Chương 21 - Không sao hiểu nổi
Sảnh cúi xuống nhìn chiếc gậy dài và chiếc mặt đồng hồ đặt
dưới sàn, rồi lại nhìn Vân Côn. Vân Côn hiểu ý, bèn nói:
- Nói ra, tôi
chẳng lo hai người sẽ cười cho: hai vị thử đoán xem cái này để làm gì?
Đây là "dụng cụ bắt ma", tôi đã mua từ nước ngoài, gửi bưu điện về đây.
Sảnh bật cười:
- Ôi, thật không ngờ! Thầy vốn không tin quỷ thần vớ vẩn kia mà?
- Hiện nay tôi lại càng không tin. Suốt mấy năm qua tôi gần như đã lần
mò khắp khu nhà giải phẫu, mà vẫn chưa phát hiện thấy một manh mối
nào. Tôi nói thật: chính vì Diệp Hinh xuất hiện, rồi nghe Hinh kể lại
những hiện tượng không sao giải thích nổi – tôi mới nảy ra ý nghĩ "cứ
thử xem sao". Tôi thấy một tạp chí của Mỹ giới thiệu về cái "dụng cụ bắt
ma" này. Theo lý luận của một số "chuyên gia bắt ma" người Mỹ thì ma
quỷ cũng là một dạng vật chất, một dạng năng lượng, nó cũng sinh ra một
trường, và tồn tại dưới hình thức sóng điện từ. Dụng cụ này thực chất là
một thiết bị tìm kiếm và khuếch đại sóng điện từ, nếu gặp một từ trường
tương đối mạnh, nó sẽ phát ra âm thanh "kít kít". Tất nhiên là khi gặp
một nguồn phát nhiệt đáng kể, ví dụ cơ thể người không được che chắn kỹ
thì thiết bị này cũng có phản ứng mạnh. Cho nên, hôm nọ bác Phùng đang
làm việc ở khu nhà giải phẫu, tôi vừa bước vào cửa thì nó đã phát luôn
tín hiệu "có người" Tôi biết ngay là bác Phùng đang ở trong nhà. Còn
việc đêm đêm tôi đều đến để "bắt ma" thì vẫn chưa có kết quả gì.
- Thầy chớ nói thế! Thầy đã bắt được "con ma lanh" Âu Dương Sảnh kia mà! - Ông Phùng cười nói.
Sảnh "hứ" một tiếng:
- Chẳng lẽ bác Phùng đã nhẫn tâm đẩy cháu ra làm
mồi, để câu được con cá sộp là thầy Côn à? Lỡ thầy Côn là kẻ xấu, là ác
quỷ thật thì sao?
Ông Phùng nói:
- Tôi đi lại kém nhanh nhẹn thật, nhưng những lần thầy
Côn đến đều mang một lô các thứ nên cũng không thể đi nhanh, vì thế từ
lâu tôi đã nhận ra thầy Côn, cảm thấy thầy Côn có vẻ rón rén làm một
việc gì đó, nhưng hỏi thẳng thì không hay, tôi bèn mời cô ra khám phá.
Nếu thầy Côn là kẻ xấu, đêm nào cũng bị tôi cản trở công việc, thì thầy
Côn đã chặt tôi ra làm tám khúc từ lâu - giống như... ảo giác của bạn cô
vậy!
Thấy Sảnh nhăn mũi, thầy Côn vội nói:
- Thôi nào, bác Phùng cũng đừng
nên xét đoán này nọ gì nữa. Tôi vì cảm thấy xấu hổ, nên mới rón rén bí
mật như thế. Có lẽ từ nay tôi sẽ chấm dứt cái việc hão huyền này, và giữ
vững lý luận của tôi trước đây.
- Là lý luận gì ạ? - Sảnh tò mỏ hỏi.
- Điều vẫn gọi là 'vụ án mưu sát 405', thực chất là không hề tồn tại. - Vân Côn nói rất tự tin.
Sảnh lắc đầu quầy quậy:
- Em vẫn không thể tin cái gọi là ngẫu nhiên,
năm nào cũng có 1 nữ sinh viên nhảy lầu từ cùng 1 căn phòng, lại cùng
vào một ngày, và lại đều là tự sát?
- Không phải tự sát thì là gì nữa? Nếu là bị giết thì công an đã không
thể không tìm ra một manh mối nào suốt bao năm qua! Mấy năm qua tôi đã
tốn nhiều công sức trong việc phân tích bệnh học thần kinh về chuỗi vụ
án nhảy lầu này. Kết luận của tôi có lẽ là cô không thể tin các nữ sinh
đều mắc bệnh tâm thần ở các mức độ khác nhau!
Sảnh khẽ "a" một tiếng, cô cảm thấy rất kỳ cục.
- Nội dung bản luận
văn thạc sỹ của tôi là những phân tích bệnh học thần kinh về chín vụ tự
sát xảy ra ở phòng 405. Về các nạn nhân, tôi đã thu thập rất nhiều tư
liệu và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn. Ví dụ, người thứ nhất Du Tĩnh,
là bạn chí thân của người chết vào năm sau là Tưởng Dục Hồng. Mùa xuân
năm 1977, Dục Hồng nằm viện tâm thần, còn Du Tĩnh – có vẻ đang rất bình
thường – thì lại nhảy lầu chết ngay năm đó. Tôi đã gặp gỡ phỏng vấn các
thầy các bạn và phụ huynh của cả hai cô, và nhận ra rằng sau khi Dục
Hồng nằm viện thì Du Tĩnh rất buồn chán uể oải, mất cả hứng học tập và
hoạt động xã hội. Xét mọi biểu hiện thì cô ấy đã mắc chứng trầm cảm rất
điển hình. Hành vi tự sát là biểu hiện có tỷ lệ khá cao của các bệnh
nhân mắc chứng trầm cảm.
Trước khi ra viện, Dục Hồng đã biết tin Du Tĩnh qua đời, nghe nói
Hồng đã khóc rất đau đớn. Nhưng chứng hoang tưởng của Hồng đã không tái
phát, không cần thiết phải nằm viện nữa. Nhưng nghe nói, sau khi trở lại
trường học, Hồng không bận tâm gì đến các bạn xung quanh nữa, nếu có ai
nhiệt tình chủ động hỏi han thì Hồng trả lời "cậu sao có thể thay thế
Du Tĩnh được!" Thậm chí Hồng coi mình là nguyên nhân dẫn đến cái chết
của Tĩnh. Cho đến mùa xuân năm 1978, Hồng thường hay nói những câu đáng
sợ, ví dụ "Du Tĩnh đang chờ tớ ở bên kia!" Cũng tức là Hồng đã chuẩn bị
để đi đến cái chết. Tiếc rằng hòi đó người ta chưa hiểu sâu về bệnh thần
kinh, chỉ gọi chung các bệnh nhân thần kinh là "người điên", mà bỏ qua
các vấn đề về tâm lý và tinh thần, thế là dẫn đến các bi kịch. Còn các
nữ sinh nhảy lầu sau đó, nếu có thời gian tôi sẽ kể từng...
Sảnh bỗng ngắt lời:
- Nhưng các nữ sinh đã từng nằm viện tâm thần đều
có ảo giác? Tại sao nào? Ví dụ tại sao Dục Hồng ban đầu lại có ảo giác?
Tại sao mấy nữ sinh sau này cũng đều có ảo giác? Và tại sao các cuộc tự
sát đều xảy ra vào lúc 0h ngày 16 tháng 6 - một thời khắc khá đặc biệt?
- Có thể nói trong suốt quá trình điều tra, đây là chi tiết lý thú
nhất, nhưng cũng khiến người ta không sao hiểu nổi. Tôi nghĩ, rất có thể
Dục Hồng là bệnh nhân đã trực tiếp nảy ra ảo giác, rồi tác động đến thế
hệ tiếp theo sống ở phòng 405. Sao khi Hồng chết, hình ảnh xuất hiện
trong ảo giác của cô ấy – ví dụ, 'ánh trăng' kêu gọi, cô gái áo trắng và
người mặt nát... lại xuất hiện trong ý thức của các nữ sinh tự sát sau
này. Nghe thì có vẻ rất hão huyền phải không? Nhưng tôi đã điều tra và
thấy rằng, Dục Hồng đã nhiều lần kể với các bạn về ảo giác của mình, cho
nên sau liền hai năm xảy ra sự kiện ở phòng 405, ảo giác ấy cứ như có
cánh bay đi khắp trường. Rất có thể, các nữ sinh nhảy lầu mấy năm tiếp
đó đã bị tác động ám thị của các lời kháo nhau kia, rồi cũng nảy ra ảo
giác, và càng muốn chọn cái ngày 16 tháng 6 ấy! Về sau, nhà trường ý
thức được rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng, nên đã nhiều lần nhắc nhở
cấm kể lại câu chuyện ấy, coi đây là một phần của công tác tư tưởng.
Điều này đã có tác dụng rõ rệt để ngăn chặn tin đồn nhảm. Cho đến khi
hai khoá sinh viên mới các cô vào nhập trường thì tuy còn có người nhắc
đến 'vụ án mưu sát 405', nhưng nội dung cụ thể thì căn bản đã bị thất
truyền rồi.
Sảnh lắc đầu:
- Thế thì lại càng kỳ lạ. Nếu những miêu tả về ảo giác
đã cơ bản bị thất truyền thì sao nó lại xuất hiện trong những giấc mơ
của Diệp Hinh?
Vân Côn nghĩ ngợi, rồi nói:
- Tôi chịu không thể giải đáp được điều
này, cũng không thể giải thích tại sao lúc đầu ảo giác lại xuất hiện
trong đầu Tưởng Dục Hồng. Vì thế lâu nay tôi mới cố tìm nguyên nhân ở
trong nhà giải phẫu. Tuy nhiên tôi cũng không cho rằng nếu tiếp tục tìm
thì sẽ có kết quả. về tình hình Diệp Hinh thì cô hiểu rõ hơn tôi, ngoài
ánh trăng, cô gái áo trắng có khuôn mặt nát ra, cô Hinh còn có nhiều ảo
giác khác, ví dụ; về linh hồn người cha, về cậu sinh viên Tạ Tốn...
Sảnh vội ngắt lời:
- hình như cha của Hinh có đến thăm bạn ấy thật.
Đến vào chiều hôm trước ngày Hinh nhận được tin dữ, bác ấy còn để lại
cho Hinh chiếc áo jackét làm kỷ niệm. Lúc về phòng ký túc xá, em đã nhìn
thấy chiếc áo đó.
Vân Côn ngạc nhiên bóp trán suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Tôi cũng nhớ
rằng Hinh có nhắc đến chiếc áo jackét, nó đã có mặt thì nhất định phải
có cách giải thích – ví dụ, vì bác ấy đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo,
sợ rằng không còn dịp gặp lại con, nên nhân một lần Hinh sắp lên đường,
bác ấy đã nhét chiếc áo đó vào hành lý chăng? Hoặc là, Hinh có linh cảm
rằng người cha ngày càng suy nhược, hom hem đã mắc bệnh. Nhìn lại vật cũ
nhớ đến người thân, thế là Hinh đã xáo trộn thời gian xuất hiện chiếc
jackét hoà lẫn cùng nỗi nhớ cũng nên?
Sảnh thở dài:
-Thầy tuy có hơi lúng túng khó lý giải, nhưng thầy nói cũng hơi có lý. Tuy nhiên vẫn là tương đối xa vời.
Vân Côn nói:
- Ca Diệp Dinh khá là đặc biệt. Đúng là cô ấy có những
ảo giác kỳ lạ, nhất là ảo giác về cậu Tạ Tốn. Nhưng đồng thời, khi tiếp
xúc với Hinh, tôi có thể cảm nhận ra rằng cô ấy có khả năng tư duy phân
tích khá cao, rất bình tĩnh, rất biết phân tích chính mình. Điều này rất
hiếm thấy trong các ca bệnh nhân tâm thần phân liệt. Sư phụ Từ Hải Đình
cũng đồng ý với cảm nhận của tôi. Ngay từ đầu, bác sỹ Đình đã cho rằng
Diệp Hinh không giống như các nữ sinh trước kia nằm viện, tuy có mắc
chứng ảo giác nhưng không hề ảnh hưởng đến tư duy.
Sảnh chợt nảy ra một ý:
- Thầy Côn, thật may mắn được biết thầy
giỏi về phương diện bệnh học thần kinh, em muốn xin thầy chỉ bảo cho:
đến lúc này, Diệp Hinh hầu như vẫn chưa biết rằng thực sự Tạ tốn không
tồn tại trong cuộc sống của mình, bạn ấy chỉ đang giao lưu với một thứ
ảo ảnh mà thôi, thậm chí còn đang yêu. Em nên làm gì để cho Hinh hiểu ra
điều này đây?
10h ngày 7 tháng 6
Gặp Sảnh trong phòng tiếp người nhà bệnh nhân, Hinh tươi cười:
- Mình
đang lo cho cậu đây này! Sao rồi? Thầy Côn đã làm trò ma quỷ gì vậy?
Sảnh thuật lại mọi sự việc đêm qua, khi kể đến chuyện toàn thân Sảnh
"bọc da", người đầm đìa mồ hôi, đã biến thành "con ma đầu tiên" bị "máy
bắt ma" của Vân Côn tóm được, cả hai cùng cười phá lên.
- Mấy hôm nay mình cũng đang muốn tìm tung tích của Y Y. Nhưng nếu chỉ
dựa vào cái tên cúng cơm Y Y thì nên bắt đầu từ đâu để tìm kiếm? Suy từ
ngày tháng viết trong cuốn nhật ký mà cậu đọc được, thì chị ấy và anh
chàng họ Tiêu học khoá 1963, mình đã hỏi mẹ mình có biết nữ sinh nào là Y
Y học khoá 63 không, mẹ mình cố lục trí nhớ... rồi nói mẹ học khoá 65,
tuy cũng có quen khoá 63 nhưng không phải là quen tất cả, và chưa bao
giờ nghe nói đến cái tên này. Mình đã cố nài mẹ thăm dò hộ, chẳng rõ bà
có cố giúp cho không?
Hinh nghĩ ngợi rồi nói:
- Cậu cũng có thể hỏi thăm cái tên "máy kéo', hình như ông ta rất nổi tiếng.
- Được, mình sẽ thử xem sao. - Sảnh vờ như hỏi bâng quơ - Đã nói đến nổi tiếng... thì Tạ Tốn hôm nay có vào đây không?
- Đã vào hai lần rồi. Anh ấy vừa ra về thì cậu đến! - Ánh mắt Hinh rất trìu mến.
Sảnh lại thầm thở dài, cô mở ví lấy ra một bức ảnh:
- Tớ cho Hinh xem
ảnh một anh chàng điển trai. Thử nghĩ xem, cậu có quen người này không?
Hinh nhìn kỹ, thấy trong ảnh là một chàng trai có vẻ bẽn lẽn. Cô lắc
đầu:
- Tớ cũng hơi ngờ ngợ, có lẽ đã nhìn thấy ở trường. Nhưng chắc chắn
là không quen. Mà sao cơ? Là chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng của cậu à?
Tuy đã lường trước, nhưng Sảnh vẫn thấy lòng bỗng nặng trĩu. Cô lại
giở ra một bức ảnh chụp hai nam giới, đứng bên trái là người vữa nãy,
đứng bên phải là một anh chàng cao lớn, lông mày ngang, mắt sáng, "rất
phong độ".
Hinh nhìn anh chàng đứng bên phải, cô định trêu rằng 'thì ra đây mới
là chàng hoàng tử của cậu' nhưng cô ngẩng đầu nhìn thấy Sảnh vốn hay
chớt nhả nhưng lúc này vẻ mặt lại nặng chình chịch, Hinh lại cúi xuống
nhìn kỹ hai người trong ảnh, cô bỗng mơ hồ cảm thấy một điều gì đó không
hay...
- Mình không quen hai người này... nhưng không hiểu tại sao, mình thấy hình như đã từng quen họ.
Sảnh cúi đầu, thầm nhẩm lại một lượt những câu đã chuẩn bị sẵn, nhưng
khi mở miệng thì cô lại nói hơi chệch đi:
- Hinh ạ, mình... không biết
nói sao đây, mình nói ra, mong cậu đừng trách mình, vì mình không thể
không nói.
Sảnh chỉ vào anh chàng trông hơi bẽn lẽn đứng bên trái rồi nói:
- Anh ta tên là Tạ Tốn.
Rồi lại chỉ vào anh chàng khôi ngô đứng bên phải:
- Anh này là Lệ Chí Dương.
Hinh run run, ngạc nhiên nhìn Sảnh, cô lại cúi xuống xem bức ảnh, rồi
im lặng rất lâu. Trong lúc đó, Sảnh thấy như mình đã biến thành Hinh,
cô đang giẫy giụa trong nỗi giằng xé của Hinh, Sảnh rớt nước mắt.
Nhưng Hinh thì lại bình tĩnh một cách kỳ lạ, cô không khóc, cũng không lớn tiếng căn vặn. Cô dùng đầu ngón tay trỏ khoanh các vòng tròn xung quanh khuôn mặt hai chàng trai. Sảnh hiểu rằng bộ não thông minh của Hinh đang chịu đựng những tác động mạnh, đang vận động rất nhanh, muốn gạt bỏ màn sương mù đang mỗi lúc một dày đặc hơn.
Đúng như Sảnh đã lường trước, ý định khóc lóc và lớn tiếng căn vặn đã
tan đi như cơn phong ba đã lướt qua nhanh, hoặc là nói chúng chưa kéo
đến – vì Hinh kinh hoàng đến cực độ, nhưng lại bình tĩnh trở lại ngay.
Những câu hỏi đang quay cuồng trong óc cô.
Tại sao mình lại bị đưa vào bệnh viện tâm thần? Có phải bác sỹ Đằng
Lương Tuấn vì là người đứng ngoài sẽ quan sát rõ hơn, đã chẩn đoán chính
xác cho mình?
Tại sao Sảnh vừa mới đứng ra điều tra đã có được kết quả đáng sợ này?
Sảnh có hiểu rằng nó có sức huỷ diệt mạnh đến thế nào không?
Tại sao phải tin Sảnh? Đây có phải là một phần của một âm mưu nhất
quyết kết luận mình mắc bệnh tâm thần, buộc phải điều trị cho đến khi
mình chỉ là các xác không hồn?
Hinh lập tức phủ nhận khả năng này, không chỉ vì Hinh dường như có
niềm tin vô bờ bến đối với Sảnh mà chủ yếu là vì, các loại tin đồn nhảm
nhí thường là tự biến mất, sẽ trở thành những điều nhảm nhí tồi tệ nhất
trong lịch sử. Nhưng nếu điều Sảnh vừa nói là đúng, thì chẳng phải là
mình đã trực tiếp đón nhận điều nhảm nhí lớn nhất này hay sao?
Nếu đón nhận nó, thì chẳng phải là mình đã rơi vào địa ngục đau khổ
hay sao? Mình vốn nghĩ tình yêu đẹp như hoa đang nở rộ trong những ngày
đầy gian khó của tuổi trẻ, rốt cuộc lại nhận ra rằng nó chỉ là bông hoa
giấy! Không chịu nổi gió mưa đã đành, mà nó sẽ héo khô nhạt phai ngay cả
dưới ánh nắng mặt trời.
Nhưng, trong trái tim Hinh, tình yêu này đã ở bên cô suốt quãng thời gian gian khó này, cô sẽ mãi mãi không bao giờ quên.
Phải chăng chính vì cảm giác này mà mình phải vĩnh viễn sống trong ảo
ảnh về một thiên đường tuyệt mỹ được xây dựng trong trái tim mình.
Hinh không sao hiểu nổi nữa. Đã không biết bao nhiêu lần, hễ băn
khoăn suy nghĩ thì Hinh lại thấy đầu nhức như búa bổ. Lần này cũng vậy.
Nước mắt rơi, rơi lã chã, rớt xuống bức ảnh. Hinh bỗng nắm lấy tay
Sảnh nghẹn ngào nói:
- Sảnh ơi, mình không biết... mình thật sự không
hiểu... cậu hãy giúp mình...
Chưa bao giờ thấy Hinh bất lực như lúc này, Sảnh đau xót tuôn trào
nước mắt, nhưng cô lập tức lắc đầu, hình như lắc đầu có thể xua đi được
nỗi bi thương. Thế rồi Sảnh kể cho Hinh nghe phát hiện của mình mấy hôm
trước về Tạ Tốn và cuộc trò chuyện với anh trưởng ban văn nghệ. Cuối
cùng Sảnh nói:
- Mình biết những điều này thực khó chấp nhận, có chấp
nhận hay không – là ở cậu. Cậu có thể cố nhớ lại tất cả xem sao, ví dụ,
anh ta vào thăm cậu nhiều lần như thế, có mua cho cậu một thứ quà gì
không?
Hinh ngẩn người, nhưng chẳng cần tốn mấy công sức để nói rằng Tạ tốn
chưa bao giờ tặng mình một thứ gì. Thông thường, điều này không thể gọi
là yêu đương gì cả, chẳng qua vì Hinh cho rằng Tốn là một anh chàng bỗ
bã và rất tự nhiên, không "vật chất hoá" tình yêu, trái lại, còn thể
hiện rằng "không phàm tục" nữa. Nhưng hôm nay Sảnh đã thức tỉnh cô, thì
hình như tất cả đều là rất hợp lý.
Nhưng Hinh lại chán ghét cái thứ hợp lý này.
Điều này có nghĩa là Hinh phải bắt đầu cưỡng lại nếp sống và tình yêu
của mình, đặc biệt là trong những ngày gió mưa chao đảo này, Hinh thà
rằng quay trở lại với cõi hư ảo còn hơn.
- Mình còn có cuốn băng ghi âm cuộc thi hát hồi nọ, nếu cậu có thể chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, thì mình sẽ mở để cậu nghe.
Hinh lắc đầu:
- Mình tin ở Sảnh. Chuyện này để sau hãy hay, chờ mình
tĩnh tâm trở lại đã. Nhưng cậu hãy nói đi, mình nên tiếp nhận cái hiện
thực này như thế nào, hãy nói xem có phải mình đã mắc bệnh tâm thần phân
liệt thật không?
Sảnh hơi sững người, nghĩ bụng: Hinh có thể hỏi câu này, thì đâu phải là tâm thần phân liệt gì nhỉ?
- Mình thật sự không biết... không hiểu về bệnh học thần kinh. Có lẽ,
có ảo giác chưa hẳn đã gọi là tâm thần phân liệt! Mình cho rằng cậu công
nhận rằng đã có ảo giác và không đắm chìm trong đó nữa, thì tức là vẫn
khoẻ mạnh.
- Hiện nay mình rất sợ: không chỉ vì những ngày qua mình có thể còn có
những ảo giác khác, mình không thể phân biệt được thật giả ra sao. Điều
đáng kể hơn là mình cảm thất bất lực, khó thoát ra khỏi các ảo giác.
Sảnh lại có cảm giác rằng Hinh vẫn cần được như Sảnh - phải ra ngoài
cái bệnh viện này để sống vui tươi.
- Vậy là cậu đã ý thức được rằng đúng
là mình có ảo giác?
- Mình cần có thời gian để suy ngẫm lại về cuộc sống trong mấy tháng
qua, rồi mình sẽ dứt ra được hay sẽ càng chìm đắm sâu hơn, mình cũng
không biết nữa.
Tuy đang nhức đầu dữ dội, song Hinh vẫn cố gắng hồi
tưởng lại những sự việc khó hiểu mà gần đây cô đã trải qua.
- Mình nhất định sẽ giúp cậu.
Nhìn vẻ mặt đau khổ của Hinh, Sảnh tự nhận thấy câu nói này thật là yếu ớt.
Nên bắt đầu từ đâu đây?
Hinh biết mình tuy tin ở Sảnh nhưng cô vẫn từ chối những sự thật mà
mình đã nói ra. Tạ Tốn đâu rồi? Anh hãy đến đây nói cho rõ xem?
Hinh biết, vẫn là ở mình mà thôi: hãy tháo gỡ cái mớ bòng bong kia, dù kết quả sẽ là khổ đau, sẽ là vỡ tan giấc mơ đẹp.
Nhưng giấc mơ dù đẹp đến mấy, cũng vẫn chỉ là giấc mơ. Hinh ngồi lặng
trên giường hồi tưởng lại từng sự việc ngày trước đã làm rối loan cuộc
sống của mình. Nhưng nên bắt đầu xem xét từ đâu? Không còn lựa chọn nào
khác, đành bắt đầu từ Tạ Tốn vậy.
Bắt đầu từ sau lúc giữa trưa của ngày xuân ấy, anh lặng lẽ xuất hiện ở
phòng làm việc của hội sinh viên, ghi tên dự thi bài hát tự biên tự
diễn. Lúc đó trong phòng chỉ có một mình mình thiu thiu ngủ... Hình như
anh không hề biết cái biệt hiệu "Kim mao Sư Vương" là từ truyện "Ỷ thiên
đồ long ký" của Kim Dung mà ra, anh còn nói là cần cây đàn piano.
Ở cuộc thi hát, anh đã đến muộn, sắp bị loại không được dự thi nữa.
Nhưng rồi anh lại vẫn đến và hát hai bài hát "Tuyệt tình cốc" và "Chờ
đợi, đợi chờ". Lúc đó anh lại như rất quen thuộc với Kim Dung – "Tuyêt
tình cốc" là từ "Thần điêu hiệp lữ" của Kim dung mà ra. Anh đã tham gia mấy hôm tập huấn về Kim Dung thì phải? Nhưng lạ thay, mình nghe các bạn
nữ lớp C nói là Tốn đã sớm có biệt hiệu "Kim Mao Sư Vương", nhưng lần
đầu gặp, thì Tốn hình như chưa từng nghe nói đến cái tên này. Tại sao
lại thế?
Vẫn trong cuộc thi đó, rõ ràng là Tốn không đến, danh sách kết quả
thi không hề có tên anh, thì tại sao mình vẫn kêu oan hộ cho? Lúc đó ánh
mắt anh trưởng ban cũng rất ngạc nhiên không sao hiểu nổi. Bây giờ mình
mới biết rằng ngoài mình ra, chẳng có ai khác nhìn thấy Tốn!
Sau đó, anh xuất hiện trên tàu hỏa xuôi về miền nam, khi xuống tàu
anh lại khăng khăng không đi cùng về nhà mình. Nhưng trên chuyến tàu trở
về, thì mình lại gặp Tạ Tốn. Hai hôm sau, Tốn lại đi với mình đến Nghi
Hưng tìm Thẩm Vệ Thanh, cả hai cùng chứng kiến thảm kịch Thẩm Vệ Thanh
nhảy lầu nhưng chỉ riêng mình bị công an gọi đến xét hỏi, và không thấy
anh ta đâu. Khi mình ra khỏi cơ quan công an thì Tốn lại xuất hiện và
cùng mình trở về trường. Tốn còn nói "vớ vẩn" khiến mình tức giận. Và
trong hai chuyến đi ấy chỉ có mình mình trông thấy anh ta.
Khi gặp lại Tốn, thì mình đã vào nằm viện tâm thần. Đúng vào những
ngày tâm trạng mình u ám nhất, Tốn đã vào thăm, đã lau nước mắt cho
mình. Nếu không có anh thì chẳng rõ mình có vượt qua được những ngày
gian khó ấy không.
Lần nào anh cũng mặc chiếc áo blu trắng để "trà trộn" vào đây, chứ
không đến chính thức đến phòng dành cho bệnh nhân tiếp người nhà, càng
chứng minh rằng chỉ có mình chứ không có người thứ hai nhìn thấy Tốn.
Không kể bà Uông Lan San.
Chính bà San đã nhận ra anh ở trong trái tim mình, có điều bà ta cứ
chần chừ không chịu nói rõ tên 'Tạ Tốn', khi bị mình ép mãi, bà San mới
nói: "Giả sử tôi nói tên là 'Tạ Tốn' thì có thể nói lên điều gì? Cũng
chỉ là một cái tên gọi mà thôi!"
Hay là bà ấy đã nhìn ra anh nhưng không muốn gọi anh là 'Tạ Tốn'? Thực ra anh là ai?
Diệp Hinh không sao hiểu nổi, và lại thoang thoảng nhức đầu. Hinh
ngẫm nghĩ một lát và dần cảm thấy rằng Tạ Tốn chỉ là một con sóng lớn
trong chuỗi thăng trầm của mình suốt nửa năm qua, nếu muốn hiểu cho rõ
thì vẫn cứ phải lần giở lại từ đầu.
Tại sao vừa mới nhập học ít lâu mình đã hay ngủ mê thấy cô gái áo
trắng, tiếng âm nhạc kỳ diệu và khuôn mặt nát bươm? Hình như Tưởng Dục
Hồng, Thẩm Vệ Thanh cũng từng ngủ mê thấy cảnh này và kết cục của họ là
cái chết. Nó dự báo mình sẽ có số phận tương tự. Những người như Dục
Hồng, Vệ Thanh.. hình như cũng nghe nói về 'ánh trăng' – riêng Vệ Thanh
còn biết được nguồn gốc của 'ánh trăng' – nhưng rốt cuộc họ đều phải
chết, và mình lại được dự báp sẽ có số phận tương tự.
Về sau, mình nhìn thấy một tiêu bản rất hoàn hảo ở phòng thực nghiệm
giải phẫu, nhưng ngoài mình ra thì không có ai nhìn thấy nó. Nó lại là
một ví dụ chứng tỏ có 'áo giác', nhưng cuốn nhật ký của anh chàng họ
Tiêu cũng đã xác nhận cái tiêu bản này là có thật. Tại sao lại chỉ riêng
mình có thể nhìn thấy?
Việc mình nhìn thấy cha, cũng là chuyện không ai có thể tin. Sau bảy
ngày bị liệt não, sao cha có thể đi từ nơi xa xôi đến tận đại học y
Giang Kinh? Đó là ảo giác. Sau đó, tại nhà xác, thi thể của cha lại biết
nói, đương nhiên cũng là ảo giác. Nhưng phải giải thích thế nào về
chiếc áo jắckét của cha?
Mình rất mong cảnh Thẩm Vệ Thanh nhảy lầu cũng là ảo giác. Tiếc thay
đó lại là sự thật! Có phải là tự sát không? Nếu đúng thế, thì phải chăng
là số trời đã sắp đặt? Nếu không phải thế, thì ai đã giết Vệ Thanh? Là
người, hay không phải là người?
Theo gợi ý của Vệ Thanh, mình đã tìm đến phòng hồ sơ của trường.
Nhưng ai đã lôi kẹp hồ sơ năm cuối cùng của 'Nguyệt Quang xã' đặt lên
bàn, và cả mấu giấy ghi số điện thoại kia nữa?
Khi biết tin nhà trường định đưa mình đi viện tâm thần, mình đã cố
sống cố chết bỏ trốn, khi chạy ra khỏi cổng vường ươm cây, thì gần như
bế tắc, nhưng một chiếc tắc xi như được ma xui quỷ khiến đã đến đỗ ngay
bên cạnh. Ai đã gọi chiếc xe đó? Một phụ nữ đã gọi điện. Lẽ nào trên đời
này có chuyện 'ma dẫn lối quỷ đưa đường' thật hay sao?
Sau đó lại là một đêm kinh khủng ở trạm phát thanh. Âm thanh quái dị
ấy ở đâu ra? Ảo giác về bác Phùng bị xé thây cũng từ đâu đến? Tại sao
lại là bác Phùng?
Sau khi vào nằm viện tâm thần, các sự việc không sao hiểu nổi đã xảy
ra đều xoay quanh bà Uông Lan San. Bà ta biết được những gì liên quan
đến 'vụ án mưu sát 405'? Bà ta thực chất là người như thế nào? Một bệnh
nhân tâm thần? một diễn viên nghiệp dư siêu hạng? Một bậc thầy về khoa
phân tích thần kinh? Hay là một sát thủ?
Tại sao bà San lại giết bác sỹ Đằng Lương Tuấn?
Ngần này điều nghi hoặc, nếu tiếp tục nghĩ ngợi thì chỉ có thể là
càng thêm nhức dầu dữ dội. Hinh đang muốn gạt bỏ chúng, cô đưa mắt nhìn
một bệnh nhân đang nằm ở giường gần cô, không hiểu tại sao, người ấy lại
khiến Hinh liên tưởng đến cái tiêu bản cơ thể bí hiểm ở khu nhà giải
phẫu.
Nếu cuốn nhật ký kia không phải là ảo giác, nếu cái tiêu bản kia có
thật, thì chứng tỏ mình đã nhìn thấy những thứ mà ngươi khác không nhìn
thấy. Từ đó suy ra rằng, liệu có phải ảo giác đều là những thứ mà chỉ
mình nhìn thấy, người khác không nhìn thấy không? Cũng như Uông Lan San,
bà ta có thể biết được tâm lý người ta, nhưng người khác thì lại cho
rằng đó cũng chỉ là ảo giác?
Diệp Hinh đứng dậy nhìn quanh bốn phía. Đã đến giờ hoạt động tự do
rồi thì phải? Hinh sốt ruột muốn gặp bà San, biết đâu bà ta có thể giúp
mình thoát ra khỏi những cảnh sa lầy không sao hiểu nổi này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét