Phần II : Thời Lê Duẩn
Chương VIII : Thống nhất
Con
gái ông Lê Duẩn, bà Lê Thị Muội, viết: “Gần trưa [30-4] tôi hay tin là ta đã
chiếm Dinh Độc Lập… Tôi hấp tấp ra khỏi Viện Di truyền, phóng xe máy về nhà và
lao thẳng vào phòng ba tôi. Ở đấy, một mình ba tôi đang ngồi lặng lẽ… Người ngước
mắt cười với tôi, rồi nước mắt bỗng trào ra… Đột nhiên, tôi thấy thời gian như
ngưng lại và ánh sáng trong căn phòng cũng không còn là thứ ánh sáng thông thường
của trời đất nữa”. Nếu như ngày 19-1-1974, Quần đảo Hoàng Sa
không bị Trung Quốc chiếm đi, thì Việt Nam dưới thời ông Lê Duẩn đã bao gồm những
gì mà Hoàng đế Gia Long mở mang và thâu tóm được. Thống nhất giang sơn đã khó
nhưng còn khó hơn khi thống nhất lòng người. Nếu “thời gian ngưng lại” ở thời
điểm 30-4-1975, lịch sử chắc chắn sẽ có một cách nhìn khác về vai trò Lê Duẩn.
Nước Việt Nam là một
Việc
ông Lê Duẩn phải chờ ở Đà Nẵng cho tới ngày 9-5-1975 mới vào được Sài Gòn để chờ
“Trung ương Cục chuẩn bị”, theo ông Trần Quỳnh, khi ấy là trợ lý Lê Duẩn, “đã
làm cho anh Ba thoáng có sự lo lắng”. Cho dù chiến thắng bắt đầu bằng những mệnh
lệnh phát đi từ “Tổng Hành dinh”, nhưng đoàn quân tiến về Sài Gòn trong ngày
30-4-1975 còn mang theo cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và Chính phủ
Lâm thời Cộng hòa Miền Nam. Chấm dứt sự tồn tại của một thực thể chính trị được
công nhận bởi hai mươi ba quốc gia sao cho trong ấm, ngoài êm, cũng có nhiều điều
lo nghĩ.
Theo
Tướng Giáp, chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam,
ngày 20-12-1960, và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam, ngày 8-6-1969, là của
“anh Ba và Bộ Chính trị”. Tuy nhiên, lá cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh của tổ chức
này đã từng làm cho không ít người tin vào những tuyên bố trung lập của “Chính
phủ Lâm thời”. Không ít thanh niên, trí thức miền Nam đã hướng về “Mặt trận”,
nhất là khi họ bắt đầu bất bình với cung cách quan lại của chế độ Ngô Đình Diệm,
khó chịu với sự có mặt của người Mỹ trên đường phố, trong quán bar và sự can
thiệp càng ngày càng sâu của Mỹ vào chính trị. Ảnh hưởng của Mặt trận có vẻ như
tăng hơn khi lôi kéo được nhiều trí thức có uy tín bỏ Sài Gòn ra chiến khu,
trong đó có cả những trí thức đã từng chống cộng như ông Lâm Văn Tết.
Đặc biệt, khi Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình do Luật sư
Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch quyết định ra R thì nhiều người dân miền Nam bắt đầu
nghĩ về Mặt trận như một ngọn cờ chống ngoại xâm thay vì quan tâm tới “bản chất
Việt cộng” của tổ chức mà ai cũng biết là được lập ra từ Hà Nội. Uy tín của những
trí thức trong liên minh này đã giúp Mặt trận gây ảnh hưởng đến các tổ chức của
“lực lượng thứ ba” như: Phong trào Dân tộc Tự quyết do Luật sư Nguyễn Long làm
chủ tịch; Phong trào Bảo vệ Nhân phẩm và Quyền lợi Phụ nữ do bà Ngô Bá Thành đứng
đầu; Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc của Giáo sư Lê Văn Giáp; Ủy ban Vận động
đòi cải thiện chế độ lao tù gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, linh mục, như Chân
Tín, Nguyễn Ngọc Lan; Lực lượng hòa giải dân tộc; Tổ chức nhân dân đòi thi hành
Hiệp định Paris của Luật sư Trần Ngọc Liễng.
Tính
đến năm 1975, “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” do Kiến
trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch đã được hai mươi ba nước thuộc “phe xã hội
chủ nghĩa” và “thế giới thứ ba” công nhận. Việc thành lập các cơ quan của Chính
phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam đều được quyết định bởi Ban Bí thư Đảng Lao động
Việt Nam. Các văn bản của cơ quan này nói rõ rằng những tổ chức nhân danh chính
phủ lâm thời ấy được lập ra là “do sự cần thiết phải triển khai công tác trên mặt
trận đấu tranh ngoại giao và hoạt động tranh thủ quốc tế trong giai đoạn chống
Mỹ”. Từ cuối năm 1972, chủ trương hình thành ở miền Nam một “chính phủ ba thành
phần” đã gieo không ít hy vọng cho “lực lượng thứ ba”. Bản thân Tướng Dương Văn
Minh, trong tuần lễ vận động để thay thế ông Trần Văn Hương, cũng đã tính đến
khả năng thành lập một “hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc”.
Nhưng
ngay trong ngày 1-5-1975, thái độ của Hà Nội đã được thể hiện dứt khoát trong
Điện 601 do Tố Hữu thay mặt Ban Bí thư gửi cho ông Phạm Hùng, bí
thư Trung ương Cục: “Xin báo để các anh biết: theo ý kiến anh Ba, về chính phủ,
không còn vấn đề ba thành phần. Cấu tạo chính phủ không thể có bọn tay sai Mỹ,
không để cho Mỹ có chỗ dựa và phải làm cho quần chúng thấy rõ sức mạnh, thế mạnh
của Cách mạng”. Số phận của Dương Văn Minh, người được coi là lãnh tụ của “lực
lượng thứ ba”, cũng được Điện 601 nói rõ: “Những người đã đầu hàng ta như Dương
Văn Minh chẳng hạn thì không bắt, nhưng cần có cách quản lý, giám sát”. Trong
chiến tranh, lán của Mặt trận và Chính phủ Lâm thời luôn nằm bên cạnh “bản
doanh” của Trung ương Cục, đó là những căn nhà mái lá dựng trên thượng nguồn
sông Vàm Cỏ Đông ở vùng Sa Mát, Thiện Ngôn. Theo “Thứ trưởng” Lữ Phương thì “Bộ
Văn hóa Thông tin” của ông chỉ gồm vài ba cán bộ đang làm việc trong Tiểu ban
Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Miền. “Bộ trưởng” Lưu Hữu Phước trước đó là người
phụ trách tiểu ban này. Các quan chức của Chính phủ Lâm thời, kể cả “Chủ tịch”
Huỳnh Tấn Phát, cũng chủ yếu giết thời gian bằng cách đánh cờ hoặc chơi bài tiến
lên. Mọi phát ngôn của Mặt trận, dù lớn hay nhỏ, đều do Trung ương Cục chuyển
sang để các quan chức Mặt trận đọc trước máy ghi âm của Đài Phát thanh Giải
phóng. Hầu hết những thành viên Mặt trận đều là đảng viên, kể cả
những người như bà “Bộ trưởng” Dương Quỳnh Hoa, ông “Bộ trưởng” Trần Bửu Kiếm.
Có người vào đảng từ trước rồi được “phân vai”, có người vào rừng rồi mới kết nạp,
nhưng khi đã vào R, nhận ra “đại cục” mà mình đang tham gia, hầu hết các thành
viên đều để cho Cách mạng sử dụng tên tuổi của mình, đồng thời trực tiếp diễn
xuất với tinh thần của người trong cuộc. Trong thời điểm lôi kéo người dân trước
lựa chọn sinh tử giữa Cách mạng và Quốc gia, những trí thức Mặt trận này ít nhiều
đã tạo niềm tin vào hòa bình và hòa hợp dân tộc cho những người ở bên kia chiến
tuyến. Khi chiến tranh hoàn toàn kết thúc, những trí thức có lương tâm cũng cắn
rứt trước số phận của những người đã đi theo những lời tuyên bố đứng tên mình.
Nhưng khi vừa về đến Sài Gòn, vai trò của họ cũng bắt đầu chấm dứt. Không mấy
ai trong số họ có cơ hội để thực hiện với dân chúng những lời đã hứa.
Bản
thân mỗi thành viên Mặt trận khi trở lại thành phố cũng đụng chạm không ít vấn
đề cá nhân. Phần lớn biệt thự, điền trang, nhà máy của ngay cả các nhân vật lớn
như Lâm Văn Tết, Trịnh Đình Thảo đã bị Chính quyền 30-4 “tiếp quản”. Quan trọng
hơn là khi cầm lấy ngọn cờ Mặt trận, động cơ của nhiều người là “chống Mỹ” thay
vì “ý thức hệ”. Họ không khỏi băn khoăn khi nhận thấy, ngay trong những ngày đầu
tháng 5-1975, nhiều địa phương bắt đầu thống nhất cung cách điều hành theo miền
Bắc. Có tỉnh, chính quyền mới buộc người dân phải xin cấp biển đăng ký cả xe đạp.
Có những chi tiết tưởng là vụn vặt nhưng cũng khiến không ít người miền Nam chạnh
lòng: dân miền Nam đã quen cầm miếng sườn nung núc thịt nạc, nhưng sau “giải
phóng”, mậu dịch viên quốc doanh bán cho họ miếng “sườn” chỉ còn xương xẩu.
Không
ai tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu tốn hàng triệu sinh linh để kết quả cuối
cùng Việt Nam vẫn tồn tại hai quốc gia, nhưng hình ảnh miền Bắc cũng làm cho
không ít trí thức kháng chiến miền Nam băn khoăn. Nhiều người đã một vài lần được
đưa ra miền Bắc, chứng kiến sự lạc hậu về văn hóa xã hội, sự tàn tạ về kinh tế
sau gần hai thập niên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bên trong, các thành viên Mặt
trận cũng có những ý kiến gay gắt. Trong phiên họp nội bộ của Hội nghị Hiệp
thương Thống nhất, một số thành viên của Chính phủ Lâm thời đề nghị: đồng ý
nguyên tắc là phải thống nhất, nhưng cần có thời gian để hai phần đất nước chia
cắt có thời gian hòa hợp với nhau. Nhưng, lúc bấy giờ, tiếng nói và vai trò của
Mặt trận có ảnh hưởng vô cùng giới hạn.
“Bắc hóa”
Không
chỉ có các thành viên Mặt trận và Chính phủ Lâm thời, trong những ngày ấy, nhiều
cán bộ Trung ương Cục trở về thành phố cũng có cảm giác bơ vơ vì chưa được phân
công, trong khi làn sóng cán bộ “chi viện” từ miền Bắc vào lặng lẽ chiếm lĩnh dần
các trụ sở và vai trò then chốt. Nhà báo Pháp Jean Lacouture, quan sát tiến
trình này ở miền Nam, trong một bài báo đã chơi chữ tiếng Pháp
“nordmalisation-Bắc hóa” để thay thế cho chữ “normalisation-bình thường hóa”.
Bản
thân Hà Nội cũng bất ngờ trước các phản ứng ở miền Nam. Ngày 21-4-1975, với
tinh thần chi viện mọi mặt cho nửa nước vừa “giải phóng”, Ban Bí thư gửi Thông
tri 316, ra lệnh cho “các ngành ở miền Bắc có trách nhiệm giúp đỡ xây dựng, kiện
toàn ngành mình ở miền Nam”. Điện 316 nhấn mạnh: “Vì tình hình khẩn trương nên
việc điều động cán bộ cũng phải làm khẩn trương”. Tuy nhiên, chỉ
sau hơn một tháng, ngày 24-5-1975, chính Ban Bí thư đã phải điều chỉnh bằng Điện
733: “Nay căn cứ vào điện của các đồng chí cấp ủy miền Nam, căn cứ vào tình
hình mới, chúng tôi định như sau: Kể từ nay việc điều động cán bộ vào miền Nam
công tác, nhất thiết phải căn cứ vào yêu cầu của các cấp ủy miền Nam. Đối với
những cán bộ, các ban, ngành Trung ương thấy cần thiết điều vào công tác ngắn hạn
hay dài hạn ở miền Nam cũng phải hỏi ý kiến Trung ương Cục, hoặc Khu ủy V, hoặc
hai tỉnh Trị-Thiên, nếu trong đó đồng ý mới được đưa vào”.
Ngay
từ sau 30-4-1975, theo ông Trần Quốc Hương: không rõ từ đâu, chính sách sắp xếp,
sử dụng cán bộ ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam được đúc kết bằng công thức “nhất
trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết” - có nghĩa là: những cán bộ bám trụ tại chỗ được
coi trọng, tin cậy, bố trí vào những chức vụ quan trọng được ưu tiên vào hàng
thứ nhất; ưu tiên thứ hai là cán bộ đã chiến đấu ở “khu”, còn gọi là R,
mật danh chỉ Trung ương Cục, khu bộ, xứ bộ; ưu tiên thứ ba được dành cho những
cán bộ đã từng bị đi tù được tha theo Hiệp định Paris, hoặc mới được cứu ra; ưu
tiên cuối cùng mới dành cho những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954
nay trở lại. Không phải tự nhiên mà ông Lê Duẩn phải nhấn mạnh với các nhà lãnh
đạo miền Nam: “Đây là chiến công của cả nước”. Là một người Quảng Trị hoạt động
ở Nam Bộ hàng chục năm, ông Lê Duẩn hiểu và rất nhạy cảm trước các vấn đề Nam-Bắc.
Trước năm 1975, nhiều cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc đã hết sức ngỡ ngàng khi
nhìn thấy cảnh nghèo nàn của “hậu phương lớn”. Một lần, Ban Thống nhất thấy tâm
trạng của các đại biểu miền Nam không vui, lãnh đạo ban nói với ông Đậu Ngọc
Xuân, thư ký của “anh Ba” Lê Duẩn: “Các đồng chí ấy nói không tốt về miền Bắc,
anh về nói anh Ba nên gặp họ”. Theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Tôi về nói: ‘Có đoàn ra
thăm’. Anh Ba gật đầu: ‘Tốt’. Tôi thưa: ‘Kết quả ngược lại, các đồng chí bên
Ban Thống nhất nhờ anh gặp làm công tác tư tưởng trước khi họ về’. Anh Ba cho mời
họ tới, đoàn gồm hai phụ nữ và ba nam. Anh Ba hỏi: ‘Các đồng chí ra thăm miền Bắc
thấy gì?’. Họ thật lòng nói, đi thăm chợ Đồng Xuân mà không thấy hàng hóa gì cả,
miền Bắc nghèo quá. Anh Ba nói: ‘Các đồng chí không hiểu. Cái giàu có, cái vĩ đại
của Miền Bắc là ở chỗ gia đình nào cũng có bàn thờ, con họ vào Nam là đi vào chỗ
chết, thế mà họ vẫn đi, trong khi ở lại thì được đi Liên Xô, Trung Quốc’. Rồi
anh Ba hỏi: ‘Ở trong R, các đồng chí có được dạy, ta đánh được Mỹ là nhờ truyền
thống 4000 năm của Việt Nam không? Các đồng chí người ở đâu? Việt Nam! Nếu nhận
người Việt Nam, không năm đời, thì mười đời cũng là gốc Bắc. Ra đây là tìm về
nòi giống, cội nguồn’. Khi đoàn ra khỏi phòng, ông Lê Duẩn bảo tôi: ‘Chú xuống
Viện Lịch sử, tìm
một nhà sử học dẫn họ đi đến tận nơi thăm đền thờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu’. Khi
họ đi về, anh Ba hỏi: ‘Đã hiểu cội nguồn dân tộc chưa?’. Họ nói: ‘Hiểu’. Anh Ba
gật đầu: 'Bây giờ về được rồi'”.
Tháng
Giêng năm 1976, theo đề nghị của ông Lê Duẩn, ông Đậu Ngọc Xuân và ông Trần
Phương, theo đường bộ, đi xe vào thẳng Sài Gòn. Ông Xuân kể, trước khi đi, Lê Đức
Thọ dặn: “Vào Nam muốn làm việc được, người ta kêu uống rượu, phải uống”. Tới
Sài Gòn đã là cuối tháng Chạp, ông Lê Duẩn bảo: “Năm nay ta ăn Tết ở đây, chú
nào muốn về thì về trước”. Ông Đậu Ngọc Xuân đã ở lại. Sáng mùng Một Tết Bính
Thìn, bà Nguyễn Thị Thập bên Hội Phụ nữ mời tiệc, ông Lê Duẩn tới, mâm cỗ đã
“bày la liệt” nhưng ông không ngồi vào bàn. Khi các nữ lãnh đạo hội mời, ông
nói: “Ăn Tết làm gì, con cái miền Bắc chết ở Trường Sơn chưa ai nói tới đã nói
là dân miền Bắc vào đây vơ vét hàng hóa”. Theo ông Đậu Ngọc Xuân thì trước đó
khi nghe bên công an báo cáo “miền Bắc vào đây vơ vét từ cái quạt máy, xe đạp”,
ông Lê Duẩn tức lắm nhưng ngay khi đó ông không nói gì. Bà Bảy Huệ, phu nhân của
ông Nguyễn Văn Linh, đỡ lời: “Thưa anh Ba, đấy chỉ là số ít. Chúng em không bao
giờ nói thế”.
Ông Lê Duẩn tiếp: “Các chị không nói nhưng nghe ai nói phải vả vào mặt họ chứ.
Có những việc ở trong này tôi đã phải giấu đồng bào miền Bắc, ví dụ như chuyện
các chị để cho bộ đội chết đói ở Trường Sơn. Xương máu con người ta, người ta
không tiếc, giờ mua cái quạt thì các chị kêu ca”. Theo ông Đậu Ngọc Xuân, nghe
ông Lê Duẩn nói đến đó, “các chị Nam Bộ khóc như mưa”. Trước đó, theo ông Nguyễn
Thành Thơ: Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc do ông Lê Duẩn chủ trì,
tổ chức sau Hội nghị Trung ương 24 tại trường Công An Thành phố ở Thủ Đức, Phó
Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh nói: “Nên tiến hành ngay thống nhất lãnh
thổ, thống nhất đảng, đoàn thể, mặt trận, nhà nước, quân đội. Nhưng về kinh tế,
đề nghị để nó phát triển như nó có, ta xem ưu khuyết, cái gì phát huy, cái gì bỏ”.
Ít lâu sau, tại một hội nghị bàn về văn hóa diễn ra ở Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội
Trường Chinh nói: “Có một số cán bộ đảng viên không muốn thống nhất để hưởng thụ”.
Sau hội nghị đó, ông Nguyễn Thành Thơ cùng ông Trần Bạch Đằng tới nhà ông Lê Đức
Thọ, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Theo
ông Thơ, ông Đằng và ông Thọ cãi nhau đến mức, phải “đứng lên, ngồi xuống, quơ
tay nhiều lần”. Ông Lê Đức Thọ nói: “Kinh tế là nền tảng, không thống nhất kinh
tế, tất cả vấn đề khác thống nhất không có ý nghĩa”. Cũng trong thời gian này,
tại khu biệt thự của Trung ương ở Hồ Tây, ông Trường Chinh gặp ông Nguyễn Văn
Linh và ông Phan Minh Tánh, lúc đó là phó bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định.
Theo ông Tánh, ông Trường Chinh nói: “Linh ơi, người
ta nói cậu không muốn thống nhất đấy”. Đề nghị “thống nhất chính trị trước, thống
nhất kinh tế sau” không phải là sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh. Ngày 13-8-1975,
tại Hội nghị Trung ương đầu tiên sau ngày “giải phóng miền Nam”, trong phát biểu
của mình, ông Lê Duẩn cho biết là cả ông và ông Trường Chinh đều cho rằng nếu
đưa mô hình kinh tế có “một số sai lầm” của miền Bắc “vào miền Nam thì sai lắm”.
Phát
biểu của Lê Duẩn trước Trung ương vào ngày 13-8-1975 không phải là một diễn văn
được chuẩn bị sẵn. Những ý kiến rời rạc, trùng lắp và mâu thuẫn liên tục trong
bài nói chuyện “tay vo” này cho thấy Lê Duẩn có băn khoăn giữa ý thức hệ và thực
tiễn miền Nam. Trực giác nhận thấy sự năng động của kinh tế tư nhân đã khiến Lê
Duẩn có chút băn khoăn. Nhưng theo ông Trần Việt Phương: “Lê Duẩn chỉ băn khoăn
đúng một tuần. Bản thân ông cũng không đủ sức thuyết phục chính mình, nên khi bị
những thế lực bảo thủ cản trở thì ông nhượng bộ. Nhượng bộ không phải họ đúng
hơn ông, mà do mô hình của ông chưa hoàn thiện để có thể thay thế cái đang tiến
hành ở miền Bắc”. Không đợi đến khi Lê Đức Thọ nói, lẽ ra ông Nguyễn Văn Linh
phải nhớ, ngay trong ngày 13-8-1975, Lê Duẩn đã khẳng định, thống nhất phải đi
liền với chủ nghĩa xã hội, bao gồm cả “nội dung chính trị và nội dung kinh tế”.
Những
cuộc đối thoại trên đây giữa Lê Đức Thọ, Trường Chinh, với các thuộc cấp từ miền
Nam diễn ra trong khoảng thời gian từ sau Hội nghị Trung ương 24, tháng 8-1975,
cho đến trước Hội nghị Hiệp thương Thống nhất. Hội nghị Hiệp thương Thống nhất
họp từ 15 đến 21-11-1975 tại Dinh Độc Lập. Trưởng đoàn miền Bắc là Ủy viên Bộ
Chính trị Trường Chinh; trưởng đoàn miền Nam cũng là một ủy viên Bộ Chính trị
khác, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng. Để giải quyết sự khác biệt về kinh tế của
hai miền, Trường Chinh đã dùng “phép biện chứng” Marx-Lenin phân tích: “Ý thức
có tính độc lập tương đối với thực tiễn, cho nên không nhất thiết phải chờ thực
tiễn phù hợp mới thống nhất mà có thể dùng ý thức để quyết định rồi thực tiễn bắt
đầu điều chỉnh”.
Đúng
12 giờ 10 phút ngày 21-11-1975, hội nghị “Hiệp thương Thống nhất giữa hai miền
Nam Bắc” kết thúc. Trong tiếng quân nhạc oai hùng, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải
phóng Miền Nam Nguyễn Hữu Thọ đã lặp lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Nước Việt Nam là một”. Hiệp thương giữa những người đồng chí với nhau chỉ là
hình thức. Kể từ ngày 30-4-1975, đất đai, quyền lực đã ở trong tay Đảng Cộng sản
Việt Nam. Thống nhất chỉ đồng nghĩa với việc “Bắc hóa” mô hình kinh tế. Cuộc
lánh nạn của những người di cư, vì thế, chỉ có giá trị hai mươi năm. Những gì
mà họ lo sợ và bỏ chạy hồi năm 1954, sau ngày 30-4-1975 lại ở ngay trước mặt.
Chủ nghĩa xã hội
Nhiều
người vẫn trích dẫn nghị quyết Hội nghị Trung ương 24, “trong một thời gian nhất
định, ở miền Nam còn nhiều thành phần kinh tế”, để phê phán các
chiến dịch cải tạo tư sản. Trên thực tế, ngay sau khi các ủy viên Trung ương từ
Hội nghị Trung ương 24 trở về, Chiến dịch X-2 được triển khai gần
như ngay lập tức. Khi đưa cả hai miền “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, thay vì phải
phân tích thực tiễn, các nhà hoạch định chính sách đã tuân theo những nguyên lý
của Marx-Lenin - đã thiết lập “quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” thì việc “xóa
bỏ giai cấp tư sản” là không tránh khỏi.
Ngày
1-9-1975, tại Dinh Độc Lập, khi Thường Vụ Trung ương Cục làm việc với Thành uỷ
Sài Gòn-Gia Định để thông qua kế hoạch “Chiến dịch X2”, các thành viên chủ chốt
như Nguyễn Văn Trân, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh đều thống nhất coi “giai cấp
tư sản là đối tượng của cách mạng”. Chủ trì buổi làm việc, Phó Bí thư Trung
ương Cục Nguyễn Văn Linh thậm chí còn đòi “thanh toán hết giai cấp tư sản” và tỏ
ra chưa thỏa mãn với con số “sáu mươi tên tư sản” bị đánh đợt đầu trong Chiến dịch
X2. Ông Linh yêu cầu nghiên cứu thêm để “nói đánh sáu mươi tên nhưng thực tế sẽ
lan ra cả ngàn tên”.
Sau
khi phân tích “hoàn cảnh lịch sử” của Hội nghị Trung ương 24, người thư ký gắn
bó nhiều năm nhất với Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đống Ngạc, nói: “Mình ngồi ở
đây, bây giờ, sau khi Liên Xô sụp đổ, mà bàn chuyện cũ, khó lắm”.
Một trợ lý lâu năm khác của Lê Duẩn, ông Đậu Ngọc Xuân, cho rằng:
“Lúc đó, lợi ích giai cấp là mục tiêu quan trọng nhất”. Trước
khi về làm trợ lý cho Lê Duẩn, ông Đậu Ngọc Xuân là trưởng Khoa Kinh tế học
Marx-Lenin của trường Nguyễn Ái Quốc. Ông Xuân nhớ lại: “Cho dù anh Ba đã rất
trăn trở trước thực tế phát triển của miền Nam, nhưng khi ấy phải sáng tạo ghê
gớm lắm mới có thể thoát ra khỏi sự giáo điều của cả phe cộng sản. Sáng tạo thì
phải trên cơ sở có sự trưởng thành về mặt lý luận, mà điều này thì ta chưa đủ.
Những nhà lý luận của ta đều học từ Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa
khác, trường đảng của chúng ta cũng bắt đầu từ các thầy Trung Quốc”. Một trợ lý
khác của ông Lê Duẩn, Giáo sư Trần Phương, người mà ông Đống Ngạc
gọi là “một nhà kinh tế tự do” cũng phải thừa nhận: “Cho đến trước khi Liên Xô
sụp đổ, đầu óc của chúng tôi vẫn bị cầm tù trong sự giáo điều của chủ nghĩa
Marx”.
Rất
nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn cho rằng bộ Tư Bản của Marx là giáo khoa kinh tế
học. Những người thực sự có được học về Marx một cách bài bản ở Đại học Phương
Đông như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong… thì đều đã
bị người Pháp tử hình trước ngày “cướp chính quyền”. Tác giả chính của
các chính sách kinh tế áp dụng ở Việt Nam hơn hai thập niên, ông Lê Duẩn, chỉ học
hết lớp bốn rồi đi làm nhân viên hỏa xa. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam chỉ học Karl Marx qua các bạn tù. Nhiều người phải sau khi nắm quyền mới
học với sự giúp đỡ của chính những người giúp việc. Nhưng cho dù
có học thì, theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Bộ Tư Bản mênh mông, gần như không lãnh đạo
nào đọc hết, nên nếu lấy ‘Tư Bản’ ra mà dọa thì một anh giúp việc có thể điều
khiển được một ủy viên Bộ Chính trị”. Ông Đậu Ngọc Xuân kể: “Mấy anh giúp việc
ông Trường Chinh (trong thập niên 1960) là rất hay trích dẫn Marx-Lenin. Cái
câu “sản xuất nhỏ hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” làm cụ Trường
Chinh rất sợ”. Không chỉ bởi niềm tin giáo điều, tuân thủ Marx
còn là vấn đề kỷ luật.
Theo
ông Đống Ngạc: “Những lần đi Liên Xô, anh Ba thấy cách quản lý kinh tế của Liên
Xô rất dễ làm mất đi sự sáng tạo của quần chúng. Nhưng lúc đó Liên Xô thường
nghe ngóng xem Việt Nam có đi chệch đường không”. Tháng 11-1957, Hội nghị các Đảng
Cộng Sản và Công nhân Thế giới họp lần thứ nhất và tiếp theo đó, tháng 11-1960,
đã họp lần thứ hai. Tại đây, “các đảng và các nước chủ nghĩa xã hội anh em” đã
ký tuyên bố chung: “Kinh nghiệm của Đảng Cộng Sản Liên Xô trong công cuộc xây dựng
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có ý nghĩa nguyên tắc đối với toàn bộ
phong trào cộng sản quốc tế”. Tại Hội nghị tháng 11-1960, các đảng cộng sản đã
“nhất trí lên án hình thức Nam Tư”, gọi mô hình Nam Tư là “chủ nghĩa cơ hội quốc
tế”, là “lý luận của bọn theo chủ nghĩa xét lại hiện đại”.
Ngày
29-5-1958, tức là chỉ sau hơn nửa năm ra Hà Nội, trong một cuộc nói chuyện trước
1.000 cán bộ cao cấp, ông Lê Duẩn đã cực lực đả kích chủ nghĩa xét lại Nam Tư.
Thật khó để đánh giá cuộc nói chuyện được đăng trên báo Nhân Dân này của ông Lê
Duẩn là xuất phát từ nhận thức cá nhân hay chỉ để gửi một thông điệp chính trị
đến Liên Xô. Lê Duẩn lúc ấy sắp trở thành tổng bí thư của một đảng vệ tinh, và
Liên Xô thì rất cứng rắn với những “anh em” không chịu tuân theo “kinh nghiệm”
của họ.
Cán
bộ tuyên huấn trong các quốc gia cộng sản, đặc biệt là Việt Nam, có thể dựa
trên niềm tin khi lặp đi, lặp lại rằng: “Một xã hội tổ chức trên cơ sở của học
thuyết Marx-Lenin mở ra những khả năng vô tận để phát triển kinh tế và văn hoá,
để đảm bảo cho mọi người một mức sống cao, một đời sống hòa bình và hạnh phúc”.
Nhưng những người nắm quyền thì biết rõ sự kiện Liên Xô đưa xe tăng vào nghiến
nát cuộc biểu tình ở thủ đô Budapest vào tháng 11-1956 sau khi có những cải
cách ở Hungary; biết rõ sự kiện Liên Xô bắt nhà cải cách, Bí thư Thứ nhất Tiệp
Khắc Alexander Dubcek vào tháng 8-1968. Đêm 20-8-1968, khi cho xe tăng tiến vào
thủ đô Prague, Liên Xô đã giam hãm những mầm mống cải cách trong khối xã hội chủ
nghĩa suốt hai thập niên sau đó.
Cũng phải thừa nhận, cuối thập niên 1950,
đầu 1960, Liên Xô đã tạo ra nhiều thành tựu: tháng 6-1954, khánh thành nhà máy
điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới; tháng 10-57, phóng vệ tinh nhân tạo đầu
tiên vào vũ trụ; cũng trong năm 1957, thử nghiệm thành công tên lửa vượt đại
châu, dùng tên lửa phóng vệ tinh, chụp được ảnh phía sau mặt trăng.
Những
thành tựu này được mô tả là đã làm cho “các nước trong phe xã hội chủ nghĩa nức
lòng, các nước Phương Tây hốt hoảng”. Tháng 11-1960, Liên Xô đưa người bay vào
vũ trụ. Sự tuyên truyền về hệ thống xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ đến mức có lúc, ở
Việt Nam, ông Việt Phương, trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã phải làm thơ
than: “Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ / Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ
Thuỵ Sỹ”.
“Con đường của Bác”
Ông
Đống Ngạc cho rằng, sẽ là không công bằng nếu nghĩ tác giả các chính sách cải tạo
nóng vội đi lên chủ nghĩa xã hội là của Lê Duẩn. Theo ông Đống Ngạc: “Chính Bác
Hồ là người ký luật hợp tác xã và chính sách cải tạo tư sản mà sau năm 1975 ta
áp dụng”.
Khi
“cướp được chính quyền”, trong Bản Tuyên ngôn Độc Lập đọc tại Ba Đình vào ngày
2-9-1945, thay vì trích dẫn Marx hay Lenin, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng những “lời
bất hủ” mà ông nói rõ là lấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ: “Tất
cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không
ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do
và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Phần trích dẫn thứ hai của Hồ Chí Minh trong bản
tuyên ngôn cũng từ cuộc cách mạng của giai cấp tư sản: Cách mạng Pháp năm 1791.
Cho dù từng sống ở Liên Xô trong thập niên 1930, thời kỳ huy hoàng nhất của chế
độ cộng sản, Hiến Pháp năm 1946 - bản hiến pháp được coi là của Hồ Chí Minh -
đã không hề có bóng dáng của nhà nước Xô Viết. Thật khó để biết đâu là sách lược,
đâu là quan điểm chính trị của ông. Sau những nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của
phương Tây bất thành, năm 1948, cho dù vẫn bị Stalin khước từ, Hồ
Chí Minh chính thức xác nhận mình là một người cộng sản. Nhưng
chiến thắng của
Mao Trạch Đông ở Trung Quốc vào tháng 10-1949 mới là sự kiện ảnh hưởng mang
tính bước ngoặt đối với những lựa chọn sau đó của Hồ Chí Minh.
Cho
dù bị các đảng viên của mình gọi là một người “quốc tế giả danh”, chính Mao Trạch
Đông đã đích thân bào chữa cho Hồ Chí Minh. Trong một bức điện gửi Lưu Thiếu Kỳ
ngày 27-1-1950, Mao Trạch Đông cho rằng: “Còn quá sớm để coi việc Hồ Chí Minh
ngụy trang đảng của ông ấy và tuyên bố trung lập đối với Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa là sai phạm mang tính nguyên tắc, bởi cuộc đấu tranh của người Việt Nam
không hề chịu hậu quả trước hai quyết định đó”. Năm 1949, cũng chính Mao Trạch
Đông giải thích với Stalin: “Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa quốc tế.
Việc ông ta giải tán đảng là một quyết định tình thế để cứu cuộc đấu tranh chống
Pháp”. Chính Mao đã thuyết phục Stalin công nhận và thiết lập quan hệ về đảng
và nhà nước với Hồ Chí Minh, người trước đó đã bị ông ta ghẻ lạnh. Quan hệ với
Mao Trạch Đông và Stalin càng nồng ấm thì chuyên chính vô sản càng nhanh chóng
được áp dụng ở Việt Nam.
Ông
Hoàng Tùng, chánh Văn phòng Trung ương, kể: Năm 1950, khi tới Điện Kremlin, Hồ
Chí Minh vẫn bị Stalin quy kết: “Không cải cách ruộng đất, không dựa vào nông
dân, lại đoàn kết với địa chủ. Dân tộc chủ nghĩa thế này thì còn gì là đảng cộng
sản nữa”. Stalin đã chỉ hai chiếc ghế như là biểu tượng, một của quốc tế cộng sản;
một là dân tộc chủ nghĩa, rồi hỏi Hồ Chí Minh: “Đồng chí chọn ghế nào?”. Theo
ông Hoàng Tùng thì khi ấy Hồ Chí Minh đã “đứng”. Cho dù Stalin và Mao tiếp tục
thúc ép, tại Đại hội II, năm 1951, thay vì chủ trương cải cách ruộng đất, Tổng
Bí thư Trường Chinh đã đưa ra “thuyết ba giai đoạn” theo đó, trước hết phải giảm
tô, giảm tức rồi mới đi đến cải cách ruộng đất. Theo ông Hoàng Tùng: “Thuyết ba
giai đoạn của Trường Chinh đưa ra ở Đại hội II là có ý kiến của Bác, nhưng Trường
Chinh phân tích rất hay. Năm 1946, họp Xứ ủy tôi đã được nghe ông nói rằng, những
cải cách nhỏ đều có ý nghĩa cách mạng, nhiều cải cách nhỏ cộng lại thành cuộc
cách mạng lớn”. Nhưng, sau đại hội, theo ông Hoàng Tùng: “Mao và Stalin đã gọi
Bác sang, nhất định bắt phải làm. Mao Trạch Đông nói thẳng: nếu các đồng chí
không cải cách ruộng đất, chúng tôi không viện trợ nữa”. Để có viện trợ từ Liên
Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã chấp nhận “cuộc đấu tranh giai cấp ở một nước
Phương Đông”, điều mà ông đã từng cho là không thích hợp.
Thực
ra, thuyết “ba giai đoạn” của Trường Chinh cũng đã thể hiện bước đi của một nhà
nước công nông. Sau khi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc tan vỡ, nhất là thời kỳ
Chính phủ phải rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, các chính sách mang màu sắc
giai cấp đã bắt đầu được hình thành. Từ sau năm 1951, một số cán
bộ, trong đó có Ủy viên Trung ương Hồ Viết Thắng, được Đảng Lao Động Việt Nam
đưa sang Trung Quốc học tập cách cải cách ruộng đất rồi về nước phát động giảm tô,
giảm tức. Năm 1952, việc đấu tố địa chủ được bắt đầu với sáu xã thí điểm ở huyện
Đại Từ, Thái Nguyên rồi sau đó chính thức thực hiện vào giữa năm 1953. Tại Hội
nghị Trung ương 5, họp từ ngày 14 đến 23-11-1953, Hồ Chí Minh quán triệt: “Vấn
đề mấu chốt là cải cách ruộng đất”. Mở đầu bài phát biểu trước Hội nghị này, Hồ
Chí Minh cho rằng: “Phe ta ngày càng mạnh, phe địch ngày càng yếu. Liên Xô,
thành trì cách mạng thế giới, đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa
cộng sản… Với sự giúp đỡ tận tâm của Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở Đông
Âu đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trung Quốc đã thắng lợi to trong cuộc
chống Mỹ, giúp Triều, trong việc xây dựng n ǎm đầu của kế hoạch 5 năm, và đang thắng lợi trong công cuộc củng
cố và phát triển dân chủ mới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếp: “Đó là tóm tắt
tình hình của phe ta. Tình hình phe đế quốc do Mỹ cầm đầu thì thế nào? Mỹ và mười
sáu nước phe Mỹ (trong đó gồm có Anh và Pháp) đã thất bại nhục nhã ở Triều
Tiên. Từ cuối thế kỷ XIX đến ngày nay, Mỹ đã nhiều lần nhờ chiến tranh mà làm
giàu và chiếm được địa vị anh chị. Lần này là lần đầu tiên (nhưng chưa phải là
lần cuối cùng) mà Mỹ thất bại to, đã hao người (hơn 397.500 binh sĩ Mỹ chết và
bị thương), tốn của (hơn hai mươi ngàn triệu đôla), lại mất mặt với các nước.
Thế của Mỹ ngày càng yếu ở Hội Liên hiệp quốc, phe Mỹ càng thêm lủng củng chia
rẽ, kinh tế Mỹ ngày khủng hoảng thêm… Nói tóm lại: phe Mỹ là ba phe bảy mảng,
thế ngày càng suy”. Tuy nhắc nhở các ủy viên Trung ương, “chúng ta không được
chủ quan khinh địch”, nhưng ngay sau đó, Hồ Chí Minh đã nói: “Những hoạt động của
địch không phải vì chúng mạnh, mà vì chúng yếu thế… Để phá tan âm mưu của địch,
chúng ta phải ra sức đẩy mạnh kháng chiến. Để đẩy mạnh kháng chiến, chúng ta phải
thực hiện cải cách ruộng đất”. Chính Hồ Chí Minh đã tự phê phán: “Chúng ta đã nặng
về đoàn kết địa chủ để kháng chiến mà không xem trọng đầy đủ vấn đề nông dân và
vấn đề ruộng đất”. Theo Hồ Chí Minh: “Nông dân ta chiếm 95% dân số, mà chỉ được
có 3/10 ruộng đất, quanh năm khó nhọc mà suốt đời nghèo nàn. Giai cấp địa chủ
không đầy 5% nhân số mà chiếm hết 7/10 ruộng đất, ngồi mát ăn bát vàng. Tình trạng
ấy thật là không công bằng. Nước ta bị xâm lược, dân ta lạc hậu và bần cùng
cũng vì đó”.
Cũng
trong trung tuần tháng 11-1953, một “hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng” được
nhóm họp để “tán thành chính sách cải cách ruộng đất do Trung ương đề ra”. Từ
ngày 1 đến 4-12-1953, Quốc hội họp kỳ thứ III thông qua Luật Cải cách Ruộng Đất.
Theo ông Hoàng Tùng: “Ngay sau khi Bác quyết định cải cách ruộng đất, Trung Quốc
đã cử các đoàn cố vấn sang. Đoàn Cố vấn Cải cách ruộng đất do Kiều Hiểu Quang,
phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây, phụ trách”.
Về
phía Việt Nam, Ủy ban Cải cách Ruộng đất cũng được thành lập ở hai cấp trung
ương và địa phương. Ở cấp trung ương có chủ tịch Ủy Ban, Tổng Bí thư Trường
Chinh, phụ tá - hai ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, và một ủy
viên Trung ương, Hồ Viết Thắng, người vừa đi Trung Quốc học về cải cách ruộng đất.
Tại địa phương, mỗi tỉnh lập ra mười đoàn, mỗi đoàn có khoảng 100 cán bộ. Đoàn
trưởng nhận lệnh trực tiếp từ Ủy Ban Cải cách, không qua hệ thống đảng và chính
quyền địa phương. Mỗi đoàn lại chia ra thành nhiều đội. Đội trưởng được chọn
trong số bần nông hay bần cố nông. Đội có quyền hành tuyệt đối, chỉ nhận lệnh từ
Ban Cải cách. Trước khi những cuộc đấu tố địa chủ diễn ra, các cán bộ cải cách
được đưa về làng, thực hiện chính sách “tam cùng”: cùng làm việc, cùng ăn, cùng
ngủ. Vào làng, cán bộ thấy ai là thành phần nghèo khổ thì “tam cùng” để làm
thân, rồi tiếp đó “thăm nghèo hỏi khổ”. Ngoài việc thu thập thông tin để “xếp
loại kẻ thù”, đội còn khơi gợi người nông dân thổ lộ nỗi khổ, khơi gợi lòng căm
thù và tìm kiếm những người có thể bồi dưỡng để tham gia đấu tố. Những phụ nữ
đã từng có quan hệ
với những người giàu trong làng sẽ được đội động viên, thúc ép, hoặc đe dọa để
họ đứng ra tố là đã từng bị “cường hào cưỡng hiếp”. Vợ, con cái địa chủ cũng bị
lôi kéo để đấu tố cha, chồng. Cải cách ruộng đất không chỉ mang lại những tổn
thất về mặt con người mà còn phá vỡ những nền tảng đạo đức làng xã, gia đình,
những tôn ti, trật tự giữa cha mẹ, vợ chồng,… những giá trị mà người Việt phải
mất hàng nghìn năm kiến tạo.
Kể
từ cuối 1952 đến năm 1956, trên địa bàn của 3.314 xã miền Bắc Việt Nam diễn ra
tám đợt “phát động quần chúng” giảm tô và năm đợt cải cách ruộng đất, tịch thu
hơn bảy mươi vạn hecta, bằng 44,6% ruộng đất trong vùng. Số người bị quy oan
lên tới 123.266 người, chủ yếu vì các biện pháp truy bức để “đôn” tỷ lệ địa chủ
lên trên 5% dân số như một định mức bắt buộc, dùng nhục hình như đánh, trói,
giam cầm, khi chưa có tòa án xét xử, kích động và hù dọa quần chúng để họ tố
oan cho nạn nhân. Ở trên thì “phóng tay phát động”; ở dưới, những “đoàn”, những
“đội” cải cách thì tha hồ lộng quyền, “nhất đội nhì giời”. Một quốc gia nghèo
đói như Việt Nam lúc ấy mà các đội đã đưa được “định mức địa chủ” lên tới 5,68%
dân số các địa phương tham gia. Theo ông Hoàng Tùng, về sau chính Hồ Chí Minh
đã phải than: “Mình nói để cho mình đánh Pháp xong đã rồi sẽ cải cách theo cách
của Việt Nam nhưng mà cứ ép cho bằng được”. Biết bao trí thức, địa chủ đã theo
Việt Minh, đã đóng góp tiền bạc từ những ngày khó khăn, giờ đây, bị “hai ông
anh lớn” ép phải chấn chỉnh lại, không để địa chủ, người có gốc “Tây” đứng
trong tổ chức. Giữa thập niên 1950, những “địa chủ không kháng chiến” thì đã
“dinh tê”. Cải cách, đấu tố, theo ông Hoàng Tùng: “Coi như là đánh vào lực lượng
của mình”.
Ông
Hoàng Tùng kể: “Khi ấy tôi thường dự họp Bộ Chính trị nên cũng biết một số việc,
trong đó có việc thí điểm cải cách chọn bắn bà Nguyễn Thị Năm”. Bà Năm nổi tiếng
ở Hà Nội với tên gọi là Cát Hanh Long. Bà có hai con là cán bộ Việt Minh, một
người là cán bộ bậc trung đoàn trưởng làm việc ở Cục Chính trị của Văn Tiến
Dũng. Từ năm 1945 đến 1953 bà Năm tham gia công tác ở Hội Phụ nữ. Trong “tuần lễ
vàng”, gia đình bà hiến 100 lượng vàng. Theo ông Hoàng Tùng: “Các anh Trường
Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ thường ăn cơm ở nhà bà và được
bà Năm coi như con. Họp Bộ Chính trị, Bác nói: ‘Tôi đồng ý người có tội thì phải
xử, nhưng tôi cho là không phải đạo khi phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn
bà mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng’. Sau, Cố vấn Trung Quốc La Quý Ba đề
nghị mãi, Bác nói: ‘Thôi,
tôi theo đa số chứ tôi vẫn cho là không phải”. Ông Hoàng Tùng nói: “Hồ Chí Minh
bị nó coi là hữu khuynh. Khi ấy mà kháng cự thì nó cắt viện trợ”. Để có viện trợ,
theo ông Hoàng Tùng: “Mỗi ngày, đội cải cách thường phải tìm cho ra một người để
bắn thị uy, nói là để cho nông dân phấn khởi. Tôi đi xem bắn một vụ, tôi thương
quá, anh ấy chỉ có 7,5 mẫu ruộng”. Chính Hồ Chí Minh và các ủy viên Bộ Chính trị
đều biết các đội đã dùng nhục hình để quy sai địa chủ nhưng việc chấn chính chỉ
dừng lại ở những lời răn dạy.
Ông
Hoàng Tùng, ngay từ đầu cuộc nói chuyện đã gọi các “đồng chí Trung Quốc” là
“nó”, tiếp: “Không chỉ có địa chủ bị bắn, nhà thờ, nhà chùa, đền đài đều bị nó
phá sạch. Đền thờ An Dương Vương thì nó dùng làm nơi để phân bón. Ông Trường
Chinh thì có mặc cảm, vì nhà cũng có bảy mẫu ruộng, do ông chủ yếu làm nghề viết
báo nên cho người ta cày rẽ lấy tô, rất dễ bị ‘quy’. Ông Hoàng Quốc Việt thì
không sâu sắc, ông Hồ Viết Thắng thì hăng hái quá. Bố ông Trần Quốc Hương, một
ông thầu khoán, dành dụm mua được hai mươi mẫu ruộng, cũng bị ‘đội’ đem ra đấu.
Khi ông Hương nghe, chạy về tới nơi thì bố ông đã chết. Ông Hương than: Thôi,
ruộng đất thì không tiếc gì, nhưng không thể chịu được cảnh con đấu cha, vợ đấu
chồng. Cách mạng cũng phải có đạo đức chứ. Bố ông Nguyễn Khắc Viện là Nguyễn Khắc
Niêm, từng đỗ đầu tiến sỹ làng Giáp, Tây đưa lên hàng thượng thư. Kháng chiến,
Hồ Chí Minh cũng có thư vận động ông Niêm. Khi cải cách, bị ‘đội’ bắt, ông Nguyễn
Khắc Niêm đã tự tử chết”.
Cùng
với cải cách ruộng đất, chiến dịch “chỉnh đốn tổ chức Đảng và chính quyền” mà Hồ
Chủ tịch ca ngợi trong báo cáo trước Hội Nghị Trung ương 5 cũng đã gây tổn
thương nặng nề cho Đảng. Ông Hoàng Tùng nuối tiếc: “Mình không
hiểu thâm ý Trung Quốc là muốn sửa ta. Việc đầu tiên là họ sửa quân đội, lập ra
chức chính ủy. Chính ủy là người bao trùm lên tư lệnh, ý họ muốn nhắm vào ông
Giáp, một vị tướng xuất thân từ trí thức và mới chỉ tham gia đảng cộng sản từ
năm 1940. Trung Quốc cho rằng ông Giáp xuất thân không phải là công nông mà nắm
quân đội là không ổn. Có người, mà tôi ngờ là Lý Ban, phó của Văn Tiến Dũng,
đưa cho cố vấn Trung Quốc một danh sách những cán bộ xuất thân không phải công
nông định để gạt ra khỏi quân đội. Ông Giáp đưa danh sách đó cho Bác, Bác bảo đốt
ngay, thay bằng ấy người thì quân đội không còn cán bộ”. Có tới 71,66% phú nông
bị quy sai là địa chủ. Theo ông Hoàng Tùng, Pháp và Mỹ chỉ phải chịu trách nhiệm
một phần, chính cải cách ruộng đất, đánh thuế công thương nghiệp và cải tạo tư
sản, là nguyên nhân chính khiến cho hơn một triệu người miền Bắc đã phải di cư
vào Nam.
“Mỗi người làm việc bằng hai”
Nếu
mô hình Stalin và Mao Trạch Đông được giới hạn ở những gì áp dụng trước năm
1956 thì miền Bắc vẫn còn cơ hội khôi phục. Chính sách cải cách ruộng đất của Hồ
Chí Minh cũng đã đưa số ruộng đất “tước đoạt của giai cấp địa chủ” chia cho
72,8% số hộ nông dân Miền Bắc, chủ yếu là dân nghèo. Trước năm 1960, những người
nông dân nhận đất này chưa phải vào hợp tác xã. Nhờ được tự do canh tác trên mảnh
ruộng của mình, họ đã khiến cho nền nông nghiệp miền Bắc có một giai đoạn phát
triển khá tốt đẹp. Tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ cũng đạt mức tăng trưởng
nhanh cả ở nông thôn và thành thị. Có lúc, lực lượng thợ thủ công miền Bắc đã
lên tới hơn nửa triệu người. Đến cuối năm 1957, miền Bắc vẫn còn 78.456 cơ sở
buôn bán. Cải cách ruộng đất đã không chỉ được nhớ đến như một sai lầm nếu những
người nông dân được chia
ruộng tiếp tục được làm chủ đất đai của họ.
Hội
nghị quốc tế “các đảng anh em” lần I mà Hồ Chí Minh tham gia, họp tại Moscow
tháng 11-1957, đã khẳng định nguyên lý xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Thiết lập nền
chuyên chính vô sản dưới hình thức này hay hình thức khác, thủ tiêu chế độ sở hữu
tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ sở hữu công cộng, cải tạo nông nghiệp theo
chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế có kế hoạch, thực hiện cách mạng tư tưởng
văn hoá”. Ngay sau khi từ Moscow trở về, ngày 1-1-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh
công bố trước quốc dân: “Thời kỳ khôi phục kinh tế
đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch”. Trung
tuần tháng 11-1958, Trung ương họp hội nghị lần thứ 14, quyết định: “Cải tạo xã
hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, người buôn bán
nhỏ và kinh tế tư bản tư doanh…”. Ngay trong mùa thu năm 1958, đợt thí điểm đầu
tiên về hợp tác hóa nông nghiệp đã được tiến hành. Đến cuối năm 1960, 86% số hộ
nông dân miền Bắc bị đưa vào 41.401 hợp tác xã. Cuối năm 1960, 97% hộ tư sản bị
buộc phải “công tư hợp doanh”. Cho dù “giai cấp tư sản miền Bắc đã phản ứng,
đôi khi khá gay gắt”, tháng 4-1959, nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 16
tuyên bố: “Nếu trong hàng ngũ tư sản có người quyết chống lại sự cải tạo…,
trong trường hợp ấy, đó là mâu thuẫn giữa ta và địch. Những phần tử tư sản kiên
quyết chống lại cải tạo xã hội chủ nghĩa là những phần tử tư sản phản động”.
Càng
“tuân thủ mô hình Liên Xô”, tình hình kinh tế miền Bắc càng trở nên bi đát.
Ngay từ những năm đầu 1960, từ công nghiệp, thương nghiệp, cho đến tài chính đều
bị đình đốn, đời sống cả nhân dân và cán bộ đều thiếu thốn khó khăn. Ở nông
thôn, 80% thu nhập của các xã viên hợp tác xã có được nhờ vào đất “năm phần
trăm”, còn 95% diện tích ruộng đất đưa vào hợp tác xã chỉ để “làm qua loa, tính
công, chia điểm…”.
Cuộc
sống ở nông thôn trở nên u ám. Ông Vũ Quốc Tuấn kể: “Năm 1965,
tôi đạp xe về làng, thấy tám giờ sáng nông dân mới ra đồng. Tôi nói: Làm thế này
thì đói. Bà con bảo: Thì có cái gì ăn đâu mà không đói hở bác”. Điều đáng nói,
theo ông Tuấn, những người nông dân này đều vốn rất chí cốt với nghề nông, khi
còn ruộng cá thể, họ thức dậy từ ba bốn giờ sáng ra đồng. Vào hợp tác xã thì mãi
tới khi mặt trời treo ngọn tre, nông dân mới bắt đầu uể oải cầm liềm, vác cuốc.
Ngay từ khi đó, nông dân miền Bắc đã nói: “Mỗi người làm việc bằng hai / Để cho
chủ nhiệm mua đài, mua xe”.
Khi
còn là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, chính sách ruộng đất mà Lê Duẩn áp dụng ở miền Nam
khá mềm dẻo. Nhưng khi trở thành Bí thư Thứ nhất, nhất là sau khi đi dự Hội nghị
quốc tế lần thứ II, Lê Duẩn bắt đầu coi việc tuân thủ những
“kinh nghiệm của Liên Xô” là “vũ khí sắc bén”. Sau Hồ Chí Minh, “Lê Duẩn là nhà
thiết kế chính, nếu không nói là duy nhất, của mô hình kinh tế miền Bắc suốt từ
năm 1960 đến 1975, và sau đó ông cũng là nhà thiết kế chính của mô hình kinh tế
cả nước từ 1975 cho tới giữa năm 1986”.
Lê Duẩn và mối tình miền Nam
Ông
Lê Duẩn được những người giúp việc mô tả là “một người có cái đầu chỉ thích suy
nghĩ”. Chưa bao giờ ông thoả mãn với những mô hình kinh tế áp dụng ở miền Bắc
lúc bấy giờ. Ông thường xuyên đối thoại với những nhà lý luận hàng đầu
nhưng chưa có một ý tưởng nào tồn tại đủ lâu để có thể hình thành trong ông và
trong nhóm chuyên gia một con đường rõ rệt.
Ông
Đống Ngạc kể: “Một lần đi Hungary, thấy nông dân được canh tác tới năm mươi
hecta ruộng, anh Ba rất thích nhưng khi trao đổi với một số nhà kinh tế, họ
nói: ‘Làm như thế lâu [lên chủ nghĩa xã hội] lắm anh ạ’, anh Ba lại thôi”. Theo
ông Trần Phương thì nhiều lần, ông Lê Duẩn bàn với ông nghiên cứu áp dụng mô
hình Bắc Triều Tiên nhưng khi ông Trần Phương nói rằng miền Bắc Việt Nam chưa đủ
điều kiện làm như vậy thì “anh Ba im lặng”. Đầu thập niên 1970, khi nhìn thấy
những bất hợp lý của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, theo ông Nguyễn Đức Bình, ủy
viên Bộ Chính trị khóa VII, ông Lê Duẩn đã tỏ ra thận trọng khi đưa ra khái niệm
“bước đi ban đầu”. Ông Bình nói: “Khái niệm này đã làm nức lòng giới lý luận đầu
những năm bảy mươi”. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình: “Rất tiếc, khái niệm đó đã
bị chìm đi tại Đại hội IV, 1976, trong không khí say sưa vì thắng lợi”. Bài
phát biểu trước Hội nghị Trung ương 24, ngày 13-8-1975, cho thấy mâu thuẫn khá rõ giữa một Lê Duẩn sắc sảo
nhìn thấy vấn đề trong cuộc sống và một Lê Duẩn chưa có đủ lý luận để giải thích
kinh tế thị trường. Trình độ của một nhà lãnh đạo có thể được khắc phục nếu như
quy trình hình thành chính sách của Đảng cho phép tranh luận thay vì chỉ trông
cậy vào sự anh minh lãnh tụ.
Ông
Lê Duẩn sinh năm 1907 tại Triệu Phong, Quảng Trị, trong một gia đình thợ nghèo.
Bà Lê Thị Muội, con gái của ông với người vợ đầu ở quê tên là Lê Thị Sương, kể:
“Là con trai một, ba tôi rất được cưng chiều, ông nội bắt tránh sông nước nên sống
ở nông thôn mà không hề biết bơi”. Tuy nghèo, nhưng “cậu Nhuận”, tên ông hồi nhỏ,
vẫn được gia đình cố lo cho ăn học, nhưng ông học đến lớp bốn thì “tự ý bỏ”.
Theo ông Lê Kiên Thành, con trai của ông với bà Nguyễn Thụy Nga: “Ba tôi kể,
trong một lần làm bài thi, thầy giáo ra đề ‘hãy kể những gì mà nước Pháp đã
mang lại cho An Nam’. Ba tôi viết ‘nước Pháp chỉ mang lại sự áp bức’. Bài thi của
ông bị đánh rớt, từ đó ông bỏ học”. Học hành dở dang, nhưng lớp bốn ở quê thời
đó vẫn được coi là “hay chữ”, dân làng vẫn gọi ông là “cậu Thông Nhuận”. Ở nhà
ít lâu, ông Lê Duẩn kiếm được một chân thư ký cho Công ty Hỏa xa Bắc Kỳ. Tham
gia hoạt động từ thời Hội Thanh Niên Cách Mạng, ông Lê Duẩn trở thành một trong
những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông bị bắt tại
Hải Phòng khi đang là ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, bị xử án hai mươi
năm cầm cố, bị đưa qua các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo. Năm 1936, nhờ thắng
lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền Đông Dương trả tự do cho nhiều tù
chính trị trong đó có Lê Duẩn. Năm 1937, ông được cử giữ chức bí thư Xứ ủy
Trung kỳ, và chỉ hai năm sau được bầu làm ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Cũng
trong năm 1940, Lê Duẩn bị bắt, bị đày ra Côn Đảo. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông
được đón về cùng với các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh. Tại Đại
hội II, Lê Duẩn không dự nhưng vẫn được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục
làm bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Đây là thời gian mà Lê Duẩn kiến tạo được uy tín rất
cao ở trong Xứ ủy.
Theo
ông Võ Văn Kiệt, ngay cả những bậc trí thức kháng chiến như Phạm Văn Bạch, Phạm
Ngọc Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát đều quý mến ông
Duẩn và gọi ông là “ông deux cents bougies”, để diễn tả sức làm việc của ông
như một “ngọn đèn 200 nến”. Cũng như cách mà Hồ Chí Minh thi hành trong các
chính phủ ban đầu, ở Nam Bộ lúc ấy, các vị trí chủ chốt như chủ tịch, phó chủ tịch
Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, ông Lê Duẩn đều giao cho người ngoài Đảng. Ngay một
sở quan trọng như Sở Công an, ông Duẩn cũng để Luật sư Diệp Ba - một người
không phải đảng viên - làm giám đốc, còn xứ ủy viên như ông Phạm Hùng thì làm
phó. Vị trí Tổng chỉ huy Lực lượng Vũ trang Nam Bộ ông Duẩn cũng giao cho Trung
tướng Nguyễn Bình, nguyên là người của Quốc dân Đảng. Hình ảnh ông Lê Duẩn
trong những ngày lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam được bà Nguyễn Thụy Nga, người
vợ thứ hai của ông mô tả: “Anh mặc quần rách đít, áo rách cùi chõ, người anh
lúc đó nặng bốn mươi bảy ký nhưng vì cao nên trông anh khô quắt, khô queo, áo
quần thì nhuốn màu phèn Đồng Tháp Mười. Sinh hoạt của anh làm tôi xúc động. Những người
như ông Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Lê Thành Vĩnh trong Uỷ Ban Kháng chiến
Hành chánh Nam bộ, người nào cũng có nhà cửa, có người bảo vệ, người nấu bếp,
tuy ở nhà lá nhưng cũng rất đàng hoàng. Còn anh, chỉ có một chiếc thuyền tam bản,
đến cơ quan nào, đến nhà bà mẹ nào, anh em thư ký, bảo vệ leo lên nhà ngủ, còn
anh ngủ dưới ghe. Anh nhường nhịn điều kiện tốt cho mọi người”.
Bà
Nguyễn Thị Nga sinh năm 1925, con của một tri huyện cáo quan về viết báo và mở
lò gạch tại Biên Hòa. Theo bà Nga thì cha bà đã từng là chủ bút tờ báo tiếng
Pháp La Tribune Indigène. Năm mười hai tuổi, cô tiểu thư Nguyễn Thụy Nga
đã từng phải khai tăng tuổi để thi. Năm mười bốn tuổi, Thụy Nga theo “mấy chú”
đi hoạt động và cũng từ đây, cô “trót yêu một đồng chí đã có gia đình”. Người
tình “đồng chí” của bà Nga chính là “hung thần chợ Đệm” Nguyễn Văn Trấn, một
trong những người cộng sản lãnh đạo “cướp chính quyền” ở Sài Gòn năm 1945. Đây
là cuộc tình mà “cả hai người vừa duy trì, vừa kìm nén trong suốt mười một
năm”. Năm 1948, mối quan hệ của hai người bị lộ và bị Tỉnh ủy Cần Thơ họp kiểm
điểm. Bà Nga bị buộc phải chuyển về Sài Gòn công tác. Đúng lúc ấy, ông Lê Duẩn
từ Đồng Tháp Mười xuống Cần Thơ, dự cuộc họp Tỉnh ủy, ông cũng được nghe câu
chuyện tình của bà Nga, bấy giờ đang là nữ đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc. Bà Nguyễn
Thị Nga được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ kiểm tra bữa ăn sáng mà Tỉnh tổ chức cho Bí
thư Xứ ủy. Khi được ông Lê Duẩn hỏi thăm về việc bị buộc chuyển công tác, bà Nga
nói: “Lên Sài Gòn, đối với tôi là một công tác mới và khó, nguy hiểm nữa, nhưng
tôi vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì. Nhưng bảo tôi thôi yêu người tôi đã
yêu thì khó làm được. Xa nhau cũng được nhưng yêu là do trái tim tôi, đừng bắt
buộc”. Theo bà Nga thì khi ấy ông Duẩn không phát biểu gì nhưng khi trở về Xứ ủy,
gặp Lê Đức Thọ, ông nói: “Nếu có cưới vợ thì tôi thích người có tình, chung thủy
như chị Nga”. Ít lâu sau, Lê Đức Thọ xuống Cần Thơ công tác, gặp
bà Nga: “Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ, chị nên ưng anh ấy đi. Anh xa nhà hai mươi
năm không có tin tức gì, gia đình anh còn ở vùng địch. Nếu chị làm vợ anh ấy,
chị chăm sóc anh để anh có sức khoẻ làm việc, đó cũng là một nhiệm vụ. Hiện nay
trong lãnh đạo, anh ấy rất thông minh và sáng suốt, anh em thường gọi là ông
200 bougies, khi có người kề cận chăm sóc thì anh ấy sẽ trở thành 400 bougies.
Sự sáng suốt của anh ấy rất có lợi cho cách mạng”.
Bà
Nguyễn Thụy Nga nhớ lại: “Nghe anh Sáu Thọ nói, tôi chưng hửng, vì trong lòng
tôi lúc nào anh cũng là một lãnh tụ mà mọi người kính yêu. Tôi lúc nào cũng ghi
chép, đồng chí Lê Duẩn nói thế này, đồng chí Lê Duẩn nói thế kia. Tôi suy nghĩ
mãi. Một lần tôi lấy hết can đảm hỏi anh: ‘Nếu bây giờ anh lấy vợ, sau này về gặp
gia đình, phải giải quyết sao đây?’. Anh nói: ‘Anh cưới vợ trước kia là do cha
mẹ cưới cho. Anh đi cách mạng, vợ ở nhà, sau có đưa ra Hà Nội ở một thời gian
nhưng anh thấy hai người không hợp nhau. Có hai lần anh về nhà, anh nói với chị
ấy nên tìm người chồng khác, anh đi cách mạng không giúp được gì cho gia đình
và không biết sống chết ra sao. Nhưng người phụ nữ miền Trung còn phong kiến
hơn phụ nữ trong Nam, đã có chồng rồi thì ở nhà lo cho cha mẹ chồng, nuôi con.
Chồng đi xa có lấy thêm vợ thì người phụ nữ miền Trung cũng dễ chấp nhận. Nếu
sau này giải phóng chị cũng sẽ ở trong quê với cha và mấy đứa con, lâu lâu anh
về thăm. Còn chúng mình đi hoạt động cách mạng, có điều kiện gần gũi nhau, chắc
không có gì khó khăn”.
Năm
ấy, ông Lê Duẩn bốn mươi mốt còn tuổi thực của bà Nga là hai mươi ba, có lẽ khi
lấy nhau, họ cũng không ngờ ông Lê Duẩn rồi sẽ trở thành một nhà lãnh đạo quyền
lực nhất, và cuộc hôn nhân rồi sẽ mang lại cho bà Nga nhiều rắc rối nhất. Bà
Nguyễn Thụy Nga thừa nhận trong cuộc hôn nhân hơn ba thập niên của bà, chỉ có
ba năm là thực sự hạnh phúc. Ông Lê Duẩn đã chọn vợ vì “đức thủy chung mà ông
chứng kiến bà Nga dành cho người khác” và bà thì thừa nhận là đã chọn ông qua
“đạo đức và tình cảm lớn lao mà ông đã dành cho đồng chí, đồng bào”. Đám cưới
ông bà do Văn phòng Xứ ủy đứng ra tổ chức: ông Lê Đức Thọ làm “ông mai”, ông Phạm
Hùng làm chủ hôn. Ông Lê Duẩn đã đọc thơ ca ngợi vợ trong một bữa liên hoan đơn
giản được những người kháng chiến đứng ra tổ chức. Bà Nga kể: “Trong tình yêu
anh cũng như con nít, đi đâu anh cũng mang tôi theo. Họp hành xong, trở về nhìn
thấy nhau là anh ôm chầm lấy tôi”. Họ vẫn thường di chuyển và ngủ trên một chiếc
ghe tam bản có mui. Khi bà Nga mang thai người con đầu lòng tới tháng thứ bảy
thì ông Lê Duẩn trở lại miền Đông. Bà Nga trở lại Sài Gòn sinh người con gái đặt tên
là Lê Vũ Anh rồi gửi lại nhờ mẹ đẻ nuôi khi con mới ba tháng tuổi. Năm 1952,
ông Lê Duẩn ra Bắc, kể từ đó, họ bắt đầu có rất ít thời gian ở bên nhau.
Đầu
1954, ông Lê Duẩn từ Việt Bắc về miền Nam. Thư ký riêng của ông, ông Đống Ngạc,
kể: Tới Quảng Ngãi, theo lệnh của Bộ Chính Trị, ông ở lại mở lớp cho cán bộ cao
cấp miền Trung Nam Bộ, một số cán bộ từ Nam Bộ cũng kéo ra Khu V tham gia lớp học
này. Khi Hiệp định Geneva có hiệu lực, Bộ Chính trị chỉ thị ông trở lại Nam Bộ,
đôn đốc việc thi hành, chủ yếu là lo tổ chức tập kết rồi ra Bắc. Nhưng ông Lê
Duẩn đã điện ra xin “ở lại Miền Nam”. Khi những người giúp việc của ông thắc mắc,
theo ông Đống Ngạc: “Anh Ba nói, anh biết rằng sẽ không có hiệp thương và rồi
tình hình miền Nam sẽ rất gay go, anh phải ở lại để tính làm sao chuyển sang đấu
tranh chính trị và bảo toàn lực lượng. Anh Ba cho rằng phải làm lại cuộc cách mạng
dân tộc dân chủ ở Miền Nam”.
Từ
Quảng Ngãi, ông Lê Duẩn theo đường bộ vào Quy Nhơn rồi từ đó đáp máy bay của
quân đội Pháp xuống miền Tây để triển khai việc thi hành hiệp định. Ông Võ Văn
Kiệt nhớ lại: “Tuy là một người rất hùng biện trước các vấn đề gai góc, ông Duẩn
đã phải ấp úng khi giải thích Hiệp định Geneva, bởi bản thân hiệp định đã không
thuyết phục được ông”. Đó là những ngày mà theo bà Nguyễn Thụy Nga, ông Lê Duẩn
rất băn khoăn, day dứt. Bà Nga kể: “Anh đi tới, đi lui, chắp hai tay phía sau,
đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác. Theo quyết định của Trung ương, sau khi sắp
xếp tình hình xong, anh sẽ tập kết. Nhưng anh liên tục điện ra Trung ương, và tới
lần thứ ba thì Trung ương và Bác Hồ đồng ý cho anh ở lại”. Khi ấy,
bà Thụy Nga đang mang thai người con thứ hai. Bà Nga xin ở lại, nhưng theo bà
thì ông Lê Duẩn nói: “Tình hình miền Nam rồi sẽ phức tạp lắm, em ở lại không những
sẽ khổ em, khổ con mà còn dễ bị lộ cho hoạt động của anh”. Cuối tháng 3-1955,
bà Nguyễn Thụy Nga cùng con gái được thu xếp tập kết trên chuyến tàu áp chót.
Con tàu Ba Lan mang tên Kilinski, khi ấy đợi trên cửa Sông Đốc, Cà Mau, để chở
hơn 2000 cán bộ miền Nam ra Bắc. Gia đình Lê Duẩn và Lê Đức Thọ được các “đồng
chí Ba Lan” dành riêng cho hai cabin. Trước mặt báo chí và Ủy ban Giám sát, ông
Lê Duẩn cùng vợ con đĩnh đạc bước lên tàu.
Khoảng
mười hai giờ đêm, Kilinski nhổ neo. Ít giờ sau, một chiếc ca-nô âm thầm cập sát
thành tàu. Ông Lê Duẩn hôn chia tay vợ con. Bà Thụy Nga kể: Nước mắt anh chảy
xuống mặt tôi, anh nói: “Anh thương vợ con anh thế nào thì anh cũng thương vợ
con đồng bào, đồng chí như thế, nên anh phải ở lại. Em ra Bắc ráng nuôi dạy hai
con nên người”. Khi Lê Duẩn lên boong, một số rất ít các đồng chí thân cận của
ông biết kế hoạch đứng chờ. Ông Duẩn cũng ôm hôn từ giã từng người, trong đó có
Lê Đức Thọ. Rồi ông lặng lẽ leo theo mạn tàu xuống chiếc ca-nô do ông Cao Đăng
Chiếm và ông Văn Viên, người của Quốc Gia Tự vệ Cuộc, lái chạy ngược vào bờ,
nơi ông Võ Văn Kiệt đang chống xuồng đợi rồi đưa Lê Duẩn về một căn cứ ở Bạc
Liêu. Ông Duẩn rất thích “căn cứ” mà ông Kiệt bố trí. Đó là một cái trại nằm giữa
đồng, xung quanh mênh mông sông nước. Đêm ấy, bà chủ trại thấy ông Kiệt dẫn
khách về đã ngờ ngợ. Sáng, khi ông Kiệt ra phụ nhổ lông vịt làm cơm, bà hỏi:
“Có phải ông Lê Duẩn?”. Ông Kiệt giựt mình nhưng phản ứng mau lẹ: “Đâu có, ổng
đi hồi hôm rồi”. Bà dứt khoát: “Ông Duẩn! Cậu không tin, tôi lấy hình cho coi”.
Nói rồi bà lên trang thờ lấy hình ông Duẩn xuống. Ông Kiệt thấy khó giấu, bèn dặn:
“Thì ông này giống ông Duẩn nhưng chị không được nói với bất cứ ai nhé”. Sáng
hôm ấy ông Kiệt cứ phân vân, đến cuối buổi, ông rủ ông Duẩn ra vườn rồi nói thật:
“Bà già phát hiện ra anh”. Ông Duẩn hỏi: “Ai nói?”. “Bà giữ hình anh trên trang
thờ nên nhận ra”. Ông Duẩn lắc đầu: “Lại thằng Trần Bạch Đằng!”.
Khi
phụ trách thông tin Xứ ủy, ông Trần Bạch Đằng đã cho in hình ông Lê Duẩn treo
khắp các cơ quan của Ủy ban Kháng chiến. Ông Kiệt trấn an: “Nhưng bà già có ý
thức lắm”. Ông Duẩn suy nghĩ rất căng rồi nói: “Nhưng chỉ cần bả mừng, bả khoe với
con bả là đủ lộ rồi”. Ông lệnh: “Chuẩn bị, tối chuyển”. Tối hôm đó, ông Kiệt
đưa ông Lê Duẩn qua ở với ông Cao Đăng Chiếm và ông Mai Chí Thọ. Ở đây, ông Duẩn
rất kỹ, cứ có khách là ông lại vô buồng. Trong khi Cao Đăng Chiếm và Mai Chí Thọ,
đều là dân công an, lại cứ thản nhiên ngồi đánh bài ngay cả khi có người lạ tới.
Chỉ một thời gian ngắn sau ông Lê Duẩn lo lắng quá lại phải quay về ở chung với
ông Kiệt. Đó là những ngày cực kỳ căng thẳng. Ở trong đất liền một thời gian,
thấy cần phải hạn chế xuất hiện, Lê Duẩn chuyển ra Hòn Khoai, đóng giả ông thầy
thuốc Nam chữa bệnh bằng lá cây. Xung quanh ông lúc đó có Võ Văn Kiệt, Phạm Văn
Xô, có thuyền, ghe, có mấy chiếc xe ngựa, đảm bảo giao thông từ phía U Minh Hạ.
Ông Phạm Văn Xô, một ủy viên Trung ương, được người dân quen gọi là “ông Hai xe
ngựa”.
Cuối
năm 1955, ông Lê Duẩn nhận được mật báo: “Địch đã biết Lê Duẩn ở lại miền Nam
và đang lần theo mọi dấu vết để truy tìm”. Ông chuyển lên Bến Tre. Theo Năm
Hoành, một người cận vệ của ông lúc đó: “Bốn tháng đầu, tình hình tương
đối yên tĩnh. Sang đầu tháng 5-1956, địch bắt đầu đánh phá mạnh các cơ sở của
ta, anh Ba cử tôi về Bạc Liêu liên hệ với Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, chuẩn bị địa
điểm để khi cần thì sẽ đưa anh Ba quay lại Khu IX”. Người tiếp Năm Hoành khi ấy
là ông Võ Văn Kiệt. Thu xếp xong, Năm Hoành trở lại Bến Tre, gặp khi chính quyền
Ngô Đình Diệm đang bố ráp ở huyện Giồng Trôm, ông bị bắt khi còn cách nơi ở của
ông Lê Duẩn chỉ vài trăm mét. “Cách mạng miền Nam” có thể đã khác nếu như chính
quyền Sài Gòn quật ngã được khí tiết của Năm Hoành. Nhưng, dù bị tra tấn, Năm
Hoành đã không khai gì về Lê Duẩn. Sau khi Năm Hoành bị bắt, thay
vì trở lại Khu IX, nơi ông Võ Văn Kiệt đã chuẩn bị đón, Lê Duẩn quyết định trở
lại Sài Gòn. Ngày 14-7-1956, ông được Sáu Hoa, một cơ sở của ông Nguyễn Văn
Linh, đón lên Sài Gòn bằng xe hơi. Lê Duẩn về tá túc ở nhà ông Sáu Hoa một thời
gian rồi chuyển lên nhà 29 Huỳnh
Khương Ninh. Tại ngôi nhà 29 Huỳnh Khương Ninh, Xứ ủy viên Lê Toàn Thư trước đó
đã đưa các cán bộ của mình về, tạo ra một “gia đình bình phong”. Bà Nguyễn Thị
Loan, khi ấy là một phụ nữ trẻ, được Xứ ủy yêu cầu mang theo hai đứa con còn nhỏ
về đóng vai vợ một sỹ quan có chồng chinh chiến xa. Anh Trịnh Long Nhi, một nhà
giáo, đóng vai “anh Hai” của Loan. Chị Danh,
một công chức thuế quan làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất, đóng vai vợ Nhi. Người
lớn nhất trong nhà là “bà dì” Nguyễn Thị Một và ông Phan Phát Phước, vào vai
“anh bếp”. Từ cuối tháng 7-1956, ngôi nhà này có thêm “chú Chín”. Theo bà Nguyễn
Thị Loan, trong cái đêm “chú Chín” Lê Duẩn được ông Lê Toàn Thư dẫn đến nhà 29
Huỳnh Khương Ninh, ông nom như một ông già bảy mươi với dáng gầy gò, râu dài chấm
ngực, dù năm ấy ông chỉ mới chưa đầy năm mươi tuổi. Tại đây, sau khi được cắt
tóc, cạo râu và thay quần áo cho giống một ông già Sài Gòn, ông Lê Duẩn bắt đầu
viết Dự thảo Đề cương Cách mạng Miền Nam. Bản Đề cương nổi tiếng này, theo bà
Loan: “Chú Chín” viết tới đâu lại đem xuống hầm cất giấu, tới đêm mới mang lên để
bà Loan và ông Phước chép lại giữa hai dòng của một cuốn tiểu thuyết, bằng một
thứ mực hóa học do ông Phước tự chế từ những trái cây mà bà Loan gọi là trái
“ngũ bội”. Ông Lê Duẩn ở lại miền Nam cho tới đầu năm 1957, cho dù, theo bà Hồ
Anh - người được Trung ương Đảng cử tìm cách liên lạc với ông - từ năm 1956
“Bác Hồ” đã quyết định gọi ông Lê Duẩn ra Hà Nội.
Ngày
3-9-1956, bà Hồ Anh đi Quảng Châu, Trung Quốc, định tìm đường từ Hong Kong tới
Sài Gòn để đón ông Lê Duẩn, nhưng các “bạn Trung Quốc” cho là phương án này
không thể thực hiện. Bà Hồ Anh liền liên lạc với một đảng viên cộng sản Trung
Quốc, được gọi theo bí danh là Q.M., khi ấy đang ở Phnom Penh, và “đường Phnom
Penh” đã được Trung ương đồng ý. Từ Hà Nội, Phạm Hùng viết cho Lê Duẩn một lá
thư đã được mã hóa để bà Hồ Anh cầm theo làm tin. Ông Q.M. nhận được lá thư,
chuyển về Sài Gòn trao tận tay ông Lê Duẩn. Bà Loan dẫn “chú Chín” ra tiệm ảnh,
chụp hình làm giấy thông hành còn “anh Hai” Trịnh Long Nhi thì dẫn ông đi cắt
may một bộ đồ complet sang trọng.
Theo
lệnh của ông Phan Văn Đáng, ông Lai Thanh, một cơ sở người Hoa của
Xứ ủy, lo liệu giấy tờ và trực tiếp lái xe đưa ông Lê Duẩn thoát sang Phnom
Penh. Chiếc xe Ford bốn chỗ, sơn màu đọt chuối của một cơ sở khác, tên là Nguyễn
Văn Ninh, được trưng dụng cho “cuộc đào thoát lịch sử”. Ngoài ông Lai Thanh lái
xe, ông Ninh chủ xe, tùy tùng thứ ba là một bảo vệ do ông Lê Duẩn trực tiếp lựa
chọn: ông Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, vốn là một cán bộ binh vận mà
ông Lê Duẩn biết rõ khi còn ở Đồng Tháp. Khi ấy, lệnh truy đuổi Lê Duẩn đã được
chính quyền Ngô Đình Diệm ban xuống gắt gao. Ở trạm kiểm soát Gò Dầu, Tây Ninh,
Bảy Dự phán đoán có ít nhất năm loại tình báo đang rình rập. Ông Ninh cầm xấp
giấy tờ chạy xuống trình, thấy trong bót gác có lệnh truy nã Lê Duẩn dán hình
ông hồi kháng chiến. Nhưng mật vụ kiếng đen thò đầu nhìn vào trong xe không tìm
ra được mối liên hệ nào giữa một ông “bận đồ lớn”, mặt mũi phương phi, đeo kính
trắng với ông Duẩn gày gò trên tờ truy nã. Cùng với khoản lót tay hậu hĩ, Lê Duẩn
thoát sang Svay Rieng không mấy khó khăn. Tại đây, ông dừng lại để làm giấy tờ
giả dưới danh nghĩa Việt kiều. Tại Phnom Penh, ông Lê Duẩn triệu tập Xứ ủy Nam
Bộ lên họp bàn về tình hình “cách mạng miền Nam” trước khi ông lên một tàu buôn
Anh chạy tuyến Phnom Penh - Hong Kong, theo sông Tiền, trở lại miền Nam Việt
Nam, lênh đênh bốn ngày, năm đêm trên biển. Trong những ngày ấy, Lê Duẩn phải
đóng vai “ông già câm” để khỏi phải giao tiếp với những người trên tàu. Đi cùng
ông là Q.M. Trong vai một “đứa cháu” người Hoa, Q.M. sẽ đưa ông Lê Duẩn về Quảng
Châu, nơi đó họ gặp lại nữ đồng chí Hồ Anh cũng vừa bay từ Phnom Penh đến. Ngày
4-6-1957, máy bay chở Lê Duẩn từ Trung Quốc trở về đáp xuống sân bay Gia Lâm.
Năm
1955 bà Nga tập kết ra Bắc cùng với con gái Vũ Anh, khi ấy, bà đang mang thai
người con thứ hai về sau được đặt tên là Lê Kiên Thành. Thoạt đầu, bà Nguyễn Thụy
Nga được phân công làm việc ở báo Phụ Nữ Việt Nam. Trong suốt mùa hè đầu tiên ở
miền Bắc, bà được bố trí ở trong một gara ô tô mái lợp tôn nóng bức cùng với
hai phụ nữ có con nhỏ khác. Về sau, bà Mai Khanh, vợ của ông Phạm Hùng, đưa bà
về ở chung trong một biệt thự trên đường Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, ở đây mẹ
con bà đã không khỏi chạnh lòng khi những người khách đến thăm ông Phạm Hùng tặng
quà con cái chủ nhà mà không ai để ý đến những đứa trẻ, con của một lãnh đạo tối
cao, khi ấy cũng đang khát khao quà cáp. Một trong những việc đầu tiên mà bà
Nga làm khi ra Bắc là viết thư về thăm người bố chồng mà bà chưa bao giờ gặp mặt.
Khi ấy, bố ông Lê Duẩn đang sống ở Nghệ An với con dâu là bà Lê Thị Sương, người
vợ đầu ở quê của ông. Thoạt đầu, bố chồng bà đã nhờ Khu ủy Khu IV gửi trả lại
món quà của bà Nga, còn bà Lê Thị Sương thì chỉ khóc. Tuy nhiên, tình hình được
cải thiện khi bà Sương chấp nhận trả lời thư của bà Nga. Sau đó,
trong một dịp Tết, bà Nga đưa con về Nghệ An thăm nhà chồng. Những đứa trẻ Vũ
Anh, Kiên Thành đã chiếm được cảm tình của ông nội và bà “mẹ lớn”. Nếu không có
sự “tham gia” của đoàn thể, có thể ông Lê Duẩn đã thu xếp được chuyện gia đình
với hai người vợ. Nhưng, trước khi ông Lê Duẩn được điều ra Hà Nội, bà Nguyễn
Thụy Nga kể: “Anh Phạm Hùng, chị Nguyễn Thị Thập nói với tôi, trước kia vì sự
nghiệp của anh mà chị ưng anh ấy, bây giờ cũng vì sự nghiệp của anh, chị nên chủ
động ly dị để anh làm tròn nhiệm vụ”. Khi ấy Quốc hội vừa có Luật Hôn nhân và
Gia đình quy định chế độ “một chồng, một vợ”. Ông Lê Duẩn ra, vui mừng gặp lại
người vợ trẻ. Nhưng, theo bà Nga: “Một hôm anh nằm gần cửa sổ trên sàn nhà, đầu
anh gối lên đùi tôi để tôi nhổ tóc bạc cho anh. Tôi nói: ‘Các anh chị đề nghị
chúng ta ly dị nhau’. Anh khóc và nói: ‘Trong hoàn cảnh nào chúng ta lấy nhau,
giờ trong hoàn cảnh nào chúng ta bỏ nhau? Có làm tổng bí thư đi nữa mà phải bỏ
nhau trong lòng anh sẽ không bao giờ yên ổn. Người cộng sản thì phải có thủy,
có chung, có tình có nghĩa’. Tôi khóc”. Mấy hôm sau, ông Lê Duẩn dẫn vợ sang
Trung ương Hội Phụ nữ để trình bày, nhưng theo bà Nga thì “nhiều chị phản đối kịch
liệt”. Từ đó, bà Nga nói: “Tôi trở thành đối tượng bị các chị ghét bỏ. Tôi là tỉnh
ủy viên, khi ra Bắc còn chế độ nằm bệnh viện Việt Xô, nay Trung ương Hội cắt hết
những quyền lợi đó, coi tôi như là một tội phạm chính trị”. Những
đồng chí của ông Lê Duẩn như Lê Đức Thọ, người đã mai mối bà Nga cho ông, giờ
đây cũng im lặng. Bà Mai Khanh, vợ ông Hai Hùng, người chủ hôn, thì cùng với
vài cán bộ khác vào tận Nghệ An vận động gia đình chống lại bà. Khi ông Lê Duẩn
ra Bắc, bà Nga cũng chỉ “thỉnh thoảng mới về số 6 Hoàng Diệu để thăm chồng”. Bà
kể: “Có đêm chúng tôi đang nằm bên nhau đùa giỡn với bé Thành thì con gái của
anh, bé Hồng, từ ký túc xá trường đại học về đập cửa rầm rầm và la khóc. Anh
khuyên tôi: ‘Thôi em đi cho nó yên’. Đi đâu? Tối hôm đó bà Nga sang nhà bà Bảy
Huệ, phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh; đến nửa đêm, bà Bảy Huệ đưa bà về lại số
6 Hoàng Diệu. Bà Nga nhớ lại: ‘Khi ấy Hồng đã vào trường, thấy tôi mắt anh mừng,
sáng rỡ'. Tháng 12-1957, chỉ năm tháng sau khi đoàn tụ, ông Lê
Duẩn phải thu xếp để cho người vợ trẻ sang Bắc Kinh công tác. Khi ấy bà đang có
mang ba tháng, vừa nuôi ba đứa con vừa công tác, vừa học trong vòng năm năm. Thỉnh
thoảng, trong những chuyến công du dừng chân ở Bắc Kinh, ông Lê Duẩn mới có dịp
ghé thăm. Tháng 7-1962, bà Nga trở về Việt Nam nhưng không phải để đoàn tụ. Bà
được phân công làm việc ở báo Hải Phòng. Bà Nga kể: “Thỉnh thoảng anh xuống
thăm mẹ con tôi nhưng không một lần nào vui vẻ, vì thường anh phải đưa cô con
gái của người vợ trước đi theo. Thấy anh và tôi thân mật với nhau là nó đập phá
la khóc, anh lại phải buồn hiu ra về”. Một lần lên Hà Nội họp,
bà Nga về thăm chồng ở số 6 Hoàng Diệu. Bà kể: “Vào nhà thấy Hồng đang ăn cơm với
ba, tôi vào trong thay áo ngoài. Vừa bước ra thì Hồng cầm chén cơm có chan canh
đổ từ trên đầu xuống”. Bà Nga viết: “Nhiều lần tôi muốn treo cổ
tự tử ở cổng nhỏ nhà số 6 Hoàng Diệu. Nhưng tôi chết thì nhẹ cho tôi, còn anh,
còn mấy đứa con tôi sẽ ra sao? Anh sẽ mất uy tín, sẽ đau khổ. Con tôi sẽ mất mẹ.
Vì Đảng, vì tình thương mà tôi đã vượt qua”. Tình riêng gác lại,
từ đây Lê Duẩn được mô tả như là một người dành hết tâm, lực của mình cho đất
nước.
Chấp chính và chuyên chính
Năm
1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, Lê Duẩn trở thành Bí thư Thứ nhất Ban Chấp
hành Trung ương Đảng. Thời gian này, thường các ủy viên Bộ Chính trị rất ít khi
gặp nhau. Theo ông Đậu Ngọc Xuân, mỗi người ở một biệt thự riêng và sinh hoạt
chi bộ ở nhà với thư ký, lái xe, bảo vệ. Ông Đậu Ngọc Xuân kể: “Nhiều cụ Bộ
Chính trị vẫn giết thời gian bằng cách chơi tú-lơ-khơ với tổ phục vụ, nhưng anh
Ba thì chủ yếu dùng thời gian đọc sách. Vốn tiếng Pháp không nhiều lắm nhưng
ông vẫn cố dành cả ngày để đọc bộ Bách khoa Toàn thư bằng tiếng Pháp. Mỗi khi
chúng tôi rủ ông chơi tú-lơ-khơ, ông nói: tôi đọc sách cũng là giải trí”. Các ủy
viên Trung ương lại càng ít việc. Theo ông Nguyễn Văn Trấn, Phó Chủ tịch nước
Tôn Đức Thắng, vốn là một thợ cơ khí, nhiều hôm đã lật chiếc xe đạp của ông ra
sửa để giết thời gian.
Theo
ông Hoàng Tùng: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy lề lối sinh hoạt của các thành
viên trong cơ quan lãnh đạo tối cao là không ổn. Cụ Hồ nói: “Ta phải lập một
chi bộ gồm tất cả ủy viên Bộ Chính trị, Bác làm bí thư để hàng tuần các đồng
chí lãnh đạo còn ngồi lại với nhau chứ họp ở nhà thì coi như không làm gì cả”.
Thế rồi cuối tuần, Cụ Hồ làm cơm mời các ủy viên Bộ Chính trị tới ăn, nhiều người
nghe hỏi: “Hôm nay có chuyện gì hay sao thế?”. Tôi bảo: “Bác lập chi bộ”. Vào bữa,
Cụ Hồ nói: “Hôm nay họp chi bộ, các chú chuẩn bị kiểm điểm, họp ở nhà toàn cần
vụ, lái xe thì ai kiểm điểm các chú”. Thế nhưng, theo ông Hoàng Tùng, ăn thì họ
vẫn tới ăn nhưng có khi vẫn không ai nhìn nhau cả. Có bữa ông Lê Duẩn nói “Tôi
về nhà làm việc với lái xe, bảo vệ đây”. Khi Nguyễn Chí Thanh được cử vào Nam,
cuộc gặp chiều thứ bảy bỏ. Theo ông Hoàng Tùng: “Nguyễn Chí Thanh nói với Cụ Hồ:
‘Tôi đi Nam tôi rất phấn khởi, chỉ sợ ở nhà không ai chống xét lại’. Cụ Hồ cũng
rất buồn, có dịp 19-5, Cụ bỏ lên Ba Vì, Bộ Chính trị kéo lên theo, Cụ bảo: ‘Các
chú lên làm gì?’. Mọi người nói: ‘Lên chúc thọ Bác!’. Cụ Hồ mắng: ‘Thọ thì có
gì mà chúc, điều quan trọng là các chú phải từ bỏ chủ nghĩa cá nhân đi, các chú
phải đoàn kết, có đoàn kết mới thống nhất Bắc-Nam được. Các chú mắc bệnh cá
nhân chủ nghĩa, chú Lê Duẩn cũng cá nhân chủ nghĩa’. Năm 1967, Cụ Hồ bảo tôi và
Tố Hữu thảo bài nói chuyện ‘Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá
nhân’, tôi viết chủ nghĩa cá nhân chung chung, Cụ bảo: ‘Vấn đề là ở cấp trung
ương chứ không phải ở cơ sở'”. Ông Trần Việt Phương, người cùng với Vũ Kỳ, Lưu
Văn Lợi, sống bên cạnh Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch từ năm 1954 đến 1969, kể:
“Hồ Chí Minh nói: ‘Chú Ba, chú Năm, chú Tô phải thống nhất ý kiến với nhau rồi
mới đưa ra Bộ Chính trị’.
Bộ
Chính trị họp ngay nhà sàn, trước họp ở Phủ Toàn quyền cũ. Khi về Hà Nội, chính
phủ lúc đầu ở 108 sau về Phủ Toàn quyền. Nhưng rồi Hồ Chí Minh xuống ở dãy nhà
của những người phục vụ Toàn quyền Pháp. Hồ Chí Minh chọn nhà ở một tầng của một
người thợ điện. Phạm Văn Đồng ở cách đấy mười mét, dãy nhà sau, tầng thứ hai.
Chúng tôi ở trong một garage trước chứa mười chiếc ô tô nằm giữa nhà Hồ Chí
Minh và Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng nhiều lúc trở thành người trung gian giữa
Trường Chinh và Lê Duẩn”.
Vai
trò của Bí thư Lê Duẩn càng trở nên nổi bật sau khi Hồ Chí Minh qua đời. Sau
khi khiến dân chúng xúc động qua bài điếu văn đọc trong “Lễ tang của Bác”, ông
được mô tả như là một học trò xuất sắc nhất của “Cha Già Dân tộc”.
Theo
ông Đậu Ngọc Xuân, khi bệnh tình của Hồ Chí Minh đã chuyển sang giai đoạn khó
lòng cứu chữa, Bộ Chính trị phân công ông Phạm Văn Đồng và ông Trần Quốc Hương
chuẩn bị bài điếu văn để Bí thư Lê Duẩn đọc. Ngày 2-9-1969, Cụ Hồ đã qua đời,
nhưng khi đọc bản dự thảo điếu văn vẫn không ai đồng ý. Ông Lê Duẩn nói với Đống
Ngạc và Đậu Ngọc Xuân: “Tôi lo quá, hai chú nghĩ xem ta tự viết lấy được
không”. Xem bản thảo do bên chính phủ viết xong, ông Đậu Ngọc Xuân nói: “Anh Ba
ơi, bài điếu văn này chỉ viết để dành cho cán bộ bình thường thôi, không phải
cho lãnh tụ”. Ông Xuân kể tiếp: “Khi ấy, tôi sực nhớ có hai bài điếu văn mà khi
học tiếng Nga ở Liên Xô tôi rất thích: bài điếu đọc trước mộ của Karl Marx và
bài điếu do Stalin đọc trong lễ tang Lenin”. Khi ấy đã chín giờ
đêm, ông Đậu Ngọc Xuân lập tức yêu cầu Văn Phòng Trung ương lục tìm trong các
tuyển tập hai bài điếu văn ấy. Đến mười hai giờ thì tìm ra, cả ông Xuân và ông
Đống Ngạc viết luôn một mạch cho tới năm giờ sáng. Theo ông Xuân thì điểm nhấn
mà ông học được từ bài điếu văn đọc trong lễ tang Karl Marx và Lenin là câu
“Vĩnh biệt Người, chúng ta thề!”. Sáng hôm sau, ông Lê Duẩn xuống, hỏi ngay:
“Ra không?”. “Dạ có, không giống hai bài cũ”. “Đưa tôi xem”. Trong cuộc họp sau
đó, các ủy viên Bộ Chính trị đã lần lượt nghe đọc qua năm dự thảo. Đến bài do
nhóm giúp việc của ông Lê Duẩn trình thì ông Trường Chinh nói: “Đúng đây rồi!”.
Bộ Chính trị liền giao cho Tố Hữu phối hợp với các ông Đống Ngạc, Đậu Ngọc
Xuân, hoàn chỉnh. Khi bài điếu văn đã hoàn thành, có một lo ngại khác đó là giọng
Quảng Trị của ông Lê Duẩn. Ông Duẩn vốn rất dở khi đọc diễn văn, nhưng đến bài
điếu văn này, theo ông Xuân, ông Duẩn nói: “Các chú đưa đây và yên tâm, mai tôi
sẽ đọc được”. Khi đứng cạnh linh cữu Hồ Chí Minh, như nằm ngủ trong cỗ quan tài
bằng pha lê, trước sự chờ đợi của muôn dân, theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Anh Ba
khóc. Chưa bao giờ anh khóc, nhưng lần đó anh đã khóc”. Khi đã trở thành người
“kế tục sự nghiệp của Bác”, Lê Duẩn càng thăng hoa. Có thời gian ông kéo nhóm
giúp việc xuống Đồ Sơn và ở lại đó khá lâu để “tư duy”. Bộ Chính trị hầu như
không biết ông đang làm gì ở đó. Một ủy viên quyền bính vào hàng bậc nhất như Bộ
trưởng Nội vụ Trần Quốc Hoàn mà cũng mù tịt. Một lần, nhân khi Giáo sư Trần
Phương từ Đồ Sơn trở về, ông Hoàn đã mời ông Trần Phương tới nhà dùng cơm. Ông
Trần Phương nói: “Khi đó, tôi thấy lo lo, không biết
có gì xảy ra mà bộ trưởng Nội vụ lại muốn gặp riêng. Nhưng trong bữa ăn, khi thấy
ông Hoàn dò hỏi xem ông Lê Duẩn đã làm gì ở Hải Phòng, thì tôi thở phào nhẹ
nhõm”. Ông Trần Phương nhớ lại: “Ở Đồ Sơn, ông ra tắm biển. Mọi người
không thấy ông bơi, ông nhìn trời, nhìn nước, nhìn mây và suy nghĩ. Thực ra ông
không tắm trong nước biển mà tắm trong những dòng suy tưởng. Lắm khi đùng một
cái, ông quay lại nói về một loạt những suy nghĩ mà ông mới nảy sinh qua sóng
biển đó”.
Mỗi
khi nói tới Đại hội Đảng lần thứ IV, ông Võ Văn Kiệt vẫn tự trách mình: “Chúng
tôi ra Hà Nội mà ít ai ý thức được là mình đang tham gia quyết định vận mệnh,
đường đi của dân tộc. Chúng tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào sự anh minh của lãnh
tụ còn mình thì đến đại hội như đến một đại lễ mừng chiến thắng”. Đây có thể là
sự nuối tiếc của một con người trách nhiệm. Nhưng, ngày 14-12-1976, khi Đại hội
IV chính thức khai mạc ở Hội trường Ba Đình, mọi việc đã được Lê Duẩn và Trung
ương quyết định. Trước đó, trên chiếc chuyên cơ IL-19 chở đoàn đại
biểu của Đảng bộ Thành phố bay từ Tân Sơn Nhất ra Hà Nội, ông Võ Văn Kiệt đã nhận
được lời chúc mừng của các vị đi chung về việc tại Đại hội IV, ông sẽ trở thành
ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.
Tại
Hội nghị Trung ương 24, tháng 8-1975, Bí Thư Lê Duẩn nói: “Việt Nam bây giờ, đi
như thế nào để tạo ra được chủ nghĩa xã hội? Đây là một vấn đề khó, khó vì sao?
Chưa bao giờ người ta nói đến một nước đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội
chủ nghĩa, trong lịch sử chưa có quy luật đó. Mác chưa nói, Lenin cũng chưa
nói. Sở dĩ có chuyện đó là do ta có các nước lớn giúp đỡ thôi”. Lê Duẩn đánh
giá: “Các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã lợi dụng
sự sa lầy và suy yếu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam mà lớn lên”, trong khi
“đế quốc Mỹ và hệ thống thế giới của chủ nghĩa đế quốc đang ngày càng suy yếu
và đang lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện”. Hơn một năm sau, tại Hội nghị
Trung ương 25, quan điểm của ông Lê Duẩn về “chỗ dựa” đã hoàn toàn thay đổi,
ông nói: “Trước đây, chúng ta nghĩ rằng đi từ sản xuất nhỏ lên chủ nghĩa xã hội
bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa chủ yếu nhờ có sự giúp đỡ của phe
ta. Nay ta thấy, nghĩ như vậy là không đúng… Việc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một
nước trước hết là do quy luật bên trong của nền kinh tế nước ấy quyết định, do
nước ấy tự làm, tự đi lên là chính”. Theo ông Trần Phương: “Khi
giải phóng miền Nam, chúng tôi đặt câu hỏi, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân rồi thì làm gì? Gần như mọi người đều tán thành: còn có thể làm gì hơn
là tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Ông Trần Phương nói tiếp: “Tư tưởng đó là
của của Lenin. Khi đó thì đầu óc của mình chỉ biết có Lenin, cái gì Lenin đã
nói thì không tranh cãi”. Việc Đại hội Đảng lần thứ IV áp đặt mô hình kinh tế
miền Bắc cho cả miền Nam là điều không thể tranh cãi. Đó là vận nước. Những điều
được viết trong đường lối Đại hội IV chưa phải là chính sách,
chưa phải là những quy phạm, mà chỉ là những khái niệm mơ hồ thể hiện khát vọng
của những người cộng sản. Những ngôn từ rất chung ấy có thể được suy diễn theo
hướng tích cực bởi những người có đầu óc thực tế và có trách nhiệm với dân.
Nhưng các nhà lãnh đạo khi ấy không chỉ so mình với “lịch sử 4.000 năm”. Bí thư
Trung ương Xuân Thủy, khi làm thơ, còn tưởng “Ta đang tới đỉnh cao nhân loại”.
Câu thơ ấy của Xuân Thủy minh họa phát biểu của Bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị
Trung ương 25 - người lãnh đạo cao nhất, khi ấy, cũng tưởng thế giới đang nhìn
Việt Nam “khâm phục lắm”.
Ngay
từ ngày 09-08-75, tức là chỉ hơn ba tháng sau khi giành được chiến thắng ở miền
Nam, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước”, với
yêu cầu “nhanh chóng tìm ra và khai thác nhiều dầu, khí, vừa đủ dùng trong nước,
vừa có thể xuất, tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã
hội chủ nghĩa”. Chưa đầy một tháng sau Hội nghị Trung ương 24, ngày 20-9-1975,
Bộ Chính trị ra Nghị quyết 245, sáp nhập hơn sáu mươi tỉnh thành của cả nước
thành hai mươi chín tỉnh và bốn thành phố. Việc sáp nhập các tỉnh theo Nghị quyết
245 là “nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị
hành chánh có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản
xuất”. Nếu như ở Hội nghị Trung ương 24, ông Lê Duẩn còn thấy phải thận trọng
khi áp dụng mô hình miền Bắc vào miền Nam, thì ở Hội Nghị Trung ương 25, tháng
9-1976, ông nói: “Ta có thể đem những hiểu biết (hợp tác xã ở miền Bắc) ấy vào
làm ở miền Nam, làm trên cả 500 huyện trong cả nước để trong vòng năm năm tới,
nông nghiệp cả nước sẽ lên chủ nghĩa xã hội như nhau”. Ý tưởng của
Tổng Bí thư Lê Duẩn về “pháo đài huyện” ngay lập tức trở thành đề tài nóng bỏng
của cả bộ máy tuyên truyền, các địa phương đua nhau đi tiên phong. Nhiều nơi
đòi “thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang san”. Ở huyện Quỳnh
Lưu, Nghệ Tĩnh, chính quyền quyết định xóa bỏ làng xóm cổ truyền,
đốn bỏ vườn cây ăn trái từ hàng trăm năm, dời các hộ nông dân lên đồi cao, để
thổ cư cũ biến thành ruộng lúa…
Cùng
với mô hình kinh tế, bộ óc “200 bougies” của ông Lê Duẩn còn sáng tạo ra mô
hình chính trị “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, và sáng tạo
ra mô hình “làm chủ tập thể”. Cho dù các nhà lý luận hàng đầu trong Đảng lúc ấy
cũng không hiểu Tổng Bí thư Lê Duẩn thực sự nói gì, sau Đại hội
Đảng lần thứ IV, làm chủ tập thể trở thành một môn học học bắt buộc trong các
nhà trường. Ngày 13-3-1977, tại trường Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói:
“Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch
sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là
làm chủ tập thể”. Đúng như ông Đậu Ngọc Xuân nhìn nhận, “phải
sáng tạo lắm mới thoát ra khỏi sự giáo điều”. Mà muốn sáng tạo thì cũng phải dựa
trên khả năng tư duy của những con người cụ thể. Lê Duẩn vào thời điểm ấy cho
dù vẫn cháy bỏng những khát khao cũng không tránh khỏi những hạn chế về học vấn
và sức khỏe.
Từ
đầu thập niên 1970, bệnh tiền liệt tuyến đã khiến cho Lê Duẩn không có một đêm
nào ngủ yên và không còn khả năng lắng nghe. Ông
Nguyễn Văn Trân nhận xét: “Anh Lê Duẩn có thói quen hay cắt lời
người khác. Trong các cuộc họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư có khi anh nói gần
suốt cả buổi, không mấy ai còn thời giờ nói ý của mình”. Đại tướng Võ Nguyên
Giáp viết: “Anh Ba là một con người giàu tình cảm cách mạng, có khi sôi nổi. Do
đó, một mặt thì dễ gần gũi với cán bộ, quần chúng mặt khác lại có những phản ứng
quá mức đối với những ý kiến khác mình. Điều đó đã hạn chế không khí dân chủ
trong nội bộ, nhất là về những năm cuối đời”. Lê Duẩn từng nhắc
nhở thuộc cấp tránh hiện tượng “đảng là của tôi, nhà nước là của tôi, của một
người”. Nhưng ông đã không nhận thấy chính mô hình chính trị mà
ông đặt ra đã mắc phải những gì mà ông cảnh báo: từ chỗ còn “có cái phải thuyết
phục, có cái phải bắt buộc” đến chỗ đối với những ý kiến khác,
chỉ còn chuyên chính. Năm 1976, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn tuyên bố: “Chế độ ta là
chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết là đường lối của giai cấp vô sản… Đường
lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề
nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và không hợp tác với ai… Đường lối đó là đường
lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại những cái đó
thì bắt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét