sau một thời gian dính vòng lao lý với câu nói thật cảm động “Họ không vì tôi nghèo mà bỏ đi”. Bà lão 70 bây giờ là chị Ba Sương Anh hùng Lao động, là Người phụ nữ ấn tượng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương một thời oanh liệt. 
 
Anh hùng Lao động Ba Sương. Ảnh: Dân Việt
 
Cuộc họp báo về đa cấp chiều 6.4. Đại tá của một Văn phòng Quốc gia nói báo chí rất nên dự cuộc này vì dân bức xúc, quan tâm, cần biết. Bộ Công đuổi hết nhà báo ra ngoài. Ai thương đa cấp, ai chống đa cấp. Câu trả lời cũng 50 – 50.
 
Một cán bộ kiểm dịch ở cửa khẩu tên Huy đã bị bắt khi nhận 20 triệu đồng bôi trơn của doanh nghiệp. Đáng nói là họ chỉ nhập khẩu có 5.000 tấn mì (sắn) mà đã tốn chừng đó rồi. Đáng nói nữa là ông Huy bị bắt do xui thôi, chứ ai ở đó cũng nhận tiền như vậy cả. Ha ha… Đấy, cứ bảo sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Xin thưa, trong ô có xèng nữa đấy. Do vậy, đuổi việc bọn này rất khó. Và do vậy, bắt bỏ tù.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét