PHÁT TÀI
Tin nhà anh Khánh sắp dọn về nơi ở mới, một
ngôi nhà có giá vài chục "cây" vàng là một sự bất ngờ. "Thời buổi thị
trường khiếp thật, mọi cái đều xảy ra như pháo nổ. Đánh đùng một cái".
Có người bình vậy. Người ta bắt đầu nhớ lại xưa nhà Khánh phất từ lúc
nào. Có lẽ "lộc" đến nhà Khánh từ hồi giáp tết Nguyên Đán vừa qua. Lúc
đó, ở Nhật người ta tổ chức một cuộc hội thảo về văn hóa Phương Đông. Lẽ
ra, ông sếp của Khánh sẽ đi dự cuộc hội thảo 7 ngày cả đi lẫn về, nhưng
ngặt nỗi ông chỉ biết tiếng Pháp không biết tiếng Anh hay tiếng Nhật. ở
cuộc hội thảo này không có tiêu chuẩn phiên dịch và họ không dùng tiếng
Pháp. Ông đành phải để Khánh đi thay...
Khánh
hãi. Tính anh vốn nhút nhát, sợ người lạ, sợ chỗ tranh cãi. Thêm nữa,
khả năng ứng khẩu tác chiến trong các cuộc luận bàn của anh rất ư là
chậm lụt. Có những lúc bị người ta "nói này, nói nọ", anh tức lắm nhưng
không biết phản ứng ra sao, cứ im lặng cười trừ. Về nhà, tĩnh tâm một
lúc mới thấy ra rất nhiều câu trả lời "búa bổ". Bà Tư Rêu suốt ngày chửi
anh: "Người ta dại chợ nhưng còn có chỗ khôn nhà, đằng này đã dại chợ,
lại còn dại nhà, thật là vô tích sự".
Vợ anh cũng nhiều lần chì chiết đay nghiến "Nếu có môn thi tụng kinh gõ mõ chắc anh giành chức vô địch".
Khánh
ưa nghĩ sâu xa. Anh sẽ hết sức minh mẫn và sâu sắc nếu tĩnh tại một
mình. Ngay cả trong công việc tay chân cũng vậy, nếu chỉ để anh làm một
mình, việc sẽ chạy đều và anh cũng thấy sảng khoái. Nhưng nếu có người
này tham gia thêm, người kia chỉ dẫn là y như rằng anh lúng túng, rối
trí, loay hoay xoay xở lung tung. Với tính nết như vậy nên anh có ý từ
chối, bảo: "Hội thảo quốc tế chứ đâu phải chuyện chơi. Là đem chuông đi
đánh xứ người, không thể chọn người như tôi được".
Sếp
của Khánh phân vân lo lắng. Ông ta không đi cũng chẳng sao. Nhưng nếu
không có ai đi dự, e người ta sẽ không còn "quan hệ" mật thiết nữa. Cấp
trên cũng nhất quyết yêu cầu phải cử người đi. Vấn đề đối ngoại lúc này
là quan trọng. Người ta mời, mình không đi là điều không hay. Chết nỗi,
ngoài Khánh ra, không còn ai trong cơ quan đủ tiêu chuẩn để đi cả. Sếp
nhất định phải vận động Khánh, sếp ra ba "chiêu".
Chiêu thứ nhất, bảo
"Anh ngu thấy mẹ, người ta đạp lên đầu nhau để giành đi nước ngoài,
nhất là đi Tây Âu, đi Nhật. Anh được cử đi, phải hãnh diện, tự hào chứ?"
Khánh nhăn nhó, nói: "Đi làm việc chứ đâu phải tham quan. Tôi sợ mình
chậm lụt vụng dại".
Chiêu thứ hai, sếp bảo: "Tổ chức cử anh đi, anh từ chối hả?"...
Khánh vẫn kiên quyết:
- Tôi không muốn vì tôi mà cả cơ quan mang tiếng, biết không hoàn thành nhiệm vụ, từ chối là hợp lý...
Chiêu thứ ba, và cũng là tuyệt chiêu cuối cùng: Sếp đến nhà báo cho mẹ và vợ Khánh biết, yêu cầu họ "giải quyết".
Bà Tư Rêu nổi giận phừng phừng, đập tay dậm chân kêu khổ. "Sếp" sợ bà mẹ Khánh giận quá hỏng việc, nên vội vã khuyên giải:
-
Thím nóng giận như vậy, càng làm cậu ấy rối trí. Mà đã rối thì dễ dẫn
đến chuyện làm ẩu, làm liều. Cậu ấy làm liều, xách va li ra sân bay thì
không nói làm gì. Lỡ ra, cậy ấy bỏ trốn, nhất quyết không chịu đi thì
biết làm sao. Vậy nên, tôi đề nghị thím đem tình, lý ra để vận động,
thuyết phục. Cậu ấy chưa tin tưởng ở mình, thím ráng củng cố niềm tin
cho cậu ấy..."
Bà Tư Rêu thấy ông Sếp này
nói có lý, gật đầu, khen phải. Bà bàn với vợ Khánh cách thức cương nhu
hỗn hợp, vừa đánh vừa xoa. Lại bảo vợ Khánh mua thêm mấy cái chân gà và
một chai bia Sài Gòn...
Vợ Khánh phản đối, bảo:
-
Chân gà thì được, chứ bia là không ổn đâu mẹ! Anh ấy chỉ uống nửa chai
là đã lăn quay ra ngủ rồi, còn vận động thuyết phục cái nỗi gì?
Bà
Tư Rêu tự tin lắm. Bà phẩy tay ra lệnh "Chị cứ mua về đây, tôi khắc biết
phải làm gì".
Như thường lệ, 7 giờ kém 5 phút tối, Khánh về nhà. Thấy
trên bàn thờ ông già có nhang cháy đỏ, lại thấy mẹ tư lự ngồi bó gối
trên giường, Khánh ngạc nhiên, nhưng không dám hỏi. Anh nhớ rất rõ hôm
nay mới mồng bảy âm lịch. Mồng một đã qua, ngày Rằm chưa tới, sao mẹ lại
thắp nhang. "Chắc phải có lý do nào đấy, mẹ không bao giờ cúng thừa",
Khánh tin vậy. Nhưng khi ngồi vào mâm cơm, thấy bốn cái chân gà luộc,
món ăn ưa thích của anh, Khánh không nén nổi tò mò, buột miệng hỏi:
- Bữa nay là gì mà mẹ thắp nhang vậy?
Bà mẹ thở dài, làm vẻ buồn, nói:
-
Đêm qua ba mày về báo mộng cho tao biết nhà sắp có lộc, lại còn nói cụ
thể là lộc từ nước ngoài về. Tao cứ nghĩ mãi suốt từ sáng tới giờ, nhà
mình đâu có ai là Việt kiều, cũng chẳng có ai du học hay đi công cán
nước ngoài, sao lại có lộc từ nước ngoài về cơ chứ. Không lẽ ba mày nói
dóc xí gạt tao. Tao tính tối nay phải hỏi cho rõ. Vậy mới thắp nhang
"rước" ba mày về...
Khánh thực thà bảo:
- Người ta có cử con đi Nhật dự hội thảo, nghĩa là đi công tác, nhưng con từ chối rồi. Chuyện mộng mị, mẹ đừng nghĩ vẩn vơ nữa.
Vợ Khánh rót bia cho chồng, tủm tỉm cười, hỏi:
- Đi Nhật cơ à? Đi bao lâu anh?
Khánh
lại ngạc nhiên vì cách cư xử của vợ. Mọi bữa, cô ta đâu có tử tế thế
này, cơm xới xong đẩy một phát về phía Khánh, gắt "Ăn nhanh rồi nhớ lau
nhà, rửa chén, giặt giũ xong mới được ngồi vô bàn viết đấy".
Khánh sợ hãi, nói:
- Thôi, tôi không uống đâu! Uống rồi tôi không lau nhà, giặt giũ, rửa chén được.
Vợ Khánh cười tươi như hoa, vỗ lưng chồng:
- Không, bữa nay anh khỏi làm gì nữa, để em làm hết, anh cứ uống đi...
Khánh vững tâm, bảo:
- Là cô nói đấy nha...
Uống rồi, Khánh thấy phấn chấn, lại hỏi vợ:
- Này, cớ sao bữa nay lại chiêu đãi tôi chân gà và bia vậy?
Vợ Khánh vẫn cười cười, bảo:
- Phải chiều anh chứ. Để anh giận, ra nước ngoài anh kiếm bà hai sao?
Khánh cười hô hố:
- Cô yên tâm đi, tôi đã từ chối, nhất quyết không chịu đi rồi.
Bà Tư Rêu chặn tay Khánh, không cho anh uống bia nữa, giọng bà đanh hẳn, chát chúa:
- Anh nói gì? Từ chối đi Nhật Bổn à?
Khánh hào hứng đáp:
- Tính con nhút nhát chậm lụt, con sợ đi ra ngoài làm trò cười cho thiên hạ, nhục lắm.
Vợ Khánh dài giọng chì chiết:
- Anh mà nhút nhát, chậm lụt? Sao giúp mấy cô xách nước vác xe lại nhanh nhẹn hoạt bát quá vậy?
Khánh cãi:
-
Xách nước, vác xe là chuyện thường thường ai chả làm được. Còn chuyện
đi nước ngoài đọc tham luận, tranh cãi với người ta là chuyện học thức,
bản lĩnh.
Bà Tư Rêu lấy đũa đánh vào đầu Khánh, hỏi:
- Thế bao nhiêu năm nay tôi nuôi anh ăn học rồi lại nai lưng ra gánh vác phục vụ cho anh nghiên cứu ngày đêm là công dã tràng à?
Khánh không còn hào hứng nữa, thấy sợ, rụt rè nói:
- Kìa, sao mẹ lại giận con!
Bà Tư Rêu bỏ mâm cơm leo lên giường, đập tay xuống chiếu, thét:
- Tôi hỏi anh, bao nhiêu năm nay anh học hành, nghiên cứu cái gì. Có phải là anh lừa dối tôi và vợ con anh không?...
Khánh không dám ăn nữa, lúng túng phân bua:
- Con vẫn học hành, nghiên cứu chăm chỉ đấy chứ. Tri thức của con luôn tấn tới, ai cũng công nhận điều đó mà.
Bà Tư Rêu nhảy một bước xuống mâm cơm, đanh thép nói:
-
Anh biết là tri thức của anh tấn tới vậy thì tại sao anh không chịu đi
nước ngoài. Học giỏi mà không đi thì học làm gì? Ngày xưa người ta nói:
văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt có bằng. Tôi nói cho anh biết, cái
thời buổi bây giờ, không đi nước ngoài là chẳng làm nên trò trống gì
hết, là trí thức mà không có bằng. Các cụ xưa nói: Đi một ngày đàng học
một sàng khôn. Người ta đã cho anh đi nước ngoài, lại đi một nước văn
minh sang trọng giàu có như Nhật, tức là người ta đã mở cho anh đến với
cả một núi khôn. Biết bao người phải hối lộ, chạy cửa trước gõ cửa sau
muốn sái chân, sưng tay cũng không được. Vậy mà anh lại từ chối! Là cớ
làm sao?
Vợ Khánh vội dàn hòa, ngọt ngào nói với chồng:
-
Cái tính nhút nhát sợ người lạ của anh trước sau cũng phải sửa thôi,
chi bằng nhân dịp này, sửa luôn đi anh. Thời buổi thị trường này, cứ
nhút nhát, chậm lụt là bị người ta đạp giẫm lên đầu lên cổ đấy. Nghe lời
mẹ đi anh...
Xem ra chiến thuật vừa đấm vừa xoa có hiệu quả bước đầu. Khánh tỏ ra lúng túng ngần ngừ:
-
Thì tôi cũng biết chậm lụt, nhút nhát là không nên, là phải sửa...
Nhưng sửa ở chỗ nước ngoài e khó quá. Đây là danh dự quốc gia, đâu có
phải là sân tập bóng đá...
Bà Tư Rêu đưa cho Khánh ly bia, hạ giọng trìu mến bảo con:
- Mày nghĩ sao chứ tao thấy chuyến đi này là dịp sửa chữa khuyết điểm tốt nhất...
Bà
Tư Rêu có một thời làm cán bộ huyện. Ở đó, khi giận dỗi thì gọi nhau
bằng anh chị... Trong cuộc họp gọi là đồng chí. Còn bình thường thân
tình thì xưng mày, tao. Với con cái trong nhà bà cũng giữ cái lệ ấy. Lúc
vui vẻ bà gọi "mày, tao", lúc giận lại gọi "anh, chị và xưng tôi"...
Khánh bối rối, không biết nói sao, uống hết bia trong ly, mặt bắt đầu đỏ lựng. Vợ Khánh nói tiếp:
-
Mẹ nói đúng đấy, nhân dịp này anh sửa luôn đi. Việc hôm nay chớ để ngày
mai mà. Vả lại, theo em thấy, đây còn là cơ hội tốt nhất để cho anh mở
mang kiến thức. Người ta bảo trăm lần nghe không bằng một lần thấy, trăm
lần thấy không bằng một lần cọ xát thực tế. Anh học tiếng Anh, tiếng
Nhật để làm gì, nếu không đem ra để chuyện trò với họ lúc này...
Bà Tư Rêu lạnh lùng, gằn giọng:
- Học mà không hành thì học làm gì.
Khánh bực bội, nói:
- Ai chẳng biết điều đó. Nhưng mà việc này quan trọng lắm...
Bà Tư Rêu đáp luôn:
-
Quan trọng hay không là do mình. Mình cho nó là trọng, thì là trọng.
Mình bảo nó là nhẹ, nó sẽ nhẹ. Tao còn lạ gì những cuộc thảo luận góp ý
nữa. Có người nói chẳng ai hiểu gì vẫn được vỗ tay khen hay. Lại có
người chẳng nói gì cả, cũng được khen là sâu sắc.
Khánh gắt (chắc là nhờ men bia):
- Mẹ nói chuyện phụ nữ phố huyện, còn đây là vấn đề khoa học quốc tế.
Bà Tư Rêu cười hệch hạc, bỗ bã nói:
-
Này, mày đừng có xem thường các cuộc thảo luận ở phụ nữ phố huyện. Tao
khôn ngoan ra, học thêm được khối điều từ đấy. Có lần tranh luận với một
chị nhà quê về việc đặt vòng tránh thai. Chị ta chất vấn tao: nếu khi
hoạt động mạnh, cái vòng nó bị lệch đi thì làm sao? Tao còn đang lúng
túng chưa biết trả lời thì một bà cười ré lên, bảo "thì đứng lên, nhảy
nhảy mấy cái cho nó cân bằng trở lại".
Rồi
bà ta hào hùng kể cho ông con trai nhút nhát nghe "một ngàn lẻ... một
"chuyện" đòn phép "trong các buổi" tiếp xúc, tranh cãi của mình thời làm
cán bộ phụ nữ huyện. Bà bày tỏ cho Khánh những "ngón nghề" đối phó lại
với những chất vấn, những "tấn công áp đảo" của đối phương.
Bà nhấn
mạnh:
- Mày phải biết hỏi lại người ta khi
mình "nắm" chưa chắc vấn đề. Hỏi lần một vẫn chưa thông thì hỏi lần
hai, lần ba... hỏi đến khi mình đã có được câu trả lời chắc chắn rồi mới
thôi. Nếu không có khả năng trả lời được nữa thì "đánh trống lảng"
chuyển chuyện khác. Biết tránh né, biết im lặng, biết nói những gì mà
mình chưa biết là điều cần thiết... nhưng điều quan trọng nhất vẫn là
phải biết tự tin. Người xưa có câu: đã tin là có, không tin là không có.
Khí thế vào trận quan trọng lắm. Tin là mình thắng, có thể đã có sáu
chục phần trăm chiến thắng. Ra trận với sự bạc nhược, thiếu tin tưởng là
thua đứt rồi. Mày là người học rộng, biết nhiều, không tin ở mình thì
tin ai?
Sự hùng hồn của bà mẹ đã có tác động tích cực đến Khánh. Anh hăng hái hẳn lên, bảo:
- Được rồi, mẹ khỏi nói nữa, để con đi.
Khánh
thức ba đêm liền soạn thảo bài phát biểu gần giống như một công trình
nghiên cứu văn hóa Việt Nam qua các phong tục tập quán, nghi thức giao
tiếp, quan hệ làng xóm, gia đình... Anh dịch ra tiếng Nhật, tiếng Anh và
đọc đi đọc lại gần như thuộc lòng. Để chắc ăn thêm, Khánh soạn sẵn một
lô các vấn đề cần chú giải, cần mở rộng. Cơ quan không có tiền cấp cho
Khánh. Mọi thứ, từ vé máy bay đi về, ăn ở, tiêu vặt bên Nhật đã lo đầy
đủ. Khánh lại sợ lỡ ra có chuyện gì, không có tiền phòng thân. Bà Tư Rêu
bán đi hai chỉ vàng, dặn đi dặn lại:
-
Tiền ở miệng mày mà ra. Tao lo cho hai chỉ để phòng thân cấp bách. Nếu
không có gì thì mua thứ có giá, đem về bán, kiếm chút lời...
Vợ Khánh cũng đưa cho chồng 100 đôla, bảo:
-
Nghe người ta nói ở bên đó nhiều thứ họ vứt đi cũng còn tốt lắm!... Nếu
tiện lấy một ít mang về. Còn trăm này để mua những thứ quý hiếm.
Khánh
đi nước Nhật, với cái túi vải đựng 200 đôla đeo tòn ten trước ngực. Còn
quần áo thì mượn của Sếp. Hơi ngắn một tí nhưng cũng được, trông sang
trọng hẳn lên. Khánh ra sân bay. Bà Tư Rêu không đưa tiễn, thắp nhang
khóc sụt sùi trước bàn thờ khấn cầu tổ tiên, trời Phật và ông chồng quá
cố của bà phù hộ độ trì cho Khánh bình an, đi đến nơi, về đến chốn. Vợ
Khánh cũng không tiễn chồng, vì sợ xui. Chị ta lánh mặt để chồng đi.
Khánh
bần thần, xao xuyến, lo âu. Đến bữa ăn trên máy bay, người ta hỏi anh
bằng tiếng Anh, anh trả lời bằng tiếng Nhật. Một người Nhật ngồi kế bên
tưởng anh là dân Nhật, mừng lắm, bắt chuyện làm quen. Đến khi biết Khánh
là người Việt, ông ta càng thích thú hơn nữa, bảo:
- Người Á Đông có chung một đặc điểm là thích làm quen, kết bạn trên đường đi.
Khánh công nhận điều đó và nêu ra hàng loạt những đặc điểm tương đồng của dân Á Châu, thí dụ như uống trà...
Ông
người Nhật là đệ tử của Trà Đạo, thấy Khánh bàn về Trà uyên thâm và
tinh tế quá, càng nể phục Khánh hơn, nhất quyết xin làm người hướng dẫn
cho Khánh trên đất Nhật. Khánh mừng lắm. Lần đầu tiên trong đời anh giao
tiếp với một người nước ngoài, lại được nể trọng. Ở nhà ai cũng xem
thường, khi dễ anh, câu trước câu sau là mắng anh là đồ vô dụng, là con
mọt sách...
Đó chỉ là khúc dạo đầu lạc
quan cho một chuyến viễn du hào hứng của anh trên đất Nhật. Người Nhật
nào cũng thích anh. Một phần vì tình yêu của họ đối với ngôn ngữ dân tộc
Nhật. Họ quý mến và lấy lòng bất kỳ người nước ngoài nào biết tiếng của
họ. Song, phần lớn là tình cảm thực lòng của từng người đối với anh.
Người thích anh vì sự am hiểu văn hóa phương Đông, người lại mến anh về
tính thực thà, thẳng thắn và hồn nhiên... Có người thấy cái túi vải màu
xanh nhạt đeo trên ngực của anh, tưởng là "bùa chú" gì đó, cứ nằng nặc
đòi xem. Anh phải thực tình khai rõ sự thật. Vợ anh sợ bị mất cắp tiền
nên bắt anh phải đeo cái túi đó trên ngực và trong túi chỉ có 200 đôla.
Mọi người không tin, đòi xem, anh phải đưa cho họ "mục kích sở thị".
Thấy trong túi chỉ có đúng 200 đôla Mỹ, không có gì khác và cái túi cũng
chỉ là thứ vải bóng bình thường, không có dấu hiệu gì của tôn giáo hay
hóa chất đặc biệt; họ kinh ngạc nhìn anh, rồi phá lên cười, ôm lấy anh
thân tình. Có một học giả lớn tuổi, rơm rớm nước mắt vì xúc động, siết
chặt tay Khánh, bảo:
- Hồi những năm sau
đại chiến, tôi cũng đã từng đi nước ngoài như anh với 200 đôla... Cực
khổ không đáng sợ, cái đáng sợ nhất là không còn niềm tin, không còn ý
chí...
Người ta mời anh đi tham quan, diễn thuyết ở nhiều nơi và trả thù lao cho anh rất hậu hĩ, lại tặng cho anh nhiều quà.
Anh
về nước với một kiện hàng nặng gần 50 ký mà phía người Nhật lo hết mọi
thủ tục hải quan và cước phí vận chuyển, cùng một số tiền gần 3000 đô.
Gia
đình Khánh ăn Tết to. Bà Tư Rêu không mắng chửi Khánh nữa, lại cũng
không gọi "mày - tao" như trước, mà gọi "ba con Thảo". Vợ Khánh cũng
không còn xỏ xiên, đay nghiến, cạnh khóe chồng nữa. Chị cư xử như một
người vợ hiền, hết lòng chăm sóc cho Khánh. Người ta bảo, ấy là do tác
động của đồng tiền. Khánh đã mang về nhiều tiền và dĩ nhiên phải được cả
nhà nể trọng. Mặt khác, sau chuyến đi nước ngoài về, Khánh có rất nhiều
bạn là người nước ngoài. Bạn đồng nghiệp nghiên cứu có, bạn kinh doanh
có, bạn du lịch có...
Sau Tết, hầu như
tháng nào cũng có một vài người nước ngoài đến thăm nhà Khánh. Bà Tư Rêu
phải mua gấp một bộ salông mới. Vợ Khánh phải thay tủ lạnh, bộ ấm trà
và tấm riđô ngăn vách mới...
Chẳng phải
chỉ ở trong gia đình, cư dân chung cư cũng tỏ ra nể trọng Khánh hơn
trước nhiều. Ông thường trực trước gọi Khánh là Thầy Khánh, giờ gọi là
giáo sư với thái độ kính nể đặc biệt. Khánh giải thích mình chưa
phải là giáo sư, nhưng ông cứ gọi, bảo: "Người nước ngoài đến đây, đều
gọi anh là giáo sư, cớ sao tôi không gọi".
Tự
nhiên Khánh thấy mình cao lớn, oai phong hẳn lên. Anh cũng có rất nhiều
thay đổi. Đi đứng chậm rãi, mặt ngẩng cao, nói năng rành mạch ngắn gọn.
Rồi một công ty nuớc ngoài mời Khánh làm cố vấn đối ngoại. Chủ công ty
này tìm đến Khánh theo lời giới thiệu nồng nhiệt trân trọng của một
người bạn nước ngoài của Khánh.
Chưa đầy
một năm, Khánh đã có đủ tiền mua nhà mới. Đúng là vận hội may mắn hiếm
có. Ai cũng bảo Khánh tốt số, thánh nhân đãi khù khờ. Chỉ có ông thường
trực và gã Ba Tỷ phản đối. Ba Tỷ đanh thép nói: "Sao lại thánh nhân đãi
khù khờ! Nếu ông Khánh không tài cao học rộng thử hỏi làm sao có chuyến
đi nước ngoài, làm sao có danh tiếng. Các người chỉ thấy cái bề ngoài
khù khờ của ông ấy thôi, làm sao thấy được "vàng mười" trong con người
đó. Thời buổi này chớ có há miệng chờ sung, mong chờ may mắn".
Chị
Đức Hạnh, một cư dân mới về chung cư (sang lại căn hộ của "Đồng bóng" ở
tầng 3), một phó tiến sĩ khoa học làm việc ở Viện nghiên cứu, nói thêm:
"Chú Ba Tỷ nói đúng đấy. Anh Khánh có danh tiếng thì tiền bạc có theo
là phải thôi. Như những ca sĩ nổi danh ấy. Nhưng danh tiếng thời này
cũng không bền đâu. Tạo được danh tiếng đã khó, nuôi được danh tiếng còn
khó hơn nhiều".
Ấy là lúc sáng, khi mọi
người kéo xuống tầng trệt ăn sáng, uống cà phê ở quán "Lá thu" mới mở.
Chị Đức Hạnh quen thân với Ba Tỷ từ trước và chính Ba Tỷ giới thiệu chị
về đây. Gã còn nhận giúp chị việc đưa cháu Hoa con gái của chị đi học
mỗi sáng.
Chị Đức Hạnh có hai nếp gấp
quanh miệng rất có duyên. Nhưng nụ cười của chị, dù có cười hết cỡ vẫn
héo hắt, sầu muộn đến miên man.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét