Chương ba lăm
Rèm sân khấu
vén lên thật. Tháng 2 năm 1972, Nixon đến Bắc Kinh. Mao Trạch Đông nôn nóng muốn
bắt tay ngay tổng thống Mỹ, toan xúp cả trật tự lễ tân. Theo The President’ s
Private Life của Lý Chí Thỏa, bác sĩ của Mao thì Mao hết sức khao khát gặp người
mà ngày ngày ông sai báo chí, dư luận nước ông chửi là trùm phản động. Kiểu ban
ngày quan lớn như thần, ban đêm… tôi nói ở trên. Mao theo dõi bằng điện thọai mỗi
xê dịch của Nixon đến Trung Quốc. Chu vừa bắt tay Nixon là Mao đã điện bảo đưa
ngay Nixon tới. Và lâu lắm ông mới cắt tóc, cạo mặt. Gặp tổng thống Hoa Kỳ có lẽ
là điểm cầu ước tột cùng của Mao.
Trong 65
phút tiếp kiến, Mao khoe ông đã “bỏ phiếu” (bầu tổng thống) cho Nixon. Nói
chúng ta trước là thù nay là bạn.
Hai nước cần
thiết chế hóa quan hệ, hiện nay tình trạng quan hệ hai nước thật là thảm. Mỹ và
Trung Quốc cần có lợi ích song hành và Mỹ nên nhận lấy vai trò chính trong công
cuộc gìn giữ thế giới. Mao còn phàn nàn Mỹ rải quân quá phân tán, Mỹ thiếu cứng
rắn với Liên Xô, kẻ đang hung hăng bành trướng. Mao thú thật ông đã tưởng Trung
Quốc có thể đứng được một mình song nay thấy “chúng tôi cần phải ra ngoài để học”.
(Ôi… ôi… kim chỉ nam! Lại còn phải học cả ngoài nữa. Việt Cộng mà học như thế
thì ông móc họng). Chúng tôi nghèo, - Mao nửa đùa nửa thật, chỉ có phụ nữ là sẵn
mà đều là phụ nữ ghê gớm cả. Hỏi Kissinger rằng Mỹ có cần phụ nữ Trung Quốc
không, chúng tôi có thể đưa sang nhiều đấy. Có lẽ ám chỉ Giang Thanh. Vĩ nhân
thường cần có mỹ nhân làm sọt đựng những tã bẩn của mình.
Mười giờ hội
đàm giữa Nixon và Chu Ân Lai sau đó (nhưng công bố dài có vài phút) đã dẫn đến
hai bên móc xẩu cùng chống Liên Xô, hoãn bàn vấn đề Đài Loan. Để Mỹ yên tâm rút
khỏi Việt Nam, Trung Quốc hứa sẽ “không làm gì ở Việt Nam” cũng như không quấy
rối các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á. Đổi lại Mỹ cho Trung Quốc vào Liên hợp
quốc.
Mỹ bằng
lòng: Mỹ cần cho sập trước hết Liên Xô. Thôi chọc phá Đông Nam Á như cam kết với Mỹ, năm 1974 Mao tiếp kiến bà
Imelda vợ tổng thống Philipin Marcos. Xiêu lòng bởi mỹ nhân này - khen bà là
“hoàn hảo” - ông Mao đa tình đã bỏ rơi NPA (Quân đội Nhân dân Mới), tổ chức cộng
sản thân Mao đang vũ trang chống chính phủ Marcos. Lập tức NPA thanh trừng nội
bộ, giết nhau dữ dội.
Trước khi
lên máy bay về Mỹ, Nixon nói: - Đây là tuần lễ thay đổi thế giới. Kỷ niệm 50
năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Winston Lord, nguyên đại sứ Mỹ
tại Trung Quốc từng dự cuộc hội kiến và đàm phán Mỹ - Hoa nói: cái bắt tay của
bộ ba Nixon - Mao - Chu Ân Lai đã “làm biến đổi thế giới”. Vì nó sẽ làm sập phe
cộng sản. Kết quả vượt quá dự kiến của Nixon và Mao. Và có lẽ chưa cuộc hối lộ
nào mà thu hoạch lại kinh khủng đến thế.
Sự kiện
Nixon gặp Mao lớn đến nỗi năm 1987, John Adams đã viết vở nhạc kịch “Nixon ở
Trung Quốc”. Báo Mỹ bình Mao hát tự tin hơn Nixon.
Sau cú trở cờ
ngọan mục trên đây, Hoàng Tùng xã luận chửi Bắc Kinh. Nhưng hãi Trung Quốc nên
cộp cả Liên Xô vào chửi tuốt mo hai thằng đầu sỏ cộng sản “sa vào vũng bùn tanh
hôi của chủ nghĩa cơ hội”.
Lê Duẩn nói ở
một số nơi rằng người sợ Mỹ nhất là Mao, duy người Việt Nam - tức là ông -
không sợ. Coi nhiệt tình là phẩm chất cao nhất thì với Lê Duẩn sợ hay táo tợn
trở thành tiêu chuẩn đầu sổ. May mà Mao sợ nhưng còn dám giúp vũ khí, lương tiền
cho chứ không thì ông cũng chả phô trương được hết tầm vóc gan dạ.
Mỹ đã ra sức
lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung. Cả hai đều sợ Mỹ - kẻ thù tầm xa - thân với “kẻ
thù” tầm gần của mình nên đều cố chèo kéo Mỹ, kệ cho Mỹ đang mạnh tay lên với
chú em bị hai anh đem bỏ chợ.
10 tháng 5-1972, Mỹ rải mìn phong tỏa Hải Phòng. Liên Xô, Trung Quốc chỉ đòi Mỹ không được
làm thiệt hại đến tàu và sinh mạng của mình.
Ngày 11-5,
báo Trung Quốc còn hào hiệp đăng toàn văn bài nói của Nixon để cho dân Trung Quốc
“biết các chi tiết về chương trình hòa bình của Mỹ cũng như sự không khoan nhượng
của Hà Nội” mà thấy Mỹ hợp tình hợp lý, Việt Nam không đăng là vì sao chư vị đều
hiểu.
Còn tàu Liên
Xô trúng mìn ở Hải Phòng, thủy thủ bị chết nhưng nhận thư Nixon xin lỗi,
Brejnev liền cho qua.
Ngày 16-5,
Hoàng Hoa, đại sứ ở Liên hợp quốc, giục Kissinger sớm đến Bắc Kinh. Ngày 13-6, đến Hà Nội giải trình lập trường đàm phán hòa bình của Mỹ, chủ tịch Liên Xô
Podgorny báo ngay cho Mỹ biết Hà Nội có “thái độ thuận lợi với đàm phán”. Nhưng
trước đó, vừa ở sân bay đi Hà Nội, Podgorny đã phải hưởng một cuộc lồng phóng
như điên vượt sông Hồng trên cầu phao xóc hơn xóc ốc vì Hà Nội nổi còi báo động
mà Podgorny thì biết đó là trò ranh vì Mỹ đã cam kết dành cho Hà Nội và Hải
Phòng một phạm vi l5 và 10 cây số an toàn những ngày ông ở Việt Nam.
Dọa cái đứa
chăm sóc chi li cho cuộc chiến tranh của mình - chưa kể dạy nghệ thuật quân sự
cho tướng tá biết tiến thoái - thì quái thật!
Rồi trong một
tuần, chúng khẩu đồng từ, cả Kossyghine lẫn Chu Ân Lai “hai ông chủ của Hà Nội”
(lời Kissinger), đều khẳng định chỉ giúp Hà Nội lương thực, nghĩa là từ nay xin
anh hãy dân tộc hóa vũ khí: gậy tầm vông.
Lộ ra lù lù
thế cô lập ghê rợn của Hà Nội. Sự nghiệp đánh Mỹ của Duẩn thế nào lại đi đến thảm
cảnh là “thành trì cách mạng” và “kim chỉ nam” đều “sa đọa” (lời báo Nhân Dân)
rất mót ve vãn kẻ thù của loài người. Rồi cuối cùng bài ca thiên hạ đại loạn
cho Trung Quốc được nhờ đã chuyển làn sang thành khúc nhạc ca ngợi Mỹ đứng đầu
thế giới chống Liên Xô cho trần gian yên lành.
Ngày 1-11-1977, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc xã luận chỉ rõ Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm
nhất của Trung Quốc còn Mỹ lại là đồng minh. Ngược lại, như để bù vào lần nghe
Bắc Kinh xui dại đánh Liên Xô xét lại, Việt Nam đã ký hiệp ước tương trợ với
Liên Xô. Liền bị Bắc Kinh vu cho tiền đồn Việt Nam bội bạc công ơn Trung Quốc
đang theo Liên Xô bao vây chọc ngoáy Trung Quốc ở phía nam.
Một trí thức
Sài Gòn sau này bảo tôi:
- Trong việc phá phe cộng sản, công Việt Cộng
to gấp đôi Liên Xô, Trung Quốc.
- ...
- Để phá phe, hai cha kia chỉ đánh lẫn nhau
nhưng Việt Nam đánh tuốt cả hai, chả tha thằng nào thì công chẳng là gấp đôi đó
sao? Đánh Mỹ đi đầu, đánh hai trùm cộng sản cũng đi đầu, chúa tể đành hanh.
Nhưng giá
ngày ấy đã biết tuốt để bảo ông bạn hãy chờ đến những ngày không còn Liên Xô mà
chỉ còn Trung Cộng để xem đành hanh tiếp ra sao.
* * *
Hai trùm cộng
sản đầu hàng Mỹ, Hà Nội càng phải nêu cao bài học kiên cường. Để cho chúng biết
ta chẳng coi liên minh Mỹ - Nga - Tàu ma quỷ của chúng là cái gì, tháng 3-1972, Hà Nội cho ba sư đoàn, 200 xe tăng và các thứ pháo 105, 150 li đánh thục
qua giới tuyến và chiến sự liền nổ ra ác liệt ở vùng cán xoong Quảng Trị. Mỹ
bèn vin cớ ném bom lại miền Bắc.
Trận đầu
tiên ở Nam Định. Tôi và Vũ Hạnh Hiên, Lê Điền xuống viết...
Tối sau đến
cơ quan nộp bài. Mùi bia từ trong cơ quan báo thơm lừng ra ngoài hè, quá cổng
cơ quan đến tận mấy hàng thợ may cạnh Câu lạc bộ Thống Nhất. Các chủ báo, chủ
tuyên huấn đang ăn mừng chiến thắng Quảng Trị. Những bộ mặt bóng lộn, những bàn
tay hoa múa, những tiếng cười và những cái miệng tranh nhau khen ta giỏi. Chiến
trường luôn tạo ra cho đứa ở nhà cơ hội nhậu nhẹt mừng công for free, - không mất
tiền.
Tôi bỗng
mong cứ ở mỗi bữa tiệc mừng chiến thắng lại có một màn hình ti vi cho hiện lên
các mâm pháo cao sạ còn đầy mảnh bom, rốc két và những bộ quân phục mới toanh của
đám lính mới toe đến thay cho lớp vừa ngã xuống, cho hiện lên các bà mẹ trẻ,
công nhân nhà máy dệt đêm tối mù lèn chật xe pháo nghiêng ngả vượt các hố bom
ra bến Đò Quan trực chiến. Ngược lại mỗi khi pháo binh nổ súng lên máy bay Mỹ
thì cũng một màn hình cảnh đó cho thấy các bữa tiệc của hậu tuyến rất giỏi đi tắt
đón đầu chiến thắng...
Rồi thấm thoắt
đã ký tắt Hiệp định Paris. Ai cũng thở phào. Nhưng ở báo đảng hơn người là được
đọc tin mật và nghe truyền đạt tin lãnh đạo nên chúng tôi biết ta đòi sửa một
ít chỗ. Mỹ không nghe.
Tôi đến Nguyễn
Thành Long. Vừa dự cuộc họp văn nghệ sĩ ở Nhà hát lớn sáng ấy xong, anh cho hay
Hoàng Tùng lên nói rằng ký tắt Hiệp định Paris thế mà cũng có cái hay đấy, ta
được xả hơi chứ không thì phen này thừa cơ ta đánh sang tới Ấn Độ. Rằng có đâu
trên thế giới hiên ngang như Hà Nội, bất chấp chúng đe bom mà sẽ “một tấc không
đi, một li không rời”.
Thế nào ngay
chiều hôm đó, Bộ chính trị chỉ thị Hà Nội sơ tán cấp tốc, triệt để. Huy động mọi
phương tiện đưa dân đi bằng hết. Cứ việc lên xe lửa, xe hơi, không vé, không tiền.
Không phải Mỹ
dọa mồm. Lê Đức Thọ vừa hạ cánh xuống Gia Lâm, B52 đánh luôn Hà Nội. Nghệ sĩ
Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ kịch ở Khu văn công Mai Dịch rúc vào hết
các chân cầu thang.
Sáng sau ra
Thủy tạ, toan ngược về nhà bà chị ở Hàng Đào - từ trận Mỹ đánh bom kho xăng Đức
Giang tôi rời đầu cầu về ở nhờ bà chị - tôi thật sự chìm vào một biển người đìu
ríu, nhớn nhác, xô đẩy, xuôi ngược, cõng địu, gồng gánh, đẩy xe thồ, kéo xe ba
gác. Một bà cụ gầy yếu, mắt thẫn thờ dắt một đứa bé gái chừng năm sáu tuổi. Hai
tay nải quàng vai, một tay kéo lê một cái bị, một tay lôi cháu. Đứa bé gái thút
thít khe khẽ. Nhìn thấy tôi, cháu chợt mếu xệch, chân tập tễnh bước, đầu quay lại
nhìn tôi. Hình như tôi có thể cho phép cháu được ở lại bên bố mẹ, bạn bè. Ở gấu
quần hoa bạc phếch lòi ra một gấu quần đông xuân xanh lá cây mới toanh. Bà lôi
cháu đi gấp, cháu “oá” lên một tiếng và tôi liền ràn nước mắt. Tấm bùa hộ mệnh
bố mẹ cài lên đứa con là cái mẩu quần thòi ra kia.
Vợ con tôi
theo Nhà hát sơ tán đầu tiên đến Chợ Bùng, Thạch Thất, quê Phùng Khắc Khoan
(con Mây ngái ngủ thất thểu ôm chiếc chiếu đi từ xe hơi vào làng cứ thế chấm đầu
chiếu vào các bãi cứt trâu…) rồi ít ngày sau cả Nhà hát được bốc lên tít tận
Gia Áo, huyện Tam Nông, Phú Thọ.
Vợ con Lê Đạt
theo Nhà hát kịch lên cái xóm sâu hơn vào trong chút ít. Đầu xóm đó là nhà nữ
diễn viên Kim Thư. Hôm đầu tôi vào tìm vợ Lê Đạt, gặp ngay trước tiên Kim Thư
đang chơi với đứa con bé trên nền nhà cao ngất. - Anh chuyện với em tí nữa đã.
Nó cho một quả đánh đoành là thôi, nói được lúc nào hay lúc đó mà, phỉ phui.
Lên tận rừng xanh núi đỏ tít mít mù khơi thế này em nhớ Hà Nội quá. Liệu nó có
xóa sạch Hà Nội không anh? Cả nước có mỗi một chỗ gọi tạm được là phố là xá mà
nó xóa thì thành đồ đá thật mất đấy. (Tôi nói: - Sao lại xóa sạch. Nó không
đánh dân đâu.) Anh ơi, người ta bảo anh xét lại là không oan thật…
Tháng một
hai lần tôi chở Đạt cùng đi thăm vợ con. Những hôm mưa, gần bên Trung Hạ, đất
quánh trét vào giữa bánh và chắn bùn, xe không đi nổi, Lê Đạt lại xắn quần xách
hai đôi dép đi giật lùi đến nửa cây số chỉ từng vủng ngập nước sâu để “cụ Tuần”
lái xe vào cho rã bùn ở gác-đờ-bu ra mới hòng lăn được bánh. Có khi chiều tà chờ
phà ở Trung Hà, nhìn sông nước tại cái vùng nôi nguyên thủy của đất nước, tôi rớm
nước mắt. Buồn nhớ con hay thương cho bề dầy thời gian lùi lũi, lặng lờ, cam chịu
ở nơi cội nguồn gần như mấy nghìn năm không biến hóa. Một lần Phú Quang, ở Nhà
hát giao hưởng - hợp xướng - vũ kịch ngồi phà chợt nắm tay tôi: “Em quý các anh
xét lại...” A, Phú Quang biết chúng tôi phản đối chiến tranh và đồng tình, tôi
cảm động. Phải nói lúc ấy người nói rõ ra như Phú Quang là rất hiếm.
Báo Nhân Dân
chuẩn bị đến căn cứ địa mới của Trung ương ở mạn giữa Sơn Tây, Hòa Bình, có hầm
chống bom nguyên tử. Cơ quan rục rịch lên rừng lần thứ hai. Nhưng tôi lại lên
Thái Nguyên làm phóng viên thuờng trú.
Lãnh đạo báo
nói rõ là tôi không đủ tư cách chính trị để đến căn cứ địa mới (Chắc sợ tôi sẽ
liên hệ với địch để đánh phá đầu não? Cũng chính vì sợ tôi theo địch nên báo
không cử tôi đi B hay ra tiền tuyến.) Tôi biết thật ra từ lâu công binh ta và Bắc
Triều Tiên đã làm hầm chống bom A ở an toàn khu Việt Bắc, vùng Kim Sơn, Khuôn
Câm, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.
Ngày ngày ở
văn phòng tỉnh ủy, tôi nhìn Bắc Dũng, bí thư tỉnh béo phì từ chỗ ông ở thở nặng
nề lên dốc. Phó văn phòng tỉnh ủy bảo tôi rằng ông đều kỳ sang Liên Xô bóc mỡ.
Mỗi lần bóc năm cân. Còn bà vợ ông chủ tịch tỉnh cứ chủ nhật lại mang gà ra chợ
bán. Đồn là bà mang cân nhà đi theo và không ai được phép dùng cân khác cân của
bà. Để bà quắc mắt lên cho mà sập chợ à? Thế là mỗi con gà bán đi ít ra cũng
điêu dôi được một hai lạng. Tôi hỏi thế gà nhà nuôi hay bộ đội bảo vệ nuôi.
Nghe đâu gà của vợ bí thư tỉnh B. toàn là bộ đội bảo vệ nuôi. Bằng cơm bộ đội bảo
vệ.
Chiều, tôi
thường đạp xe loanh quanh. Qua nhà tù Phú Sơn mấy lần. Không biết chính thời
gian đó Trần Châu cùng Kiến Giang bị giam ở đó, bom đã quăng vào đó. Và năm
ngoái Phạm Viết chết ở đó. Đi qua lại cứ cố nhớ có phải xưa bắn cụ Cử Cáp là ở
quãng này không. Cái rừng có bệnh viện sơ tán, nơi mẹ Linh chết ở đâu? Một lần
về Hà Nội đạp xe qua Xóm Đồi, Ba Hàng thăm hai con Đào Năng An sơ tán chỗ ông
bà ngoại. Thương cái gia đình bốn người tử tế mỗi lần chở nhau bằng xe đạp qua
cầu Đa Phúc thì An lại phải tính toán nên đi chung để chết cả đống hay chia
đôi, mỗi đội hành tiến qua cầu gồm hai mống hay chia làm hai đội mà một gồm ba
- (“mẹ còn sống thì nuôi hai con tốt hơn là bố”)… Bữa ấy thăm ông bà và hai
cháu xong tôi nổi cơn đạp xe xuống Nỉ, qua đèo Dây Diều sang vùng Xuân Hòa, “thủ
đô mới” ở chân đèo bên Phúc Yên, những tòa nhà trống rỗng hoang phế nom như những
dinh cơ nhà táng bằng gạch ngói thật với kích thước cực lớn nằm ở đó chờ một
ngày đốt vàng cúng một thời đầy hào khí nhí nhố nghe ông anh xui dại cho thủ đô
vượt sông Hồng để không lo bị cắt đứt với đại hậu phương. Suốt đoạn đèo dài tôi
cứ nghĩ cái ý: xưa Cao Biền yểm bùa không nổi thì nay dùng mẹo đại hậu phương
khuyên tiền tuyến lại bứng được Hà Nội đi. Rồi lại mong có một cụ nghĩa quân Cụ
Đề ở trong bụi rậm nhô ra.
Rồi mười hai
ngày đêm B52. Kissinger nói vì Việt nam quá tự tin, coi có thể lợi dụng chỗ phạm
chí mạng của Mỹ là bất đồng giữa Mỹ và Thiệu nên trong hội đàm với Kissinger,
Lê Đức Thọ đã “quăng ra mười bảy câu vớ vẩn với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa”
(lời Kissinger) hy vọng ép Mỹ khuất phục, Hà Nội “không biết rằng khi bị dồn đến
chân tường thì Nixon nguy hiểm hơn ai hết”.
Rồi ngừng
bom, rồi Hiệp định Paris lại ký. Thế là Mỹ đã làm sáng rõ bằng bom cái ý của
“mười bảy câu vớ vẩn” đòi sửa. Cũng đồn Hà Nội hết nhẵn tên lửa SAM 2 và 3.
Chiều đầu
tiên, ngừng bom, khoảng sáu giờ, tôi đến ga Hàng Cỏ. Tòa nhà chính của ga vẫn
như một con đèo đất đỏ nằm vắt ngang giữa hai tòa cánh nhà sót lại. Vết tích của
đợt “bom thông minh” đầu tiên ném cách đây mấy tháng. Tôi dừng lại ở quảng trường 1 tháng 5. Một
vùng vắng lạnh, hoang vu, nguyên sơ duy nhất mình tôi. Chợt phía đầu Yết Kiêu
hiện ra một người. Lù rù, lò dò đi đến phía tôi. Trong bóng tối bắt đầu dầy, hắn
đến bên tôi, râu tóc bù xù, hai mắt gườm gườm ánh lên. Trần Dần.
Hai đứa im lặng
ngắm nhìn bốn bề. Khung cảnh ngày càng biền biệt chìm vào một chiều kích hun
hút nào vô danh, chưa hề thấy trên mảnh đất này. Nó không bờ, không đáy. Nó
sóng sách, dập dềnh ở ngay đây, nó e ấp một cái gì đang râm ran tí tách nở, rón
rén ra mắt. Bỗng tôi rơm rớm nước mắt vì chợt hiểu cái gì kia chính là niềm vui
sơ đẳng nhất, mong manh nhất, hiếm hoi nhất mà cũng bao la người nhất, cái ta rất
khó đuợc hưởng lấy một lần lâu trong đời: đó là hạnh phúc! Thế rồi lại chợt hiểu
hạnh phúc bao giờ cũng xuất hiện e dè, câm nín sau những đau thương chờ đợi nức
nở. Trần Dần và tôi làm hai quái tượng xù xì đằm mình trong đêm đầu êm ả vừa
quay lại thả neo vào cái sống nó khiến cho ta muốn khóc lại muốn cười. Như biết
thói trở mặt thất thường của con người, hạnh phúc đang phải đánh hơi, rón rén đến...
Ở giữa quảng
trường, Trần Dần nhếch mép bảo tôi:
- Con lừa này ra cũng không ưa nặng, mày nhỉ.
Tôi như thấy ở Trần Dần lúc này người tu sĩ ẩn
dật trong Hadji Mourat của Lev Tolstoi.
Hôm sau đọc
báo thấy bài Thép Mới viết Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người, tôi vào buồng
anh, nói:
- Nên cho Liên Xô, Trung Quốc một tẹo phẩm giá
ven đô Trôi Nhổn, Cổ Nhuế gì đó…
- Đứa nào đổ máu? - Thép Mới dừng lại, hơi khó
chịu
Nhìn anh bạn cáu, tôi không hỏi tiếp: - Ai
cũng biết sau khi ký tắt ta đòi sửa nhiều chỗ trong hiệp định nên Mỹ nó “sửa” bằng
B52, vậy sao cậu không nêu thắng lợi đã buộc Mỹ phải sửa theo yêu cầu của ta mà
chỉ nêu bắn rơi pháo đài bay? Chính trị hàng đầu cơ mà, đâu phải quân sự? Ừ, ta
đổ máu, đúng, nhưng nếu chúng không cho súng gạo thì đổ máu sao nổi đây?
* * *
Hai tuần sau
Hiệp định Paris, Henry Kissinger đã “kiện” Lê Đức Thọ hơn 200 vụ vi phạm Hiệp định.
Không rút khỏi Cam-pu-chia và Lào, Việt Nam lại còn tống 235 xe tăng vào tận cuối
đường mòn HCM. Lê Đức Thọ nói đó là cam nhông chở lương thực cứu dân. Theo tiến
sĩ Kissinger, Nguyễn Cơ Thạch “thông minh hơn” nói xe tăng cũng chở lương thực.
Nhưng vượt biên giới sao không xin phép người ta? Kissinger vặn.
Một năm sau,
tháng 9 năm 1973, Fidel Castro ngồi máy bay AN24 số hiệu 1094 của Hà Nội lén
bay vào tận Đông Hà “giữa lúc địch đang mọi cách phá hiệp định Paris” (báo Công
an thành phố Hồ Chí Minh tháng 8-2006). Chúng ông chính nghĩa nên dù chúng
ông mang súng ống đến đâu thì cũng là xây dựng còn chúng mày mang cơm áo đến
cũng là phá. Kissinger viết Sihanouk đã xin Mỹ đẩy Việt cộng ra khỏi Campuchia
và bằng lòng cho B52 Mỹ ném bom vùng Việt Cộng đóng ở nước ông. Dạo ấy tôi nghe
truyền đạt rằng Sihanouk “hai mang”, vừa xài xìn ta để cho đóng quân lại vừa
xơ.
… Mao sung sướng
tiếp Nixon và chê Mỹ đánh Liên Xô chưa đủ đô! Rồi đến Đặng. Cả hai đều nhìn rõ
hơn ai hết tai họa chống Mỹ. Tức là đã bắt lầm tay. Vì Trung Quốc, Đặng Tiểu
Bình càng quyết không bỏ lỡ thời cơ chuyển hướng: coi Liên Xô là kẻ thù cần phải
hạ, coi quan hệ thân thiện Mỹ - Trung là điều kiện cơ bản để có thể tiến hành
công cuộc bốn hiện đại hóa, đẩy Trung Quốc ra khỏi quỹ đạo ì.
Trong cơn
chuyển dịch dữ dội của các tảng lục địa, Việt Cộng đã không đủ tầm vóc nhận thấy
Anh Hai đã xóa hẳn cuộc cờ: là cây gậy Bắc Kinh mượn đánh Mỹ thì nay Việt Nam
là cái đầu cho Bắc Kinh mượn củng vào để chứng tỏ với Mỹ sự thay đổi thật lòng
của mình. Như Tôn Ngộ Không bị giam trong lòng bàn tay Quan Âm, với tâm thức tự
hào được làm đứa em chung thủy, muốn gì Việt Cộng cũng không vượt qua nổi bức
trần vây hãm hai ông anh xây cất kiên cố ở trong đầu Việt Cộng.
Bắc Kinh phá
bằng được vai trò trùm quốc tế vô sản của Liên Xô để vùng lên cho Trung Quốc có
địa vị lớn hơn. Liên Xô vốn kìm hãm các nước trong phe cộng bằng nguyên tắc tập
trung dân chủ - mày phải nghe tao! Nhưng Mao lại “tao” hơn nữa. “Tao” với tất cả,
Việt Cộng chỉ không “tao” với hai ông anh. Cho đến ngày, bốn năm chục năm sau,
Nhân dân nhật báo Trung Quốc khinh mạn gọi Việt Nam là “chồng trứng mong manh kẹp
giữa Mỹ và Trung Quốc”, chồng trứng vẫn không cựa quậy.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét