Chương mười sáu
Trong khi
tôi bận viết tiểu sử Cụ, hồi ký cách mạng và đại hội đảng thì Linh cùng Thái Ly
và anh chị em múa bận tổ chức cuộc đồng diễn lớn ở sân vận động Hàng Đẫy và đặc
biệt múa hai màn ba lê mũi cứng Su-ra-li-ê của Liên Xô.
Mấy lần xem Linh
tập, nghe bà chuyên gia Brunak kharasô! (tốt! tốt! tiếng Nga - BT) luôn miệng,
tôi chợt hiểu thêm Linh. Lên sân khấu, Linh ra một Linh khác. Trung tâm biến
hóa vạc nên những ảo giác không khí rồi thả cho chúng bay theo đà tung dướn,
quay lượn của mình. Bà chuyên gia ngày ngày mang thịt bò đến bảo nhà bếp làm
cho Linh. Rồi Huy Cận thứ trưởng văn hóa phụ trách mảng văn nghệ bảo tôi: “Bà
chuyên gia múa nói với mình Hồng Linh là múa chuyên nghiệp, còn người khác nói
chung là nghiệp dư... Đợt này Trần Đỉnh phải kiêng khem đấy.”
Thái Ly bảo
tôi: - Linh có một thiên bẩm múa hết sức đặc biệt. Sắp tổng duyệt mới biết thiếu bít tất dài. Lê
Liêm mách mẹo cho Nhàn, vợ Khánh Côn, hiệu trưởng Trường Múa, xin đại sứ quán
Trung Quốc. Được hai đôi. Hai hàng ngón chân Linh thường rớm máu như hồi ở Trường
múa Bắc Kinh.
Đang được
khen nhiệt liệt thì chuyện buồn đến. Hà, hiệu trưởng Trường Múa vừa thay Nhàn,
bảo tôi:
- Anh nên đến gặp anh Lê Giản. Nói đến bố Hồng Linh, anh ấy khóc mà
làm tôi khóc theo. Chi bộ muốn kết nạp Linh thì vướng chuyện ông bố, bọn tôi mới
gặp anh Lê Giản.
Tôi tìm Lê Giản. Anh
nói có một số nguời đã bị chết như thế như thế nhưng đó là lỗi của anh. Anh bảo,
xin oán anh chứ đừng oán đảng.
Anh viết cho
một giấy chứng nhận (có chữ ký và dấu của Tòa án nhân dân tối cao chứng nhận):
ông Hồng Tông Cúc trước Cách mạng Tháng Tám có dạy học với anh và sau lại cùng
hoạt động. Lúc Pháp đánh lên Việt Bắc, ông Cúc bị thất lạc và nghe đâu bị du
kích giết mất. Con ông Cúc nếu đủ điều kiện thì vào đảng không sao cả.
Tôi về, Lê
Giản nói anh muốn gặp Hồng Linh. Mấy hôm
sau, tôi đưa Linh đến. Và chứng kiến một xúc động hiếm thấy. Vừa thấy Linh, Lê
Giản lập tức run rẩy lên gọi vợ: “Bà ơi ra đây, con anh Cúc đây, bà ra đây...
Đây, bà nhà tôi, tôi nói có bà ấy đây, có phải mỗi khi nhắc đến anh em tôi lại
đứt ruột đứt gan ra không? Anh Cúc kết nghĩa anh em với tôi. Anh Cúc xưa hay về
nhà tôi ở Đồng Tỉnh, Xuân Cầu chợ Đường Cái lắm”. Phải nhìn Lê Giản tóc râu,
lông mày trắng xóa như cước nghẹn ngào mới thấy hết độ chấn động ở trong anh.
Hình như cần
nói hết nỗi niềm bao lâu không thổ lộ, anh lại nói: “Ngay khi biết các anh ấy
chết, tôi đã khẩn báo với anh Trường Chinh. Anh Trường Chinh nghe liền giật
mình bảo vậy thì phải lo công ăn việc làm cho các chị còn sống để nuôi con cái
chứ không thể để sống vất vưởng”. Do đó, bà Hồng (chúng tôi không ngờ Lê Giản lại
vẫn nhớ tên mẹ Linh, Diệp Hồng) mới vào làm cấp dưỡng ở Ty công an Tuyên Quang
và Linh mới vào được bộ đội rồi đi học ở Bắc Kinh.
Ở đây có một
chuyện cần nói. Sau này Lê Giản bảo tôi Ngô Kỳ Mai hay Ưng Khầy Mùi, anh em kết
nghĩa với Lê Giản chính là bạn nối khố của Hồng Tông Cúc. Đến độ hai người đổi
tên cho nhau. Mùi thành Cúc và Cúc thành Mùi. Thấy Linh, Lê Giản nấc lên gọi vợ
ra xem con anh Cúc (tức Ừng Khầy Mùi) là thế. Nhưng cố nhiên Lê Giản cũng thân
thiết cả với ông Cúc bố Hồng Linh cho nên vẫn nhớ tên mẹ Linh và từ đấy về sau,
anh luôn quan tâm đến chị em Linh…
Lúc ấy chuyện
vẫn chỉ được vén ra có thế. Lỗi vẫn là ở Lê Giản, như anh nói với tôi. Đảng vẫn
tồn tại êm ấm ngon lành trong nệm gấm vóc nhung lụa của bí mật thông tin - hay
dối trá.
Được cái
Linh không màng chuyện vào đảng. Cái đảng đã giết oan bố mình thì không vào có
khi lại hay. Nhưng Linh còn vượt lên trên cả cái sự bị ra - được vào đó. Linh
có một đẳng hệ giá trị khác mọi người. Tôi có thể coi mọi được thua cá nhân chỉ
mây trắng ngàn năm cũng là nhờ Linh không ít. Lắm khi tôi ngỡ Linh như một con
chim nhỏ bé bay trong quỹ đạo khiêm nhường riêng biệt của nó, ở đó không có hệ
đo lường chính trị hóa thông dụng để tổng kết đời mỗi cá nhân mà trong đó quý
nhất là đảng viên rồi danh vọng, lương bổng, huân chương...
Rồi cuối
cùng bố vợ hắt bóng sang tôi, điều không thể tránh với một đảng coi trọng lý lịch
hơn hết. Nhưng nhờ thế chính cũng vào lúc này, tôi mơ hồ thấy Nguyễn Ái Quốc bị
lao đao với Đệ tam Quốc tế có lẽ cũng vì lý lịch con quan của Nguyễn. Phải viết
một loạt bài về lịch sử đảng, tôi đã đọc những tài liệu về chuyện này. Lẽ tất
nhiên đều ỉm đi, cho tất cả vào cái sọt giấy vĩ đại là sự quên, sự lờ, sự nhắm
mắt lại. Gọn một chữ là sự gian dối. Để đổi lấy uy tín đảng.
Một sáng,
khoảng cuối năm 1960, ở đâu về tới ngã ba Phan Đình Phùng - Lý Nam Đế, gần nhà
Lý Ban, tôi thấy Vũ Kỳ đạp xe lên đi bên cạnh tôi. Anh cười và tôi chột dạ. Có
chút giễu cợt? Không, có chút nào đó cái vẻ đắc thắng. Nhưng thắng tôi cái gì
chứ nhỉ?
- Này, biết chưa? - Vũ Kỳ hỏi. Vẫn cười cười.
- Biết gì?
- Bố vợ, bố vợ ông ấy mà. Đặc vụ ta thịt... Cứ
nụ cười đắc thắng trên miệng Vũ Kỳ.
Không nhớ
sau đó nói năng gì với nhau, chào gì nhau mà mỗi người một ngả lúc nào. Chắc phản
ứng ở tôi không nền nã lắm vì một lúc sau tôi vẫn thấy mặt mình rất cau có. Vì
cái ý ẩn trong con mắt và cái cười của Vũ Kỳ như nói: - Chết thật, một li nữa...
Lại để cho anh đi với Ông Cụ như thế cơ chứ.
Mình lại còn
hẹn sẽ canh ty với anh viết về Ông Cụ khi Ông Cụ hai năm mươi... Anh không qua
được mắt chúng tôi đâu. Có thể tôi suy
đoán chứ Vũ Kỳ không có ý ấy.
Mấy hôm sau,
Thép Mới bảo tôi:
- Trên nói từ nay bố trí một nhà báo chuyên đi với Ông Cụ và
nên chọn người đẹp trai.
- Hay đẹp lý lịch? - Tôi nói.
Thoắt chốc tôi thành Thằng Gù xấu xí Nhà thờ Đức
Ông Hà Nội không nơi dung thân. Cái buồn đầu tiên lại là từ nay sẽ chẳng còn được
đứng sau Cụ xem Cụ đái nữa. Con tàu viễn dương óng ánh bạc đi xa và tôi bị quẳng
lại trên một hòn đảo vắng mà dân số là bóng ma những nạn nhân bị đảng thịt.
Sau vài ngày
tôi mới có phản ứng khó chịu. Thấy rõ có một bàn tay tọc mạch sột soạt lần giở
tìm xem các trang đời của mình…
Lúc ấy vừa
xây xong Lăng Hồ Chí Minh, Vũ Kỳ một sáng đến báo Nhân Dân. Vào khỏi cổng cơ
quan thấy anh đang đứng chuyện trò vui vẻ với anh em Thép Mới, tôi quen như cũ,
đi qua tươi cuời gật đầu chào. Lạnh ngay mặt lại, Vũ Kỳ quay đi. Không chỉ bố vợ
bị thịt, tôi đang là tên chống đảng, lật đổ.
Tôi thấy
bình thường. Biết là ở tư cách người sống bên Bác Hồ, anh phải nêu gương học
Bác mọi vẻ, chẳng hạn từ chữ viết đến tên ký đều phải học cho giống được như hệt
của Bác, anh khoe tôi mà. Mà giống lạ lùng thật. Tôi đã phải bảo Vũ Kỳ: “Tôi mà
bắt chước như thế này là tôi chết đấy.” - “Tại sao? - Kỳ hỏi. Tôi nói, "Thì còn
tại sao nữa? Bắt chước giống nhằm mục đích gì?" Vũ Kỳ cười khoái. Thấy mình duy
nhất có quyền chính đáng bắt chước chữ viết, chữ ký của lãnh tụ.
Khoảng cuối
những năm 90, một hôm đến Sơn Tùng, tôi nghe anh nói Vũ Kỳ vừa đến, lát nữa
khám bệnh định kỳ xong sẽ lại ghé anh - hai anh tương ứng tương thông ở trong
hào quang Bác Hồ - tôi đã nhờ Sơn Tùng sang tai cho Vũ Kỳ: Là trong Hồi ký Vũ Kỳ
đăng ở Nhân Dân hôm kia, có chỗ viết Bác Hồ ăn cơm thường bảo Vũ Kỳ xuống xin
chú Cẩn cho Bác thêm hai quả cà thì Trần Đĩnh nói Vũ Kỳ đề cao gương tiết kiệm
như thế là có hại. Ai đời chỉ vì có hai quả cà ăn thêm mà phải huy động một dây
chuyền nhân viên tất cả lương chắc phải rất to. Thì cứ để sẵn hẳn mỗi bữa cho
mươi quả, Bác ăn không hết, chú Cẩn ở dưới bếp ăn càng có phước chứ sao? Mà có
khi còn kiệm được mấy miếng thịt nữa.
Tôi thật
lòng muốn chống lối bày biện rườm rà tốn kém và lãng nhách ra để nêu gương Bác
Hồ và kêu gọi học tập tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo lấy thêm cà, lãnh tụ đâu ngờ
cái chuyện vặt ấy rồi thành một mẫu sống nguy nga! Trong khi lãng phí bao mạng
người như bố vợ tôi.
Xuống thang
về, tôi toan quay lại nói thêm: Ở trên rừng những năm 1949, Lang Bách thường kỳ
chế rượu thuốc cho Bác uống. Một lần chúng tôi hỏi anh: “Bao nhiêu tiền bốn
chai này?” Anh nói: “Bằng sinh hoạt phí mấy thằng chúng ta ngồi đây. Thuốc bắc
quý thì đắt mà lại phải mua trong Hà Nội. Có khi người mang ra bị Tây phục kích
chết ở Đường số 5 nữa ấy chứ!”
Chương mười bảy
Sau Đại hội
đảng 1960, tôi về ban văn nghệ của báo, Như Phong chánh, tôi phó. Lúc ấy nguyên
tắc nhân sự là lão thành cách mạng chánh, trẻ phó.
Chủ nghĩa
Lê-nin muôn năm của Trần Bá Đạt ăn khách quá. Chất nông dân ngả như bỡn theo tư
tưởng Mao. Đã có những tiếng chửi xét lại. Mới ngày nào báo Nhân Dân thường
đăng vài ba trang toàn văn các bài nói của Khroutchev.
Những số báo
ấy hết veo. Bài thu hoạch của Trường Chinh về Đại hội 22 của Đảng cộng sản Liên
Xô đăng liền mấy ngày. Nhưng có một vùng dạ con tăm tối đang âm ỉ thai nghén một
ván bài sấp mặt kinh hồn mà chúng tôi chẳng ai biết. Không hiểu sao hễ nghe nói
đến xét lại là tôi coi như bị ám chỉ rồi khó chịu. Có lẽ lòng đồng cảm của tôi
với Phái Hữu Trung Quốc cùng số phận thê thảm của họ đã thức dậy. Không ở Trung
Quốc, không thấm thía các luận điểm lẫm liệt của phái hữu để mở mắt, tôi cũng rất
có cơ trở thành một Trần Bá Đĩnh lật mặt viết các thứ chửi bới xỏ xiên những kẻ
thù mới hôm qua còn là đồng chí thắm thiết.
Khó chịu đến
nỗi một hôm làm việc với Trường Chinh, tôi hỏi anh hai điều. Một, ở ta có xét lại
không? Hai, anh đánh giá Tự Lực Văn Đoàn thế nào.
Anh cười
nói:
- Ở ta đâu có xét lại.
- Thế Liên Xô? - tôi hỏi luôn.
- Ta và Liên Xô như nhau thì Liên Xô xét lại
sao được?
Tôi nghe mừng
quá. Thì chính anh viết thu hoạch về Đại hội 22 của Liên Xô cơ mà. Liên Xô đang
trên đường dân chủ hóa, từ bỏ bạo lực cơ mà, cái điều tôi khát khao sẽ có ở Việt
Nam.
Vậy là Trường
Chinh không ở trong cái dạ con âm ỉ tăm tối trên kia. Và tôi chỉ cần thế. Đâu
biết vì không ở trong nó nên rồi anh phải chịu nó. Anh khẳng định đóng góp to lớn của Tự Lực Văn
Đoàn vào văn học Việt Nam. "Tôi viết văn được là nhờ ảnh hưởng của Tự Lực Văn
Đoàn. Nhưng nó ra đời sau thất bại chính trị của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên
Bái và đã trở thành cải lương, rời bỏ chính trị, chỉ hoạt động văn hóa như Nhà
Ánh Sáng và Tự Lực Văn Đoàn.”
Buồn cười,
Huy Cận có bài thơ nói đến áo người yêu trên mắc mà rồi hễ thấy áo của vợ tôi
treo đâu là tôi lại nghĩ đến câu thơ Huy Cận…
Hà Nội đang
thưởng thức những "Nhật ký một ngày của Dionisevitch" của Soljenytsyn, “Cây
phong lan nhỏ”, “Người thày đầu tiên” của Aimatov. Tôi không đọc. Ý để bảo với
đám thích Mao biết rằng tôi đâu phải Liên Xô thứ xịn như họ nói.
Nhưng những
phim “Số phận con người”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Chín ngày một năm”, “Bài ca
người lính” và vở kịch “Câu chuyện Irkoust” thì tôi phải xem và cho bình trên
báo, mừng cho điện ảnh Liên Xô nhờ Khroutchev đã có bộ mặt mới. Bộ văn hóa tổ
chức cả cuộc thi xem phim nào được công chúng yêu thích nhất (tôi đã phải cho
thường xuyên đăng động thái hưởng ứng rầm rộ cuộc thi). Nhưng một năm sau, lật
một cái rất nhanh, tất cả đều bị phê phán là phản động, xét lại, sợ chiến tranh
và hòa bình chủ nghĩa.
Trông nom việc
văn nghệ trên báo Nhân Dân, hay nhận được ý chỉ đạo của Nguyễn Chí Thanh, tôi
biết anh chính là người tích cực phất cờ chống luồng gió độc trong văn nghệ và
đặc biệt nắm rất vững tình hình văn nghệ Trung Quốc. Thanh có một câu ghê gớm:
“kịch 'Câu chuyện Irkoust' là cái chuyện gì mà ngất ngư hết cả lên với nhau thế?
À, chuyện một thằng cộng sản mê một con điếm...” Phù Thăng chết lụn bại chỉ vì
một câu viết nguyện vọng của con người là hòa bình mà Thanh cho là tuyên truyền
sợ chiến tranh!
Những quay
phắt lại với hôm qua đã được xem như chiến thắng của chân lý cách mạng. Chỉ một
thời gian ngắn, bao nhiêu người phản lại chính bản thân. Tôi bắt đầu nhận ra những
bộ mặt xúm lại đẩy cỗ xe Nhất Trí. Người ta tự bào chữa rằng người ta trung
thành với cách mạng. Bò rạp, quỳ xuống thì may lại được coi la đang vươn lên tầm
cao mà cách mạng cần!
Chuẩn bị đại
hội văn nghệ lần thứ hai, Tố Hữu triệu tập vài chục nhà văn, nghệ sĩ và nhà lý
luận mở hội thảo dài ngày mấy vấn đề văn nghệ. Họp trù bị với một ít anh em, Tố
Hữu nói rất tiên phong: “Gần đây thấy chửi Lukacs nhiều lắm."
Nhưng đọc
chưa, bẻ được người ta chưa? Chớ nên ỷ mình đa số. Không phải chân lý đều ở đa
số đâu. Có khi thiểu số là chân lý...”. Tôi chưa hiểu thâm ý của Tố Hữu: Liên
Xô đang đa số trong phe, Mao thiểu số nhưng này, đừng có tưởng đông thì là đúng
đấy.
Còn tôi lại
thành kiến Bắc Kinh thờ hung thần bạo lực, chuyên giải quyết mọi sự bằng bạo lực,
đổ máu. Tôi đâu biết Lê Duẩn đang chuẩn bị rước tư tưởng Mao Trạch Đông lên
thành “tư tưởng Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng.”
Duẩn có suy
tôn Mao thay Lê-nin thì Mao mới suy tôn Duẩn thay Hồ Chí Minh.
Một vấn đề được quan tâm: tính người. Có hay
không có tính người? Vào thảo luận, đa số ngả về không có tính người mà chỉ có
tính giai cấp. Câu nói thường được đưa ra làm nền cho quan điểm này là câu của
Marx: con người là tổng hòa các quan hệ xã hội. Căn cứ vào nó sổ toẹt luôn tính
người.
Tôi bực bội
nghĩ: Chữ tổng hòa đã hầm bà làng béng hết các giai cấp lại rồi mà còn cứ cãi
không có tính người? Nhưng nếu nói ra thì tôi sẽ không chống nổi một đa số áp đảo
chỉ chực phê phán để chứng tỏ lòng trung kiên với một cá nhân - Mao - ma người
ta ngỡ là bậc nhất cách mạng.
Nguyễn Đức
Quỳ, tên thật Đào Đình Huống, thứ trưởng văn hóa, từng làm đại diện của ta ở
Thái Lan, nói anh không có lý luận (tuy cùng với Đào Văn Trường vốn là hai cây
lý luận của đảng), chỉ nói cái cụ thể. Xem đội tuyển Anh đá với đội tuyển Liên
Xô ở Mát-xcơ-va nhưng bên nào đá hay đều được reo ầm lên khen và trời mưa thì
người xem tất cả, bất chấp Liên Xô hay Ăng-lê đều thượng ô hay áo mưa vào. Tính
người không ở đây thì là cái tình gì? Quỳ nom vẻ hơi cáu.
Sáng ấy Quỳ
phát biểu tính người xong, thấy ngứa ngáy, tôi tham luận. Khẳng định tính người.
Tính giai cấp và tính người cùng tồn tại. Có lúc tính giai cấp nhiều hơn, có
lúc tính người nhiều hơn. Thí dụ thời cộng sản nguyên thủy, tính người là chính
chứ làm gì có tính giai cấp? Rồi mai đây khi cộng sản văn minh cũng lại tính
người là chính còn tính giai cấp thì tiêu vong. Có điều tôi nhấn mạnh là cần
chý ý trong khi giai cấp bóc lột đang thống trị thì nó cũng có phần tích cực
góp vào sự phát triển tính người, không nên coi giai cấp thống trị chỉ đem lại
cái xấu. Nếu không có sự tích lũy tiệm tiến của tính người qua các phương thức
sản xuất khác nhau nô lệ, phong kiến, tư bản thì làm sao có được vượt phá về chất
để đến chế độ cộng sản, tính người lại trở thành đơn nhất nhưng văn minh, tiên
tiến hơn tính người nguyên thủy.
Tôi nói
xong, chủ tịch hội nghị Đặng Thái Mai đứng lên bắt tay:
- Cảm ơn Trần Đĩnh cho
tôi hiểu thế nào là continuité historique, - tính liên tục lịch sử.
Anh và tôi một
dạo hay chuyện với nhau. Anh ghét Mao tưởng như sẵn sàng nôn oẹ. Tôi đã đưa anh
Les questions fondamentales du Marxisme (Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác)
của Plekhanov và nói: Ông này ở trong Đệ nhị Quốc tế của Berstein, Kaustki rồi
bị Lê-nin đánh cả cụm vì chủ trương đấu tranh nghị trường đấy, các đảng Xã hội
và Công đảng ở thế giới hiện nay thuộc phả hệ nó.
Cầm cuốn “Những
vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác”, anh huých khẽ tôi:
- Hay lắm. Cảm ơn, này, Trần
Đĩnh cứ đến nhà mình, tha hồ chửi thiên chửi địa.
Một sáng tôi
đang ở nhà anh để “chửi” thì Xuân Tửu, chánh văn phòng Hội liên hiệp văn học
nghệ thuật đến nói:
- Báo cáo của anh đọc trước đại hội văn nghệ, anh Võ Hồng Cương
đã xem xong. Anh Cương đề nghị anh thêm vào cho vài câu của Mao Chủ tịch chứ chỉ
có Liên Xô thì không ổn.
- Được, anh để đấy. Mình đốt đèn tìm cả ngày cũng có
ra được câu nào để mà dẫn đâu.
- Chính quyền
ra từ nòng súng rồi, nay lý luận cũng ra từ nòng súng nốt à? - Tôi đùa.
Đặng Thái
Mai ngạc nhiên. Tôi nói:
- Võ Hồng Cương chẳng phải là bên nhà binh cùng với một
tiểu đoàn nhà văn quân đội sang dọn dẹp bên văn nghệ đấy sao. Sau 1954, ta quân
sự hóa mặt trận văn hóa văn nghệ cho mạnh thêm hỏa lực xung kích ở đây mà... Rồi
có ngày anh giật mình thấy trong tay anh lăm lăm súng đấy.
Đến đây xin
quay lại Nguyễn Đức Quỳ. Vốn hoạt động ở ngoài nước, anh am hiểu các vấn đề đối
ngoại của đảng. Biết tôi viết tiểu sử Cụ Hồ, anh cho hay 1928, 1929, Nguyễn Ái Quốc
đã đến Băng Cốc rồi đi bộ sáu tháng lên Na Khỏn vận động cách mạng, sau đó rời
Thái. Nguyễn Ái Quốc đi rồi, Việt Kiều lập Đảng cộng sản Thái Lan, số lượng ủy
viên Ban chấp hành chia làm ba phần Việt, Trung, Thái đều nhau nhưng Tổng bí
thư là Việt Kiều tên Thung, kiểu như Kaysỏn tổng bí thư Lào là con một bưu tá
Việt Nam ở Vientiane vậy. (Bạn tôi, Lê Đức Dục hoạt động ở Thái cùng với Quỳ
còn nhớ tên mẹ tổng bí thư Thung là bà Hảo. Nhưng Như Quỳnh, tổng biên tập báo
Phụ Nữ lại bảo mạ của Thung là cụ Quỳnh Anh, sau này sống với người con trai là
Tài và tôi quen Tài). Tóm lại với ta, quốc tế nhưng phải Việt thì mới yên tâm,
Quỳ nói.
Đảng này liền
bị Thái đàn áp, mãi đến 1948, Hà Nội mới được có đại diện ở Thái nhưng công an
mật Thái phục ngay ở nhà cạnh trụ sở ta, ngày ngày cho biết ông trêu công khai
mày đây. Đầu 1950, Trung Cộng công nhận Việt Nam thì Thái Lan đòi ta rút đại diện.
Tớ - Quỳ nói - đi Liên Xô, Hoàng Văn Hoan đi Bắc Kinh, Song Tùng về Hà Nội.
Năm 1976,
thăm Vũ Lăng ở Làng Báo Chí Thủ Đức xong tôi đến Nguyễn Đức Quỳ. Lúc này anh mới
bình luận Thái là nước trọng nhất vua mà mình lại đi lập cộng sản đưa anh thơ
- mà lại là thơ An Nam - lên đả đảo đòi lật đổ vua người ta thì người ta phải dẹp
đi thôi chứ. Họ chả lạ việc Việt kiều tổng khởi nghĩa hộ Lào cũng như sau này từ
1960, ta cho quân sang đánh rầm lên ở Lào là để hạ chế độ quốc vương của người
ta xuống mà tạo phên giậu bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Thái cho quân sang
(danh nghĩa quân đồng minh của Hoa Kỳ - BT) đánh mình cũng là để chặn trước
không cho ta chiếm Cam-pu-chia rồi tẩn sang bên họ. Họ có lập đảng gì ở ta đâu
mà sao ta lại lập cộng sản ở họ? Tôi hỏi có phải lập đảng ở Thái Lan là theo chỉ
thị của Cụ không thì Quỳ im, mắt chớp chớp, bậm miệng lại. Tôi lại hỏi tổng bí
thư Đảng cộng sản Thái Lan là người Việt thì cũng ná như Trần Bình người Hoa
làm tổng bí thư đảng cộng sản Mã Lai đấy nhỉ?
Quỳ quay đi. Tôi nghĩ ông bạn ngổn ngang lắm đây.
* * *
Lại trở về với
Nghị quyết 9 nhất biên đảo theo Mao, tôi sụp đổ ghê gớm. Thua tan thua nát là một
lẽ. Còn nữa là thấy hàng ngũ “ủng hộ chung sống hòa bình” ào ạt quay đi để ôm lấy
cây súng dữ quá.
Khoảng 1964,
Đặng Thai Mai đăng ở trang nhất báo Văn Nghệ một bài ca ngợi thơ và từ bất hủ của
Mao Chủ tịch. Chúng phản ánh những vĩ đại này nọ ở Người.
Sách của
Plékhanov phải sáu bảy năm sau Nghị quyết 9, cực chẳng đã, tôi mới đến nhà Đặng
Thai Mai lấy lại. Đến và về ngay. Anh cũng không giữ để “tha hồ chửi”. Gặp nhau
khoảng mươi phút sường sượng.
Phụ trách
văn nghệ báo đảng, từ đầu tôi được dặn không đăng bài, đưa tin và nói đến Nguyễn
Tuân, Chế Lan Viên, hai nhà văn “có vấn đề tư tưởng”. Nhưng “vấn đề" thế nào
thì không nói rõ.
Tôi lỡ lại
dan díu với hai anh. Đặc biệt với Chế Lan Viên, chúng tôi có thể nói hàng giờ về
các “bố láo” của Mao. Chế chửi Mao quá hay. Tiếc là không thể đưa ra các ví von
rất cơ thể học của anh.
Giữa năm
1963, trang văn nghệ của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đăng một bài ca ngợi Chế
Lan Viên và tập thơ “Ánh sáng và phù sa”. Tôi liền làm nó thành một mẩu tin đưa
lên trang chủ nhật báo Nhân Dân do tôi phụ trách. Tên tuổi Chế Lan Viên thế là
xuất hiện trên báo đảng, ké vào uy lực của mẫu tin báo đảng Trung Quốc. Như
Phong, chưa quên Chế nói anh chuyên soi đèn pin vào đít văn nghệ sĩ tiền chiến
xem có còn cứt hay không, đã họp ban văn nghệ chất vấn tôi. Như Phong đưa
nguyên tắc xuất bản ra. Tôi đưa nguyên tắc “báo đảng Trung Quốc” đối lại. Mọi sự
lại xong. Chế hời. Hời viết thường, không phải Hời viết hoa. (Nhân thể nói người
Tây Nguyên gọi người Chàm là Sươn Hơi: Hời.)
Tôi chỉ muốn
nhân dịp này bềnh Chế lên, một kiểu lấy gậy Trung Quốc đập lưng Việt Nam. Không
nghĩ tại sao đang khét lẹt tinh thần chiến đấu tấn công mà Bắc Kinh lại đi khen
tập thơ mủi lòng cho phận con người - Qua đỉnh đau thương, lại đau thương nữa lại
đau thương hơn? Ai ở ta đã rỉ tai Trung Quốc hãy mở cái cửa đột phá này chăng?
Rồi Nguyễn
Thành Long cho biết Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu vừa làm một bữa chiêu đãi mấy nhà
văn nhà thơ Khu 5 trong có Chế Lan Viên (riêng Nguyễn Thành Long cũng ở Khu 5
nhưng không được mời dự). Hai vị nêu rõ nguy cơ chủ nghĩa xét lại làm mất cách
mạng, kêu gọi văn nghệ sĩ góp sức cùng với đảng dẹp chủ nghĩa xét lại nếu như
còn có tâm huyết đánh đổ đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, vậy anh em hãy cùng đảng
lên thác xuống ghềnh trận này. Dĩ nhiên Chế cảm động vì đảng coi mình nhiều tâm
huyết. Nguyễn Thành Long kể thêm chuyện nhà lý luận văn học H. X. N. khóc hôm ấy.
“Giá sử đảng
bảo N. tôi là giáo điều thì N. tôi còn cười được chứ bảo N. tôi là xét lại thì
N. tôi xin chết ngay.”
Cuối những
năm 70, một chiều tôi ngồi ghế đá bờ hồ với Lê Đạt ở trước Bưu điện thì Chế Lan
Viên đi tới. Anh quàng vai tôi cười nhoẻn bảo Lê Đạt:
- Trần Đĩnh và mình biết
nhau từ thuở hàn vi đấy nhá.
Tức là lúc
anh không được nói đến trên báo đảng. Chế
đi rồi, tôi bảo Lê Đạt:
- Gia Ninh nói hồi ở Bình Trị Thiên, Chế và Gia Ninh thề
với nhau không bao giờ vào đảng.
Chế thề bằng
chữ dân dã rất mặn mòi. Rồi Chế vào còn Gia Ninh thề nho nhã thì giữ lời.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét