Chương bốn hai
Sau Nguyễn
Trung Thành tôi cần nói đến Lê Kim Phùng, Cục trưởng A25, cai quản an ninh văn
hóa chính trị, tuy tôi gặp Phùng trước vụ Nguyễn Trung Thành minh oan năm năm.
Để thấy từ 1990, phía công quyền đang có những tính toán mới về vụ án “xét lại”
chúng tôi.
* * *
Khoảng cuối tháng 5-1990, thình lình một
hôm, trưởng công an phường cùng hộ tịch viên dẫn hai người thường phục nhận là ở
“phòng phong trào” đến nhà tôi. Tôi và Linh tiếp.
Tôi nói
ngay:
- Nay đổi mới,
trực tiếp gặp thế này hay hơn bí mật theo dõi... đáng sợ. Một dạo các anh gài
người ngay trong nhà anh Hồ Sĩ Đản ở trước nhà tôi, một công an khu vực mách
tôi mà. (Chính là Thắng, công an khu vực cuối những năm 80 nhưng tôi không kể
tên.) Các anh đến, tôi nói ngay trước tiên một ý bao trùm, đỡ phải rào đón:
không đổi mới thì Ðảng chết trước. Rồi dân theo sau. (Phải cho dân cùng chung hoạn nạn với Ðảng là
vì lịch sự và tự vệ. Để mình đảng chịu thì sẽ rầy rà.)
- Nhưng Đông Âu đổi mới mà chết đấy. - một anh
thường phục nói.
- Các anh có biết kỷ niệm Cách mạng tháng Mười
vừa rồi, Liên Xô mời Nguyễn Văn Linh thay mặt phong trào cộng sản quốc tế đọc
diễn văn chào mừng là vì sao không? Vì khác Việt Nam, các nước Đông Âu không đổi
mới. Thép Mới viết Cuba nói “đổi mới hay là chết” liền bị Cuba cự.
- Đổi mới mà Gorbatchev lại làm tổng thống?
- Đã đổi mới thì phải có thay chứ! Ta cũng đổi
mãi tên rồi đấy. Cộng sản Việt Nam rồi Cộng sản Đông Dương. Cuối 1945, đảng giải
tán, ẩn dưới cái tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tôi làm ở cái báo của Hội
này đấy, đến năm 1951 ra mắt lại thì thành Đảng lao động, mất cả cộng sản lẫn
Đông Dương!
- Anh nghĩ gì về đa nguyên?
Nghĩ không
nên mới gặp đã lộ sườn, tôi nói:
- Chưa nghĩ
kỹ, nhưng dứt khoát là phải dân chủ, phải làm đúng những điều về dân quyền đã
ghi trong Hiến pháp.
Khách ra đến
cổng Linh làm bằng các gióng tre Linh trồng, cái cổng rất hay mà cứ nhìn nó là
tôi hay nghĩ đến “cổng sài” kẽo kẹt hình như ở trong thơ Nguyễn Trãi, một anh hỏi
như bâng quơ:
- Từ nay với
các anh nên thế nào?
- Sai thì sửa,
như cải cách ruộng đất đã làm ấy.
Đổi mới chíến
thuật. “Túm thắt lưng” tiếp cận, mềm mỏng hơn, cởi mở hơn. “Không thú gì đổi mới
nhưng sinh mạng của đảng lại cứ bắt đổi mới,” - tôi bảo Linh.
* * *
Khoảng nửa
tháng sau, Vũ Đình Huỳnh mất. Đi quanh quan tài chào anh lần cuối, tôi ân hận.
Khanh, con gái anh ôm lấy tôi khóc: “Anh bỏ bố em rồi ư?” Tôi ràn nước mắt lắc.
Gần đây, tôi thưa đến anh. Lúc hay tới anh, tôi thường được dự một cuộc “mách tội”
vui của chị. Này, ai lại nước vừa sôi cho vào phích thì lại đem đổ ra đun ngay
lại. Khăn mùi soa dùng dở đem là. Trời ơi, lại còn hay dỗi nữa chứ. Ngày xưa
bao nhiêu luật sư, bác sĩ làm thơ xin tôi ngoái nhìn lấy cho chút xíu thế mà
tôi cứ đi lấy cái ông này để cả đời toàn đi thăm tù, tù tây rồi lại tù ta… Những
lúc ấy, Huỳnh lim dim mắt cười, chóp chép miệng móm như nhấm nháp lần nữa những
cái quái của mình mà vợ đang hâm cho xài lại.
Thế nào rồi tôi bẵng đi. “Hư lắm, lâu không đến nhá...”, chị Huỳnh hễ gặp
lại đe tôi. Ít lâu sau một sáng tôi đến. Chị Huỳnh cho xem ngay một bức thư vừa
nhận. Của Lê Đức Thọ. Mới ở Pháp chữa bệnh về nhưng dư luận đồn cũng là sang
xem chuyện tiền nong gửi gắm ở ngân hàng ngoại. Bức thư đặc biệt lạ. Làm cơ sở
pháp lý cho việc lật án của Huỳnh được. SaoThọ viết như thế? Tôi đã phải nghĩ
ngợi một lúc. Cái chết đã hiện ra gần? Hay tình thế mà tôi nói là cái sự đời,
cái mạng của Ðảng nó đòi như thế? Trước đó một năm, trong một cuộc họp cựu tù
Sơn La, Sáu Thọ đã trân trọng kéo Huỳnh lên ngồi cạnh, nói với tất cả hội trường:
- Cuối 1944, không có một vạn đồng anh Huỳnh chạy cho Ðảng thì Ðảng không thể
tiếp tục hoạt động để làm Cách mạng Tháng Tám.
Giá như Thọ
cũng nói Huỳnh còn từng đạp chiếc Diamant Pháp về tận quê Sáu Thọ gọi Thọ đi hoạt
động. Lúc bấy giờ tù về, vợ trẻ, Sáu thọ lặn có hơi bị lâu, Sao Đo phải bảo Huỳnh
đi tróc.
Còn khi viết
thư chia buồn với chị Huỳnh, Sáu Thọ không biết hai năm trước, túng quá, chị Huỳnh
đã phải mở một quán nước ven nhà. Ngại nó là nơi xét lại phản động liên hệ,
công an dẹp. Kiểu như đã cấm vợ Trần Dần. Thế là giằng co, xô đẩy giữa một bà
già quyết giữ tài sản và mấy công an quyết tịch thu ấm chén, chai lọ, điếu đóm.
Đang ngồi vót tăm, Huỳnh vội chạy ra, vẫn cầm con dao bài, tức là cái lưỡi nó
to bằng quân bài tam cúc. Công an bèn hô hoán Huỳnh “hành hung người làm công vụ”
rồi vặn luôn cánh khỉ hay tay của cựu thư ký Bác Hồ, đùn như đùn chiếc xe cút
kít về đồn cách vài ba chục bước với hung khí dao bài, tang vật chống đối, tất
nhiên. (Chính Huỳnh thị phạm lại tư thế cút kít này với tôi.)
Ôi, nếu như
Huỳnh không chạy cho Ðảng một vạn đồng thì khó lòng có nổi Tổng khởi nghĩa. Thì
chị Huỳnh cũng sẽ không phải bán thuốc lá “bó củi” và trà chén năm xu. Thì công
an sẽ không khoá tay cụ già đã chạy tiền cho Ðảng làm Tổng khởi nghĩa. Và nữa,
nếu Huỳnh không về quê tróc Thọ đi mà cứ để cho lặn nữa lặn hoài thì Thọ sẽ
không bắt nổi Huỳnh. Không thể không nghĩ: đời đểu quá thật! Và cay đắng hơn:
ai bảo Huỳnh dại?
Tôi bảo chị
Huỳnh cho sao nhiều bản, gửi Nguyễn Đức Tâm, trưởng ban tổ chức một, đề nghị Tâm
căn cứ tinh thần thư Sáu Thọ mà giải quyết.
Sáu Thọ có lẽ
cũng thấy chuyện đàn áp vợ chồng Huỳnh nó “đau đớn lòng” nên đã mời chị Huỳnh
ăn cơm. Chị từ chối. Thọ bèn mời gặp. Gặp nói sẽ phục hồi cho anh Huỳnh, từ chức
“thư ký của Bác” đến các quyền lợi… Chị Huỳnh nói cảm ơn anh nhưng tôi không nhận
cho một mình anh Huỳnh được. Tôi chỉ nhận khi nào anh chị em đã bị đàn áp đều
được minh oan.
Tôi đến thăm
chị Huỳnh và đọc cái thư trên kia được vài ngày thì hai người của A25 lại đến.
Mời tôi sáng mai gặp một người phụ trách.
- Lê Kim Phùng? - tôi hỏi, khẳng định ngay là
không thể ai khác. Cử những hai sĩ quan trung cấp đến nhà tôi thăm thú cơ mà!
Một biệt thự
ở Liên Trì cách hồ Thuyền Quang chừng trăm mét. Bộ xa lông trước ban thờ vẫn
còn mấy vòng hoa phúng và ảnh người chết. Tức là không phải tôi đến cơ quan an
ninh. (Cuối những năm 90, biệt thự 45 Liên Trì này đã bị cơi nới vá ghép tùm
lum thành hiệu rửa xe. Tốc độ đổi mới nhanh quá)
Dị (hay Diệp
hay Dụ? tôi không nghe rõ nhưng không thiết hỏi rõ lại, cứ gọi tạm là Dị) tiếp.
Cùng hai anh “phòng phong trào” đến nhà ngày nọ và Nguyễn Chí Hùng. Chí Hùng
hay đến tôi, sau là trưởng phòng chính trị Sở công an Hà Nội.
Dị xin lỗi:
- Bất ngờ có việc trên Trung ương, anh Phùng xin hẹn bữa khác, hôm nay anh cứ
trò chuyện với chúng tôi. Chủ động vào đầu, tôi nói ngay vụ “xét lại”.
- Trong phong trào cộng sản ai đặt ra trò xét
lại? Mao! Và ai theo Mao, các anh đều rõ. Ở ta, anh Lê Duẩn viết “Mấy vấn đề quốc
tế và Ðảng ta” xuất bản năm 1963, trước Hội nghị trung ương lần thứ 9 suy tôn
Mao lên thành Lê-nin ở thời đại ba dòng thác cách mạng. Các anh đọc thì thấy rõ
sự trở cờ đổi ngôi này. Kéo theo thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên ca ngợi Mao kinh khủng
mà nay học sinh vẫn thuộc kia. Có đặt ra trò xét lại, Mao mới nêu được khẩu lệnh
“thế giới đại loạn Trung Quốc được nhờ”, “căng đế quốc Mỹ ra khắp thế giới mà
đánh” và những ai phản đối chiến tranh như chúng tôi, kể cả các ủy viên trung
ương và Bộ chính trị, mới bị trị cho cái tội “xét lại” chứ! Đúng quá! Mao không
nêu khẩu lệnh, nhất là không chi viện thì ta đào đâu ra súng đạn, tiền nong để
đánh Mỹ? Trớ trêu là nay Trung Quốc hóa thù, Mao hóa địch và Đặng Tỉểu Bình,
“Khơ - rút - sốp thứ hai của Trung Quốc” lên hạ Mao xuống nhưng chúng tôi vẫn cứ
đeo án chống Mao. Không thể chối được việc chúng tôi thấy tội Mao trước cả Sách
Trắng của Nhà nước ta. Đảng nên sòng phẳng chỗ này. Song nay thì trưởng ban
chuyên án xét lại cũng nói khác rồi. Hôm qua đến chị Huỳnh, tôi được xem bức
thư ông Lê Đức Thọ viết làm cơ sở lật án được cho Vũ Đình Huỳnh. Các anh chắc
đã đọc? (Tất cả lắc) À, thế thì tôi thuộc, tôi đọc các anh nghe ngay đây...
“Kính gửi chị
Vũ Đình Huỳnh, Tôi đi Pháp chữa bệnh về thì được tin anh Huỳnh mất nên không thể
đến viếng thăm được. Tôi bị ung thư đã di căn, sức khỏe yếu, nay tiếp tục chữa
bệnh, không thể tới chia buồn cùng chị và các cháu. Anh Huỳnh có công nhiều với
cách mạng và nhân dân, khuyết điểm (Dị cười đính chính: sai lầm! Tôi lắc đầu:
là sai lầm thì tôi kể lại làm gì chứ anh?) Khuyết điểm! Mà chưa hết. Khuyết điểm
nhất thời...” Trưởng ban chuyên án khẳng định Huỳnh công nhiều, khuyết điểm nhất
thời thế mà tù đày như thế đấy! Dạo anh Huỳnh chết, đăng tin buồn trên báo Nhân
Dân, báo cắt nghiến luôn chữ cựu thư ký của Hồ Chủ tịch. Khuyết điểm tạm thời
mà tù bảy năm, quản thúc ba năm rồi trợ cấp “nhân đạo” mỗi tháng vài chục
nghìn. Học Mao kỹ quá đấy.
- Ta chẳng học ai hết, - một anh hơi cao giọng
lên. Anh này hôm đến nhà tôi đã nói Đông Âu đổi mới mà chết đó.
Biết thế nào
người ta cũng cãi ta không học Trung Quốc, tôi mang theo sẵn thư Trường Chinh gửi
sang Bắc Kinh cho tôi năm 1959 nói tôi phê bình đảng tắp lắp của Trung Quốc quá
nhiều là rất đúng. Thế là tôi lấy thư này đưa cho Di (Chính cái thư Phan Quang
không đọc mà vu cho tôi là “chạy ghế” với Trường Chinh. Đầu mải ghế gú - có được
không nhỉ? thì nhìn cái gì cũng ra gú ghế!)
Nhân lại thư
về, tôi nói:
- Xin hỏi đã
học ai làm cải cảch ruộng đất? À, đều rõ cả. Lại còn việc cố vấn Trung Quốc xưa
ở Bộ công an ta rất đông, hễ để bắt cấp vụ tưởng là ta đều tham khảo cố vấn…
Anh vừa nói
ta chẳng học ai lại nói:
- Nhưng Bác
Hồ cũng chống xét lại. (Tôi nghĩ anh ta lảng chuyện chắc ngại tôi bới vào tổ chấy
kếch xù này.)
- Vâng, chống bằng không biểu quyết vào Nghị
quyết 9, chống mà khi Lê Quốc Thân nói nếu có lệnh công an chỉ cần bốn lăm phút
là tóm cổ hết được bọn xét lại thì Bác nói “chú hãy tóm cổ Bác trước”.
Tất cả chỉ
cười. Nhưng tôi tin máy ghi âm mở.
Một anh hỏi:
- Liệu có mất Liên Xô không anh Đĩnh? Tôi nghĩ ngay trong bụng: “Ngày nào theo
Mao định cho Liên Xô kềnh tuyệt nọc cơ mà” Song tôi nói: - “Hợp lòng dân thì chả
mất cái gì. Dân đang muốn một Liên Xô mới mà như Gorbatchev nói đấy: càng nhiều
dân chủ càng thêm xã hội chủ nghĩa.”
Chia tay. Hẹn
13 tháng 6. Dị không quên đưa giấy bút xin tôi viết lại đúng cái thư Lê Đức Thọ.
Tới hẹn tôi
lại đến. Trên đường đi, tôi đã định trước thái độ gặp gỡ. Tự nhiên nhớ đến câu
chuyện Lưu Động kể: bọn tù Sơn La chúng tao tuyệt thực. Cousseau, công sứ kiêm
chánh ngục đàn áp ngay - cấm cho uống nước. Bụng không hạt cơm, không giọt nước
thì chết rồi. Đến ngày thứ năm, chi ủy quyết định ngừng. Bảo Trần Huy Liệu viết
thư báo Cousseau. Liệu viết. Bằng tiếng Pháp. Cousseau bắt viết lại bằng tiếng
Việt.
Và phải xưng
chúng con. Chúng con đã thấy tuyệt thực là phá kỷ luật nhà tù vậy nay biết tội,
nguyện sẽ thế này thế nọ v. v.
Vốn kị phồng
phạo duy ý chí nên tôi dễ dàng rút lấy bài học đừng có dọc ngang trời đất mà
ngã đau này. Gặp sẽ nói thẳng thắn nhưng vẫn chú ý vuốt mặt nể mũi. Tất nhiên
cũng tính đến nói gì. À, nói cái họ sẽ không thể ngờ đến, đó là Ðảng yếu kém
trí tuệ. Và phải nêu bằng chứng. Nghĩ bằng chứng thì hiện ra hình ảnh anh hùng
múa rá ăn xin mà khinh ráo trọi mọi người. Và không ngờ, cả hình ảnh Ba Phều, bạn
học lớp thày Tô Đường nhưng tôi quên mất tên chỉ còn nhớ biệt hiệu Ba Phều bỗng
vọt lên ở trước mắt. Hơn chúng tôi ba bốn tuổi, Ba Phều nghịch hết sức tai
quái. Chuyên tán trong lớp. Thày bắt một mình một ghế ở dưới cùng, Ba Phều ốp
bàn tay vào kheo chân rồi từ từ co chân lại, phát ra một tiếng rắm rất dài, lên
xuống trầm bổng. Thày đuổi ra hè đứng cạnh các ngăn giá để mũ thì rắm nách của
Ba Phều càng nỉ non ai oán. Tư thế đứng rất tiện lợi cho binh công xưởng dân lập
thô sơ này hoạt động. Thày mắng, Ba Phều nói nhà con toàn ăn khoai nên bụng lắm
hơi. Thày quát: “Thế anh đến trường để làm gì?” Khổ, thày không hiểu Ba Phều
đâu cần học. Ba Phều cần xuất đầu lộ diện ở thế gian với một trật tự khác người
thôi.
Khi hai hình
ảnh múa rá và phân phối rắm hiện ra ở trong đầu, tôi đã bật cười một mình như
gã tâm thần, nay tôi vẫn nhớ vào lúc đó tôi lượn sang Phan Bội Châu để qua Bộ
công an đến hồ Thuyền Quang…
Nhưng chính
lúc đạp qua Đoàn Nhữ Hài có nhà Tô Hoài, tôi đã xóa đi hai hình ảnh múa rá và
Ba Phều tạo rắm. Tự nhủ gặp nhau bữa đầu nên trang nhã. Vấn đề là ở chỗ tranh
thủ sao cho nói được nhiều. Cốt cho thấy là chúng tôi không sợ, chúng tôi có thể
nói mọi cái. Đảng lấy cung tôi trong lúc đất nước mù mịt, tôi còn nói được hết
huống chi nay đổi mới.
Nguyễn Chí
Hùng đón ở hè đưa tôi vào. Lê Kim Phùng đã ngồi trong phòng khách cùng mấy người
tiếp tôi tuần trước, trừ hai anh chuyên bênh Bắc Kinh.
Ngồi xuống,
tôi nói ngay: - Vừa nãy đi đường tôi cứ cười một mình. Rằng nếu tổng bí thư Lê
Duẩn không chết thì bọn ta, anh và tôi rồi cả anh Trường Chinh, hiện đang hô Ðổi
mới đây đều tù cả. Ông Duẩn nhận định tình hình đất nước hết sức tốt đẹp, cao
trào lao động xã hội chủ nghĩa đang dâng lên ở trước mắt thì đùng ông Trường
Chinh lại “không đổi mới thì chết”, tôi nói đúng không? Thôi, anh Phùng nhỉ,
nói năng thì tôi nhanh nhảu, vậy trước hết bây giờ tôi nói một thái độ chính yếu:
chúng tôi ủng hộ đổi mới, chúng tôi cùng với đảng đổi mới. Lòng thành như vậy…
Sau đó tôi muốn làm rõ một điều, điều đau đớn nhất cũng là nguy hiểm nhất cho một
đảng cộng sản, ấy là mất lòng tin cûa dân. Mất mặt cay đắng ghê gớm này, Ðảng
đã thừa nhận trước cả nước rồi nhưng cho đó là vì đạo đức tư cách đảng viên
kém. Vâng, có chỗ ấy, nhưng chưa đủ. Theo tôi còn một cái yếu nữa. Yếu trí tụê,
tôi nhấn rõ và thong thả ba chữ này. Đúng thế. Đại hội 6 của Ðảng chống duy ý
chí mà duy ý chí thì là gì? Chính là yếu trí tuệ. Tôi nói có bằng chứng. Đây,
xin nêu thí dụ yếu trí tuệ: Hội đồng bảo an LHQ có năm ủy viên thường trực thì
ta nổ súng đánh bốn, còn một tức Liên Xô thì chửi nó đủ điều nhục nhã. Tôi từng
nói đùa: “Nghe chửi thế này thì tượng Mẹ Tổ quốc của Liên Xô khéo phải lặn xuống
sông Đôn mất tăm!”. Về địa chính trị thì không kể phương Tây, chỉ từ Liên Xô
qua Nhật, Hàn quốc, Trung Quốc, các nước Asean cho tới Ấn Độ đều từng hay đang
là kẻ thù của ta cả. Nếu sẵn trí tuệ thì chắc sẽ không đứng giữa trời chửi xa
chửi gần hết cả nút như thế?...
Phùng và năm
sáu người vẫn im lặng nghe. Tôi nói tiếp: - Nay sang vụ xét lại. Tôi thông cảm
Ðảng cần giữ thể diện cho nên tôi không đòi Ðảng phải công khai tuyên bố sửa
sai vụ “xét lại” thế nhưng Ðảng cần phải minh oan, phục hồi danh dự và quyền lợi
hoàn toàn cho anh chị em. Vụ xét lại cũng như vụ Nhân Văn là không có bằng chứng
chúng tôi phạm pháp. Tôi đã nhờ anh Thẩm nói với anh Thọ rằng giải quyết vụ án
xét lại không khó, miễn là Ðảng người lớn. Thế nào là người lớn? Là biết mình
biết người, mình có đúng nhưng cũng có sai, người có sai nhưng cũng có đúng. Thứ
hai, Ðảng đi bước trước, chủ động gặp anh em đặt vấn đề, kêu gọi hai bên cùng
thiện chí. Thứ ba không cò kè bớt một thêm hai. Có thế thôi chứ theo tôi thì
anh em thà chết chứ không hàng đâu.
- Nhưng Hoàng Minh Chính đòi Ðảng phải công bố
đầy đủ lên báo - Lê Kim Phùng nói ngay.
- Sao Ðảng không gặp cả chúng tôi mà chỉ gặp
Hoàng Minh Chính rồi coi như Chính thay mặt chúng tôi? Không có tổ chức, chúng
tôi càng không biết đến cái nguyên tắc tập trung dân chủ. Còn công bố hay không
là chuyện kỹ thuật nhưng về nguyên tắc thì là phải giải quyết. Giải quyết thỏa
đáng vụ chúng tôi thì Ðảng được lợi. Có lẽ còn lợi nhiều hơn cả chính nạn nhân
chúng tôi: Ðảng sẽ được dân tin cậy…
Tôi ngạc
nhiên thấy Phùng nói:
- Các anh
như bát nước đầy chẳng may bị hắt đổ đi thì có đem vun lại cũng không thể
nguyên vẹn được như cũ. Chúng tôi đang nghiên cứu chính sách đối với thân sĩ,
trí thức văn nghệ sĩ (sic) và nhân đó cho cả các anh để giúp cải thiện đời sống.
Hiện ông Chính được có 45 nghìn đồng trợ cấp mỗi tháng thì gay thật. Chúng tôi
đang nghĩ cách thế nào để tăng được lương cûa các anh chị lên. Nhưng anh Đĩnh
à, anh vừa rồi nói vụ xét lại và Nhân văn không có bằng chứng là không đúng,
chúng tôi có đầy đủ bằng chứng.
- Vâng, bằng chứng thí dụ như thư ông Lê Đức
Thọ gửi bà Tề, vợ ông Vũ Đình Huỳnh mà hôm nọ tôi có viết lại cho các anh ở
chính đây trong đó nói “anh Huỳnh có công nhiều với nhân dân với cách mạng,
khuyết điểm là tạm thời” phải không anh? Bằng chứng thành văn của chính ông trưởng
ban vụ án đấy! Khuyết điểm là tạm thời ấy thế mà tù tới hết đời.
Còn bằng chứng
về Nhân Văn - Giai Phẩm, đảng tuyên bố kỷ luật người ta ba năm rồi đâm ra trọn
đời khốn đốn đấy, phải không anh? Nhân đây hỏi anh là Hoàng Minh Chính ra tù ba
năm thì đã giải quản chưa?
- Chưa, - Phùng nói.
- Thế thì chết, tôi nói, sao lại thế?
- Vì theo luật ông Chính phải ra công an phường
kiểm điểm xem đã tiến bộ chưa rồi mới được giải quản nhưng ông Chính không chịu
ra đồn kiểm điểm. Ông Chính thấy mặt chúng tôi đâu là chửi đấy.
- Thế khi bắt người ta thì có theo luật không?
Có đem ra tòa xử người ta không? Thiếu bình đẳng quá anh Phùng ạ. Bắt người ta
không cần luật, giải quản cho người ta lại đòi luật. Thôi, bây giờ tôi mách các
anh: cứ bỏ lệnh giải quản vào phong bì dán 80 đồng tem rồi gửi bưu điện. Tôi bảo
đảm Chính không có đạp xe đi trả lại các anh đâu.
Chuyện đến hồi
cuối, tôi nói tôi nghe thấy đồn rầm lên là sắp bắt Dương Thu Hương. Bắt là hạ
sách. Đảng cho nữ văn sĩ vào tù vì đòi dân chủ thì bằng phong Dương Thu Hương
làm thánh mẫu tòa sen. Nhà nước có luật pháp là đủ sao cứ phải kèm thêm chuyên
chính?
- Chức năng của chuyên chính là tổ chức, -
Phùng nói.
- Như tổ chức bắt tù xét lại mà không cần tòa
xử chứ ạ?
Thôi, tóm lại,
đảng cần dân chủ hóa, cần phải sửa sai vụ chúng tôi, cần bình thường hóa. Chiều
nay Từ Đôn Tín, “kẻ thù” đến Hà Nội ép ta nếu muốn bình thường hóa quan hệ với
Bắc Kinh thì phải rút khỏi Campuchia, việc mà Bắc Kinh nói là chấm dứt xâm lược.
Chuyện này, họ ép ta nghe đấy. Chả lẽ sức ép trong nước lại không bằng sức ép của
bên ngoài?
Có lẽ nên
nói rằng trong khi chuyện với Phùng, tôi đã cảm thấy một niềm vui thênh thang bề
thế: hưởng thụ lòng tin của tôi đang ngày một mở mang - mà có bằng chứng xác thực
- lòng tin vào chân lý yêu thương con người chống bạo lực, cái đã làm cho tôi
khốn đốn - và muốn trung thành với nó thì trước hết hãy yêu thương bản thân
tôi; đó là tôi phải giữ gìn nguyên vẹn lòng tự trọng. Lòng tự trọng không những
giúp anh bảo tồn nhân cách mà còn cho anh bay bổng trí tuệ. Tôi thấy lòng tin
và lòng tự trọng này gần như là một.
Sau cuộc gặp
này, tôi nhận thấy một động thái gì đó cũng hứa hẹn. Nhưng vẫn tự dặn rằng với
các ông này chớ nên kết luận gì dứt khoát ngay sất cả. Đồng bóng lắm!
Tuần sau, Hoàng
Minh Chính nhận được giấy giải quản. Nhận ở nhà. Chả ra đồn gì. Báo tôi tin
này, Chính bảo tôi: “họ muốn gặp ông là để nghe mách nước đấy.”
Có tí chê
tôi còn mơ hồ với an ninh. Tôi đùa:
- Nếu nước tôi mách tồi thì đem giấy giải
quản trả lại cho họ đi! Tôi đưa hộ.
Hồng Ngọc ngồi
đó nói:
- Có giấy tờ đi lại vẫn hơn là ru rú ở nhà chứ nhỉ, anh Trần Đĩnh! Cố nhiên ai mà chả thích đi lại tự do.
Lại một tuần
sau, gặp tôi, Đào Phan nói Diệp (hay Dị, Dụ?) đến chơi bảo: gặp chúng tôi, anh
Trần Đĩnh thẳng thắn lắm.
- Thẳng chứ, - tôi nói. Đụng cả đến vấn đề trí
khôn cơ mà. Vỗ ngực khinh tuốt chính là tâm thế “tiền đồn” và “mũi xung kích” tự
đặt ra để bù vào mất mát xương máu đó! Nhưng nên thế tình người ta ngồi đỉnh ngọn
cau đang bi kiến lửa đốt lại thêm ong vò vẽ bu đến. Vực người tụt xuống khó hơn
vực người leo lên. Với lại vụ xét lại dính đến nhiều chuyện tày đình của Ðảng.
Duẩn theo Mao phát động chiến tranh thì chính xét lại đã phản đối nội chiến rồi
trong nội bộ đảng, chính các kễnh chơi nhau mẻ đầu sứt tai… Mở vụ này ra thì
bung to phải biết. Nó không như Nhân văn Giai phẩm. Nhân Văn đụng to nhất chỉ đến
ông Nguyễn Hữu Đang bộ trưởng không Trung ương và Văn Cao, tác giả “Tiến quân
ca” chả cục vụ quái gì… Còn vụ này đụng đến tận Cụ Hồ.
Trước đây,
quãng 1988, 89, một lần tôi đã bảo Nguyễn Chí Hùng, trưởng phòng chính trị Sở
công an Hà Nội, con rể Ngô Minh Loan: “Thật ra người bị xử lý đầu tiên sau Nghị
quyết 9 là Cụ Hồ. Không biểu quyết Nghị quyết 9 theo Bắc Kinh, Cụ liền thôi họp
Bộ chính trị ngay. Kỷ luật truất họp Bộ chính trị thế là to quá rồi còn gì, phải
không? Anh thấy ý cụ Mao thiêng chưa?”. Ngồi nghe tôi mà Hùng thuỗn ra. Tôi có
nhâm nhi giây phút ấy.
Ba mặt một lời,
ít ra còn Nguyễn Chí Hùng có thể chứng cho việc tôi gặp Lê Kim Phùng nói đến
trí khôn Mác - Lê vỗ ngực nhất thế giới. Tôi đã nói với Hùng nhiều dịp. Có lần
Hùng còn thì thào bảo tôi: “Anh viết các cái này gửi Bộ chính trị đi!” Ý là anh
thử thuyết phục Bộ chính trị xem chứ em là thấy đúng quá đấy. Năm 1998 tôi cũng
nói cái ý Cụ Hồ nạn nhân với Kevin Whitelaw, nhà báo Mỹ của tờ US News and
World Report.
… Rồi tôi lại
gặp Lê Kim Phùng. Tình cờ.
Đào Phan mừng
thọ 75 tuổi. Cả trăm bạn bè dự. Lê Trọng Nghĩa, Lê Đạt và tôi ngồi ở một đầu
bàn gần cửa. Thì Lê Kim Phùng đi vào. Thấy tôi, Phùng đến chào.
Tôi đùa:
- Ô, toàn
con cháu Lê-nin gặp nhau nhỉ, nhưng Lê Trọng Ngĩa, Lê Đạt là Lê dỏm…
Chuyện vài
câu, Phùng khẽ bảo:
- Anh ra kia
một chút được không?
Ra cổng hội
trường. Phùng nói:
- Tôi đã thành
tâm muốn giải quyết cho các anh... nhưng bị vướng ở… trên, nên… Tôi thì sắp về
hưu, có lẽ phải tìm một đường vòng vậy.
- Chúng tôi không có chờ cái gì thuận ở đảng,
anh chắc là biết thế, - tôi nói. Thành thói quen rồi. Nhưng tôi nói lại như đã
nói với anh mấy năm trước, là sớm muộn rồi cũng phải mở lại vụ án ghê gớm nhất
trong lịch sử của Ðảng.
Phùng gật gật.
Tôi thấy vẻ lúng túng trên mặt. Chỉ vài tháng sau Phùng đã hết lúng túng mà đứt
hẳn một bề. Làm đơn xin minh oan cho vụ án chúng tôi, Nguyễn Trung Thành bảo
tôi anh nên thư cho Lê Kim Phùng nói hắn nên đồng tình với tôi, Phùng hắn nể
anh đấy. Tôi đã làm theo gợi ý của Trung Thành. Mang đến tận nhà đưa thư -
nhưng Phùng đi vắng.
Tuần sau,
Trung Thành bảo tôi. Cái cậu Phùng này không tốt. Hắn với cậu Hương (hai Hương
đều đệm Đình, tôi nhớ hình như là Nguyễn Đình) vừa có đơn gửi Trung ương nói
đánh vụ xét lại là đúng.
Tôi nói
Phùng phải nể Ðảng hơn nể tôi chứ anh. Tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của đảng
viên là nhất trí với Trung ương mà! Cũng liền nảy cái ý: giá như tâm địa thế
nào thì lưỡi tự động số hóa vào nó như thế. Lúc cần đến sẽ đem bản sao số hóa
đó so với lời mới nói ra.
Nhưng với
tôi Phùng khá trọng vọng. Khi Nguyễn Trung Thành kêu lật án cho vụ xét lại, đảng
đã mở một triển lãm bêu tên đám phản động để nhân dân thấy mà ghét cái mặt
chúng. Xem xong Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính mách tôi là có tên tôi và tên
anh Lê Giản nhưng chữ Lê đã bị bôi mờ.
Tôi viết thư
phản đối cho Lê Kim Phùng. Hôm sau Phùng cùng thư ký đến tận nhà gặp tôi thanh
minh là không có, bởi đã lặng lẽ cho rút đi.
… Cuối 2002,
Tuấn, một trung tá A25, hay đi với các đoàn làm phim Mỹ - như Một người Mỹ trầm lặng, mời tôi gặp vụ
trưởng Khổng Minh Dụ. Tôi lịch sự từ chối.
- Sao trước kia anh gặp ông Phùng? - Tuấn hỏi.
- Không có chuyện cá nhân ở đây. Lúc ấy xét lại
và an ninh lần đầu tiên đối thoại. Nay thì an ninh và chúng tôi đã hiểu nhau cả
rồi.
* * *
Cuối cùng,
năm 2012 cũng có người ngoài cuộc nói lên được sự thật. Trong cuốn Cuộc chiến tranh của Hà Nội (Hanoi’s
War), Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên - Hằng viết: Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã chọn con đường
phát động chiến tranh (tôi nhấn). Trong
nội bộ Ðảng, đàn áp, loại khỏi quyền lực những ai phản đối, làm nên vụ án xét lại
chống Ðảng mang tên Hoàng Minh Chính từ năm 1963 và cuộc thanh trừng “xét lại”
lớn nhất trong nội bộ đảng vào năm 1967. Để tiến hành chiến tranh, sau Đại hội
Đảng lần thứ 3, từ năm 1960 lãnh đạo đã biến miền Bắc thành một xã hội công an
trị với hàng vạn người bị bắt vì “nguy hiểm đến an ninh, trật tự xã hội” (tôi
nhấn mạnh).
Năm 2013,
nhân Hà Nội ca ngợi thắng lợi của Hiệp định Paris, phó giáo sư Pierre Asselin
viết chính quyền ở Việt Nam cho phổ biến quan niệm cách mạng Việt Nam là theo
“tư tưởng Hồ Chí Minh” nhưng sự thật thì trong thập niên sau 1965, Hà Nội đã
trung thành với “tư tưởng Lê Duẩn”. Không cho phép đối kháng, vào năm 1967 -
68, Lê Duẩn cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ (kiêm “trưởng ban
chuyên án xét lại chống đảng”) đã thanh trừng khoảng 300 người “xét lại”, những
người kêu gọi thương lượng với Washington và Sài Gòn, hoặc đi ngược đường lối
vũ trang chống Mỹ của Đảng (tôi nhấn mạnh).
Lê Duẩn đã
thừa nhận “tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin trong thời kỳ ba dòng
thác cách mạng”, vậy thì “tư tưởng Lê Duẩn” như Asselin viết chính là tư tưởng
Mao Trạch Đông, không thể nào khác! Pháp sư giật dây cải cách ruộng đất ở Việt
Nam là Mao. Phù thủy mách nước đánh Nhân Văn - Giai phẩm là Mao - để phối hợp với
chống phái hữu bên Trung Quốc. Và Nghị quyết 9 của Việt Cộng ra đời là hưởng ứng
Mao chống xét lại để giữ cho chủ nghĩa Mác - Lê trong sáng mà thực chất là gì?
Sau thảm họa cải cách ruộng đất và “Chống phái hữu”, “Tiến vọt, ba ngọn cờ hồng”,
Hà Nội và Bắc Kinh đều đang đứng trước một hũ nút đen ngòm là sự bất bình của
dân. Cách tốt nhất với cộng là hướng dân vào căm thù đế quốc. Mưu thâm trí cả,
Mao đã nêu khẩu lệnh “căng đế quốc Mỹ ra toàn thế giới mà đánh!” và “Thiên hạ đại
loạn, Trung Quốc được nhờ!” khéo kéo mấy nước lạc hậu trong phe như Việt Nam,
Anbani theo mình đánh Mỹ kẻo mà sợ chiến tranh thì thành “xét lại” đầu hàng, phản
bội như Liên Xô.
Xúi Hà Nội
đánh đuổi Mỹ, Mao giấu đi mục tiêu chiếm Biển Đông - tuy Chu Ân Lai đã công
khai đòi chủ quyền từ 1949. Cũng là mong muốn rửa bằng máu người cái hận bộ trưởng
ngọai giao Mỹ Dulles không bắt tay Chu Ân Lai ở Hội nghị Genève năm 1954. Còn với
Lê Duẩn, Mao đã giúp thỏa mãn ước nguyện lập công cao hơn Hồ Chí Minh là người
mới giải phóng có nửa nước! Mặt khác, Mao còn nêu gương (phang Lưu Thiếu Kỳ, Đặng
Tiểu Bình, Bành Đức Hoài...) để cho Duẩn và Thọ có thể nặng tay với Hồ Chí
Minh, Võ Nguyên Giáp cùng rất nhiều cán bộ và sĩ quan trung cao cấp.
Về cuốn sách
“Cuộc chiến tranh của Hà Nội: một biên khảo Sử học Quốc tế về Cuộc chiến tranh
vì Hòa bình ở Việt Nam” của TS Nguyễn Thị Liên - Hằng, Pierre Asselin viết: “Được
ông Thọ hậu thuẫn, sử dụng các thủ đoạn lèo lái, lừa dối, và các sách lược, Lê
duẩn, một thành viên trung thành Nam tiến, đã loại bỏ thành công các đối thủ ý
thức hệ trong Đảng, trong đó có ông Hồ. Ông Duẩn lập nên một cấu trúc điều hành
cho phép ông độc chiếm được quyền lực chính trị, trở thành nhà độc tài và đưa Bắc
Việt tiến đến chiến tranh với Mỹ.”
Và rồi Mặc
Lâm RFA cũng viết: Những người “xét lại” Việt Nam bị đàn áp “chỉ chống lại ý tưởng
chủ chiến của Mao Trạch Đông mà nhóm thân Tàu đang hết lòng cổ vũ. Những người
bị kết án, bị bắt nằm trong kế hoạch của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí
Thanh và kế hoạch này đã mở đầu cho một cuộc chiến khác khiến 3 triệu người Việt
Nam đã bỏ mình trong hai chục năm chiến tranh đẫm máu cho tới năm 1975 mới chấm
dứt...”
Thì ra thế
giới thấy rõ kim chỉ nam định đoạt đến tận số phận nổi nênh, chìm đắm, sáng tối,
phúc họa của từng lãnh tụ Việt Cộng. Cụ Hồ gọi là kim chỉ nam quá giỏi! (Về “kim chỉ nam”, một luật sư Bắc Kinh, Pu
Zhiqiang nửa thế kỷ sau đã công khai đánh giá: Theo tôi, “Mao Trạch Đông không
tốt hơn so với Hitler. Chúng ta chê Nhật từ chối xem xét lại lịch sử trong khi
Đức đã công nhận nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã”, tuy nhiên,
Trung Quốc cho đến nay vẫn không thừa nhận rằng Mao Trạch Đông đã đầu độc cả thế
giới. Chắc chắn luật sư Pu có nghĩ đến cuộc chiến “chống Mỹ” của Việt Nam.)
28-7-1967, bắt
mẻ “xét lại” đầu tiên. Tháng 9, Giáp sang Hung “dưỡng sức” (Tôi nghe thông báo
chính thức) Cụ Hồ đi Trung Quốc chữa bệnh (Cũng nghe chính thức thông báo).
Trong khi đó ở Việt Nam đã có hơn nghìn chuyên gia quân sự Liên Xô chịu trách
nhiệm vận hành cũng như bảo trì máy bay, tên lửa, trong đó có một nhóm chuyên
nghiên cứu, đánh giá hiệu quả vũ khí của Liên Xô cũng như thu thập mẫu vũ khí của
Mỹ, không kể khí tài, xăng dầu… Quái gở thế đấy! Cái thằng được rước vào giúp
Việt Cộng nâng cấp chiến tranh lên hiện đại hóa (Bắc Kinh chỉ giúp ở trình độ
Thế chiến II thôi) lại đi cài tay sai để lật đổ Việt Cộng? rồi để chính “tay
sai” bị bắt cùng lúc đó nhưng vẫn không hề nhạt một li chi viện! Rồi cả khi ký
hiệp ước tương trợ Việt - Xô, “bọn tay sai Liên Xô” cũng chả được sơ múi tẻo
nào.
Vụ án “tay
sai Liên Xô” là một thế chấp nộp cho vui lòng Bắc Kinh. Tiền tuyến một lòng
theo đại hậu phương ạ! Vu làm tay sai đã thành võ chuyên sâu của Ðảng. Với lại
đảng đâu mà dại lên án chúng tôi phản đối nội chiến, phản đối chiến tranh.
Có mà bằng
xúi dân theo chúng tôi chứ đừng đi B, đi C. Chắc thấy chúng tôi phản chiến là
xót cho cả máu Mỹ - chứ không nghĩ chúng tôi là tay sai của Liên Xô, kẻ thù số
một của Mỹ, một buổi sáng tháng chín gì đó năm 1998, một tham tán văn hóa đại sứ
quán Mỹ - tức chính quyền Mỹ - đã lần đầu tiên thanh thiên bạch nhật tại trung
tâm Hà Nội bất ngờ đến bắt tay một chàng xét lại Việt Nam - chàng ấy là tôi:
“Chúng tôi biết ông là thế nào nhưng không tiện gặp, chắc ông hiểu...”
Sau đó giới
thiệu nhà báo Mỹ gặp phỏng vấn. Không ít người không ưa Ðảng nhưng lại tin lời
buộc tội của Ðảng, vẫn không thấy chúng tôi vì phản đối huynh đệ tương tàn mà bị
đàn áp tàn bạo.
Cũng như có
người chi li coi Nhân văn - Giai phẩm chỉ là đòi tự do không thôi chứ vẫn là
chính chuyên cộng sản. Khốn nạn, cộng sản mà đã đòi chia lời lẽ với Ðảng hay đa
nguyên thì tất có ngày hê đảng. Nhiều người không biết gốc tội chúng tôi là muốn…
đối thoại với bà con trong Nam chứ không xin máu họ.
Cộng sản tồn
tại nhờ chuyên chính bạo lực nhưng chúng tôi đòi giải vũ trang đảng, đòi đảng
phải cụp bạo lực đi hay từ bỏ vai trò “bà đỡ của cách mạng” hay thôi con đường
“chính quyền ra từ nòng súng”. Thực chất
đòi dân chủ cho muôn người.
Không có những
con khỉ nghịch tử mang gien biến hóa thì tất cả chúng ta nay chắc vẫn cứ là khỉ
độc đấm ngực thình thình mà hú.
Nghịch tử
gái nào không chịu nhuộm răng đen đầu tiên ở Việt Nam? Để rồi chịu nỗi nhục me
Tây! Hai Bà chống xâm lăng nhưng cô gái Việt đầu tiên không nhuộm răng thì hòa
nhập với tiên tiến của bên ngoài. Giá như sắp cải cách ruộng đất có dăm ba người
cộng sản nghịch tử đứng lên ngăn?
Trước cuộc nội
chiến Ðảng phát động để nhằm mục đích vẻ vang nhất “đánh đổ một bộ phận, đánh
lùi một bước chủ nghĩa đế quốc”, chúng tôi đã xung phong làm nghịch tử. Không
thích đổ máu người nữa. Thích quyền người.
NGHI LỄ MỘT LỜI GẤP
SÁCH
“NGÀN NĂM
MÂY TRẮNG MÃI RONG BAY “(Bạch vân thiên tải không du du)
Quanh Hồ
Gươm có hơn 90 loại cây. Người Pháp đã dựng một sưu tập thực vật quý quanh vùng
nước này. Tiếc không có biển đề tên từng loại. Trên rẻo đất trồi ra hồ, ở trước
tòa Đốc lý cũ, có cây lộc vừng và từ đấy đến vùng vông hông Tháp Bút (mùa đông
hàng chục cây vông rụng hết lá trông giống như quần thể điêu khắc Calder đổ bằng
bê tông miêu tả các dạng tâm thế quằn quại đóng băng của bão) là mấy cây muồng
hoa đào. Hoa lộc vừng đền miếu thâm u bao nhiêu, muồng hoa đào đài các, lộng lẫy
bấy nhiêu. Tại rìa vuờn hoa Con Cóc, trông sang đầu hồi khách sạn Métropole,
(nơi trước kia là dẫy bếp lò cao chiều chiều thả mùi thịt, mùi bơ thơm lừng
sang vườn hoa, các cụ hưu trí ngồi vườn hoa thường đùa là vừa đuợc Ban tổ chức
trung ương cấp tem phiếu cho đặc cách đến hóng mùi bồi duỡng miễn phí từ xa (xa
là vì phải giữ thể diện quốc gia), cũng có một cây muồng hoa đào, thân uốn vặn
một thế đứng của vũ nữ Ấn Độ. Mỗi khi tán lá nó ngả xòa ra gánh trọng lượng con
lũ hoa ào ào trổ rộ, tôi lại ngỡ trông thấy một sườn Phú Sĩ ngập cánh anh đào.
Hay gò má geisha tranh cổ Nhật. Sau cơn bão số mấy một năm quá mắn bão, nó đổ.
Cùng cây lá trắng trước trụ sở tù mù mang tên Đoàn Kết nhiều phần là của Đảng
dân chủ. Màu hoa - là - lá này ngỡ đâu như mẫu mã prototype, - đơn bản vị của sắc
tuyết. Hai cây muồng hoa đào và lá trắng luôn khiến tôi nghĩ tới bàn phấn mỹ
nhân.
Một chiều
tôi bắt gặp một sự kiện chắc một đời chỉ thấy một lần: cả một mùa hoa lộc vừng
cùng lúc rủ nhau lìa đời, trút thả hơi thở mênh mang xuống trạt kín lấy một vạt
hồ rộng. Những cánh hoa lộc vừng dập dờn, khe khẽ chao sóng nom ngỡ một rừng bướm
xuân mê mải động tình. Thèm vớt được tấm thảm ren xao động này làm mảng trời
riêng. Rồi lại thèm có cung sinh tử của loài hoa vượt chuẩn vương giả này.
Ở nó, chết
là sống tiếp một lần sống huy hoàng nữa. Rời bỏ chiều cao, cái sống này khoe lộ
hết mình trên pha lê nước, đốt cháy đến quang tử cuối cùng, phô tông cuối cùng,
nộp hết lửa vào lễ hội, giữ nguyên vẹn cho đến giây phút cuối cùng cái đẹp phơi
phới nguyên bản. Tôi đã có diễm phúc ngắm mãi một nghiệp sống xú ve (sous -
verre, dưới kính - BT), dan díu, bồng bềnh, nghiệp sống - tầng - phóng - thứ -
hai mang chứa phần hồn, kiếp sống tác phẩm...
Hồ chiều như
một sàn diễn vũ trụ. Tôi lại đuợc chiêm ngưỡng ngay sau đó tiền sử ra đời! Một
con rùa đang nhích dần ra khỏi mặt hồ, leo thận trọng lên đảo tháp. Trước mắt
tôi, Hồ Gươm bỗng êm ả, bỗng bát ngát mở ra cửa mình đàn bà. Mặt nước gợn trau
là màng ối đang đau đáu, khoan thai tự xé bóc cho khởi nguyên mốc thếch, sợ sệt,
lặng lẽ trình diện.
Hai màu phẩm
nhuộm hàng xén chợ quê (bạc hà và hồng hoàng của rượu chanh, rượu cam quốc
doanh) rót loè loẹt từ biển hiệu Thủy tạ xuống mảng hè đầy que kem, tàn tích xa
hoa một chiều chủ nhật người xương xẩu chen nhau đi để nhìn người gầy guộc. Nay
vắng ngắt. Kéo lê thúng lom khom mót que kem để bán lại, những đứa trẻ chợt nom
rỗng xẹp, nhẹ bỗng, như bằng cặn nê-ông gồm các xác thiêu thân nát vụn anh ánh
phấn ngân nhũ.
Bên kia, từ
trong ngõ tối và khai sặc sụa, hai người đàn bà trẻ rời nhà vệ sinh không đèn
đóm thong thả qua đường. Vai tựa vai, họ như đặt ướm từng bước. Hai áo len đan,
đỏ cà chua, những hình hoa hình trám giống những miếng cà rốt tỉa làm dưa góp
đính lỏng lẻo vào nhau, hai quần phăng ống túm màu mastic, hai đôi guốc Sài Gòn
bạc xám hoa lau, gót dẹt dài tựa một mỏ chim hạc - nhác thấy nét viền đen men
theo rìa mỏ hay một mí mắt, còn thân guốc thì là cổ hạc khoan xuyên vào gió.
Hai vùng mông tròn lẳn như hai đôi mặt âu yếm gù nhau. Thoáng một lằn âm điện ở
cương vực thâm nghiêm của vương quốc sinh nở.
Ở đất nước
này chỉ còn thiên nhiên và đàn bà tràn trề nghĩa! Miên man phát nghĩa.
Mới hôm qua,
trên khúc rẽ đền bà Kiệu ra Cột đồng hồ, một xe máy chở một thiếu phụ lướt êm
như trôi đi. Thường đầy ắp người và xe đạp để vón lại thành một đống rác rến lừ
đừ đặc sệt, lúc này con đường bổng quang qué, bừng sáng, như dạo khúc tiên tấu
dọn lời cho đại điển lễ mở màn. Người thiếu phụ khoan thai ngửa cổ lên dâng mặt
cho lưỡi dao bén ngọt của gió. Gió liền tíu tít ập đến và những phôi cẩm thạch liền
vun vút bay ra và các biến tấu của vũ khúc tóc liên cuồng vui vờn ôm lấy tòa
nhan sắc mà con tạo đang đích thân chế tác từng chi tiết để đặt ra chuẩn đẹp của
giống người. Người thiếu phụ quay lại: bức điêu khắc về sắc bất ba đào dị nịch
nhân hiện ra toàn vẹn ở trước mắt tôi. Còn tôi, tượng kẻ mất hồn.
Ôi, Hà Nội
quá nhiều Bích Câu. Chỉ thiếu kỳ ngộ nên đành hóa tượng.
Tối ấy, trước
khi về nhà, tôi tạt qua chuồng công. Hay nhà nguyện của tôi. Ở đầu cành cây làm
chỗ công đậu, thù lù một khối đen đúa. Một người ăn mày nào mới đem vật bất ly
thân, cái bị rách của ông quàng vào đó.
Tôi bỗng
thèm một bị ăn mày. Đựng cái đời tôi chiêu như thanh ti mà mộ đà như tuyết, cái
đời đã nộp hết tô sống rẽ.
Quyển sách
này là cái bị ăn mày ấy? Thà thế! Còn hơn cái bọc da thối tha Trần Thái Tông
khuyên từ bỏ trong Khóa hư lực. Tôi rất yêu hai câu thơ của Ferdinand Pessoa: Tất
cả những gì tôi có là những gì tôi cảm và Đẹp là bóng của các vì Thượng đế!
Nghĩ cái bí ẩn
mây la đời mình, chợt thấp thoáng thấy bóng các vị thượng đế.
XIN THÔNG CẢM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét