Chương ba chín
Trên kia tôi
nói tôi dửng dưng, tênh tênh khi bị khai trừ. Đúng! Nhưng không phải không có
lúc suy sụp. Vì tự ái, xấu hổ. Rồi vì tiếc những ngày tháng đã “chiến đấu” dưới
ngọn cờ đỏ. Rồi còn cả một chút tình ý bị mất quyền lợi. Ít nhất sẽ không còn
được nghe truyền đạt những thông tin quan trọng và bí mật của Ðảng. Và rơi vào
diện chờ mọt xác mới được tăng lương. Hóa ra khi anh giơ tay trái lên ngang vai
thề trước búa liềm là anh sẽ trung thành hết đời với Ðảng thì cũng chính lúc đó
anh nhận về một quy chế vẻ vang dắt dẫn, giáo dục dân. Đang là khố rách áo ôm,
anh bỗng đổi đời.
Tôi viết nhật
ký: “Tôi như con thú đêm về hang liếm láp các vết thương trên người và rên rỉ”.
Dostoievski nói cuộc đời sẽ đem lại cho bạn nhiều bất hạnh nhưng chính con người
bất hạnh là bạn lúc ấy sẽ làm cho bạn hạnh phúc. Albert Camus cũng nói thường
khi chính cái tình ý xót thương cho bất hạnh bản thân nó lại làm cho ta hạnh
phúc. Lúc đó chưa thấy cái hạnh phúc mà hai ông nói, tôi chỉ thấy cái đau man dại.
Tôi bị tước mất danh hiệu trước đây tôi kiêu hãnh: người cộng sản, người có ý
thức cách mạnh nhất, đạo đức nhất, tiến bộ nhất, người vạch đường cầm trịch cho
đất nước đi lên, cho văn hóa mới sinh thành. (Nghĩ thế mà không bao giờ nhận
mình ở tầng lớp thống trị! Mà không thấy một mặc cảm quyền lực, địa vị đã được
cài sẵn ở trong bất kỳ người đảng viên cộng sản nào! Vì hắn đã bị lóa đi bởi một
lô các trò phù phép: chỉ biết có lợi ích nhân dân, hy sinh tất cả cho đất nước
v. v…) Từ nay nghe đảng viên kêu gọi nhau chú ý theo dõi phản ứng của quần
chúng trước sự kiện này sự kiện nọ, tôi đôi khi xấu hổ. Cảm thấy tấm mộc che chắn,
một bảo lãnh, bande de garantie đã bi rơi xuống, và tôi là một con sên vỡ vỏ.
Tôi rất muốn rên thành tiếng. Tôi chợt hiểu vì sao các con vật bị đuổi ra khỏi
bầy thường hay cúp đuôi. Dấu hiệu của buồn hay của ngượng? Nhưng ban ngày, dưới
ánh mặt trời, đi giữa bày người hung hãn săn lùng tôi – họ cần cặp mồm tôi lại
cho cấm khẩu - tôi lại dựng đuôi lên và nhe răng.
Phản ứng
kiêu hãnh tự nhiên của thú hoang. Mừng là mình còn chất thú hoang trong cái chuồng
gia súc. Đã có lúc quá nản. Chẳng hạn dưới đoạn nhật ký vừa nói trên tôi đã có
mấy dòng như sau. “Sẽ thư cho anh Thọ thế này: Tôi xin đầu hàng. Dạ, tôi đã
thua. Vì tôi chỉ đạo đức suông. Tôi đã tách đạo đức ra khỏi chính trị. Tôi đã
không thấy đạo đức phải chịu sự chỉ đạo chính trị của Đảng. Tôi dại dột: tôi
gìn giữ ý tứ với bản thân hơn với người khác, trong đó có anh. Do đó hiện nay
tôi đang tự tiêu hủy...”
Cố nhiên đó
chi là lúc oải. Tôi đã giữ được ý tứ với bản thân trước hết. May sao cái chất
thú hoang nó đã giúp tôi giữ lấy nhân cách cho mình, cái nhân cách hết sức mong
manh trong vòng vây của chủ nghĩa tập thể, cái chủ nghĩa nó không biết đến nhân
cách. Cái gì dính đến nhân - con người - là nó ghét lắm. Tôi rất thích bố tôi
viết trong thư: Il faut célébrer la grande sortie de Đĩnh, - cần ăn mừng cái
thoát ra lớn lao của Đĩnh.
Đúng, bước
ra khỏi vòng vây. Thà làm con đom đóm lập lòe được chút ánh sáng của riêng nó.
Cái ánh sáng nhỏ mọn nhưng làm nổi bật lên bóng tối bao la hãi hùng vây quanh
nó.
Mấy chục năm
sau, sống với đất nước đang dần dần nhận diện được kẻ đã đày ải mình, tôi bắt đầu
cảm nhận thấy hạnh phúc. Ít nhất tôi đã nhận ra tội ác và lên án nó giữa lúc nó
đang có bộ mặt huy hoàng nhất, có niềm tin gần như trọn vẹn của dân. Ít nhất
tôi đã đương đầu, không quỳ gối trước nó. Cũng như đã ngay thẳng nhận mình từng
đi theo nó, tội ác.
* * *
Để tỏ thông
cảm, một dạo Thép Mới hay mời tôi lên buồng anh uống nước, tán gẫu. Có khi nhờ
đọc và “chữa hộ luôn” bài anh vừa viết.
Một sáng cô
thư ký vào đưa các bài báo cho Thép Mới duyệt vừa đi ra, tôi hỏi anh có thấy
các móng tay cô ấy được săn sóc như vật tư trang, đồ tế nhuyễn bằng châu ngọc cả
không? - À, có thấy chứ? Nhưng để làm gì? - À, để thay mặt cho hai thứ mà theo
bản năng người con gái phải giấu kín.
Đầu tiên cái
móng tay tư trang tế nhuyễn nổi gồ lên này ám dụ đến một thứ quả trong vườn cấm
của cô gái. Hai là mượn hình một chao đèn làm bằng chất pha lê quý để che đi ngọn
lửa dọc của con dục lấp ló ở bên trong sau đó... Chiều nọ, đi ở bãi sông Hồng,
chỉ chiếc xú chiêng pô-pơ-lin Tàu trắng lóa, vật duy nhất trên cây sào bắc dọc
mạn con thuyền vắng ngắt ở cả một đoạn sông vắng ngắt, tớ bảo cậu có thấy nó là
một quả cầu thám không tráng mạ bằng một chất liệu đặc biệt vừa mới hạ cánh sau
một chuyến ngao du trên không về không.
Hôm nay nói
thêm: khi nào ôm ngực người con gái thì quả cầu ấy bay lên và sống, và éthéré -
siêu thoát, còn khi rời ngực người con gái thì nó xẹp xuống để gom dần năng lượng
chờ chuyến bay sau... Nhân đây, ừ, lại hỏi thêm: Sao các cụ gọi mắt lá giăm?
(Chỉ vào đĩa trứng vịt lộn có rau giăm). Nghi lễ ngôn ngữ đó! Không lẽ gọi toẹt
ra: Ôi em mắt dâm. Lá giăm là cái nệm giảm xóc, sản phẩm tinh tế - hay lỡ lời
thô thiển - của vô thức. Rút lại tớ muốn chứng minh câu Voltaire: viết không
đơn giản là vẽ ra tiếng nói… Câu này quá hay, tôi nói tíếp. Vì để thành văn học,
tiếng nói còn cần một mồi lửa vô thức, nhất là ở tiếng nói của thơ, vô thức ấy
chính là hồn thiêng riêng biệt của mỗi người, không thể diệt, không thể hòa…
Aragon cũng nói: Viết là vũ đạo của đầu óc. Thôi, nói thêm… Cái Ng. học ở Đức về
đi xăng đan cao gót, cậu bảo bàn chân con gái tự nhiên trông thành một đường
arabesque - uốn lượn quá đẹp… Đúng, nhưng cậu mới thấy cái chất vật lý của bàn
chân con gái gói bọc trong những quai da. Tớ còn thấy ở đó động thái ưỡn dướn của
cơn mê nhục cảm.
- Sau này viết hồi ký, - Thép Mới bỗng sôi nổi,
tao phải viết những chuyện trò về chữ nghĩa và văn học với mày. Nhưng tao
thương mày... Mày cần tìm lại chất xã hội. Mày giàu chi tiết nhưng thiếu tư tưởng. Tức là chính trị, cái mà tôi kém cỏi. Anh biết
tôi nói tới quả kín và ngọn lửa dọc là tôi muốn bảo anh hãy nhạt nó đi, nó, cái
sự vật chính trị mà anh nhìn nhịu rất giỏi để nhìn nhịu sang thế giới sự vật
thiên nhiên, con người… đặng khai hoang, mở rộng vùng cảm xúc. Với mọi hành vi
chính trị của đảng, Thép Mới đều nhìn nhịu ra thành thắng lợi, sáng suốt, cao
quý, vì nước vì dân. Năm 1956, theo Bác Hồ đi cảm ơn các nước anh em, anh moong
trại (trốn trại) đến Bắc Kinh đại học chơi với tôi. Ngồi ở Trung Sơn công viên
phía tây Đại lộ Trường An, anh bảo tôi: “Để Hoàng Sa cho Bắc Kinh chứ không thì
Mỹ xây căn cứ hải quân ở đấy mất ư mày? Chỗ ấy ở dưới vĩ tuyến 17, vốn là của bọn
Sài Gòn cơ mà!...” Khác nào gửi trứng cho quạ! Quạ nhiều phần chắc đã dọa Mỹ
“xây căn cứ hải quân” nên mới đem trứng cho quạ trông giữ hộ như thế.
Nhưng bữa
nay tôi chỉ nói:
- Xã hội délaisser (bỏ rơi) tớ thì tớ
délaisser lại, mà kết bạn với chữ nghĩa tớ thấy sống phong phú, sung sướng,
giàu chi tiết.
- Không phải, mày ạ, cần hai chiều.
- Đúng, cần hai chiều. Ra Nghị quyết 23, ông
Duẩn than rằng Ðảng có 80 vạn đảng viên nhưng quá lắm chỉ có nổi 5 nghìn người
tài. À, tớ xin đặt ngược lại: sao anh không đồng hóa anh vào những người tài
trong nước mà lại cứ bắt họ phải đồng hóa vào anh để rồi anh thu dung nối được
có 5.000 người? Tại sao chủ thuyết anh lại dứt khoát đòi lãnh đạo cách mạng là
phận sự một chiều cao quý của duy nhất ai đi theo nó mà thôi? Le comble du
sectarisme, - bố tổ sư bè phái.
Chuyện với
Thép Mới có cái hay: khi căng anh thường lặng lẽ rút quân. Những ngày một mình giữa bầy người băm bổ ở
báo đảng, tôi hay nhớ đến một câu của Trần Châu. Hôm ấy, sau Nghị quyết 9 sầm sập gió bão, hai
chúng tôi chuyện ở giữa sân cơ quan. Thấy mọi người qua lại nhìn, tôi bảo đứng
thế này có sợ họ bảo là khiêu khích không? Tôi ngại cho Châu. Anh ít nhiều lép
vế hơn.
- Không, - Châu nói. Họ sợ chúng mình. Sợ sức
mạnh tinh thần của hai chúng mình.
Càng sống ở
đây càng thấy Châu nói rất đúng. Lại nhớ
đến câu Phùng, tỉnh ủy viên Hải Dương, bí thư huyện Cẩm Giàng bảo tôi: - Qua
ông tôi thấy ra rằng khi ta không sợ thì người sợ ta.
* * *
Tôi bỗng nhận
ra nguồn sức mạnh của ta thường đẻ ra trong đơn độc, những điều ta đơn độc trải
một mình từ rất sớm và bị lấp vùi nhưng rồi thình lình từ trong vô thức mù mờ bỗng
chớp nhoáng nhoi lên làm vị cố vấn câm ẩn mặt.
Dưới đây có
thể coi là mấy cảnh ngộ đơn độc sớm nhất của tôi.
Tôi chắc lên
bốn. Một tối, nghe xung quanh kháo chuyện đi xem hội đình chiến ông nô-văm
(onze Novembre,11 tháng 11) có nhảy bị, bịt mắt bắt vịt, leo cột mỡ…, tôi bèn nổi
cơn vòi bà nội bế đi xem. Tôi không nhớ lên đường như thế nào, chỉ nhớ khi đến
bờ sông Sặt âm u những rặng bàng đè sụp cành lá xuống một miếu thờ, tôi bỗng
đòi ị. Bà dằn mạnh đầu tôi cho ngồi xuống. Tuy cử chỉ bà phũ, tôi vẫn thấp thỏm
ngoái nhìn về phía xa xa nhấp nháy ánh đèn và lô xô những đầu người, râm ran những
tiếng cười dọc bờ sông đen ngòm mà đồng thời tôi cũng lại nơm nớp sợ thuồng luồng
và con giải vẫn hay bắt người ở đây, như trẻ con hồi ấy phải nín khóc vì “không
thì Tàu Ô nó đến kìa!”… Nhưng rồi tôi liền buồn.
Tôi vừa bắt
chợt nét nhẫn nhục trên mặt bà, cái nét mà lúc ấy tôi chưa thể hiểu là hy sinh,
khi bà vén vạt chiếc áo kép lên, xé một mẩu lót màu xanh nhạt có những bông hoa
to mờ để chùi cho tôi.
Tôi đòi về
ngay sau đó. Trước hết để bà đỡ bận vì tôi, sau để bù vào chỗ hụt trên áo bà.
Cùng lúc, vô thức tôi chắc đã lờ mờ ghi lại rằng từ nay các cuộc vui không phải
là chỗ của tôi.
Còn sám hối
sớm nhất? Một sáng, tôi chừng bảy tám tuổi, một người chú họ, chú Đinh, còn trẻ
ở quê bà nội đến nói là lên thăm ông bà. Đôi hồi, chú rủ tôi đi chơi với chú. Bảo
dẫn chú đến Sở mộ phu, căn nhà gần Trường Ga có ngọn cờ đuôi nheo bẩn. Chú vào
đấy, lát sau ra ngồi xuống một chiếc ghế kê ở ria tường và chụp ảnh. Sau đó,
chú cho tôi một xu đồng, dặn chớ nói với ai rằng chú đi đâu. Chiều chú xin trở
lại quê. Vài ngày sau, bố chú, em ruột bà nội tôi, ở quê lên, khóc thảm thiết từ
ga đến nhà. Chú tôi đã đi phu Tân thế giới. Đồng xu chú cho tôi là một trong số
50 đồng chú bán thân mình cho Sở mộ phu...
Tối đó, tôi
chôn đồng xu xuống chân cột đèn đầu phố thường hay cháy bóng. Sáng sau, ở sân
trường học, nhìn ngọn núi Yên Phụ bề thế, hiền hòa quê bà nội, tôi rớm nước mẳt:
ông họ tôi còn lại có một mình ở cái nơi trong văn vắt như pha lê kia. Buồn là
mấy hôm sau, tôi phát hiện thấy ai đã đào lấy mất đồng xu. Hối hận của ta nhiều
khi lại là món ăn ngon của kẻ khác, le lói trong tôi sự thật này nhưng tôi gạt
đi. Tuổi thơ không thích đen tối…
Và tội - hay
công? - về trung thành với một cam kết thầm kín hoàn toàn đơn phương đầu tiên.
Tôi chừng tám, chín tuổi.
Buổi tối bọn
trẻ con thường nô trên vỉa hè đầy rau sam và dải đường hẹp nằm giữa con phố
chưa có đèn điện. Trước cửa nhà tôi có một chị, tên P. đã mười hai mười ba. Tối
ấy chị cùng chơi trốn tìm. Một lần đi ẩn, chị kéo tôi vào một góc buồng. Bỗng
trong bóng tối ngột ngạt, chị cầm tay tôi đặt lên núm vú mới nhú, cứng như mỏm
một con quay vụ bằng sừng.
Tôi rụt tay
về, sợ nó vỡ thì chị kéo tôi vào sát chị, tụt quần ra, sợi dải rút màu đỏ nhỏ rất
xăn, dúi đầu tôi vào chỗ kín. Tôi vừa sợ vừa thích vừa xấu hổ vừa tò mò muốn
tìm tới nữa - tò mò này chợt nổi lên từ dưới đáy bản năng chăng? - nhưng rồi thấy
khai và khó thở, tôi bỏ chạy… Từ đó giữ kín cho tới bây giờ. Bảo vệ người đã chọn
tôi ư?
Cuối cùng là
chuyện này. Với tôi, một thời gian dài bố tôi đã là giáo viên phản diện về
chính trị. Lúc tôi bé, mẹ hay kể bố ngày học ở Bưởi rất nhiệt huyết cách mạng.
Bạn “đào viên” với các bác Nguyễn Thái Học, bác Đỗ Ngọc Du và hai bác thường đến
nhà. Bác Học nằm sấp, hai chân gập lại thế mà ngủ cả đêm chính là điềm báo sẽ
lên đoạn đầu đài. Bác Du thì thân với bố hơn, sau thành một ông rất to của cộng
sản (năm 1960, viết về đảng, tôi mới biết bác là Phiếm Chu, một trong những người
thành lập) rồi cũng chết. Để tang Phan Chu Trinh rất hăng hái, bố bị Trường Bưởi
đuổi rồi vào sổ đen mật thám. Thế là sợ, về đi làm và ăn chơi, và để ăn chơi
thì ăn hối lộ. “Bố các con chỗ này xoàng. Con một mà,” - mẹ thường nhận xét.
Mẹ vô tình
đã lái tôi tránh cực đoan nhút nhát bỏ cuộc mà nhảy sang cực đoan cuồng tín.
Ông Viện có lẽ cũng vì cuồng tín mà quên giọt máu Đào Viên. Khi bố tôi tản cư về
quê vợ của ông, ông là chủ tịch huyện liền chuẩn bị đưa lính đến bắt.
Em vợ bác ngầm
báo và bố tôi đành để ông bà và chúng tôi ở lại mà về thành. Chính ông Viện mời
ông bà tôi tản cư về đây nếu nổ súng. Không ngờ bố tôi cũng về đây. Ông cần tỏ
thái độ lập trường với đảng.
Những ánh lửa
nhỏ bé lụn vụn như thế thường ẩn kín ở một nơi sâu thẳm nào rồi tình cờ một
hôm, chúng, những ngọn đèn tiền trạm khiêm nhường, vụt thắp lên cho ta nhận ra
chỗ đặt chân. Chỗ là gồm cả đúng lẫn sai.
* * *
Tôi muốn được
nói tới thày Nguyễn Hữu Tạo, người thày của bọn lớp nhất - lớp sáu bây giờ -
chúng tôi ở Trường Ga ngày bé. Đặc biệt luôn khêu gợi lòng yêu nước chân chính.
Một lần thày
rất buồn kể chuyện thời trước quân lính ta sang đánh Cao Miên đã dã man róc mía
lên đầu sư người ta rồi reo cười với nhau. Trên con đường chinh chiến từ bắc
vào nam (thày chưa biết dùng chữ đi mở nước như hiện nay) đã róc mía trên đầu
bao nhiêu người? Chuyện ấy là một ấn tượng xấu hổ đeo mãi lấy tôi. Một sáng
tháng 12 năm 1941, khi bọn tôi xếp hàng chào cờ ở sân trường thày bỗng long trọng
giơ tay lên nói to: - Nhật đánh Trân Châu Cảng, Mỹ đã tuyên chiến.
Tuy không biết
phải có sóng gió, đất nước mới thay đổi, (phải chăng Đại chiến thứ hai chính là
một cuộc toàn cầu hóa sơ sài đầu tiên nó sẽ đưa Việt Nam lại gần hơn nữa với
phương Tây?) tôi lờ mờ cảm thấy thày muốn hứa hẹn một điều tốt đẹp cho nên mặc
dù nổ chiến tranh tôi lại thấy hào hứng. Trong đầu con trẻ của tôi, chữ Mỹ bắt
đầu hằn in như một niềm hy vọng. Mãi sau mới biết thày là Việt Minh từ sớm.
Năm 1952, ở
An toàn khu, một tối xem điện ảnh ở Văn phòng trung ương có cả Phạm Văn Đồng,
tôi cầm micro thuyết minh (phim Liên Xô nói tiếng Pháp) ở sau máy chiếu. Thì một
người đi vào ngồi cạnh. “A!” Tôi mừng quá, quên bỏ micro, nhân vật chính là
tình báo Xô viết ở Đức về ôm người yêu, lại reo lên “con chào thày”. Phạm Văn Đồng
nói to: “Ô, thế thì hay nhỉ?”
Còn thày Tạo
lúc ấy chánh văn phòng Liên khu ủy Việt Bắc về Văn phòng trung ương có công việc
thì hỏi luôn: - Châu đâu?
Mãi giữa những
năm 1990, Châu và tôi hai anh em mới cùng gặp lại thày. Bữa ấy thày nói: - Các
anh đúng đấy, thày tán thành…
Hôm mừng
thày 80 tuổi, chúng tôi mấy chục người tới, cả trung tướng phó tổng tham mưu
trưởng, LHĐ… Mệt nặng, thày nằm tiếp chúng tôi và câu thày nói dài nhất, rõ nhất
và chắc ghi sâu nhất vào đầu mỗi người có mặt bữa ấy là: - Đảng cần sửa sai cho anh Châu, anh Đĩnh. Có
sai thì phải sửa.
Tôi rất cảm
động bởi tấm lòng trung thực trước sau không suy xuyển của thày: với thày sai
là sai. Sai của quân lính ta với người Miên xưa, sai của Ðảng hôm nay… Với thày
yêu nước không có nghĩa là xí xóa, nhắm mắt cho qua. Yêu nước đồng nghĩa với
nghiêm ngặt đầu tiên với chính bản thân mình, quang minh chính đại nhìn thấy lỗi
lầm của chính mình.
Ngoài ra tôi
còn cảm thụ được một điều gần như hết sức mới mẻ này: dù vắn gọn, dù yếu ớt
phát ra ở miệng một người bệnh hấp hối, chân lý luôn có sức kích động khiến cho
ta nghẹn ngào muốn đứng phắt ngay dậy.
(CÒN TIẾP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét