Chương hai
Khi người ta
còn sống thật, tôi còn được hưởng một không khí dân chủ nhất định (Báo
l’Humanité (Nhân Đạo) cộng sản Pháp là tài liệu tham khảo đều đặn của lãnh đạo
đảng và Pháp cộng chưa nắm quyền nên còn chịu khó ve vãn dân chúng). Một thí dụ:
Trường Chinh đang đọc La Libération (Giải phóng) báo Pháp. Đi qua, tôi ghé nhòm
thì Trường Chinh nói:
- Chốc anh bảo
anh Trí đưa cho mượn. Có bài này hay, nên xem…
Một tối
trình bày xong ma-két số báo mới, tôi mang cho Trường Chinh duyệt. Xem một lượt,
Trường Chinh chợt cau mày gắt:
- Anh học cách làm của báo tư sản lúc nào đây?
Tên Sự Thật xưa nay đã có chỗ của nó ở trên đầu cùng trang nhất. Cớ gì anh lại
cho trán tụt xuống cằm còn cằm thì nhảy lên trán? Không cần câu khách bằng kiểu
tư sản uốn éo này... Cho tôi cái bút!
Thư ký Trí
đang cười cười ở đằng sau Trường Chinh thoắt đã biến mất. Tôi chạy đi tìm bút.
Trường Chinh nói:
- Anh đến làm việc với tôi mà không có bút bên người sao? Yên
chí anh đã làm là đúng ư?
Đó là lần
tôi bị cọ dữ. Nhớ nữa cũng là vì tối ấy Văn phòng Tổng bí thư Trung ương bắt đầu
có điện máy nổ. Nhìn cái bóng đèn 30 bu-gi chụp bằng bìa cứng hình cái phễu cắt
loe ra thành răng cưa ở đầu cùng chiếu sáng được khoảng hai mét xung quanh, tôi
cứ đinh ninh nó được mua ở An Po, bến tàu điện đầu đường Nguyễn Thái Học, chốn
nô đùa của lũ trẻ con học sinh chúng tôi chờ xe điện đến trường chạy bom Mỹ vào
Ba La Bông Đỏ ngày xưa.
1951, đi thực
tế một năm ở huyện Lâm Thao, tôi thư cho Trường Chinh nói ở xã Văn Lung có một
cha cố “rất hay” thì anh viết thư trả lời nói tôi nên tìm hiểu xem ông ấy có thực
hiện tốt giảm tô giảm tức hay không và lời nhắc nhở này đã làm cho tôi khá ngượng.
Mao Chủ tịch bắt đầu “nhắc Bác vấn đề lập trường” - chúng tôi nghe xì xào - mà
anh và Cụ Hồ đã vi phạm khi chủ trương đoàn kết cả với địa chủ để đánh Pháp đuổi
Nhật...
Một hôm Nguyễn
Lương Bằng phàn nàn Tuấn, thư ký kinh tài của Trường Chinh đến hội nghị kinh
tài Nguyễn Lương Bằng chủ trì đã lên nói “Tổng bí thư bận không đến được, tôi
xin thay mặt có mấy ý kiến với hội nghị như sau...” Lát sau Trường Chinh cười bảo
chúng tôi:
- Thanh niên thì hay tếu ấy mà…
Có thể nói
Trường Chinh là thần tượng của tôi. Song một người - nghe đâu có họ với Trường
Chinh - cũng ảnh hưởng rất mạnh đến tôi. Ấy là Kỳ Vân, tức Đông Thọt, hay Nhân
Chính, bút danh trên Sự Thật, người không biết một húy kỵ nào. Mày tao tớ hắn với
hầu hết mọi người. Vô cùng thoải mái, hồn nhiên.
Nhà giàu, Kỳ
Vân chuyên bị Nguyễn Lương Bằng bảo mua súng. Mua được năm khẩu súng trường rồi
Kỳ Vân từ chối. (“Cứ nã khống tiền tớ!”) Bằng bèn đưa tìền để Kỳ Vân mua năm khẩu
pặc hoọc. Lính Tưởng (Giới Thạch) bán súng mời anh nhậu say rồi tráo súng giả.
Bằng đòi kỷ luật, anh bảo anh đền tiền. Bằng bảo không lấy tiền, mà đòi kỷ luật
nên đầu kháng chiến chống Pháp, Kỳ Vân đi trông một nông trường bò của Nguyễn
Lương Bằng ở Đô Lương. Nhân viên làm chết mất cả mấy trăm con, Sao Đỏ (bí danh
của Nguyễn Lương Bằng) lại phạt, điều anh về sửa mo-rát ở nhà in báo đảng, tài
sản Nguyễn Lương Bằng quản. Trường Chinh qua thăm nhà in lập Ủy ban xí nghiệp,
comité d’ entreprise, theo kinh nghiệm cộng sản Pháp - tôi phải viết tin này -
gặp anh, đã kéo anh về tòa soạn viết lý luận.
Một xẩm tối,
tôi rủ Kỳ Vân sang Ban tuyên truyền trung ương liên hoan. Gần tới đầu bản, anh
hỏi thằng nào trưởng ban. Tôi nói Lê Quang Đạo. Anh nhíu mày, lẩm bẩm, “Đạo nào
nhỉ? Có thằng nào tên là Lê Quang Đạo đâu chứ?” Tới nơi, tôi bị đám trẻ kéo đi
hỏi có tiết mục gì góp vui không thì thấy tiếng Kỳ Vân gọi rất to:
- Trần
Đĩnh..., Trần Đĩnh..., này.
Trở lại. Thấy
Lê Quang Đạo đang rúc đầu vào bụng Kỳ Vân, hai tay ôm quàng người Kỳ Vân và cả
hai cười ha hả. Kỳ Vân vỗ vai Đạo bảo tôi:
- Tưởng thằng nào..., thằng Nguyện
này tớ kết nạp vào đảng.
Hình như kết
nạp đầu tiên Thân Mỡ, bí thư đầu tiên của Đình Bảng khi Kỳ Vân bí thư Bắc Ninh,
Bắc Giang rồi Thân Mỡ kết nạp Đạo và một lứa trẻ tuổi sau đó lập nên chi bộ đầu
tiên ở Đình Bảng. Tự tử chết khi tổng kết tư tưởng ở lớp học Mác-Lê Bắc Kinh,
Thân bị khai trừ, không còn là người lập chi bộ đầu tiên ở Đình Bảng nữa. Người
gieo hạt Kỳ Vân, sau này mắc vụ “xét lại” cũng thế.
Nguyên Hồng,
Kim Lân, Như Phong, Nguyễn Địch Dũng đều rất phục Kỳ Vân. Rải truyền đơn giữa
phiên chợ Dầu, Phù Lưu. Thong thả đi, thong thả ném... Một lần Kỳ Vân vào Phù
Lưu trở ra, bị một cảnh sát nghi có thuốc phiện lậu, nó túm lấy cặp anh đòi
khám. Trong cặp có súng, Kỳ Vân vội móc súng ra quăng đi nhưng không được. Quan
phủ Từ Sơn biết là cộng sản lớn bèn đích thân lấy xe hơi giải anh về Hà Nội, Giữa
chừng, đến quãng gần Chùa Dận có đầm sâu bên đường, Kỳ Vân ngoặc hai tay bị
còng vào bánh lái giật. Xe lao xuống đầm.
Có cơ thoát
nhưng không may, Kỳ Vân bị cánh cửa xe đập vỡ xương hông, không chạy được. Kỳ
Vân có tên Đông Thọt từ đấy. Mật thám tra hỏi chiến khu ở đâu, anh đáp ở Lục
Nam.
Giải đi đến chiến
khu. Tìm cả ngày không ra, liền đánh lộn mề gà lăn lóc. Đi tù Sơn La, cố nhiên
sau những trận đòn xăng tan ghê hồn.
Có thể nói Kỳ
Vân là người đầu tiên giải kịch tính, giải huyền thoại cho các hoạt động cách mạng.
Những tối Kỳ Vân kể chuyện hoạt động hải ngoại cùng Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc
Việt, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần..., chúng tôi cười tưởng đổ nhà sàn. Không
thần bí hóa, không anh hùng hóa, không bi tráng hóa, anh cho chuyện của anh diễn
ra như ngẫu nhiên và buồn cười. Chả nhân vật nào là thần tượng được qua mắt
anh.
Tù ở Sơn La
quá đông, Pháp giãn một số trong có Kỳ Vân về căng Bá Vân, Thái Nguyên. Đến
đây, phớt lờ chi bộ, anh vượt ngục về Hải Phòng, sống ở Lạch Tray - mẹ anh có
hàng dẫy nhà ở Hải Phòng và nhiều ruộng ở Kiến An - dặn mẹ ai hỏi thì bảo anh vẫn
bị tù. “Vì sao?” Mẹ hỏi.” Vì không thì người ta giết con.”, “Ai giết?” “Các đồng
chí của con… Con tự ý trốn tù mà...” (Tôi hỏi ngay: - Biết thế sao còn trốn? Kỳ
Vân cười: - Thế triệt để tôn trọng pháp luật Tây mới là cách mạng à? Có thể trốn
thì cứ trốn chứ. Cách mạng cần người hay cần tù?)
Được ít lâu,
bà mẹ tìm nói có người tên là Tự nhiều lần đến khẩn khoản xin gặp anh Đông, có
chuyện rất cần. Nhận ra là Hoàng Quốc Việt, Kỳ Vân bèn gặp. Theo lệnh Trung
ương, Việt tìm Kỳ Vân để bảo Kỳ Vân biết cùng sang Hoa Nam tham gia đại hội
thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội do Quốc Dân Đảng Tưởng (Giới Thạch)
triệu tập cuối năm 1942. Họ muốn thống nhất các tổ chức chính trị Việt Nam ở
Hoa Nam lại để đánh Nhật ở trong nước và cung cấp tình báo cho họ.
Tàu Tưởng bắt
tù Cụ Hồ chỉ cốt để báo cho biết nó chả ngọng Cụ là cộng sản, cụ muốn họat động
thì hãy chịu cuơng tỏa của nó... Nhờ tập thơ giãi bầy tâm sự trong tù với Tàu
Tưởng tôi đây yêu nước chứ không cộng sản rồi nhờ có thêm người - như Hồ Học
Lãm nói với Trương Phát Khuê, Cụ đã được ra tù và cùng với Nguyễn Hải Thần lãnh
đạo Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Hoàng Quốc Việt và Kỳ Vân sang Hoa Nam
Trung Quốc vì thế. Sau đó Kỳ Vân ở lại Hoa Nam. Đến Đại hội Tân Trào tháng 8
năm 1945, anh về họp với tư cách đại biểu cách mạng hải ngoại. Hay lỡm chuyện
cách mạng - thường nhiều ngẫu nhiên ăn may và đã ăn may mà nên chuyện lớn kiểu
như Trạng Lợn thì dễ buồn cười - Kỳ Vân cứ đảng viên quèn hoài.
Một chuyện
nghe anh kể mà tôi rất phân vân. Lúc đó ở Sơn La giam mấy chục lính khố đỏ ủng
hộ Trần Trung Lập theo Nhật nổ súng chống lại Pháp khi Nhật tiến công vào Lạng
Sơn cuối 1940. Thua, Pháp đành ngừng việc Đồng Minh chuyển vũ khí, trang bị cho
Tưởng qua đường Hải Phòng - Vân Nam cũng như để Nhật đóng vài trăm quân trên mạn
bắc sông Hồng và ở cảng Hải Phòng. Đổi lại, Nhật trả tù binh gồm cả những lính
khố đỏ này cho Pháp. Ở nhà tù Sơn La, họ đặt kế hoạch vượt ngục để sang Trung
Quốc. Nắm được tin này, chi ủy cộng sản liền chủ trương báo cho Pháp bíết, phá
không cho các tổ chức quốc gia “phản động” có thêm lực lượng, nhất là binh lính
nhà nghề. Là chi ủy viên, Lê Liêm báo Kỳ Vân về quyết định này. Ai ngờ Kỳ Vân
chất vấn luôn bí thư Lê Thanh Nghị. Trong tù, kỷ luật sắt, phổ biến vô nguyên tắc,
biết vô nguyên tắc nghị quyết tối mật của chi ủy mà lại còn chất vấn và bất
bình phản đối như thế này nữa thì cầm bằng toi. Kỳ Vân thế là lại thêm vết. Đám
lính khố đỏ sau đó bị Pháp chuyển đi nhà tù khác… Vì sao thì bố ai biết, Kỳ Vân
bảo tôi. Chắc họ bị lộ. Tôi phục Kỳ Vân ngay thẳng nhưng không tán thành việc
anh bênh lính khố đỏ!
- Nhưng sao phải phá họ? - Anh cười hỏi vặn lại.
- Phản động mà!
- Phản động mà chống Pháp! Đã mắc lừa Nhật cú
vừa rồi thì lẽ nào vượt ngục ra họ lại tự đem họ nộp cho Nhật nữa? Vậy vượt ngục
là để họ chống Pháp và Nhật. Còn với ta thì lấy gì bảo họ chống ta? Hay là vì đảng
phải dẹp các đảng phái quốc gia để giành lấy độc quyền lãnh đạo? Trước khi hợp
nhất, ba tổ chức cộng sản chẳng chửi nhau là phản động và đều muốn xơi tái nhau
cả đấy thôi.
Nghe có lý
nhưng tôi vẫn không thông lắm. Vẫn thấy để độc quyền lãnh đạo thì đảng cần phải
làm suy yếu tất cả các đảng phái khác. Y như trong cuộc đua xe đạp vậy. Đối thủ
ngã, anh có xuống đỡ dậy không?
Kỳ Vân cười:
- Ừ, có khi còn xuống đạp mấy cái cho gẫy xe nó nữa ấy chứ. Làm gì có tinh thần
thượng võ sportif trong chính trị, mày.
Bữa đầu gặp
Kỳ Vân, tôi lập tức mến. Chiều hôm ấy, mang bài vở đến nhà in làm số báo tới,
tôi sắp lội con suối chạy quanh chân đồi lên nhà in thì ở bờ trước mặt một người
cao cao gọi:
- Trần Đĩnh?
Môi đỏ, răng
trắng, mắt long lanh, người ấy cười rất tươi nói tiếp: Thư sinh vào đây thì chỉ
là dân tòa soạn. Cậu viết được đấy. Ở nhà in mà bình văn tòa soạn “kẻ cả” thế
này? Tôi hơi ngạc nhiên thì anh nói tiếp:
- Văn cậu trẻ. Nhờ cái thần. Còn cậu
viết trôi, viết hoạt thì là nhờ cái khí. Thần ở con mắt nhìn. Khí là ở luồng
câu cú chuyển vần hay quan hệ sự việc móc xẩu vào nhau.
Phải nói tôi
ngẩn tò te ra. Nhưng ai lại đi hỏi cho lòi cái dốt.
Ngay chiều
hôm sau tắm suối, anh đã cho tôi hiểu hơn “thần” là thế nào. Giữa dòng suối ở
quãng phình rộng ra nổi lên một doi đất đầy lau mọc cao um tùm. Rất nhiều chim
bạc má lao vút vào trong đó rồi lại bay ra.
- Cậu có thấy
bạc má khi bay ra hình như má có bạc lên hơn không? Biết đâu bãi lau này là mỹ
viện của bạc má để vào xoa lại phấn cho má bạc thêm? Tối qua cậu cứ giục tớ cọ
đi những vết mực in trộn nhọ chảo chúng bôi vào điếu cầy mà tớ dính phải. Cọ
làm gì? Cái ánh bạc ở má con chim vừa nhờ vào mỹ viện mà đậm thêm lên kia có khi
cũng bị các giống chim khác coi là một vết nhọ. Lính Xê-nê-ga-le (xứ Sénégal, Bắc
Phi, thuộc Pháp - BT) rạch ba vạch sẹo lên má mà ta thấy sợ thì ở họ là để làm
đẹp. Với họ sẹo là yếu tố điểm trang! Đỏ môi, quầng mắt ở phụ nữ bây giờ cũng
là một thứ sẹo, sẹo làm đẹp mà thôi.
Thình lình bức
màn xưa nay che mắt tôi với thế giới vô ngôn đầy nghĩa vụt rơi xuống. Sau này đọc
các tổ sư bồ đề cấu trúc luận, tôi thường nhớ lại cái mỹ viện của chim bạc má
là cái bãi lau giữa suối kia. Má bạc hay sẹo? Hay nhọ? Nhọ hay điểm trang? Đẹp
và xấu? Ẩn ở sau tất cả các nghi vấn đó phải chăng là dục vọng? Dục vọng nảy ra
vào thời điểm nào, nó nấp ở đâu và biến tướng ra sao trong ta.
Kỳ Vân hay đọc
sách Tàu. Trên bàn nứa của anh một cuốn sách chữ Hán mỏng. Tôi hỏi, anh nói:
-
À, Mao nói về quan hệ chính trị và văn nghệ.
- Hay không? - tôi hỏi.
- Cha này siết văn nghệ chặt như Lê-nin. Nhưng
văn cha hay. Thì Tàu nó có truyền thống văn chương nghị luận từ Xuân Thu Chiến
quốc, Lã Bất Vi còn gì. Đâu có như ta? Ta không có văn xuôi. Toàn chỉ là đàn
kêu tích tịch tình tang, ai mang công chúa dưới hang mà về; đàn kêu tích tịch
tang tề, công chúa đã về rồi lại hoá câm..., cứ ê a vần vò cốt sao sướng lỗ nhĩ
và dễ thuộc. Cái cần nói ra bèn hóa thành thứ yếu, cái giúp người ta nhớ thì
thành ra quan trọng... Không có văn tự, phải truyền khẩu nên nghịch đảo như thế...
Chỗ khác người
ở Kỳ Vân có sức hút tôi. Tôi thích cái thao tác độc đáo tôi lờ mờ nhận thấy
trong đầu anh.
Lúc bấy giờ ở
an toàn khu, Lý Ban, phụ trách Hoa kiều vụ, giống như một nhà truyền giáo. Cảm
nhận do bản năng, tôi không thích ông. Có lẽ vì cái không khí bí ẩn của lò luyện
đan tư tưởng Mao Trạch Đông tạo dựng lên quanh nhà truyền giáo không có chút thế
tục nào. Cố nhiên tôi phải hỏi cảm tưởng Kỳ Vân. Kỳ Vân nói anh không rõ lắm.
Lý Ban hoạt động ở Quảng Đông, vợ Tàu và nói tiếng Việt thua Tàu phá sa Bờ Hồ.
Nghe đâu, anh nói, đã quen biết tướng Nguyễn Sơn lâu nhưng Nguyễn Sơn ghét họ
Lý lắm.
Tôi còn muốn
hỏi anh chuyện Lý Ban cho Mã Phi “thịt” cô Trinh, nhân viên của Hoa Kiều vụ, nổi
tiếng đẹp và giỏi tiếng Anh, xưa làm việc tại đại sứ quán của Tưởng ở Hà Nội.
Vì đồn rằng Trinh là mật vụ của Tưởng. Nghe nói khi Mã Phi dưới trướng Lý Ban sắp
đâm thì Trinh trật vú ra “hiến” nhưng không mua được Mã Phi. Trong khi Đ.V., cán
bộ Hoa Kiều vụ, sau thành nhà văn thì yêu Trinh đã khóc thảm thiết dịp đó.
Thế là Lý
Ban còn là một chánh án có bộ máy và quyền thủ tiêu người. Rồi ông là người Việt
Nam đầu tiên sang Bắc Kinh chuẩn bị cho việc Cụ Hồ lần đầu tiên với tư cách Chủ
tịch nước sang Bắc Kinh. Chúng tôi đều coi ông là người gần gũi Bắc Kinh nhất
trong hàng ngũ cán bộ cao cấp Việt Nam, là nhân mối được Bắc Kinh tín nhiệm.
Nhưng diện mạo nhà truyền giáo bí ẩn, cao siêu của ông vẫn cứ làm tôi không
thích ông. Toan hỏi Kỳ Vân chuyện” thịt “Trinh nhưng tôi lại thôi.
Hình như an
toàn khu cần một bầy những linh cẩu, kền kền lặng lẽ dọn sạch những vết tích khả
dĩ làm ô uế bầu khí quyển cần được giữ lắng trong của nó. Im không bới chuyện,
tôi đã ở trong hàng ngũ linh cẩu, kền kền.
Có điều lúc
đó tôi không biết máu “đặc vụ” đã chảy ở trong chính hàng phụ mẫu của tôi. Và
nhiều phần có vẻ dính đến Lý Ban! Lúc ấy đâu ngờ mấy chục năm sau, Lý Ban lại mắc
tội “thân Trung Quốc!”
* * *
Nửa thế kỷ
sau, năm 2000, trong dịp mừng Lưu Động tám mươi tuổi, Hồng Sĩ bạn Kỳ Vân, cũng
tù xét lại bảo tôi: - Kỳ Vân nó yêu mày. Mày viết Bất Khuất có chi tiết Thuận đứng
đèn mấy nghìn oát mà vẫn chịu được, tớ bảo Kỳ Vân là thằng Đĩnh nói phét. Bênh
cậu, Kỳ Vân nói rằng Thuận, tức Tư Móm làm nghề thổi thông phong cho nên chịu
nóng giỏi.
Kỳ Vân, cảm
ơn anh. Tôi nói nhiều đến anh vì anh Mậu Ngọ, tôi Canh Ngọ, tôi cứ ngờ ngợ ở
tôi có đôi chút gì na ná ở anh. Đại khái quàng tay còng vào bánh lái cho xe
nhào xuống đầm, bất chấp thành bại. Nhưng có lẽ cả là vì không còn gì nữa của
anh trên cõi đời này. Các con anh, ba đứa theo nhau chết hết. Thằng Tân, con
trai út của anh, kỹ sư xe hơi ở Vũng Tàu tự tử. Hồi nào mẹ nó chết đuối ở Hồng
Châu, gần quê Đỗ Mười, nó còn bé, hai bố con anh côi cút; chị gái bé, cái Châu,
sơ tán theo đại học Bách khoa; và Thuận, em gái Thanh niên xung phong hy sinh
năm 1966 ở đường mòn, tôi thường đến ngủ với anh - không màn ở ngay đầu cầu
thang trời - để xem đêm hôm có gì thì đỡ đần hai bố con. Nay anh hết nhẵn. Còn
độc bản lý lịch đóng dấu của Ban tổ chức trung ương. Nó nhợt nhạt quá so với
con người anh, dù trong đó ghi anh bắt đầu họat động từ 1936, Mặt trận Bình dân
bên Pháp, dù người kết nạp anh tháng 6 - 1940 là Hoàng Văn Thụ, bí thư xứ ủy.
Nó chẳng còn ý nghĩa gì nhưng cầm đến nó tôi vẫn rưng rưng. Như được gần gũi có
xúc giác với anh. Chẳng hiểu sao Kiến Giang lại đưa nó cho tôi và tôi thì cứ
nghĩ là anh muốn thế! Giữ nó, có lúc tôi ngỡ mình là cái mỹ viện bãi lau giữa
suối có thể chăm sóc cho vết nhọ nồi quanh mép hay nét son trang điểm trên
quãng đời ngắn ngủi của anh. Những vết gông cùm, những mất mát quá phũ của anh
là sẹo hay là trang điểm? Những dòng viết hơi nhiều về anh ở đây chính là công
việc của cái bãi lau mỹ viện săn sóc trông nom cho ước nguyện tự do của anh.
Nhưng hơn hết,
tôi muốn cho anh hiện lên như tiêu biểu cho một lớp người không hiếm trong đảng
cộng sản. Ông nội tri phủ, ông ngọai tri huyện, bố mẹ chủ nhà đất và ruộng
nhưng anh khao khát tự do. Đọc thấy con đường mang biển dẫn tới tự do thế là
hăm hở đi vào. Rồi nhận thấy tự do này là nhằm cho loài người do đó nó phải
giam tự do của cá nhân anh vào trong cái lồng tập thể đúc bằng kỷ luật thép
mang tên chế độ tập trung dân chủ. Thế là cả cuộc đời liền bị giằng xé giữa hai
thứ tự do đối chọi nhau vô cùng nước lửa… Để không chóng thì chầy tất nhiên đi
tới chống đảng, cái tổ chức độc quyền tất cả: bao cấp toàn bộ độc lập, tự do,
chính nghĩa, đạo đức, nhân dân, đất nước, chân lý, quy luật rồi miếng ăn, chỗ ở,
hôn nhân, ma chay, quyền sống, phận chết đã được đảng thiết kế cho mỗi hạng người,
mỗi con người.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét