Chương 10 - Bạn tri âm khó kiếm
Ngày 23 tháng 1 năm 1967.
Trời âm u, tuyết rơi nhẹ.
Gần đây tôi bỗng nảy ra ý tưởng viết nhật ký. Tôi vốn tính rất lười
biếng, nếu không quá chán chường chẳng có việc gì làm thì không đời nào
lại cầm bút viết về mình, để rồi sau này đọc lại bỗng dưng sẽ được dịp
chế nhạo mình.
Cầm bút, đại khái là để chứng minh rằng tôi đã ngán ngẩm buồn chán: Y
Y đã đi thực tập ở bệnh viện tiền tuyến, hai chúng tôi bị ép phải tách
nhau ra, nàng không dám cưỡng lệnh nên ấm ức, bèn viện cớ xin phép về
quê, đến trước Tết chưa chắc đã trở lại. Nghe nói, trò này là do "Máy
Kéo" đã bày ra để kéo Y Y đến bên cạnh hắn, nhưng quyết định vẫn là do
khoa đưa ra, tôi không có chứng cứ để đấu lý với hắn, muốn đánh nhau với
hắn cũng không có cớ gì, huống chi đám lâu la của hắn lại đông, dù tôi
và Kình Tùng cũng xông vào thì cũng chỉ là "anh dũng hi sinh" mà thôi!
Kình Tùng cũng đã xa tôi, nhiệt tình cách mạng trào dâng, anh ấy đã
xuống miền Tây Nam để liên kết hành động, suýt nữa đã kéo cả tôi đi
theo.
Vậy là thế giới rộng lớn chỉ còn lại mình tôi. Người trong bệnh viện
rất đông. Gần đây các phe phái Hồng vệ binh ở thành phố liên tục đọ sức
nhau, giở đủ "thập bát binh khí", lại nghe nói đã có phe phái dùng đến
cả súng trường bán tự động! Thế là các bệnh viện bất đắc dĩ trở thành
"quân y viện". Có điều, phần lớn các bác sĩ giàu kinh nghiệm của bệnh
viện đều đã bị "đánh đổ" hoặc bị gọi đi xét hỏi, bị đày đi nơi xa, cũng
có người chết vì bị đấu tố cho nên khắp bệnh viện chỉ có các bác sĩ
"cách mạng", nhưng tay nghề thì tầm tầm làm chủ! Vì thiếu người cho nên
các sinh viên thực tập biến thành lũ kiến thợ , trong tổ sinh viên thực
tập chúng tôi, những ai không tham gia tạo phản đều đã liên tục chạy như
chong chóng liền ba hôm, hôm nay rốt cuộc cũng đến lượt tôi được nghỉ
một ngày. Tôi dành cả ngày hôm nay để nhớ về Y Y, rất buồn và muốn hút
thuốc, nhưng vì gần đây đọc thấy một nghiên cứu căn bệnh thịnh hành ở
Anh, nói hút thuốc liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư phổi, tôi đã
quyết định bỏ thuốc lá. Để giải buồn tôi mở máy quay đĩa xếp xó đã lâu,
mở đĩa nhạc "khúc song tấu violon cung rê trưởng" của Bach, điệu nhạc
vang lên, nỗi cô quạnh và buồn chán trong tôi dần vơi đi rất nhiều.
Nhưng trong ký túc xá đâu phải chỉ có mình tôi mà còn có hai người tạo
phản, cộng với một người nhút nhát hùa theo - họ không để cho tôi nghe
cái thứ âm nhạc của giai cấp tư sản ấy. Sau khi cãi nhau một chập, tôi
nghĩ sẽ rất mạo hiểm nếu mình cứ khăng khăng vào lúc này, nhưng cũng
không muốn khuất phục, từ bỏ thứ âm nhạc mà tôi yêu thích, tôi bàn bê
máy ra chỗ khác để nghe. Đi đâu bây giờ? Có thể đến lớp học, việc dạy và
học đã thất thường khá dài thời gian nhưng vẫn có những người hiếu học,
nếu tôi đến đó mở nhạc, thì khác nào làm cho những mầm mống rường cột
tương lai của nước nhà - một số ít hiếm hoi còn sót lại - sẽ phải buồn
phiền?
Tôi bỗng nhớ đến một chỗ rất phù hợp là khu nhà dạy học giải phẫu.
Mùa đông thuờng không bố trí giờ học giải phẫu, nên ở đây thường rất vắng sinh viên.
Đã vài lần đi qua khu nhà ấy, đều thấy bên trong trống vắng lạnh lẽo
như lòng tôi lúc này. Tối đến, tôi ôm chiếc máy hát ra khỏi ký túc xá.
Từ xẩm tối những bông tuyết nhỏ đã rơi nhè nhẹ, đến lúc này khắp đất
trời là những vệt trắng như lông thiên nga. Sau tiết đại hàn, trời lạnh
khác thường, một mùa đông như thế này, lẽ ra tôi và Y Y phải kề sát bên
nhau, cùng ngồi trong quán nhỏ ở cổng trường ăn sủi cảo thịt dê nóng hôi
hổi. Thế mà lúc này ánh đèn đường chỉ soi thấy một cái bóng lẻ loi. Cửa
khu nhà giải phẫu tối đen, tôi vấp vào cái bậu cửa cao đến một thước,
suýt ngã. Chẳng rõ ai đã ngớ ngẩn cho xây cái bậu cửa cao thế này trước
khu nhà dạy học? Nghe nói mấy năm trước đã có một bể lớn chứa phọoc môn
bị vỡ, phoọc môn tràn ra ngoài nhà làm ô nhiễm khắp trường, xây bậu cửa
này, để phòng các dung dịch lại có thể tràn ra như vụ việc đó, ai mà
biết được có đúng thế không! Lúc mở cửa, tôi thấy hơi ngài ngại, chắc
vẫn là vì từng nghe nói ở đây có ma. Nhưng lại nghĩ việc gì mà phải sợ
đến thế! Tôi đang quá cô đơn, dẫu gặp ma, thì mình sẽ có bạn, vậy thì có
gì là không hay? Ít ra lũ ma ấy vẫn không phải là phái tạo phản, chúng
sẽ không đấu tố các vị giáo sư.
Tôi đặt máy hát trong căn phòng nhỏ hướng tây, mở đĩa "khúc dạo mục
ca sau buổi trưa" của Đê-buy-xi. Vì muốn duy trì đựơc tâm trạng, tôi
không bật đèn, ngồi xuống và gác chân lên cái bàn thuờng dùng để đặt tử
thi, tôi nhắm mắt thả hồn vào suối nhạc tuôn chảy. Lúc này tôi thấy rất
hài lòng, người khác đang tạo phản, đang làm cái gọi là đại cách mạng
văn hóa, bỗng dưng phải đổ máu vô ích, còn tôi đang được thư thái nghe
nhạc giao hưởng, tôi chẳng nên ai oán gì nữa. Đương nhiên nếu có Y Y ở
bên thì cuộc sống của tôi se ngọt ngào hơn. Nghĩ đến Y Y, tôi chợt nghe
thấy một tiếng thở dài khe khẽ, rất giống tiếng của nàng. Tôi đứng bật
dậy nhìn quanh, tất nhiên chẳng thấy gì ngoài bóng tối. Có lẽ vì quá
khát khao nhớ đến nàng nên tôi đã có cảm giác sai nên không tiếp tục
nghĩ ngợi nữa. Lại ngồi xuống chuyên tâm lắng nghe. Âm nhạc tỏa lan
trong bóng đêm, tôi thật sự cảm thấy khoan khoai dễ chịu, nhưng bỗng có
những tiếng buớc chân vọng đến, rất nhẹ, như sợ khuấy động đến tâm hồn
tôi đang du ngoạn trong đêm, hay là bọn đấu sĩ cách mạng tạo phản?
Nếu họ thấy tôi ngồi đây hưởng thụ sự nhàn nhã kiểu giai cấp tư sản,
thì học sẽ cho tôi được thọ giáo nhiều hơn nữa! Trường này chưa từng
"đấu" sinh viên, nhưng nghe nói học viện công nghệ và học viện kiến trúc
đã từng có sinh viên bị "đánh đổ" vì xuất thân không tốt. Lúc này tôi
nên dừng máy hát ngay.
Tôi chưa kịp đứng dậy thì máy hát bỗng dừng lại, tim tôi dường như ngừng đập.
"Ai đấy?"
Trong bóng tối tôi không nhìn thấy bóng ai cũng không có ai đáp lời tôi.
Nhưng những buớc chân vừa nãy, thì rõ ràng là không chỉ có một người.
Mồ hôi ra ướt đầm lòng bàn tay tôi, tôi đi lần ra cửa phòng thực nghiệm bật đèn điện lên.
Khắp trong ngoài căn phòng, không một bóng người.
Nhưng khi tôi vừa quay người trở lại, thì máy hát bỗng lại lên tiếng.
Nó mở lại từ đầu bản nhạc , hình như có một bàn tay vô hình, đã nhấc đầu kim máy hát lên rồi lại đặt xuống.
Tôi nhìn chiếc máy hát rất lâu và hít thở thật sâu, có lẽ phải làm
thế này thì mới có thể trấn tĩnh lại một chút. Bỗng tôi lại thấy sau
lưng hơi là lạ, bèn quay người lại, tôi kinh hoàng tiêu tan cả hồn vía.
Một đám người đang ngồi kín căn phòng.
Tôi chớp chớp mắt, muốn nhìn rõ xem họ là ai. Nhưng trước mắt vẫn lại
là căn phòng trống không và làn hơi nước mờ trắng từ miệng tôi phả ra
do bên ngoài hơi lạnh. "Ai đã dở trò gì thế này?" Tôi bực tức kêu lên,
phải nói là tôi không thiếu lòng can đảm, nếu không đã chẳng dám một
mình ngồi ở phòng thực nghiệm này trong đêm tối. Nhưng lúc này tôi thấy
mình đang bị một nỗi sợ hãi mơ hồ bao vây.
Một tiếng "xịt..." không rõ phát ra từ đâu hình như muốn ra hiệu cho
tôi hãy im lặng. Còn trong óc tôi chỉ có một ý nghĩ "Chạy!"
Tôi tiến lại chỗ máy hát và nhấc cần kim sang một bên, nào ngờ nó như
bị chốt chặt tại chỗ, không sao nhấc lên đựơc. Tôi bèn nhổ dây cắm điện
nguồn, tia lửa lóe ra, giắc cắm rơi xuống đất.
Nhưng đĩa hát vẫn đang quay, suối nhạc vẫn tuôn chảy.
Máu trong người tôi như đông lại, nỗi sợ hãi tràn đến dồn dập, tôi thoáng nghĩ đêm nay mình sẽ mất toi cái máy hát thân yêu.
Tôi từ từ đưa tay ra phía trước, mạnh tay vồ lấy máy hát, chính
khoảnh khắc tay vừa đụng vào thì nó lạnh lùng phóng một luồng điện cực
mạnh vào người tôi, khiến tôi bật ngửa người ngã mạnh xuống đất. Nếu
không mặc chiếc áo bông dày, chắc tôi phải bong gân dập xương vì cú ngã
này. Tôi biết mình không lại được với những sức mạnh siêu nhiên, theo
lời dạy của chủ tịch Mao "Địch tiến thì ta lui", tôi chạy như bay ra
khỏi khu nhà giải phẫu. Rốt cuộc ai đã bỡn cợt tôi như thế , tôi dám
khẳng định họ chẳng phải người thường! Thế thì các chuyện kháo nhau là
có mà, đều là thật hay sao? Tôi nghĩ nhức óc, lúc này đã quá khuya nên
cũng có phần rối trí, tôi đành ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, để
sau này thư thả sẽ nghiên cứu kỹ hơn.
Ngày 24/01/1967
Tuyết rơi vừa phải
Sáng sớm đã phải đến nhà giải phẫu, căn phòng thực nghiệm phía Tây
trống trơn, thế thì chiếc máy hát của tôi đã biến vào cõi hư vô. Cả ngày
đi hỗ trợ phòng cấp cứu, hễ thoáng ngơi tay là tôi lại thẫn thờ nhớ đến
cái máy hát, tôi lại hỏi mình: Đây có phải một mảng đời mà ta buộc phải
trải qua? Hoặc đây là một giai đoạn bị giam hãm, đêm đêm phải khắc
khoải nhớ nhung người yêu mà không thể gặp, nhớ bạn mà cánh én không thể
đưa tin, thậm chí ngay một thứ đồ dùng để tạo niềm vui cũng không thể
giữ nổi.
Tôi không thể nuốt hận, không muốn cúi đầu trước số phận, đêm khuya
tôi lại đến khu nhà giải phẫu với một tia hi vọng, biết đâu sẽ xảy ra
chuyện kì lạ để có thể nhặt lại hoặc là đoạt lại chiếc máy hát của tôi
về. Tôi không hề tin có thần thánh ma quỉ, điều này khỏi phải bàn, nhưng
dù có ma thật thì tôi cũng phải đọ với nó một phen, quyết làm cho ra
nhẽ! Bước qua bậu cửa cao, rồi buớc lên thềm, tôi bỗng đứng sững lại.
Phía sau cánh cửa khép kín, tiếng nhạc văng vẳng đưa ra - chính là khúc
dạo đầu bản nhạc "mục ca sau buổi trưa" – mà tối qua tôi đã mở máy hát
để nghe. Tôi điên tiết đẩy cửa xông thẳng vào gian phòng thực nghiệm ở
phía Tây định lớn tiếng chất vấn, nhưng lại mím môi... Vì thấy trong đó
có hai ông già mà tôi đều biết họ. Một vị là Lưu Tồn Chức giáo sư hàng
đầu môn dược lý học của trường, vị kia là Giang Mật cựu chủ nhiệm khoa
phóng xạ của phân viện 1. Giáo sư Chức tuổi ngoài 60, nghe nói hồi trẻ
từng sang Mỹ du học, sau năm 1949 trở về phục vụ Tổ quốc, hình như mình
ông đã vực cả khoa Dược vươn lên. Giáo sư Mật có vị trí cao trong hàng
ngũ học thuật phản động, lẽ ra cũng là đối tượng bị chuyên chính đấu tố,
nhưng vì hai vị trung niên kia ở khoa phóng xạ đã lên làm cán sự
trường, lớp trẻ còn lại thì chưa đủ học vấn, vẫn cần một sư phụ ở lại
cầm chịch cho nên ông Mật mới được yên thân, sáng nay tôi vừa cùng ông
đọc fim X-quang của một bệnh nhân gãy xương vì "đấu võ" khi đấu tố. Tôi
còn nhớ cách đây không lâu đã có lần ngẫu nhiên ngồi cùng ông bình luận
về âm nhạc cổ điển...
Ông Mật nhận ra tôi, hình như không hề ngạc nhiên vì tôi đến đây, ông
cười nói: "Cậu Tiêu ạ, chiếc máy hát có dán chữ Tiêu ở bên cạnh, là của
cậu à? Chúng tôi đang có một cuộc gặp mặt nho nhỏ ở đây, máy hát và
toàn bộ đĩa hát của tôi thì đã bị họ khám nhà tịch thu mất rồi, tôi đang
buồn vì không có nhạc để nghe. Tại sao máy hát của cậu lại ở đây?"
Tôi hậm hực: "Đêm qua em đến đây nghe nhạc, thế rồi cái máy hát bị
người ta ai mà biết được, có lẽ, ma đã cướp đi! May sao chúng lại đem
trả lại!"
Ông Chức và ông Mật ngớ ra, đưa mắt nhìn nhau, rõ ràng cả hai ông đều
cho rằng nói có ma lấy đi là chuyện hão huyền, và đang nghĩ xem tôi có
bị tâm thần hay không? Nhưng dù sao hai ông đến gặp nhau tại phòng thực
nghiệm này cũng vẫn là đáng quí, và có lẽ, cũng như tôi, họ chẳng có chỗ nào tốt hơn để đến.
Vào thời buổi rối ren này, đâu có thể dễ dàng tìm được một chốn sạch
sẽ! Có nhiều tiếng lao xao ở ngoài hành lang, một người nói giọng rất
vang: "Chúng ta đã nghe bản "Mục ca sau buổi trưa" này không biết bao
nhiêu lần, nhưng vẫn cảm thấy người thời trước nói 'Đê-buy-xi cấu tứ
theo trường phái ấn tượng', là rất võ đoán. Tôi vẫn cảm nhận rằng về sắp
xếp ý tưởng, tác giả vẫn giữ nguyên chuẩn mực và nghiêm cẩn của trường
phái cổ điển hoặc trường phái lãng mạn". Một giọng nữ cười nhạt: "Tôi
thấy anh rất sính phát ngôn kì cục khác đời thì có! Khúc nhạc này rành
rành là 'phá vỡ truyền thống' ! Tôi tạm nêu vài ví dụ: về khúc thức,
Đê-buy-xi đã gỡ bỏ các công thức thông thường, không cho lặp lại cả đoạn
và không tái hiện nét chủ đề; về tổ hợp câu, cũng không phân đoạn chính
đoạn phụ, vận dụng rất nhiều chuỗi giai điệu, những điều này hoàn toàn
xa lạ với trường phái cổ điển".
Giọng rất vang kia lập tức chặn luôn: "Đó là về hình thức! Vẫn là
bình mới rượu cũ! Không thể phủ nhận rằng khi đó Đê-buy-xi định bước ra
khỏi trường phái cổ điển, nhưng nhiều nhất chỉ có thể nói bản nhạc này
là bước quá độ tiên tiếng đến trường phái ấn tượng! Xét từ góc độ thẩm
định, thì hoàn toàn có thể vận dụng trình tự thưởng thức nhạc giao hưởng
để nghe bản nhạc này!". Người phụ nữ vẫn cười nhạt: "Anh đúng là phái
cổ điển! Nghe nhạc mà cũng dùng trình tự! Anh có biết Mô-ra-mê là ai
không?"
"Thi sĩ trường phái ấn tượng rất nổi tiếng, tác giả trường ca "Mục đồng sau buổi trưa", đã được phổ nhạc bằng khúc nhạc này! "
"Anh đã công nhận Mô-ra-mê là nhà thơ lừng danh thuộc trường phái ấn
tượng, thơ trường phái ấn tượng đã được phổ nhạc. Chính Mô-ra-mê nghe
trình diễn xong, ông nói tác phẩm này quá tuyệt vời, còn hay hơn cả
nguyên tác thơ! Vậy nó chẳng phải trường phái ấn tượng là gì?" Giọng nam
vang dội bỗng cười sằng sặc: "Phải đấy! Bám sát từng câu để mà phổ
nhạc, và có thể phản ánh chính xác từng ý thơ nguyên tác-thì đâu phải là
trường phái ấn tượng hay tượng trưng gì nữa? Nó sẽ là có sao nói vậy,
nó là cách soạn nhạc của trường phái cổ điển rất chuẩn mực. "
Tôi ngây người nghe, thấy cả hai nói đều không phải là không có lý.
Giáo sư Chức và giáo sư Mật thì lại cười tủm tỉm lắn đầu. Một nam và một
nữ bước vào phòng. Người đàn ông tầm vóc cao lớn, trạc 45 tuổi, có bộ
râu quai nón được tỉa xén rất chau chuốt. Người phụ nữ trạc khoảng ngoài
30 tuổi có mái tóc dài được uốn rất khéo, trông thật trang nhã.
Ông Chức nói: "Hai vị hễ gặp nhau là đôi co thế ư? Nghe nhạc cổ
điển, điều đáng lưu tâm là cảm nhận chứ không phải là vận dụng trí não,
nếu nghĩ ngợi nhiều quá thì lại là trói buộc trí tưởng tượng và sự cảm
thụ của mình! ". Hai người dường như đồng thanh trả lời có phần áy náy :
"Bác Chức nói có lý, chúng tôi có cái tật xấu là chẳng ai chịu phục
ai." Ông Mật cũng cười: "Nếu hai vị không có tật hay đôi co thì chắc đã
về ở với nhau từ lâu rồi!" khiến đôi nam nữ kia càng ngượng ngịu đỏ chín
cả mặt. Tôi chưa gặp hai vị này ở trường bao giờ, nên hơi tò mò quan
sát. Người phụ nữ có khuôn mặt khá đẹp, rõ ràng đã được giữ gìn chăm sóc
kỹ lưỡng, nhất là mái tóc dài khiến tôi phải ngạc nhiên: vì gần đây, dù
ở trường hay các hang cùng ngõ hẻm bên ngoài, bất kỳ lúc nào cũng có
thể thấy các hồng vệ binh hoặc bọn ác ôn cầm kéo để cắt các bộ tóc dài
và quần áo theo mốt. Sao chị ta lại may mắn thoát được?
Và có lẽ ban đêm đến nhà giải phẫu cũng là một tuyệt chiêu! Ông Mật chỉ vào tôi và nói : "Giới thiệu với hai vị, đây là cậu Tiêu - một sinh viên giỏi, hiện đang thực tập ở bệnh viện trực thuộc số 1, cũng là một người hâm mộ nhạc cổ điển." Ông lại chỉ hai vị vừa đến, nói tiếp: "Đây là tiến sĩ Lăng Hoành Tố, nhân vật hàng đầu của bộ môn chăm sóc y tế bà mẹ và trẻ em của khoa chăm sóc y tế trường ta, đây là cô Lạc Vĩnh Phong - bác sĩ mổ hạng nhất của khoa ngoại bệnh viện trực thuộc số 2". Cả hai thân thiện gật đầu nhìn tôi, ông Tố hơi ngập ngừng, rồi hỏi: "Có phải hai bác định... ", ông ta lại nhìn tôi, không nói tiếp nữa.
Ông Chức hiểu ý, bèn nói: "Sự việc rất hệ trọng, e rằng hai chúng tôi không giải quyết nổi, chúng ta cùng nên bàn xem sao."
Tôi rất muốn nán lại để cùng tìm hiểu về cách đánh giá nhạc cổ điển,
nhưng nhìn họ đều có vẻ dè dặt kín đáo như thế, tôi thấy mất hứng bèn
nói: "Cũng hơi muộn rồi, các vị lại có hẹn với nhau, tôi xin cáo lui. Về
chiếc máy hát, nếu cần thì các vị cứ dùng đi, mai tôi sẽ đến chỗ thầy
Mật cầm nó về. Chỉ hiềm... khu nhà này có phần kì dị... tạm coi như là
ma - có thể sẽ cướp máy hát. Nhưng các vị đông người thì chắc sẽ ổn
thôi!".
Ông Mật nói: "Cậu Tiêu đừng vội đi, tôi có tiếng là dân học thuật
phản động, hiện đang bị chụp mũ đeo biển để cải tạo tại chỗ, len lét như
rắn mồng năm... đâu dám bê cái máy hát về khoa phóng xạ của tôi? Chúng
tôi gọi nhau đến đây chỉ để cùng nghe nhạc cổ điển, nếu cậu cũng có hứng
thì mời cậu ở lại cho vui.
Nói đúng ra là, không thể thiếu cậu. Vì máy đĩa hát của chúng tôi đều
đã bị tịch thu, may mà họ chưa càn quét đến sinh viên các cậu nên có lẽ
chúng tôi còn phải tiếp tục nhờ cậu cung cấp món ăn tinh thần cho!".
Tôi đã hiểu hơn:
"Tức là các thầy thường gặp gỡ định kỳ phải không ạ?". Ông Mật gật
đầu: "Chuyện nói cho kỹ, e rằng dài dòng. Chúng tôi đã từng ấn định ngày
gặp mặt nhưng mấy năm nay thế sự xoay vần quá dữ dội, nên không thể còn
qui luật gì nữa!"
Tôi định hỏi thêm nhiều nữa, ví dụ có phải các vị thường gặp gỡ ở
đây, và cũng từng gặp sự việc như tôi gặp đêm qua nhưng lại thấy tiếng
bước chân, rồi có hai ba chục người nói cười lục tục tiến vào. Trông họ
đều có dáng trí thức, tuổi từ ngoài 30 cho đến 60-70 tuổi, cả nam lẫn
nữ, dường như họ đều dường như rất thân quen. Hình như ở trường tôi từng
nhìn thấy vài người trong số họ... Ông Chức bỗng e hèm, rồi nói to: "Có
lẽ mọi người đều đã tề tựu, ta bắt đầu nào! Dễ thường... đến hai tháng
nay chúng ta không gặp nhau, trong khoảng thời gian này, bên ngoài...
khắp trong ngoài trường, tình hình ngày càng tệ hại. Nói đúng ra là, đôi
lúc tôi thấy chẳng còn bụng dạ nào mà nghe nhạc hoặc giải trí nữa!
Nhưng rồi lại nghĩ, càng gặp thời buổi gian nan thì ta càng nên tìm cách
để giải thoát. Âm nhạc có thể giúp ta xa lánh mọi ưu phiền, rất hữu ích
cho cả thể xác lẫn tâm hồn!"
Mọi người đều gật đầu tán thưởng.
Ông Mật nói tiếp: "Ngẫu nhiên hôm nay được biết anh Tiêu - tuổi còn
trẻ nhưng cũng là một người hâm mộ và hiểu biết khá sâu về âm nhạc cổ
điển. Gần đây chúng ta đều đã bị mất hầu hết đĩa hát, anh Tiêu thì lại
có đĩa hát. Cùng có chung sở thích cả, cho nên chúng tôi nghĩ, rất hoan
nghênh anh Tiêu sẽ tham gia vào hội này. Các vị nghĩ sao ạ?"
Nhận thấy đám đông đều có vẻ do dự, tiến sĩ Tố nói: "Lại là một sinh
viên à? Mấy tháng trước tiếp nhận một sinh viên vào hội, rốt cuộc ra
sao, lẽ nào hai vị đã chóng quên thế?"
Không buồn để ý họ có chấp nhận tôi hay không, tôi thản nhiên nói:
"Tôi thực sự không hiểu các vị đang nói là nhập hội gì gì thế? Tôi rất
không thích mọi ràng buộc, tốt nhất không có tổ chức nào cả, sẽ tự do
thoải mái hơn!"
Ông Mật vội nói: "Cậu Tiêu bỏ quá cho, tôi chưa giải thích rõ với cậu. Những điều tôi nói sau đây, mong cậu đừng nói với ai khác: chúng tôi tập hợp với nhau lập nên một nhóm nhỏ gọi là 'Nguyệt Quang xã' . Gốc gác của cái tên gọi này là, hồi đầu mới thành lập, mấy vị nguyên lão đang cùng ngồi thưởng thức bản sô-nát Ánh Trăng của Bethoven do các dàn nhạc khác nhau diễn tấu dàn nhạc Snây-ben, Béc-hao-xơ, Hu-lao-den-đơ rồi chúng tôi lại so sánh Ánh trăng của Bethoven với các bản cùng tên của Đê-buy-xi và Phô-rê, rốt cuộc lấy 'Ánh trăng' đặt tên cho hội của chúng tôi. Đó là chuyện xưa cũ... Từ năm 1952."
'Nguyệt Quang xã' vốn là một đoàn thể hoạt động văn nghệ công khai,
nào ngờ năm 1957 có phong trào chống hữu khuynh, nhiều thành viên của
hội vì mang đậm cảm quan kiểu giai cấp tư sản cho nên 'nghiễm nhiên' bị
coi là phái hữu, hội của chúng tôi cũng bị coi là một 'tổ chức phái
hữu', rồi bị cấm hoạt động. Nhưng đám chúng tôi lại không nghĩ thế: ngồi
với nhau để nghe nhạc, mà là phái hữu ư?
Chúng tôi bèn lui vào 'hoạt động bí mật'. Thế rồi bị người ta biết,
nhà trường bèn để mắt đến, rồi lập hồ sơ về chúng tôi, rồi nghi ngờ rằng
đây là một tổ chức phản cách mạng hoặc đặc vụ gì đó. Chúng tôi càng chú
ý phải giữ bí mật hơn, gắng không kết nạp thêm thành viên mới, ai cũng
phải tuyệt đối giữ kín việc mình là thành viên của 'Nguyệt Quang xã', số
lần gặp gỡ cũng giảm thiểu, phải kén chọn kỹ địa điểm kín đáo, mỗi lần
gặp nhau chỉ hạn chế 1/3 số hội viên để đề phòng nếu bị 'càn quét' thì
sẽ mất sạch quân số! Và nhà trường dần cạn hẳn thông tin về hội này,
không biết gì nữa. Kể từ năm ngoái nổ ra đại cách mạng văn hóa. 'Nguyệt
Quang xã ' lại trở thành đối tượng vô căn cứ 'rất cứng đầu' mà ủy ban
cách mạng nhằm vào - vì 'Nguyệt Quang xã' chỉ còn cái tên suông, chẳng
ai biết những người nào là thành viên, không hề có dấu vết tụ tập hoạt
động gì cả. Tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đang tập hơn ở đây thì có một
thanh niên trông sáng sủa, tay bưng một chồng đĩa hát, xồng xộc tiến
vào. Anh ta nói lời xin lỗi rồi tự giới thiệu tên là Liễu Tinh, rất mê
nhạc cổ điển nhưng vì nhà nghèo - tuy có thể mua được một số đĩa hát cũ
nhưng không sao mua nổi chiếc máy hát. Vào một buổi tối đi qua khu nhà
giải phẫu nghe thấy văng vẳng tiếng nhạc, anh ta bèn lén bước vào thấy
một đám người đang ngồi nghe nhạc cho nên mới hứng chí bê các đĩa hát
đến, nào ngờ khi tiến vào thì ở đây không thấy một bóng người.
Suốt một thời gian sau đó anh ta vẫn không nguôi, ngày nào cũng đến đây
chờ và tối hôm đó đã gặp chúng tôi, anh ta nài nỉ xin nhập hội.
Thấy anh ta rất chân thành, chúng tôi bèn đồng ý và nhấn mạnh với anh
ta tính chất 'hoạt động bí mật' của hội, anh ta thề sẽ giữ bí mật. Trải
qua vài lần tập hợp, anh ta đã quen hầu hết các thành viên của hội.
Vào hạ tuần tháng 11, đại đa số các hội viên đều bị thẩm vấn riêng
rẽ, họ tra hỏi về vấn đề 'Nguyệt Quang xã'. Tất nhiên chúng tôi phủ
nhận, nhưng tổ điều tra đã có chuẩn bị sẵn sàng, nên họ miêu tả rõ tình
hình tụ tập trong hai tháng trước, ép chúng tôi chứng minh rằng mình 'có
bằng chứng ngoại phạm' - đúng là làm khó cho chúng tôi. Trong quá trình
xét hỏi, tổ điều tra đưa ra nhân chứng quan trọng để đối chất, chắc anh
đã đoán ra: chính là Liễu Tinh!
Tôi nói cầm chừng: "Nếu đã có chuyện cũ đáng sợ như thế, có lẽ các vị đừng nên kết nạp tôi thì hơn, để tránh lại bị hãm hại"
Ông Chức nói: "Trừ phi anh không mấy hứng thú thì thôi, chứ chúng tôi
không hề nghi ngại gì anh! Thực ra thì Liễu Tinh còn trẻ thật nhưng anh
ta rất am hiểu nhạc cổ điển. Tôi không hiểu nổi cùng là dân mê nhạc với
nhau sao nỡ nồi da nấu thịt như thế?
Có lẽ tối mắt vì lợi chăng. Nhưng tố ra đám 'đồ cổ' như chúng tôi,
thì được lợi lộc gì? Có lẽ đó là 'biểu hiện tinh thần cách mạng!". Chưa
đợi tôi tỏ thái độ của mình, ông Chức đã phát biểu ngay cảm nhận của
mình. Đủ thấy Liễu Tinh là một vố đau đối với họ.
Nữ bác sĩ Lạc Vĩnh Phong nói: "Lẽ nào bác không biết, thằng nhãi ấy
chưa chắc đã hiểu rằng mình đã làm một chuyện vô lương tâm! Hắn tưởng
như mình hoạt động bí mật, tiến sâu vào vùng địch, nắm được thóp của một
tổ chức đặc vụ rồi giăng lứoi vét sạch-thế là rất vẻ vang!"
Ông Chức nói: "Lâu nay tôi rất muốn chạm trán anh ta trong trường để
hỏi mấy câu, nhưng hình như anh ta đã biến mất tăm tôi đến khoa Y học dò
hỏi, thì hầu như không ai nghe nói rằng đã từng có anh ta"
Tôi nói: "Có lẽ tôi cũng chưa từng nghe ở khoa nói về một anh chàng
như thế. Có lẽ anh ta là một kẻ giả danh sinh viên cũng nên. Hoặc, thực
ra là một công an!"
"Thế thì việc tham gia hội" ông Mật nhìn tôi, ánh mắt có ý động viên và mong mỏi.
Đương nhiên tôi rất mong được kết giao với các vị bề trên có chung sở
thích thưởng thức âm nhạc, nên tôi vui vẻ nhận lời ngay. Tiến sĩ Lăng
Hoành Tố dặn dò: "Về chuyện này, anh tuyệt đối không nên nói với bất cứ
ai, kể cả bạn chí thân, thậm chí kể cả người yêu và người nhà, vì chuyện
này liên qua đến sự an toàn và tiền đồ của anh, chớ có coi thường!".
Cuốn nhật ký cất giấu ở chỗ nào, chỉ mình tôi biết. Dù tôi có viết vài
đây thì cũng không ai biết đấy là đâu.
8/2/1967
Trời nhiều mây
Gần đây tâm trạng tôi chơi vơi chẳng thiết viết nhật ký nữa.
Mấy ngày qua không thấy bóng ông Giang Mật ở bệnh viện, đêm đêm tôi
vẫn đến nhà giải phẫu xem sao, nhưng cũng chẳng thấy bóng ai.
Nhưng có lẽ do hào hứng vì đêm nay là đêm 30 tết, nên tôi lại đến chỗ
cũ để tìm ông Giang Mật và ông Lưu Tồn Chức. Trong hai ông rất ũ rũ,
mặt ông Mật còn hằn rõ dấu vết bị đánh đập, ông Chức thì đi tập tễnh, rõ
ràng là bị hành hạ không ít. Tôi buồn rầu hỏi: "Thì ra thầy Chức cũng
bị bắt ư?"
Ông Chức mỉm cười: "Chỉ sây sát nhẹ thôi, có gì đâu mà!". Đang nói
chuyện thì thấy Lăng Hoành Tố, Lạc Vĩnh Phong và mấy vị bước vào. Tôi
thấy xúc động, họ cũng như tôi - "không gia đình", đêm 30 vẫn phải lang
thang như những cô hồn. Tôi chuẩn bị mở máy hát thì ông Mật giơ tay ngăn
lại: "Hôm nay đừng mở cậu Tiêu ạ! Gần đây tình hình căng lắm, nên cẩn
thận thì hơn. Hiện giờ chỉ còn mình cậu là người an toàn nhất, cậu phải
giữ mình ở lại. Hai chúng tôi chỉ đến gặp để mọi người biết rằng chúng
tôi vẫn yên ổn!". Nét mặt ông Tố và mọi người đều buồn bã, tôi không
hiểu tại sao bèn hỏi: "Có phải từ nay thầy Chức thầy Mật sẽ khỏi bị
phiền hà nữa không? Họ đã buông tha rồi chứ?"
Ông Mật cười có phần cay đắng: "Phải! Sẽ không bao giờ bị phiền hà gì nữa!"
Ngừng một lát ánh mắt ông nhìn tôi rất hiền từ: "Từ nay cậu Tiêu gắng
đừng đến khoa phóng xạ tìm tôi nữa, dù có đến mà không gặp tôi thì cũng
đừng hỏi thăm làm gì kẻo cậu sẽ bị rắc rối!"
Tôi gật đầu vâng lời
Điều lạ lùng là, hai ông trở lại, lẽ ra tôi phải thấy yên tâm mới
phải. Nhưng tôi nằm xuống giường cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được,
đành ngồi dậy viết nhật ký vậy.
15/02/1967
Trời nắng
Vì tôi chẳng có nhà mà về, nên mấy ngày Tết tôi gần như chỉ quẩn quanh ở bệnh viện.
Tối tối, tôi vẫn đến nhà giải phẫu mong có thể gặp lại những con
người thân thiết của "Nguyệt Quang xã". Nhưng đều vô ích. Thì ra dù sao
họ cũng vẫn hạnh phúc hơn tôi, ít ra họ vẫn được hưởng sự ấm cúng của
gia đình. Vì thế tôi nhớ Y Y vô cùng da diết, và cả người bạn thân Kình
Tùng nữa, cậu đang ở đâu? Đêm nay giá lạnh khác thường. Đến quá nửa đêm
tôi vẫn không ngủ được, bèn xuống gác ra khỏi ký túc xá, đến nhà giải
phẫu với một tâm lý cầu may. Nhưng tôi phải trợn mắt vì kinh ngạc trước
cảnh tượng trước mặt: hầu hết các thành viên của "Nguyệt Quang xã" đều
có mặt, tuy vì thiếu tôi nên không có tiếng âm nhạc bay lượn, nhưng ai
đấy đều tỏ ra rất vui mừng và tươi cười. Phải chăng dù trong những tháng
năm gian khó, mùa xuân đến vẫn cứ đem lại niềm vui cho con người? Tôi
cực kì ngạc nhiên hỏi vị giảng viên khoa Hóa đứng bên xem là đã xảy ra
chuyện gì. Ông ta chỉ tay về phía trước: "Cứ nhìn hai vị ấy thì biết!".
Ngay phía trước mặt, một đám đông đang vây quanh Lăng Hoành Tố và Lạc
Vĩnh Phong. Hoành Tố mặc bộ complê màu xanh sẫm đen, đứng ngay ngắn,
trong rất có tư thế hiên ngang với bộ râu quai nón được chăm sóc công
phu. Vĩnh Phong mặc bộ áo dài len màu huyết dụ, trang điểm phấn son, vẫn
mái tóc dài buông như trước. Nét mặt cả hai rạng rỡ tràn trề hạnh phúc
sướng vui, khiến tôi thầm tấm tắc: họ tuy đều đã đứng tuổi nhưng vẫn
trong sáng như một cặp giai nhân ngọc ngà tuyệt mỹ.
Thì ra là tối nay họ cưới nhau.
Tôi tuy chỉ mới quen biết họ, nhưng trước đây cũng từng nghe nói họ
thầm yêu nhau đã lâu, nhưng cả hai đều cao ngạo, chẳng ai muốn thổ lộ
trước với đối phương, cả hai lại cùng ham cầu tiến vươn xa trên con
đường sự nghiệp, nên bao năm qua vẫn chưa kết bạn trăm năm. Hôm nay họ
mới đến với nhau, trái ngọt tình yêu phải chín, không thể nào khác. Tôi
thực lòng thấy rất mừng cho họ.
Tôi chạnh lòng nhớ đến Y Y. Tôi phải làm gì để nàng thóat ra khỏi sự đeo bám của "Máy Kéo"?
Tôi nói lời chúc mừng đôi lứa, rất hưng phấn, tôi quay về ký túc xá
lấy ra vài đĩa nhạc valse của Giô-han Strao xơ. Một đêm đáng vui như thế
này rất cần đến âm nhạc náo nhiệt tươi vui và lãng mạn.
Khi quay trở lại khu nhà giải phẫu, là lúc mọi người đang tặng quà
mừng cô dâu chú rể. Phần lớn quà mừng đều chỉ gọi là "thể hiện tấm
lòng", chủ yếu là sách, tranh ảnh, phù điêu gì đó. Bỗng nhiên đám đông ồ
lên ngạc nhiên vì nghe thấy tiếng bánh xe lọc cọc, một ông lão đã quá
tuổi cổ lai hy đang đẩy chiếc xe ba bánh chở một tủ kính kiểu "bao diêm"
cỡ lớn. Mọi người tránh ra nhường lối, ai cũng nhìn rõ chiếc tủ kính
đang bày trước mặt. có thể nói tôi khá "biết người biết của", nhìn kỹ,
tôi nhận ra nó đâu phải là tủ kính mà là chiếc tủ pha lê. Điều khiến mọi
người trầm trồ là trong tủ lại có một tiêu bản cơ thể người gần như
hoàn mỹ!
Dường như dung toàn bộ các bộ phận cơ thể người thật để ghép nên tiêu
bản này, hệ cơ, bộ xương, dây thần kinh, mạch máu đều được sắp xếp có
lớp lang, tạo nên một chỉnh thể gắn bó hữu cơ. Khéo léo tuyệt vời hơn cả
tạo hóa! Nhưng nếu nói nó là một thi thể thì cũng không quá đáng, chiếc
tủ cũng rất giống chiếc quan tài pha lê. Ai đã đưa tặng món quà cưới
rất không vui này nhỉ?
Người đẩy xe đến, là giáo sư Liêu Dự Xương ở phòng giảng dạy nghiên
cứu giải phẫu học, trước đây ông đã từng là giảng viên chính dạy chúng
tôi môn này. Giọng ông rất vang: "Đa số các bạn đồng nghiệp ở đây đều
biết, tôi đã bỏ ra 15 năm tâm huyết để làm ra tiêu bản này, "Gươm báu
phải tặng dũng sĩ" , bác sĩ Phong đã từng giúp tôi thẩm định giáo trình
giải phẫu học do Bộ tổ chức biên soạn năm 56, học vấn về giải phẫu học
đã lên đến đỉnh cao, nếu không, tuổi còn trẻ thế này, đâu có thể trở
thành cao thủ tầm cỡ nhất nhì của thành phố ta. Tiêu bản này vẫn cần
được hoàn thiện hơn nữa, tuy nhiên tôi chẳng nghĩ ra có dịp nào khác để
tặng hai vị."
Ông Phong vô cùng cảm động nói luôn: "Nhận món quà quí giá nhường
này, tôi thực ngại quá!", ông sờ tay vào tủ pha lê nhìn một hồi lâu, rồi
lại nhìn khắp mọi người. Hai hàng lệ tuôn trào, ông nói nghẹn ngào:
"tôi tính khí vốn rất kiêu căng ương ngạnh, tự cho mình là rất tài ba,
xử thế thường hay vấp váp, nếm phải không ít đắng cay nhất là trong mấy
năm qua, chỉ có "Nguyệt Quang xã" mới cho tôi cảm nhận được sự đầm ấm
như trong một gia đình. Hôm nay được sánh đôi cùng Hoành Tố, cũng là nhờ
các vị đã tác thành cho, ấy là phúc cho tôi vậy!"
Hoành Tố cầm mùi xoa lau nước mắt, nhưng chị cũng không quên "chỉnh"
chú rể một câu: "hôm nay là ngày đại hỷ, mà anh lại cúi đầu khóc sướt
mướt thì còn ra sao nữa?"
Tôi xem chừng đã đến lúc rồi đây, bèn lặng lẽ bật máy hát.
Điệu valse mùa xuân vang lên, mọi người đều yêu cầu cô dâu chú rể
khiêu vũ. Hai người lau nước mắt, mỉm cười, vui vẻ nhận lời. Họ uyển
chuyển xoay tròn lướt trong tiếng nhạc. Tôi không hề có hứng thú với
khiêu vũ, nhưng ít ra cũng tàm tạm biết xem. Hai người nhảy, khiến tôi
được mở rộng tầm mắt. Họ thực sự là một đôi bạn nhảy quốc tế vũ rất
tuyệt, bước chân của Vĩnh Phong linh hoạt như thiên nga giỡn sóng, lướt
nhanh khiến người ta nhìn hoa cả mắt. Chiếc áo dài của Hoành Tố vốn
không phải là lựa chọn thích hợp nhất cho khiêu vũ, nhưng vì bước nhảy
của Vĩnh Phong rất tài tình nên Hoàng Tố như đang uốn lượn trong không
gian, tấm thân mềm mại uyển chuyển như Hằng Nga đang bay lên cõi tiên,
huyền diệu vô cùng!
Không khí tràn ngập vui tươi thấm đẫm hồn tôi, tôi quên hết mọi nỗi
ưu phiền vẫn vơ, tôi không ngớt vỗ tay tán thưởng, hò reo ca ngợi!
Nhưng cũng đúng lúc này tôi bỗng cảm thấy có điều gì đó thật lạ lùng...
Vì trong nhà giải phẫu rất lạnh, khi tôi lớn tiếng hò reo, miệng tôi
phả ra từng làn "khói trắng". Nhưng tôi nhìn mọi người xung quanh thì
không thấy ai phả ra khói trắng như thế như thế cả.
Một nỗi kinh hãi bỗng từ đáy lòng tôi dâng lên, hoàn toàn lạc lõng với nét nhạc điệu nhảy đang rộn ràng ở nơi này.
Trong mấy hôm nay, lần đầu tiên tôi trăn trở điều này "Nguyệt Quang
xã" gồm những ai? Nó có liên quan đến việc tôi bị bỡn cợt hôm nọ không.
Tôi lại quan sát các thành viên vây quanh, họ cũng chẳng khác gì
những người bình thường. Giáo sư Tiêu Trí Dung ở phòng giảng dạy nghiên
cứu sinh lý học đang đứng phía trước cách tôi vài thuớc, tôi thử đưa tay
ra vỗ vai ông một hai ba cái mỗi lần vỗ một mạnh hơn, nhưng ông vẫn
không nhận ra và không quay đầu lại. Tim tôi đập cực nhanh, hơi thở như
muốn tắc nghẽn, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy thực sự khiếp hãi.
Nhưng tôi cố gắng nén nỗi sợ hãi bắt đầu ập đến này, dù các nhân vật
đứng quanh tôi là người hay ma thì không khí hân hoan này vẫn là có
thật. Cũng là lần đầu tiên trong bao ngày nay, tôi mong niềm hân hoan
này sẽ kéo dài mãi mãi chứ đừng đứt đoạn. Tôi bèn lặng lẽ rời khu nhà
giải phẫu. Khép cửa lại rồi, tôi vẫn thấy văng vẳng tiếng nhạc, âm nhạc
vẫn là có thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét