Chương ba sáu
Trần Đức Thảo,
nhà triết học bị về vườn vì Nhân văn-Giai phẩm, một hôm bỗng được Nguyễn Đức
Bình, thư ký của Lê Duẩn đánh xe đến đón lên gặp tổng bí thư.
Xảy một chuyện
không ai nghĩ ra nổi. Chính Thảo kể nó cho Phan Thế Vấn, Gia Lộc trước rồi sau
cho tôi nghe.
Phòng khách
nhà 8 Hoàng Diệu, chỉ ba người: chủ nhà Duẩn, Bình và Thảo. Bình vào đầu nói
hôm nay tổng bí thư mời giáo sư đến để nghe tổng bí thư trình bày một đề cương
về vấn đề con người rồi sau đó xin mời giáo sư góp ý kiến.
Duẩn trình
bày. Được ba phút, Bình nhắc Thảo chú ý ghi. Ở Việt Nam nghe thủ trưởng mà hí
húi ghi là dấu hiệu trung thành tuyệt đối nhưng Thảo lại ngồi im. Lát sau, Bình
đẩy giấy và bút đến cho Thảo, hy vọng có cơ sở vật chất trước mặt thì thuợng tầng
kiến trúc của Thảo sẽ hoạt động. Duẩn tiếp tục trình bày và Thảo tiếp tục ngồi
nghe không động đậy.
Duẩn nói hết,
Bình lên tiếng:
- Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến.
Ngơ ngác một
lát, Thảo nói:
- Tôi không hiểu gì cả.
Thảo vừa dứt lời, thoắt một cái rất nhanh Duẩn đã nhào đến đằng sau anh,
quàng hai tay vào ngực anh rồi liên tiếp xốc lên dội xuống anh mấy đận, đoạn
buông thịch một cái xuống, bỏ vào trong nhà.
Bình nhăn
nhó đến trước Thảo trách:
- Tổng bí thư nói mà lại bảo không hiểu gì cả thì lạ
thật!
Rồi cũng bỏ vào theo chủ nhân nốt. Lớ xớ tìm mãi không thấy lối ra, cuối
cùng Thảo đành nhờ gia nhân nhà dưới chỉ cho đâu là cổng. Lại lớ xớ rẽ ngược về
Quan Thánh, cuốc bộ một quãng xa mới vớ được một xích lô chuyên chở đá cây cho
mậu dịch không có ghế, phải ngồi mớm vào mép thùng xe. (Hồi ấy người chân chính
không ai leo xích lô mà bóc lột lao động.)
Tôi đùa bảo
Thảo:
- Thật đúng là được hôm vua vời ôm bế thì gặp phải ngày thất kinh. May mà
vua nói vấn đề con người chứ nếu nói vấn đề con vật thì không biết hôm ấy anh sẽ
còn lạc đến tận đâu.
Thảo tủm tỉm cười.
Vấn đã hỏi
Thảo:
- Tại sao anh không hiểu?
- Khái niệm
không chuẩn gì cả.
- Duẩn là Mác-xít cơ mà?
- Ở ta chỉ
có Trường Chinh hiểu được chủ nghĩa Mác chứ Duẩn thì không. - Thảo lắc đầu quầy
quậy.
Với tôi, anh
còn thì thào vào tai: - Duẩn tu đạo Cao Đài đã đạt tới chỗ nhìn được thấy các vị
thần sở tại tức là cao cấp rồi đấy... Chắc chắn đúng mà... Làm sao Duẩn lại
Mác-xít được?
Qua những lần
anh nói về Lê Duẩn, tôi thấy anh kỵ nhất ông này ở chỗ mà anh cho là nhập nhèm
về triết. Theo anh, Lê Đức Thọ, người của bộ máy, giảo quyệt, gian ngoan, tà
tâm làm tổng bí thư, còn hơn Duẩn tà đạo nhận xằng là Mác-xít.
Thọ không
bao giờ vỗ ngực ta thạo chủ nghĩa, chỗ ấy khác Duẩn và cái đó, theo Thảo, còn khả
dĩ. “Duẩn đã tu đạo Cao Đài rồi mà...”, tôi vẫn thấy một cái gì ghê sợ đằng sau
câu này của anh.
Tôi quen Thảo
qua Vấn và Gia Lộc. Mới đầu anh nghi tôi ở trong cái brain trust, chữ Thảo đặt
ra để chỉ những người làm quân sư cho Duẩn dưới trướng Hoàng Tùng. Anh có một
ám ảnh bệnh hoạn tâm thần về công an: họ nhan nhản quanh anh và rình rập theo
dõi anh ngày đêm rất ngặt. Chúng tôi đùa gọi căn bệnh này là flicomanie, cá khủng,
sợ công an. Một sáng đến Đào Duy Anh xong, tôi sang Thảo theo hẹn. Hai anh chiếm
hai đầu cái hành lang chạy hết chiều ngang tầng ba tòa nhà B6 Kim Liên. Tôi gõ
cửa. Nghe ngóng. Lại gõ. Cứ im. Chắc đã quen nết, Đào Duy Anh vẫn chờ ở cửa buồng
anh lúc ấy gọi tôi bảo: - Xướng danh lên!
Tôi xướng
danh rồi nhờ có Anh chứng kiến nên tôi ghé mắt nhìn qua khe ván cửa.
Trong kia,
cách chừng ba bước, Thảo đang đứng lom khom nhìn ra cửa, hai tay hơi giơ lên nửa
như muốn mở nửa như thủ thân. Gian phòng ngoài khá rộng, không đồ đạc, sàn la
liệt sách báo. Tôi chợt chứng kiến một homo erectus, - người đứng thẳng trong
thời kỳ bắt đầu tập đi hai chân trên lớp lá rừng rụng đầy đất. Nó mới thật ngược
lại cái dáng đứng Bến Tre, cái dáng đứng mà một lần tôi bảo Vũ Cận, tổng biên tập
một tạp chí tiếng Pháp là nên dịch nó thế nào. À, cứ dịch sao ra cái dáng ông đếch
sợ mày ông oánh mày đây là được, Cận nói, nhưng tuyệt đối không position
debout, kẻo Tây họ tưởng là ta chỉ đề cao có mỗi kiểu...
Thảo dắt tôi
bước lên sách báo ngổn ngang ra đầu hồi chỉ xuống bãi đất bên dưới: - Chúng nó
đấy. - Anh thì thào. Một lũ trẻ đang đánh bi ở đó.
Tôi chợt nhớ
lại năm 1951, Thảo mới về nước, cả căn cứ địa bàn tán - bàn đến cả cái túi ngủ
kín bưng đêm đêm anh rúc vào. Đều phục chuyện ngày sang họp Hội nghị
Fontainebleau, Phạm Văn Đồng đã “tam cố Thảo lư” vận động Thảo về nước. Tính lại
đận “cầu hiền” ấy thì cầu nay qua rồi đã rút ván còn hiền thì hóa thành ác! Tôi
đưa anh về để anh nghe tôi chứ đâu để cãi lại tôi!
Thảo có cách
viết đặc biệt. Nằm. Nằm nghiêng. Và đầu không gối lên bất cứ một thứ gì, Một bảng
học trò, một tập giấy học trò kẹp vào đó và thế là nằm viết. Một lần cùng Vấn đến
phòng cấp cứu đặc biệt mà Tôn Thất Tùng dành cho Thảo ở BV Việt Đức, thấy anh
đang nằm viết như thế, tôi đến nắn nắn cổ anh: - Thảo nào Thảo cứng đầu cứng cổ.
Đây là Dáng Nằm Bến Cỏ, đối lại với Dáng Ðứng Bến Tre đây mà.
- Tại sao anh toàn viết tiếng Pháp? - một lần
tôi hỏi.
- Tiếng Việt chúng mình chưa có đủ khái niệm
triết.
Anh có một
quyển Hiện tượng luận về Tinh thần của Hegel, nguyên văn tiếng Đức, bìa cứng,
xuất bản đã lâu, vật theo anh từ Pháp về căn cứ địa Việt Bắc dạo nào. Ở lề các
trang sách chi chít những ghi chú tiếng Đức, hoặc mầu xanh - phản bác, hoặc mầu
đỏ - tán thành. Tôi nói có phim mầu chụp hai trang sách này lên sẽ cho ra một bức
họa ấn tượng chủ nghĩa rất đẹp.
Nhà xuất bản
Sociale (Edition sociale) của Đảng cộng sản Pháp in Tìm cội nguồn của ngôn ngữ
và ý thức (nguyên bản tiếng Pháp, 1973 - BT) của Thảo. Anh đưa tôi đọc thư
Lucien Sève phụ trách tư tưởng của đảng viết “cảm ơn mày đã gửi in sách, làm vẻ
vang cho nhà xuất bản chúng tao. Một nhà xuất bản bên Anh ngỏ ý xin bản quyền
nhưng tao biết mày chỉ chuyên tâm cho lợi ích giai cấp công nhân cho nên tao đã
từ chối”. Với nhuận bút 8.000 đồng, anh mua một tủ lạnh. Ba tháng sau phàn nàn
hỏng rồi. Tại sao nhanh thế?- tôi hỏi.
“Thằng cháu
mình nó cứ táy máy...” Hỏi kỹ thì ra không phải. Tại anh. Anh dùng nó thay quạt,
thứ anh không có. Mở nó ra, nằm nghiêng ghé đầu vào trong nó mà viết miết. Mũ
lá, xe đạp Peugeot Con vịt xanh le như Nguyên Hồng. Khác là đi guốc mộc quai ni
lông giả nhung mầu nõn chuối hay mã não. Và hai bàn chân trắng hồng, thứ không
có ở Nguyên Hồng.
Cuối những
năm 80, Thảo vào ở Sài Gòn. Khách sạn Bến Nghé, Thành ủy cho tiền trọ còn ăn uống
tự lo. Ngày ngày anh thượng xích lô về nhà cô em gái họ ở đầu Lê Thánh Tông gần
Hai Bà Trưng, nấu cơm rồi lại xích lô chở người và cà mèn về khách sạn. Tôi nhờ
vợ con Ngô Y Linh - chị Liên và cháu Ý Minh, để anh đến nhà gần đấy nấu nướng đỡ
vất vả. Gia đình nhiều lần ngỏ ý nấu giúp nhưng Thảo không nghe. Không muốn phiền.
Vả, anh lo chăm sóc cái gan. Kiêng khem quá kỹ.
Liên, vợ Ngô
Y Linh chỉ đi chợ, rửa rau làm thịt sạch sẽ cho anh. Nhưng, Liên bảo tôi: - Ðến
khi ăn cơm, mời anh ấy ra bàn, anh ấy cứ đứng ăn ngay ở cạnh bếp...
Một hôm tôi
và anh đi dạo, sáu giờ chiều. Liên Xô đang đổi mới mạnh. Quá khứ tội lỗi đen
ngòm hiện hết ra. Chống im lặng đáng sợ của Nguyễn Văn Linh là một kiểu Việt
Nam hóa khẩu hiệu glasnost - minh bạch. Vừa đến ngã tư Lý Tự Trọng thì mưa ầm ầm
như thác. Đường phố thoắt cái thành sông cuồn cuộn. Chúng tôi ghé vào một hàng
làm đầu, mượn hai ghế đẩu ngồi ngay dưới mái hiên vừa chuyện vừa coi mưa, chân
ngâm trong nước. Một lúc tôi thò tay xuống moi lên hai chiếc dép da Thảo vẫn để
nguyên ở chân rồi cầm hộ. Thảo nói sẽ phê phán chủ nghĩa Stalin, nó làm hại
phong trào cộng sản vì nó xuyên tạc chủ nghĩa Marx. Lê Duẩn chính là trong luồng
ấy đấy. Anh cũng phải phê phán chủ nghĩa xét lại. Vì Khroutchev, cả Gorbachov
và các anh nữa đều có tàn dư Stalin.
Tôi hơi tự
ái. Mình bị nện đau bỏ bà đi mà ông bạn lại bảo là còn nặng chủ nghĩa Stalin!
Tôi nói: - Được, cho rằng bọn tôi còn chủ nghĩa Stalin, được, thế nhưng tôi hỏi
anh, chúng tôi có là nạn nhân kinh hoàng của đàn áp kiểu Stalin và Mao không?
Thứ hai, chúng tôi đã có ngày nào cầm quyền mà gây hại chưa? Cho chúng tôi vào
một rọ với Xít, Mao, Lê Duẩn thì e anh khó mà được người ta tán thành.
Thảo im. Tôi
nhẹ người, Ngoái lại: ba cô làm đầu nằm trên ghế hạ ngửa hết nấc, quần vén cao,
có lẽ tới cỡ mà Bộ văn hóa thông tin ngày nay cấm, mấy cặp đùi trắng lốp co lên
tận ngực khe khẽ hợp xướng Gọi nắng trên vai em gầy...
Lát sau, tạnh
mưa, chúng tôi đi tiếp. Thảo nói sẽ cố hoàn thành hệ từ hội dành cho máy
tính...
Một sáng ngồi
ở nhà Vấn, tôi nói muốn viết anh. Tôi nói sẽ viết hành trình triết học của anh,
tại sao thành người làm triết, những bước đi chủ yếu trên đường nghiên cứu, những
bài học lớn cho người làm triết, tại sao chúng ta ít triết gia, ít chất triết..
Anh cảm động
nhận lời. Anh từ lâu không còn coi tôi là trong cái tờ-rớt não của Lê Duẩn, không
thành kiến tôi chỉ là inneisme, - thuyết bẩm sinh. Tôi đã lỡ ca ngợi hết lời
Con người được lập trình cũng như Konrad Lorenz.
Sáng hôm ấy,
tôi hỏi anh tranh luận với Sartre ngày ở Pháp làm sao, Thảo nhăn mặt lại: -
Tranh luận nào?... Không có đâu. Tranh luận thế nào được với Sartre? Thấy rõ
nét mặt ngượng nghịu của anh lúc bấy giờ. Chuyện là như thế này: lúc ấy có một
hội thảo trên sách báo của giới triết học, trong đó có một của Thảo. Theo dự định,
Sartre cũng có một tham luận - và tham luận ấy đối lại với cái của Thảo chứ
không phải có tổ chức hội thảo mặt đối mặt với nhau - nhưng rồi không hiểu sao
Sartre không tham luận nữa. Thảo nói chắc ông ta thấy nhảy vào cuộc này chẳng
đem lại danh giá gì hơn cho ông ta. Chuyện viết này chưa thành thì Thảo sang Pháp.
Và chết.
Gia Lộc lặng
lẽ đưa tôi một tập ảnh tang lễ, một chân dung Thảo nhắm nghiền hai mắt thanh thản
giữa mấy cành hoa trắng. Tôi nghĩ giá như đừng bày hoa. Sau này người ta làm tang vớt cho anh ở trong
nước, đem anh chôn ở Văn Điển. Một trí thức bảo tôi sao lại không để ở Mai Dịch?
Tôi nói: Văn Điển hơn. Về chữ hay hơn Mai Dịch.
Văn là văn
hóa, lễ tiết, nghi thức. Điển là phép tắc, tiêu chuẩn. Phép tắc của văn hóa, lễ
nghi. Hơn Mai Dịch vốn có cái nghĩa là nơi chôn nha dịch hay nơi làm dịch vụ đào
huyệt. Thảo có làm quan hay đào bới gì đâu mà vào đó? Còn dân không thạo chữ
nghĩa thì lại hiểu mách qué ra là nơi ngày mai phải dịch đi nơi khác. Thế với dịch
trong ôn dịch thì...?
- Dạ, tôi
không biết chữ ấy…, - tôi nói. À, nhân đây nên biết cụ Tả Ao có để lại một câu
là “Bất hạ Mai Dịch kỳ”, không đánh cờ làng Mai Dịch. Chắc là bịp giỏi?
Nhân chuyện
hoang tưởng của Thảo, tôi nói tới hoang tưởng của Nguyễn Sáng. Nói vì cả hai đều
tiêu biểu được cho bệnh cá khủng - chuyên thấy mình bị công an đe dọa.
Một hôm Sáng
rất quan trọng bảo khẽ tôi: - Tao nói mày nghe…, tao vừa vượt qua được một thử
thách gay go hết sức. Thế này... Chúng nó... (thấy vẻ tôi như hỏi ai vậy, anh
nhìn tôi hơi lâu) Là công an chứ ai? Kéo mình đến một cái phòng tối om, kín bịt
bùng. Thình lình đèn bật sáng quắc. Một luồng, một chùm ánh đèn chói lọi chiếu
thẳng vào mắt tao thế này, ừ, mạnh tưởng như nó đấm vào ngay giữa mặt mình ấy
chứ.
Đằng sau đó
ba bốn bóng người. Nói: - Hỏi đây..., phải trả lời trong vòng ba phút. Không trả
lời được thì vào tù, nhà sát bên đây, không phải đi xa. Còn nếu trả lời tốt,
giúp ích được cho nghiên cứu của Nhà nước thì sẽ được phong giáo sư. Tại sao lại
hỏi anh? Vì anh vẽ không đúng. Không đúng sự vật khách quan, nói theo triết học
là xuyên tạc bản chất sự vật, làm hư hỏng nhận thức luận của chủ nghĩa Mác.
Nhưng thôi, nghe đây! Chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra thì đánh nhau bằng
gì?... Nào, trả lời! Tao vừa nghĩ câu trả lời vừa nhận định đây là Bắc Kinh nó
thông qua công an Hà Nội hỏi. Để nó đánh Mỹ mà. Thế là đáp luôn tắp lự: đánh
nhau bằng bụi nguyên tử! Đèn bật
sáng, ba đứa đội mũ phớt giống như cái mũ tao vẫn đội ấy đi đến bắt tay tao: -
Xứng đáng giáo sư..., hoạ sĩ giỏi lắm. "Đó là nhờ hằng ngày vẫn phải lọc sạch bụi
của ánh sáng đi mà vẽ đấy” - tớ nói...
Ít lâu sau, anh bảo tôi: - Hôm nào tao bảo mày chúng nó phong tao làm
giáo sư nhưng mày biết không, chúng nó vẫn bám theo tao. Trước cửa nhà tao, 67
Nguyễn Thái Học, vẫn có hai đứa cải trang làm đàn bà xấu xí ngồi với bốn cái sọt
đựng mấy nải chuối chứ còn phủ toàn là lá chuối. Để làm gì? Để che đi mấy cái
micro rất bự chĩa thẳng vào buồng tao nghe trộm...
Một tối
khuya, mưa lất phất, Sáng và tôi đi trên hè trước Tòa án nhân dân Thành phố.
Sáng mặc áo gió đen loang loáng ướt, ánh đèn hắt vào tôi lại ngỡ có những hàng
răng trắng nhe ra cười, hai vạt áo dài vung vẩy vui vẻ (tôi để ý mới thấy thì
ra hai tay Sáng đút trong hai túi là động lực ngầm của sự vung vẩy vui vẻ kia…
Sáng cười khoái trí bảo tôi: - Tao báo mày tin mừng đây..., tao khỏi điên rồi.
Công an dạo nào nghe trộm tao chính là mấy mẹ bán chuối thật, hôm nọ tao vờ mặc
cả, lật cả sọt ra thì không có máy gì hết... Rồi dạo này tao vẽ không có đứa đứng
bên xui nữa. Một hồi tao vẽ là nó cứ bảo dài, dài nữa, dài nữa, có khi bút quệt
cả ra ngoài toan... Rồi nó lại bảo ngắn, ngắn, ngắn nữa vào... Mà tao cứ nghe.
Một hồi lại thế này. Khuya tao đang đọc sách bỗng thấy trên giường có tiếng người
vật nhau cười rúc rích. Tao ra vén màn lên. Mày biết thế nào không? Lê Duẩn
chơi gái. Tao ôn tồn nhưng mà nghiêm nghị nói thưa ông, ông có nhà có cửa đàng
hoàng sao lại phải đến nhà tôi, công an khu vực họ đến khám nhà thì tôi khai
quan hệ của tôi với ông như thế nào đây, quan hệ với cô gái thế nào đây... Bỏ
đi, Duẩn còn cúi chào. Tưởng yên ai hay lát sau lại tiếp dĩễn. Lần này mở màn
thì là Phạm Văn Đồng. Tao cáu quá,
chỉ tay ra cửa buồng: - Ra khỏi đây ngay! Gần nửa đêm sắp đi ngủ thì lại vật lộn
như thế. Lần này là thằng Hoa em tao. Nó bảo có cái bãi tốt thế này cho em ruột
mượn mà cũng ky? Nay tao khỏi điên rồi mày bảo có hay không?
Chiến tranh chấm dứt, tôi nghe người trong Nam
đầu tiên khóc người thân chết trong thời gian xa cách hai miền là Sáng. Sáng ấy,
tôi ngồi nghe anh nức nở khóc, thảm thiết khóc đến nửa giờ, lá thư người nhà mở
trên tay cứ vật vã theo đà người anh rũ rượi. Trong gian phòng dài hẹp như cái
toa tàu bé nhỏ của anh. Má tao chết rồi... Giải phóng thì chết... Tao không được
chôn cất má, tao thương má tao lắm, tao muốn chết mày ơi... Sao má lại không muốn
cho con gặp lại mặt?...
Anh khóc hồn
nhiên, chân thành như một đứa trẻ. Tôi bỗng thấy cái tình của anh với mẹ có lẽ
sâu đậm hơn tôi. Khi nghe tin mẹ tôi chết trong Hà Nội, năm 1951, tôi đang ở
huyện Lâm Thao sống thực tế một năm, (Hà Xuân Trường thì lên Hạ Hòa, theo kế hoạch
rèn luyện lực lượng trẻ của Tố Hữu lúc đó về làm tổng biên tập báo Nhân Dân ra
hàng ngày sau Đại hội 2 của đảng). Tôi ra gian trái ngôi nhà gỗ làm trụ sở Đoàn
thanh niên, một mình ngồi trên càng cối xay thóc nhìn mưa tầm tã trên các tàu
lá cọ mà khóc thương mẹ. Khóc lâu. Khóc không muốn đứng lên nữa, tưởng chừng cứ
thế này ngồi hết ngày này qua ngày khác thì sẽ chuộc lại được tội đã xa vắng mẹ...
Thời kỳ này
chẳng hiểu sao Sáng lại không "xài” được Nguyễn Tuân, người mà anh vẽ cho chân
dung ở trên một đĩa sơn mài. Mặt Tuân như một cánh diều tủm tỉm cười bập bềnh
giữa mấy cành dong nước. Anh bảo tôi: - Tớ cảnh cáo nó rồi. Tớ sẽ không bao giờ
thèm đến nhà nó nữa. Cảnh cáo cả nó rằng thằng cầm bút mà không viết được tiểu
thuyết thì đừng có mà nhận là nhà văn, như thằng cầm panhxô (cọ) ấy, không vẽ
sơn dầu thì đừng có nhận là làm panhtuya (hội họa)
Trong Sài
Gòn, cuối những năm 80, ngoài những lần la cà ngoài phố, Sáng hay kéo tôi đến
nhà Hoa, em trai anh ở đường Yên Đổ, nơi anh ở nhờ đấy. Rượu suông. May ô, quần
pi-gia-ma cháo lòng, mũ mỏ vịt mầu xanh bạc hà bạc phếch và đôi dép Thái Lan đã
nhão bét hết cả đế, nó vểnh lên thành một đường gờ nhẵn thín ôm gọn lấy hai bàn
chân thô to của Sáng. "Mày ngồi đây, tao ra mua cái gì hả”. Lát sau về, hai điếu
“ba số” và hai quả xoài xanh trên tay...
Lần cuối cùng, sau đó cả mười năm tôi không
vào Sài Gòn, hai chúng tôi chia tay nhau gần Cầu Bông. Vừa đi con đường bên dưới
Cầu Sắt leo lên mặt Cầu Bông, tôi phảỉ rẽ về Võ Thị Sáu, Sáng khoát tay chỉ về
phía bên kia sông Nhiêu Lộc: - Mai tao đến nhà bà chị tao cho tao ở cái xóm rìa
sông kia, trông lên cầu này, đấy... Ở đấy tao vẽ tốt lắm.
Cái bờ con
kênh Nhiêu Lộc Cầu Bông anh chỉ tôi bữa đó, chỗ gần Miếu Nổi, bây giờ thành con
kè xi măng phẳng lì với những ghế bàn cà phê trời. Bây giờ qua cầu này tôi thường
nhìn về phía đó đoán ra cái xưởng vẽ cuối cùng của anh nó nằm ở quãng nào. Hay
là bị mất vào chung cư Miếu Nổi có Tô Hải sống ở đó rồi. Và gần như chiều chiều
đi ngang cổng trường Mỹ thuật Gia Định, nơi cho anh vỡ lòng hội họa tôi lại
nghĩ đến anh. Lại thầm nói với anh: cậu chết rồi, Vạn Lịch mỗi khi có cái gì
ngon nó đều để lên bàn thờ cúng cậu đấy...
Tình cờ sau
khi chia tay Sáng, tôi gặp Lưu Công Nhân ở ngay Dakao. Kéo tôi đi chơi, ngồi
chung cái Solex mà Nhân chỉ cho nổ máy khi lên dốc cầu. Nhân bảo tôi bữa ấy: - Cậu
lẽ ra phải có cái ống tre ở tay… Sao thế?- Tôi hỏi. Nhân nói: - Đi rừng người ta
vẫn đeo hai ống tre ở hai cánh tay. Bị đười ươi nó bắt thì lúc nó sướng nó cuời
là mình rút tay mình chạy.
Sống với cộng
sản ông không được thật thà mà. Ông bảo Đặng Tỉểu Bình có giỏi không? Nhờ có
nhiều cái ống tre đeo vào tay đấy… Sau này khi nhớ tới lần chia tay cuối cùng với
Sáng thế nào tôi cũng nghĩ tới cái ống tre lừa đười uơi của Lưu Công Nhân vì
hai việc tiếp liền nhau…
Lạ là nhiều
khi nhìn Sáng nghiêng gò má cười, tôi cứ hay nghĩ đến truyện Cuồng trăng (Mal
de lune) của Pirandello. Và nghĩ tới sớm hơn nữa, một đêm trăng sáng kinh người
ở giữa chợ Thất Khê vắng ngắt, đêm thứ hai sau giải phóng, tháng 10 năm 1950. Cả
khu chợ lô xô quán ngói chỉ có hai chúng tôi.
Bạt đã rải
xong, Sáng quẳng ba lô lại bảo tôi: - Mày coi cho tao, tao vào phố xem có điếm
không. Vùng địch hay có đấy. Lâu lắm
không nhìn thấy nuy rồi... Lát sau quay lại, cười độ lượng với chính cái chưng
hửng của mình, anh bảo tôi: - Toàn lính đi tuần mà dân thì không ai biết tiếng
Kinh. Họ sợ chúng mình mày ạ... Tao gõ cửa mà có nhà họ ôm lấy nhau run lên cầm
cập.
Đêm ấy, hai
đứa ngủ chợ. Mở mắt ra thấy sợ; tôi đã sa vào một trận mai phục êm ả ở quy mô
vũ trụ: không gian đang cho diễn ra một cuộc loãng hóa toàn bộ ghê rợn. Ngủ
quên đi, Sáng và tôi chắc chắn sẽ hóa ra thành hai vũng nước trăng lênh láng...
Cuối năm
1972, lúc bom dữ nhất, Nguyễn Tuân “chạy” đến ở nhờ phòng thường trực (có hai
gian trong ngoài) của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, 51 Trần Hưng Đạo. Một
sáng lạnh rất đẹp, tôi đến. Thì thấy Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng đang rượu suông
trong gian phòng cạnh phòng thường trực chỉ có mỗi cái giường xếp (đồ viện trợ
của Liên Xô cho chín tỉnh bị lụt năm ngoái) của Nguyễn Tuân. Tuân và Hồng gác
hai bên cửa, Tô Hoài quay lưng vào tường trong nhìn ra.
Thấy tôi Tô
Hoài, Nguyên Hồng như hoạt hẳn lên: có thêm người thì sẽ bớt bị Tuân cà khịa.
Nhưng Tuân đã tay trên: - Này, - anh bảo tôi, Nguyên Hồng nó nói nó viết hồi ký
trung thực lắm, ông đọc chưa? Nó ăn thủng nồi đồng nhà thằng Chu Ngọc ở Hàng Đồng
ngày xưa thế nhưng lại chỉ viết số nhà và tên phố, không dám nhắc đến tên thằng
Chu Ngọc. Lại viết là được nhân dân lao động lăng xê lên! Con sen, thằng ở, anh
xe nào đọc Ngày thơ ấu với Bỉ Vỏ hồi ấy mà lăng xê lên? Sao không nói thẳng ra
là Tự lực văn đoàn?
Nguyên Hồng
đập đập tay tôi: - Này, Trần Đĩnh, tớ lại vừa làm một bài thơ tình, tớ đọc cho
nghe rồi tí nữa đưa về cho thằng Thép Mới hộ nhé. Nguyên Hồng đọc được hai câu
thì Nguyễn Tuân giật giật tay tôi: - Nghe thơ tình lủy làm gì? Lủy tay chìa tiền
tay tụt yếm...
Nguyên Hồng
bậm môi lại, vểnh râu lên quay ra sân. Tô Hoài ngồi tẩn mẩn tước cho kỳ hết các
sơ trên múi quít khẽ nói: - Thôi, nói chuyện viết làm gì.
Nguyễn Tuân
quay phắt lại, chống hai quả đấm lên hai đùi xếp bằng tròn, hớn hở như vớ được
trúng đối tượng từ nãy cứ trốn mãi đấu tố: - A, nói kinh tế thì dốt, nói chính
trị thì sợ, nói viết cũng không nốt thì nói cái gì? Nói chuyện dế vậy nhớ?
Tuân đưa mắt
đảo quanh, má đỏ bóng. Mắt kính nhìn tôi loa lóa lên một cái cười đang rung
rinh ra cả đẩu ria.
Vừa lúc Nguyễn
Cao Luyện thò đầu vào reo lên: - Kìa, Trần Đĩnh. Nhưng Tuân đã quay mặt vào.
Luyện bỏ đi tức thì. (Đến nhà Phan Kế An sau đó, Luyện phàn nàn mình thấy Trần
Đĩnh thì vào xem nó có tin gì đàm phán ở Paris không thế mà thằng Tuân hỗn quá,
ngoảnh mặt đi...)
Mấy hôm sau
Tuân cười bảo tôi, hôm nọ mình đùa thế mà Nguyên Hồng nó giận, mình chào nó vờ
không thấy. Tôi không muốn bảo Tuân rằng mới hôm qua Nguyên Hồng đến báo đưa
bài thơ tình đã rủ tôi ra Gốc Liễu. Vừa lấy bia xong, anh hỏi luôn:
- Cậu có biết trước Cách mạng tháng Tám, Tuân
có năm đứa bạn thân nhất là ai không? Là Lương Đức Thiệp, tờ-rốt-kít bị ta bắn,
hai là Tchya Đái Đức Tuấn cũng ta thịt, ba là Đoàn Phú Tứ, bốn là Vũ Hoàng
Chương, năm là Lưu Trọng Lư. Khi Tuân bị Tây phát vãng đi căng vì tình nghi Đại
Việt, Thiệp tặng Tuân một bài thơ làm toàn bằng đầu đề những cái Tuân đã viết.
Mày có thấy Tuân hé răng nói về những người này bao giờ không? Mà Tuân rồi rất
ghét Đoàn Phú Tứ. Tứ không đảng viên, mãi mới được cho vào Hội nhà văn. Hôm ấy
chả lẽ tớ vạch lại Tuân? Vạch lại hắn thì tớ ra cái gì?
Thật sự tôi
chỉ thấy thương các anh. “Đời là một đống cỏn con những bí mật”. Đã là bí mật
thì giấu đi phỏng có làm sao? Khổ nỗi là
cái đống đó anh phải cung khai ra để được chính trị hóa, ý hệ hóa và nhất là hồ
sơ hóa rồi nó sẽ quyết định đến vinh thân hay bại thân của anh. Và một khi ruột
gan phơi bày ra đã thành món thuế thân, đúng hơn, một thế chấp cơ bản nộp cho tổ
chức thì bên cạnh trò giấu diếm tất cũng khó tránh được khoản tô vẽ và khoản đoạn
tuyệt với quá khứ thối tha hay những thằng bạn. Tình bạn sao bằng được tình đảng?
Bạn có thể hại nhau còn đảng thì chỉ có cứu vớt mình.
Trong bữa
bia đó, Nguyên Hồng còn nói anh đã hỏi Đoàn Phú Tứ tại sao tóc đen nhánh mà râu
bạc thì Tứ nói: “Tại cái nguyên lý thực vật thôi. Chỗ nào mình bón phân tro nhiều
thì xanh tươi, chỗ nào phân tro kém thì nó cằn cỗi. Đầu tôi bón sách nhiều nên
tóc tốt tươi còn mồm chả có cái gì bón nên râu bạc”. Tứ còn báo trước đầu hắn rồi
sẽ bạc hết đến nơi. Mình hỏi vì sao thì hắn nói sách báo để đọc từ nay làm củi
hết rồi, tem phiếu dầu không đủ dùng cho hai bữa...
Tàn bia,
Nguyên Hồng mới nói: - Tuân như có ý tị với tớ ở chỗ tớ xuất thân nghèo nên được
chiếu cố. Thì hỏi tớ nghèo nhưng đâu có
được là chủ tịch Hội như nó. Mà nó đâu có bị mất sổ gạo vì đi khỏi Hà Nội như tớ?
Với lại sao không tự hỏi sao không tham gia Văn hóa cứu quốc?
Dĩ nhiên tôi
không kể lại với Tuân. Phải nói tôi mến Nguyên Hồng hơn. Anh dễ bộc lộ mình
hơn. Anh vào tôi từ lúc tôi còn thiếu niên. Và anh chả đã cho tôi một nhận xét
đáng quý sao? Mày là Tư Mã Thiên nói thật nên bị họ thiến. Nhất là anh có thể ở
ẩn, không danh tiếng… nhờ Nhà nước. Giống Kim Lân.
Một hôm qua
đầu hồ Thuyền Quang, trước khu vực điện đài của Bộ công an, Nguyễn Tuân chỉ vào
hai kè xi măng chạy ra giữa hồ hỏi tôi có thấy hai cái kè kia không? Cái bên
này, đấy, thì bộ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm bị Mao thò cẳng sang đá đít ngồi
câu, cái kia, đấy song song nhau đấy, thì đại sứ quan năm tình báo toàn Đông
Nam Á của Liên Xô Séc-ba-cốp ngồi câu. Bên này hễ bộ trưởng về vườn vì lỡ theo
Liên Xô đầu hàng Mỹ câu được con cá nào là bên kia quan năm tình báo lại rót vốt-ca
ra rồi ngả mũ, nâng cốc chúc mừng từ xa. Chính đám an ninh theo dõi hai cha nói
với tớ mà. Ở sứ quán Liên Xô còn cái cậu Padolski nữa mới ghê, gần như phó sứ ấy,
mình vẫn gọi hắn là “thằng giặc” mà, sục sạo lắm.
Nhưng anh em
bảo sứ quán Tàu là đồng chí ruột của ta nên như cá trong nước còn sục sạo dữ
hơn Nga Xô nhiều. Tôi không bảo Tuân
chuyện Võ Nguyên Giáp cũng sợ “thằng giặc” Padolski. Một tối Giáp đến Phan Kế
An chơi. (Tôi vẫn ngồi chuyện với An trong khi Điện Biên, Hòa Bình, hai con bé
của Giáp lấy ký họa ở trên sàn, ngay dưới chân chúng tôi). Ai ngờ tình cờ
Padolski đã đến trước. Cầu thang gỗ nhà An đến chỗ rẽ lên chiếu giữa thì nhòm
vào đúng phòng khách. Thấy “nước ngoài” (lúc ấy nước ngoài nguy hiểm hơn “nước
lạ” sau này), Giáp vội giật lùi, An chạy ra mời, Giáp dứt khoát kiếu. Tôi bảo
An: - Ở Điện Biên, Giáp rất ngại cố vấn Trung Quốc, dặn Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Đạo
Thúy cẩn thận, các cố vấn đang xét ngặt lý lịch anh em, kể cả tôi, nay lui khỏi
nhà mày lại vì sợ lọt tai mắt Trung Quốc là an ninh Hà Nội. Ai ngờ anh hùng lại
bị yểm dữ đến thế!
Hè năm ấy
vào Sài Gòn, tôi hỏi Ung Văn Khiêm chuyện câu cá Tuân nói. Khiêm cười bảo nào
chỉ thế. Có lần Séc-ba-cốp mò đến tận sau lưng mình rót hai li rượu bắt uống cạn.
Có lẽ trêu an ninh ta. Sau đó an ninh mời mình đến chất vấn lão nói những gì.
Mình bảo, có mỗi độc đạo ông ta chặn mất rồi, tôi không uống với ông ta thì làm
gì? Nhảy xuống hồ à? Hồi ấy công an ngày đêm bao vây nhà mình ở Cao Bá Quát, ai
vào ra đều công khai ghi sổ tay, cố cho trong nhà nhìn thấy.
Một trưa,
theo lệ hàng ngày, tôi đưa Minh Việt bị cổ chướng nằm bệnh viện Việt Nam - Cu
ba dạo một vòng phố quanh đó. Chợt thấy
Tuân đi với Nguyễn Văn Bổng ở trước nhà Trần Độ ra phía ga. Thấy tôi, Tuân giơ
can ngoắc sang. Tôi chỉ tay vào cái bụng to tướng của Minh Việt lắc đầu. Tuân
bèn kéo Bổng qua đường. Bảo tôi: - “Mình vừa đi Liên Xô về. Này, có cô phiên dịch
tiếng Pháp đẹp đáo để là đẹp. Trước khi mình lên Léningrad, mình đưa tiền cho
cô ta bảo mua giúp cho mười bông hồng đại đóa, cô ấy bảo không mua hoa chẵn,
mình bảo thế thì chín đi. Hôm sau cô trao hoa, mình nói tôi xin biếu cho một
nhan sắc là cô. Cô ta reo lên cảm ơn rồi nói cộng cả bạn trai tôi thì nhà tôi vừa
đúng chín người, khéo thế.”
Chắc rượu
đang ngà ngà, Tuân nhành mồm nói tiếp: - Sau đó, mình lên Léningrad. Giám đốc
khách sạn gặp ngay, nói mười năm trước đồng chí đã ở buồng 312 này, nay lại ở
đúng đấy, đồng chí có thích không? À, thế ra họ theo dõi ngặt đáo để mày ạ.
Nghĩa là thằng nào sang đấy chửi bố chửi mẹ họ lên họ ghi vào sổ theo dõi hết.
Nhưng tao khác, je suis gentiment suivi, - tao được yêu mến theo dõi. Tưởng đùa
đấy hả? Này, một dạo ai sang đó cũng phải xổ ra một tràng lạp xường xúc xích
Mao để trong nước còn cho đi nữa mà mua xích xe với quạt tai voi, bàn là xét lại
chứ. Đấy, một lần Tố Hữu gặp mình giữa đại sứ quán đã kêu lên: “Ô hay, giáo điều,
xét lại gặp nhau ở tại sào huyệt xét lại kìa!” Một dạo thừa thắng xông lên lắm.
Nói xong, Tuân ngoắc can một cái chào rồi qua đường, sang đúng cửa nhà Trần Độ
lúc ấy chưa “chống đảng” mới rẽ về phía ga.
Còn một chuyện
Tuân nói tôi cũng thích. Tuân đi với Tế Hanh thăm mộ Tchekhov. Đặt cho ông nhà
văn này một bông hồng trắng, còn một bông hồng đỏ Tuân cầm tay, Tế Hanh bảo để
cho ai? - “Người này ông không thích viếng thì thôi. Thế là cậu ta bảo tôi ra cổng
chờ nhé. Còn mình đến đặt bông hồng đó lên mộ Khroutchev. Thầm bảo ông ta rằng
giá như ông hiểu thấu hơn bụng dạ các đồng chí ở Bộ chính trị...
Thế rồi Tuân
khiếm lễ với tôi. Muốn tôi vượt rào những
phân, lúa, lợn, Thép Mới bảo tôi phê bình Vũ Bằng trong Sài Gòn viết kỷ niệm một
năm bom Khâm Thiên gì mà chỉ thương xót bóng ma những em Huệ, em Hồng, em Cúc
xưa nào... Đưa in bài của tôi có tít Tiếng chát tom át tiếng bom Thép Mới thêm
vào đúng hai chữ “che tàn” vào trong bài, không bảo tôi.
Tuân không
thích tôi đả cái thú chát tom, và nhất là đả Vũ Bằng rồi lại còn “cạnh khóe”
Tuân chuyên đi hát boóng chơi ké (che tàn), điều mà tôi không biết. Tuân nói với
Lửa Mới và mấy người: - Tay này đang muốn chuộc tội đây.
Kể lại với
tôi, Lửa Mới lắc đầu: - Chơi với cha Tuân này như đi trên dây ấy mà. Thép Mới bảo
tớ là nó cho hai chữ “che tàn" vào bài cậu để ghẹo Tuân tí ti.
Tôi không
thanh minh với Tuân. Tôi biết mang tội danh lật đổ, chống đảng thì tôi khó mà
giữ nguyên được dung mạo bạn bè. Bao
nhiêu năm quen biết Tuân, tôi chưa bao giờ kể cho Tuân (cũng như Tô Hoài, Kim
Lân, Nguyễn Sáng, Trần Lưu Hậu...) nghe chút nào các tội nợ cũng trừng phạt cụ
thể đang chụp vào tôi và gia đình tôi – bố vợ, vợ, Trần Châu. Lỡ nghe Tchekov:
Đừng luôn vạch cái nhọt ở mông mình ra kêu đau với mọi người… Tôi biết với
thành tích đi căng mà không được tính là cách mạng, Tuân đã khoanh một vùng
biên cấm vượt - để ngầm chia một mình động từ sợ - trong “lĩnh vực chính trị”,
lĩnh vực mà Gorki đã nói với bố nhà thơ Nga Vladimir Pozner là “thối tha và dối
trá”.
Không thanh
minh, tôi cũng không cho Tuân hay ngay sau bài báo đó, Côn, chuyên viên Vụ bảo
vệ đã đến báo nhắc Thép Mới và tôi là tôi không được viết gì ngoài lúa lợn phân
bèo.
“Tao muốn để
mày viết cái gì cho bõ bèn - Thép Mới bảo tôi, biết đâu mày lại bị ngặt đến thế.
Mà tao nghe đâu thằng Vũ Bằng là mình cài vào”.
Khi Tuân chết,
tôi ở Sài Gòn. Diệp Minh Châu mời mấy người, bà Mộng Tuyết, Trần Văn Giàu, Trịnh
Công Sơn, Đỗ Hải, vài anh em và tôi. Truy điệu, ăn uống ngay bên cạnh bức tượng
đầu Tuân mà Châu vừa nặn xong. Xù xì một mũi tàu gạt gió rẽ sóng. Như một khối
nguyên sơ chưa qua cải tạo, xây dựng.
Nhìn thần
khí phơi phới của bức tượng, tôi chợt mơ hồ thấy có lẽ đây là cái coda (đoạn kết
bản nhạc) Tuân cần có để kết được đầy đặn con người. Nhạc khúc Tuân nghe cứ thấy
dang dở có lẽ vì thiếu nét cả quyết sóng gió này. Sau đó nghe Lê Đạt nói hình
như Tuân tự sát, tôi giật mình. Cái coda tôi chờ đợi nơi Tuân từ từ hiện lên rõ
ở cuộc xông pha vào cõi chuộc lại mình không biết là thật hay đồn kia.
Trong tối
truy điệu ấy, bà Mộng Tuyết kể Nguyễn Tuân sau này gửi thư thường ký Hàn Sĩ Đỏ
vì Tuân rất thích cái tên mang ba yếu tố kẻ sĩ, nghèo và cộng sản. Tôi bâng
khuâng nghĩ: “Phải chăng Tuân nói cộng sản để thay cho chữ hèn?”
Một sáng 1 tháng
1 đẹp trời, “mừng năm mới may ra sẽ được mới thật”, Tuân hẹn tôi đi ăn sáng.
Hai đứa dắt xe tới trước cổng Nhà hát nhân dân, đúng chỗ Trần Dần tối nào bảo
tôi “con lừa này không ưa nặng” thì Tuân cúi xuống kẹp cái kẹp mạ kền vào gấu
quần ống sớ màu đen đã bạc và chỉ vào chiếc xe của anh hỏi: - Đố ông năm mới xe
tôi mới ở chỗ nào?
Tôi chăm chú
nhìn. Vẫn cái khung Pháp bong hết sơn, vẫn đôi phanh Tây “ăn như ngoạm chặt lấy
đùi mình thế này,” vẫn đôi vành Tây Mavic, chiếc đĩa và đôi pê-đan Durax...
(“Phải toàn đế quốc phụ tùng thế này mới phục vụ mình tốt được!” - Tuân từng bảo
tôi). Tôi nói không thấy gì mới cả.
- Ông không làm chính trị được. - Tuân nói, lắc
đầu leo lên xe. Lẽ ra liếc là phải thấy tôi sắp xếp nhân sự cho nó công phu như
thế nào rồi. Lốp bánh sau trọc sư cụ cho lên bánh trước, lốp bánh trứơc còn
rãnh cho tụt xuống bánh sau. Nâng cao năng lực cho bộ máy đến thế mà ông không
thấy!
Lên xe, Tuân
nói tiếp: - Lại chuyện xe. Gần đây ông có thấy hệ xe Nhà nước có thêm gì mới
không?... À, một loạt chừng một chục chiếc xe ba bánh, thùng vuông kín mít màu
cổ vịt bóng nhoáng. Quan xa, không, kiêu xa đấy. Tôn Thất Tùng hắn bảo là đi đường
hễ thấy thằng ấy thì leo ngay lên cây không què chân có ngày. Có mỗi nhiệm vụ
sáng sáng chở gà sống thiến, giò chả, cá lươn, phó mát, bơ, xúc xích... phóng
thật nhanh đến nhà từng ông Bộ chính trị, quay đít, lùi a-la-de, tuồn tú ụ vào,
ăn hay không mặc kệ, tài đây bất biết. Vậy đi đường nhớ nhắm trước cây để leo
lên đấy nhá…
Sáng ấy, ăn
mằn thắn ở nhà hàng quen Tuân, tại gần ngã tư Lý Thường Kiệt - Quang Trung. Vào
gian trong. Hai tràng kỷ tre. Một cửa sổ nhỏ có rèm bằng vải màn trắng phe phẩy
nhìn qua thấy nhà máy cơ điện bên kia đường, một dãy tường dài của nó luôn có
người - thường là các bà, các cô quang gánh - dừng lại trật quần làm trận đái
bõ bèn buổi sáng.
Tuân lấy ra
chai Camus dẹt, bên dưới nhãn nó Tuân đề câu Créer, c’est donner une forme à
son destin” (Sáng tạo là cho số phận ta một hình thù) của Camus mà Tuân viết lại
rồi đem dán vào. “Pas d’ Albert, - không có Albert Camus, chỉ là Vân thôi,” -
Tuân nói.
Tuân vặn nắp
chai. Cái nắp mầu vàng ngả đỏ đồng điếu có những họa tiết cành lá đen li ti, kiểu
trang trí cung điện, nhà thờ Tư-lạp-phu. Tuân rót rượu vào nó đưa tôi:
- Ông uống bằng cái calice này (cốc đựng rượu
cúng) cho tôi... Anh mưu thuật với anh chân chất đều chẳng ra gì. Anh mưu thuật
thì mệt óc, anh chân chất thì mệt đời...
Rồi hơi cúi về đằng trước im lặng.
Một chuyện
khá rồ của Tuân nên nhắc lại.
Tối ấy, 16-2-1966, một thiếu tá không quân - tên Tưởng hay Tường, nhật ký tôi mờ mất cái
dấu - nói chuyện về không quân ở Hội văn nghệ 51 Trần Hưng Đạo. Chê hết Mỹ,
Liên Xô, chỉ còn Trung Quốc và ta nhất hết. Tên lửa Liên Xô? Ồ, thứ pháo thăng
thiên này Trung Quốc chơi từ lâu rồi mà. Được cái là ông anh chúa hay run này
cho ta tin về các chuyến Mỹ xuất kích vào ta, bao nhiêu máy bay, số mấy, phi
công nào ở máy bay nào, sở trường sở đoản từng đứa…
Ngồi hàng
trên, Tuân quay lại nháy tôi, hai chúng tôi bỏ về. Mưa nặng hạt. Chúng tôi dắt
xe lên tận cà phê Lương. “Chán chả muốn leo lên xe” - Tuân nói.
10 giờ đêm lại
dắt xe đi về tận đầu ngõ vào Tuân. Bắt tay tôi, Tuân nói: - ... Buồn nhỉ. Đi
nghe mưa đêm dầm dề các con phố còn hơn nghe những tinh hoa trí tuệ minh họa
cho các nghị quyết mà rút lại chỉ có một vận động duy nhất là ca ngợi đồng chí
có nốt ruồi.
- Có thế đồng chí mới cho súng. C’est pas
gratuit ces choses grondantes, - các của gầm thét ấy không dưng mà có.
* * *
Một sáng vào
Việt-Xô khám bệnh, tôi gặp Tô Hoài nằm chữa thần kinh tim. Anh cho hay một tên
tuổi văn nghệ vừa bị cô nhân tình nộp Tố Hữu bức thư cha này gửi cô nói (đại ý)
không gặp cô theo hẹn được vì lão cha cố bắt lên nghe giảng đạo. Tô Hoài mở sắc
lấy bức thư ra làm tin: “Tớ là bí thư đảng ủy nên xừ Lành đưa xuống để giải quyết.
Cô nhân tình tức vì bị chàng đưa vợ tới nhà giáo dục nên gửi nó cho cha cô To
Lành!”. Tôi cầm thư đọc…
Vừa lúc ấy,
Chế Lan Viên đi vào. Anh bảo tôi: - Này Trần Đĩnh, mình bị cái này lạ lắm. Ngọt
với mặn bây giờ đếch phân biệt được.
Tô Hoài tưng
tửng: - Ăn thử một thìa cứt mà không phân biệt được thì phải chữa thật. Chế cười
gật gật như nhận rằng Tô Hoài nói xác đáng quá.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét