Chương bốn
Sau chiến dịch
Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, một phần tỉnh Sơn La, thôi bao vây Nà Sản. Tôi và
Tô Hoài đã dự cuộc họp Võ Nguyên Giáp kết thúc chiến dịch: không đủ sức công
kiên vào tập đoàn cứ điểm đầu tiên mà Pháp gọi là “con dím” này. Tôi thôi tùy
quân ký giả, ngồi nhà phụ trách tổ cải cách ruộng đất của báo.
Tôi náo nức,
xúc động. Cả nước đang tích cực chuẩn bị cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất
giải phóng anh em giai cấp. Cụ Hồ có bài báo tiếng Pháp đăng đầy hai trang tờ
“Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ mới” cơ quan ngôn luận của
Kominform, sau khi Stalin và Mao lên cho cụ một bài gân lập trường vô sản. Lúc ấy
chưa đọc hồi ký Khroutchev, tôi chưa biết: gặp Hồ Chí Minh, Stalin đã chỉ hai
cái ghế nói: ghế này của nông dân, ghế này của địa chủ, anh ngồi vào ghế nào?
Câu hỏi không giấu vẻ miệt thị và thế là ra đời bài báo Cụ Hồ tự phê bình đã chậm
tiến hành cải cách ruộng đất. Tôi (Cụ nói) không nhớ rằng ở Việt Nam, tổ quốc
còn gọi là đất nước - đất và nước cho nông dân. Bài báo có nghĩa cụ đã thế chấp
bản lĩnh riêng để đổi lấy phe. Cụ rất hiểu: muốn làm cách mạng thì phải được
phe cho nắm quyền! Như trước kia được Quốc tế cho phép lập đảng. Và dòng sông
vào biển từ nay hóa mặn.
Chuẩn bị cải
cách ruộng đất, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9-1953, Trung ương mở một lớp chỉnh
huấn cho trí thức trong và ngoài đảng làm việc ở chính phủ và các đoàn thể
trung ương. Nhiều tên tuổi như Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn
Huyên, Thế Lữ… đã dự học. Mục đích sâu xa là xây dựng lập trường giai cấp, đề
cao công nhân, bần cố nông, hạ uy thế chính trị và tư tưởng của trí thức và các
giai tầng không lao động chân tay khác. Sau đó, bắt đầu triệt để chỉnh đốn tổ
chức, theo phương châm mạnh mẽ đề bạt công nông, gạt bỏ các thành phần “không
trong sạch”.
Nhưng nói
chung không mấy ai nhìn trước thấy triển vọng tối tăm, mà nếu có nhìn ra thì
cũng thấy đó là điều hợp lý… Mấy tòa nhà lán tre nứa cao rộng vây quanh hai mặt
một hội trường lớn. Riêng ở một tòa ở xế trước hội trường là ba hay bốn chi bộ
(gồm cả đảng viên lẫn không đảng phái). Chi bộ đầu lán có Nguyễn Cao Luyện, Tạ
Mỹ Duật. Liền với nó, trên cùng một sạp giường nứa dài cả hai ba chục mét, một
chi bộ nữa và đặc biệt lại có Nguyễn Tư Nghiêm và tôi. Ở sạp đối diện, cách một
lối đi là hai chi bộ nữa. Một có Đặng Đình Hưng và một có Vũ Chính, Tổng cục
trưởng Tổng cục 2 sau này.
Tố Hữu là bí
thư học ủy. Cụ Hồ cách nhật, có khi liền ngày, đến xem điện ảnh, liên hoan với
học viên. Cụ có mấy câu nổi tiếng trong hội trường: “Bác Hồ muốn nằm” khi mọi
người hô “Hồ Chủ tịch muôn năm.” Rồi tay chỉ vào đầu: “Từ đây thì Bác già,
nhưng từ đây (tay chỉ vào bụng) thì Bác trẻ.” Một hôm Bác nói: “Các chú các cô
không sợ người ta kêu mình kém tri thức, ít lý luận. Họ kêu thì bảo họ rằng tôi
lú nhưng chú tôi khôn. Chú tôi là Stalin, Mao Trạch Đông...”
Lê Duẩn thường
có mặt. Giảng bài chính: Lập trường giai cấp nông dân và cách mạng dân tộc, dân
chủ. Duẩn nhấn mạnh trong bước cách mạng này, người cộng sản phải có lập trường
giai cấp nông dân để hiểu được nguyện vọng nông dân mà kiên quyết lãnh đạo họ cải
cách ruộng đất, lấy lại quyền lợi, làm một cuộc đổi đời.
Tôi ngợ:
theo Mác, Lê-nin thì người cộng sản không thể có lập trường nào khác ngoài lập
trường giai cấp công nhân. Có điều ý kiến của Lê Duẩn chỉ nói ở trong cái lớp mấy
trăm con người này. Vả chăng không ai dám phê phán hay chất vấn sất.
Phải nhận Duẩn
nhiều ý độc đáo. Như ta mất nước cho Pháp là vì lúc đó đang là thời đại chủ
nghĩa tư bản nó chiến thắng áp đảo phong kiến. Đổ hết tội cho nhà Nguyễn là
không thấy xung đột của hai phương thức sản xuất, một đi lên, một tàn lụi.
Duẩn mới ở
trong Nam ra với biệt hiệu đơ-xăng bu-gi, hai trăm nến (tiếng Pháp deux cents
bougies - BT) chỉ sau có Cụ Hồ xanh-xăng bu-gi, năm trăm nến.
Chúng tôi
hay xúm quanh Lê Duẩn để hỏi. Phải nhận ông có những cách giải thích độc đáo mà
nay nghĩ lại thì thấy thường là ngụy biện. Chẳng hạn trả lời tại sao chỉ có Đảng
cộng sản Trung Quốc và Việt Nam chỉnh huấn còn các đảng Âu Mỹ thì không, Duẩn
nói, vì ta và Trung Quốc ít công nhân cho nên phải bỏ công ra tỉa gọt từng đảng
viên cho đa số có được lập trường giai cấp vô sản.
Một tối kẻng
thình lình gọi toàn thể lên hội trường. Tề tựu lâu rồi mà trên sân khấu vẫn vắng
tanh. Mọi người bắt đầu nhớn nhác thắc mắc. Thì Tố Hữu ủ rũ đi vào. Theo sau là
cụ Hồ và nhiều người khác. Ông Cụ ngồi xuống ở trên cùng hàng đầu. Tôi bỏ chỗ
leo lên ngồi ngay đằng sau lưng Cụ. Tố Hữu bước lên sân khấu, cằm đè lên hai
tay bưng một vật gì ấp vào ngực, vẻ như cố giấu cái việc anh đang quay lưng lại
lúi húi làm trên đó. Rồi cúi đầu đứng lặng một lúc khá lâu nữa. Khi mọi người
bên dưới to tiếng hỏi nhau, Tố Hữu mới từ từ quay lại, nước mắt chan hòa trên mặt
từ lúc nào. Trên phông mầu đỏ hiện lên chân dung đại nguyên soái Stalin. Bộ
quân phục trắng lốp làm nổi bật hơn lên dải băng đen viền quanh rồi thắt nơ túm
lại ở bên dưới.
Tôi thấy
bàng hoàng hơn là đau buồn. Đúng hơn nữa, tôi vẫn bị khó chịu vì cái kiểu “đánh
đố loài người” của Tố Hữu.
Ông ấy hình
như tranh hơn thiên hạ cả ở chỗ được biết sớm hơn hung tin, do đó được ưu tiên
đau xót trước và nhân thể lại tranh thủ dịp thị phạm cho lớp trí thức ngồi đây
thái độ cách mạng đối với cái chết của lãnh tụ…
Trước mặt
tôi, Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay mầu trắng lên lau nước mắt và nuớc
mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động. Xong truy điệu, Cụ
lập cập đứng lên về gian phòng dành riêng cho Cụ ở đằng sau hội trường, trong dẫy
văn phòng học ủy nhìn xuống nhà ăn tập thể. Quên hộp thuốc lá Trung Hoa Bài
hình tròn ở trên ghế bên cạnh. Tôi cầm lấy nó đi men hiên đất cao hẹp rẽ vào
phòng Cụ.” Dạ, thưa Bác, Bác để quên ạ!”
Cụ ngửng lên
nhìn và tôi bỗng thấy mình lạc lõng quá, vô duyên quá, tọc mạch quá. Mặt Cụ
xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại, những nét tôi chợt thấy chỉ cốt để
cho mình Cụ được biết, một cái gì hết sức bí mật, riêng tư. Cụ ngơ ngẩn nhìn
tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì, cái hộp kia là gì và của
ai... Tôi vội quay rất nhanh ra ngoài.
Hội trường tắt
đèn. Chân dung Stalin chìm trong bóng tối. Tôi bật nấc lên. Lúc này nỗi thương
đau của Bác Hồ có lẽ mới thấm vào tôi. Ít lâu sau bài thơ khóc Stalin đăng lên
báo, tôi nhận thấy mình đã thành kiến với Tố Hữu. Nhà thơ đã đau đớn thật.”
Thương cha,
thương mẹ, thương chồng, Thương mình có một còn thương ông thương mười.” (Thơ Tố
Hữu)
* * *
Một tối họp
chi bộ nghe và nhận xét các bản tự kiểm thảo của nhau. Sau mỗi bài học cơ bản lại
có một cuộc tự kiểm thảo và cuối lớp sẽ có bản tổng kết tư tưởng, gọi ra tên hệ
tư tưởng của mỗi người. Tố Hữu xuống dự chi bộ chúng tôi tối đó. Tôi có phần
đao to búa lớn phê phán người vừa trình bày xong bản kiểm thảo. Tố Hữu bỗng giơ
tay ngăn tôi lại. Rồi từ tốn, nhỏ nhẹ nói “Đồng chí vừa phê phán ai, đồng chí
biết không? Phê phán đồng chí của đồng chí đấy, đồng chí phải biết điều ấy! Đồng
chí của đồng chí là gì? Là hòn ngọc..., tôi nói lại, là hòn ngọc, hòn vàng của
đảng, là người mà chúng ta phải yêu mến nâng niu...”
Tôi phát hiện
một chân lý cảm động. Tôi là hòn ngọc hòn vàng của đảng! Nhưng cùng lúc tôi tự
ái vì bị “uốn nắn thái độ” cùng lúc nhận thấy trong con mắt Tố Hữu nhìn người vừa
bị chỉnh đốn kia một ánh trắng xỉn, lạnh lẽo, một cái gì khinh khỉnh.
Định nghĩa đảng
viên là ngọc là vàng của đảng cho nên vào tổng kiểm thảo Tố Hữu yêu cầu học
viên rất ngặt. Hễ là con em hay liên quan với địa chủ, học viên đều phải thành
khẩn tự khai báo với đảng mọi sai lầm tội lỗi của bản thân, chẳng hạn đồng
tình, về hùa với gia đình, thậm chí cùng với gia đình trực tiếp đàn áp, bóc lột
nông dân... Thứ hai, phải vạch ra mọi thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tội
ác của bố mẹ, gia đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở
thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập
trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ,
đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản” học viên đó phải ngồi
học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta
công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình.
Tố Hữu làm
đúng lời Bác Hồ thôi. Sắp vào tổng kết tư tưởng, Bác Hồ đến nói chuyện - thực
chất “động viên” học viên dứt khoát với tư tưởng sai và lầm lạc, tội lỗi của cá
nhân.
Như thấy làm
việc cho thực dân Pháp là nhục nhưng vẫn chưa triệt để, phải tiến lên một bước
nữa là thấy tội của mình… Bữa ấy Bác lôi cả nhục và tội của cụ Bùi Bằng Đoàn
ra.
Tôi nhớ chi
tiết này vì tôi đã ái ngại cho cụ thượng thư cũ. Nhất là khi Bác Hồ nói “Xin lỗi
cụ Bùi” thì cụ Bùi rất ôn tồn đáp lại: “Không dám, xin cụ cứ nói.” Tôi có phần
thiện cảm với chữ “Không dám” mà từ khi lên ATK trên rừng bây giờ mới lại nghe
đến. Cũng thương cụ Bùi chỉ được gọi là Cụ!
Lúc ấy tôi
chưa biết Mao bày mẹo chỉnh huấn bắt khai tội cốt để hạ nhục bề dưới để dễ thu
phục sai khiến - tao bắt mày khai cái thối tha nhất của mày ra mà mày nghe tao
là mày hàng tao, tao nắm được ruột gan mày thì mày còn hòng thoát đi đâu.
Ở chi bộ
chúng tôi, Nguyễn Tư Nghiêm là học viên duy nhất rơi vào cảnh gay go phải làm
hai bước nhận nhục và có tội. Mẹ anh năm ấy đã già, có hơn hai mẫu ruộng cho cấy
tô, một mình nuôi người em của Nghiêm bị điên. Nguyễn Tư Nghiêm nhất định không
khai “tội ác” của mẹ. Chi bộ thuyết phục, răn đe, anh vẫn khăng khăng nói không
thể căm thù mẹ, không thể coi mẹ là kẻ thù giai cấp, là có tội ác, không thể đoạn
tuyệt mẹ mà trái lại anh biết ơn mẹ đã nuôi nấng anh thành người, cho anh được
học mỹ thuật.
Tóm lại, đảng
coi anh là ngọc là vàng để anh nghe đảng nhưng anh lại coi mẹ anh, kẻ thù giai
cấp, hơn cả ngọc cả vàng. Và Nghiêm đã đơn thương độc mã nhỏ nhẹ, ấp úng chặn đứng
một mầm văn hóa ác bắt đầu ló mòi mà người ta toan vun trồng nhân giống trên đất
nước.
Cuối lớp học,
xong phần tổng kết tư tưởng từng người, học ủy chọn đưa ra toàn thể hội trường
ba báo cáo điển hình.
Một của Thế
Lữ. Anh đã phạm sai lầm tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tự Lực Văn Đoàn, lại
làm thơ kêu gọi nhân dân ta, nhất là thanh niên, đi vào con đường thoát ly
chính trị, lờ đi tiếng kêu cứu của đất nước nô lệ tủi nhục. Rồi đời sống sa đọa,
đĩ điếm, thuốc phiện...
Một của Tô
Ngọc Vân. Anh là tiêu biểu rõ nét nhất của tư tưởng văn nghệ thoát ly chính trị
mà tiêu biểu nhất là cuộc tranh luận kéo dài của anh với Trường Chinh năm 1948 ở
trên báo Sự Thật về “nghệ thuật là tuyên truyền hay không là tuyên truyền?” Anh
thẳng cánh bác bỏ nghệ thuật phải tuyên truyền.
Và một của
Th. Lên tự nhận mắc chứng hủ hóa trai gái gần như bệnh lý mà có lẽ do, anh công
khai thú nhận, “cái của tôi nó to quá!” Truy nguồn gốc tư tưởng đến thế, nhân
tiện phô diễn tính dục bằng lời - verbal exhibitionism thay cho hàng thật. Một
dạo dài, tôi sinh hoạt chi bộ ghép với vợ chồng Th.
Đầu những
năm 90, giỗ 49 ngày Trịnh Kính thổi clarinet ở cạnh nhà tôi, Song Kim, dì họ của
anh đến. Chị buồn rầu nói:
- Báo cáo điển hình của anh Thế Lữ ở cái lớp ấy
tôi vẫn còn giữ... Xấu hổ anh ạ...
- Chính bọn chúng tôi mới xấu hổ, - tôi khẽ
nói. Đã xúm lại nghe... Nhưng có lẽ xấu hổ hơn cả là người đã đặt ra cái trò
cho nhòm hội đồng vào đời tư người khác qua lỗ khóa.
Tôi đã giữ lại
không nói tiếp: Chẳng lẽ hễ nhân danh cách mạng là có quyền đánh trống ghi tên
cho đến nhòm lỗ khóa vào đời người khác hay sao chị ơi.
Thời đánh
Nhân Văn, Song Kim đã từng phải che chắn cho Thế Lữ. Người ta đòi anh viết kiểm
thảo cái tội không nhận rõ sai lầm của bọn phản động Nhân Văn. Nguyễn Khải được
phân công đến động viên Thế Lữ viết. Chả biết thật hay giả, Thế Lữ liền nhờ Khải
viết hộ bản tự kiểm điểm lệch lạc của mình. Kể lại cho tôi chuyện này, Khải còn
đỏ mặt ngượng.
Làm nhục và
sợ là yêu cầu sâu kín của “tự kiểm thảo”
Nhiều người
đã tự sát. Bảo là vì nhục cả thì không chắc. Có thể là một cách phản kháng
chăng? Người đầu tiên tự sát trong chỉnh huấn là Thân Mỡ, nguời đảng viên do Kỳ
Vân kết nạp đầu tiên ở Đình Bảng, lúc học ở trường Mác-Lê Bắc Kinh rồi treo cổ
chết khi tổng kết tư tưởng. Ở lớp chỉnh huấn Lưu Động, Chính Yên báo Cứu Quốc dự,
có Thướng, biên tập viên cùng báo với hai anh. Thướng treo cổ bên ngòi Thia,
sông Đáy. Hai anh đã phải lặn lội tìm xác kẻ “phản bội” - lời của bí thư học ủy
Nguyễn Chương. Học viên phải họp mít tinh ở hội trường rầm rầm hô đả đảo tội ác
của tên Thướng mưu phá hoại chỉnh huấn, một phương thức quan trọng của xây dựng
đảng. Chính Yên bảo tôi là trước đó Thướng ngồi trong hội trường một mình rất
lâu. Bước ra thấy Chính Yên, Thướng quay đầu lại sau chửi: - Mẹ chúng nó cao
cao tại thượng. Trên cao chỉ có ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Stalin, Mao Trạch
Đông và Hồ Chí Minh. Chính Yên nói anh không nghĩ Thướng chửi mấy cụ đó.
Động cơ nào
khíến một số anh em tự thủ tiêu. Nhục rồi tự xoá bỏ? Hay mượn diệt bản thân mà
hy vọng diệt chính cái kẻ đã đưa mình tới nông nỗi tuyệt vọng này?
Tự sát biết
đâu chẳng phải là muốn lẩn trốn một cách sống kinh hoàng? Đời thuở nào ngồi trước
chi bộ lại lôi việc bố đi nhà thổ, mẹ ngủ với đày tớ ra trình báo?
À, lại còn tế
nhị cho phép là nếu việc xấu xa quá thì sẽ được báo cáo riêng với học ủy. Tại lớp
học tôi theo có người đau đớn khai ra việc mình ngủ cả với mẹ vợ và em gái vợ,
có khi một đêm riêng rẽ với cả ba người. Khai rõ đủ thủ đoạn dụ dỗ, lừa bịp và
cách tiến hành “tội ác” để lôi được tận gốc rễ của tư tưởng địa chủ nó ích kỷ,
đểu giả, tàn bạo đến thế nào.
Chăm chú ghi
từng câu hỏi của tập thể để trình bày cụ thể động cơ, địa điểm, thủ đoạn phạm tội.
Có đồng chí khai mắc sai lầm thủ dâm. Năm chục tuổi mà còn mắc cái đó thì tư tưởng
chiếm hữu và hưởng thụ của địa chủ ở đồng chí lớn quá thật. Nào đồng chí nói
cho biết khi phạm tội đó đồng chí nghĩ chiếm hữu ai? - “Báo cáo (người trong
chi bộ tôi và Nghiêm vừa tự thú bỗng nghẹn ngào)… báo cáo, tôi… Báo cáo…, cả
chi bộ lắng nghe. Báo cáo tôi nghĩ đến cô con gái nhà chủ ở địa phương. “Thành
phần gia đình?” “Có lẽ phú nông...”
“Đấy, ngưu tầm
ngưu mã tầm mã, tư tưởng bóc lột gặp nhau đấy.”
Cứ thế
nghiêm chỉnh xây dựng tư tưởng vô sản cho nhau. Đấu tranh tư tưởng là phải truy
lùng triệt để như thế!
Nhưng có những
người khóc vờ cho qua cầu. Thí dụ Dương Bích Liên. Anh bảo tớ có cách. Tớ nghĩ
đến thuở bé tớ lấy lửa đốt các tổ kiến cho cháy xèo xèo thế rồi tớ chảy nước mắt
thật. Sau này đi cải cách, Liên luôn thủ một hộp sữa bên mình, đêm mút trộm. Tự
bào chữa: cái này mình có mời thì nông dân cũng lắc.
Xin trở lại
chuyện Nguyễn Tư Nghiêm.
Thương anh,
kẻ bị Tố Hữu “uốn nắn thái độ” không yêu thương đồng chí là tôi đã xui bậy anh
khai bừa đi là căm thù cho xong chuyện. Bảo anh là nói vâng, tôi căm thù trống
không như kiểu Galilée nhận quả đất đứng nhưng miệng lẩm bẩm cho một mình mình
nghe là nó vẫn quay ấy!
Nhưng Nghiêm
cứ đau khổ lí nhí bảo tôi: - Không..., không căm thù mẹ được. Nghiêm cũng không
căm thù được cả các địa chủ khác. Một xẩm tối, chờ lên hội trường nghe giải
đáp, Nghiêm bảo tôi: - Tớ biết thế nhưng tớ không theo nổi. Tớ đọc Marx-Engels
thấy nói Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ
tư hữu; như thế tất nhiên nó phải đoạn tuyệt triệt để nhất với các tư tưởng
truyền thống “Table rase” cơ mà, xóa sạch… Tớ biết thế nhưng tớ không theo thế
được…
Lúc ấy cố
nhiên Nghiêm chưa nghe Cụ Hồ nói đại ý giữa nhà to là nước với nhà nhỏ là gia
đình riêng thì cái to là nặng, cái nhỏ là nhẹ, vậy nên người cách mạng chọn gia
đình to.
Nhưng có
nghe thì Nghiêm cũng không theo. Marx còn chả làm gì nổi được Nghiêm mà.
… Lần tham
gia cải cảch ruộng đất ở Đức Lân, gần kè Úc Sơn, Thái Nguyên, sau một cuộc phát
động quần chúng đấu tố địa chủ, Nghiêm mất tích. Tiêu tan đi như một cái bóng.
Đội đã nghĩ tới phản động thủ tiêu. Ai hay quá kinh hãi về sự độc ác của con
người với con người, anh bỏ trốn đội. Lủi ra ẩn ở giữa đồng lúa đang cữ trổ
đòng. Bạch Mao nữ trốn địa chủ còn có rừng sâu, Nghiêm trốn đội cải cách chỉ
còn có cánh đồng và những đòng lúa non cho anh bứt nhá thay cơm nhiều ngày.
Phát hiện ra anh, người ta chỉ có thể kết luận là anh điên.
Và Nghiêm đã
vào nhà thương điên Bạch Mai. Chung phòng với một anh lính điên. Kim Lân lúc đó
là chi ủy viên phải đến thăm Nghiêm (“chả hiểu sao lại cho mình chui vào cơ
quan lãnh đạo như vậy chứ?” - Kim Lân lè lưỡi bảo tôi)
Cậu lính
khen Nghiêm tốt lắm nhưng hễ lên cơn anh ta lại cứ nhè đầu Nghiêm mà nện. Tài,
- Kim Lân nói, đau thế, ngày hai ba trận đòn điên thế mà nhất định không chịu
ra nhá. Sau nhiều lần vào, tớ cứ dỗ cu cậu. Nào về với anh em đi, Nghiêm... Về...,
về vẽ với anh em cho vui nhỉ...
Về một thời
gian được đặt hàng minh họa Truyện Kiều. Trường Chinh cho xổ toẹt. Phê rằng
truyện Kiều là của Trung Quốc mà lại vẽ ăn mặc kiểu Việt Nam? Thật ra ông ấy
không xài được những nét vẻ run rẩy mà mọi người kinh hãi lên vì đẹp và gọi là
phong cách “thời kỳ điên”.
Sau đó, Trường
Chinh muốn an ủi Nghiêm, ba lần mời Nghiêm đến gặp. Nghiêm từ chối. Rúc vào đồng
im lặng. Nay những bức vẽ Kiều được săn lùng ngang đồ sứ Minh - Thanh...
Bây giờ, thế
kỷ 21, Nghiêm vẫn hoàn toàn rúc vào tranh và im lặng. Tây Tàu đến tìm gặp người
đàn bà sống chung với anh nói anh đi vẽ xa. Bao giờ về? Không biết... Mà có khi
chết giữa đường, ông ấy dặn trước như thế.
Khoảng 2009,
2010, một tối ở nhà Trần Lưu Hậu tôi gọi cho Nghiêm. Vợ anh, người đàn bà hay từ
chối khách nói ông ấy ốm. Tôi nói xin bà nói giúp với ông ấy tôi là thế này. Ba
phút sau Nghiêm ra.
“Ốm thật... Ừ,
đến chơi nhé... Nhớ đến nha. Có tránh nhưng tránh ai thôi...” Vẫn thoáng cái giọng
Nghệ từ tốn, thấp trầm. Tôi hài lòng. Có thế chứ. Rủ tôi bỏ cộng sản từ rất sớm
cơ mà.
Tết Quý Dậu,
1957. Giữa thoái trào dữ dội của phong trào cộng sản trên toàn thế giới...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét