Truyền hình thực tế đang đem lại điều gì cho xã hội? Câu hỏi này đang
được các nhà xã hội học dấy lên, mỗi lúc một nhiều. Những cuộc vui sống
động mà công nghệ giải trí mang lại cho đám đông bị đánh giá mỗi lúc
đang quá đà hơn, háo hức vượt qua mọi lằn ranh về đạo đức và an toàn cho
người xem cũng như người tham gia chương trình.
Bên cạnh những ý kiến bảo vệ các loại reality show (truyền hình thực
tế) là điều không thể thiếu của xã hội hiện đại, đem lại cảm xúc cho đám
đông hay gì gì đó, thì cũng có những ý kiến khác nói rằng mọi thứ trên
truyền hình được gọi là thực tế, nhưng hoàn toàn dàn dựng giả dối, và
mục đích chính chỉ là mua bán con người. Trên trang thăm dò idebate.org, ác cảm dành cho thể loại truyền hình thực tế vẫn luôn ở mức cao, dù trãi qua nhiều ngày tháng tranh luận.
Không phải ngẫu nhiên mà các tập phim Hunger Games trở thành bom tấn
thu hút toàn thế giới, trong đó nữ diễn viên Jennifer Lawrence là nhân
vật đã làm mọi thứ để tự mình thoát khỏi vai trò trong một chương trình
truyền hình thực tế và lãnh đạo người dân đứng lên tìm về một cuộc sống
thật. Nếu cuộc trình diễn đấu trường của chính quyền Panem trong phim là
đỉnh cao của truyền hình thực tế, thì chẳng bao lâu nữa, công nghệ giải
trí ngoài đời sẽ không ngại hy sinh đồng loại của mình để tạo không
khí. Máu và cái chết có thể sẽ là mục tiêu hướng tới để mua cảm giác,
bán lại cho các nhà quảng cáo.
Mới đây, trong chương trình thực tế Điều Ước Thứ 7, phát ngày 10/1
của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), câu chuyện “vợ chồng cô gái khiếm
thị hát rong” bị lật tẩy khiến công chúng xôn xao. Cuộc đời và chuyện
tình mua nước mắt được dàn dựng này đã tạo nên sự phẫn nộ ở khắp nơi.
Mặc dù đã có quyết định từ Thanh tra Bộ Thông Tin & Truyền Thông xử
phạt ê-kíp này, thế nhưng dư luận dường như vẫn chưa yên. Toàn bộ bức
tranh lạm dụng con người và mua bán lại đã phơi bày, mà từ đây, bất kỳ
ai cũng có một thêm lý do để lo ngại cho một nền văn hoá phô diễn rực rỡ
và thực tế non yếu của đất nước trước con đường tương lai.
Cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào và anh Nguyễn Nhật Thanh được lắp
ghép vào nhau, giúp tạo ra một kịch bản tình yêu cao quý để lừa người
xem. Thế nhưng khi trần tình với khán giả về điều bị phát hiện, thì
những người chịu trách nhiệm của VTV lại nói họ bị lừa, như những nạn
nhân tội nghiệp. Sự không chân thành đó khiến khán giả có quyền lo ngại
rằng họ có thể bị lừa thêm những lần nào đó trong tương lai, bởi những
người thực hiện chương trình không đủ kinh nghiệm và hời hợt, như chính
họ mô tả.
Truyền thông, trong sự kiểm soát kiêu ngạo và lạm dụng, có thể dẫn
đến những bi kịch cho cả một xã hội chứ không riêng gì người xem hay
người tham gia thực hiện chương trình. Năm 2007, một nữ diễn viên phim
truyền hình của đài VTV vướng vào một scandal tình ái, sau đó, một khung
giờ vàng của đài được tổ chức, gác lại các tiết mục thường kỳ, để nữ
diễn viên này lên truyền hình xin lỗi khán giả câu chuyện riêng của
mình, mà lẽ ra không cần phải phơi bày như một show diễn như vậy. VTV
không phải là một đài tư nhân. Ngân sách từ tiền thuế từ người dân.
Nhưng từ sự kiện đó, xã hội có lý do để tin rằng luôn có những ngoại lệ
rất “riêng” cho những điều rất chung trong cuộc đời này.
Nhưng cũng chưa chắc những người được truyền thông “chăm chút” như
vậy đã hạnh phúc, có thể họ cũng là nạn nhân của một loại truyền hình
thực tế gắn nhãn mác “tình người”. Nhà tâm lý học về truyền thông Oliver
James đã từng tố cáo trong các nghiên cứu của mình rằng các loại truyền
hình thực tế dàn xếp tình huống, luôn gây tổn hại tinh thần và tâm lý
của những người tham gia. Thậm chí các reality show còn kích động các
vùng thần kinh cảm nhận bằng các tình huống khiến mãi về sau, những
người tham dự có thể trở thành nạn nhân, những người dễ bị thất thường
cảm xúc (emotionally vulnerable people).
Mới đây, trong một chương trình truyền thanh, người ta nghe được một
câu chuyện bi thương khác. Một cô gái viết thư cho đài kể chuyện tình
yêu của mình, được đọc lại cho khán giả cùng nghe. Nhân viên đài truy
tìm chàng trai, vốn đã chia tay với cô đó và nói trực tiếp trên đài,
bằnh giọng điệu như một quan toà lương tâm, buộc phải chịu trách nhiệm
cho cuộc tình này, buộc anh ta anh ta phải tuyên bố trên đài. Không có
kết cục cho câu chuyện bi thương đó vì chàng trai nói mình sẽ có cách
của mình trong đời sống riêng chứ không nhất thiết phải trả lời công
cộng như vậy. Ngay khi chương trình kết thúc, người ta nhìn thấy trước
tiên là sự bi thương cho số phận của chương trình phát thanh đó, khi bán
rẻ những cuộc đời riêng người khác cho những giờ phát thanh có quảng
cáo của mình. Lạm dụng và dốt nát về quyền riêng tư, đã biến chương
trình đó không những trở thành bi kịch cho chính họ, mà còn làm trĩu
nặng những trái tim những ai đang đau đáu lo lắng về vận mệnh văn hoá
của dân tộc mình mai đây, vẫn đang bị giao nhầm chỗ, từ những điều nhỏ
nhất.
Đã hơn 3 thập niên kể từ khi reality show ra đời, và cũng có quá
nhiều biến đồ diễn giải cho loại hình giải trí này. Năm 1991, khi chương
trình reality show hoàn chỉnh đầu tiên xuất hiện ở Hà Lan và lan tràn
toàn thế giới, reality show đã trở thành một gánh xiếc khổng lồ hái ra
tiền của mỗi quốc gia, mà phía sau hậu trường cũng có đủ tiếng roi, nỗi
ngậm ngùi và kịch bản âm mưu. Ở ngay những quốc gia đủ tri thức và nền
tảng văn hoá để kiểm soát thì mọi chuyện cũng đã bắt đầu khó khăn. Còn ở
những quốc gia đang gồng mình hoàn thiện và chạy theo đồng tiền của
công nghệ giải trí, thì đó là một vấn nạn âm ỉ, chỉ đợi cơ hội để bùng
lên, bào mòn sự kết nối giữa người với người, phá vỡ mọi quy tắc đạo đức
và nhân văn. Lúc đó, thực tế đó, cũng sẽ không khác gì những cơn ác
mộng.
(Tuấn Khanh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét