1. Harrod là một “con dượng” dự thi mứt thanh long, bữa gặp ở Villa
De Tony, Tony đặt tên ngoại quốc là Harrod, lúc đó đang làm ngành giao
nhận nhưng mê sản xuất. Hoà nhập quốc tế, bên cạnh tên Việt cũng nên có
tên tiếng Anh, giống như người Hồng Công hay Singapore, chủ yếu để giao
tiếp cho dễ, không nên bảo thủ kiểu Á Châu. Phải phóng khoáng lên, chỉ
là một cái danh xưng, mình không chấp nhận sự mới lạ hay thay đổi thì
khó lòng làm nên nghiệp lớn. Ăn mặc cũng vậy, quan trọng là nghĩ lớn,
làm ăn lớn, làm nhiều tiền để "ăn sang mặc quý phái", đi xe hơi, hoà
nhập quốc tế không được tuỳ tiện, lùi xùi cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tony động viên bạn về quê sản xuất mứt trái cây. Bạn về, tách riêng ½
diện tích nhà để làm xưởng, liên hệ với vùng nguyên liệu, thiết kế bao
bì nhãn hiệu, tìm kiếm chỗ mua máy móc xong xuôi, chạy những mẻ đầu tiên
để đem đi tiếp thị. Từng bước trở thành ông chủ nhỏ, chạm 1 tay vô ước
mơ cuộc đời mình. Ước mơ thì ai cũng có, nhưng chỉ có số ít là làm, số
còn lại ngồi ngưỡng mộ. Các bạn coi ai có sự nghiệp gì không, có thành
tựu gì không thì mới follow. Người ta nói chuyện làm chuyện ăn, riết
mình bắt chước.
Tony kêu nó vô nhà uống nước, nó nói thôi đứng
ngoài trình bày cũng được. Nó nói con vướng phải vấn đề MÁY MÓC, Tony
nói thôi con đi về đi. Bữa nào rảnh, tui lên page chỉ cho, chỉ sỉ chứ
không chỉ lẻ mắc công quá.
Về máy móc, nếu MUA NGUYÊN DÀN MÁY chỉ
để làm mẫu chào hàng, thì rất rủi ro, vì chưa chắc mẫu đó được thị
trường chấp nhận. Mình có liên hệ các trường ĐH cao đẳng như BK, Tôn Đức
Thắng, Cần Thơ, Tiền Giang, Hutech, công nghiệp... hoặc bất cứ trường
nào gần nhất mà có khoa CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM. Phòng thí nghiệm ở đó đều
có tủ sấy, tủ đông, tủ hấp, trích ly, cân đo đong đếm hút chân không,
hóa chất bảo quản hay cái gì cũng có… chỉ là không sản xuất quy mô lớn
được thôi. Hoặc là nhờ các công ty trong ngành, cái này phải làm quen
với bộ phận sản xuất các nhà máy, thuyết phục người ta. Cứ gõ cửa. Làm
ăn là không ngại. Ngại, tự ái, mắc cỡ, sĩ diện, háo danh,… đều không có
trong từ điển của người làm ăn.
2. Hồi mới ra trường, Tony quen
mối sản xuất dầu chiết xuất từ cây tràm (dùng cho phụ nữ mới sinh rất
tốt), viết mail giới thiệu chào hàng, bên Nhật thích thú đòi xem mẫu.
Nhưng VN mình sản xuất thủ công còn tạp chất, chắc chắn không xuất khẩu
được nên Tony mới liên hệ công ty dược phẩm gì trên đường Cách Mạng
Tháng Tám, nó đồng ý làm 10 lít, cấp cho bảng phân tích (certificate of
analysis) luôn, có giấy này mới gửi DHL qua bên Nhật được. Khách thấy OK
nên qua đặt hàng khí thế, sau này tụi Nhật đem máy móc rồi qua sản xuất
luôn dưới Long An, họ mời Tony về làm giám đốc nhưng Tony không có nhận
lời vì mắc đi Harvard học. Tony từ chối làm tụi nó khóc quá trời (khóc
bằng tiếng Nhật).
Lúc hãng Phượng Tím mới ra đời, Tony cũng đi
gia công. Tony chầu chực cả ngày ở phòng thí nghiệm các nhà máy, mua
bánh mua kẹo dụ các bạn kỹ sư ở đó làm cả chục mẫu… rồi mang đi hội chợ
chào hàng. Mình làm mẫu tới lui cả chục lần họ mới OK, rồi mới đặt đơn
hàng thử nghiệm gọi là trial order, chỉ có 1-2 container thôi, mình nào
dám đầu tư máy móc. Trong khi các nhà máy có chạy hết công suất đâu,
mình đem công thức, bao bì của mình tới, kêu họ sản xuất cho mình lúc họ
rảnh rỗi. Họ cũng phải trả lương công nhân bao nhiêu đó/tháng, nên có
việc làm thêm cho anh em, họ còn mừng. Sau này khi đơn hàng lớn rồi, thì
mình mới tự lập xưởng sản xuất, gia công mãi như thế không chủ động
được, vì mình chỉ là con nuôi, họ phải ưu tiên con đẻ của họ. Gia công
như thế này gọi là OEM, nhiều bạn cũng qua Trung Quốc gia công, ví dụ
Smartphone, bên Thâm Quyến sản xuất mọi mẫu mã, ai muốn gia công ghi tên
Tèo Mobile, Tí Mobile gì nó cũng làm, nhưng giai đoạn đầu thì được, chứ
làm ăn ổn định rồi mà phụ thuộc người ta nguy hiểm lắm.
Về mặt
bằng sản xuất, đầu tiên thì tự quy mô ở nhà, cái máy nhỏ nhỏ đóng gói,
hơ lửa dán keo lại cũng được. Hồi năm 3 ĐH, Tony đi Nha Trang chơi, có
ghé khu Cửa Bé. Tony đi 1 vòng coi nhà nào có nước mắm ngon, lên chi cục
đo lường chất lượng Khánh Hòa đăng ký nhãn hiệu “nước mắm Tony Cocky”
xong, đem vô Sài Gòn bán. Tony mò lên nhà máy Ngọc Nghĩa trên khu CN Tân
Bình mua chai, nó có bán lẻ. Cứ cuối tuần, ngoài Nha Trang gửi vô 10
can 200 lít, Tony ngồi sớt ra chai, dán nhãn rồi đi bán cho các cửa hàng
tạp hóa khu vực phường 13 Bình Thạnh. Người ta góp ý là chai nước mắm
phải cái màng phủ trên cái nắp, nếu không, nhìn không an toàn. Hồi đó
làm gì có internet mà tìm kiếm. Tony mò xuống Chợ Lớn từ mờ sáng đến
khuya, mất mấy ngày mới tìm ra cơ sở sản xuất MÀNG CO. Người ta hướng
dẫn dùng cái máy sấy tóc, trùm màng co vào đầu chai và sấy 1 cái là nó
ôm cái nắp chai ngay.
Tony cứ buổi nào lên trường thì thôi, bữa
nào ở nhà là đi tiếp thị rồi giao nước mắm, rồi 4-5h chiều là tắm rửa,
thay đồ đẹp xịt nước hoa lên thư viện học đến 8h đêm mới về. Mấy năm ăn
học cũng nhờ cái nước mắm này và nhiều business khác nữa nên sống hết
sức phong lưu, tốt nghiệp vẫn loại giỏi như ai. Yên tâm đứa ham làm thì
nó cũng ham học. Ngày chuẩn bị ra trường, Tony tặng cái business nước
mắm cho thằng Tú, một đứa ở cùng nhà trọ, dân Bà Rịa, vì thấy nó tử tế
trung thực. Tony hướng dẫn nó cách sản xuất xong, dắt nó đi 1 vòng thăm
khách hàng, nói các cô các chú ơi, con học xong rồi, con chuẩn bị vô mấy
tập đoàn đa quốc gia làm rồi, hoặc con sẽ mở cơ sở sản xuất ở quê, hoặc
có thể đi Tây làm việc hay học lên nữa. Thằng em này thế con, có gì cô
chú giúp đỡ nó nhen. Thằng Tú cũng làm y chang Tony vậy, nhưng nguồn
nước mắm là từ dưới Lộc An Bà Rịa. Khi nó ra trường nó lại chuyển cho 1
đứa khác làm. Vì Tony dặn phải hào sảng, không được tủn mủn kiểu "thà
dẹp chứ không cho" của mấy đứa tiểu nông rẻ tiền, chả muốn ai giàu có
cả, không hiểu tại sao lại có lối suy nghĩ đó.
Thời đi học, Tony
rất ghét mấy đứa sinh viên hát ê a “bạn tôi, sáng nhịn ăn, lên giảng
đường” rồi nói sinh viên tụi mình tội nghiệp, nói là thuở hàn vi. Sức
dài vai rộng, trí tuệ có mà hàn vi thì do lười động tay động chân thôi.
Cứ lao động cật lực rồi hưởng thụ. Mắc mớ gì nhịn đói rồi lên giảng đường. Cứ phở bò phở gà quất tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét