Năm năm với một sự khởi
đầu
Tôi vẫn luôn tự hỏi
mình, điều gì đã khiến tôi – một con bé có năng khiếu ngoại ngữ (như nhận xét của
nhiều người vì ba năm vào đến vòng thi cấp quốc gia), lại lọt thỏm vào môi trường
nghệ thuật – một lĩnh vực rộng lớn và mới lạ với tôi?
Tôi vẫn luôn tự hỏi
mình, điều gì đã khiến tôi rời bỏ một môi trường thuận lợi, một công việc thời
thượng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, một tương lai vững chắc, để trở lại từ đầu,
để trở thành một sinh viên Mỹ thuật?
Tôi vẫn luôn tự hỏi
mình, điều gì đã khiến tôi rời bỏ khỏi con đường bằng phẳng của lý trí để bước
vào những ngã đường cảm xúc chông chênh?
I. Những thay đổi đã dẫn đường cho
tôi đến với nghệ thuật…
Những cảm xúc tiềm ẩn
Từ nhỏ, tôi đã đọc nhiều sách. Và tư duy được hình thành từ những
câu danh ngôn mang đậm chất triết lý. Tuổi thơ của tôi thiếu thốn tình thương,
những lời lẽ âu yếm ngọt ngào. Má tôi luôn chìm trong đau khổ với sự hờn ghen uất
ức với người vợ lẽ của ba mà không dám phản kháng. Ba tôi là nhà giáo từ thời
phong kiến, mang nặng tính gia trưởng. Những lời giáo huấn nghiêm khắc cộng với
những trận đòn kinh khủng đã làm chị em chúng tôi co rúm lại trong vỏ bọc, đè
nén cảm xúc và tự mình hình thành một thế giới quan. Tôi là đứa con được sinh
ra sau cùng với sự kỳ vọng là một thằng nhóc với một cái tên đã được chọn sẵn.
Nhưng rốt cuộc, ba tôi đã bị thất vọng đến nỗi chẳng buồn chọn cho tôi một cái
tên mới! (Nhiều lúc tôi nghĩ, cũng may là lúc đó chưa có cái máy siêu âm giới
tính nên tôi đã may mắn góp mặt trong cuộc đời này). Những gì đã xảy ra dù là một
điều nhỏ nhặt nhất cũng in đậm trong tâm trí tôi. Đến bây giờ, những hình ảnh của
ngày xưa vẫn như một cuốn phim quay chậm mà thời gian không sao xóa nhòa đi được.
tôi vẫn còn nhớ rõ tình bạn đầu tiên của mình năm ba tuổi ở nhà trẻ, thật khó
tin, phải không? Chị bảy tôi kể, lên năm tuổi tôi thường lấy dao đào đất. Bảy hỏi:
“Mày đào làm gì vậy?”. “em tìm âm phủ”. Buồn cười thật, ngay cả khi tư duy chưa
hình thành, trong tiềm thức tôi đã có xu hướng “bi kịch” như thế rồi!
Khi tôi còn nhỏ, thì các chị tôi đã lớn. Công việc tôi thường
phải làm là kiếm củi, đi vó kiếm đồ ăn trong ngày. Làm bạn với tôi là những cục
đất sét có mọi hình hài ngộ nghĩnh mà tôi nặn ra trong lúc ngồi chờ giở vó. Có
lẽ từ đó, tôi đã có thói quen tự đối thoại một mình. Trò chơi ưa thích nhất một
thời của tôi là, dựng nhà chòi, và tạo ra một gia đình hạnh phúc. Nỗi ám ảnh lớn
với tôi luôn là sự cô đơn. Trong căn nhà lớn thênh thang, tôi luôn phải nghĩ ra
những câu chuyện để tự trò chuyện với mình. Phải nói ra thành lời, để không thấy
mình cô độc. phải tạo ra một nhân vật, để không thấy mình lẻ loi… Có lẻ do thiếu
tình thương, nên tôi thường hay ganh tỵ với những con thú nhỏ được nâng niu chiều
chuộng. Tôi vẫn thường tự hỏi rằng, tại sao người ta dư thừa tình cảm đến mức
yêu thương ôm ấp cả con vật, trong khi là con người, mà tôi không được hưởng?
Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa từng bao giờ hỏi sáu người chị
của tôi rằng, đã có ai thật sự cảm nhận được một hạnh phúc thật sự là như thế
nào chưa… Ngày xưa cũng thế, tôi cũng chỉ biết đứng nhìn từ xa cảnh chị hai tôi
không còn chút sức lực nào, quỵ ngã, khi hay tin đứa con trai 2 tuổi bị bên chồng
bắt đi… Tôi chỉ biết đứng nhìn từ xa cảnh chị bảy tôi rũ rượi khóc, mà rùng
mình, sợ hãi. Vì đó không phải là một tiếng khóc bình thường. Đó là những tiếng
cười như điên như dại, những tiếng cười uất ức, và nước mắt tuôn trào, chứ
không được là một tiếng khóc tủi thân bình thường của một người con gái 17 tuổi…
Tôi luôn chơi trò một gia đình hạnh phúc, nhưng không thể thốt lên được một lời
chia sẻ nào trước những nỗi đau của chị mình, cũng như, chưa bao giờ nói với ai
một lời nào về những gì tôi thấy, những gì tôi nghĩ. Tôi đã không bao giờ đặt
câu hỏi với người lớn rằng, tại sao, cùng sống dưới một mái nhà, mà tôi và chị
bảy, chị tám không cùng ăn một bữa cơm. Tôi đã không bao giờ đặt câu hỏi rằng tại
sao, ba, má và anh ba chia nhau nuôi mỗi người… Chấp nhận một cách bình thường
như cảnh lớn lên đã thấy ba cùng sống với người khác và có những đứa con xen kẽ
nhau với hai người vợ…
Bây giờ nhìn lại những tấm hình hiếm hoi của thời niên thiếu,
tôi nhìn thấy một gương mặt lặng lẽ của một đứa bé với ánh mắt đau đáu, tuyệt
nhiên không thấy nụ cười. Một đứa bé đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, và luôn phải
tự mình giải đáp. Một đứa bé bị ám ảnh về những nỗi bất hạnh, những đau khổ của
những người xung quanh, không thể trò chuyện với ai, phải tự mình giải tỏa bằng
cách tạo ra cho mình hai người bạn tinh thần để viết thư tâm sự. Ngày xưa, bạn
bè cùng lớp tôi cứ ganh tỵ vì thấy thỉnh thoảng tôi lại nhận được những lá thư
từ hai người bạn nào đó có chữ viết khá đẹp, mà không hề biết rằng, tôi là chủ
nhân của ba nét chữ… Tôi tạo ra hai người bạn sống động đến mức, đã có lúc, bản
thân tôi cũng nghĩ là có thật. Tôi vẽ ra chân dung của một người anh kết nghĩa
tận tình, đầy nhiệt huyết. Gương mặt sống, nồng ấm, đầy tình cảm mà tôi tự tưởng
tượng ra…
Tôi lớn lên với mơ ước…, rằng tôi muốn được trở thành nhà
văn, để có thể lắng nghe và viết về những nỗi đau khổ, bất hạnh của con người…
Tôi muốn đi đến tận cùng của nỗi đau, để biết, thật ra thì, trong đời con người
ta, nỗi đau nào mới thật sự là bi kịch lớn nhất…?
Tôi lớn lên như một chồi cây tự do, xù xì và đầy gai để che
dấu đi sự yếu đuối của một đứa bé luôn khát khao đau đáu một tình cảm yêu
thương. Tôi luôn mơ ước đến sự nổi loạn, khao khát mãnh liệt một cuộc sống tự
do, như là một cách chạy trốn cảm giác bất lực trước cuộc sống gia đình mình… Học,
là con đường duy nhất để tôi có thể thoát ly được cuộc sống bế tắc. Năm lớp
chín, đạt giải ba môn tiếng Nga cấp tỉnh, lần đầu tiên tôi biết đến hạnh phúc của
tình bạn (Bình thường, tôi chưa bao giờ hòa nhập vào nhóm bạn nào. Giờ ra chơi,
tôi luôn ở lại trong lớp… Tan học, tôi cũng luôn lắc đầu trước những lời rủ rê
đi ăn hàng… Trong túi tôi ít khi nào có hơn hai trăm đồng, số tiền đủ để gửi một
chiếc xe đạp lúc đó). Một tháng tập trung học bồi dưỡng ở Sở giáo dục là khoảng
thời gian tôi đầy ắp niềm vui. Tôi không bị buộc phải quay về nhà trước khi trời
sụp tối, tôi được sống trong một không gian đầy ắp tiếng cười. Đó là cảm giác
được đối thoại, được chia sẻ với những người bạn, cảm giác thật sự được hiện hữu…
Tôi đã không còn chỉ muốn đi tìm nỗi đau khổ, mà bắt đầu hướng tới niềm vui… Tấm
hình đầu tiên tôi nở nụ cười, được chụp vào năm này. Hạnh phúc đối với tôi lúc
đó, là có được một tình cảm yêu thương nồng ấm giữa người với người!
Sự tiếp cận
Tôi không biết bây giờ, các bạn nhỏ ở tỉnh tôi đã được tiếp
cận với nghệ thuật như thế nào. Chứ ngày xưa, tôi hầu như không có khái niệm gì
về Mỹ thuật. Thời học lớp sáu, tôi có được học mỗi tuần một tiết học vẽ, nhưng
rồi lên lớp bảy, không còn được học nữa. Trong ký ức của tôi, điểm chín điểm mười
của môn vẽ không để lại dấu ấn gì đặc biệt cả. Tôi được mọi người hướng vào một
tương lai gắn liền với ngoại ngữ, môn học mà tôi vượt trội nhất. Trong đầu tôi
lúc đó, không hề tồn tại một suy nghĩ gì về trường Mỹ thuật.
Đậu hai trường đại học, tôi đặt chân đến Sài Gòn. Sự rộng lớn
của thành phố này khiến tôi càng lọt thỏm trong nỗi cô đơn. Sự thay đổi của thời
thế đã khiến tôi hoang mang về con đường mình đã chọn. Từ một ngoại ngữ một thời
chỉ ưu tiên cho học sinh giỏi hoặc con các cán bộ cỡ lớn, tiếng Nga bị lật đổ
ngôi vị một cách thảm hại. Cứ mỗi lần nghe tôi nói là sinh viên khoa Nga, ai
cũng tròn xoe mắt. Tự bản thân tôi lúc đó cũng không biết mình học để làm gì nữa.
Cứ mỗi tối sau khi kết thúc công việc làm thêm, về ký túc xá tôi cũng chẳng thiết
gì đến việc học. Tôi lại rớt vào câu hỏi về tương lai của mình. Được một người
bạn cho mượn cái máy Zenit cũ kỹ, tôi mày mò tự học qua sách. Tôi thích thú
nhìn ngắm chân dung của cuộc sống qua ống kính của mình, tạm quên đi những câu
hỏi về tương lai. Tôi sung sướng trước những lời khen là đã bắt được cái hồn
trong khoảnh khắc khi chụp ảnh chân dung cho khách (chụp ảnh cũng là một trong
những việc làm thêm của tôi lúc bấy giờ). Ấp ủ trong tôi một dự định về bộ sưu
tập những chân dung ấn tượng.
Nhưng nhiếp ảnh cũng chưa giải tỏa được nỗi khát khao được
khẳng định trong tôi. Một lần, nhìn thấy một tấm ảnh cô gái Nhật Bản với gương
mặt thanh thoát dịu dàng trong bộ trang phục Kimono truyền thống, tôi liền vẽ lại
bằng bút chì. Bạn bè trong phòng đứa nào cũng khen tôi có năng khiếu (tụi nó
phì cười khi nghe tôi nói chỉ biết là thời phổ thông tôi vẽ bản đồ rất giỏi
liên tục được mọi người nhờ vả). Và tôi vẽ tiếp gương mặt người anh kết nghĩa
mà mình đã tưởng tượng ra. Khỏi phải nói tôi đã sung sướng đến dường nào khi đã
thể hiện xong gươg mặt đó. Tôi có cảm giác như đó là một con người hiện hữu thật
sự chứ không còn mơ hồ như trước kia. Đầu năm 1995, đọc trên báo thấy một mẫu
tin ngắn rằng trung tâm giới thiệu việc làm cho trí thức mở một lớp học vẽ miễn
phí cho các bạn khó khăn, ngay lập tức tôi đăng ký. Lớp học đó chỉ tồn tại được
một tháng rưỡi nhưng đã kịp đánh thức trong tôi một đam mê. Không có tiền mua
quà sinh nhật, tôi vẽ chân dung tặng bạn bè. Vui làm sao khi nhìn gương mặt bạn
ngạc nhiên thích thú. Mặc dù sau này khi luyện thi thấy tôi có nói, nếu tôi
không học lớp học đó, có lẽ sẽ dễ dạy hơn. Nhưng đối với tôi, lớp học đó là sự khởi
đầu của một cơ duyên dẫn đường cho tôi đến với Mỹ thuật.
Bước ngoặt
Năm 1996, tôi cũng chưa thật sự có được cơ hội để bước vào
trường Mỹ thuật. Vì dù sao, đó chỉ là một đam mê mới bắt đầu le lói trong tôi,
không đủ sức thuyết phục gia đình cho phép tôi từ bỏ trường Đại học Tổng Hợp để
rẽ ngang vào một ý thích nhất thời trẻ con (trong suy nghĩ của gia đình tôi lúc
đó). Xin chuyển sang khoa Đông Phương từ năm nhất nhưng không được chấp nhận
(dù số điểm khi thi vào của tôi hơn hẵn điểm chuẩn của khoa này đến 6 điểm).
Lúc đó, tôi không còn chút động lực nào để tiếp tục hai năm cuối ở trường Tổng
Hợp nên quyết định nghỉ. Tôi muốn bắt đầu lại với nỗi đam mê mới nhưng về cơ bản
chưa nắm vững (tôi vẫn còn vẽ chân dung theo cái cách vẽ bản đồ) mà không có tiền
để học luyện thi. Quan điểm của ba tôi hết sức rõ ràng, chỉ đứa con nào đậu đại
học mới được cho tiền để đóng học phí 4 năm. Mà Mỹ thuật thì, không hề tồn tại
trong khái niệm của gia đình tôi.
Một con đường được lựa chọn kỹ càng từ nhỏ bỗng chốc thành
đường cụt. Một đam mê mới le lói thì lại bị dập tắt. Không còn sự lựa chọn nào,
tôi đành vùi mình vào môn tiếng Nhật như một sự phó thác vào may rủi. Mất định
hướng, tôi không còn biết mình thật sự muốn gì. Tôi càng thu mình vào trong vỏ
bọc, trở nên mất hết tự tin và xa lánh mọi người dù sâu thẳm trong tâm hồn tôi
vẫn là sự khao khát một tình cảm yêu thương.
“Cô
đơn ơi mi thương xót chi ta
Mà
cứ mãi theo ta hoài vậy?
Nửa
cuộc đời ta mải mê trốn chạy
Mệt
mõi, rã rời mà cũng vẫn gặp mi!”
---
“Những
tiếng mèo hoang…
kêu
gào trong đêm tối
thống
thiết lạ lùng!
Ta
không phải là mèo hoang,
Mà
rách toang lồng ngực
Bởi
tiếng của mình…
Bị nuốt ngược vào
tim!!!”
Năm 1997. Lấy xong bằng B, tôi dự thi một cuộc phỏng vấn tuyển
chọn phiên dịch cho nhóm tu nghiệp sinh đi lao động ở Nhật. Tôi đi thi, chỉ để
kiểm tra năng lực ngoại ngữ của mình, nên khi nhận thông báo được tuyển chọn,
tôi đứng trước một ngã ba đường. Vì thực sự, tôi vẫn còn tha thiết được học Mỹ
thuật. Và cũng bởi vì tôi sợ bản chất yếu đuối sẽ khiến mình không tồn tại nổi
trong môi trường làm việc khắc nghiệt ở Nhật Bản. Nhưng đồng thời, tôi cũng nhận
ra đây là cơ hội để mình có thể thoát ra được cuộc sống bế tắc chán chường, là
cơ hội để tôi có thể trau dồi trình độ ngoại ngữ, và từ đó, tôi có thể tự quyết
định lấy số phận của chính mình.
Năm 1998. Thế nhưng, con đường tôi đi luôn luôn có những ngã
rẽ bất ngờ. Công việc của tôi không chỉ là phiên dịch mà còn phải làm việc như
những người công nhân khác. Những ông chủ Nhật Bản gần như muốn tận dụng hết sức
lực từ nguồn nhân công rẻ tiền nên tôi gần như không còn khoảng thời gian nào
dành cho dự định lang thang, gặp gỡ trò chuyện cùng người dân bản xứ để nâng
cao trình độ. Mỗi ngày làm đến chín giờ tối đã rút hết của tôi mọi sức lực. Chúng
tôi phải làm thêm ngay cả ngày nghỉ, ngày lễ. Ho lo sợ tu nghiệp bỏ trốn ra
ngoài nên đưa ra những luật lệ hết sức vô lý, khắt khe. Hiếm hoi lắm tôi mới có
thời gian lang thang. Cứ mỗi lần đi nhìn bức tượng khỏa thân bên bờ sông, tôi
nghe tim mình thắt lại. Áp lực công việc đè nặng cộng với tự ái dân tộc và sự bất
đồng về suy nghĩ, tôi gần như bị phát điên lên vì cảm thấy không được sống như
một con người. Đầu tôi như muốn vỡ tung vì những câu hỏi không sao giải đáp. Có
lúc tôi phải lên xe cấp cứu vì căn bệnh suy nhược thần kinh. Và đến một lần vì
quá căng thẳng, tôi đã đút cả bàn tay vào máy ép hơi nước. Tôi tưởng chừng như
đã chết ngất với ý nghĩ là mình phải mất đi bàn tay phải của mình. Sau một tuần
nghỉ dưỡng thương, tôi quyết định vứt bỏ tất cả để đi về nước.
Năm 1999. Sau một năm ở Nhật, tôi quay trở về. Mặc mọi người
thương hại nghĩ là tôi bỏ cuộc giữa chừng. Làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.
Số vốn duy nhất mà tôi có được sau chuyến xuất ngoại ấy là một tinh thần làm việc
nghiêm túc và hơn hết là sự trưởng thành.
“Từ
bây giờ mình là bạn của nhau
Cô
đơn ơi! Mi gật đầu đi nhé!
Một
tiếng cười dù chỉ là rất khẽ…
Trong
thinh không… vang vọng đến muôn lần!
Cả
cuộc đời ta tìm kiếm tình thân
Để
sưởi ấm cõi lòng giá lạnh
Để
quên đi nỗi đau ám ảnh…
Để
buồn vơi… và hạnh phúc nhân đôi!
Nhưng
cuộc đời…
Cái gì tìm thì lại hóa
xa xôi!”
Tôi đã có thể đứng được trên chính đôi chân của mình. Tôi đã
khiến ông giám đốc cũ người Nhật phải nhìn tôi bằng một cái nhìn tôn trọng khi
chứng minh một chân lý rằng không phải tất cả người Việt Nam sang ấy đều vì tiền.
Tôi vẫn nhận lời cộng tác với ông ta mỗi lần sang đây làm việc. Tôi cũng không
muốn giữ mãi những ấm ức của khoảng thời gian ấy làm gì. Sau tai nạn lao động ấy
mà vẫn giữ nguyên vẹn được bàn tay, tôi đã hiểu đâu là con đường sắp tới tôi sẽ
chọn.
Năm 2000. Vào ngay thời điểm nhận được tin đậu Đại học Mỹ
Thuật, tôi nhận được lời đề nghị làm việc cho công ty liên doanh chuyên về xuất
khẩu lao động với một mức lương khá cao (chưa kể đến những khoản tiền phụ khác
còn có thể cao hơn lương nữa). Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Khỏi phải nói là gia
đình phản đối thế nào khi biết tôi thi vào trường Mỹ Thuật. Tôi biết cơ hội để
có một công việc như vậy chỉ đến một lần này, và nó sẽ không chờ tôi. Tôi biết,
nếu tôi mong muốn một cuộc sống ổn định, một tương lai vững chắc thì không có
lúc nào tốt hơn. Trong khi đó, tôi vẫn chưa thật sự tự tin là mình có một năng
khiếu bẩm sinh về nghệ thuật khi đã đến với Mỹ thuật vào cái tuổi mà hầu hết bạn
bè đồng tuổi đều đã ổn định công việc. Và hơn hết là, lần đầu tiên tôi cảm nhận
được tình yêu đã đến với mình. Tôi đang ở ngưỡng cửa sắp chạm tay vào niềm hạnh
phúc là có được một tình cảm yêu thương. Tôi có thể hy sinh đam mê của mình cho
tương lai của hai người, cho cái hạnh phúc mà tôi vẫn luôn khao khát. Nhưng đồng
thời, tôi cũng lo lắng rằng sự tiếp xúc thường xuyên với đồng tiền sẽ giết chết
cảm xúc của mình. Tôi có lòng tin vào nỗi đam mê nghệ thuật, và tôi sẵn sàng chấp
nhận trả giá cho sự lựa chọn đó. Nhưng tôi lại không chắc là sẽ giữ được tình cảm
yêu thương ở mãi bên mình, cũng như không chắc rằng mình sẽ hứng thú với công
việc đó mà không bị bộc phát lại căn bệnh suy nhược thần kinh.
Bước qua sự phản đối của nhiều người với nhiều hoài nghi cho
rằng tôi sẽ lại bỏ dở giữa chừng, tôi bước vào ngưỡng cửa trường đại học Mỹ thuật,
bắt đầu sự khám phá những ngã đường cảm xúc chồng chéo đan xen.
----------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét