- Tôi không thể tha thứ được!
Thành nói
với một âm vực nhỏ gọn nhưng lạnh và sắc, cộng với nét mặt gần như đóng
băng làm Huyền như va phải một bức tường rắn khiến cô phải thụt lui hai
bước... Cô ngó trân trân vào gương mặt người đàn ông đã có cùng cô hơn
mười năm chung sống, hơi thở cô ứ nghẹn trọng cổ họng, tay chân không
kềm nổi một độ rung cho dù nó đã được cố gắng hết mức. Bỗng có tiếng
một đứa trẻ từ ngoài cổng chạy vào liến thoắng:
- Ba ơi… ba ơi, chú Tân cho con bong bóng nè ba ơi!
Huyền
quay ngoắt và sụp xuống để đón lấy đà chạy của đứa con gái, chỉ nhanh
hơn một giây, Thành đứng ngáng trước mặt Huyền dang tay ôm bổng đứa bé,
và cũng vẫn gịong nói sắc gọn, nhỏ nhưng sức nặng của nó đủ đè bẹp
niềm khao khát trong lòng người đàn bà:
Rồi không một chút trù trừ để có cơ hội cho một lời van xin, Thành
quay lưng khuất nhanh sau cánh cửa để vọng lại một âm thanh khô khốc
lạnh lùng. Huyền đổ sụp xuống chết lặng giữa mảnh sân hoe hoe vài sắc
hoa trong chiều nắng nhạt. Tiếng con gái hồn nhiên sau cánh cửa làm
quặn thắt cả ruột gan, Huyền ôm bụng cong gập người, cô muốn khóc mà
không thể nào bật ra được thanh âm đang dồn thành những tiếng nấc khùng
khục trong cổ họng. Một lúc sau, cô đưa mắt đờ đẫn nhìn ngôi nhà sang
trọng đến xa lạ, câm lặng đến tàn nhẫn, ngôi nhà mà cô ngỡ rằng sẽ
rộng cửa đón cô sau bảy năm lênh đênh ở xứ người. Vậy mà… Huyền biết
rất rõ tính Thành, cô không thể lay chuyển bức tường đá trong anh,
nhưng cô cũng không thể trách oán anh, anh không hề có lỗi, tất cả
những tội lỗi thuộc về cô, cho dù động cơ và mục đích nó là gì đi nữa
thì cũng không thể bào chữa cho những hành vi của một người đàn bà đã
phản bội lại tình yêu và lòng tin của người chồng. Trời sẫm dần, cánh
cửa kia đã không một lần hé ra, Huyền ôm mặt, chống tay đứng dậy,
thất thểu bước ra ngoài cánh cổng...
Thành nhè nhẹ rút cánh tay ra khỏi đầu bé Thúy, nhè nhẹ ngồi dậy, sửa
lại đầu con trên gối, kéo thêm mép chăn lên ngực cho con rồi nhè nhẹ
bước ra khỏi giường, giắt cẩn thận chân mùng, rồi lại nhè nhẹ khép cửa
phòng. Ra phòng khách, Thành ngồi vật trên cái ghế xalon, mắt đăm
đắm nhìn lên trần, rồi lại nhìn quanh những đồ vật trong căn phòng.
Những thứ đồ vật mà khi mua chúng về anh hồ hởi bao nhiêu thì bây giờ
anh căm ghét chúng bấy nhiêu. Anh biết mình vô lý, vì những thứ vật
dụng vô tri này nào có lỗi gì, chúng chỉ có một nhiệm vụ là đem lại sự
thỏai mái cho con người khi sử dụng chúng. Như cái ghế salon anh đang
ngồi đây, rõ ràng là êm ái hơn rất nhiều so với những cái ghế gỗ thô
kệch ngày xưa. Thành ôm đầu trong sự hỗn lọan của bao hình ảnh cũ mới.
Trời ơi! Anh muốn la hét, muốn đập phá, muốn làm một cái gì đó thật
điên cuồng để trút xả những đớn đau trong lòng, nhưng anh không thể,
không thể, vì đứa con gái bé bỏng tội nghiệp đang ngon giấc trong phòng
kia, và vì những ô cửa hàng xóm sẽ sẵn sàng thập thò, và những tiếng
cười đầy ngạo nghễ chế giễu sẽ sẵn sàng xa xả quanh anh, như tiếng cười
đểu cáng khốn nạn mà anh đã nghe phải ấy… ôi tiếng cười... tiếng cưới
quái ác ấy cứ lồng lộng trong tri giác anh. Thành bất chợt đập liên hồi
đầu minh xuống nệm ghế xalon, và hàm răng thì nghiến chặt đến rung
người…
Huyền thở dài nhìn mớ rau và mấy
con khô quắt trong tay mình, rồi lại liếc nhìn cái phản thịt tươi roi
rói, đầy ngồn ngộn với bàn tay thoăn thoắt thái cắt của người bán hàng,
bắt đôi chân mình dời đi mà ánh mắt còn luyến tiếc, thôi về vậy, còn
hai ngày nữa mới được rờ vào nó. Hai ngày nữa là thứ bảy cuối tuần, là
ngày cả nhà được phép có một thực đơn hấp dẫn hơn những ngày khác. Một
bữa cơm đơn giản, nhanh chóng hoàn tất, cũng vừa lúc Thành đẩy cái
xích lô vào bóng mát của cây trứng cá trước nhà, lôi cái mũ trên đầu
xuống lau những gịọt mồ hôi tuôn thành dòng trên má. Huyền đón chồng
với nụ cười và câu hỏi đầy quan tâm như thường lệ:
- Anh mệt lắm không? Hôm nay có khách nhiều không anh?
- Ừ, cũng tàm tạm, cơm xong chưa em?
- Có hôm nào anh về mà chưa có cơm đâu, chưa có làm sao yên với cái tật háu đói của anh chứ . Thành cười, khẽ cụng mũi vào má vợ, Huyền sung sướng nhưng tỏ vẻ thẹn thùng khẽ ẩy chồng ra:
- Anh này… đi rửa mặt cho mát đi rồi ăn cơm.
Khi cả hai vợ chồng đã ngồi vào mâm, nhìn những thứ thức ăn quen thuộc trên mâm, Thành ái ngại xoa tay vào bụng vợ:
- Cứ ăn uống hoài như thế này làm sao em đủ sức khỏe cho con?
- Anh đừng lo mà, một tuần chỉ cần một chút thịt cá bồi dưỡng là cũng đủ cho mẹ con em khỏe lắm rồi.
Thành lại khẽ thở dài:
- Lúc trước mà biết lấy anh em phải khổ thế này thì anh nhường em cho tay Hấn để em đỡ khổ.
Huyền làm mặt giận:
- Anh có thôi đi không? Em có phải là một con mèo đâu mà nhường chứ.
- Anh xin lỗi, xin lỗi, anh vui miệng nói thế thôi, chứ có cả đống
vàng anh cũng chẳng chịu nhường em cho ai đâu. Thôi cho anh ăn cơm đi,
anh đói lắm rồi.
Huyền còn ngúng nguẩy, nhưng tay thì xới cơm và mắt thì liếc chồng một cái thật ngọt. Thành
cười xòa đón lấy chén cơm lùa vào miệng từng miếng ngon lành.
Mấy tháng sau, chiếc xích lô của Thành chở một vị khách đặc biệt, vị
khách này mặt tái mét, tay ôm bụng cố nén nhưng những tiếng rên cứ bật
ra đầu môi, và Thành lần đầu tiên tham dự một cuộc đua cua-rơ xích lô
với cái đích là bệnh viện phụ sản, rồi phần thưởng cho anh là một cô
con gái xinh xắn, để cả nhà lại vui sướng bồng bế nhau lên chiếc xích
lô trở về căn nhà gỗ nhỏ nhoi trong cái xóm lao động nghèo.
Có thêm đứa bé, có thêm những tiếng cười và cũng là thêm những khỏan
chi phí khác. Nhiều ngày trời mưa không có khách, Thành lại cọc cạch
cái xe về nhà với một khỏan tiền vay nóng. Đứa bé được một năm tuổi,
Huyền đeo con sau lưng lăn lóc với mớ tôm con cá trong một khu chợ gần
nhà. Cũng chẳng đến đâu khi bé Thúy lại hay ốm vặt. Nợ ít rồi nợ nhiều, những lúc không có khách Thành làm thêm việc bốc vác ở các vựa trái
cây. Công việc nặng nhọc nhưng cũng góp phần giảm bớt chút khó khăn.
Buôn bán ở chợ, Huyền lọt vào tai đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Rồi một hôm, Huyền nói với chồng:
- Anh à, mình phải tính cách khác thôi, chứ vất vả cực nhọc như vầy hoài mà có đủ thiếu vào đâu đâu.
- Cách gì? Anh thì có làm được gì hơn ngoài những công việc hiện thời,
còn em vừa lo cho con vừa chạy chợ, còn thời gian công sức đâu mà làm
thêm được cái gì khác.
- Em nghe người ta nói đi xuất khẩu lao động cũng được lắm anh à.
- Cái gì? Thôi, thôi đi. Dứt khoát là không tính đến chuyện đó được
đâu. Lấy tiền đâu ra mà đóng, rồi họ đưa đi tít mút mù xa nào thì anh
biết đâu mà tìm. Không được, em đừng có nghĩ tầm bậy vậy nữa nghe.
Nhưng Huyền vẫn nghĩ, mỗi khi nhìn cảnh nhà mình, nhìn đứa con nheo
nhệch, thì ý nghí ấy trong cô lại càng nóng bỏng hơn. Vả lại, một
chút ghen tị thường tình của đàn bà khi nhìn chung quanh mình những cô
nàng láng lẩy áo quần, xủng xẻng vòng xuyến. Phải có tiền, phải có
thật nhiều tiền, bởi so về nhan sắc cô nào có kém thua ai, ngày cô làm
đám cưới với Thành là ngày đau buồn nhất cho những chàng trai kém may
mắn, đặc biệt là Hấn, người mà thỉnh thoảng Thành đem ra nói đùa với
cô. Hấn hơi xấu trai, lại là thành phần côn đồ trong trường, nhưng
nhà hắn giàu có nhất nhì trong vùng, hắn si mê cô đến điên dại, cũng
đã nhiều lần đón đường hành hung Thành, nhưng những điều đó chỉ làm
Huyền thêm khinh ghét và xa lánh hắn. Sau đám cưới cô ít lâu, hắn bỏ
đi đâu mất. Có đôi lần Huyền thoáng nghĩ, nếu ngày ấy cô lấy Hấn thì
sao nhỉ? Nhưng rồi cô gạt nhanh suy nghĩ ấy, không thể nào, Hấn không
thể đánh đổi được tình yêu nồng đậm của cô và Thành suốt năm năm, cho
dù biết trước sẽ phải khổ nhiều vì cái nghèo của Thành, Huyền vẫn không
hề ân hận khi nhận lời lấy anh. Nhưng giờ thì phải khác, tình cảm là
tình cảm, còn cuộc sống vẫn là cuộc sống vẫn có những đòi hỏi nhất định
của nó, cô không thể sống mãi trong cảnh bần hàn này, còn bé Thúy nữa, nó sẽ có một tương lai như thế nào khi cha mẹ nó cứ mãi chật vật với
từng miếng cơm manh áo như bây giờ? Bao đêm trằn trọc, bao ngày suy
tính, cuối cùng Huyền quyết định một việc quan trọng mà không có sự
đồng ý của chồng, cô thầm nhủ rồi anh sẽ hiểu mà thông cảm cho cô thôi,
suy cho cùng cô đâu chỉ vì riêng bản thân mình. Và thế là Thành tê tái
khi một hôm về nhà được người hàng xóm trao lại con cùng với một bức
thư của vợ. Tuy rất giận, nhưng anh hiểu rằng sự thúc bách của hoàn
cảnh đã tạo nên sự thể. Vất vả hơn với cảnh gà trống nuôi con, nhưng
rồi anh cũng dần nguôi ngoai khi những đồng tiền đầu tiên Huyền gửi về
từ một địa danh có những chữ khó đọc. Đổi giận thành thương Thành luôn
thư từ động viên an ủi vợ, anh cũng mong một cuộc sống hoàn toàn khác
đang thay đổi dần dần trong ngôi nhà. Thôi thì… vợ chồng còn sống với
nhau cả đời mà, hy sinh vài năm để có được sự đổi đời âu cũng đáng.
Về Huyền, khi bắt đầu bước chân đi, cô đâu biết mình phải trải qua
nhiều truân chuyên đến thế Đầu tiên cô nhận giúp việc nhà cho một gia
đình, lúc đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của
những người cùng cảnh ngộ, cô cũng quen dần. Nhưng đến một ngày kia,
cô bị ông chủ nhà ấy làm nhục. Đau đớn, Huyền định tự tử, nhưng nghĩ
đến chồng con ở nhà, cô lại cắn răng chịu đựng, nhưng rồi câu chuyện
võ lở, cô bị một trận đòn ghen thâm tím và bị đuổi ra đường chỉ với một
bọc quần áo. Chơ vơ nơi đất khách, không người thân, không tiền bạc,
không giấy tờ, không cả một nơi trú ngụ. Chuyện đi xin việc là điều
không thể, vì chẳng ai dám nhận một người vơ váo không có lấy một sự
bảo đảm về nhân thân. Chỉ có một lọai việc, mà việc ấy đúng ra cô đã
bước vào từ ngôi nhà đầu tiên ấy. Đã nhiều lần cô âm thầm những giọt
nước mắt tạ tội với chồng, anh sẽ không thể nào biết được, bởi sẽ
chẳng có con đường nào để thông tin ấy đến được tai anh. Thì thôi, đã
trót rồi còn gì nữa cho những bước chân lui, ngày nào gia đình cô có
được một cuộc sống kha khá, thì cô sẽ rời bỏ cái chốn lầy lội, nhuốc
nhơ này, sẽ trở lại là cô vợ hiền của anh như ngày nào , những tháng
ngày nơi đây mãi mãi là một bí mật của riêng cô. Ngàn lần xin lỗi chồng, rồi Huyền nhắm mắt hướng về nơi có những ánh đèn xanh đỏ chớp nháy
bước tới .
Huyền choáng người khi nhận
ra Hấn, và Hấn cũng kinh ngạc đến đờ đẫn khi nhận ra Huyền. Trời ơi!
Oan gia nghiệp chướng thế nào mà lại gặp nhau tại chốn này? Huyền muốn
bỏ chạy nhưng không còn kịp, những bàn tay thô bạo đã nắm lấy cô,
những ly rượu đã đè nghiến lấy miệng cô, áo váy cô mặc tình bày ra
trước mắt Hấn cái thân phận hiện tại của cô. Hấn chết sững, câm lặng,
bởi Hấn chỉ là một thông ngôn cho đám người này, anh ta không thể tỏ
ra được một động tác nào để bảo vệ cô. lại càng không thể tỏ ra là một
người đồng hương quen biết. Anh ta cúi đầu vào ly rượu, những hình ảnh
ngày xưa hiện về, và bất chợt anh ta quắc lên một ánh mắt thích thú
nhìn Huyền, ánh mắt làm cô lạnh buốt cả người, ánh mắt như một bản án
tử hình, Huyền mơ hồ cảm thấy một đìều gì đó khủng khiếp đang đợi cô.
Nhưng cô không thể nào trốn thoát được, cô đã là một con cá mắc lưới,
chỉ biết giương đôi mắt sợ hãi nhìn lưỡi dao sắp bổ xuống đầu mình.
Không để Huyền kịp có thời gian suy tính chuyện gì, ngay trong đêm ấy,
sau khi cùng những người kia ra về, Hấn quay lại ngay. Mặc cho Huyền
kêu van, với món tiền đã cầm vào tay, người chủ đã đẩy Hấn vào phòng
cô và chốt của lại. Hấn đứng trước mặt Huyền, rồi bật cười ngạo nghễ:
- Kết quả của một cuộc tình đẹp đẽ ngày xưa đây sao? Hay thật. Thú vị thật.
Huyền thụt lui vào góc giường trừng mắt:
- Anh bước ra, anh không được đụng vào người tôi.
Hấn cười ngặt nghẽo:
- Này cô em xinh đẹp. Cô có tư cách đuổi tôi sao? Nên nhớ là tôi đã
thanh toán tiền cho chủ cô rồi nhé, còn nhiều hơn người khác nữa ấy chứ, cũng có nghĩa cô em phải chìu tôi tận tình hơn người khác chứ không
phải to tiếng mà đuổi tôi ra ngòai đâu nghe chưa.
Hấn nói đúng, cô không có quyền giữ lại tấm thân này với bấy kỳ ai,
khi cô đã bán nó cho những đồng tiền đều đặn gửi qua biên giới. Những
đồng tiền được đóng cái mác là lợi nhuận của một cửa hàng mà cô đã hợp
tác với một số người. Càng minh chứng cụ thể hơn là những bức hình khi
cô trong vai một người khách du lịch chụp với những người bán hàng. Đột
nhiên cô đau nhói trong lòng khi nghĩ đến nếu Thành biết được chuyện
này. Sự cẩn thận đã để lộ yếu điểm của cô:
- Thôi được, tôi chấp nhận, nhưng anh không được để cho chồng tôi biết chuyện này.
- Tất nhiên rồi, trừ khi tôi muốn trông thấy nó hộc máu ra mà chết.
Huyền ném vào Hấn một tia mắt căm hờn trước khi cắn răng chịu đựng sự
giày xéo của hắn. Hấn như một con thú điên cuồng, vừa để thỏa mãn cơn
thèm khát người con gái khi xưa, vừa để trả thù cho một sự thất bại mà
hắn vẫn ôm hận chưa nguôi. Không chỉ một lần, mà Hấn đã trở thành một
khách quen của nhà hàng với độc nhất một cô kỹ nữ. Mọi người nhìn vào,
thì thầm tô lên đó một vẻ đẹp văn hóa.
“Đấy, người đồng hương có khác, họ có tình với nhau thế đấy“. Chỉ có
Huyền nuốt trăm cay nghìn đắng vào lòng, rã rời thân xác sau mỗi lần
hành hạ của Hấn.
- Hãy nói yêu tôi đi, tôi sẽ tha.
- Không bao giờ.
- Thế thì mày sẽ chết... sẽ chết trong tay tao…
Có lẽ Huyền sẽ chết thật, vì sự giới hạn của sức lực, của sự chiu
đựng, cuối cùng Huyền đổ bệnh, nhà chủ sợ trách nhiệm nên ném cô vào
một bệnh viện. Huyền được cứu chữa. Khỏi bệnh, Huyền nghĩ đến chuyện
trở về, và chỉ có trở về cô mới thoát khỏi Hấn, vả lại những gì cô cần
có cũng đã tạm gọi là tương đối. Điều Huyền không ngờ tới là Hấn, sự
căm hận dai dẳng đã biến hắn thành một người đê tiện, và cái camera
mini là một thứ phương tiện đắc dụng.
Thành với tâm trạng hồ hởi, hưng phấn tính từng ngày để đón vợ trở về
sau bảy năm xa cách, để cùng vui hưởng một đời sống tốt đẹp mà cả hai
đã dày công tạo dựng. Tất cả những phấn khích của anh bị dập tắt một
cách tàn nhẫn vào một ngày anh nhận được một cái dĩa VCD. Suốt chiều
dài của những thước phim ấy không hề có một lời bình, chỉ có những hình
ảnh, những hình ảnh đủ đè bẹp dũng khí của một người đàn ông, đủ
thiêu đốt hết những lâu đài hạnh phúc, đủ đập tan một tương lai êm đẹp
của một gia đình. Cuối cùng của những thước phim ấy là một tràng cười
không dứt, tràng cười lanh lảnh, ngạo nghễ, đắc thắng ấy chẳng khác
gì những lưỡi dao khoáy sâu vào tận cùng gan ruột. Thành đã chết đứng,
chết lịm, chết lặng, nếu không có đứa con gái còn nheo nhéo bên tai
thì anh đã đâm đầu vào tường mà chết thật. Cái ngày Huyền về, Thành đã
không ra sân bay đón, anh không còn đủ can đảm để nhìn mặt Huyền.
Nhưng anh còn đủ tỉnh táo, đủ trấn tĩnh để gạt đi cái ý nghĩ đâm cho
người đàn bà kia một nhát. Nên khi Huyền xuất hiện trước cửa nhà, thì
tất cả những gì anh có thể làm được chỉ là bật ra một câu nói:
- Tôi không thể tha thứ được.
Huyền nhìn gương mặt khốn khổ của mình trong gương, gương mặt nhuốm
đầy vẻ đau thương, ủ rũ và phai tàn, nhưng vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp
vốn dĩ của nó. Huyền bật một cái cười chua chát: Đẹp, mi đẹp mà làm
gì, cái đẹp của mi đã mang tai họa đến cho chồng con mi và cả chính mi
nữa. Huyền bất giác nghĩ đến một giải pháp, cô nhếch môi và mắt ứa lệ,
phải thế thôi, còn gì nữa đâu.
Đã gần một tháng nay, Huyền chỉ rời
khách sạn với mỗi một lý do, cô muốn được gặp con, muốn được ôm con
vào lòng, dù chỉ một lần rồi xa mãi. Nhưng Thành đã không cho cô có
được một phần cơ hội. Cánh cổng ngôi nhà vẫn luôn đóng im ỉm, sự im
lặng của khước từ và cuời cợt. Cô không biết được có còn ai tồn tại
trong ngôi nhà ấy không. Huyền bỗng quyết định, cô phải gặp con bằng mọi
cách, cho dù Thành có đối xử với cô như thế nào đi nữa, chỉ một lần,
một lần thôi, nếu không cô sẽ không cam lòng nhắm mắt.
Cái nút chuông nhấn đến lần thứ hai thì cánh cửa hé ra, để lộ gương
mặt một phụ nữ trẻ. Huyền nghe như một nhát roi quất vào mình, à thì
ra, anh cũng khá mau chóng đấy anh Thành ạ.
- Chị tìm ai ạ?
- Tôi tìm ông chủ nhà này.
- Ba tôi ạ? Ba tôi đi vắng rồi, chị có việc gì nói với tôi cũng được.
Một ý nghĩ khác làm Huyền run chân, cô vội hỏi:
- Vậy anh Thành, anh Thành có con gái là bé Thúy ấy…
Không đợi Huyền hết câu, cô gái “à“ một tiếng:
- Vậy là chị tìm anh chủ nhà cũ hả? Tôi không biết ảnh đi đâu đâu, ba
tôi mới mua lại căn nhà này mà, à ba tôi về kia rồi, để tôi hỏi xem
ông có biết không? Ba ơi…
Người đàn ông khá lớn tuổi, nhìn chăm chăm vào Huyền một chút rồi hỏi:
- Cô có phải là cô Nghiêm Thị Bảo Huyền không?
- Dạ thưa phải ạ.
- Cô đợi tôi một chút.
Nói rồi ông ta đi vội vào nhà, Huyền ngây đờ người trước việc Thành đã
bán nhà, anh đi đâu? Anh cắt đứt tình mẹ con của Huyền một cách quýết
liệt vậy sao? Anh còn gửi lại cái gì cho Huyền? Hay là một cái địa
chỉ nào đó? Huyền khấp khởi khi thấy người đàn ông kia bước ra trên tay
là một cái phong bì. Huyền đón lấy và bóc ngay ra, đó là một tấm ngân
phiếu mang tên cô có trị giá… Huyền lảo đảo ngã gục xuống, tiếng người
chủ nhà mới la lên:
- Cứu… cứu… cấp cứu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét