Chương bốn hai
Sau Nguyễn
Trung Thành tôi cần nói đến Lê Kim Phùng, Cục trưởng A25, cai quản an ninh văn
hóa chính trị, tuy tôi gặp Phùng trước vụ Nguyễn Trung Thành minh oan năm năm.
Để thấy từ 1990, phía công quyền đang có những tính toán mới về vụ án “xét lại”
chúng tôi.
* * *
Khoảng cuối tháng 5-1990, thình lình một
hôm, trưởng công an phường cùng hộ tịch viên dẫn hai người thường phục nhận là ở
“phòng phong trào” đến nhà tôi. Tôi và Linh tiếp.
Tôi nói
ngay:
- Nay đổi mới,
trực tiếp gặp thế này hay hơn bí mật theo dõi... đáng sợ. Một dạo các anh gài
người ngay trong nhà anh Hồ Sĩ Đản ở trước nhà tôi, một công an khu vực mách
tôi mà. (Chính là Thắng, công an khu vực cuối những năm 80 nhưng tôi không kể
tên.) Các anh đến, tôi nói ngay trước tiên một ý bao trùm, đỡ phải rào đón:
không đổi mới thì Ðảng chết trước. Rồi dân theo sau. (Phải cho dân cùng chung hoạn nạn với Ðảng là
vì lịch sự và tự vệ. Để mình đảng chịu thì sẽ rầy rà.)
- Nhưng Đông Âu đổi mới mà chết đấy. - một anh
thường phục nói.
- Các anh có biết kỷ niệm Cách mạng tháng Mười
vừa rồi, Liên Xô mời Nguyễn Văn Linh thay mặt phong trào cộng sản quốc tế đọc
diễn văn chào mừng là vì sao không? Vì khác Việt Nam, các nước Đông Âu không đổi
mới. Thép Mới viết Cuba nói “đổi mới hay là chết” liền bị Cuba cự.
- Đổi mới mà Gorbatchev lại làm tổng thống?
- Đã đổi mới thì phải có thay chứ! Ta cũng đổi
mãi tên rồi đấy. Cộng sản Việt Nam rồi Cộng sản Đông Dương. Cuối 1945, đảng giải
tán, ẩn dưới cái tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tôi làm ở cái báo của Hội
này đấy, đến năm 1951 ra mắt lại thì thành Đảng lao động, mất cả cộng sản lẫn
Đông Dương!