Chương hai hai
Chế Lan Viên
và tôi một dạo dài quấn quít. Tôi hay đến Chế, gian giữa trong ba gian nhà gia
nhân bồi bếp trong sân sau ở bên phải ngôi biệt thự 51 Trần Hưng Đạo xưa của
Tây và cựu hoàng Bảo Đại. Anh ở kẹt giữa Bảo Định Giang và Xuân Tửu. Trần Hữu
Thung thì ở hầm dưới cầu thang trời lên nhà chính.
Tôi đến là
Chế lại khiêng chiếc ghế mây dài ra kê ở sân cho tôi “nằm hay ngồi tùy”, còn Chế
thì ngồi trên cái ghế con con bên cạnh. Giữa lúc “ngổn ngang thế sự”, “ai giáo
điều, ai xét lại, trong trần ai, ai dễ bíết ai”, chúng tôi giống nhau có thể
nói là hoàn toàn: cự tuyệt thẳng thừng mọi tư tưởng Mao, đường lối chính sách
Mao. Tôi tiếc không thể nhắc lại những hình ảnh anh chửi Mao và đám Mao-nhều
“tụt quần đái ị chùi chùi vẩy vẩy theo lệnh Thiên triều”. Những lúc chửi ấy, Chế
cười rất nở, rất hết lòng dạ, đường môi lượn cong hết cỡ dẻo mềm và không thành
tiếng, chỉ xí xí xí như rúc, như dụ dỗ. Đặc biệt, con mắt nghịch ngợm thông
minh của anh lại có vẻ như đang liếc trộm lên trên - đấy, trên ấy đấy…
Chiều tháng
11 năm 1963 ấy, khiêng ghế cho tôi xong, anh ngồi xuống, một tay đặt lên đùi
tôi, im lặng, đôi mắt thông minh nghịch ngợm cười tít lên một lúc với cái tiếng
xí xí xí rất đều ở miệng (nó cứ khiến tôi nghĩ tới một hỗn hợp hóa chất đang trộn
vào nhau và tác động đặc biệt không ra khói). Rồi nói: - Này, bàn tay Chế miết
trên đùi tôi, hôm qua còn ôm hôn đồng chí một trăm cái hôn, hôm nay đéo mẹ cha
đồng chí rồi đấy.
Cụ Hồ thường
kết thúc các điện gửi Khroutchev bằng câu "gửi đồng chí một trăm cái hôn”. Tôi ngỡ Chế đùa. Vì sau đó, vẫn như thường lệ
chúng tôi chửi Mao “hiếu chiến”, “phiêu lưu”, “đói rồi điên bỏ cha lại muốn làm
cha tất cả…”
Ra về, tôi vẫn
không nghĩ Chế vừa rủ tôi cùng làm một bước valse vĩnh biệt để cho ra mắt những
câu thơ như: “Hỡi những con thỏ hòa bình, ta chiến đấu chính vì ngươi đó, ngươi
nghịch tuyết trong khi ta chịu lửa” và “Con cúi xuống hôn bàn tay Người (Mao Chủ
tịch) không chút vẩn bụi cá nhân...”
Phải nói Chế
Lan Viên đọa không đến nỗi quá lâu. Rồi anh lại đã viết “chưa cần cầm lên nếm,
anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn. Cầm lên nhấm
nháp. Chả là nếu anh từ chối. Chúng sẽ bảo anh phá rối… Rốt cuộc anh lại ngồi
vào bàn. Như không có gì xảy ra hết. Và những người khác thấy anh ngồi. Họ cũng
ngồi thôi. Nhai nhồm nhoàm". (Bánh Vẽ)
Tóm lại, theo
thì được hít bã mía là ngồi vào bàn cùng nhai và không bị chụp cho tội phá rối.
Được gọi bất cứ ai là chúng. Cũng nên nói khi đọc “Di cảo”, tôi rất thương Chế. Vậy Chế là người đầu tiên cho tôi biết đảng
“theo Mao”.
Còn người đầu
tiên cho biết Nghị quyết 9 đã ra đời là Kỳ Vân. Tôi vừa leo cầu thang trời lên đã thấy anh đứng chờ ở cửa, nụ cười hơi
cưng cứng trên môi. - Thông qua rồi đấy, anh nói!
- Thông qua? Sao lại thế? Lạ nhỉ? Đại hội 3 đề
ra ưu tiên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và do đó chiếu cố miền nam
thôi.
- Duẩn theo Mao hẳn hoi rồi. Có cậu bảo tớ là ở
Hội nghị 9 đã phổ biến ý Duẩn nói tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin của
thời đại ba dòng thác cách mạng Á - Phi - La.
Tôi văng
ngay ra:
- Thế thì ra cái đếch gì nữa chứ!
- Mình nghĩ thấy chuyện ấy đúng đấy. Theo Mao
đứt đuôi rồi. Phát động chiến tranh đánh Mỹ rồi. Sẽ tuồn người với súng ống vào
Nam ghê gớm hơn… Phần hai tối mật của Nghị quyết 9 là nghị quyết chiến tranh!
Theo Mao, chủ trương vũ trang để thống nhất đất nước của Duẩn, Chí Thanh đã thắng.
Trường Chinh
đầu hàng Duẩn là cánh chủ hòa quỵ. Chiến tranh thì sẽ áp dụng chính sách cộng sản
thời chiến, hết dân chủ. Tôi chợt mệt tưởng như có thể khuỵu xuống. Vốn đã biết
Nghị quyết 9 là nhằm chuẩn bị đánh Mỹ nhưng nghe Kỳ Vân, tôi ngỡ nghe thấy lần
đầu. Không muốn hỏi thêm nữa. Mới nhận thấy vì quá sợ, quá ghét cái triển vọng
bom đạn ùng oàng nên lâu nay tôi cố tin hết từ Trường Chinh, Cụ Hồ đến lương
tri của Trung ương để rồi nay thì chiến tranh nó đang lù lù ở trước mặt. Một cuộc
chiến tranh mà người ta đã đem trang hoàng như cỗ xe hoa lộng lẫy trong hội lễ
hóa trang carnival… với bầu khí quyển khủng bố mà bọn chúng tôi đang được nếm
trước.
Ở tôi lúc
này trùm lên trên tất cả là tâm trạng thua. Đúng hơn, một không gian thua, một
trận địa thua, một đời vét sạch cho thua, thua nhẵn, thua nhục, thua rã rượi
mênh mang toàn diện và nó đang dìm tôi ngập lút vào trong nỗi tự ái cay đắng.
Tôi thấy tôi bơ vơ, côi cút trong đêm đen ngòm ở giữa một sa mạc hoang vắng là
thế giới hung hãn khát máu này.
Sao hòa
bình, dân chủ không lay động nổi lương tri người ta? Tôi thở dài.
- Cụ Hồ không bỏ phiếu, - Muốn đỡ tôi, Kỳ Vân
nói.
Anh đâu ngờ tôi lại càng muốn đổ sập xuống vì
người mà tôi hy vọng cuối cùng thế là cũng thua nốt: thua đám con em của Cụ
trong cơn nguy cấp ầm ầm sấm sét này. Thì ra thường là Cụ thua. Cụ đã từng thua
những Trần Phú, Hà Huy Tập. Và có lẽ cả Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Cái án
Stalin quàng vào Cụ nó vẫn lơ lửng trên đầu Cụ và Cụ chiến đấu với đằng lưng hở
toang hoác…
Hai chúng
tôi ngồi im lặng. Như một phút tưởng niệm. Tưởng niệm cái gì không rõ? Có thể
vô thức báo trước là nên tưởng niệm quãng ngày ngây dại ú ớ đã qua và chấm dứt
mãi mãi từ nay... Lúc ấy tôi đâu thấy về khách quan mà nói, nhờ Mao đánh xét lại
mà thế giới sẽ sang một vận hội mới, hết phe và chiến tranh lạnh. Hết cả quan hệ
phên giậu, môi răng…
Thật ra tôi
đang bị hai nỗi sợ ám dữ: chiến tranh sắp nổ ra và tới đây tôi sẽ bị như thế
nào nên đầu óc tôi gần như mụ mị.
Kỳ Vân nói:
- Cụ Hồ, Trường Chinh, Giáp không muốn ngả theo Mao, nhưng Duẩn tin rằng theo sấm
sét của tư tưởng “Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” thì sẽ giải phóng thống
nhất đất nước và vượt lên trên công tích Cụ Hồ. Bắc Kinh phát động chiến tranh
nhưng phất cái chiêu bài nghe rất cao thượng là bảo vệ sự trong sáng của chủ
nghĩa Mác.
- Nói “thiên hạ đại lọan thì Trung quốc được
nhờ”, Mao đã rất mẹo là nâng nhiệt tình đánh Mỹ lên thành chuẩn cao nhất ở
trong sự nghiệp “bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa”, thế là anh nào cũng nổi
máu đánh đấm để tỏ ra trung thành với chủ nghĩa.
Đã ngờ cái
chữ “Trung Quốc được nhờ” nhưng lúc ấy chúng tôi vẫn chưa bắt được trúng nọc của
nó: có xúi và giúp thiên hạ đổ máu đuổi Mỹ đi khỏi vùng này, Trung Quốc mới
quàng lấy được hết Biển Đông và châu Á.
Tối ấy, nghe
Kỳ Vân, tôi bỗng thấy đầu óc trống rỗng chẳng còn gì nữa. Và kỳ quái, tôi lại
hình dung ra rõ ràng trên bốn bức vách của cái không gian trống rỗng kinh hòang
là đầu óc tôi ấy đang đầy những vi ti huyết quản đen ngòm chằng chịt như ở mặt
trong của vỏ trứng vịt lộn. Hơn nữa chúng như như đang lớn lên, cứng đanh ra…
Rồi chẳng biết
nói gì hơn, chúng tôi chia tay nhau.
Quay lại cười (để tỏ ra vẫn bình tĩnh) với Kỳ Vân đứng tiễn ở đầu ngõ, tôi
chợt thấy miệng khô khốc, đắng chát. Tôi
đạp xe về qua quãng Hội nhà văn, Nhà khách Chính phủ đường Nguyễn Du ngào ngạt
suốt một đoạn dài mùi hoa sữa - mùi trầu cau nồng nàn say ở miệng người con gái
- rồi mùi hoa hoàng lan ở một ngôi nhà gần tòa soạn báo Thống Nhất. Chợt nhận
ra mấy câu hỏi đang chen lấn nhau để trình diện với tôi: “Thế là thế nào? Còn
tin vào ai?”, “Sao lại là thế được?”, “Ừ, có khi mai Trung ương lại ra một nghị
quyết khác. Chả lẽ lại chọn phang cặp díp một lúc cả Mỹ lẫn Liên Xô hay sao?”... Cái lô gích sách lược này làm đầu tôi dịu đi được một ít. Tự khen: khá lắm!
Chủ hòa chắc vẫn nhiều sức thuyết phục hơn. Dẫu sao hòa bình cũng là lương tri
vượt trội mà.
Nhưng thình
lình nỗi sợ như một cơn lũ ở đâu ục ra tràn đi rất nhanh choán hết tâm trí tôi:
tự nhiên cái đèn đỏ báo hiệu tôi là phản cách mạng mà Hữu Thọ đã cảnh cáo hôm
nào chợt treo lên lù lù. Đúng thế, ngọn đèn cấm đi tới đang là một tâm điểm bất
động treo lơ lửng đỏ lừ, ở cách tôi chừng dăm mét, nằm chính giữa trục ghi-đông trước mặt kia, rất to, rất rõ, rất đỏ, một màu đỏ kỳ lạ, đặc bíệt rất hằn
học, rất hể hả, rất hiểm ác nữa. Nó là dòng chữ “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư
tưởng Lê-nin của thời đại ba dòng thác cách mạng...” vỡ đê rồi. Lụt to rồi… Tôi
chợt rùng mình lẩm bẩm… Ngỡ như nước đang ngập lên đến tận cổ. Có lẽ cái rùng mình này đã bất chợt cho vụt
hiện trở lại rõ như mới hôm qua hình ảnh một cuộc đấu tố ở Bắc Kinh hí kịch học
viện, ngách Trống Thanh La, luo gu xiang, ngõ Bông Sợi, Mian hoa hu tung. Tối
hôm ấy tôi sang đấy chơi với bạn bè Việt Nam. Qua một hội trường đặc người tôi
dừng lại nhìn vào: tất cả sinh viên, những nghệ sĩ tương lai, cùng giáo sư, giảng
viên, công nhân viên chức đang hung hãn đấu một chú bé chừng mười ba tuổi đứng
run cầm cập trước cử tọa lần lượt lên quát mắng, dí trán, đẩy ngực: phạm nhân
tí hon này ăn cắp mấy tem phiếu mua được chừng nửa cân Trung Quốc dầu ăn...
Tôi ngờ rằng
nhờ chính hình ảnh người đồng đội thiếu nhi bị đấu tố kia sống lại ở trong tôi
giây phút ấy mà sau này tôi đã không run, không líu lưỡi. Khi chú phạm nhân bật
khóc thì các nghệ sĩ tương lai lại hét ầm ầm: - “Đừng hòng dùng nước mắt giả dối
để trốn tránh sức mạnh chuyên chính!”
Phản ứng gì
của đối tượng cũng là lừa dối hết. Nhìn chú bé lúc ấy tôi chợt thấy sức co giãn
của các cơ bắp mặt người có thể làm cho tất cả méo xệch đi ghê gớm đến đâu. Tôi
bàng hoàng: sao tập thể trí thức, nghệ sĩ lại có thể tàn bạo như thế kia với trẻ
con? Cái dớp chống phái hữu diễn ra trước đây ít lâu đã có sức “cảm hóa” con
người trở thành hung hãn đồng đều như thế kia ư?
* * *
Chưa có cuộc học tập nào nghiêm trọng, căng thẳng
và rợn bằng học Nghị quyết 9. Ngành báo
chí, tuyên truyền học ở hội trường Đài phát thanh trung uơng. Đông cả hàng
nghìn con người. Và cả hàng nghìn con người ấy đều cùng bày ra một khuôn thước
mặt không giấu đi nổi nét lo âu, phiền muộn. Trong bài “cô du kích Lai Vu”, Tố
Hữu chẳng đã đe đánh thắng Mỹ sẽ quay sang trị những con rắn độc xét lại đó
sao? Thế mà hình như tôi lại chỉ mải bận rộn với cái bụng đầy bất bình ngổn
ngang của mình, không chú ý tới giữ gìn cái mặt.
Một tuần đến
nghe toàn những ngụy biện, xuyên tạc, hung hăng gây gổ và ngạo mạn ta đây cách
mạng duy nhất, đúng đắn duy nhất, cứu tinh duy nhất của phong trào cộng sản và
giải phóng dân tộc... bởi lẽ đơn giản là ta kiên trì cách mạng vô sản, ta kiên
trì đấu tranh giai cấp, ta dám chiến tranh cách mạng. Tóm lại, xây dựng cho bằng
được ý chí quyết thực hiện khẩu lệnh kích động Mao vừa đề ra có sức kích động
những người vừa nghèo vật chất lại vừa trắng trơn học thức, nhất cùng nhị bạch,
nghĩa là những người chả có gì để mất ngoài cái mạng sống khốn khổ: đánh Mỹ là
bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa.
Tố Hữu kháy
vào tự ái dân tộc: đồng chí Lê Duẩn đang trình bày quan điểm của đảng ta thì
Khroutchev lại hỏi Souslov cái giống cá gì ở hồ gì ăn ngon nhỉ. Lại hỏi tôi đồng
chí Tố Hữu chắc là thuộc thơ Mao Trạch Đông lắm? Ức thế nhưng Tố Hữu cho qua được.
Tố Hữu chỉ bật nghẹn ngào khi than lên rằng Trung Quốc hòa bình như thế mà
Khroutchev hắn ta nỡ bảo Trung Quốc là hiếu chiến... Nghe những tiếng nấc nghẹn
ngào khi than thở đó, tôi rất muốn phì cười. Không hiếu chiến mà lại phát lệnh
“Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ!”
Sau này, tháng 2-1979 Trung Quốc đánh sang sáu
tỉnh biên giới Việt Nam, Tố Hữu không nức nở. Chỉ làm thơ trách ai đã dại đem
tim đặt lên đầu, quên rằng chính Việt Cộng đã đem cả tâm can đặt vào đầu Mao Chủ
tịch. Cũng không tuyên bố thủ tiêu bài thơ ru “Cuba Có về Nam Hải với anh thì về,”
nhiệt thành lấy tên Nam Hải của Trung Quốc để gọi Biển Đông, coi là biểu tượng
của mối liên minh vô sản mới ở phương Đông.
Vụ trưởng
báo chí Lưu Quý Kỳ nhay nháy mắt khẳng định hùng hồn trước cả hàng trăm dân
tuyên huấn học Nghị quyết 9, rằng: các đồng chí ơi, đánh Mỹ chỉ cần một hậu
phương tám trăm triệu dân là đủ rồi, mong nhiều làm gì, nhiều mà lại hại đấy.
Kìa, sợ Mỹ xón vó lại, muốn lấy lòng Mỹ, chúng lộ bí mật của ta cho Mỹ biết
ngay đấy à!
Gốc Minh
Hương, vị vụ trưởng tự khoe quê Hồ Nam với các nhà báo Trung Quốc này nêu rõ
nguyên nhân thiếu thốn của Việt Nam. Sao chị em không có lụa đen may quần,
không có guốc đi? Chuyên gia Liên Xô chúng nó bê hết cả về bên đó mất cả. Chúng
hết sức đói nghèo. “Khổ lắm, đi đường trông chị em ta hết cái dáng thướt tha vì
không có lụa may quần, tôi thấy căm thù bọn xét lại vơ vét của ta ghê quá...”.
Tôi đứng
lên, mở cửa ra. Lấy xe đạp đi. Đến Cửa Nam bỗng thấy Chính Yên lặng lẽ đạp ở
bên. Anh khẽ thở dài:
- Mình đi theo... Sợ Đĩnh làm một cái gì!
- Cảm ơn... Đã định cho một lựu đạn rồi đấy...
Là đứng lên nói thật to: Này anh Minh Hương nhận vơ là cùng quê với Mao Trạch
Đông... hãy im đi!
Sáng hôm ấy,
bỏ nghe Quý Kỳ, tôi lên Hồ Tây có Chính Yên hộ tống nghe sóng vỗ oàm oạp giữa
trời mà lòng nguôi dịu. Xa xa, đằng Bắc Ninh hay Cổ Loa lờ mờ hiện lên mấy nét
thanh thoát của mấy tháp điện cao thế. Tôi lại thấy chúng giống những vết ríu
vá cho vòm trời đang bị bục. Một cái gì tốt đẹp đang biến hình, tự hủy từ nay ở
trong tôi. Trời mà còn rách còn vá víu thì thôi rồi…
Một lúc, lắng
lại, tôi kể Chính Yên nghe chuyện hôm nào Thép Mới phàn nàn với tôi: Đang họp
ngành tuyên giáo báo chí, buổi trưa thằng Lưu Quý Kỳ đi xe đến nhà tao rủ tao
đi.
Biết đâu nó
cho xe đến nhà Tố Hữu vào đón Tố Hữu. Tố Hữu lạnh ngay mặt bảo: - “Lần sau các
anh đừng phải đến nhắc bảo tôi!” Thằng Kỳ nháy mắt dạ liên hồi, quay ra.
Kiếp, tao xấu hổ quá. Nó ra xe lại bảo đến đỗ ở góc Đặng Dung chờ xe Tố Hữu đi
qua thì bám sát. Khi Tố Hữu vào hội trường, nó theo ngay sau Tố Hữu. Hội trường
vỗ tay, nó nhay nháy mắt vỗ tay trả lại. Sư nó, may quá, tao lỉnh ngay từ
ngoài cửa...
Sáng sau, giải
lao, xếp hàng chờ quanh rãnh đái dài ba bốn mét chạy dọc bức tường ngăn đôi Đài
phát thanh với báo Chính Nghĩa, tôi nói:
- Ơ, Đài phát thanh đái vào lưng Chính
nghĩa kìa?
Chờ một phản
ứng dữ. Nhưng vài chục người túm tụm chờ ở đấy đều tủm tỉm cười. Có mù mới
không thấy sự thật địa chính trị thù lù này.
Đã biết
Trung Cộng đàn áp “phái hữu” như thế nào, đã biết Nghị quyết 9 là theo Trung Cộng
nhưng tôi không nghĩ Ðảng sẽ lại đàn áp những người không tán thành chiến
tranh.
Chúng tôi
nghe nói Cụ Hồ không biểu quyết. Nhiều lần giơ tay toan nói Cụ đều bị Lê Đức Thọ
ngăn, bảo nhường cho người khác. Theo tôi, lãnh tụ đảng mà không biểu quyết thì
là thách thức dữ dội đầu tiên một mất một còn Cụ đưa ra với đàn em và Bác sẽ
quyết đương đầu đây. Nhưng rồi Trường Chinh mà tôi rất tin là chống Mao đã cuốn
cờ… Và Bác cũng lui vào sau cánh gà nốt, góp phần vào cuộc diễn tấu hùng ca bằng
những bài thơ thúc trống trận.
Đến Liên Xô
hội đàm nhạt nhẻo xong, đoàn đại biểu Việt Cộng sau Hội nghị 9 ghé qua Bắc Kinh
về nước, báo Nhân Dân Hà Nội đón bằng bài xã luận ca ngợi vai trò Bắc Kinh lãnh
đạo phong trào cách mạng thế giới. Gió Đông Mao đã chính thức thổi bạt Gió Tây
Xô!
Bấm nút cho
Nghị quyết 9 ra mắt chắc phải là Lê Duẩn. Với Lê Duẩn bây giờ, Mao còn quăng quắc
hơn cả Lê-nin. Các tư liệu ngày ấy tôi
cho vào thúng chị ve chai cả, giữ lại có “Mấy vấn đề quốc tế và Ðảng ta” -
trong đó nổi bật tư duy “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin trong thời
ba dòng thác cách mạng” - và Báo cáo chính trị Đại hội 4 (1976) của Lê Duẩn (chỉ
ra thế giới đứng trực tiếp trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang trào dâng
sôi sục và Hà Nội nay chỉ còn con người yêu thương nhau vì đã xóa bỏ được chế độ
người bóc lột người.) Học Nghị quyết 9, tôi đã ngờ vực sao người ta ít nêu Cụ Hồ
ra. Tôi chưa thấy Hồ Chí Minh không biểu quyết là đã ngụ ý không chấp nhận Mao
hay “tư tưởng Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng” và Mao sẽ chấp nhận Lê Duẩn
mà gạt Hồ Chí Minh… Duẩn hoan nghênh quá chứ? Tư tưởng Lê-nin cơ mà.
Chương hai ba
Trong hội
nghị trung ương 9 khóa 3, có hai chuyện đụng đến Lê Liêm, chính ủy của chiến dịch
Điện Biên Phủ. Anh tham luận phản đối đường lối Mao. Mở đầu anh nói ngay: “Phát
biểu thế này là chết tôi đây...”
Bíết chết vẫn
nói vì anh tin rằng làm thế mới đúng "lương tâm trung thực của người cộng sản”.
Nhưng với trung ương ủy viên thứ trưởng công an Lê Quốc Thân thì lương tâm
trung thực của người cộng sản lúc ấy lại là tuyên bố giữa hội nghị rằng chỉ cần
Trung ương ra lệnh là trong vòng bốn mươi lăm phút công an chúng tôi tóm cổ hết
bọn xét lại.
Cụ Hồ bèn
nói: - Chú hãy tóm cổ Bác trước!
“Lương tâm cộng
sản” không được thể hiện đầy đủ, về tổ thảo luận, Thân chỉ vào mặt Lê Liêm nói
tiếp: - Mày còn thở ra cái hơi xét lại, tao lập tức tóm cổ mày.
Ngày 20-4-1981, Lê Liêm viết một thư gửi Trung ương nhắc lại chuyện này và hỏi: “Hội
nghị trung ương mà để cho trung ương ủy viên giở giọng lưu manh nói với trung
ương ủy viên như thế hay sao?”
Thể nghiệm của
Lê Liêm còn sót bỏng đó. Nhờ chuyên chính mà trong Hội nghị trung ương 9, người
ta mới vặn hỏi Lê Liêm tại sao hay gặp Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm.
Liêm hỏi lại:
- Trung ương ủy viên gặp nhau thì phạm kỷ luật gì mà chất vấn tôi? Tôi cũng gặp
các anh Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn ở tại nhà tôi thì sao các anh không hỏi?
Nhờ chuyên
chính vô sản mà Song Hào, Phạm Ngọc Mậu, đàn em xa của anh mới nổi tiếng la rất
cách mạng với phương châm bất hũ đào tạo chỉ huy trong quân đội: tiểu tư sản mười
năm đề bạt một cấp là nhanh, bần cố nông đề bạt một năm một lần là chậm. Đó
chính là phát triển chỉ thị của Mao Chủ tịch: nhất cùng nhị bach, quần chúng
nghèo khổ nhất, vô học nhất ne n cách mạng nhất và đảng phải dựa vào hơn cả.
Lê Liêm rồi
không gửi thư kia nữa. “Chả làm gì lại được đâu mà...” Nhưng tôi giữ một bản sao. Xong Nghị quyết 9, tôi được nghe truyền đạt rằng
từ nay Cụ Hồ thôi họp Bộ chính trị - vì “sức khoẻ” - còn Võ Nguyên Giáp, Lê
Liêm thì ngồi chơi xơi nước và học nhạc lý cùng piano. Đảng ra tay trấn áp rất
nhanh. Nghe nói lục soát cả chỗ làm việc.
Đến tận sau
này, thỉnh thỏang Lê Liêm lại quàng vai tôi nhăn mặt kêu tiếc: - Công an tịch
thu mất tổng phổ bản giao hưởng Điện Biên Phủ do anh Giáp với mình làm chung.
- Lễ mất đằng lễ, nhạc mất đằng nhạc, nghĩa
cũng mất nốt, - tôi thở dài nói. Lễ là lon tướng của các anh, nhạc thì giao hưởng
Điện Biên Phủ, nghĩa là ba ông tướng làm nên Điện Biên Phủ đều tong...
Trên đây là
chuyên chính với Cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp, Bùi CôngTrừng, Lê Liêm. v. v. Còn
chuyên chính với Ung Văn Khiêm?
Chính Khiêm
cau mày bảo tôi: Mình sắp lên xe ra sân bay đi Liên Xô thì công an bắt mở va li
ra để khám. Khám trung ương ủy viên, khám bộ trưởng ngoại giao... Merde, mais
c’ est ínsultant... (Mẹ,thật là nhục mạ..). Công an mật bố trí đầy ở quanh nhà
mình phố Cao Bá Quát. Với ủy viên trung ương còn khinh như rác thế thì dân đen
ra cái cứt gì với họ?
Bốn ủy viên
trung ương bị khai trừ khỏi đảng. Toàn những bậc đại công thần. Võ Nguyên Giáp
còn trong đảng nhưng cũng bị bêu trong nghị quyết 20 của Trung ương khóa III về
“Vụ án chống đảng” với cái tên gọi tắt thành X. Tin này được truyền đạt cho cán
bộ từ trung cấp trở lên và tai tôi nghe. Rồi đủ mọi tin đồn: Giáp là con nuôi mật
thám Marty, vào đảng man, nịnh Cụ Hồ để Cụ o bế. Đáng nói nữa là người ta chuẩn
bị đày toàn gia Giáp già trẻ lớn bé ra đảo Tuần Châu.
Và hơn mười
năm trời bị bong lon đại tướng trên báo chí... Trong vụ lột lon Giáp phải nói tới công mở đường lột ngầm dai dẳng của
báo đảng. Bản tin Thông tấn xã vẫn viết đại tướng Võ Nguyên Giáp như thường lệ.
Một hôm, Thịnh, tay súng thiện xạ của Hà Nội, một anh sửa mo-rát nhà in bảo tôi
dạo này em thấy trên bản tin Việt Nam thông tấn xã tòa soạn đưa sang cứ chỗ nào
có đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thủ trưởng Hoàng Tùng lại giập hai chữ “đại tướng”
đi!
Tôi hỏi sao
biết là Hoàng Tùng?
- Ồ, lâu nay lệnh là chỉ tổng biên tập mới chữa
bài bằng mực đỏ thôi mà...
Quá siêu! Ít
lâu, nhận ra hiệu lệnh, các báo nhất tề lột nhẵn. Quả đấm này xảy ra sau buổi
Lê Duẩn đến báo Nhân Dân nói với các trưởng phó ban trở lên, rủa Giáp là đồ hèn,
nghe tôi nói đánh Mỹ là tay cứ run lên như thế này (giơ tay ra run, minh họa sống
động.)
Đến chiếc mũ
phớt Giáp đội từ lúc dạy học ở trường Thăng Long rồi tha sang Tàu để cuối cùng
diện trái khoáy trong lễ ra mắt Giải phóng quân cũng bị chê nốt. Sáng ấy, báo
Nhân Dân đăng bài kỷ niệm thành lập quân đội, có bức ảnh đơn vị Giải phóng quân
đầu tiên với Giáp đội mũ phớt. Họp toàn cơ quan, Hoàng Tùng giơ bức ảnh lên nói
với tất cả hội trường: “Lại còn đi bê cái mũ ph này lên làm gì nữa đây?” Giọng
đầy miệt thị.
Dân có những
ca dao hay vào bậc nhất trong kho tàng ca dao Dân chủ Cộng hòa: Chiến trận ba mươi năm, Tướng võ không còn
nguyên mảnh giáp
Và
Trước kia đại
tướng cầm quân, Bây giờ đại tướng lột quần chị em.
Hay
Ngày xưa đại
tướng công đồn, Nay thì đại tướng bít l. chị em.
Giá trị hai
câu thơ này bị giảm nhiều vì văn hóa đòi phải viết tắt một chữ vốn là linh hồn,
hơi thở, lá cờ soái của tác phẩm.
Một thầy
giáo ở Nam Định bảo tôi: - Không ngờ ông tướng này lại Vỡ Vụn Giáp. Có thơ rồi
đấy: Nhờ Tây thành nguyên giáp. Nhờ Duẩn, Giáp vụn tan…
Sau này dân
Quảng Bình tổng kết năm 1963 hai “thánh nhân” của mảnh đất này bắt đầu lụn bại.
Đó là Võ Nguyên Giáp và Ngô Đình Diệm. Diệm bị mất mạng, Giáp còn mạng nhưng nhục.
Diệm bị Mỹ không ưa nên quân tướng của ông xơi, Giáp bị Mao Chủ tịch ghét nên
các đồng chí thân thiết của ông bôi nhọ cho bằng đủ kiểu. Sáng kiến cải tạo thủy
lợi, đào kênh Đại Phong cho Quảng Bình lên 5 tấn là của ông Nguyễn Chí Thanh phụ
trách nông nghiệp - việc này có thật - nhưng con kênh này về mặt phong thủy đã
chặt đứt mất long mạch ở quê của hai vị Diệm và Giáp (việc này thì dân đồn).
Đánh bằng đường
âm nữa thế này thì liệu có phải nhờ thày Tàu?
* * *
Ở báo Nhân
Dân, một số kiện tướng chống xét lại thăng chức. Phan Quang lên trưởng ban nông
nghiệp thay Lưu Động rồi cùng Hồng Hà theo Hoàng Tùng thăm ngay Trung Quốc, tổng
hành dinh của trận địa chống xét lại, nhận hào quang vẻ vang Mao-ít từ ngay
trong lòng nôi cách mạng.
Hữu Thọ vượt
ba cấp từ cán sự 5 lên phó ban nông nghiệp. Đám xét lại bị xua quét. Lưu Cộng
Hoà, Hồng Thao sang Ban nghiên cứu lịch sử đảng. Tại đấy, trong một cuộc họp, vừa
phát biểu ý kiến xong, Lưu Cộng Hoà bị ngay vị phó ban cựu bí thư tỉnh Kiến An
ném luôn chiếc gạt tàn thuốc lá pha lê Tiệp nặng nửa ký vào mặt. “Này, bây giờ
mà còn thở ra giọng xét lại này!” Ông già tránh kịp nhưng cái kính lão vỡ tan.
Vụ này lên tới Trường Chinh, người trông coi cả Ban nghiên cứu lịch sử đảng.
Nhưng Trường Chinh có lẽ nghĩ ai lại đi dội nước lạnh vào nhiệt tình của cán bộ
và quần chúng trong khi nguyên nhân khiến Liên Xô, thành trì cách mạng hóa
thành phản bội chính là do thiếu nhiệt tình nên Chinh không can thiệp.
Trần Châu,
Lưu Động vào tù. Tôi và Chính Yên qua thẩm vấn rồi đi lao động cải tạo. Hồng
Hà, Hữu Chỉnh “chuyển biến tốt” đều theo Sáu Thọ sang hội nghị Paris. Một trưa,
vợ Hữu Chỉnh đến tìm tôi ở báo. Rơm rớm nước mắt đưa cho tôi một trăm đồng.”
Anh Chỉnh ở bên Paris báo về là đem trả anh món nợ quá lâu này và xin cảm ơn
anh.”
Tôi nghĩ mãi
không hiểu tại sao mắt chị lại đỏ hoe. Hai năm trước, quãng cuối 1963, một buổi
trưa Chỉnh và tôi cùng ở cơ quan về. Đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hai
chúng tôi đứng lại dưới bóng cây si già vài trăm năm có lẻ. Chỉnh thở ngắc, cổ
cứ vươn cứ dướn lên:
- Tối qua chi bộ họp, ông Thành Lê tố cáo tôi
thèm bơ sữa phản động đã chạy xin một giấy mời chiêu đãi kỷ niệm Cách mạng
tháng Mười Nga ở đại sứ quán Liên Xô. Đáng sợ chưa?
Ai? Ai? Tôi
có đòi đâu? Tôi có thèm khát vật chất đâu? Ai tung ra cái tin này để giết tôi?
Ai định hại tôi? Ai định giết diệt tôi đây mà... Ông Lê còn nói là đang nhờ
công an điều tra đến tận nơi vụ này...
Hai tiếng giết,
diệt kéo dài và rít lên thê thảm. Hai con mắt nhớn nhác sợ hãi. Hình như có cả
giậm chân, đấm ngực. Nghe Chỉnh rên rỉ,
tôi nghĩ đến tác phẩm “Số không và vô hạn” (Le éro et l’infini) của Arthur
Koestler. Khi đọc những trang ngột ngạt của nó, tôi cứ hình dung ra những con mắt
nhớn nhác trên các trang giấy mà lúc này tôi lại thấy giống hệt con mắt quay đảo
rất nhanh của Chỉnh.
Khi Kỳ Vân bảo
tôi đã có Nghị quyết 9, thực chất là nghị quyết chiến tranh, tôi đã sợ. Nhưng rồi
tôi vẫn “nhơn nhơn cái mặt” và như các bạn giỏi tử vi nói, tôi hoạch phát nhưng
cũng rơi tõm rất nhanh vào đống rác bên đường tiến quân của đảng.
Nhưng chính
những ngày ấy, tôi nói: - Này, nên nhớ cho kỹ rằng chỉ cần mày tưởng bở bước ra
khỏi bản chất trí tuệ mày chỉ một nửa cái ngón chân thôi là mày lập tức biến ra
thành thằng hề.
* * *
Bây giờ, gần
bốn chục năm đã trôi qua, viết lại những chuyện này tôi thấy thế nào? Thấy với Việt
Cộng, Liên Xô mà Hồ Chí Minh coi là quê hương cách mạng, nơi lãnh tụ Lê-nin vạch
ra cho Nguyễn Ái Quốc “con đường cứu nước” để cho Việt Nam rẽ theo cộng sản, té
ra rồi cũng không bằng Trung Quốc, răng của Việt Nam, nơi đã cho Hồ Chí Minh
chiếc kim chỉ nam qúy báu chỉ đạo cụ thể từng bước đi lên của cách mạng, kể cả
phản đối chính ngay “đầu tàu cách mạng.”
Như tôi đã
viết trên kia, có một người thâm hỉểm đầy dã tâm, mưu mẹo coi thiên hạ quá lắm
chỉ bằng một chậu nước có thể dễ dàng lắc cho chòng chành nghiêng ngửa rồi hắt
đi. Bởi vì “thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ.” Trong chậu sóng gió nhân tạo
đục ngầu đó, những con rối - mà tôi ở trong, mà tôi cuồng nhiệt - la hét, chửi
rủa, hiểm độc hãm hại nhau, ngỡ đang sắt son bảo vệ chân lý trong sáng vì lợi
ích của nhân dân cần lao toàn thế giới... Rồi ruồi muỗi chết.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét