Năm 3: Đường phố Hà Nội – Sài Gòn, một
góc thân thiện, một góc xa lạ
Hà Nội không phải là nơi tôi đặt chân đến lần đầu. Nhưng
cũng như những lần đi chơi trước đó, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, và
nhất là khi chưa đặt chân vào trường, tôi đã chỉ nhìn Hà Nội một cách thoáng
qua.
Lần đi này, thật tình cũng là một sự kết hợp. Cứ mỗi lần cảm
thấy tâm hồn mình mệt mỏi, cô đơn là tôi muốn tìm đến nơi này. Vì ở đó, tôi tìm
thấy được một tình cảm yêu thương. Từ ngày bước vào trường, tôi chưa một lần đặt
chân trở lại.
Những ngày lang thang trên đường phố thủ đô, tôi có dịp nhìn
Hà Nội ở một góc độ khác. Không phải là một Hà Nội nhẹ nhàng sâu sắc như trong
hoài niệm của các nhạc sĩ, mà là một Hà Nội ồn ào náo nhiệt không thua kém Sài
Gòn; một góc phố chen chúc tính trong từng mét vuông đất. Tôi khám phá ra một
Hà Nội đang đau đớn, dằn xé trong sự mâu thuẫn, trong sự trộn lẫn giữa cũ và mới,
giữa những người dân các vùng nông thôn háo hức đổ về tìm kiếm cơ hội đổi đời
và những người Hà Nội gốc đang nghẹt thở, vùng vẫy tìm chút hoài niệm cổ xưa. Mỗi
ngày hai buổi sáng chiều tôi ngồi quan sát không khí náo nhiệt bên Hồ Gươm với
một cảm giác thú vị. Những con người vây quanh một ván cờ bình phẩm không chán…
những bác trai vừa đi bộ vừa nghe đài… những bác gái ngồi phe phẩy quạt nan… những
người trẻ tung tăng cười nói… tạo thành một không khí rộn ràng không trộn lẫn
vào đâu được, chỉ có ở mỗi Hồ Gươm.
Rồi cái gió lồng lộng trên Hồ Tây vào những buổi chiều.
Và đường phố với quán cóc. Những người đàn ông có thể ngồi
đó hàng giờ liền. Tôi muốn biết vô cùng những suy nghĩ ở trong đầu họ. Lần đầu
tiên, đối tượng sáng tác của tôi xuất hiện hình ảnh những người đàn ông. Khắc họa
trong góc nhìn của tôi về họ là sự dằn nén những cơn khát đốt cháy trong lòng,
là những hoài bão khẳng định cái tôi, là những cảm giác mâu thuẫn chồng chéo…
Còn Sài Gòn. Tôi giận những người nhạc sĩ gốc Hà Nội thường
dành nhiều hoài niệm cho thủ đô mà quên mất nơi đã cưu mang mình. Tôi ghét những
người luôn phủ lên Sài Gòn một lớp vỏ ồn ào hời hợt khi so sánh với làng quê
yên tĩnh, mà quên mất rằng họ cũng đâu muốn rời xa nó. Sài Gòn tuy mang vẻ náo
nhiệt nhưng có nhiều góc khuất sâu lắng. Sài Gòn, tôi yêu nhiều và cũng chạnh
lòng nhiều.
“Đường
Sài Gòn vào những ngày mưa
Vẫn
người đông như trưa nồng cháy lửa…
Người
đi đâu? Về đâu?
Và
ta,
Đi
đâu? Về đâu?
Giữa
cái nắng…
một
mình gay gắt
giữa
quay quắt cơn mưa…
Có
ai tìm được nhau chưa?
trong
dòng người cuồn cuộn.
Ánh
mắt nhìn hiếm muộn
nhòa
nhạt dưới mưa…
Hừng
hực cái nóng buổi trưa,
tước
mất nét riêng của từng gương mặt…
Ta
đi đâu?
Một
khoảng trống
để
lại phía sau
bị
lắp đầy trong khoảnh khắc.
Người
đi đâu?
Vội
vã ùn vào nhau…
Vội
vã rời nhau…
Người
về đâu?
Và
ta,
về đâu?”
(7/2002)
Hai thành phố, đều cùng là một tình yêu, đều chứa đựng một
cơn khát cháy lòng.
Năm 4: Lào Cai – một bức
tranh màu sắc
“Mi
có biết là tao đang ở đâu không, khi mi nhận được lá thư này?
Hôm qua ở đây vừa có
phiên chợ. Mỗi tuần một lần, người dân tộc H’Mông, Phù Lá… từ các bản đổ về,
đông nườm nượp. Anh chồng đi trước, cô vợ gùi hàng theo sau. Ở đây vẫn chưa có
sự bình đẳng nam nữ, thân phận đàn bà cũng cực khổ như ở Tây Nguyên. Duy chỉ có
một điều là họ được ăn bận sặc sỡ, còn đàn ông thì chỉ duy nhất một màu đen.
Con nít mới đẻ chưa đầy tháng mà họ đã địu sau lưng, cùng đi rẫy, đi chợ…
Đường lên đây đẹp và
nguy hiểm hơn cả Đà Lạt. Núi chìm vào trong mây. Đường đi uốn lượn quanh núi,
lên đỉnh rồi lại xuống. Từ Hà Nội lên đây mất tám tiếng xe lửa rồi thêm hai tiếng
xe đò. Ta đến Hà Nội vào sáng thứ năm, ngủ lại một đêm, tối thứ sáu lên xe lửa
và sáng thứ bảy có mặt ở đây. Phiên chợ bắt đầu từ sáng chủ nhật đến hết ngày,
đầy đủ những màu sắc…
Cứ mỗi lần đi đến một
nơi nào đó là tao nghĩ đến mi. Tao nghĩ đến nét mặt sung sướng cực kỳ ngây thơ
của mi trước những khám phá mới mẻ. Sự sung sướng ấy lan tỏa sang cả người bên
cạnh…
Gửi đến mi cái lạnh se
sẽ của mùa thu…! Mi đoán ra nơi tao đến chưa? Gồm sáu chữ cái. “A” có một chữ
“A”, “B” – có một chữ “B”. Đoán đi rồi mail cho tao nhé!”
(08/09/03)
“Tao đang ngồi một
mình giữa quãng đèo vắng. Dưới là ruộng lúa, vách núi cũng là ruộng lúa (gọi là
sườn núi thì đúng hơn nhỉ, vì vách núi thường thẳng đứng). Ruộng bậc thang nối
nhau tầng tầng trông rất đẹp mắt. Người dân tộc kể ra cũng tài! Những ngọn núi
thật xa, thật cao mà họ vẫn lên tới nơi để trồng trọt. Ngay đối diện chỗ tao ngồi
ngước nhìn lên có mấy mẹ con người H’Mông đang đứng thêu trên ruộng lúa, bên dưới
là vách núi thẳng, cao hơn 25 m, trợt chân xuống là kể như rồi. Lần đầu tiên
nhìn thấy thật buồn cười, chẳng hiểu sao lại đứng ngoài ruộng mà thêu. Sau này
hỏi mới biết là do trong nhà tối quá (nhà người H’Mông vùng này làm bằng vách đất
dày hơn nửa mét, chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không có cửa sổ gì cả, để chống
rét), và nhân tiện họ đứng trông để trâu không ăn lúa? (vế này do ta nghĩ,
không biết có đúng không!)
Màu xanh thẵm của cây
xen lẫn với màu xanh non của lúa, xanh tươi của ngô làm những ngọn núi chia
thành nhiều mảng tách biệt trông cũng vui mắt. Và thêm màu trắng bãng lãng của
mây xóa mờ đỉnh núi, thật đẹp. Mi còn nhớ câu thơ “Nhớ bản sương giăng nhớ đèo
mây phủ” của Chế Lan Viên trong bài “Tiếng hát con tàu” chứ? Đích thị là cảnh
đó! Ở giữa núi mà vẫn nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa. Nhắm mắt lại có cảm
giác như đang ở quê mình.
Ở đây mưa hoài, do ảnh
hưởng của áp thấp nhiệt đới. Mấy lần tao lên đỉnh núi cũng là mấy lần mưa, chẳng
chụp được tấm ảnh nào cho ra hồn. Nghe lời tao diễn tả, mi có tưởng tượng ra
không?
Gởi đến mi chút cái lạnh
của miền Tây Bắc!
(12/09/03)
“Mấy hôm nay trời lại
mưa. Nằm dài ở nhà cũng chán, tự dưng cảm thấy muốn trở về… Ý muốn đó cứ thôi
thúc mãi. Dù biết rằng, khi trở về cũng sẽ lại rơi vào sự nhàm chán. Đôi khi
khùng khùng, la làng lên rằng, ước gì có ai đó chờ ta ở Sài Gòn, ta sẽ về ngay
không chần chờ do dự. Buồn cười thật! Nhìn thấy hai người có tình cảm với nhau,
nhưng vì khoảng cách giữa Hà Nội – Sài Gòn xa quá nên đành nén lại, mà cảm thấy
tiếc và tội nghiệp cho họ vì không có được cái nhiệt huyết của mình (hay là
điên khùng đây?). Buồn cười thật! Hai mươi bảy tuổi rồi mà vẫn còn muốn yêu
nông nổi như trẻ con. Nhất là những lúc đi xa như thế này, rơi vào phong cảnh
lãng mạn đến dường này mà cứ cảm giác như đang lọt thỏm vào nỗi cô đơn đến tận
cùng”.
(17/09/03)
“Ngày hôm kia tao đã
leo qua đến ba ngọn núi để đến nhà một người dân tộc Dao (nếu biết trước là xa
thế thì có lẽ ta đã không đi rồi, nhưng bà ta cứ bảo “gần lắm, ở nhà có nhiều vải
đẹp lắm!”). Đẹp quá nhưng cũng mệt quá! Người Dao thích làm nhà trên đỉnh núi
cao, từ nhà có thể nhìn xuống tất cả mọi thứ bên dưới, từ người lạ đi lên đến
con trâu ăn lúa… Người dân tộc ở đây giàu hơn dân tộc ở Tây Nguyên nhiều. Ruộng
bậc thang chạy tít từ chân núi lên đến ngọn. Quần áo họ bận thì cũng thật là đắt
tiền (từ ba trăm đến một triệu đồng), dù rằng tự tay họ thêu lấy, mất vài
tháng. Có lẽ, con đường du lịch đã mang đến cho họ một ý thức rất rõ về giá trị
của đồng tiền. Nhưng phần nào, cũng nhờ du lịch mà họ trở nên cởi mở thân thiện
hơn. Chiều hôm qua, một chị người Mèo ở chợ SaPa đã yêu cầu ta hát một bài cải
lương khi biết ta là người miền Nam. Ngạc nhiên vì ở tận vùng cao này người ta
cũng thích cải lương, đứng giữa chợ tao hát luôn. Thế là, tao trở thành ngôi
sao đó mi ạ! Mi biết giọng tao to và khỏe cỡ nào rồi đó, gần như cả chợ đều
nghe. Mọi người liên tục vỗ tay và yêu cầu tao hát tiếp, và tao hứng chí hát
luôn, hát đến lúc trời sụp tối họ mới để cho tao về. Cả tuần ở SaPa tao được ưu
ái bán toàn giá rẻ những món đồ lưu niệm. Thật là vui hết sức!”
(25/09/03)
“Hôm qua tao lại lạc
vào một nơi đẹp không tưởng. Đẹp đến nao lòng và cũng lạnh đến nao lòng! Có lẽ
nếu không có cái se lạnh là thức dậy cảm giác thèm một hơi ấm thì đã trọn vẹn
hơn chăng? Ngồi trên xe ôm, hơi lạnh xộc vào mũi, nếu là ngươi, có lẽ ta cũng cố
vứt bỏ đi những tự ái mà dụi mặt vào, mà vòng tay ôm lấy. Có thể mi cũng không
tin, nhưng nói thật lòng, nếu hỏi ta nhớ nhất, tiếc nhất điều gì của ngày xưa,
thì đó là được vòng tay ôm, được cảm giác an bình khi dựa vào vai mi… Thế đấy!
Không ai tin được một người nổi loạn như tao mà lại khao khát đến vô cùng một cảm
giác bình an, nhỉ?
Hôm nay là thứ bảy,
tao vừa đi chợ phiên Cán Cấu về. Chợ này còn đẹp, đẹp hơn chợ Bắc Hà nhiều lắm.
Ở đây nguòi ta họp chợ trên triền núi nhấp nhô uốn khúc chứ không chui vào
khung nhà xi măng như ở Bắc Hà. Mi thử tưởng tượng xem, hàng người đứng dọc hai
bên lề đường, kéo dài lên một khu đất trống nhấp nhô trên triền đồi. Cả ba mặt
còn lại là thung lũng xanh rì được bao bọc bởi những dãy núi có những hình thù
thú vị. Hãy hình dung nhé! Giữa một màu xanh rì của núi rừng có một khoảng nhấn
màu sắc nổi bật trong thật ấn tượng. Một bức tranh màu sắc sống động làm sao!”
Đã lâu, rất lâu, tôi không còn thói quen viết thư cho ai cả.
Vậy mà khi đến vùng núi Tây Bắc, mỗi tuần hai lần tôi đều đến bưu điện gửi thư
cho bạn. Cảnh đẹp ở nơi đó làm tôi choáng ngợp, và không thể không viết thư
chia sẻ. Tôi không biết như thế nào là thiên đường, nhưng tôi có cảm giác, mình
đã chạm chân đến nó. Buổi chiều tối giữa làn sương bay la đà, ngồi nhấp ly rượu
ngô sủi tăm mà cảm nhận vị cay nồng ấm lan tỏa cả người. Buổi trưa, dừng chân
giữa lưng chừng núi, nằm dài bên vệ đường hít thở không khí trong lành và mắt
dõi theo nhưng nấc ruộng bậc thang uốn lượn vui mắt theo vách núi. Buổi sáng, lặng
người trong cảm giác se se lạnh mà ngắm những đám mây sương trắng xóa bập bềnh
dưới thung lũng. Tôi như vở òa ra vì sự khao khát được chia sẽ những gì mình cảm
nhận, những gì mình quan sát. Tôi nghĩ đến mấy đứa bạn thân của mình, tụi nó
luôn bị sự tất bật của công việc cuốn trôi, đến bao giờ mới có được những cảm
nhận tuyệt vời mà tôi đã có? Và trong niềm vui sướng của tôi lại day dứt một sự
tiếc nuối. Tôi muốn được nhân đôi, nhân ba cảm giác tuyệt vời đó biết bao!
Và đây cũng là năm tôi thực sự ký họa được nhiều. Những
gương mặt đậm chất vùng cao với nếp trán dô bướng bỉnh, mũi nhỏ và hếch. Những
nếp áo quần không lẫn vào đâu. Tôi không hiểu họ nghĩ gì, vì ở một góc độ nào
đó, tôi không thể tiếp cận được nhưng tôi thật sự cảm phục họ. Vì sự dẻo dai
trong lao động, và vì họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình khi kiên
quyết không từ bỏ bộ trang phục truyền thống tuy đẹp nhưng rất nặng nề và bất
tiện của người H’Mông (trang phục dân tộc Mèo hoa ở Bắc Hà đầy màu sắc nhưng rườm
rà và phùng phình hơn dân tộc Mèo đen ở SaPa nhiều). Dù, ở một góc độ nào đó,
con đường du lịch đã mang đến cho họ lối sống thực dụng hơn. Tôi thực sự muốn
quay trở lại vùng Tây Bắc và phập phồng một nỗi lo sợ sau này sự phát triển của
du lịch sẽ khiến Bắc Hà đi theo con đường của SaPa. Ở SaPa, tất cả các nẻo đường
đi đến các bản người dân tộc đều phải trả tiền, ngay cả khi tôi được một bạn nhỏ
người Dao mời về nhà chơi. Bỏ qua cảm giác bất mãn duy nhất đó, tôi đã trải qua
tiếp một chuyến đi thực tế tuyệt vời. Điểm thực tế tôi được điểm chín và đã có
một tác phẩm đoạt giải nhì kỳ triển lãm Điêu khắc lần 4 của trường (không có giải
nhất), một giải thưởng cao nhất đầu tiên tôi được nhận kể từ ngày đặt chân vào
trường.
Năm 5: Tây Nguyên, sự trở lại…
Năm nay, tôi đã cân nhắc nhiều về địa điểm thực tế, nơi sẽ tạo
cảm xúc cho tác phẩm tốt nghiệp. Tôi quay lại Phan Rang một tuần vào dịp hè, ở
nơi đó đã ít nhiều thay đổi. Bắc Hà, tôi yêu vẻ đẹp thiên nhiên nơi đó, nhưng
con người ở đó chưa thật sự lay động sự rung cảm trong tôi như người dân ở Tây
Nguyên…
Tôi trở lại Tây Nguyên. Trở lại một vùng rừng núi nghèo
nhưng con người chất phác… Trở lại một nơi thật sự là núi rừng đã buộc vào tôi
một sợi dây tình cảm. Ở nơi đó, vẫn có những người nhớ đến tôi. Khi tôi ghé nhà
tìm cô bé Y Thoan, không gặp, đành nhắn lại và khi từ làng Kon Tui ra, tôi gặp
em đang ngồi ở ngã ba làng Kohnlor2 chờ trong bóng chiều chập choạng. Em nhất
quyết đòi tôi phải ghé nhà uống rượu cần vào một ngày nào đó. Vẫn cái giọng lơ
lớ dễ thương. Ở đó, tôi gặp lại Doan, cô gái BaNa ngày xưa đã lấy một người
không yêu. Doan bây giờ đã có thêm đứa con thứ hai, gương mặt sạm đen vì vất vả,
tất tả nói chuyện với tôi trên đường đến trạm y tế xin thuốc cho con. Nỗi buồn
trong ánh mắt ngày xưa giờ đã nhường chỗ cho sự lo âu của người mẹ trẻ.
Phong cảnh, con người ở đây vẫn như xưa. Tôi hiểu tại vì sao
anh bạn có biệt danh “bóng ma biên giới” luôn chọn Tây Nguyên làm nơi thực tế.
Cái hồn người ở đây khắc khoải làm sao trong tác phẩm của anh. Tôi sẽ không có
đủ sức dẻo dai để như anh lang thang khắp mọi buôn làng ở vùng núi rộng lớn như
thế này. Nhưng cũng luôn ám ảnh trong tôi thân phận của người phụ nữ. vẫn là những
bà già còng lưng gùi củi, vẫn là những người mẹ trẻ trước ngực là con, sau lưng
là gùi lặn lội lên rẫy. Vẫn là những em bé gái sớm còng lưng vì trĩu nặng đôi
vai với những gùi củi cao bằng chính mình. Sức chịu đựng của họ thật kinh ngạc!
Trả lời cho câu hỏi của tôi “chồng đâu mà để chị địu con lên rẫy một mình?”, là
những nụ cười hiền lành “nó đang uống rượu ở nhà, không đi đâu!”. Hiếm hoi lắm
toi mới nhìn thấy hình ảnh người đàn ông trên xe bò đi chở củi hoặc ngồi đẽo
chiếc thuyền dộc mộc trên bãi cát ngoài sông.
“Làng Kôngrơbang, đã
có những căn nhà mới kiểu người Kinh xen lẫn những ngôi nhà sàn cũ kỹ. Tiếc là,
ngôi nhà rông làng này lại làm bằng tôn, một vật liệu vô hồn và tách biệt hẵn
những ngôi nhà khác trong làng.
Rồi bao lâu nữa nơi
đây sẽ thay đổi hoàn toàn? Cứ nghĩ đến một ngày nào đó quay lại, thay thế những
căn nhà sàn cũ kỹ hôm nay sẽ là những khối nhà hình hộp bằng xi măng lạnh lẽo
mà cảm thấy hẫng đi!
Chắc chỉ có bến sông
là sẽ vẫn mãi như vậy. vẫn con dốc thoai thoải…, vẫn những chiếc thuyền độc mộc
xếp dài…, vẫn mọi người chiều chiều ra đây tắm rửa giặt giũ… vẫn những đứa bé dẫu
mới lên bốn lên năm đã biết tự ra bến sông tự tắm giặt cho mình.”
“Kon Tum gay gắt mưa
nhiều
Lâng lâng dào dạt
phiêu diêu rượu cần
Ta say lay lắt bần thần
Ước gì có bạn tri âm
lúc này!
Để không chỉ một người
say…
Để không chỉ một người
quay quắt buồn…”
“Bao buổi chiều rồi
tôi ngồi dưới chân cầu treo, ngắm nhìn những bước đi của họ. Hình ảnh hai cánh
tay nắm lại trước bụng thật quá đối nghịch với gùi củi nặng trĩu trên vai… Nhoi
nhói trong tôi một câu hỏi… Thân phận người phụ nữ, từ nhỏ tới lớn, khi có chồng,
và đến khi về già luôn luôn gắn liền với chiếc gùi nặng trĩu… như là sự luân hồi
của số kiếp, đến bao giờ mới thật sự thoát ra?”
Tôi không biết mọi người cảm nhận sao về phác thảo tốt nghiệp
của tôi… Và mặc dù có những lời chê rằng tôi lặp lại nhưng cũng có những lời
khen cho tôi niềm vui đi tiếp sự lựa chọn của mình. Hơn ai hết, tôi cảm nhận rõ
tình cảm và nỗi day dứt của mình xuất phát từ lần thực tế năm 2. Và năm cuối
cùng này, tôi muốn đi sâu vào tình cảm ấy. Có thể với mọi người, tác phẩm này không
mới hơn, không thoát ra được ấn tượng đầu tiên về đề tài này của tôi từ hai năm
trước. Nhưng điều quan trọng nhất là, tình cảm của tôi về con người, về vùng đất
này sẽ không thể nào thay đổi.
Tôi không biết rằng, sau này khi đã ra trường tôi còn có dịp
trải qua những chuyến đi thực tế tuyệt vời như thế này không. Nhưng một điều chắc
chắn là, nơi nào đã qua, tôi vẫn luôn khao khát được quay trở lại, và không chỉ
một lần!
III. Lời kết:
Suy nghĩ của tôi về hạnh
phúc từ cái nhìn của một người làm nghệ thuật…
Tôi đã từng ao ước về một hạnh phúc lớn – một không khí gia
đình ấm áp thật sự của riêng mình. Mười năm trời, tôi đã tự đắm chìm trong vòng
lẩn quẩn của những nỗi đau khổ. Sự khao khát một tình cảm yêu thương đã khiến
tôi luôn sống trong cảm giác khắc khoải cô đơn, luôn vật vã trước những tiếng
gào thét từ bên trong…
“Sự cô đơn, hình như
không đi liền với tĩnh lặng. Những lúc cô đơn tôi luôn nghe thấy lòng mình gào
thét cuồng dại. Vậy nên, tôi sợ một mình, sợ đối diện với chính mình!”
(1998)
“Cho đến bây giờ, tao
cũng không biết như thế nào là một hạnh phúc trọn vẹn, thật sự! Tao lúc nào
cũng đi góp nhặt những điều nhỏ nhoi. Những niềm vui, những đam mê, những giấc
mơ, những trăn trở, những day dứt, những đợi chờ, những hy vọng… từng chút, từng
chút một… Chỉ để được vui sướng, được hạnh phúc vì cảm thấy mình còn đau khổ,
còn cảm giác, còn sống.
Tao sợ sự cô đơn vì nó
làm tao xáo trộn. Nó khơi dậy những suy nghĩ quay cuồng đầu óc. Nhưng hơn hết,
điều làm tao lo sợ nhất là khoảnh khắc rơi vào tình yêu.
Không ai, sẽ không ai
biết được những gì đang xảy ra trong tao. Không ai, sẽ không ai hiểu được tao
đã trải qua những cảm giác gì. Cho dù tao có hét lên, có nói ra những gì tao
nghĩ. Có gào thét lên, có điên cuồng… cũng mãi không thể nào thoát ra sự tuyệt
vọng. Những ngày qua một phần con người tao đã thoát ra để nhìn tao suy sụp, gục
ngã. Tao thấy tao nhỏ nhoi đến tội nghiệp trước sự dửng dưng, lạnh lùng đến độc
ác của con người. Tao nhìn thấy tao sắp sửa bị đào thải khỏi cuộc sống. Cái phần
người sắp sửa bị đào thải đó không còn chút sức lực, đang thoi thóp, thoi thóp…
Tao không biết phải làm gì để cứu cái phần người đó. Mà không biết có nên cứu
không? Bởi vì tao biết, cái phần đáng ghét đó không cần đến tao. Nó chỉ cần đến
mi, đến người khác, những con người không bao giờ hiểu, không bao giờ thương
xót nó.
Trong mũi có máu! Tao
có cảm giác đó là nhựa sống, là sức sống của tao đang tràn ra ngoài. Đến một
lúc nào đó sẽ cạn, sẽ cạn… Tao khoái trá nhìn, chờ đợi cái kết cục tất yếu sẽ xảy
ra. Cái phần người đó sẽ chết, vì kiệt sức, vì trái tim yếu đuối không còn chịu
nổi áp lực của tình cảm.
Thời gian sau này,
trái tim của tao đập nhanh lắm. Hình như nó cũng nhận ra rằng nếu tao cứ mãi
trong tình trạng này thì chẳng mấy chốc sẽ không hoạt động nữa. Nên nó đập cuống
lên, gấp gáp trong nhịp sống cuối cùng. Tao cố gắng kiềm lại. Nhưng trái tim
không thuộc quyền điều khiển của tao, mà thuộc về cái phần tình cảm ngu ngốc ấy.
Nó đâu còn tỉnh táo để nhận thấy sự vô kỷ luật của trái tim nó. Nó đâu thể hiểu
được rằng những nhịp đập gấp gáp vội vả chỉ nhanh chóng kết thúc cuộc đời nó
thôi. Trái tim đập cuồng loạn lên, máu không kịp đến với não đã vội rút đi, làm
tao cũng thiếu dưỡng khí, mê mệt theo. Rồi sẽ đến lúc tao sẽ bị suy tim, mạch sẽ
yếu dần đi, trái tim sẽ không còn đủ sức để đập nữa. Nhưng cũng có thể tao sẽ gục
ngã trước nó. Bộ não tao đang tê liệt dần, mụ mị đi. Như thế thì chuyện gì sẽ xảy
ra? Không còn bị kiềm hãm, trái tim sẽ cuồng lên. Có thể lắm chứ! Mất tao, làm
sao nó đứng vững nổi, dù nó chưa bao giờ quan tâm, thậm chí còn căm ghét phần
lý trí đang cố gắng kiềm chế nó!”
(12/2000)
Đã có một khoảng thời gian như thế, có một khoảng thời gian
tôi ở trong giữa tỉnh và điên. Nhưng đến bây giờ, tôi nhận ra rằng, tôi đã lãng
phí quá nhiều thời gian. Tôi cứ mãi mê đi tìm tình yêu thương của con người,
tìm cái hạnh phúc mà một mình tôi không thể quyết định được, không thể tạo ra
được. Từ ngày bước chân vào trường này, từ những chuyền rong ruổi đi thực tế,
tôi mới nhận ra rằng, cứ mỗi lần đi đâu xa, cứ mỗi lần hòa mình vào thiên
nhiên, quan sát những mảnh đời, những con người bình dị, chân chất ở những nơi
tôi đến, tâm hồn tôi như trải rộng ra, tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng. Và cứ
mỗi lần hoàn thành một tác phẩm, tôi cũng cảm thấy sung sướng làm sao! Cảm giác
do mười đầu ngón tay mang lại khi sờ vào những hình khối, những đường nét do
chính mình tạo ra cũng tuyệt vời làm sao! Những hạnh phúc nho nhỏ đó, tự bản
thân tôi có thể tự tao ra cho mình mà không phải phụ thuộc vào ai, chờ đợi vào
ai. Vậy nên, tôi cảm thấy tiếc khoảng thời gian 10 năm dài dằng dặc, cứ ôm chặt
lấy ước mơ hạnh phúc về một tình cảm yêu thương, mà chờ đợi, để rồi đau khổ, để
rồi phiền muộn và day dứt về những mối quan hệ giữa người và người. Trong khi
đó, hạnh phúc đang nằm trong chính hai bàn tay tôi, ở trong chính suy nghĩ của
tôi!
Năm nay là năm học cuối cùng. Tôi đã thôi không còn hoài
nghi về khả năng của mình cũng như không còn hoang mang chẳng biết rẻ vào đâu
trước muôn vàn ngã đường đang chờ tôi trước mặt. Bởi vì tôi biết rằng tôi sẽ
không tự ép mình phải ngã theo một cá nhân nào đó khi mà dẫn dắt tôi sẽ là cảm
xúc của mình mình. Tôi không phải hoài vọng về một sự nổi tiếng hay được mọi
người thừa nhận. Tôi sẽ bắt đầu cho những khao khát cháy bỏng từ thuở ấu thơ.
Tôi sẽ bắt đầu một cuộc hành trình khám phá cuộc sống chung quanh mình. Và từ
đó, góp nhặt từng chút, từng chút một những niềm vui nho nhỏ tạo thành một hạnh
phúc thật sự! Dĩ nhiên, ở một góc khuất sâu kín trong tâm hồn, tôi vẫn khao
khát được nhân đôi những niềm vui. Biết đâu được điều kỳ diệu ấy sẽ đến, trên một
chặng đường nào đó trong cuộc hành trình mà tôi lựa chọn!
01.2005
Nguyễn Kim Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét