Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

DẤU CHÂN NGƯỜI TỊ NẠN (11)

Mùa thu 1977





Chiếc phi cơ cất cánh từ Los Angeles đáp xuống phi trường quốc tế Philadelphia, một thành phố lớn của tiểu bang Pennsylvania thuộc miền Ðông Bắc Hoa Kỳ. Tiểu bang Pennsylvania có trại định cư Indiantown Gap chứa người tị nạn Việt Nam di tản sau ngày 30 tháng 4, 1975. Trên đường đến đại học Oklahoma tôi ghé Philadelphia thăm nhóm anh em anh Hoàng; Tôi chỉ mua vé một chiều, định quá cảnh thành phố Phila thăm chơi vài tuần xong rồi tiếp tục bay về trường dầu hỏa cho khóa học đầu tiên. 
 
Vừa bước chân ra khỏi phi trường, một làn gió lùa qua mang theo hơi lạnh làm tôi rùng người. Khí hậu nơi đây khá chênh lệch với tiểu bang California, mới vào tháng Chín mà trời đã se lạnh! Cái lạnh của miền hàn đới chẳng mang lại cho tôi một kỷ niệm nào, ngoại trừ khơi lại những ký ức làm tôi “thương cho những chiều nắng rọi bờ sông” ở một miền quê xa lắc xa lơ. Từ vùng nắng ấm Cali tôi chỉ mặc bộ đồ mỏng, tôi thun người lại, thọt tay vào túi áo đứng ngóng chờ. Một hồi sau tôi thấy một đám người ngơ ngáo như muốn tìm ai. A ha! tôi la lên.
 
Hôm đó tôi gặp anh Hoàng và nhóm bạn trên tàu Long Châu ngoài khơi Vũng Tàu trưa ngày 30 tháng 4, 1975. Từ ngày chúng tôi chia tay ở trại tị nạn Penndleton mỗi người đi mỗi ngã, hôm nay mọi người đang có mặt tại thành phố này. Chúng tôi nhảy lên xe buýt chạy về thành phố Philadelphia. Xuống xe tôi theo anh Hoàng và đám bạn đến một ga xe lửa, ga Ba Mươi, lên tàu về nhà. 
 
Cái ấn tượng đầu tiên đập vào tôi là những con đường. Những con đường từ phi trường vào thành phố và chung quanh ga Ba Mươi trông chật hẹp và cổ kính. Những căn nhà và phố xá chen chúc nhau không thua gì mặt tiền đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám). Cái cổ kính hiện lên rất rõ qua những kiến trúc bên trong ga Ba Mươi với cột nhà to bóng loáng, kiến trúc theo lối Cathedral, lồng nhà cao ngất với nền và một phần bức tường được lót và chạm bằng loại đá cẩm thạch lâu ngày “lên men” bóng như mặt gương. Ga Ba Mươi rộng thênh thang, bên trong có nhiều quầy hàng, sạp báo, quầy sách, sạp nhật trình và những hàng ghế dài dùng cho khách ngồi chờ chuyến xe. Ga Ba Mươi nằm bên bờ sông Schuylkill là ga xe lửa Amtrak chạy xuyên bang, và cũng là ga SEPTA (Southeastern Pennslvania Transportation Authority) cho những tuyến xe lửa chạy quanh thành phố Philadelphia. 
 
Chuyến xe lửa rời ga Ba Mươi chạy ngược vào thành phố. Con tàu lao vun vút trên đường sắt. Người ta không còn nghe gì ngoài những âm thanh xình xịch, phát ra liên thinh bất tận nối đuôi xua đuổi nhau không ngừng, từ thân con tàu cũ rích. Trong giây lát con tàu vượt cầu băng qua sông Schuylkill. Bên kia sông là một công viên, người người đi bộ và trẻ con nô đùa. Dưới sông những con thuyền nằm lững lờ trên dòng nước. Con tàu chạy xuyên qua khu dân cư, những căn nhà nằm rải rác cách xa con đường sắt. Tiếng máy kêu xình xịch đưa con tàu lướt trên đường rầy mang tôi lại với những kỷ niệm ngày còn bé. Có lần tôi đứng trên bãi Phù Sa, một bãi cát nằm bên con sông làng, nhìn con tàu lao trong sương lạnh mà lòng hồi hộp; Tôi quay đầu nhìn theo con tàu cho đến khi khuất bóng, chỉ còn thấy những cụm khói trắng phun lên nền trời sau những hồi còi mà lòng vẫn còn luyến tiếc. 
 
Tôi quay qua hỏi anh Hoàng: 
 
“Anh đi đâu cũng bằng xe lửa à?” 
 
“Ừ, tụi tao dùng xe lửa và xe buýt đi học, không đứa nào có xe hơi.” 
 
“Rồi đi chợ cũng đi xe lửa à?” 
 
“Không. Ði bộ.” 
 
Ngộ. Chỉ sau một ngày mà tôi đã thấy sự khác biệt. Người Việt ở miền Tây đất nước này thì thích xe mới, quần áo đẹp và đa số lao đầu vào việc làm ngay sau khi được định cư. Họ phải có những thứ mà người khác không có, những chiếc xe hơi láng cón, hàng mới ra lò. Và họ thích chạy đua trên phương diện ăn chơi, vật chất hào nhoáng. Khác với người Việt tị nạn ở miền Đông Bắc. Mà cũng đúng thôi, nơi này lạnh buốt da, đâu phải là nơi ăn chơi lý tưởng cho những người chọn nơi này làm quê hương. Nên phần lớn họ chọn học đường trong sự kham khổ.
 
Và ga đầu tiên con tàu ngừng lại là North Philadelphia. Ga North Philadelphia chia ra làm hai ngã, một đi về Trenton và một đi về West Chesnut Hill. Chúng tôi đi về West Chestnut Hill. 
 
Ngồi trên chiếc xe lửa cũ cổ kính tôi có cảm giác như mình đang sống ở thời đại hòang kim. Hay ít ra cũng gợi lại ký ức cũa những ngày còn bé sống trong căn nhà người dì bên cạnh ga Hòa Hưng. Những buổi chiều ngồi trên gác nhìn đoàn xe lửa đưa người qua cổng Bà Xếp, và những lần đu xe lửa từ ga Hòa Hưng về Gò Vấp. Nhưng khác, khác nhiều lắm. Tuyến xe lửa Hòa Hưng – Gò Vấp có nhiều đoạn chạy san sát nhà dân tưởng chừng như đưa tay ra là có thể chạm nhà cửa, chạm đến sự nghèo khổ! 
 
Sau ga North Philadelphia con tàu ngừng lại trên nhiều ga khác, và sẽ có một sân ga cho chúng tôi. Khi con tàu ghé ga Carpenter anh Hoàng nói ga kế là đến nhà. Chỉ trong vòng năm phút sau, con tàu ngừng ở ga Allen Lane. Tôi bước xuống theo anh Hoàng và những người bạn. Từ ga Allen Lane đi bộ ba đoạn đường là đến nhà. Căn nhà mang số 47. 
 
Đó là một buổi chiều cuối tháng Tám năm 1977. Tôi bước vào nhà 47 với đầy ngỡ ngàng! Ở đây có đầy đủ “văn võ bá quan”, những người mà trưa 30 tháng 4, 1975 đều có mặt trên tàu Long Châu ngoài khơi Vũng Tàu. Lướt qua một lượt tôi điểm danh không thiếu một tên, đã không thiếu mà còn tăng thêm nhân số! Đó là bé Tina, đứa bé gái con anh Ka và chị Tê là đứa bé đầu tiên của thế hệ thứ nhì ở Mỹ được sinh ra trong gia đình 47. Bé Tina rất dễ thương nhưng trông nhỏ con, chị Tê bảo rằng khi có mang không muốn dùng thuốc bổ nuôi con trong bụng, sợ con lớn sinh đẻ khó. Chị Tê nghĩ khi sinh con ra rồi hãy nuôi đầy đủ thì con cũng phát triển bình thường thôi. Nhưng trong nhà toàn là bọn đàn ông con trai, ngoài chị Tê là đàn bà, nên chẳng ai có ý kiến ý cò gì, nhưng ai cũng tin chị Tê vì chị có bằng dược sĩ từ Việt Nam. 
 
Mùa Hè vừa đi qua. Những thành phần trong căn nhà 47 như những con ma trơi, họ không nhất thiết đi làm và cũng không nhất thiết đi học, chỉ trừ một việc là họ vừa sửa xong căn nhà. Ðúng ra là một cửa tiệm táp hóa bị cháy như một ổ chuột làm chỗ ở. Có điều là tất cả đều không có một xu dính túi, không gia đình, không nhà cửa đang ngồi nhà ăn tục nói phét, gãi ghẻ chờ khóa mùa Thu nhập học để làm người trí thức. Cả thành phố Phila-del-phia cũng đang ầm ì chuyển động với những gia đình người Việt tị nạn ở rải rác khắp nơi trong và ngoài thành phố. Phila là một trong những thành phố tiêu biểu cho miền Ðông Bắc, là một thành phố phức tạp! Một thành phố có đầy đủ các sắc dân trên thế giới, và có muôn ngàn việc làm từ chân tay đến trí óc. Cũng vì tính tạp nhạp nên là một thành phố dễ thở, dễ sống cho những người chân ướt chân ráo đến từ các nơi trên thế giới. 
 
Chiều cuối tuần tôi theo anh Hoàng và đám bạn leo lên tàu lửa xuống phố đi ăn đồ Việt. Chỉ có hai tiệm ăn Việt Nam trong cả thành phố Phila, và cả hai tiệm ăn này đều nằm ở nam Phiadelphia, khu chợ Ý. Anh Hoàng và đám bạn đưa tôi ghé thăm ngôi trường họ sẽ nhập học vài tuần sau. Ngôi trường chẳng có gì hấp dẫn, cũ kỷ, nằm bên cạnh trung tâm thành phố Phila, gần ga Ba Mươi. Trường Drexel University. Ðược biết Drexel University là biến thân của Drexel Institude. Ngày xưa nhà kỷ nghệ Drexel lập nên Dexel Institude để huấn luyện nhân viên cho nhà máy của ông ta. Sau này Drexel Institude phát triển và trở thành một đại học tư, chuyên về ngành kỹ thuật và được coi là trường kỹ sư sáng giá thuộc vùng Ðông Bắc, được nhiều công ty kỹ nghệ nhìn nhận và “đánh giá cao” (credited school). Mà kết quả rõ ràng nhất là tỷ lệ sinh viên nhận được việc làm sau khi ra trường. Không những có việc làm mà mỗi sinh viên có được bao nhiêu việc làm sau ngày ra trường! Sau một vòng thăm trường, chúng tôi tấp vào “nhà hàng” Việt Nam để tìm lại một chút hơi hám quê hương. Chiều về chúng tôi lại leo lên xe lửa chạy về nhà 47. Trong tiếng kêu xình xịch, và tiếng “nghiến răng” ken két của bánh xe sắt cà lên đường rầy khi toa xe ngừng lại sân ga, anh Hoàng hỏi: 
 
“Mầy thấy sao?” 
 
“Sao là sao, tui đâu thấy sao đâu.” 
 
“Ý tao nói là trường Dexel đó.” 
 
“Thì cũ, già nua giống như viện bảo tàng trong Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn vậy đó.” 
 
“Trường ngon lắm đó mầy, ở lại đây học với tụi tao cho vui.” 
 
“Thôi cha, tui có trường rồi, học bổng bốn năm đàng hoàng, kỹ sư dầu hỏa tương lai đó.” 
 
“Bộ kỹ sư Drexel dỏm hả mầy, mầy vừa xem báo cáo việc làm sau khi ra trường trên bảng thông tin ở trường đó. Hơn nửa Drexel có chương trình sáu tháng ở trường sáu tháng ngoài kỹ nghệ, đở lắm nghen mậy.” 
 
“Học ở đây để trở thành Chúa Chổm à?” 
 
“Nhằm nhòi gì ba thứ lẻ tẻ đó, đi học là đầu tư mà mậy. Ðầu tư quá rẽ, mỗi tháng sau khi ra trường mầy trả nợ có 90 đồng hà.” 
 
“Dzị là tui phải cong lưng trả nợ mấy chục năm mới xong. Thôi, không ham đâu, mà Drexel đâu có ngành dầu hỏa.” 
 
“Dầu với khí cái quái gì, bộ mầy nghĩ kỹ sư điện và cơ khí không ngon sao mậy?” “Nhưng tui muốn về làm việc cho hảng dầu hỏa ở Việt Nam kìa, cho gần nhà kìa.” 
 
“Bỏ đi tám. Bỏ ý định đó đi cưng. Còn lâu mầy mới về Việt Nam.” 
 
“Sao dzị?” 
 
“Chứ mầy không thấy à? Ngay cả gởi lá thư về thăm con bồ mầy mà gởi không thủng kìa.” 
 
“Ủa! Sao trước khi lên đây tui nói với anh tui đi học dầu hỏa để về Việt Nam sao anh không cản mà bây giờ lại cản?” 
 
“Thì không cản mầy mới lên đây chứ.” 
 
“Vậy là anh gạt tui hai lần rồi.” 
 
“Hồi nào mà hai lần?” 
 
“Lần trước ngoài khơi Vũng tàu, anh gạt nói tàu Long Châu trở về Sài Gòn nên tui mới nhảy xuống biển xém chết, quên rồi sao?” 
 
“Ai biểu mầy tin tao chi. Khùng sao quanh trở về.” 
 
“Vậy lần nầy thì sao?” 
 
“Lần nầy thì khác. Tao thấy mầy là nam nhi có chí mà nhớ nhà, nhớ ba chuyện bồ bịch nhảm nhí, tao khuyên mầy ở lại đây học cho vui thôi. Mầy nghĩ đi, một mình mầy về Oklahoma mầy nghĩ sao. Tùy mầy thôi.” 
 
“Cậu Hoàng nói đúng đó. Ở lại đây học với tụi tui cho vui đi, xuống đó một mình buồn thúi ruột rồi làm gì, ngồi nhà ‘xúc cát’ hà!” Thằng Sơn chỉa vô nói thêm. 
 
“Lộn xộn mậy, tuổi tác không tính nhưng tao là cậu đàng hoàng nghen mậy.” Tôi cười nhe răng ra. 
 
Những lời đơn sơ của anh Hoàng làm tôi suy nghĩ. Bao nhiêu hồ sơ, giấy tờ tôi đã tốn nhiều công đi nộp, và nay chỉ còn chờ ngày nhập học. Tôi mơ, mơ có một ngày trở thành kỹ sư dầu hỏa và trở về Việt Nam để được gần gia đình, gần anh em, và Phương. Nhưng sao bây giờ những giấc mơ đơn sơ dường như bị lung lạc. Ðúng, anh Hoàng đã nói một điều rất đúng, là, cả một bức thư ngắn chưa bằng gang tay gởỉ về thăm gia đình mà bưu điện Việt Nam cũng không cho vào! Thì làm sao nói đến chuyện mang cái xác này về? Tôi quay qua anh Hoàng: 
 
“Nhưng chỉ còn một tuần nữa là đến ngày nhập học của Drexel và Oklahoma University, làm sao kịp?” 
 
“Thì mầy mang hồ sơ vào phòng học vụ xin đại xem sao.” 
 
Ngày hôm sau tôi cùng đám bạn trở lại Drexel, tôi mang theo đầy đủ giấy chấp nhận và học bổng của Oklahoma University cấp cho tôi, và giấy báo ngày nhập học, cùng những phiếu điểm những môn tôi lấy ở trường Pepperdine và cả bằng Tú Tài tôi mang theo từ Việt Nam. Tôi vào phòng học vụ và nộp đơn xin học ở đây. Người xét đơn là một phụ nữ. Không cần nhìn vào hồ sơ tôi đưa cho bà, bà liền phán một câu: 
 
“Too late! Next week school starts and we no longer acept applications, very sorry young man.” (Trể quá rồi! Tuần tới trường nhập học và chúng tôi không nhận đơn nữa, rất xin lỗi người bạn trẻ.) 
 
Tôi cũng chẳng buồn, và nói: 
 
“Well, could you take a look at my application and one way or the other please let me know in the next couple of days before I leave for Oklahoma University?” (Ôi! Xin bà xem qua đơn của tôi và bằng cách này hay cách khác xin vui lòng cho tôi câu trả lời trong vài ba ngày tới, trước khi tôi rời đây để về trường Oklahoma?) 
 
Bà đặt xấp đơn tôi lên bàn giấy, và nói: 
 
“Okay, I will take a look and let you know later.” (Vâng, Tôi sẽ xem đơn và cho cậu biết sau.) 
 
Tôi bước ra khỏi phòng học vụ, với lòng không vui mà cũng chả buồn. Anh Hoàng và đám bạn bu lại: 
 
“Sao, bả trả lời mầy sao rồi?” 
 
“Trể quá! Bả nói chỉ còn một tuần nữa là trường khai giảng mà bây giờ còn đơn với từ cái đíu gì.” 
 
Nghe tôi nói mọi người xìu xuống như bánh xe đạp bị đâm một lúc năm cây đinh! Vậy là tôi yên tâm lo ăn chơi, đi ghẹo đám con gái ở nhà hàng Việt Nam vài ba ngày ở đây xong rồi về trường Oklahoma để sau này làm tên kỹ sư dầu hỏa và ôm mộng về quê với Phương. 
 
Thành phố Philadelphia có dòng sông Schuylkill chảy êm đềm như dải lụa màu xanh. Philadelphia có công viên Fairmount Park dài nhất thế giới, có tượng Tình Yêu (Love Status), và Philadelphia có viện bảo tàng nghệ thuật kỳ cựu nhất nước Mỹ là nơi Sylvester Stallone “leo” lên những bực tam cấp trong phim Rocky một buổi sáng mùa Ðông lạnh lẽo. Và tôi đến Phila-del-phia cũng một buổi sáng mùa Ðông. Căn nhà 47 vừa được sửa chữa, những khung cửa sổ còn mang mùi dấu mới để lộ những khe dài trống rỗng, và gió, gió rít qua từng cơn lạnh buốt nghe như tiếng sáo từ một thân tre khô bị mảnh bom xén đứt giữa cánh đồng. Trong căn phòng nhỏ ở lầu ba, những tia nắng chui qua cửa kính trần truồng soi sáng khắp căn phòng khi kim đồng hồ chỉ 7 giờ sáng. Tôi đạp mền ngồi dậy bước xuống cầu thang. Chiếc bàn tròn nằm giữa nhà bếp đã đầy người bu quanh, trên tấm lưng gầy gò của mỗi người còn khoát chiếc áo lạnh. Nhìn qua khung cửa nhà bếp, ngoài hiên nhà những lon bia bị bóp méo còn nằm lăn lóc trên mặt bàn. Sáng thứ Năm mọi người vẫn còn lừ đừ như con gà chết sau một đêm đánh chén. Chín giờ sáng tiếng điện thoại reng lên, anh Hoàng bốc lên. Bên kia đầu giây là tiếng nói của một phụ nữ: 
 
“Cho tôi gặp ông Vân.” 
 
“Hứ, mới tới mà có đàn bà gọi kiếm rồi. Điện thoại đây nề mầy.” 
 
Anh Hoàng trao ống nghe cho tôi. 
 
“Tôi là Vân đây.” 
 
“Tôi là Janet của phòng học vụ trường đại học Drexel. Tôi muốn báo tin là đơn xin vào trường điện của cậu đã được chấp nhận, chúc mừng cậu.” 
 
“Cám ơn bà. Và bây giờ tôi phải làm gì?” 
 
“Thứ Hai nầy cậu có thể đến trường để ghi cua học. Nhưng đầu tiên cậu phải đến phòng tài chánh để làm thêm một vài thủ tục.” 
 
“Thưa bà tôi có được học bổng nào của trường?” 
 
“Có. Căn cứ vào hồ sơ và học lực của cậu chúng tôi cho cậu một học bổng toàn phần học phí cho khóa mùa Thu nầy.” 
 
“Còn những khóa sau thì sao, thưa bà?” 
 
“Tùy vào điểm trung bình của cậu. Nếu cậu giữ được trên ba chấm thì học bổng sẽ được tiếp tục.” 
 
“Cám ơn bà rất nhiều. Xin hẹn gặp bà vào thứ Hai nầy.” 
 
“Chúc mừng cậu và chúc cậu nhiều may mắn.” 
 
Như vậy là xong, rõ ràng là tôi không có duyên với Oklahoma University. Và từ mùa Thu năm 1977 tôi dính liền với thành phố Phiadelphia, với căn nhà 47, với những nguời bạn nối khố trên con tàu Long Châu. Để rồi ba năm sau, năm 1980, tôi tốt nghiệp trường điện của Drexel University, lao vào cuộc sống trên quê hương nầy như trăm ngàn người Việt tị nạn khác. Và giấc mơ trở thành kỹ sư dầu hỏa trở về làm việc trên quê hương Việt Nam cũng mãi là một giấc mơ! 
 
Và có lẽ dấu chân của tôi tạm dừng nơi đây. Nhưng căn nhà 47, những người sống trong đó, những người bạn của 47, những sinh viên Việt Nam theo học ở Drexel, cộng đồng người Việt ở Phila-del-phia, và người láng giềng của 47 sẽ tiếp tục viết lên “Dấu chân người tị nạn” khác!
 
Nhưng họ là ai? 
 
Là những kẻ tìm cuộc sống ngày vào ngày ra trong những hộp đêm, là những tên láo cá, là thằng cãi bướng, là người quyền uy trong xã hội ngày trước, là “cha đạo đi hoang”, là bà Phán Lợi và luật sư của Ðoạn Tuyệt, là những tên bợm nhậu, là bums. Là người bình thường như mọi người. Như người ta đã nói. Nhương nhìn qua một quang kính khác thì họ là mục sư, là nghệ sĩ, là những người con gái đáng thương, là những kẻ lang thang trên bãi biển đi tìm bắt những con cua, là những người tàn cuộc chiến cần cù đi tìm cái vinh quang cho cuộc sống trong cái đắng cay của cuộc đời, là những bông hoa của xã hội. Là người bình thương như mọi người. Cũng như người ta đã nói. 
 
Cho nên phải viết về họ qua một ngôn ngữ khác, một tâm trạng khác – sét đánh và nhân ái. 
 
Đâu dễ gì bắt được con cua, vì mỗi lần sờ tay ra là nó lại chạy đi. Nhưng nếu nó có nằm đó thì người ta cũng phải dè dặt, nếu không, nó kẹp đứt … tay! Cho nên cách hay nhất là cột miếng đùi gà thơm phức vào mảnh lưới, đặt xuống biển và để nó tự chun vào bẫy. Và có lẽ đó là phong cách để viết về “47 West Durham”. 
 
HẾT

(Ðồng Sa Băng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét