II. Cảm nhận thực tế
Năm 1: Phan Rang – sự
mới mẻ và lạ lẫm…
Lần đầu tiên đi thực tế, tôi cứ mường tượng trong đầu những
cảnh sinh hoạt được sắp xếp như trong những bức ký họa của những người đi trước.
Rằng người ta sẽ ngồi yên đó cho mình vẽ. Buồn cười thật! Tôi cứ nhớ hoài cảm
giác lạ lẫm đầu tiên khi đặt chân đến ngôi làng Chăm ở Phú Quý, Phan Rang. Mấy
ngày đầu tôi cứ lặn lội đi khắp làng, không biết phải vẽ gì… vì, có thấy người
ta ngồi như trong tranh đã xem đâu. Đi đến đâu, tôi cũng chỉ thấy nhà vách đất,
xương rồng, hàng rào củi mang đậm chất Chăm. Đẹp thật đấy, nhưng chỉ dành cho
dân hội họa. Tôi nhớ lời thầy nói mà hơi hối hận, rằng năm đầu tiên chỉ nên đi
trong thành phố, để có gì thì thầy sẽ hướng dẫn thêm. Nhưng dù sao, cũng là lần
đầu tiên đặt chân đến đây, nên tôi muốn được nhìn, và muốn ghi lại những góc cạnh
đẹp của ngôi làng thú vị này vào ống kính. Dù sao thì, một người từng đam mê
nhiếp ảnh như tôi cũng không thể bỏ qua cơ hội ghi lại sự mộc mạc của một ngôi
làng truyền thống qua những cuộn phim trắng đen đã mang theo. Những gương mặt
khắc khổ của các cụ già và ánh mắt tròn xoe ngộ nghĩnh của những đứa trẻ là một
lực hút khó cưỡng lại. Những đứa trẻ rất chịu khó theo tôi, và luôn sẵn sàng ngồi
nhìn tôi hàng tiếng đồng hồ. Gương mặt các em bé thật hay – thu hút lạ kỳ. Những
ánh mắt tròn xoe, bỡ ngỡ và thích thú… Thế là, tôi lấy giấy ra…, bỏ hẵn ý định
sẽ quay về Sài Gòn chọn đề tài khác. Sẽ không có trước mặt tôi những gì như tôi
nhìn thấy trong tranh. Và tôi cũng sẽ rất khó ký họa lại những sự chuyển động của
người lớn trong năm đầu tiên này. Nhưng, luôn có những đứa bé ẳm em đứng nhìn
tôi hàng giờ liền; luôn có những ánh mắt mở to cho tôi ký họa chân dung mà
không bao giờ chán. Tôi không có khả năng ghi lại trên bức vẽ trong khoảnh khắc
các em nở nụ cười ngây thơ chân chất, nhưng tôi cảm nhận được cái hồn đó đã len
lõi vào trong tôi. Một cảm giác mới mẻ và lạ lẫm.
Phú Quý, ngày … tháng
12 năm 2000
“Lần đầu tiên đi thực
tế. Đúng là thực tế không như mình tưởng tượng. Nhưng, cảm giác mới lạ lùng làm
sao! Những ngôi nhà tranh vách đất, những bờ rào bằng củi xiêu vẹo, những gương
mặt khắc khổ hồn Chăm. Chân chất đến nao lòng… Sao cảm thấy một sự mâu thuẫn đến
kỳ lạ. Trong chính cái nghèo đó, cái đẹp mới được cảm nhận. Rồi mai này, khi
làng giàu lên, sẽ thay thế những ngôi nhà vách đất này là bức tường xi măng lạnh
lẽo, thay thế bờ rào xiêu vẹo này hàng rào kẽm gai sắc cạnh. Cuộc sống khá hơn,
nhưng đến lúc đó, có thể còn được cảm nhận về cái đẹp như thế này không?”
“Những đứa bé! Ôi
gương mặt và ánh mắt của chúng! Lạ lẫm và ngây ngô! Sự chăm chú khi chúng nhìn
mình vẽ làm mình có được cảm giác rằng mình rất quan trọng! Nói ra chắc những
người cùng đi sẽ buồn cười, nhưng mình thật sự cảm thấy vui sướng làm sao! Lâu
lắm rồi mình mới được cười vui một cách thật sự…”
“Ngày hôm nay đã đi bộ
thật nhiều, nhưng cũng đã được thấy thật nhiều. Càng đi sâu vào trong làng,
càng cảm thấy trở nên thân thuộc. Cũng vườn cây, ruộng lúa, con mương, tiếng
chó sủa, y như ở quê mình. Khác là có một bến nước để mọi người ra tắm rửa, giặt
giũ. Cảm giác thật thanh bình. Được mấy cô gái Chăm dạy cho vài tiếng chào hỏi,
nhưng lại thấy tụi nhóc cười rúc rích. Chắc là dạy nói bậy rồi… Niềm vui của mấy
đứa bé thật đơn giản, nhìn chúng cười thật nhẹ nhõm làm sao!”
“Mấy bạn học năm hai
ghé Phú Quý chơi, rồi rủ về Sơn Hải, một làng chài ven biển cách đó 15 km. Noel
rồi, tự thưởng cho mình một ngày thư giản. Trời ạ! Sơn Hải cũng thật là đẹp! Đi
trên con đường gập ghềnh qua những vách núi đá thật ấn tượng thì cuối con đường
đột ngột hiện ra một ngôi làng nhỏ nằm dài trên bãi biển. Rồi những đồi dương
toàn cát và cát, Những dãi đồi cát nhìn từ xa có những đường sắc cạnh như lát cắt.
Tuyệt vời nhất là những ốc đảo nước ngọt. Có gì lạ hơn thế! Giữa một vùng mênh
mông toàn cát lại có những hồ nước ngọt lớn nhỏ xanh trong. Tắm biển xong, leo
lên núi cát, hét vang trời, rồi nhào xuống hồ nước ngọt. Ở làng quê heo hút ở
miền Trung lại có một nơi tuyệt vời như thế này đây! Bao nhiêu nỗi buồn đều tan
biến! Gào thật to! Hát thật to! Đã có tiếng gió và tiếng biển cùng hòa nhịp. Một
cảm giác sung sướng lâng lâng! Cảm giác căng thẳng, những suy nghĩ về người ấy
đã tan biến tự lúc nào… nỗi buồn ấy đã như cát ở đây chảy hết qua lòng bàn tay.
Nằm giữa rừng dương, dưới làn gió hiu hiu, giấc ngủ đến thật nhẹ nhàng…”
Bạn có bao giờ cảm nhận
được ánh sáng của cát chưa? Thật lạ lùng làm sao! Khi tỉnh giấc bởi những giọt
nước mưa len lỏi rơi xuống, tôi vẫn thấy bừng sáng một ánh nắng hắt vào mặt
mình. “Mưa nắng?”, tôi nghĩ thế và nhìn lên bầu trời… nhưng thật lạ, bầu trời
âm u xám xịt đầy mây, và mưa càng rơi nặng hạt. Lúc đó, lần đầu tiên trong đầu
tôi xuất hiện một từ mới, “nắng cát”. Ánh nắng hắt sáng ngời gương mặt tôi
không phải là ánh nắng mặt trời, mà là ánh nắng của cát. Dẫu bầu trời xám ngoắt,
mưa to, vẫn không sao làm dịu đi ánh sáng vàng rực của cát.
“Tôi
nằm đây
Giữa
rừng dương im vắng.
Nắng
cát,
Hắt
mặt sáng ngời.
Những
câu hát à ơi…
Không
còn chơi vơi nữa.
Tình
yêu đôi lứa…?
Giờ
chẳng là chi…
Ôi
đời có nhiều khi,
Vui
ghê gớm!
Dẫu
đã buồn ghê gớm!...
Những
khoảnh khắc tuyệt vời…
Tuôn
rơi…
À ơi!”
Đó là lần đầu tiên tôi đi thực tế… vụng về và bỡ ngỡ… Nhưng
cũng mở ra cho tôi nhiều cảm giác mới mẻ. Tôi đã từng đi nhiều nơi, nhưng những
lần đó, chỉ là những lần đi du lịch, lướt qua bằng vẻ bề ngoài hời hợt. Bây giờ,
tôi đi, để quan sát, để học cách nhìn và cảm nhận. Tôi không biết những người
cùng đi với mình có suy nghĩ gì, nhưng với tôi, ấn tượng thực tế đầu tiên thật
là quan trọng. Bài thực tế của tôi được tám điểm. Lần đầu tiên tôi đưa những cảm
nhận thực tế vào trong bài sáng tác, về những em bé làng Chăm.
Năm 2: Tây nguyên – cảm giác nguyên
sơ, dạt dào xúc cảm…
Năm hai cũng là một năm tôi gặp nhiều bất ổn về mặt tình cảm.
Những cảm giác đau khổ cứ day dứt trong tôi. Tôi không sao lý giải được những
gì đã xảy ra, không sao hiểu được những thay đổi thất thường trong con người.
Và càng không thể nào nói lên được thành lời những day dứt ấy. Bài thi chạm nổi
bố cục ba người, tôi làm hai nhân vật đang sung sướng chờ đợi sự xuất hiện của
sinh linh thứ ba. Tôi biết có thể vì điều này khiến bài tôi không được điểm cao
vì sẽ bị nghĩ là ăn gian một nhân vật, nhưng tôi thích nó lắm. Một góc độ nào
đó, bài này đã nói ra được mơ ước thời thơ ấu của tôi – mơ ước về một gia đình
hạnh phúc thật sự của riêng mình, đầy ắp tình yêu thương!
Thực tế năm nay tôi chọn Gia Lai. Nơi đầu tiên tôi đặt chân
đến là Kongchoro, một làng dân tộc Gia-rai trải dọc theo con đường heo hút,
không điện, không nước, tôi gọi đùa nơi đây là làng “không cho ra”. Đi vài cây
số mới thấy lác đác vài nóc nhà. Những đêm sáng trăng, người ta tụ tập lại rất
đông, tôi không hiểu mọi người đến từ đâu mà nhiều thế, trong khi ban ngày tôi
đi mỏi cả chân, tìm mỏi cả mắt mà nhiều khi chẳng thấy ai. Một cảm giác nguyên
sơ, lạ lẫm.
Rồi băng qua đường rừng tôi đến Azunpa, tìm đến Phú Bổn, một
làng đồng bằng dân tộc có gương mặt đẹp nhất. Nếu xung quanh không có núi,
không có những căn nhà sàn, tôi sẽ nghĩ đây là quê mình. Cũng những con đường
nhỏ đi vào xóm, cũng những cánh đồng lúa rộng mênh mông. Cảm giác thật thanh
bình. Chiều chiều mọi người tụ tập ở bến sông, cùng tắm gội, giặt giũ. Cảm giác
thú vị khi quan sát những em bé đào những hố nhỏ, rồi múc nước đã được chắt lọc
từ cát vào bình. Mọi người không uống nước từ những giếng nước có trong làng,
mà uống nước sông đã được lọc sạch từ hố cát. Đêm đầu tiên đón tiếp người quen
(tôi đi cùng một người anh kết nghĩa học năm 5 khoa lụa, người mà mỗi năm đều
chọn nơi thực tế là Tây Nguyên), trong căn nhà sàn được tỏa sáng bởi ánh lửa, mọi
người quây quần lại uống rượu cần và hát. Một anh chàng dân tộc vừa đàn vừa hát
một bài hát do mình sáng tác. Tiếng hát day dứt như tâm trạng một con đại bàng
bị gãy cánh, một nỗi khát khao cháy bỏng… nghe đến xoáy lòng. Những tiếng hát đầy
lửa, đầy chất núi rừng hòa tan vào hương vị rượu cần ngọt lịm ngây ngất, lâng
lâng…
Tôi không tìm ở đâu được cái cảm giác bồng bềnh đó. Đi trên
con đường gập ghềnh, tiếng hát bật ra khỏi lồng ngực như một sự giải thoát.
Chưa bao giờ tôi thấy tiếng hát mình đầy lửa, đầy sức sống như những lần tôi vừa
lang thang một mình, vừa cất tiếng hát không hề mệt mỏi trên những con đường
len lỏi qua các buôn làng như thế “… Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi
nghe đàn… Chapi…i…i…i…i…”
“Và đây, tôi! Tôi hôm
nay mới thật là tôi! Một tôi – yêu đến nao lòng cái khoảnh khắc được hòa mình
vào thiên nhiên; một tôi – yêu đến day dứt cái nét chất phác thật thà của cô
gái dân tộc Ba-na lấy một người không yêu, yêu đến xót xa cái nét ngây ngô của
em bé bệnh Down lên 10 mà trong như một đứa trẻ lên 4. Tôi thương em mà cũng
mong được như em, vô cảm trước nỗi đau trong cuộc sống. Trái tim tôi nào được
thanh thản như em, và yếu đuối hơn cả em. Oái em bé! Em làm day dứt trong tôi
những xúc cảm. Trong tận cùng của khoảnh khắc giữa tỉnh và điên, tôi lại được gặp
em. Nghe có vẻ vô lý, nhưng em đã giúp tôi vượt qua cái khoảnh khắc không kiểm
soát được mình. Em đã làm trái tim tôi dịu lại, ngay đúng lúc nó sắp nổ tung.
Ôi cảm ơn em, Thư!”
(21/12/01)
“Ôi, cái cảm giác tuyệt
vời! Lạ thật! Tôi không còn muốn gào thét nữa. Một mình, tôi lắng nghe cái cảm
giác tuyệt vời trong tôi hòa quyện với tiếng sóng của gió thổi vào rừng thông.
Một mình nhưng tôi không còn cảm giác cô đơn, dẫu xung quanh chỉ có một rừng
thông ngút ngàn, chỉ có tiếng của gió và tiếng cành cây khô rớt nhẹ. Tôi trượt
dài trên lá thông, tiếng cười vỡ ra vui sướng. Tôi như trở thành em bé hôm qua,
thả niềm vui của mình theo gió…”
(22/12/01)
Dấu ấn đậm nét trong tôi ở Tây Nguyên là thân phận của những
người phụ nữ… Sáng sớm còn đang mơ màng trong cái lạnh giá của núi rừng đã nghe
tiếng chày họ giã. Buổi trưa trên rẩy và buổi chiều lại thấy họ còng xuống bởi
gùi củi nặng trĩu trên lưng. Và những em bé với cái bụng phình to, ánh mắt
hoang dã, ngơ ngác… Những gương mặt với ánh mắt như luôn hằn sâu một câu hỏi…
Trước những gương mặt chất phác, thật thà, con tim tôi trở nên run rẩy, nhỏ bé…
Bài thực tế năm hai tôi được tám điểm rưỡi. Nhưng quan trọng
hơn hết là những cảm nhận về vùng đất này đã theo tôi đi vào bài học sáng tác
suốt một năm sau. Và, tôi đã được trường lưu lại hai bức phù điêu về đề tài
này. Nhận được lời khen từ một người thầy nổi tiếng kiệm lời, tôi cảm thấy vui
lắm. Mặc dù, trong tôi vẫn chưa thật sự hiểu biết và vận dụng những kỹ năng
chuyên môn, nhưng tôi đã sáng tác về Tây Nguyên với tất cả những cảm nhận và
tình cảm của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét