Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu về nguồn gốc của
các quan hệ yêu đương đã thừa nhận, những mối tình bắt đầu từ sự gần gũi thân
quen chiếm tỷ lệ rất lớn. Tình cảm con người thường nảy sinh từ những va chạm,
giao tiếp hàng ngày. Những tình yêu công sở, tình yêu với người hàng xóm, người
ở chung nhà là minh chứng cho lời cảnh báo “lửa gần rơm”. Nhưng, đáng nói hơn
là khi ngọn lửa tình yêu lại khởi phát ở những nơi mà theo đạo lý, nó không được
phép. Bởi khi đó, nó không chỉ thiêu cháy hạnh phúc gia đình mà có thể “hóa
vàng” cả những mối quan hệ cần phải được giữ gìn, trân trọng, có thể dẫn đến
thương luân bại lý, hủy hoại cả nhân cách con người.
KHÔNG GIAN GẦN GŨI
Các chuyên viên trung tâm tư vấn tâm lý-tình cảm từng nhận
được không ít cuộc gọi của khách hàng đang bối rối, thậm chí mất ăn mất ngủ vì
những mối quan hệ yêu đương của chồng hay vợ họ với ngay những người thân trong
gia đình.
Một phụ nữ hơn 30 tuổi có cô em ruột là sinh viên ở cùng
nhà. Lúc đầu cứ thấy em gái rất hay ca ngợi anh rể tài giỏi, “ga lăng” và hay
vào phòng anh rể hỏi bài. Tính em hay hờn dỗi nhưng chỉ có anh rể dỗ được. Rồi
một hôm chị bất ngờ vào phòng, thấy chồng đang ôm gọn cô em vợ trong lòng.
Trường hợp khác, một người đàn ông còn trẻ có người cháu gọi
bằng cậu ruột mới tốt nghiệp đại học đến ở nhờ anh chị để đi làm. Khi người cậu
đi công tác xa hơn một tháng, ở nhà buổi tối mợ với cháu hay thuê đĩa phim tâm
lý xã hội về xem. Cho đến một đêm, người chồng bất ngờ trở về, bắt được cháu với
mợ dâu ngủ cùng một giường, còn đứa con nhỏ lên năm tuổi ngủ một mình ở phòng
bên.
Hầu hết các trường hợp quan hệ yêu đương bất chính do “lửa gần
rơm” gây ra giữa những người sống chung trong cùng một nhà, khi phát hiện ra đều
đã quá muộn, nên hậu quả của nó thường rất nặng nề. Không ít gia đình ly tán, vợ
chồng xung đột, ly hôn; bà con thân thích không thể nhìn mặt nhau được nữa. Hầu
hết nạn nhân của những mối quan hệ trái với đạo lý này đều nhận thức được sai lầm
của mình. “Đáng lẽ tôi phải thế này, thế nọ ngay từ khi thấy có những biểu hiện
khác thường” là những câu nói muộn màng của những người phải gánh chịu hậu quả
những mối quan hệ đó. Nhưng thực ra, khi thấy có những biểu hiện khác thường rồi
mới tìm cách ngăn chặn đã là muộn. Phải chăng chúng ta nên biết trước một quy
luật của trái tim là những khát vọng của nó vô cùng. Có người quá tự tin nghĩ rằng
làm gì có chuyện để cho tình cảm giẫm đạp lên đạo lý như thế được. Có thể đó là
suy nghĩ nghiêm túc của họ, nên họ se bị bất ngờ khi có người khác lại không
suy nghĩ được như thế. Trong những hoàn cảnh, thời cơ nào đấy con người có thể
suy nghĩ khác đi, hoặc có những trường hợp mà người ta không kịp suy nghĩ gì cả.
Chuyện xảy ra thì đã rồi.
PHÒNG HƠN CỨU
Để tránh hiện tượng “lửa gần rơm”, có lẽ cũng nên áp dụng
phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”. Không nên tạo ra sự gần gũi, thân mật đến
suồng sả giữa người đàn ông với người đàn bà, dù đó là những người có quan hệ họ
hàng, cô dì chú bác, anh em, bạn bè, chủ nhà với người giúp việc… Nói khác đi
là nên tránh những tình huống có nguy cơ cao.
Vợ chồng chị Liên có đứa con nhỏ một tuổi, nuôi một người
giúp việc trông con cho hai vợ chồng đi làm. Đó là một cô gái nông thôn, cháu họ
của chị Liên, thi trượt đại học, vừa làm vừa nuôi ý định sang năm thi lại lần nữa.
Trớ trêu là trong khi chồng đi làm cả ngày thì chị Liên lại làm buổi chiều và
buổi tối. Thành thử buổi tối chỉ có chồng và cô cháu họ ở nhà với đứa con nhỏ.
Chính vì thế, hai người trở nên thân thiết, cùng nấu nướng, ăn uống với nhau,
cùng xem phim và đàm luận về những bộ phim tâm lý Hàn Quốc yêu đương éo le, trắc
trở. Càng nói chuyện, họ càng cảm thấy hợp nhau. Cô cháu ngưỡng mộ ông dượng trẻ
tuổi, đẹp trai và am hiểu nhiều thứ. Ông dượng trẻ lại mến cô cháu họ chịu khó,
thật thà và duyên dáng. Sự gần gũi khiến cho họ ngày càng thân nhau hơn và tình
yêu đến khi nào không biết, vượt ra ngoài dự đoán của chính họ. Chỉ biết một
hôm bất ngờ chị Liên trở về sớm hơn mọi ngày, tình cờ bắt quả tang hai người
đang yêu đương quấn quýt. Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, chị Liên thừa nhận là
mình mắc sai lầm thiếu cảnh giác.
Nói chung con người ai cũng thích cái lạ, nhất là đàn ông.
Có thể nói, đàn ông nói riêng và “con đực” nói chung, yếu tố mới lạ là chất xúc
tác cực mạnh dẫn đến hành vi tình dục. Để tránh xảy ra những hành vi sai trái, có
hai biện pháp để phòng là kiểm soát cảm xúc và quản lý tình huống.
Kiểm soát cảm xúc: tức là luôn luôn làm chủ cảm xúc của
mình. Luôn biết đâu là tình cảm đúng đắn và đâu là những cảm xúc bồng bột, “nổi
loạn” có thể dẫn đến những hành vi sai trái. Nhưng thực tế cho thấy, kiểm soát
cảm xúc là điều không dễ dàng, không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi phải có
bản lĩnh cao. Bởi có những lúc trái tim loạn nhịp, chao đảo, chỉ một cơ hội nào
đó là sa ngã. Vì thế khả năng làm chủ cảm xúc mọi lúc mọi nơi nói chung là
không đáng tin cậy.
Quản lý tình huống: là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ
được. Khi những tình huống có nguy cơ cao xuất hiện, ta cần ngăn chặn ngay, điều
này ai cũng có thể làm được. Chẳng hạn chị Liên thấy chồng và cô cháu họ tối
nào cũng ở nhà với nhau chỉ có hai người và một đứa con nhỏ, cần phải chấm dứt
ngay tình trạng đó, bằng cách thay một người giúp việc có tuổi hoặc tìm cách đổi
ca, không đi làm buổi tối nữa để ở nhà cùng chồng.
Chị Tuyết 32 tuổi, chồng 34 tuổi, có hai đứa con lên năm và
tám tuổi. Từ hai tháng nay, gia đình nhỏ của chị có thêm một thành viên mới là
cô em gái của chị từ quê lên thành phố ở nhờ anh chị đi học đại học. Chị Tuyết
nghĩ đơn giản là căn hộ chung cư hơn 80 m2, ba phòng khá rộng, có cô
em đến ở càng vui. Những hôm chị bận việc về muộn đã có cô em đón cháu và đỡ đần
cơm nước. Lúc đầu mọi người còn giữ kẽ, mỗi khi ăn cơm chung, ai cũng mặc quần
áo kín đáo. Nhưng mùa nóng đến. ông chồng bắt đầu diện quần đùi áo ba lỗ, còn
cô em vợ mặc váy ngắn hai dây mỏng tang một cách rất thoải mái. Bằng linh cảm
phụ nữ, chị Tuyết nhìn ra như thế này sẽ không ổn, nhất là khi thấy những câu
nói bông đùa thân mật ngày một nhiều. Chồng chị từ một người ít nói, nghiêm nghị,
giờ bữa ăn nào cũng kể chuyện tiếu lâm khiến hai chị em cười như nắc nẻ. Chỉ
vài hôm sau, chị Tuyết đưa em vào trường xin đăng ký ở nội trú. Cả chồng và cô
em đều tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng chị vẫn làm vì nếu không sẽ muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét