Chương 5 - Giữa sống và chết
Cuộc thi biểu diễn bài hát tự biên tự diễn sẽ khai mạc đúng 6
giờ 30 tối thứ năm. Vì buổi học ngày thứ sáu thường khá nhẹ nhàng, sinh
viên các trường có cảm giá như ngày nghỉ cuối tuần, nên họ kéo đến hội
trường chật ních.
Diệp Hinh là người phụ trách chính và cũng là một trong mấy người dẫn
chương trình, cô rất phấn khởi trước khung cảnh này. Để phù hợp với
khung cảnh, cô mặc một bộ váy dạ hội nền xanh in hoa do mẹ cô thiết kế
may cho, theo kiểu vừa là váy dạ hội vừa là áo dài. Màu sắc được phối
vừa trẻ trung vừa lịch sự trang trọng, cũng rất mềm mại điệu đà nữa.
Một bạn nam dẫn chương trình là Tiết Lập Dương cũng ăn vận chỉnh tề
sáng sủa như Hinh, cùng Hinh ra sân khấu, được mọi người hò reo nhiệt
liệt tán thưởng. Cả hai đã tập dượt trước những lời thoại cơ bản, cũng
đã dự kiến thứ tự các tiết mục, cho nên cuộc thi hát diễn ra rất thuận
lợi. Phần lớn các bạn dự thi đều đã làm quen với sàn diễn, và đều túc
trực ở hậu trường để sửa soạn. Nhưng khi người thứ năm đang hát thì Tiết
Lập Dương sốt ruột nói với Diệp Hinh: không thấy số sáu Tạ Tốn đâu cả.
Hinh rất ngạc nhiên. Trước khi mở màn, chính Hinh đã đăng ký cho Tốn,
để Tốn rút thăm số thứ tự ra hát. Tốn cũng rất tự tin, còn cười cười
nói nói... sao anh ta lại bỏ chạy vào phút chót? Khi ban giám khảo cho
điểm ca sĩ số 5, thì Hinh đành gọi loa:
- Xin mời ca sĩ Tạ Tốn đến ngay
hậu trường.
Đã thông báo liền vài lần, đã có một số khán giả bắt đầu
huýt sáo. Dương đề nghị đừng chờ nữa, cứ gọi người tiếp theo ra hát.
Hinh thấy có lý, nhưng không hiểu sao cô không muốn thế: "Ta cứ chờ thêm
vài phút đã ..."
Đang nói dở, thì thấy Tạ Tốn cầm cây đàn ghi-ta chạy vào hậu trường.
Thế là Hinh tạm yên tâm. Anh chàng trẻ con này làm việc không chắc chắn
gì cả. Cô định hỏi: "Anh đi đâu vậy?" nhưng nhìn thấy cây đàn, cô bèn
dằn giọng:
- Thì ra anh biết chơi ghi-ta, tại sao lại bảo tôi đi mượn đàn piano, chẳng phải hoài công tốn sức là gì?
Thế mà Tạ Tốn vẫn còn nói:
- Tôi bắt quả tang: bạn lại hỏi kiểu phản
vấn rồi! Tôi cũng hỏi phản vấn một câu: chẳng lẽ tính năng của mỗi nhạc
cụ đều như nhau hay sao? Có phải tôi đăng ký hát hai bài không nhỉ?
Hinh thở dài, cô thấy Tốn hỏi ngược lại không phải là không có lý.
Tốn bước ra trước sân khấu. Mọi người vì đã phải đợi quá sốt ruột nên
khi thấy một anh chàng đi ra "nhâng nhâng nháo nháo" không có chất
"ngôi sao" tí nào, họ bèn nhất loạt huýt sáo ầm ĩ. Tốn dường như không
hề nao núng, chủ động nói: "Bài thứ nhất viết về Ngày thế giới vì địa
cầu, nhan đề là Tuyệt Tình Cốc."
Tuyệt Tình Cốc xuất phát từ truyện võ hiệp Thần Điêu Đại Hiệp của Kim
Dung, nhân vật chính là đôi nam nữ Dương Quá và Tiểu Long Nữ trải qua
mười sáu năm sinh ly tử biệt không hề gặp mặt, họ hẹn thề sẽ tái ngộ ở
Tuyệt Tình Cốc. Họ đã gặp lại nhau và sống hạnh phúc đến già.
Đúng là anh ta đã đọc truyện Kim Dung. Hinh vẫn thấy tức anh ta giả
vờ không biết Kim Mao Sư Vương là gì, cô nghĩ bụng sẽ nhớ chuyện này để
mai kia hỏi "phản vấn" anh ta mới được!
Trong giới sinh viên, có đến chín phần mười đã đọc truyện Kim Dung.
Tên bài hát tung ra rất được lòng người, nên sự phản ứng đã lắng dịu đi
nhiều. Tiếng đàn ghi-ta dạo chầm chậm đượm buồn vang lên đã thu hút mọi
người, cả hội trường im không một tiếng động. Tiếng hát trong trẻo bay
xa, từng chữ từng âm thanh thấm vào đôi tai Diệp Hinh.
Trên đỉnh non cao, anh đăm đăm nhìn xuống
Muốn xuyên suốt sương mù nhận rõ nẻo đường em
Anh còn nhớ đêm thu ngày ấy gió trong lành
Em như làn khói bay đi, anh tha hương làm người lữ khách
Nhìn bầu trời xám, anh đau đáu nghĩ suy
Liệu em còn nhớ lời đã thề cùng trời đất?
Sao thung lũng kia xanh um tùm rậm rạp
Nay chỉ là dải đất vàng khô, chứa bao nỗi tang thương
Người vô tình ơi, tôi đếm nỗi đau thương của đất
Người còn nhớ miền đất núi đồi mơn mởn xanh bất tận?
Lẽ nào Người mãi phiêu linh trong gió bụi mênh mông?
Chẳng rõ tôi còn có thể trở lại bên nàng?
Người dứt tình ơi, tôi xoa dịu nỗi đau của đất
Tôi vỗ cánh tung bay, cùng vô biên khát vọng
Biết bao năm tháng ngẩn ngơ, tử sinh đôi ngả mịt mờ
Mà chỉ có thể gặp nàng trong những giấc mơ....
Tiếng vỗ tay vang lên như sấm, lại tiếng huýt sáo inh ỏi, nhưng lần
này là vì tán thưởng. Hinh bị hút hồn, dường như quên mình đang là người
dẫn chương trình. Cô nhìn xuống khán giả, ai ai cũng đang rất chăm chú,
không xì xào nói chuyện riêng, không di chuyển lộn xộn. Bỗng Hinh cảm
thấy có một ánh mắt lạnh như băng đang hướng vào cô. Anh chàng sinh viên
vẻ mặt lạnh lùng mà hôm nọ cô nhìn thấy trên giảng đường đang đứng một
mình ở một góc phía trên gần sân khấu, khuôn mặt được ánh đèn sân khấu
chiếu vào nhưng trông vẫn nhợt nhạt, đôi mắt anh ta nhìn thẳng vào Tạ
Tốn, rồi bỗng đưa mắt sang nhìn Diệp Hinh. Cái nhìn ấy khiến Hinh rùng
mình.
Trong tích tắc, Tạ Tốn đã ngồi vào ghế trước cây đàn piano đã được bố
trí, anh bắt đầu dạo nhạc. Trên nền nhạc khoan thai chậm rãi, một giọng
trầm trầm vang lên: "Bài thứ hai là Chờ đợi, đợi chờ , kể về một câu
chuyện có thật, một chàng trai và một cô gái, chàng và nàng. Sự sống
đang rời xa chàng, hy vọng duy nhất của chàng là muốn gặp lại nàng, biết
đâu kì tích sẽ xuất hiện: tình yêu của nàng sẽ cứu được chàng. Những
năm trước đó hễ chàng đang đợi, thì nàng sẽ đến như hẹn ước. Nhưng lần
này thì nàng đã không đến.
Chờ đợi
Đã quá nửa đêm
Đôi mắt khao khát chờ mong đã dần dần ngơ ngác
Trong đêm thâu, ánh mắt muốn giã biệt anh đi xa
Nẻo đường trước mặt anh còn tối hơn cả bóng đêm mờ mịt
Đợi chờ
Đã quá nửa đêm
Con tim cháy bỏng đã dần dần giá lạnh
Khác nào giữa đông đang mong chút dịu dàng đầm ấm
Nhưng bất ngờ lạc bước đến cửa giá như băng
Chẳng đợi thấy em
Đã thề thốt không xa nhau không ruồng bỏ
Nếu anh được thấy em một lần nữa
Là đủ cho anh dũng khí để tiếp tục sinh tồn
Thế mà nay
Chờ đợi trong vô vọng khôn cùng
Hồn anh lạc bơ vơ trong đêm tối
Đã hỏi tin em khắp chốn phong trần muôn cõi
Mà em chẳng bao giờ nghe thấy tiếng hơi thở của anh..."
Thoạt đầu, tiếng hát gượng gạo nặng nề, khi đến phần chính của giai
điệu thì lời hát cao vút não nề đau xót đến cùng cực. Tiếng đàn piano
đệm hát, lúc đầu như nức nở khóc than cùng người hát, nhưng đến câu hát
chẳng đợi thấy em như một tiếng thét vang, thì tiếng đàn pianô vang dội
tiếng gõ trầm buồn, như tiếng chuông đồng cổ kính bỗng được rung lên đầy
phẫn nộ. Ca sĩ Tạ Tốn giống như một con sư tử nổi giận đang ngẩng đầu
thét vang. Diệp Hinh không nhớ mình đã nghe hết bài hát này trong
trạng thái nào, cũng không nhớ khán giả đã hưởng ứng ra sao, cô chỉ thấy
sống mũi mình cay cay, rơm rớm nước mắt. Lúc bước trở lại trước sân
khấu, giọng Hinh nghẹn ngào.
"Đúng là một trò cười quá lớn: trong cả ba cấp giải thưởng được trao
đều không có tên Tạ Tốn!" Hinh thật sự không thể tin ở con mắt lỗ tai
của ban giám khảo!
- Chẳng lẽ anh ta đáng được nhận giải à? - Trưởng ban văn nghệ kinh ngạc nhìn Hinh từ đầu đến chân. - Cô Hinh không sao chứ?
Hinh lúc này mới thấy hình như mình có phần quá khích động:
- Không
sao. Tôi chỉ thấy hơi không công bằng, tất nhiên không phải là quá bất
công, vì âm nhạc là vấn đề mang màu sắc cá nhân...
- Nhưng... - Trưởng ban văn nghệ còn định giải thích thêm, nhưng đã
không thấy Hinh đâu nữa. Thì ra Hinh đứng từ xa đã thấy Tạ Tốn ra khỏi
hội trường, dáng điệu có phần ủ rũ, bèn đuổi theo định an ủi anh mấy
câu.
- Không sao, cái chính là được tham gia, tôi vốn chỉ định tham gia cho vui, tiện thể... - Tốn cười rất thật, không gợn chút băn khoăn vì không được giải.
- Tiện thể làm sao? - Hinh thấy Tốn chăm chú nhìn vào khuôn mặt cô, ánh mắt đượm buồn và cũng hơi xúc động.
- Nhất thiết phải bắt nói ra à? Tiện thể, muốn bạn phải chú ý đến
mình! - Lúc nói câu này, Tốn cũng lại rất thật. Hinh định chỉnh anh ta
vài câu nhưng lại nghĩ rằng tính cách anh ta là như thế, hôm nay thi hát
đã không được đánh giá công bằng rồi thì mình đừng nên kê kích thêm gì
nữa...
Cô bèn nói:
- Lần sau anh đừng nói linh tinh nữa, nếu không chúng
ta khó mà nói chuyện được với nhau!
- Được, hiểu rồi! Mình nên biết điều, mình chỉ là anh chàng non choẹt, một đôi đũa mốc ngước lên nhìn mâm son vời vợi cao sang!
- Đúng là nên tự biết mình là ai, anh là một ca sĩ giàu tiềm năng.
Hinh cảm thấy chẳng thể tiếp tục huyên thuyên với anh chàng này nhưng
cô lại có phần thiếu tự chủ. Chẳng biết lúc này Sảnh đang ở đâu? Sao
không đến cứu mình với?
- Bạn cũng nên tự biết mình: bạn rất xinh, nhất là diện bộ này vào thì
càng đẹp tuyệt vời khiến mình nhớ đến cô gái trong câu chuyện. - Khi Tạ
Tốn tỏ ra nghiêm chỉnh, anh khiến người ta có thể cảm nhận anh rất có
chiều sâu.
Hinh chợt nghĩ ngợi, và không thể không hỏi:
- Anh nói về cô gái liên
quan đến bài hát Chờ đợi, đợi chờ à? Có vẻ như là rất bi ai. Tôi rất
muốn biết câu chuyện cụ thể ra sao. - Nói xong, Hinh lại thầm hối hận.
Quả nhiên Tốn cười ranh mãnh, rồi "hiện nguyên hình":
- Thế là bạn
mắc lừa rồi! Tôi sẽ kể câu chuyện đó cho bạn nghe nhưng không phải hôm
nay, mà phải chờ lần sau! Tùy thuộc bạn có cho tôi cơ hội hay không.
Hinh biết rằng nếu lúc này Tốn mời cô đi nhảy hoặc đi xem phim, thì
chắc cô sẽ đồng ý ngay. Nhưng cô lại không mong anh ta nói ra lời mời.
Nếu thế thì anh ta chẳng phải đã trở thành một anh chàng tầm tầm hay
sao? Sảnh đã từng nói mình vẫn còn quá lãng mạn!
Hinh lại cảm thấy một ánh mắt lành lạnh hướng vào cô. Ngước lên nhìn,
thì ra chính là anh chàng sinh viên kia đang đứng cách cô không xa, vai
khoác cây đàn ghi-ta vừa nãy Tạ Tốn đã chơi. Anh ta đang lạnh lùng nhìn
Tạ Tốn và cô.
Hình như Tốn cũng cảm nhận được, anh có vẻ không yên tâm:
- Chúng ta vẫn sẽ gặp nhau ở giảng đường, đúng không? Sẽ nói chuyện
sau vậy! - Tốn quay người, đi đến chỗ anh chàng mặt lạnh kia, rồi cả hai
cùng đi thẳng.
Dù rằng rất không nên, nhưng Hinh vẫn thấy hơi bất bình và đứng đó một lát, cho đến khi phía sau có người gọi "Hinh ơi!"
- Con chào bố!
Cha Hinh - ông Diệp Chấn Vũ - tươi cười giơ đôi tay. Hinh ôm choàng
đôi vai bố, ngắm kỹ các nếp nhăn trên mặt ông:
- Sao bố lại đến đây? Tại
sao bố không nói với con trước, con sẽ đặt phòng tại nhà nghỉ cho bố?
- Bố đã vào ở nhà khách của bệnh viện trực thuộc trường của con, một
phế nhân như bố thì rất sẵn thì giờ.
Mấy năm nay ông Vũ thường tự chế
nhạo về mình như thế. Ông nhìn kỹ cô con gái rồi ngậm ngùi:
- Nghe nói
hôm nay con có tổ chức một hoạt động, nên bố phải đi tàu hoả đến đây
xem. Từ khi con vào đại học, bố chưa đến thăm lần nào. Bộ áo này do mẹ
con may cho thì phải? Con mặc trông rực rỡ hẳn lên! Mẹ con là người tài
giỏi, tiếc rằng bố không có duyên ở cùng bà ấy nữa!
Hinh thấy lòng xót xa, cô khoác tay cha đi dạo trong khu vườn đang
dần yên tĩnh:
- Bố không trách mẹ con à?
Từ sau khi cha mẹ ly hôn, Hinh
và mẹ trò chuyện với nhau càng nhiều hơn, nhưng hôm nay là lần đầu tiên
cô nói chuyện với cha.
- Bố sao có thể trách gì mẹ con? Những năm qua tuy bố sống chẳng ra
sao nhưng ít ra bố cũng ít nhiều hiểu ra rằng tại bố không chịu vươn
lên. Dù bà ấy làm việc gì, thì cũng chỉ là vì gia đình mình mà thôi. Nay
con cũng đã học đại học, cha mẹ đã tách ra, thì bà ấy cũng có thể
chuyên tâm cho sự nghiệp của mình... Người phụ nữ có được sự nghiệp đâu
phải dễ! Đời nào bố lại cản trở bà ấy!
Hinh cảm thấy mình có phần không nhận ra ông nữa. Ngày nay ông đã
thông hiểu vấn đề, không giống như những năm trước chỉ toàn vùi đầu bên
bàn mạt chược, và uống rượu hút thuốc...đôi mắt lúc nào cũng lờ đờ ngái
ngủ, nói năng ậm ừ. Có lẽ cuộc ly hôn đã tác động mạnh đến ông, khiến
ông nhận rõ phải trái đúng sai. Hinh nói:
- Bố cũng chưa phải gọi là già, lại có bộ óc thông minh, vẫn có thể
phấn chấn trở lại, tìm ra điểm xuất phát để đi đến một sự nghiệp mới. Và
có lẽ vẫn có cơ hội để trở lại với mẹ con.
Ông Vũ thở dài:
- Nói vậy thôi chứ đâu có dễ! Bố biết mình đã làm cho
mẹ con rất đau lòng. Tuy nhiên, khi nghĩ rằng mình có được cô con gái
như con thì bố đã hạnh phúc lắm rồi! Nhất là khi con có đức tính lạc
quan cầu tiến, rất giống mẹ con hồi trước! Thực tình, bố cũng không hiểu
tại sao về sau bố lại xuống dốc nhanh thế! Có lẽ bố đã không gắng vượt
qua sự uy hiếp của tuổi trung niên, thế rồi xuống dốc không phanh!
Hai cha con vừa đi vừa nói chuyện, Hinh đang mặc ít áo, nên càng đi
càng thấy lạnh. Ông Vũ thấy con gái đang run run bèn khoác cho cô chiếc
áo jacket của mình. Hinh ngẩng đầu nhìn, cô khẽ kêu lên: "Thảo nào
mà..."
Thì ra họ đã bước đến bên khu nhà giải phẫu.
- Sao lại đi đến đây? - Hinh vừa trách vừa giới thiệu với cha - Đây là
khu nhà giải phẫu, nghe nói có nhiều chuyện ma quỷ xảy ra ở đây.
Hai người bước vào, ông Vũ "ơ" một tiếng hình như có phần kinh ngạc.
Hinh đoán chừng:
- Có phải bố cho rằng cái bậu cửa xi-măng này rất kỳ
cục không? Con nghe nói là để phòng phooc-môn tràn ra, ô nhiễm môi
trường.
Ông Vũ kêu lên:
- Không đúng - Ông định thôi nhưng rồi lại nói:
- Vớ
vẩn! Chẳng lẽ thuốc cứ nhằm cửa mà tràn ra à? Dung dịch đã rò rỉ thì sẽ
luồn lách khắp nơi! Một cái bậu cửa thì ngăn sao nổi? Xây bậu cửa cao
nhất định là để trấn quỷ!
Hinh chưng hửng:
- Ngay bố cũng nghe nói thế à?
- Chắc là chuyện mê tín, chốn thôn quê thường cho rằng xác chết và ma
quỷ không thể nhấc cao chân, bậu cửa có thể đề phòng ma quỷ bước ra khỏi
nhà. Vậy thì chắc chắn có người trước kia đã ngờ rằng khu nhà này có ma
nên mới xây cái bậu cửa này. Chỉ cần con đừng vào đây lúc đêm khuya thì
chúng chẳng thể quấy nhiễu được!
Hinh thầm nghĩ: "Chúng con đã từng vào đây..." nhưng lại sợ nói ra
khiến cha lo lắng.
Ông Vũ càng nghĩ ngợi lại càng thấy sự việc nghiêm
trọng, ông dừng lại, đặt tay lên đôi vai Hinh hạ thấp giọng:
- Con hãy
hứa với bố đừng bao giờ đi một mình đến đây vào ban đêm.
Hinh thấy vẻ
mặt ông đăm chiêu, cô gật đầu.
Lúc quay về ký túc xá nữ sinh, đã đến giờ phải tắt đèn. Hai
cha con bịn rịn từ biệt nhau, Hinh cởi chiếc áo jacket vi ni-lông ra,
nhưng ông Vũ ngăn lại:
- Con cứ mặc đi, để mặc... vào những buổi tự học
cũng tiện.
Ánh mắt cha vô cùng hiền từ khiến Hinh không nỡ từ chối. Cô
quay người bước vào cửa, ông Vũ đứng ngoài gọi to, cô lại quay trở ra,
ông nắm tay cô và ngắm nhìn khuôn mặt cô rất lâu, dặn dò:
- Con hãy chịu
khó nghe lời mẹ con, nếu có dịp hãy nói với bà ấy rằng bố rất có lỗi với
gia đình ta.
Hai hàng nước mắt đọng ở những nếp nhăn trên mặt, rơi
xuống mu bàn tay Hinh vẫn âm ấm như xưa.
Những tiếng gõ cửa gấp gáp đã đưa Hinh ra khỏi giấc nồng. Suốt bao
nhiêu ngày qua, đây là lần đầu tiên Hinh có thể ngủ ngon giấc, "Cô Hinh
có điện thoại khẩn!" Bác gái gác cổng gọi.
Mới 6 giờ sáng, ai lại gọi điện sớm thế này?
Hinh choàng ngay chiếc áo jacket của cha để lại tối hôm qua, đi xuống
cầu thang để nghe điện thoại. Đầu dây bên kia là mẹ cô - bà Kiều Doanh -
giọng nghẹn ngào:
- Hinh ơi, bố con... đã qua đời...
Hinh còn chưa kịp hiểu rõ, cô hỏi lại:
- Mẹ ơi, mẹ nói gì cơ ạ? Tối qua con vừa gặp bố con mà! Bố đến tận đây thăm con mà!
Bà Kiều Doanh thút thít:
- Mẹ biết con lúc này không thể tin nhưng đây
là sự thật, bố con bị ung thư não giai đoạn cuối, vừa qua đã nằm viện
một tháng; cách đây một tuần, não đã liệt rồi. Vì sợ ảnh hưởng đến kỳ
thi giữa học kì của con nên mẹ không dám báo cho con biết. Sáng sớm hôm
nay tim bố con đã ngừng đập.
Hinh cầm ống nghe mà tay run run:
- Không thể! Vì đúng là tối qua con
đã gặp bố, hai bố con còn đi dạo với nhau, bố... còn để lại cho con chiếc
áo jacket...
Hinh bỗng cảm thấy một vài hành động hơi kì lạ của cha
tối hôm qua bỗng trở nên hợp lí hợp tình, điều này lại rất không giống
như mọi ngày.
Bà Kiều Doanh đang rất lo Hinh sau khi nghe tin dữ sẽ rối loạn tâm
trí, nên bà kìm nén không khóc nữa, dịu dàng khuyên nhủ:
- Con hãy nên
bình tĩnh, mẹ sẽ liên lạc với thầy giáo phụ trách quản lý sinh viên của
khoa, xin cho con nghỉ học vài hôm, con về nhà nhìn mặt bố con lần
cuối... Ba hôm nữa sẽ làm lễ hoả táng cho bố con, bây giờ mẹ bắt đầu lên
đuờng để đến đón con.
Tuy đầu óc Hinh đang rối loạn khác thường nhưng cô vẫn gắng tự trấn
tĩnh:
- Mẹ ạ, ở nhà chắc có nhiều việc cần giải quyết, mẹ không phải đến
đón con. Giờ con sẽ ra mua vé tàu hoả, mai con sẽ về đến nhà!
Thấy Hinh điềm tĩnh như vậy, bà Kiều Doanh cũng yên tâm hơn. Bà lại
thở dài:
- Nhất định con phải về nhà, và còn phải trò chuyện với mẹ nữa.
Giờ đây mẹ thấy mình rất có lỗi với bố con. Con biết không: vừa mới bị
nghỉ việc thì bố con đi khám phát hiện bị ung thư não, cứ giấu hai mẹ
con ta và cũng không đi điều trị - nói là sợ sẽ làm hai mẹ con thêm
vướng víu, vì điều trị ung thư não mà không có bảo hiểm y tế gánh cho
thì sẽ khuynh gia bại sản, nhất là vào lúc điều kiện kinh tế gia đình ta
không khấm khá gì. Mẹ đã phê bình ông ấy, nhưng tất cả đã muộn..."
Nói
đến đây, bà Doanh khóc không thành tiếng.
Hinh cầm ống nghe, ngồi đờ đẫn, mặc cho nước mắt tuôn trào, hồi lâu cô mới nói:
- Mẹ ơi, bây giờ con đi ra ga!
Nói rồi cô đặt mạnh ống nghe xuống lao ra khỏi cửa, cô chạy rất nhanh trên sân trường đang buổi sớm tinh mơ.
Từ tuần trước cha cô đã liệt não, vậy tối qua mình đã gặp ai? Rõ ràng
mình đang mặc chiếc áo jacket của cha, chiếc áo còn vương mùi thuốc lá
mọi ngày. Chẳng lẽ, trước khi ra đi, cha còn muốn gặp mình lần cuối, và
tặng cho mình chiếc áo này làm kỷ niệm?
Hinh nhớ lại, ông nói mình đang ở nhà nghỉ của bệnh viện số một trực
thuộc trường Y, bèn chạy ngay đến đó. Hinh xin tra sổ đăng ký của nhà
khách, thì đưọc trả lời là không có ông Diệp Chấn Vũ nào đến ở đây cả!
Thế thì người tối qua đến là ai?
Nếu cô không tin vào đôi mắt đôi tai của mình nữa, thì còn có thể tin ở cái gì?
Thoắt liên tưởng đến một loạt các sự việc kỳ quái mà cô gặp phải
trong thời gian gần đây, cô không nén nổi toàn thân run rẩy trong cái
lạnh của làn gió sớm mai.
- Hình như bạn có vẻ không được bình thường? - Một giọng nói quen thuộc vang lên.
Hinh ngẩng đầu. Một đôi mắt đầy quan tâm. Đó là thầy Chương Vân Côn.
Lúc này Hinh mới nhận ra, chẳng rõ mình đã đến khu nhà giải phẫu từ lúc
nào. Thầy Côn mặc một bộ đồ thể thao, chắc là đang tập thể dục buổi
sáng.
- Có cần tôi đưa bạn đến phòng y tế không? Có lẽ tôi có thể mong mình
trở thành chuyên gia về phương diện này. - Giọng nói nhẹ nhàng của thầy
Côn khiến Hinh thấy dễ chịu hơn một chút.
Cô nhận ra mình đang đầu tóc
tả tơi, khuôn mặt đẫm lệ. Cô cúi đầu.
- Bạn làm sao thế?
Hinh thấy lúc này mình rất cần có một người lắng nghe mình thổ lộ, vừa mới cầm được nước mắt thì nó lại trào ra.
Nghe xong câu chuyện Hinh kể, đôi mắt thầy Côn cũng đỏ hoa. Anh nhè
nhẹ xoa đôi vai Hinh và nói:
- Bạn đừng quá đau buồn, hãy gắng nghĩ cho
thoáng ra. Thực ra bạn đã có một gia đình rất tốt, cha mẹ tuy đã ly dị
nhưng họ đều rất thương yêu bạn. Bạn cũng hiểu rất đúng, tất cả không
phải là những yếu tố bi kịch. Bạn hãy mau trở về nhà, hai mẹ con sẽ cùng
an ủi lẫn nhau, cùng vượt qua nỗi đau này. Còn về chuyện người tối qua
có phải linh hồn cha bạn hay không thì cũng có sao. Người đã chết thì
không thế sống lại được.
Hinh lắp bắp:
- Nói như vậy là thầy không tin có hồn ma hay sao?
Thầy Côn thở dài, chỉ tay vào đầu mình:
- Tôi cho rằng tất cả đều ở
đây mà ra cả! Mọi điều tai nghe mắt thấy của người ta có lúc là khách
quan, đôi lúc lại bị ý thức chủ quan khống chế. Ai đã tin thì dù là
chuyện hão huyền đến mấy họ cũng cứ tin. Ai đã không tin thì dù là
chuyện hợp lí đến đâu họ cũng xua tay! Tóm lại là chẳng nên nhẹ dạ cả
tin, mình hãy làm chủ bản thân. Tôi nói có phần quá mơ hồ, mong bạn đừng
khó chịu, cứ về kí túc xá nghỉ ngơi, thu xếp các thứ. Sáng nay tôi
không phải lên lớp tôi sẽ thu xếp đưa bạn ra ga.
- Em đâu dám phiền thầy ạ.
- Đừng
nói thế. Bạn tuy là người rất cứng cỏi, nhưng lúc này bạn đang rất cần
giúp đỡ. Ý tôi vẫn thế: vượt qua thời kỳ này bạn sẽ ổn thôi. Đi đi, và
nhớ báo cáo với thầy chủ nhiệm lớp bạn. - Ánh mặt hiền hậu của thầy Côn
đã sưởi ấm cho Hinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét