Chương ba hai
Rồi về Hà Nội.
Nhưng còn vần tiếp tôi một số ngày nữa. Cái hòm tôn hôm nay khiêng lên xe nặng
quá. Thì mỗi người bạn một biên bản khai cung vài chục trang còn gì? Cùng Tuấn,
Côn, anh tài khiêng được nó lên xe mà thở dốc, tôi xoa vào nó nghĩ thầm: thế
nào mà Marx. Lê-nin, Mao, Lưu Thiếu Kỳ, Lukacs, Hồ Phong, Đặng Thác, Jean -
Paul Sartre... chọi nhau ầm ầm ở đây, mày vẫn yên ắng chung sống thế này được
nhỉ?
Xe thả tôi ở
Khu văn công Mai Dịch. Vào buồng. Vắng ngắt. Phòng học rộng trăm mét vuông trần
xì một cái chiếu mỏng bợt cói ở giữa nhà, một hòm gỗ tạp Linh mua ở Hàng Hòm
bôi nước màu đỏ lòe lòe và một cái chạn hẹp cao ngất nghểu (để tiết kiệm diện
tích) Linh tự đóng lấy bằng cái thùng gỗ tạp đại học bên Bắc Kinh cho tôi đựng
cơ ngơi về nước.. Ra lại Đường 32, gió thổi mới biết chảy nước mắt từ lúc nào.
Hai mẹ con Linh - Mây đến bà cô tôi tại đầu ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du Hà Nội.
Jean
Cathala, nhà văn Pháp bị vào trại cải tạo ở Liên Xô rồi sau thành cộng sản nói:
Nghe Thorez tổng bí thư, tôi không hay là mình đã phân thân. Từ đấy ở trong tôi
có một Tôi Biết và một Tôi Tin. Hôm nay tôi lạ là hóa ra tôi đã biết quá quá nhiều
nhưng nào tôi có hay. Khai cung trở về, “cái Trần - Đĩnh - Tôi - Biết” vẫn
nguyên dấn vốn trong khi “cái Trần - Đĩnh - Tôi - Tin” không hề được phục hồi
chút nào nhưng tôi chưa truất được nó đi, vẫn cho nó lái con tàu tôi. Tôi còn lụy
danh nghĩa đảng viên, điển hình của ngu trung. Mà để thể hiện nó thì phải tuân
theo kỷ luật đảng. Cho nên bị đảng đánh đau bỏ bà nhưng anh phải nín thít. Đấy,
tướng Giáp, đâu dám kêu oan trước quân đội mà ông là Anh Cả? Thà chịu nuốt đau,
thà đóng kịch lạc quan tin tưởng để lừa nhau, lừa dân. Vì sao? Lúc ấy
trong tôi cái “tôi tin” vẫn lớn hơn cái “tôi biết.” Nó chỉ đạo hành vi ngôn từ
của tôi thì tôi mới được là đảng viên và là đảng viên thì tôi mới có Quyền Lợi.
Đúng, ít nhất là được quyền lãnh đạo, giáo dục và quản lý quần chúng - nghĩa là
thuộc tầng lớp tinh hoa ở trên dân. Giải phóng con người là một thứ ngoa ngôn sặc
mùi tâm thần. Giải phóng cho bản thân bình đẳng với dân còn làm không nổi, nói
gì giải phóng loài người?
Xuống tàu điện
đi bộ từ Cửa Nam về nhà bà cô. Mọi người đang ăn cơm tối. Đứa con gái một mẩu
ngoan hiền ngồi bên mẹ. Tôi đeo ba lô đến bên cháu trước tiên. Cháu ngước mắt
nhìn. Tôi chợt thấy ngay tôi thua đứa con hai tuổi rưỡi về cường độ kinh ngạc
cũng như về chiều sâu ngóng chờ. Tôi đưa hai tay lên ấp hai má nó. Thế là bật
ra cơn lũ quét. Mãnh liệt, nức nở. Nghe rõ tiếng kêu bất bình bênh vực bố, nghe
rõ tiếng phản kháng chống lại một vắng hụt không có giải thích, không thể giải
thích, tiếng bục phá của một dồn nén, một thua thiệt lâu nay phải kìm giữ trong
câm lặng, trong lo lắng. Cũng cả một tiếng reo khe khẽ trước một kết thúc hằng
khao khát.
Sáng sau,
tôi bế cháu vào báo Nhân Dân, cơ quan tôi đã làm việc ở đó hàng chục năm trời,
cái nơi mà tâm thức tôi vẫn coi là một chốn quê, một góc nhà.
Tôi chưa hiểu
mình chung tình với họ là mình ngu dốt! Sao họ - những người coi khinh con người,
số phận con người - lại chung tình với những kẻ họ cầm giữ làm công cụ được?
Đang họp
toàn cơ quan. Hội trường đầy người. Các cái đầu quay ra nhìn tôi rước con lên
vai cho nó cười khanh khách vờn túm các rễ đa lòa xòa cách đó mười mét. Lễ hội
nhỏ mọn của đứa bé thành vấn đề!
Hôm sau, tôi
đến làm việc liền được Lê Điền thay mặt Ban biên tập, đảng ủy và chi bộ Ban thư
ký chính thức phê bình tôi hai điều: một, không thấy tôi ăn năn hối cải mà lại
đến đùa vui trước tập thể để tỏ cho tập thể biết là mình coi thường mọi sự;
hai, xa lánh anh em, không chịu gần để nhận sự giáo dục.
Tôi ngồi
nghe. Không hề tức. Mà lại thấy hơi hài kịch. Nên đâm ra nghĩ lan man tới năm
1953, thường vụ tỉnh ủy Nam Định, Lê Điền chân ướt chân ráo lên báo đã khẩn khoản
nhờ tôi “lớp đi trước” mách bảo cho kinh nghiệm làm báo. Tôi đã mách.
Còn mách cho
cả cách yên thân. Trước khi đi học nước ngoài, tôi bảo anh cách trốn cải cách
ruộng đất. Lê Điền vốn là địa chủ.
Tôi hỏi Lê
Điền nói xong chưa rồi nói: - Tôi trước hết không đi đạo nên không biết ăn năn
hối cải. Tôi lại càng không phải là diễn viên để trình làng một cái mặt mếu máo
(bụng nghĩ chắc Lê Điền phải nhớ tới Hồng Hà mếu máo lần họp đảng bộ xua quét
xét lại). Còn cậu bảo tôi tránh anh em?
Cậu có nhớ
cách đây mấy tháng, cậu tìm tôi nói khẽ là cho mình lánh Trần Đĩnh từ nay
không? Ai cũng tránh tôi vì sợ mà lại đòi tôi gần? Cậu có nhớ cải cách ruộng đất,
địa phương cho người lên lôi cổ thằng địa chủ Đỗ Huy Định (tức Lê Điền) về đấu
rồi may lại ngừng cải cách ruộng đất không?
- Thôi, thôi, anh Trần Đĩnh, tôi rút ý kiến,
tôi cũng sẽ trình bày lại với chi bộ ý kiến của anh.
Mười sáu mười
bảy năm sau, khi về hưu, Lê Điền là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Sau bữa cơ
quan liên hoan chia tay, anh đi bộ dọc Võ Thị Sáu đến nhà tôi ở Nguyễn Thông, gần
ga xe lửa Hòa Hưng, Sàigòn. Vừa ngồi xuống ghế, liền nói: Tôi về hưu rồi, anh
Đĩnh ạ… Mắt thế là rơm rớm ướt rồi nghẹn ngào nói tiếp: Từ nay tôi sẽ không còn
bạn, tôi biết… Ở ta, khi đang có quyền thì còn bạn bè chứ khi hết quyền thì sẽ
vắng lặn. Tôi mong anh vẫn gần tôi…
Không ai hiểu
thân phận bèo nổi mây trôi bằng các đảng viên cộng sản nắm chức trách. Thật
tình hôm Lê Điền thay mặt các thứ phê bình tôi, tôi đã định hỏi Lê Điền: - “Cậu
có nhớ lần cậu sang lớp tổng kết cải cách ruộng đất ở sáu xã huyện Đại Từ báo tớ
về đi học ở nước ngoài, tớ đã bảo cậu hãy đưa vợ con trong vùng chiếm đóng ở
Nam Định lên xã Bình Thuận đã cải cách ruộng đất để tránh bị đấu tố không?”.
Nhưng hôm ấy tôi không kể công này ra vì thấy làm thế thì hèn hạ!
Chuyện xui
Lê Điền trốn cải cách ruộng đất rồi tôi không nhắc với ai nữa. Không ngờ cuối
năm 2012, gặp tôi ở nhà con gái út Hoàng Minh Chính, Đỗ Huy Bắc, con trai cả Lê
Điền (hay Đỗ Huy Định), chủ tiệm rượu tây ở Hàm Nghi đã nói: - Cháu rất cảm động
kể lại với chú chuyện này. Chú đã mách cho cả nhà cháu bỏ Nam Định lên Bình Thuận,
Thái Nguyên tránh cải cách ruộng đất. Bố cháu không nói. Thế chú bảo ai nói? Mẹ
cháu, chính người phụ nữ đồng quê chả biết gì hết ấy đã thì thào dặn chúng cháu
hãy nhớ lấy việc chú làm.
Tôi nghe
cũng cảm động. Cả một thời xa lắc. Ừ, tại sao tôi mách lên Bình Thuận? Có lẽ
cái tên Bình Thuận có dính đến X, cô con nuôi của Cụ Hồ mà tôi đã nắm tay, đã
cho cô biết tôi ký tên Hoàng X. lên báo - khiến cô đỏ mặt nhìn tôi - rồi cô cho
tôi cái thìa, món kỷ niệm tôi đặt lên trên bụi lạc tiên đầy bụi ở giữa Na Sầm
và Đồng Đăng, chờ vượt sang Trung Quốc. Tóm lại tình trong như đã, mặt ngoài
còn e…
Ngoài Lê Điền,
tôi bảo cả Lê Bổng đổi tên kẻo địa phương họ đòi về đấu tố. Lê Bình ra đời từ đấy.
Năm 1949, Lê
Bổng, học xong phổ thông trong Thanh Hóa được người anh họ Lê Xuân Kỳ làm văn
phòng báo Sự Thật - gồm mấy bị cói tài sản của báo đựng ít giấy tờ còm và chiếc
máy chữ Japy Baby giống cái máy chữ của Cụ Hồ - gọi đến chơi. Quang Đạm mấy hôm
sau bảo tôi: - Gay quá, Đĩnh à, cậu này con quan lại, địa chủ mà lọt vào căn cứ
địa không giấy tờ gì hết. Bảo về thì sợ cậu ta đi qua Đường 5, Đường 6 bị Tây
phục kích rồi khai ra thì nó ném bom tan căn cứ địa. Mà chả lẽ thủ tiêu… Thế là
Lê Bổng ở lại và nhờ hóa thành bình địa, anh đã bổng lên tới phó tổng biên tập
báo. Rồi thông gia với ông Phạm Ngọc Mậu cực kỳ lập trường bần cố. Tôi, kẻ “chống
đối cải cách ruộng đất” thì ngã chổng kềnh… Tránh sao thoát?
Tôi mang chất
“phản” trong người mà. Cách mạng gồm “phản phong” và “phản đế” thì tôi “phản…
cách mạng.”
Lúc ấy ở
báo, chỉ riêng một cô biên tập viên tin quốc tế ái ngại hỏi hẳn tôi:
- Tạng anh thế sao lại làm chính trị?
- Tôi làm đạo đức, không làm chính trị, - tôi
đáp. Người ta đổi trắng thay đen chỉ một sáng một chiều, lật lọng, xoay đầu đổi
đít, đấy, hôm qua mở cuộc thi khen tuần phim Liên Xô, Đàn sếu bay qua, Chín
ngày một năm… thì hôm nay đã chửi là phản động, đấy, hôm qua leo lẻo hòa bình
muôn năm, cả nước tới tấp ký đòi hòa bình thì hôm nay ai yêu hoà bình đã thành
đầu hàng, phản bội.
* * *
Tám giờ tối
hôm về lại Hà Nội, sau cơn lũ quét của con gái, tôi đến ngay nhà Phan Kế An. Bảo
ngay An nếu họ hỏi tớ có đến cậu không thì bảo có nhé. Tại sao? - An hỏi - Họ
theo tớ ngay từ nhà cho đến đầu ngã tư Quang Trung đây. Rồi tôi đưa An một xấp
giấy bao thuốc lá, giấy kẹo tôi ghi ở đó những điều đã khai liên quan đến An.
Mai kia khai cung, An nói khớp với tôi thì đỡ rách việc. Tôi đưa ra một xấp mỏng
nữa bảo tôi sẽ đến Nguyễn Tuân đưa. Thì An lắc đầu nói: - Đừng, cậu đi vắng, xừ
ấy bảo Nguyễn Thành Long là từ nay chúng ta đừng nói đến Trần Đĩnh nữa…
Mấy hôm nữa,
như cho trọn vẹn, Long bảo tôi sau khi nói thế, Tuân có kèm thêm một câu tiếng
Pháp: En lui, je respeste son côté homme. (Ở anh này tôi trọng cái khía cạnh người).
Vài tháng
sau, An đi thẩm vấn, tại Hà Nội. An nói
Trần Trung Tá vụ phó Bảo vệ vừa thấy An thì hỏi luôn: - Anh Trần Đĩnh về có đến
ngay anh không? - Có! - Thế thì hỏng rồi, - Tá nói.
Tôi cũng sớm
đến Chính Yên. Thấy tôi, anh hơi thất sắc. Nhợt nhạt, âu sầu. Anh nói: - Chúng
mình không nên gặp nhau nữa. Nguy hiểm thật đấy chứ không phải đùa đâu.
Mấy hôm sau
Chính Yên tìm tôi. - Mình bị khủng hoảng quá, đừng giận mình. Đĩnh đến vào lúc
mình đang chán. Mình đã tự tử. Trên Ban tổ chức trung ương... Khi đang viết bản
cung. Treo cổ vào thắt lưng nhưng thắt lưng bở đứt, ngã một cái đau lịm người.
Đĩnh đừng nói với ai.
Phải nói về
Hà Nội hôm trước hôm sau, tôi đọc luôn Bươm Bướm (hay Người tù khổ sai - Le
Papillon - BT) của Henri Charrière. “Tà thư” là thứ tôi không thể không ngốn. Rồi
sau hai hôm thì đến xem ngay một phim Liên Xô chiếu cho nội bộ Hội điện ảnh. Chả
thấy cần phải làm cho mình xo xúi đi, một dạng của giả nghèo giả khổ vốn dễ được
lòng đảng! Tan buổi, đứng trên tam cấp rạp Dân Chủ, gần ngã ba Đình Ngang đâm
vào phố Cửa Nam, nhìn xuống tôi thấy Trà Giang nhìn lên. Ngẩn ra một lúc rồi
Trà Giang khẽ reo: - Anh Trần Đĩnh! Thấy rõ giọng reo mừng kìa: tôi đã về rồi.
* * *
… Làm việc
thêm một thời gian ở Hà Nội thì kết thúc. Họp rút kinh nghiệm. Tôi nói sáng nay
đi BV Việt Xô khám sức khỏe, thấy Huy Cận trước nhà A1, chưa kịp nói năng gì
anh ấy đã rúc qua hàng rào ô rô, đi tuốt. Một thăm dò (“đấy bạn bè coi tôi là
phản động rồi!”) nhưng Nguyễn Trung Thành, Trần Trung Tá, Lê Công Tuấn chỉ cười.
(Cố nhiên tôi không nói lúc thấy Huy Cận tránh gặp, tôi thấy ngay người ta đã
phao tin tôi bị bắt, tôi rất phản động, chống phá cách mạng dữ lắm và lạ lùng
là tôi bỗng nhớ đến “Nắng chia nửa bãi chiều rồi, Vườn hoang trinh nữ xếp đôi
lá sầu...” Đúng là chia. Tiền chiến thì ngủ đi em, mộng bình thuờng. Bây giờ mộng
bình thường dễ biến thành ác mộng. Nhưng cũng phải nói sau đó tôi vẫn ở báo
Nhân Dân và Huy Cận đến đưa thơ đăng vẫn chuyện trò vui vẻ với tôi).
Cuối cùng
tôi hỏi - lại một thăm dò:
- Tôi hay đến bè bạn, các anh biết, mà các anh
thì còn theo. Để đỡ rối và mất thì giờ, các anh có thể cho tôi biết là tôi
không nên đến ai không?
Tá suy nghĩ
một lát rồi nói: - Với anh, chúng tôi đã vi phạm nhiều nguyên tắc làm việc rồi.
Đây là cái cuối cùng: anh đừng đến anh Lưu Động.
Tôi chợt hiểu
vì sao trong thông báo thứ hai của Trung ương về vụ xét lại, Sáu Thọ nói lẽ ra
bắt Lưu Động nhưng không bắt. Anh là bẫy cho những kẻ ẩn náu ở xa lớ xớ mò vào
thì sập.
- Tôi đề vào lý lịch thế nào? - tôi hỏi. Thêm
một thăm dò.
- Đề là có quan hệ với đám Hoàng Minh Chính.
Anh chú ý là không được nói với ai, kể cả với anh Hoàng Tùng việc anh làm và
nói gì với chúng tôi.
Lúc ấy,
1968, vì Cụ Hồ chưa “đi xa” nên chờ đến 1971, Ðảng mới ra Nghị quyết 20 (hay 21
tôi không nhớ rõ) của Trung ương Khóa 3 lên án “Bè lũ xét lại hiện đại tìm cách
tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin. Một số phần tử trong nước ta đã
sao chép các luận điểm của chúng, sử dụng các khái niệm xét lại để tuyên truyền
chống lại các chính sách của Ðảng ta. Bọn họ đã vứt bỏ nghị quyết của Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 1963, đường lối cơ bản của nghị quyết là
phê phán và phủ nhận chủ nghĩa xét lại hiện đại...”. Tránh nói chúng tôi chống nội chiến vì nó có sức
lay động lòng dân ghê nhất, bới ra sợ có khi dân theo bọn chống Ðảng.
Trích ở đây
một mẩu trong ghi chép của một sỹ quan quân đội miền Bắc bị quân Mỹ lấy được
trên chiến trường, nói về một trong những tài liệu phổ biến về vụ chống Ðảng
như sau: “Những kẻ phản bội này (…) cố ý phân tích sai, phê phán thiên lệch, và
đánh giá có hại trong Bộ Chính trị để gây chia rẽ trong lãnh đạo Đảng. (…)
Chúng cố ngăn cản cuộc phản công của chúng ta với quân thù. Chúng cố ngăn cản Đảng
bộ Miền Nam triển khai Nghị quyết 9 (tức là ngả hẳn theo Mao phát động chiến
tranh đánh Mỹ. (Tư tưởng Mao được Lê Duẩn suy tôn là tư tưởng Lê-nin thời ba
dòng thác cách mạng. - Trần Đĩnh chú) Chúng cho rằng trong 20 năm qua, đường lối
chủ trương của Đảng ta bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều và kế hoạch chống Mỹ
cứu nước là thiển cận...”
Dùng chữ thiển
cận ở đây cũng là tránh cái chữ chúng tôi nói: “không biết thương dân,” “bị Mao
xui” (có khi cáu lên còn nói “bị Mao cho ăn cứt gà sáp”), “sai toét”...
Ai cũng biết
Mao là tổng tư lệnh phất cờ cho một ít đảng háu đấu Mỹ nhưng có lẽ rất hiếm ai
lúc ấy - kể cả anh chị em “xét lại” chúng tôi ngờ nổi rằng Mao kêu gọi đánh xét
lại chính là chìa ra cho Mỹ tín hiệu củ cà rốt: ta đứng cùng một trận tuyến
đánh kẻ thù số một của nhà ngươi đấy! Cho ta đi cùng với đi!
Biết Cụ Hồ
sau Nghị quyết 9 đã bị phe Lê Duẩn cho ngồi chơi xơi nước, chúng tôi bắt đầu
kém tin yêu Cụ vì đã chịu thua Lê Duẩn, không bảo vệ đến cùng chân lý.
* * *
Tôi chờ nhận
một kỷ luật. Nhưng không. Lê Đức Thọ đã giữ lời. Hay đúng hơn, ông tin chắc kéo
được tôi. Biết đâu ông muốn qua tôi hiểu thêm sức mạnh cảm hóa của ông?
Lúc ấy tôi
chưa thấy rằng ông hiểu câu “cán bộ quyết định tất cả” của Stalin hơn bất kỳ
ai. Mà ông thì nặn ra kẻ “quyết định tất cả”. Ông cũng hiểu rằng nếu giỏi bấm
vào hai huyệt tham và sợ thì sẽ dễ có cho mình một tổ chức nòng cốt lợi hại
quay lại quyết định hầu hết bộ máy.
Chương ba ba
Lê Đức Thọ
không bắt tù tôi nhưng bắt đi lao động cải tạo. Cùng Chính Yên. Tại nhà in báo
đảng, cơ ngơi cũ của IDEO, Nhà in Viễn Đông Pháp, phố Tràng Tiền. Tôi hẹn Chính
Yên 7 giờ sáng tới vườn hoa Nhà Kèn chuyện trò vài câu đã.
(Đến đây xin
một ngoặc đơn: Vườn hoa này mang tên bà thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, con gái
Nehru. Sao không phải Lê-nin hay Mao Trạch Đông? Khổ, hai gánh ân tình của ta
thù nhau nên ngáng nhau vào vườn hoa Hà Nội do đó Ấn Độ, quê hương Phật giáo vớ.
Nhưng sao không phải Thánh Gandhi hay Nehru, hai vị sáng lập ra Nhà nước cộng
hòa Ấn Độ mà lại là con cháu thua xa các vị về tên tuổi, tài cán? Bởi lẽ Gandhi
kịch liệt chống bạo lực còn Nehru thì bị Bắc Kinh chửi thậm tệ và Hà Nội đã té
nước theo mưa...)
Còn mãi sau
này nhờ Trung Quốc đã thành thù, Lê-nin mới rộng chân đến được vườn hoa Canh
Nông cũ. Ở đây trước đặt tượng Tứ dân sĩ nông công thương làm lụng dưới bóng
che chở của một lính Pháp chỉ tay vào Cột Cờ ra ý bình định Hà Nội. Nay Lê-nin
cũng chỉ tay song Người “chinh phục trái tim khối óc” chứ đất cát Người không
thiết. Và rất lạc hậu về quan trí, dân Hà Nội đã vè: Ông Lê Nin nước Nga, Sao
ông lại đứng vườn hoa nước này, Ông ưỡn ngực, ông chỉ tay, Ông xem như thể nước
này của ông, Tự do hạnh phúc đừng hòng còn xa, Kìa xem gương của nước Nga, Bảy
mươi năm lẻ mà có ra cái đếch gì!
Rồi từ đấy kỷ
niệm ông, chả biết phân cấp thế nào mà chỉ có thành ủy mấy người đến cúi đầu tưởng
nhớ ông còn Trung ương trở lên thì không…)
Ngồi ở ghế
góc giáp Bắc bộ phủ trông sang Ngân hàng, tôi bảo Chính Yên: - Mình muốn nói
cái này. Một là sự sống chắc chắn tiến lên chứ không hãm tài thế này mãi. Hai
là, la sagesse du peuple, - cái sự khôn ngoan của dân, không bao giờ coi chúng
ta là phản động. Cậu thích Camus thì Camus có câu này đấy: Đâu không có hy vọng
thì hãy phát minh ra hy vọng ở đấy...
Chính Yên
lên xe đạp từ trên hè tụt xuống đường, ngửa cổ hát câu mở đầu quốc ca Pháp:
Nous entrerons dans la carrière…
Giám đốc nhà
in Trần Ngọc Phương, chốn quen biết từ tít thời rừng sâu núi thẳm đích thân đưa
tôi lên gác năm đến tổ đồng mô (tiếng Trung quốc là mẫu chữ đồng), bộ phận
chuyên sản xuất chữ chì. Trước đó chữ toàn nhập.
Ngọc Phương
trước là công nhân sắp chữ ở báo l’Action, nơi bố tôi làm ở đó. Lúc chỉnh đốn tổ
chức tôi đã hỏi Phương xem bố ông có vấn đề chính trị gì không thì Phương nói
ông cụ nói tiếng Tây như Tây và cứ ra khỏi tòa báo là đã có mấy cô chờ. Ông cụ
ông bênh công nhân chứ? Đúng, có khi quát thằng cai người Đức Reitauffer, thằng
này hay xà - lù anh em công nhân ta lắm. Bây giờ có lẽ Phương bênh tôi vì thế
chăng?
Chỗ tôi làm
việc là một xó biệt lập hoàn toàn. Một góc tường năm sáu mét vuông. Tôi sẽ ngồi
chiếu thẳng vào đỉnh góc và sau lưng tôi một đường ray lượn đúng đến đó thì dừng
lại với một cỗ xe goòng mặt bàn thấp bé đỗ ở trên, thứ đồ chơi luôn làm tức dậy
náo nức ở sau lưng một thời thơ nhỏ và một sớm lên đường. Giữa góc tường là một
lò điện lớn, tôn của thùng đựng mực vây kín xung quanh. Trên mặt lò, một chảo đại.
Nắp chảo hình nón bằng tôn có một ống khói bằng sắt tây vươn lên rồi gẫy làm ba
khúc luồn qua khung cửa sổ nhỏ giáp trần chui ra ngoài: hệ ống thải khí độc. Một
cửa vuông ở rìa nắp chảo úp xuống miệng chảo; tôi thò muôi qua đó múc chì chảy
đổ vào khuôn thạch cao. Bên phải tôi, một cửa vu vơ ra lưng trời. Đúng lưng trời!
Vì ngoài đó là một cầu gỗ mảnh dẻ, kiểu lan can tàu thủy, dài chừng hai mét rồi
chấm hết lơ lửng. Nếu không phải là dẫn đến nơi tự sát dễ nhất.
Lúc nghỉ tôi
hay ra đứng tì tay thành cầu cúi nhìn xuống sân khách sạn Thống Nhất. Một lần bảo
Chính Yên đoán xem Danièle Hunebelle, nhà điện ảnh Pháp nổi tiếng và xinh đẹp,
nhân tình lừng thế giới của Henry Kissinger và bà nhà văn nổi tiếng cũng xinh đẹp
người Ý, Oriana Fallaci đã ở cái buồng nào tại ba tầng gác trước mặt kia. Tôi
không nhớ bà nào đã viết: ở đây khi cần nước thì vòi không chảy mà đêm khuya
không cần thì nó lại chuyên cần nhỏ giọt cầm canh cho khách không nhắm mắt.
Sáng đang thiu thiu thì khắp xung quanh nhạc tập thể thao ầm ầm nổi lên cho
“các gã xương xẩu tội nghiệp hoa tay múa chân” trên ngay vỉa hè quanh khách sạn...
Viết về Cụ Hồ
tiếp mình: Cụ ga-lăng theo kiểu tỉnh lẻ, lấy một cành hoa trong bình ra tặng
tôi… Lúc đó chưa có hồi ký “Kẻ bị truất phép thông công” (nguyên văn bằng tiếng
Pháp Un Excommunié - BT) của Nguyễn Mạnh Tường nên tôi chưa đoán đúng ông vào
gian phòng nào để gạ khách sạn mua bộ đồ ăn quý, quà bạn bè bên Pháp tặng đám
cưới vợ chồng ông. Bị đánh đuổi sau Nhân văn - Giai phẩm, Nguyễn Mạnh Tường đói
quá - có lần lả đi ở đường Trần Hưng Đạo - ông đành đến đây. Quản lý ái ngại đã
nói thật: Bác ơi, chúng tôi cho bọn nước ngoài chúng nó vào để tiện lục soát
xem chúng mang cái gì vào đánh phá chế độ ta thôi chứ ai mua các thứ này về hầu
chúng hả bác? Phải nói chữ bạn đọc của ta hay hơn chữ người đọc của các nước.
Là bạn của người viết thật. Ngồi ở sát bên khách sạn Thống nhất tôi có cảm tưởng
đúng như mình đã bắt tay thân mật với Hunebelle, Fallaci, Nguyễn Mạnh Tường. Và
cả Charlie Chaplin và bà vợ Paulette Godard. Ông đã ở đây và chắc từng gây tiếng
vang lớn vì bà nội tôi vẫn thường bảo tôi lúc bé là nom như anh Sạc - lố! Tất
nhiên với bà nội thì lố là ghép vào tên Sạc của ông.
Ngoài những
chảo gang, lò điện, hàng chục cân chì, các đồ nghề của tôi rất gọn nhẹ: nịt cắt
ở săm xe đạp ra, những dải băng ni lông để quấn các thanh nhôm làm khung khuôn,
một thùng gỗ đựng thạch cao, một bát chiết yêu đã mẻ, một muôi mẻ (hai cái để
ngào thạch cao), mấy ga - lê chèn chữ để chèn khuôn. Một hòm gỗ tạp vuông ôm
kín hết lò điện và chảo chì, trừ mặt hòm khoét vừa khuýp với mặt chảo. Rìa hòm
gỗ là bàn nghề của tôi. Đến giờ làm việc, tôi đeo khẩu trang, hạ cầu dao. Luôn
thấy mình giống một tướng phù thủy từ giây phút này cho diễn ra những biến động
âm thầm mà dữ dội ở cái khối chì đông cứng trong lòng chảo kia. Chờ chì nóng chảy,
tôi làm khuôn chữ, những chữ hoa. Rồi múc chì sôi rót vào miệng khuôn. Lát sau
giỡ khuôn, cho ra mắt một con chữ mới. Nhiều chữ phải giũa cho đúng “dem” hoặc
cho vuông thành sắc cạnh. Ba nhát giũa, bụi chì đã óng ánh vun đầy quanh con chữ.
Tôi tả chi
tiết cái việc nó sẽ “cải tạo” tôi vì cần nói rằng thứ nghiệp vụ này không thể
tìm ra nơi thứ hai thực hành nó trên thế giới.
Lạ là vào việc
tôi thường có cảm giác vào một cuộc chơi. Mặt chảo khẽ chao sóng, chì như một
thứ phún thạch bạc xám vật vờ tìm một nơi neo đậu bên lòng chảo để tạo lấy một
lục địa riêng cho nó. Những khuôn thạch cao đầy chì sôi bỗng hôi hổi trong lòng
bàn tay, ấm dần, ấm dần. Để rồi thon thót đập: chì nguội đi. Lúc ấy tôi ngỡ
mình ấp trong tay một con chim trắng, quả tim tí hon của nó đang nhận lấy máu
tôi. Mỗi lúc giỡ khuôn cho bong ra con chữ mới, tôi lại ngẩn ngắm cái ánh cầu vồng
bảy sắc lấp lóa bắn ra từ nền chì tối. Cố đoán đọc những tín hiệu phát đi từ một
chiều sâu nào: có một hành tinh xa đang muốn tiếp xúc với tôi. Lặng lẽ trao cho
tôi một sinh điện mới, một ngôn ngữ mới, một cách nhìn mới.
Ngồi bên chảo
chì rất nóng -- mấy trăm độ nóng chảy - nhưng mỗi khi cỗ máy in rotative chiếm
hẳn một gian xưởng lớn dưới tầng trệt bắt đầu chuyển động cùng những hồi chuông
réo, những tiếng hô theo lòng giếng trời dội lên tận chỗ tôi ở tầng năm, rồi cuối
cùng máy chạy rầm rầm với một tiết tấu ngày một gấp, một gắt, một đều rồi trơn
nhẵn, phẳng phiu đi thì tôi lại bỗng ngỡ như mình đang dự vào một cuộc đua xe
tam mã, tứ mã Nga lồng phóng trên tuyết thảo nguyên. Người mát hẳn lại và lanh
lảnh bên tai tiếng chuông ngựa, tiếng gió hú gào, tiếng reo cuồng vui, tiếng
Tolstoi thúc ngựa cha cha cha...
Khi đã thân,
Quỳnh, sư phụ tôi, một thanh niên đẹp trai thì thào bảo tôi: - Anh tội nặng lắm
nên người ta mới bới lại cái việc đã xếp xó từ tám hoánh này ra cho anh làm. Độc
hại bậc nhất trong ngành in đấy ạ. Hơi chì này, bụi chì này, nóng bức này. Anh
Chính Yên chỉ có làm việc tiếp giấy cho máy in.
Khi anh sắp
sang họ bảo anh nguy hiểm lắm. Gần ai anh tiêm ngay nọc chống Ðảng cho nên khi
nhà máy phân công em giúp anh học nghề, em cứ lạy van chối, sợ lắm…
- Thế nay còn sợ không? - tôi hỏi.
- Nghĩ đến ngày anh về tòa soạn, em đã buồn.
- Thế có thấy mình tiêm cho cái gì chưa?
- Nghe anh nói hay lắm. Không chỉ em đâu. Cái
T. tổ chữ, con nhà tư sản nòi nên không được thi vào đại học phải vào đây làm,
anh có thấy ngày mấy lần nó từ tầng hai leo lên ngồi bên anh nói chuyện đấy
không? Toàn diện xa - tanh, vế với đùi cứ căng ánh lên thế này, đấy, tư sản khổ
đến đâu nom vẫn cứ sang. Nó bảo ngày xưa để lại thì có mà dùng chứ vải lụa bây
giờ bán lại không tiền mua… Một tối bỏ xi - nê tập thể, T. và tôi đã đạp xe đi
trong các phố vắng Hà Nội. Đến trước cửa công viên Thống Nhất đen thui, tôi hỏi
T. đi đâu nhỉ? T. nói: “Anh đi đâu em đi đấy!” câu nói ngoan quá làm cho tôi
đưa T. về. Trả tận chân cầu thang sâu trong cùng tầng dưới nhà vắng tanh ban
ngày vẫn có hàng bán bún than, bán phở thuê. Bàn tay T. đặt trên tay vịn cầu
thang bằng lim bóng nhẵn tự nhiên ngửa ra, trắng như một đoá quỳnh mà các cánh
thon dài của nó chợt run lên khiến tôi đã toan cầm lấy.
Những ngày
Linh đi biểu diễn tôi mang con gái đến tận lò chì. Rải hai chiếu manh rách
toang lên xe goòng, đeo cho cháu hai lớp khẩu trang rồi để cháu ngồi tự “mẫu
giáo” ở đấy. Sớm tôi vừa rón rén dậy, cháu đã bật nhổm lên. Tôi thật không hiểu
cái gì khiến cháu phối hợp tác chiến với bố ngon lành như thế. Vừa ba tuổi rưỡi.
Sáng đầu
tiên đến tổ đồng mô, tôi nói với anh em: - Sang học giai cấp công nhân đây.
Thì Thái Cò,
một công nhân trẻ nói ngay: - Anh đưa em hai hìu em sang hàng ăn trước mặt kia
mua cặp quẩy ăn cho đỡ đói rồi em sang tên cho anh cái chữ lãnh đạo! Khốn nạn,
nhọ đít thì lãnh đạo bánh vẽ thôi! Quẩy vẫn hơn bánh vẽ, nào hai hìu đưa đây,
sang tên nóng hổi.
Mấy tháng
sau, mẹ Thái mất. Tối tôi đến phúng. Vừa bước vào liền thấy Thái áo xô lom khom
ra đón, một tay che miệng khóc, một tay hẩy hẩy vào ban nhạc hiếu ngồi ở sau.
Nhạc liền cất lên lâm li ai oán suốt thời gian tôi đứng trước bàn thờ. Sáng sau
đi làm, Thái bảo tôi: - Tối qua em chờ anh đến là nổi “xã luận” đón… Thì ban nhạc
hiếu thổi kèn rầm rĩ lên đấy thôi. Anh có thấy mấy cha trưởng ban bên tòa soạn
ngồi cứ tròn mắt ra lúc ấy không? Đâu có được đón bằng “xã luận kèn” réo rắt
như anh?
Không biết
có phải A Quy của Lỗ Tấn không mà nhiều lúc tôi hay tự hỏi “Ai thắng ai?” Lờ mờ
thế, không đẩy tới cùng xem ai là ai, kẻ mà tôi tin sẽ thắng nó.
Chính trong
thời gian cải tạo bằng lao động với giai cấp công nhân, tôi được nghe rất nhiều
tiếu lâm về… cách mạng. Anh em vừa lao động vừa i ỉ ngâm khẽ. Phải hỏi, phải
van nài mãi, các tướng mới đọc rõ cho nghe.
Nhân phẩm toàn dân mất sạch rồi, Chỉ
còn lương thực giá cao thôi, Lương tâm giá rẻ hơn lương thực, Chân lý, chân giò
cũng thế thôi…
Hay:
Đảng là mẹ, Bác là cha, Bác ta mất sớm,
mẹ ta góa chồng. Bác ơi sống lại mà trông, Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều!
Có một toán
công nhân sang Liên Xô học nghề in vừa về. Tỏ ra có phong cách Nga hơn. Tức là
kể tiếu lâm thoải mái. Hỏi ngay tôi: “Anh có thích nghe tiếu lâm Liên Xô
không?”
Và kể luôn.
Brezhnev dắt cháu nội đi thăm lăng Lê-nin. Vẫn quen nghe ông vĩ đại, đứa cháu hỏi:
- Ông ơi, sau khi ông chết thì ông cũng sẽ ở đây phải không? - Ông còn đi đâu nổi
với dân ta nữa chứ hả cháu? Thì Lê-nin lật hòm kính đứng ngay lên chỉ tay ra cửa
lăng: - Cái thằng này! Mày tưởng đây là nhà tập thể hả? Cút mẹ mày đi!...
Những tiếu
lâm và ca dao rất hay, không thể kể hết vào đây… Bác Hồ cũng chả thoát. Bài vè
Bác và các cháu làm thơ đấu nhau về thế nào là ỉa đúng ỉa sai kỷ luật quá hay.
* * *
Tháng 9,
viêm phế quản, tôi nằm bệnh viện. Cạnh giường là tham tán thương mại Ba Lan.
Ngay sau cái nháy mắt đầu tiên, chúng tôi liền chuyện như ngô rang. Tiện là có
lẽ ít ai hiểu tiếng Pháp trong gian phòng bốn người này. Ở bên trong cùng phòng
là một người mặt nom lúc nào cũng khó đăm đăm. Tôi cảm thấy anh ta không thích
chúng tôi tán chuyện với nhau bằng thứ tiếng từng là thù địch. Ít lâu sau, anh
ta ra viện. Nhìn vào mặt tôi anh ta nói: “Tôi ở Bộ công an, cũng biết tiếng
Pháp” Rồi quay sang chào anh tham tán Ba Lan Bonjour! (Nằm bên nhau đã hai tuần
mà chia tay lại chào mới gặp, thảo nào anh ta không sửng khi ông Ba Lan chế
“kông” tức cộng sản). Rồi anh ta ra khỏi phòng mặt tự nhiên oai vệ hẳn. Tao có
ngọng cái tiếng chúng mày trộ tao đâu?.
Anh bạn Ba
Lan rất thích phụ nữ Việt Nam. Họ biết họ phải làm gì cho đàn ông. Phụ nữ Âu chỉ
biết đòi hỏi đàn ông. Sao cậu gặp được họ? Ồ, cảnh sát mải soi máy bay Mỹ thì mặt
đất là của chúng ta. Chúng mày có gì xuất khẩu được nhỉ? Không có. Cam chúng
mày chua như chanh. Cam Maroc chúng nó ngọt như đường và không có hạt. Có một
cái chúng mày xuất khẩu được là biển, đáy biển, lướt sóng, lặn săn bắn cá...
Nhưng chúng mày lại cấm du lịch! Cái sự cấm của chúng mày thì không ai nghĩ ra
nổi, - impensable. Chúng tao là xã hội chủ nghĩa, viện trợ chúng mày nhiều thế
mà cũng không được gặp chúng mày. Nhà nào cũng kẻ khẩu hiệu” Nhà tôi không giao
thiệp với người nước ngoài.” (Tôi hỏi: - Biết?) Biết, bọn Nga chúng nó mách.
Chúng tao bảo giá nước chúng mày dọn ra một hòn đảo giữa Thái Bình Dương rồi cả
thế giới cung phụng cho mà sống thì gọn được biết bao nhiêu là chuyện cho chúng
mày và thế giới.
Anh bạn Ba
Lan ra vào Sài Gòn xoành xoạch khi làm việc cho Ủy ban quốc tế giám sát ngừng bắn.
Tôi hỏi bọn Mỹ thế nào? Anh bạn nhìn quanh rồi giơ ngón tay cái lên. Tôi đùa:
“Mais c’est l’ennemi? Kìa, kẻ thù đấy!” Anh ta nhún vai: “Chúng tớ thấy họ là
người làm từ thiện.”
Một chiều
tôi đang chuyện với Chính Yên vào thăm thì Phạm Song, chủ nhiệm khoa lây tìm
tôi. “Anh đến chỗ tôi đi, anh Sáu Thọ gọi.”
Sáu Thọ cười
rất vui ở đầu dây. - Ốm sao? Lên tớ được chứ?... Ừ, sáng mai chín giờ hả.
- Thăm tôi ở đây, Chính Yên cũng muốn lên.
- Ừ, bảo nó lên với cậu.
Thọ đã chờ sẵn
ở bậc tam cấp. Vừa vào khỏi cổng sắt, thấy Thọ cười răng rất trắng, tôi gật đầu
chào rồi đưa một tay go gõ vào thái dương. - Làm quái gì mà chẳng bạc! - Thọ
đáp.
Vào chuyện
là cự ngay: - Sao chúng nó lại đưa cậu đi lao động cải tạo? Lao động như thế chỉ
tổ bất mãn. Đưa cậu xuống một hợp tác xã hay một nhà máy có phải là bây giờ cậu
đã viết được một quyển tiểu thuyết rồi không? Tớ vừa ở Paris về là gọi cậu ngay...
Lan man chuyện
chừng mươi mười lăm phút, Thọ nói sắp bắt thằng Lưu Động.
- Không nên bắt, - tôi nói.
- Tại sao?
- Vì khổ vợ con anh ấy. Hãy bảo công an dọa.
- Thằng này láo lắm. Nó đã được tớ khoan hồng
mà cứ láo, nói bừa bãi, chửi tớ ghê lắm...
Tôi chột dạ.
Lưu Động nay như tên biệt xứ rồi, có ai đến chơi nữa đâu mà bậy bạ?
Ra khỏi cổng,
Chính Yên nói ngay:
- Sợ cho anh quá, cụ Kễnh vừa nói “bắt” là anh
nói “không nên”.
- Tớ vẫn quen nói thế với các ông ấy. Có cái
này mới sợ này. Bây giờ mà Lưu Động nó chuồn là tớ hay cậu vào tù thay, ông ấy
sẽ bảo là báo cho nó chạy.
Chính Yên ngớ
ra. Nhưng ngây ngô hết. Sáu Thọ muốn tôi lộ! Tôi lộ thì nhiều khả năng Lưu Động
sẽ xin gặp Sáu Thọ hỏi tại sao anh đã thông báo toàn đảng không bắt tôi mà nay
lại bắt. Sáu Thọ sẽ bảo cậu đem nộp ngay tớ các nhật ký cậu ghi chuyện chửi tớ
và thế là yên chuyện.
Tôi không
báo và Lưu Động vào tù.
Anh cho biết
anh vừa chân ướt chân ráo vào là Sáu Thọ gặp anh ngay: - Nhật ký chửi tớ đâu? Nộp
ngay cho tớ.
- Tôi đốt nó rồi.
- Cậu nói láo, cậu gửi nó cho đại sứ quán Liên
Xô, anh em chúng nó mách tớ. Bây giờ cậu phải đi cùng anh em vào bảo họ trả lại
cho cậu.
- Thông báo anh nói không bắt tôi, tôi đã đốt...
Nhật ký này
ghi chuyện Thọ thật. Lưu Động có cho tôi đọc cùng với một ít hồi ký anh viết dở
chừng. Trong có chuyện làm trưởng trạm giao liên của Trung ương, Lưu Động đã ngủ
với một cô liên lạc sau là vợ một ủy viên Bộ chính trị. Anh hỏi tôi: - Có để được
không hay là bỏ? - Nếu lúc ấy bà ấy là vợ ông ấy rồi thì nên bỏ còn vẫn chưa chồng
thì chả bỏ làm gì, hoài của đi.)
Cải cách ruộng
đất đợt hai gì đấy, một hôm Hồ Viết Thắng bảo Lưu Động về Nam Định gặp hai chi
bộ đã qua cải cách, một ở quê Sáu Thọ, hỏi xem có phải đúng Sáu Thọ gửi thư về
quê mách cách phân tán ruộng đất thật như dư luận phản ánh không, và một ở quê
Trường Chinh hỏi xem có phải bố đẻ Trường Chinh là địa chủ gian ác, thu cả tô
tôm tép của trẻ con mót ở đồng của ông cụ không.
Chi bộ quê
Thọ nộp thư Thọ mách cách đối phó cải cách ruộng đất. Lưu Động đưa nó cho Hồ Viết
Thắng. Thắng nộp Thọ nhưng Thọ muốn xoá đi cả vết tích, thư này đuợc ghi nguyên
văn trong nhật ký Lưu Động, nhất là có tin nói đại sứ quán Liên Xô nắm được nhật
ký này. Sau có lần tôi hỏi Lưu Động gửi nhật ký cho Liên Xô thật à, Lưu Động bậm
mồm không nói, mắt guờm gườm rất bí mật. Tôi lại hỏi thế còn ở nhà không thì
anh càng gườm mắt rồi hất đầu sang nhà đối diện, cách một cái ao to, ý như cẩn
thận… Anh phải cái tính hay quan trọng hóa.
Về ông bố của
Trường Chinh thì chi bộ mới tổ chức lại nói ông cụ dạy học, không là địa chủ và
không thu tô tôm tép của trẻ con...
Bữa ấy ở Sáu
Thọ về, tôi tạt nhà Lê Phát, Mã Mây nghỉ trưa. Thiếp đi trên chiếc ghế băng
dài. Chợt có tiếng rì rầm cuối ghế. Lê Đạt! Bao lâu rồi không gặp? Mấy năm trước,
lao động cải tạo về thăm vợ, Lê Đạt gặp tôi đang gọi cửa nhà bà chị ở đầu Hàng
Đào. Rủ tôi đi chơi nhưng tôi đã hẹn đến đây ăn giỗ. Rồi một hôm tôi và Linh
đang ăn thang ở Đồng Xuân thì Đạt và Thúy cũng mò tới. Đạt ngoác mồm cười, chắp
tay vái: “Chào cây bút nhớn ạ!” , “chào nghệ sĩ nhớn ạ!”
Từ trưa hôm ở
Lê Đức Thọ về, Đạt và tôi ngày ngày chuyện trò. Hàng chục năm trời. Hai chủ đề:
thơ, văn học nghệ thuật và khoa học nhân văn, vật lý. Rồi thời sự.
Lúc này Đạt
đang bế tắc. Làm thơ như cũ thì anh không thích còn làm khác tức là bằng cái
nhìn mới thì sự dấn bước này thậm là khó ở một đất nước mà mọi cái đều cứ phải
chẻ hoa ra là tin yêu và chiến đấu và chíến thắng và cấm nói mập mờ để xỏ lá ba
que do đó thơ là không được khó hiểu. Phải nhận cái nọc thơ ở trong Lê Đạt nó
quá ngoan cố. Có thể nói của nả dắt lưng Đạt lúc ấy là một quyển sổ tay giấy
rơm, sáu chục trang, bìa màu hồng - màu da quả bồ quân - gồm chừng mươi ba mười
lăm bài thơ viết bằng những chữ nguệch ngoạc không hàng lối của Đạt, trong đó
có bài Anh mang tình em đi… tôi thích. Biết Đạt ít nhiều có nao núng về chuyện
thơ - nên tiếp tục hay thôi, nên dễ hiểu hay khó hiểu - tôi động viên Đạt cứ chịu
khó tìm tòi. Tôi lôi cả Saint - Pol Roux ra: Cây thơ ca cắm rễ của nó trong
tương lai. Rồi Jean Cocteau: Nhà thơ nhớ lại tương lai. Và Apollinaire gọi thơ
là “một nghệ thuật tiên báo”, vậy thì hãy căn cứ tương lai ở trong đầu cậu mà
làm thơ đi. Anh kêu thơ tôi khó hiểu là vì anh chưa thấy được tương lai. Thắc mắc
ba trăm năm sau có ai khóc mình không, Nguyễn Du đã biết thơ là từ tương lai đi
lùi đến…
Một hôm, cuối
1969, Đạt bảo tôi: - Nhà thơ có lẽ là những người yêu nước nhất. Họ chăm lo nhất
đến tiếng mẹ đẻ.
Tôi nghe mà
tủi phận thay cho bạn. Bản án của Ðảng cùng thái độ xã hội đã làm cho Đạt lung
lay ngay cả phần nào về lòng yêu nước của mình. Lúc ấy than ôi, trong “phẩm chất
cách mạng” bao trùm tất cả, lòng yêu nước bị đặt xuống dưới lòng yêu Ðảng. Âm
thầm chống trả lại, Đạt đã bám lấy thơ, cái trận địa mà trong thâm tâm anh vẫn
coi Ðảng thua kém anh về tài sản, tức là vô sản chay. Tóm lại tiếp tục giữ khẩu
hiệu của Nhân Văn - Giai Phẩm: trả văn nghệ lại cho văn nghệ.
Đạt nhiều lần
giục tôi viết. Tiểu thuyết về mày, gia đình mày. Tôi im lặng. Biết viết là cần
cực kỳ cô đơn. Và quả tình tôi đã thật sự cô đơn - đúng ra là bí mật - trong
bao nhiêu năm với cuốn sách này.
Đúng ra,
trên thế giới ai muốn làm nhân chứng cho một điều gì đều viết hồi kí hay tự
truyện. Nhưng ở ta kiềng hồi ký. Chưa có truyền thống tự sự ở ngôi thứ nhất.
Song lại giàu truyền thống “bút sa gà chết” - muốn bút sa mà gà không chết thì
phải cấp ra đầy đủ chứng cớ, phải dám đôi mặt một lời, nhất là chuyện dính đến
an ninh, đến quyền lực, ôi, thôi xin là cho được yên! Có lẽ chặn cản nhiều hơn
chính là tâm thức coi thường cái tôi - chỉ tập thể mới giá trị - vốn cũng bắt
nguồn từ sự sợ tiền kiếp nó luôn đòi giấu cái tôi đi. Cuối cùng cũng còn bị chặn
cản bởi định nghĩa sai lệch về thể lọai văn học. Coi thường. Chính cái tôi kiêu
kỳ giấu mặt làm cao đã hạ giá hồi ký. Nhưng ai bảo Những con chim hồng hộc của
Trương Nhung không phải tiểu thuyết? Ừ, Trường đại học của tôi và Đời tôi, hai
hồi ký hay tiểu thuyết xuất sắc nhất của Gorki đó. ay khối hồi ký được ghi là
tiểu thuyết ở bìa sách. “Tiểu thuyết” của cháu ngoại nhà văn Francois Mauriac,
viện sĩ hàn lâm Pháp, giải Nobel văn học, là “hồi ký” về mối tình với một đạo
diễn điện ảnh nổi tiếng. Và chả nhân vật lớn nào trên thế giới lại không viết hồi
ký. Vâng, tôi xin đối mặt với công luận đây. Tôi ăn gian nói dối thì các ông cứ
việc vạch ra. Ở ta dĩ hòa vi quý, sợ đối mặt với sự thật, sợ trách nhiệm trước
xã hội thì lại vin cớ tránh tự đề cao. Văn học khuất một mảng quan trọng.
… Thấm thoắt
đã một năm. Tổ đồng mô tiễn tôi. Đám con gái sáu bảy đứa khóc sướt mướt hết.
Cánh đàn ông thì hoe hoe mắt. Trai, tổ trưởng tổ đảng nói vài lời: “Kính thưa
anh Trần Đĩnh, một năm qua gần anh chúng tôi thấy anh mới là người cộng sản.”
(Tôi nghĩ ngay “Chết, không biết mình chống đảng sao?” Nhưng chả lẽ đính
chính?) Rồi tặng tôi một con dấu “Trần Đĩnh” anh tự đúc lấy cùng một bài thơ lục
bát.
Giám đốc Trần
Ngọc Phương đến dự tiễn - như tự thân đưa tôi đến tổ đồng mô buổi đầu tiên, mà
nom cứ hớn hở lên. Hình như công nhân tốt thế này với tôi là có công anh giáo dục.
Tôi hết sức cảm động.
Chả biết đồn
thế nào mà sau này, thế kỷ 21 lận, Dũng, “trung úy Dũng” như tôi hay đùa gọi, ở
văn phòng báo Nhân Dân thấy tôi lại thường tủm tỉm: - Ông anh sang lôi cuốn
công nhân ghê quá nên lại phải tách cá ra khỏi nước, kéo ông anh về.
Cái sự tinh
khôn của dân chúng mà tôi nói với Chính Yên sáng hôm nào thế là đã được chứng
minh. Sự tinh khôn ấy đã cho tôi thấy dân nhìn cái tiêu cực của Ðảng bao la hơn
tôi, sát sườn hơn tôi.
Đó: tôi đâu
nghĩ như Quỳnh rằng để tôi đúc chữ là đảng muốn tôi nhiễm độc chì mà rồi tàn phế
hay chết.
Tôi đâu như
Thái Cò lật tẩy ngay: - Anh cho em hai hìu mua quẩy rồi em sang tên cho cái chữ
giai cấp công nhân lãnh đạo… Mẹ chứ, toàn cho bánh vẽ, con thằng nhọ đít vẫn lại
nhọ đít. Tôi đâu thuộc các câu ca vạch trần đảng bằng anh chị em thợ - “chân lý chân giò cũng thế thôi” Hay: Ai nắm
chân lý Mác - Lê thì dứt khoát vơ về chân giò, cút rượu. Mạt hạng cùng đinh,
anh chị em thấy bộ mặt thường ngày của Ðảng rõ hơn tôi và do đó sợ Ðảng hơn
tôi, đành cam phận. Tôi vẫn hy vọng làm cho đảng có mặt người được.
* * *
Tôi muốn kể
một chuyện trong những ngày lao động cải tạo.
Một sáng,
tôi kéo xe bò, Quỳnh - sư phụ đẩy đi từ Hàng Bài về nhà in ở Tràng Tiền. Đến
trước cửa Bodéga, có tiếng người gọi hớt hải ở đằng sau: - Trần Đĩnh!... Trần
Đĩnh…!
Quay lại.
Kim Lân đang cúi xuống nhét lại quai dép râu, tay kia vẫy vẫy. Rồi hổn hển chạy
đến, nửa cười nửa ngậm ngùi (với cái dáng kém mọn ngoẹo đầu quen thuộc của
anh), nắm tay tôi:
- Đang lên chợ Đồng Xuân thì thấy người anh em,
vội rẽ đuổi theo. Từ bé chưa bao giờ tập thể dục căng đến như thế này… Ừ, nom
người anh em vẫn được đấy, vẫn đàng hoàng, tư cách đấy, Đĩnh ợ, thôi, nhớ lấy
nhá, rằng sông có khúc, người có lúc. Con Hiền nhà mình nó vẫn đến nhà in làm
báo Phụ Nữ đấy, có gặp cháu thì bảo ban dạy bảo nó.
Ý nói tớ đếch
cho cậu là phản động, cậu cứ dạy bảo con tớ.
Ba năm trước,
1967, bốn người “xét lại” bị bắt đầu tiên được vài tháng, một sáng tôi đến ngã
tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt thì Kim Lân từ đằng sau đi lên. Cùng dừng lại ở
trước cổng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kim Lân nhăn nhó nắm tay tôi: - Này
thôi nhớ, tớ bảo cái này nhớ, bây giờ thằng gian nó đánh người ngay. Nó móc túi
mình rồi nó lại hô làng ối bắt cho tôi thằng ăn cắp là mình đấy.
Sau đó nửa
tháng cũng tại chỗ đó, Nguyên Hồng thấy tôi thì nhảy đánh phịch một cái xuống
khỏi chiếc xe đạp con vịt Liên Xô, nơi nới sợi dây đay thắt quanh bụng rồi chớp
chớp mắt, ngùi ngùi nói: - Tớ về trên Yên Thế Cầu Gồ rồi, chỗ cậu đã đến đấy,
bao giờ có thể lại lên chơi... Tớ thôi phụ trách tờ Văn. Không làm đuợc mà cũng
không thích làm... Cứ bắt chửi Liên Xô thì tao chửi làm sao được? Tao nặng tình
với Liên Xô từ khi tao viết Những ngày thơ ấu với Bỉ Vỏ rồi... Mày ấy, mày là
Tư Mã Thiên, mày nói thật nên mày bị thiến, thôi cố nhớ, tao tin mày!
Cái giá
Nguyên Hồng phải trả để được không chửi bậy quá lớn. Lên Cầu Gồ là anh mất hộ
khẩu Hà Nội. Là mất sổ gạo! Là ăn đong quanh năm ngày tháng với năm sáu cái miệng
hết tiêu chuẩn “ăn theo”. “Ăn theo” chỉ vợ con công nhân viên, còn “ăn bám” chỉ
bọn bóc lột. Anh đã nhờ vào tem phiếu của bạn bè sau các chuyến công tác còn thừa
đem cho. Lại may, anh cho biết, cậu bí thư huyện Yên Thế xưa làm thợ in, nghe
tiếng tớ từ thời Tây thế là rộng cho tớ phần nào lương thực.
Nhưng anh vẫn
cần muợn oai hùm là báo Ðảng. Anh mời Xuân Trường, Như Phong, Địch Dũng và tôi
lên dự giỗ Cụ Đề tại Phồn Xương. Dặn phải đi bằng ô tô lên. Xe chúng tôi còn
cách nhà anh một cây số đã thấy anh vét - tông ka ki, ôm cặp da trâu đựng bản
thảo, ngực đeo huân chương vàng choé chờ ở bên đường từ lâu. Anh không ngồi xe
mà đứng ôm cửa xe để hô anh tài rẽ thế này, quặt thế kia. Người làm đồng khá
đông đều quay lại nhìn. Anh thú thật: - Trên này cái thế Nhà nước mạnh lắm, tao
cần nó để họ còn cưu mang gạo mà.
Một sáng đầu
thế kỷ 21, Kim Lân, Trần Lưu Hậu, Trung Sơn... và tôi ăn uống ở nhà Trần Vũ. Rất
vui. Tôi tán mọi sự. Rằng tôi thấy cái cổng làng Thư Thị ở Hưng Yên ngày Tố Hữu
xua văn nghệ sĩ cả đàn về đó “học tập thực tế” phong trào hợp tác hóa nông nghiệp
- đông đến nỗi đi vào cái sân bày cơm canh trên nền gạch mà chỉ chen lách nhau
cũng đã mất bao nhiêu thì giờ - Hậu vẽ đẹp hơn chân dung bao vị tên tuổi. Vì
như Matisse nói: tầm quan trọng của một nghệ sĩ được đo ở số lượng tín hiệu mới
mẻ mà hắn ta đưa vào ngôn ngữ của nghệ thuật trong khi các vị tên tuổi thì chỉ
đưa lại những cái cũ mèm của ngôn từ xác xơ.
Sắp tàn cuộc,
tôi bảo Kim Lân: tôi kể một chuyện của Kim Lân có lý lịch đã hơn ba chục năm
nhé.
- Ừ, thì có cái gì không phải xin xá cho em.
Kim Lân so vai lại nói.
Tôi kể chuyện
anh bảo nay kẻ gian nó bắt người ngay, bắt rồi nó lại kêu làng nước ơi, này xem
thằng ăn cắp…, rồi chuyện anh tụt cả quai dép đuổi tôi kéo xe bò.
Kim Lân gật
gù: - Cảm ơn mày, Trần Đĩnh ạ, mày đã nhớ cho tao cái chuyện mà dạo ấy thật
tình chẳng biết ma quỷ nào nó xui tao vốn nhát lại dám nói láo nói lếu với ngay
chính tội phạm chống đảng đang làm cỏ vê là mày thế chứ...
Có lẽ thú
chuyện này, Trần Lưu Hậu đã vẽ tôi. Đúng hơn, vẽ một nhếch mép. Sơn dầu. Ngang
1 m. Cao 0,90 m.
Rồi bỗng một
hôm tôi thấy cái nhếch mép chợt có nét siêu thoát lơ lửng của nụ cười Bayon. Nó
nhạo tôi. “Đã thấy con cung quăng trong vũng nước chưa? Nó giống mày. Quẫy khỏe
đấy nhưng câm miệng thì vẫn chỉ là cung quăng.”
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét