Chương 7 - Ánh trăng, ánh trăng là gì?
Trong đầu Hinh vẫn thấp thoáng ẩn hiện cái từ ánh trăng này.
Nó bắt đầu đến từ đâu, cô nhớ không rõ nữa, hình như từ trong giấc mơ,
từ miệng cô gái áo trắng nói ra. Và rõ ràng là lại được thi thể cha cô
nói đến.
- Lần đầu tiên mình nghe thấy, là cái đêm khi đang đi trong hành lang
nhà giải phẫu cậu bị ngã, rồi nói ra cái từ này. - Sảnh nói lời an ủi với
Hinh vừa có tang người cha, cô lại nghe nói Hinh muốn xuất phát từ hai
chữ ánh trăng để đi tìm sự thật về vụ án mưu sát 405, Sảnh tiếc rằng
mình không thể thoát thân, nhưng cô rất vui vì được làm một "tham mưu
cao cấp".
- Lúc đó dường như cậu lại quên ngay hai chữ này, mình định tiếp tục
hỏi thì ông già gù đưa tay ra hiệu mình hãy im đi. Sau này mình hỏi lại,
thì ông ta nói: "Tôi sợ cô bạn cô sẽ nhớ mãi cái cảnh tôi cưa cắt tử
thi dưới ánh trăng, nên mới muốn cô dừng khơi lại với cô ta làm gì, kẻo sẽ có tác động bất lợi cho tâm lý cô ta. - Sảnh vội giải thích ngay.
- Thì ra cậu đã bí mật đến gặp ông già gù ấy! - Hinh cầm cuốn giáo trình giải phẫu đập bốp lên đầu Sảnh.
- Cậu đã quên rằng ông ta đã gằn giọng cấm cậu đến nhà giải phẫu à?
Muốn gặp ông ta, thì phải đến vào lúc nửa đêm. Vì thế mà mình còn bị ông
ta quạt cho một trận rất ác, cậu không có mặt lần đó là quá may cho cậu
rồi!
- Thế thì lạ thật! Nếu nói là đêm hôm đó mình bị ánh trăng hù doạ, thì
tại sao mình vẫn mơ hồ nhớ là cô gái áo trắng trong mơ cũng nói đến hai
chữ này? Ngay trước mắt mình, cái tiêu bản cơ thể rất tuyệt kia đã tập
hợp lại thành cô gái áo trắng. Liệu cô gái đó, ánh trăng, vụ mưu sát 405
và các chuyện ma ở khu nhà giải phẫu có liên quan gì với nhau không? -
Càng nghĩ Hinh càng cảm nhận rằng bắt đầu từ ánh trăng là phương án duy
nhất.
Sảnh nói:
- Điều kỳ lạ là, nếu cô gái áo trắng là một hồn ma trong khu
nhà giải phẫu thì cô ta không thể đến quấy nhiễu cậu trong mơ mới đúng,
vậy thì cái bậu cửa cao chỉ là để trưng bày thôi sao?
- Sảnh, con lại nói lung tung gì thế? - Một phụ nữ trung niên ăn vận
cầu kỳ bước vào phòng, đó là bà Lương Chỉ Quân, mẹ của Sảnh. Trông thấy
Diệp Hinh, bà thôi cau mày cười nói:
- Cháu Hinh đừng nên tin cái Sảnh
nhà này nói vớ nói vẩn. Nó nói toàn những chuyện thần thánh ma quỷ hão
huyền chứ chả chịu khó học hành gì cả! May nhờ có cháu ghi âm chép bài
giúp cho, nếu không chắc chắn nó sẽ bị lưu ban!
Sảnh không bỏ lỡ dịp, nói luôn:
- Mẹ ơi, không nên để cho một cô gái
tốt như Hinh cứ phải nơm nớp sợ hãi. Hinh đang băn khoăn về vụ mưu sát
405 , mẹ có thể cung cấp thêm vài đầu mối được không?
Bà Quân mặt hơi biến sắc:
- Hinh ạ, cháu không được tiếp tục ở căn
buồng đó nữa. Còn về đầu mối thì bác... có biết gì đâu!
Rõ ràng là bà
Quân chưa biết là Sảnh đã giấu bà việc chuyển chỗ ở, bà nghĩ ngợi...
- Về
chuyện gian kí túc xá ấy hay có người chết, mẹ cho rằng có chín phần
chỉ là ngẫu nhiên. Các nữ sinh phải chịu áp lực học tập rất lớn, mà chưa
biết cách giải toả. Mười lăm năm qua còn chưa thể giải thích nổi, hai
cô băn khoăn vớ vẩn cũng có ích gì đâu! Thế này vậy, tối ngày 15 tháng
6, cháu Hinh hãy đến ngủ ở nhà bác. Bác sẽ dùng sợi dây xích to xích hai
chị em trên giường, như thế đã đủ an toàn chưa?
Hinh và Sảnh đều
không nhịn được cùng cười phá lên. Lúc này Hinh mới được biết Sảnh đã
được thừa hưởng những "gen tốt đẹp" từ ai.
Bà Quân vừa đi khỏi, Sảnh lại nói:
- Nhưng ánh trăng là một từ rất quen thuộc, thì cậu bắt tay vào từ chỗ nào?
Hinh thoáng suy nghĩ rồi nói:
- Mình cho rằng ta cứ nhằm vào một việc
cụ thể đã, cứ điều tra từ vụ mưu sát 405 , nhưng lần này thì mình cần
phải chuyên nghiệp hơn!
Sảnh thừa dịp trêu luôn:
- Nếu cần trợ thủ thì cậu cứ gọi anh chàng
Kim Mao Sư Vương! Mình thấy anh ta luôn theo sát như thế, rất dễ sai
bảo!
Văn phòng của ông Lục Bỉnh Thành phó Bí thư Đảng uỷ Viện Y học Lâm
sàng đặt ở tầng 15 của khu nhà được quyên tặng mới xây dựng; nhìn qua
cửa sổ, có thể thấy Đại học Y Giang Kinh rợp bóng cây xanh um tùm, xa
hơn nữa là trung tâm thành phố náo nhiệt sầm uất - thậm chí ngày càng xa
hoa. Ông Thành rất thích khung cảnh nơi này, mỗi khi làm việc căng
thẳng, phải suy nghĩ nhiều, ra đứng ngắm cảnh sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhõm
và hưng phấn trở lại ngay.
- Em chào thầy Thành!.
Cửa vốn mở rộng, một nữ sinh đang gõ cửa cho
phải phép. Là Phó bí thư Đảng uỷ chuyên trách công tác sinh viên, từ
khi nhậm chức, ông Thành thực hiện chế độ mở cửa làm việc, bất cứ sinh
viên nào, hễ có điều khúc mắc tư tưởng thì đều có thể đến thổ lộ với
ông.
- Bạn Mẫn vào đây ngồi nào! - Ông nhận ra đó là Chu Mẫn - lớp trưởng
lớp B khóa 93. Ông Thành pha trà mời cô rồi vào đề ngay:
- Thầy Lý chủ
nhiệm lớp đã nói chuyện với tôi về tình hình của em Diệp Hinh, hôm nay
tôi hi vọng em có thể nói thật cụ thể, nhất là các diễn biến ít hôm gần
đây.
Mẫn hơi ngập ngừng, ông Thành hiểu ý bèn ra khép cửa lại.
Lúc này cô
mới nói:
- Khoảng một tuần trước thi giữa học kì, chúng em bắt đầu thấy
Hinh có một số biểu hiện khác lạ.
Mẫn lại ngập ngừng, ngước nhìn đôi
mắt rất thẳng thắn chân thành của thầy, cô động viên mình tiếp tục nói.
- Có một lần đang ở trong phòng thực nghiệm giải phẫu, Hinh quả quyết nói
rằng đã nhìn thấy ở một căn phòng nhỏ có một tiêu bản cơ thể hoàn
chỉnh, tinh xảo. Nhưng khi chúng em đến xem thì ở đó chỉ có một tử thi
rữa nát. Lại có lần vào lúc nửa đêm Hinh ra khỏi ký túc xá, không rõ đi
đâu rất lâu mới trở về. Có một đêm bạn ấy đứng ngay sát mép cửa sổ, hình
như đang định nhảy xuống...
- Sau đó thì sao? - Ông Thành bỗng ngắt lời. Một chuỗi các sự kiện đau lòng trước kia đang hiện lại trong óc ông.
- Lúc đó em không dám lên tiếng, vì em nghe nói người mộng du nếu bất
ngờ nghe tiếng quát dừng lại, sẽ có những phản ứng bất thường. Cũng may
bạn ấy đã nhìn xuống sân và bỗng nhiên tỉnh lại, rồi bò trở lại giường
nằm ngủ. Và, khi ngủ bạn ấy thường hay kêu thét lên, hình như đang gặp cơn ác mộng vô cùng kinh hãi.
- Bạn ấy rối loạn bất thường như thế, chắc kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng chứ? - Ông Thành trầm ngâm suy nghĩ.
- Nhưng rất lạ là không bị ảnh hưởng lắm. Mấy môn thi đều được điểm xuất sắc. Môn giải phẫu còn được điểm tối đa.
- Nghe nói bạn Hinh là hạt nhân tích cực của hội sinh viên trường, rất
có năng khiếu văn nghệ, là người dẫn chương trình có trình độ rất
chuyên nghiệp, cách đây không lâu đã tổ chức thành công cuộc thi hát tự
biên tự diễn của trường. Nếu để cho một sinh viên xuất sắc như thế bị sa
sút thì quả là thật đáng tiếc!
Nhớ đến những nữ sinh viên đã chết một
cách kỳ lạ trong hơn chục năm qua, ông Thành bỗng thở dài.
Chu Mẫn chợt nhớ đến một sự việc quan trọng:
- Ngay buổi tối hôm bạn
ấy tổ chức xong cuộc thi hát, bạn Hinh nói là cha mình đến thăm, hai cha
con đã đi dạo với nhau. Nhưng sáng sớm hôm sau, nghe nói, thực ra cha
bạn Hinh đã bị liệt não từ trước đó một tuần, đang nằm ở bệnh viện cách
trường rất xa.
Ông Thành cảm thấy sự việc nghiêm trọng hơn ông tưởng tượng rất
nhiều:
- Một bạn học như thế này, chúng ta cần phải quan tâm sát sao. Bạn
ấy thường quan hệ với những ai trong trường ta?
- Hinh có một cô bạn chí thân luôn gắn với nhau như hình với bóng, tên
là Âu Dương Sảnh, cũng ở ngay trong ký túc xá, nhưng gần đây Sảnh bị
viêm gan A cho nên Hinh thường chỉ có một mình, và... chúng em đoán rằng
gần đây Hinh đã có bạn trai.
Ông Thành định hỏi xem tại sao Chu Mẫn lại có thể "đoán ra", nhưng
ông đã nhiều năm làm công tác sinh viên, ông hiểu rằng các nữ sinh đều
có "giác quan thứ sáu" đối với các chuyện lãng mạn, khó mà hỏi cho rõ
"tại sao", nếu có hỏi sẽ là vô duyên và lạc đề. Ông suy nghĩ một lát rồi
ôn tồn nói:
- Các bạn trong lớp - nhất là các bạn ở chung ký túc xá -
xuất hiện tình trạng như thế, gánh nặng trên vai một lớp trưởng như em
bỗng nhiên sẽ càng nặng, càng vất vả hơn. Tiếp theo đây, tôi mong em và
các bạn có tư tưởng tiến bộ sẽ cùng chú ý quan sát mọi hành động và quan
hệ của bạn Hinh. Nhưng tuyệt đối không trực tiếp can thiệp vào đời sống
riêng tư, kẻo bạn ấy sẽ có phản cảm đối với sự nhiệt tình giúp đỡ của
mọi người. Nếu thấy có hiện tượng bất thường, thì lập tức thông báo với
thầy Lý hoặc trực tiếp tới gặp tôi. Cánh cửa phòng tôi luôn luôn rộng
mở.
Chu Mẫn gật đầu, xin phép ra về. Sắp rời khỏi phòng, cô lại hỏi:
- Nếu
tình hình ngày càng xấu đi thì nhà trường sẽ có biện pháp gì ạ?
- Sẽ mời các chuyên gia khoa thần kinh hội chẩn, và nếu được phụ huynh
đồng ý, thì đưa vào nằm viện tâm thần. - Ông Thành có phần không vui
trước câu hỏi này của Mẫn, nhưng - ông đành nói ra cái kết quả đáng buồn
này một cách khó nhọc.
Chu Mẫn chợt thấy người gai lạnh.
Phó phòng bảo vệ trường Vu Tự Dũng nhìn cô gái có vẻ bẽn lẽn đang
đứng trước mặt, hình như ông nghe chưa rõ yêu cầu của cô:
- Gì cơ? Cô cần
xem cái gì?
- Bác có thể cho cháu xem hồ sơ và các bản tường trình về vụ án mưu
sát 405 không? Cháu nói là... hồ sơ và báo cáo về các vụ án nhảy lầu tại
phong 405 khu nhà 13. Cháu ở trạm phát thanh của trường ta, đang thực
hiện một phỏng vấn vì muốn làm rõ sự thật về vụ việc mê tín vẫn
đồn đại bấy lâu. Bác cũng biết rồi: ngày 16 tháng 6 lại sắp đến, thì
nghi án này cũng trở thành tiêu điểm mà các sinh viên rất quan tâm. -
Diệp Hinh khéo léo trình bày những lời mà cô đã chuẩn bị tỉ mỉ từ trước.
Ông Dũng cười nhạt:
- Một nhân vật truyền kì của đội trinh sát hình sự
công an thành phố là Đường Nhất Quân từng đặc trách điều tra vụ này, đã
kết luận chỉ là tự sát do áp lực học tập quá căng thẳng, chứ không có
điều bí hiểm gì khác! Tôi chưa rõ các cô định làm rõ sự thật nào nữa?
- Nhưng, mọi sinh viên đều phải chịu áp lực hoc tập như nhau, thì tại
sao riêng ký túc xá ấy gần như năm nào cũng có người nhảy lầu?
- Ai nói là chỉ riêng ký túc xá ấy? Tôi có thể đưa ngay ra vài ví dụ!
Chẳng hạn: năm 1987 phòng 610 khu nhà 5; năm 1989 phòng 48 khu nhà 11;
năm ngoái, phòng 516 khu nhà 8 đều có sinh viên tự tử! Có người là vì áp
lực trong học tập, có người là chuyện yêu đương. Chắc cô có thể hiểu:
trường ta là đơn vị trọng điểm của Bộ Y tế, năm nào cũng có một lô sinh
viên bị đào thải vì kết quả học tập không đạt, áp lực trong học tập luôn
luôn rất căng!
- Nhưng căn phòng ấy hiện đang có 6 nữ sinh ở, chúng ta cũng nên nghĩ
đến sự an toàn của họ. Chắc bác cũng hiểu tâm trạng của họ lúc này ra
sao.
- Phòng bảo vệ sẽ nghĩ cách... Thực ra năm nào chúng tôi cũng bàn
cách, nhưng không cần thiết phải tuyên truyền phô trương làm gì. Các cô ở
trạm phát thanh lẽ nào không có các tư liệu lành mạnh sáng sủa để làm
tiết mục! Sao cứ phải học theo các tờ báo lá cải bày vỉa hè truy tìm vu
vơ các sự việc cũ rích mốc meo? - Ông Dũng là người rất từng trải, dư sức
để đối phó với một cô sinh viên!
- Nhưng...
- Thôi cô đừng làm phiền chúng tôi đang công tác nữa... Cô đang học
lớp nào khoa nào? Cho tôi xem thẻ sinh viên! - Ông Dũng biết rõ cái chiêu
này rất được việc.
Diệp Hinh tiu nghỉu bước ra khỏi phòng bảo vệ, bỗng nhìn thấy một nam
giới trạc ngoài 30 tuổi đang đứng xa xa vẫy tay gọi cô, anh ta đồng
thời nghoảnh nhìn các phía, có vẻ rất hoang mang. Hinh nghĩ bụng: anh ta
định làm gì?
Liệu có phải kẻ xấu chăng? Nhưng cô lại nghĩ đây là chốn cơ quan
trưòng sở, lại kề bên phòng bảo vệ, ai dám làm càn, cho nên cô bước tới.
- Vừa nãy tôi đi qua cửa phòng bảo vệ, đúng lúc nghe thấy cô đang hỏi
về chuyện vụ án mưu sát 405 , vì sao vậy? - Anh ta vừa nói vừa nhớn nhác
nhìn quanh, cứ như là làm một việc gì mờ ám.
- Tôi ở trạm phát thanh của trường, ngày 16 tháng 6 sắp đến gần, tôi
muốn làm một chuyên đề, anh có tư liệu gì không? - Hinh vẫn ứng phó bằng
nội dung theo lối công việc mà cô đã nghĩ sẵn.
- Xin lỗi, tôi không thể công bố. - Anh ta thở dài rồi quay đi.
Thật đáng ngán. Hinh bực bội bước đi. Lúc đi đến cầu thang, cô liếc
nhìn thấy anh ta vẫn quanh quẩn ở chỗ cũ và nhìn theo cô. Cô chợt nảy ra
một ý định, bèn rảo bước quay lại tiến sát anh ta và nói:
- Anh ạ, chằng
giấu gì anh, tôi đang ở căn phòng 405 khu nhà 13 cùng với năm cô gái
nữa. Nếu chuyện vẫn đồn đại là có thật, thì vận đen có thể sẽ ập xuống
đầu một người bất kỳ trong số chúng tôi. Mong rằng nếu anh biết một manh
mối nào có thể giúp chúng tôi tránh nạn, thì hãy cho tôi biết!
- Tránh nạn à? - Anh ta cười nhạt, rồi ra hiệu cho Hinh đi theo anh ta
vào một căn phòng làm việc ở bên phải hành lang. Hinh ngẩng đầu nhìn
thấy tấm biển treo: "phòng trực ban lái xe".
- Cô nghĩ rằng nhà trường và phòng bảo vệ không hề để tâm đến việc này
à? Từ sau khi gian phòng ấy liên tiếp xảy ra các vụ nhảy lầu, thì phòng
bảo vệ đã tường trình lên sở công an, cứ đến ngày 15 tháng 6 đều phải
quan tâm sắp đặt chu đáo cho sinh viên trong khu ký túc xá. Có
một năm sở công an đã cử hai nữ chiến sĩ công an canh gác khu đó, tuy họ
đã được nhắc nhở rất kỹ phải thức thâu đêm nhưng rồi họ vẫn ngủ mất!
Hậu quả là lại có nữ sinh nhảy lầu. Lại có năm, phòng bảo vệ đã cho sơ
tán toàn bộ người trong khu ký túc xá, thế mà - chẳng rõ ma xui quỷ
khiến ra sao - vẫn có một cô mò về rồi nhảy lầu! Năm sau, lại cho sơ tán
toàn bộ người đã đành, lại còn khoá cả cửa lại nữa. Cô thử đoán xem? Có
một cô quay lại phòng 405, nhưng vì không vào được, cô ta bèn lần qua
những cái sào phơi quần áo để bò về phòng 405, chờ đến sáng sớm ngày 16
tháng 6 rồi nhảy lầu! Đến năm tiếp theo, cho lưới sắt che các lan can,
những tưởng thế là hết chuyện rồi - nhưng có một sinh viên chẳng rõ tha ở
đâu về một khẩu súng điện gia nhiệt cao cấp, xì chảy lưới thép rất ngon
lành, kết quả thế nào thì cô đã đoán ra! Tóm lại là những sinh viên
nhảy lầu ấycứ như là bị ma ám, quyết chí tìm đến cái chết! Những năm gần
đây nhà trường đã bốn lần cho đóng cửa gian phòng ấy, nhưng trong bốn
năm đó vẫn có sinh viên tự tử, có điều, xảy ra ở khu ký túc xá khác mà
thôi. Đại khái là tại bài vở trường ta đúng là quá nặng năm nào cũng có
sinh viên không chịu nổi áp lực ấy. Cho nên nhà trường lại cho mở cửa
lại gian phòng đó, chỉ khác là năm nào cũng bố trí sinh viên mới vào ở.
Theo tôi, làm thế là rất không công bằng." Phòng trực ban lái xe đang
không có ai khác, anh ta nói liền một mạch, chắc đây là những điều bức
xúc tích tụ trong lòng anh đã lâu, hôm nay mới có dịp trút ra.
Hinh ngây người ngồi nghe anh ta nói, một hồi lâu sau cô mới hỏi:
- Xin anh cho biết quý danh được không ạ?
- Tôi họ Bành, vì mới tham gia công tác, nên các anh ấy hay gọi tôi là
Tiểu Bành.Tôi chỉ là một anh lái xe bình thường, chứ chẳng phải thám tử
tư gì cả. Sáng sớm ngày 16 tháng 6 năm 1982, cô sinh viên tên Hạ Tiểu
Nhã đã chết vì nhảy từ phòng 405 xuống. Đêm 15 tôi trực ban. Tôi còn nhớ
mình đã lái xe chở cô ấy từ bệnh viện tâm thần về trường, rồi xách hộ
hành lý lên gác. Một cô gái ngây thơ xinh đẹp thế mà phải ra đi như vậy!
Từ đấy tôi bắt đầu chú ý đến vụ án mưu sát 405 . Ở gần kề phòng bảo vệ,
và dựa vào các đồng nghiệp quen biết, tôi đã thu thập được không ít tư
liệu, nhưng cũng chẳng biết bao giờ mới có dịp để dùng nó vào việc... -
Tiểu Bành như vừa trở lại từ trong ký ức, vẻ mặt anh còn phảng phất nét
thương cảm.
- Hạ Tiểu Nhã đã từng phải đi bệnh viện tâm thần à? Liệu có phải mỗi
cô gái bỏ mạng ở phòng 405 đều có tiền sử bệnh tâm thần? - Hinh mong nhận
được câu trả lời khẳng định, vì ít ra đến lúc này mọi người đang ở
phòng đó vẫn rất khoẻ mạnh.
- Không phải thế. Tuy nhiên, trong số 12 nữ sinh đã chết, có 5 cô từng đi nằm viện tâm thần - một tỷ lệ rất cao.
Hinh chỉ cảm thấy càng biết nhiều thông tin càng mơ hồ.
Dường như Tiểu Bành hiểu rằng Hinh đang nghi hoặc, anh bèn mở khoá
ngăn kéo dưới cùng của bàn làm việc lấy ra một cuốn sổ công tác, nhìn
một lượt rồi nói:
- Có thể nói rằng những cái chết của 12 nữ sinh là có
quy luật, chắc cô sẽ chú ý điều này. Vụ thứ nhất vào năm 1977, nạn nhân
là Du Tĩnh, quê ở Tô Châu tỉnh Giang Tô; người nhảy lầu năm 1978 là
Tưởng Dục Hồng - bạn thân của Tĩnh - đã từng nằm viện tâm thần, vốn là
người Thượng Hải, một thanh niên học sinh đi "thực tế" trở về. Năm 1979
phòng 405 đóng cửa. Người chết năm 1980 là Lý Thục Nham quê ở Dư Diêu
tỉnh Chiết Giang, người chết năm 1982 là Hạ Tiểu Nhã, người thành phố
Thường Châu tỉnh Giang Tô. Cô có nhìn ra điều gì chưa?
Hinh thấy hơi nghẹn thở:
- Họ đều đến từ miền Giang Nam.
- Đúng thế! Cũng có thể là ngẫu nhiên, họ đều đến từ vùng Giang -
Chiết. Cô nói tiếng phổ thông rất chuẩn, nghe biết ngay cô là người miền
Bắc nên cô sẽ được an toàn. Cần phải quan tâm đến các cô cùng phòng đến
từ vùng Giang - Chiết.
Hinh không nói gì thêm, nhưng cô biết trong gian ký túc xá chỉ mình cô là đến từ Giang Nam.
Bành thấy tâm trạng của Hinh dường như là càng nặng nề, anh định
nói... nhưng rồi lại đắn đo. Bành quan sát kỹ Hinh, Hinh có đôi mắt và
cặp lông mày đẹp như tranh vẽ, toàn bộ khuôn mặt cân đối ưa nhìn, hình
như thấp thoáng những nét của Tiểu Nhã năm xưa. Anh thấy hơi xa xót
nhưng rồi cũng lại nói:
- Còn một bí mật nữa tôi vẫn giữ kín từ lâu, tôi
cho cô biết, mong rằng nó có thể giúp cô giải đáp điều bí ẩn này: thực
ra, trong 12 nữ sinh đã nhảy lầu vẫn có một người sống sót.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét