Chương hai tư
Nghị quyết
9, thông báo dù quan điểm thế nào anh cũng không bị kỷ luật, nghĩa là anh không
bị mất chức, không bị thay đổi công việc! Nhử cho anh tuôn hết ra và không chống
lại. Kiểu sau 1975 bảo binh ính Sài Gòn “đi học” chỉ mười ngày.
Nhưng vừa ra
Nghị quyết 9, Bộ chính trị liền có quyết định bốc các phần tử xét lại đi khỏi
các vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao. Cụ Hồ thôi họp Bộ chính trị; Võ Nguyên
Giáp, Lê Liêm ngồi chơi xơi nước, học piano, nhạc lý; Ung Văn Khiêm thôi ngoại
giao… Và Hoàng Minh Chính, Kỳ Vân nằm khan; phó bí thư thành ủy hà Nội Minh Việt sang vụ tài chính Bộ công nghiệp vân vân và
vân vân…
Về nước mới
hai năm tôi sa ngay vào hãm địa tối tăm nhất không lối thoát: phần tử trong tổ
chức chống đảng, lật đổ, tay sai nước ngoài. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy
le lói trong mình một ánh sáng của riêng tôi nó làm cho tôi đứng vững được.
Ở báo Nhân
Dân, ngoài mấy anh phải sang ngành khác, tôi là người ở lại bị thay đổi mạnh.
Không phó ban văn nghệ nữa (Hoàng Tùng đầu năm đã báo tôi sẽ là trưởng ban thay
Như Phong) mà đến làm phóng viên dưới quyền Phan Quang vừa đi Bắc Kinh nhận xức
dầu thánh về mới lên trưởng ban thay Lưu Động (từ nay được bảo không đến cơ
quan cũng được) và Hữu Thọ một nhát vượt hai ba cấp lên phó trưởng ban nông
nghiệp. Cuộc bộc lộ căm thù xét lại vừa qua đã giúp đảng nhận ra các con tim nhất
trí và thừa thãi nhiệt tình cách mạng. (Nhất trí là vô cùng quan trọng nên tường
thuật Đại hội 4 (1976), Hồng Hà đã cho lên đầu đề chữ “Đại hội nhất trí” rực rỡ
to tướng). Tôi bảo Chính Yên: Nếu cần cả âm thanh học để diễn đạt thì chữ sánh
ngang với rực rỡ là gì? Là ỏm tỏi, nhất trí rực rỡ và ỏm tỏi!
Báo đảng
cách chức tôi còn để bôi nhọ tôi: đấy, xưa ngang và hơn cấp người ta thì
nay bị người ta quản lý, lãnh đạo. Lần đầu
tiên tôi hiểu phương châm gao chou, - cảo xú - của Trung Quốc, làm cho đối tượng
đấu tố thối um lên. Hạ uy thế tư tưởng, tổ chức lại phải hạ cả thể diện chúng nữa.
Trần Châu và
tôi từ nay phải trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình ở chi bộ hay ban chuyên môn
trước mọi chuyện thời sự quan trọng. Xưa tu chính trị đến sở mật thám trình diện
sinh học thì nay chúng tôi trình diện cả tư tưởng tại nơi làm việc.
Đánh Tết Mậu
thân 1968 được hai ba ngày, chi bộ ban nông nghiệp yêu cầu tôi nói cảm nghĩ về “chiến
thắng lớn”. Trên mặt mọi người lúc ấy, tôi đọc thấy: “Xem mày nói sao? Mày đã
thấy mày sai bố mày chưa hả?”. Tôi bèn nói: - Sáng nay đến vườn hoa Cửa Nam,
tôi đã dừng xe lại. Tấm bản đồ nước ta to bằng một phần tư hội trường cơ quan
mà đỏ rực hết, chỉ còn Sài Gòn một màu trắng bằng cái nhị sen. Dân xem đều nói
thế này thích phủi là hết.
Ở ban văn
hóa, Lưu Đồng nói tôi thấy có vẻ như tiền khởi nghĩa liền bị phê phán tời bời:
giờ phút này mà vẫn mơ hồ, coi như tổng khởi nghĩa xong rồi mà còn tiền với hậu!
Lưu Động bảo tôi sau đó: - Tớ nói phóng lên là tiền khởi nghĩa mà vẫn bị phê
phán.
Phải nói ở
tôi nảy ra cái ý ị xong không chùi đít là kể từ chiến thắng hụt của Tổng tiến
công, Tổng nổi dậy Mậu Thân. Còn sửa sai Cải cách Ruộng đất thì tôi cho là có chùi
nhưng quệt quáo quào bằng cái que nứa bẻ vội ở bờ rào.
Một lần họp
ban, Phan Quang nói vừa gặp anh Tố Hữu, anh Tố Hữu nói ở báo Nhân Dân có những
“phần tử ba lăng nhăng mắt đục lờ lờ nuớc cống”. Rất khó chịu, tôi chất vấn ngay phó tổng biên
tập Nguyễn Thành Lê cùng dự họp: - Sao trưởng ban tuyên huấn lại dùng chữ “cống
rãnh" với những người làm báo đảng?
Một tuần
sau, Phan Quang truyền đạt ý Nguyễn Chí Thanh: - Người ta cứ mang B52 ra dọa,
tôi xin nói nó là thằng Bê Quăng Sai. Sai, rất sai! Năm ngoái tôi trong Rờ ra tới
một quãng bị B52 ném và rải chất độc. Tưởng tan nát hết, ai ngờ vào thì thấy tiếng
hát rất hay giữa rừng cây ngổn ngang. Một trung đội nữ thanh niên đang vừa gội
đầu ở bên suối vừa hát.
Năm nay tôi
lại ra qua chỗ đó. Thì sao? Thì tại chỗ bị bom và chất độc khai quang đó, sắn
được mùa mà lại còn ngon hơn trước nhiều nữa.
Đáng lẽ ồ ồ
to lên sung sướng như mọi người thì tôi lại đề nghị Nguyễn Thanh Lê nên xin Trung
ương nhập ngay chất khai quang của Mỹ này để tăng năng suất nông nghiệp cho dân
ta đỡ vất vả.
Tôi nói móc
quá lộ. Tuy không nói tuột ra rằng những
Bê Quãng Sai, những chất khai quang làm tốt hoa mầu chỉ là ánh sáng cận thải của
đế quốc Mỹ là con cọp giấy mà thôi.
Qua những
năm Ðại Nhảy vọt, Chống phái hữu. v. v. ở Bắc Kinh, tôi đã thấy cái thói xấu gần
như trở thành phong cách tư duy chính thống đề cao nhiệt tình cách mạng, bất chấp
khoa học, hay môn “nước bọt học” như tôi đặt tên, miễn sao khích dân xông lên
vô tội vạ cho nên nghe những lời lẽ phản khoa học như “chất độc khai quang làm
cho mùa màng tốt”, tôi ghê rợn chẳng khác nào giẫm phải một bãi người ta vừa mửa
ra. Một bài học rõ như ban ngày là mình càng dướn cổ lên nghe điều bậy bạ thì
mình càng ngu dốt.
Ở đây còn
thêm một lẽ về cảm tính nữa: tôi không xài được cái vẻ xúng xính hớn hở ta đây
của Phan Quang được chuyển tải ý kiến Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu hai vị đang cầm
cân nảy mực về tinh thần tiến công và đạo đức xả thân vì nước. Kiểu anh tài mở
cửa xe cho thủ trưởng mà vênh mặt lên với mọi người.
Tôi đã chọc
tổ vò vẽ. Đụng vào các Người hùng thời đại của Phan Quang. Quên mất sau đó chi
bộ kiểm điểm đảng viên mà tôi là trọng điểm. Không biết người ta phân hạng tôi
là phần tử ngoan cố phản ứng láo nhất ngay cả sau khi đã được giáo dục.
Tôi vừa đọc
xong bản tự kiểm thảo, Phan Quang lập tức quật sổ tay đánh đét một cái xuống
bàn, rồi ngả ật ra lưng ghế hầm hầm nói: - Nghe đồng chí Trần Đĩnh trình bày mà
tôi chịu không nổi nữa, nhức hết cả đầu lên..., thôi, nghỉ đã, lát họp.
Tự nhiên tôi
nghĩ đến The Revisor, - Quan khâm sai của Gogol. Được Hoàng Tùng kéo đi xức dầu
thánh ở Bắc Kinh ngay sau trận đàn áp thỏa thuê bọn xét lại ở cơ quan song vẫn
nguyên vẹn cái kiểu hách lác phố huyện.
Họp lại, bí
thư chi bộ Lê Giang nói: - Có hiện tượng đáng chú ý là vừa rồi khi nghỉ, nhiều
anh em trong đảng bộ đến hỏi tôi là đã tẩn Trần Đĩnh chưa, ai cũng muốn tham
đâu để góp ý xây dựng đồng chí Trần Đĩnh... Anh Hoàng Tuấn Nhã nói là thằng
này, tiên sư nó, lý sự làm đ. gì, cứ nện cho một trận bỏ bầm nó đi mà.
Tôi lại chất
vấn Nguyễn Thành Lê dự họp: - Đồng chí Lê, bí thư đảng ủy, đảng có khoản tẩn bỏ
mẹ và tiên sư đồng chí ư?
- Không, không, Lê Giang vội nói. Có... nhưng
nhưng... cũng chửi nhẹ thôi.
Tôi đã được
xây dựng hết hai giờ buổi chiều và sang cả hai giờ rưỡi buổi tối. Chả nhớ gì vì
họ lôi ra đúng những điều tôi nói - có điều là họ phê phán tôi theo cái nhìn
Mao - nhều của họ.
Chỉ nhớ một
ý của Phan Quang. Vì bịa đặt vô liêm sĩ. Các ý khác trượt đi vì đều một kiểu to
mồm cho giàu nhiệt tình cách mạng - Chưa
ở Trung Quốc về - Phan Quang hầm hầm nói - đồng chí Trần Đĩnh đã viết thư cho
anh Trường Chinh để lo lót ghế trước. Còn có trò kỳ dị không hiểu nỗi nữa là cứ
tối nào hể vợ đến, đồng chí Trần Đĩnh cũng lại anh Hoàng Tùng đòi chỗ ngủ…
Thư tôi gửi
Trường Chinh phê bình ta mot Trung Quốc quá nhiều cũng như phải tránh tả khuynh
và Truờng Chinh thừa nhận là đúng thì nay đã thành thư chạy ghế. Tôi chỉ cần hỏi Phan Quang anh Trường
Chinh đưa thư tôi cho Phan Quang đọc bao giờ là lòi ra chuyện nói sằng nhưng
đang ngán Trường Chinh, tôi không thiết thanh minh. Vả chăng lô gich đã quá rõ,
nếu tôi hám ghế như Phan Quang bịa ra thì gặp dịp “đổi giọng” lớn này tôi phải
“phất cờ” dữ ở báo đảng để mà nhót còn phải cao hơn khối chàng. Tôi chỉ trả lời vu cáo thứ hai vì nó quá bẩn. Phan Quang đã cho tôi biến hóa từ văn viết thư
- sang võ - đấm cửa!
Tôi nói: -
Phê bình tôi đấm cửa anh Hoàng Tùng đòi chỗ ngủ với vợ, anh Phan Quang đã biến
tổng biên tập thành… chủ khách sạn (cố không buột ra “bồi săm”). Sao lại có được
chuyện hể đêm nào vợ đến, tôi đều đấm cửa đòi chỗ làm trò kia và Trung ương ủy
viên Tổng biên tập lại vội chấp hành liền chứ? Tôi gặp khó trong chuyện này là
vì anh Phan Quang chiếm mất Nhà Hạnh Phúc ở ngõ Lý Thường Kiệt làm nhà riêng.
Việc chiếm
công vi tư này quá lộ liễu và tai tiếng, Phan Quang ngồi im re. Tài thật. Chân
mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người sạch bong. Khi bị vu đấm cửa tổng biên tập đòi chỗ giải
quyết sinh lý, tôi thật sự choáng: không ngờ người ta có thể dựng khống tôi
thành một kẻ cuồng rỡ tình dục đến ngổ ngược sai phái cả tổng biên tập tìm bãi
xả dục như thế! Mà sao tổng biên tập lại cung cúc tận tụy với tôi như thế!
Sự thật thế
này: một tối, đi chơi về, tôi cùng vợ qua vườn cơ quan để lên ngủ ở buồng làm
việc của tôi như thường lệ thì tình cờ Hoàng Tùng gặp và chuyện trò. Biết tôi
chưa có nhà ở riêng trong khi Phòng hạnh phúc bận - tôi không tiện nói nó đã bị
Phan Quang chiếm - thì Hoàng Tùng cứ lẩm bẩm “Bệ rạc, bệ rạc!” Mà lật đật đi
tìm. Tất nhiên khi tôi nói đã có bãi cỏ vồm tự cung tự cấp rồi thì thôi.
Để tỏ ra xót
thủ trưởng lắm, Phan Quang tố tội của tôi nặng lên thành ra đấy, nó láo thế, nó
bắt đồng chí làm bồi săm! Trước đây
trong các đợt chỉnh huấn, phê bình tự phê bình xây dựng tư tưởng, tôi vẫn tự
nguyện phanh phui mình cũng như sẵn sàng nhận phê phán của tập thể tuy bụng
không vui.
Lần đầu tiên
tôi cưỡng lại “xây dựng” của đảng là từ đấu đá xét lại. Nghe thiên hạ lật lọng
(phái hữu Trung Quốc nói là “nhổ rồi lại liếm”) và phán vô tội vạ mình, tôi
không dám thẳng thừng bác bỏ mà vờ chấp nhận. Nhưng tôi rất đau. Thấy rõ là từ
nay Tôi, Ngôi Nhà này sẽ bị kẻ phạm hay đội cải tạo tư tưởng tha hồ đột nhập
tha hồ phóng uế như các đội cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp…
Bốn chục năm
sau, đầu thế kỷ 21, có một chuyện trao đổi ý kiến nho nhỏ giữa Phan Quang và
tôi. Lẽ ra có thể không kể ra ở đây nhưng tôi muốn tả cụ thể thói ưu việt cảm
khá đáng sợ ta vẫn thấy ở nhiều quan chức. Đó là họ luôn đúng không sai do đó họ
được thả cửa, phê phán, nhất là vu cáo người với cái mặt hầm hầm lên vì quá tải
lập trường cách mạng.
Phan Quang
viết một bài trên báo Nhân Dân, nói châu Âu có chữ denkies chỉ “những người có
thu nhập gấp đôi” và anh còn chú thêm “double income" tiếng Anh. (Mà thú thật
tôi khá ngờ vốn tiếng Anh của anh và xin lỗi nếu sai, có lẽ cả tiếng Pháp nữa).
Tôi bảo anh double income nên là thu nhập kép hay hai thu nhập chứ đừng là gấp
đôi.
Phan Quang rất
tự tin trả lời: “Tôi hiểu là gấp đôi, theo nguyên văn của ông Bertrand viết:
deux revenus”. Khổ, sao không đưa ngay
nguyên văn tiếng Pháp mà phải bỏ công mạ kền thành tiếng Anh?
Để rút lui
cho lẹ, tôi bèn trả lời: “Vâng, vậy theo tiếng Pháp của anh, deux nghĩa là gấp
đôi, thì từ nay hễ nghe anh nói J’ai deux enfants tôi sẽ hiểu là “Tôi có gấp
đôi con” “J’ai deux amours” là “Tôi có gấp đôi tình yêu” hay “J’ai deux
bouches” là “Tôi có gấp đôi mồm.”
Tôi còn muốn
nói thêm với anh rằng chú lính lệ xưa khi thày cai hô ắng đơ (un,deux) cũng thừa
biết là một, hai bước! chứ không phải một, gấp đôi này bước.
Tôi có phần
xấu vì thù dai ở chuyện này. Nói cho rõ: là thù dai tấm huân chương Mao - nhều
Phan Quang được gắn lên trong chuyến đi Bắc Kinh ngay khi khói súng của cuộc trấn
áp xét lại ở báo Nhân Dân vẫn còn dầy đặc. Ai đeo nó đều từng và sẽ đấu tố tư
tưởng phản động rất mãnh liệt. Như những ai đã đấu tố anh bạn Thượng Hải cùng
cô bạn gái tóc đuôi ngựa Picasso khiến cho họ chia lìa và…
Một lần
khác, trong chuyện thanh minh với tôi về dư luận anh chiếm Nhà khách Đài phát
thanh, Phan Quang bảo: - Tôi nay là bộ trưởng rồi cơ mà, anh Đĩnh.
Anh nói quá
đúng. Chính cái tâm thức chức tước mới đẻ ra tệ chiếm công vi tư. Nhưng nếu biết
trong nghị quyết khai trừ tôi, đảng kết luận tôi lăng mạ lãnh tụ, chắc Phan
Quang sẽ không phô ra với tôi cái hàm bộ (trưởng). Ở điểm này, phải nhận Hữu Thọ
khéo giấu chức quan đi hơn. Tuy ghế to hơn Phan Quang nhiều.
Qua việc
Phan Quang chiếm Nhà Hạnh Phúc rồi lại bịa chuyện tôi - nạn nhân của chính anh
hạch tổng biên tập chỗ ngủ - tôi chợt phát hiện ra cái ưu việt cảm đặc biệt của
các chiến sĩ đang kiên cường bảo vệ tư tưởng, kỷ luật, tôn ti trong cơn bão tố
cách mạng. Bảo vệ cách mạng và đảng là anh cao quý nhất rồi và đã cao quý thì
anh tha hồ giẫm đạp lên kẻ đang phá cách mạng và đảng. Mà giẫm đạp là cách thể
hiện rõ nhất, dễ nhất lập trường cao quý cũng như mang lại lợi nhuận nhanh nhất,
nhiều nhất.
Ngay sau Nghị
quyết 9, từ cứ địa là căn buồng hạnh phúc mười sáu mét vuông chiếm đọat cùng
cái ghế phó ban nông nghiệp, cộng chiến công đấu gục xét lại, Phan Quang làm bước
nhảy đầu tiên sang Trung Quốc, cùng Hồng Hà vừa quay súng trở cờ, rờ rỡ với tư
cách Vệ Binh Đỏ của Mao Chủ tịch do Hoàng Tùng gắn cho. Từ đấy ông đi khắp thế
giới, trừ Nam Cực, như ông tự giới thiệu trong bài báo “cách một mái chèo” đăng
ở Kiến thức Ngày nay số 1 - 4 - 2010 trong đó ông viết: hồi thế kỷ 14, vào lúc
Nguyễn Huệ đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị thì dân Myanmar cũng đánh lùi bốn cuộc xâm
lược của Mãn Thanh. Đường đất ông đi chỉ còn thiếu có Nam Cực nhưng vẫn không
dài bằng con đường lịch sử mà ông đem đảo ngược: Nguyễn Huệ thành tiền bối của
Lê Lợi và nhà Thanh là tiên triều của nhà Minh.
Kiến thức
ngày nay trả lời thắc mắc của bạn đọc: “Đây chắc là viết lầm” các quan bút như
Phan Quang, Đào Huy Quát… được bộ máy tuyên huấn bảo vệ quá hay!
Hôm ấy, sau
khi Phan Quang ngửa mặt lên trần nhà nhăn mặt khinh khỉnh kêu “Ôi trời, tôi
nghe cái bản kiểm thảo của anh Trần Đĩnh mà đau đầu quá”, chi bộ om tôi hai buổi.
Đồng chí trưởng ban vừa tham quan Bắc Kinh về đã nổ phát pháo mở đầu rồi kia
mà: “Cha này ngoan cố và phản động lắm!”
Xong trận đấu,
tôi kéo Trần Châu - nhân thể anh về nhà anh ở Hàng Chuối - đi ăn mì ở một hàng
nổi tiếng gần ngã tư Bà Triệu và Hai Bà Trưng. Thì tình cờ Tô Hoài, Nguyễn Tuân
đang ăn ở đấy. Tôi ghé sát đầu vào mặt Tô Hoài hỏi: “Có thấy mùi xà phòng
không? Mình vừa bị họ sát xà phòng rất dữ xong...” Tôi thật sự thấy oải. Khó sống
quá.
Sau hội nghị
chi bộ hùa nhau đả tôi trên kia, tôi đề nghị Hoàng Tùng cho tôi đi thường trú ở
Thái Bình. Tôi nói họ săn lùng tôi như săn lùng phù thủy thời Trung cổ, khó sống
nổi. Y hẹn, đầu giờ làm việc chiều,
Hoàng Tùng đã đứng sẵn bên cửa sổ trên gác chờ tôi vào cổng là vẫy. Nghe tôi
xong, anh nói: - Các tướng ấy tưởng ta giống hoàn toàn Trung Quốc là lầm. Ta
khác... Cái anh Hoàng Tuấn Nhã ấy thì lập trường gì... Tôi vui vui vì cái giọng
ngán ngẩm của anh.
Tôi sực nhớ
trước đó nửa năm, đến nhà ông chú ruột Hồng Linh, nghe bà con người Hoa kháo là
họ vừa “học tập phê phán truy theo bản Tuyên bố hữu khuynh, không triệt để của
Hồ Chí Minh và Novotny.” còn nói nếu mở biên giới thì người Hoa về hết, sống ở
đây “xét lại” quá, khó thở lắm. Lại bảo Trung Quốc bắn rơi sáu máy bay Mỹ nhưng
Việt Nam ăn gian, chỉ thông báo có một… Tôi nói lại với Hoàng Tùng. Không ngờ
Hoàng Tùng đem ra nói ở hội nghị trưởng phó ban mà hai năm nay tôi không được dự
nữa. Hoàng Tùng còn lệnh một số anh em đi điều tra dư luận. Ban thống nhất cử Đặng
Phò, anh ruột Đặng Hà thì Hoàng Tùng gạt: - Anh này đi rồi về chỉ tương ra ý của
anh ấy thôi…
Thường trú
chính là đi lánh nạn. Tổ tôm đánh như cơm bữa ở văn phòng tỉnh ủy. Đến nỗi sau
này, Lương Quang Chất, bí thư Thái Bình đến báo có việc xẹt qua báo thường hỏi
thăm tôi: - Gớm, Trần Đĩnh tổ tôm thì nhất.
Nhưng có một
chuyện tôi khó quên. Lần ấy tôi đến một
hợp tác xã, gần thị trấn Quỳnh Côi. Vừa tới đầu làng, thấy một nhóm bà con trục
lúa, tôi đứng lại xem. Liền bị chửi tức thì - nhanh hơn cả pháo phòng không sau
này: “Kìa, gớm chưa, thính hơi thế!”, “về đánh hơi rình mò mà”, “Này, con đốm
nhà tôi nó đã hít hít hực hực ở đâu là y như có cáo...”, “Nào, cót kiếc, thúng
mủng chuyến này đem đốt mẹ nó hết đi mà hun chuột đồng, nó về thì còn cái đ. gì
để mà cần cót, cần thúng nữa?”. Bà con cho là tôi về đánh giá sản lượng để bóp nặn
thuế nông nghiệp.
Tôi quay ra
cổng làng. Biết thua dân. Tiếng người cười liền ran ran ở đằng sau. “Quắp đuôi
đi rồi...” Một ai đó véo von: “Đi làm hợp
tác hợp te, Không đủ miếng giẻ mà che cái l...” Một ông: - Để l. ra cho cán bộ
nó thấy rõ, nó đỡ phải vành ra khám xem có giấu chúng nó cái gì không.
Một ông
khác: - Nó thấy nó thèm nó cứ về luôn để dân vành ra thì ông lại phải nuôi báo
cô lũ con rơi của nó mất thôi!
- Ối chà, bụng lép thì có phô cái l. quắt ra
cũng chả đứa nào nó thiết nhòm… Nó về vạch đùi vợ nó có tem gạo ra cứ là phải
trắng như thân cây chuối hột ấy chứ!
Thì ra từ
lâu chuyện trò với đảng, dân đã quen dùng câu chữ thế này. Quay đi là phản ứng tốt, chịu thua dân. Nhưng quay đi rồi lên huyện nói lại chuyện
này thì dở. Bởi lẽ không thể không cho đảng biết thực hư dân tình! Sau rồi mãi
mới thấy có lẽ cái động cơ thúc đẩy nằm trong vô thức lại chính là cái thứ mà
bà con thoải mái lôi ra còn tôi thì phải viết tắt ở đây. Cay vì bị bêu với nó?
Như kiểu Đồng Đức Bốn kêu: “Con vợ tôi nó khờ, Xem thơ nó lại úp lờ vào thơ,
Con vợ tôi nó ngu ngơ, Xem thơ nó lại úp thơ vào lờ.” Hay vì đạo đức giả: thích
nó mà lại làm ra thanh cao?
Tôi về huyện
ủy báo lại chuyện. Chả biết sau ra sao nhưng ứng xử của tôi hoàn toàn cộng sản,
mọi sự đều vì lợi ích đảng và đảng viên có toàn quyền đánh giá dân tốt xấu, đảng
viên phải có trách nhiệm quản lý toàn bộ tư tưởng, tinh thần của dân.
Một lần tôi
kể lại với một cụ bạn chuyện xã viên chửi tôi về “hít cạp váy” đàn bà để vét
thóc lúa… Cụ bạn cười bảo:
- Còn nữa cơ. Một năm hai thước vải thô, Làm
sao che nổi gì gì (tên một vị tôi không tiện nói ra) hỡi em… Mà cái này mới
kinh cơ. Dịch lợn rồi tiếp dịch gà, Bao giờ dịch đảng dân ta reo mừng. Tôi lè
lưỡi ra.
Ngày càng hiểu
vì sao phương tây gọi cộng sản là hỗn. Hỗn với tất cả. Như Việt Cộng trèo hỗn
lên đầu tất cả hét lớn: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là nơi
hội tụ của ba dòng thác cách mạng. Lịch sử đã chọn Việt Nam là nơi tập trung của
những mâu thuẫn thời đại.” và Việt Nam tự hào là “Ngọn cờ tiên phong của phong
trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.” May mà phải vác rá đi xin gạo tiền
súng đạn. Nếu dồi dào hết thì chết với ông. Vậy mà tôi đã chứng kiến sự hỗn hào thành văn thành luật đó từng nghiễm
nhiên trở thành hào quang chói lòa trong lòng dân.
Ở ngay đầu
Khai Trí Tiến Đức, mặt sau báo Nhân Dân, hai người đi xe đạp đâm nhau. Vênh vành.
Cãi cọ kéo dài, để chấm dứt, người bạn của người trong cuộc nhưng yên lành hết
bèn tặc lưỡi: “Thôi, lộ bí mật một tí hả, anh ấy đảng viên đấy!”
Thế là xong.
Người bị vênh vành lặng lẽ khiêng xe đi tìm chỗ nắn. Có mặt tình cờ lúc ấy tôi đã rất ngạc nhiên về
độ nhiệm màu ngang với mật gấu xoa tan vết bầm của lời nói này. Và nghĩ ngay đến
một truyện ngắn. Sau khi anh bạn kia giới thiệu tư chất cần được kính nể của đảng
viên, tôi liền đến trước mặt người bị đâm vênh vành xe, đưa anh ta ít tiền và
nói: - Tôi là đảng, đảng đền cho anh đã bị thiệt, anh hãy cầm lấy tiền này đi sửa
xe… Anh đảng viên đâm xe dân bèn đến vặn tôi: anh cho xem bằng chứng anh là đảng
viên đi nào. Tôi nói: tôi là đảng dân, đấy, bằng chứng đây, anh xem bà con đây
có tán thành việc tôi làm không?
Đồng thời
tôi cũng nhớ tới Kabir, nhà thơ Ấn Độ 500 năm trước từng viết: “Ở trong nước,
khát nước, con cá cần sự hướng dẫn nghiêm túc và thành tâm (để uống)...”
Cá khiêm nhường,
nhỏ mọn như thế mà chú ý tu dưỡng đến cả hành vi bản năng nhất. Thế nhưng tôi?
Nhìn người, nói với người, cư xử với người…, tôi đều hỗn xược. Vì chủ nghĩa đã
trao cho tôi nghĩa vụ cầm cân nảy mực, vạch lối chỉ đường, quản lý giáo dục cho
dân.
* * *
Tôi thường
trú được vài tháng thì Hoàng Tùng gọi về. Bảo tôi đưa hai nhà báo Trung Quốc
vào Vĩnh Linh. Đang Nghị quyết 9 bão
táp, Hoàng Tùng cho Hồng Hà, Phan Quang đi Bắc Kinh để lấy thẻ Mao - nhiều. Nay
cho tôi đi với nhà báo Mao - ít, ông muốn nhân dịp này tẩy bớt cho tôi cái tiếng
phản động xét lại. Phải tư cách chính trị thế nào mới được tháp tùng các đồng
chí Trung Quốc chứ!
Lúc ấy
Johnson vừa cho máy bay đánh ba căn cứ hải quân và một kho dầu của ta sau vụ
tàu ta và USS Maddox và USS Turner Joy đánh nhau. Đi thì thích nhưng cũng khó chịu cái đầu.
Đoàn nhà báo Trung Quốc đến đâu cũng được đặc biêt trọng vọng. Dù chỉ đón tiếp ở
chặng dừng chân cũng lại y lệ diễn ra một cuộc ca ngợi Mao Chủ tịch sáng suốt
đã vạch mặt tên phản bội Khơ mà lúc ấy có tên Thằng Trọc. Trong bữa tiệc quá thịnh
soạn của Bộ tư lệnh Quân khu 4, tướng N. L. người Tày liên tục nâng cốc với phó
tổng biên tập báo Giải phóng quân Trung Quốc hô đả đảo Thằng Trọc dữ đến mức ngỡ
lên cơn mê sảng. “Các đồng chí Trung Quốc hãy yên tâm. Chúng tôi luôn ở bên các
đồng chí. Chúng ta là chiến hữu chung chiến hào! Đả đảo Thằng Trọc!”
Tôi thấy La
Liệt, chủ nhiệm khoa báo chí Đại học Nhân Dân hơi khép mắt lại, quay đầu đi.
Sau này, Cách mạng văn hóa ông bị đấu khốn khổ. Hôm sau, qua một bãi biển rất đẹp ưng ửng hồng khêu gợi ven đường số 1
quãng dưới Đèo Ngang, Quảng Bình, tôi hỏi nhà báo nhà binh: - “Anh nom bãi biển
kia giống cái gì?” Rồi nói luôn” mei ren di da tuei, đùi mỹ nhân!.”
Ghẹo ông nhà
binh thích Việt Nam nện Mỹ. Ông lầm lì quay đầu đi. Mỹ nó xâm lược thế kia mà
còn đùi mỹ nhân với vế mỹ nhân.
Đêm đầu tiên
ở nhà khách Đồng Hới bị bão lớn. Mất điện. Gió quật đùng đùng và sóng biển gào
thét. Phạm Phú Bằng vốn trọng tình hữu nghị nên ngủ chung phòng với hai đồng
chí Trung Quốc. Sợ dột, anh dậy lò dò tìm đèn pin. Nằm buồng bên tôi bỗng nghe
tiềng hét thất thanh: “Shei? Ai? Lai ren a. Người đâu?” Phú Bằng sau nói anh lạnh
toát người. Bật đèn pin, anh thấy đồng chí nhà binh bạn co rúm lại ở một góc.
Hồi chiều
đoàn vừa nghe hai phó bí thư tỉnh ủy Đặng Tất và Cổ Kim Thành nói người nhái
Sài Gòn đã có lần lội vào tận đây. Tôi
viết một ký về đầu cầu Hiền Lương: Nghe ba người đàn bà bờ Nam vỗ quần áo giặt
bên sông, và trong ống nhòm thấy các bọt xà phòng trôi man mác, tôi buồn, nghĩ
giá như chúng dạt sang đây mà xem bọt xà phòng Mỹ khác bọt xà phòng Trung Quốc
ra sao để rồi tôi chợt lại thấy hết sức ân hận, giống một đứa con về bên giường
mẹ đau yếu do chính mình đã có lỗi gây nên. Bảo Định Giang không đăng cũng chẳng
đáp.
Về lại Hà Nội
đúng lúc xảy nhiều sự kiện lớn. Diệm chết, Kennedy bị ám sát, Khroutchev bị đảo
chính. Và sự kiện được đón nhận tưng bừng nhất là Trung Quốc nổ quả bom nguyên
tử đầu tiên. Báo Nhân Dân ca ngợi nó là “bom đạo đức, bom văn minh”. Tôi cho
vài người biết là theo báo Time thì Mỹ đã cho Tiền Học Thâm, đại tá gốc Hoa ở Bộ
quốc phòng Mỹ - từng tham gia Kế hoạch Manhattan làm bom nguyên tử của Mỹ - hồi
hương với hơn một tấn tư liệu khoa học.
Tháng 7 tôi
đi thường trú Thái Bình thì đầu năm 1965 Hoàng Tùng gọi về. Anh không muốn tôi
lâm mãi cảnh bị hai kiện tướng Mao - nhều Phan Quang, Hữu Thọ hành tỏi kiểu
coup bas - đòn bẩn, (chắc anh cũng nghe thấy chuyện phê bình tôi bắt anh làm bồi
săm), anh cho tôi một việc thích hợp: viết hồi ký và do đó - Hoàng Tùng nhấn rõ
- anh chỉ làm việc với tôi. Anh bảo tôi viết một cơ sở thời bí mật để kỷ niệm Ðảng.
Hoàng Tùng không thể quên tôi với anh từng hầu như thế nào, trước hết ở món chè
Mao xếnh sáng. Anh thừa hiểu: không biết lủi giỏi hay kịp chùi mép, tôi không
thể sống sót.
Cuộc thanh lọc
nhân sự ở trận đấu xét lại vừa qua thực chất chỉ là công trình kiểm tra chất lượng
miệng và lưỡi của đảng viên: có giỏi uốn và khéo liếm sạch nhẵn không mà thôi.
Nhận thức
này đã là cơ sở để cho tôi kết luận đảng không cần đạo đức mà chỉ cần nhất trí,
do đó làm đảng hư hỏng đi như sau này tôi khai lúc bị thẩm vấn... Tôi về Cổ
Loa. Ở bài này, tôi viết cả những giọt sương đêm rơi góp lặng lẽ vào lòng Giếng
Ngọc một cái gì “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch”. Nơi ngổn ngang sử tích này
đã khai thông lối cho hư vô ngấm vào tôi. An Dương Vương mất ngôi và con gái,
My bố. Một hiện trường toàn mất mát lớn kiểu Shakespeare. Hai triều vua đều Hán
chiếm nước ta nhưng ta lại yêu ông Hán đến trước, ghét ông đến sau. Yêu ngoại tộc
như yêu mình chẳng phải là hư vô đó ư?
Đã ký duyệt
cho đảng, Hoàng Tùng lại bảo tôi làm việc khác... Cháu mất bố và chồng, Trọng Thủy mất vợ và...
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét