Người đàn ông trông còn rắn rỏi, khoẻ mạnh trái với mái tóc óng bạc
trắng như cước. Giọng nói của ông dịu dàng pha chút buồn buồn:
-
Dễ gần 30 năm rồi tôi mới trở về thành phố. Ồn ào và rộn ràng quá. Khác
xa chỗ tôi… Ờ, mà anh ngạc nhiên cũng phải. Lý do gì mà tôi cứ ở hoài
giữa chốn núi rừng quạnh quẽ, đèo heo hút gió ấy? Tôi có tiền, đủ sức để
mua một chỗ ở đàng hoàng ở thành phố. Vậy mà tôi cứ ở mãi chỗ ấy… Có
lý do chứ anh. Chiều nay, giữa dòng thời gian tưởng như ngưng đọng của
cái buổi năm cùng tháng tận này. Bỗng dưng, tôi muốn nhắc lại một kỷ
niệm, mà cũng là lý do, trước nhất nhằm gợi lại những hình ảnh cũ, hai
nữa để đáp lễ tấm chân tình của người bạn thân yêu từ thuở thiếu thời là
anh đó.
Nắng chiều hây hây màu vàng ươm
trườn lặng lẽ trên cụm mai vàng ngoài sân. Người đàn ông nhìn ra xa tựa
như ký ức hiện hữu đâu đó sau những đám mây trắng đang bay bay tận cuối
chân trời.
- Dạo ấy tôi còn trẻ lắm. Nhưng
cuộc sống lại không ưu đãi chàng thanh niên sôi nổi, tràn trề sức sống.
Tôi thi hoài thi mãi không qua được cái Tú tài 2. Cuối cùng để trốn
lính, tôi chui vào ngành đường sắt làm một công chức trẻ. Lúc đó vĩ
tuyến vừa mới phân chia, chiến tranh tạm lắng dịu. Vì vậy tôi không nề
nà khi được phân công làm trưởng trạm một ga xép nhỏ dưới chân đèo Cù
Mông heo hút.
- Không lẽ anh không hiểu rằng vùng đất ấy khó thể thích hợp với một thanh niên còn trẻ độc thân?
-
Chỉ khi đến nơi, tôi mới hối hận. Bốn bề toàn rừng và núi. Đây không
phải là một cái ga xép như tôi tưởng tượng. Nói đúng ra, đây chỉ là một
trạm bảo vệ đường sắt Nha Trang – Phú Yên. Công việc chẳng có gì nhiều.
Mỗi ngày tôi chỉ cần làm việc 2 lần, một vào lúc 8 giờ sáng và một vào
lúc 1 giờ trưa.
- Thế anh định làm gì vào những lúc rỗi rảnh?
-
Thoạt đầu, tôi còn đi săn gà rừng, chim, cheo, gọi là để giết thời giờ.
Riết rồi chán ngấy, tôi nằm nhà đọc tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình của
Phi Long, Người Nhạn Trắng… Nhưng thời gian vẫn dài lê thê, rừng vẫn
một màu xanh nhàm chán, núi vẫn lừng lửng những phiến đá lạnh lẽo câm
nín. Tôi đâm thèm có người nói chuyện vãn. Cứ mỗi tháng có một chiếc xe
tiếp tế lương thực và thư từ ghé qua. Tôi bíu lấy người lái xe hỏi han
đủ mọi chuyện. Hoặc khi gặp những người đốn củi, lấy gỗ không quen biết,
tôi cũng neo lại trạm thăm hỏi, chuyện trò. Song phải thú thật, những
mẩu chuyện vô vị với những con người đơn giản đó chỉ làm tăng thêm cơn
khát được giao lưu, được tâm tình của tôi mà thôi.
- Chuyện đó đến bao giờ mới chấm dứt?
-
Vâng, ba năm sau. Đó là lần mà cơn lũ đã cuốn trôi cái cầu và bẻ cong
một đoạn đường sắt. Trong khi chờ thông đường, tôi được phép về thăm nhà
ba ngày. Mấy ngày phép ngắn ngủi đó đã làm thay đổi cuộc sống của tôi.
- Anh uống thêm một chén trà Bắc Thái này đi. Vị đậm và thơm lắm.
Người
đàn ông cầm lấy chén trà, nhưng ông không để ý gì đến nó. Những sợi tơ
khói lay động càng làm ánh mắt ông trở nên đăm chiêu. Những nếp nhăn
vạch nát vầng trán nâu mốc, ông đang cố hồi tưởng lại câu chuyện ngày
xưa.
- Bố mẹ tôi lúc đó cũng đã lớn tuổi,
các em tôi còn nhỏ. Nhìn gánh nặng gia đình của cha mẹ tôi đâu nở kể lể
hoặc than thở gì, mà cũng không dám nghỉ việc. Nhưng có lẽ mẹ tôi dường
như hiểu được phần nào nỗi cô đơn của tôi, ngay chiều hôm đầu tiên, bà
gợi ý:
- Con à, nay con đã trưởng thành,
có công ăn việc làm, mẹ thiết nghĩ con cũng nên lập gia đình để có người
chăm lo. Con có thương ai thì bảo, mẹ sẽ tác thành cho.
Câu ướm hỏi khá bất ngờ làm tôi bối rối. Lấy vợ rồi đem vợ về ở trong cái
trại gÀ vắng vẻ đó ư? Có cô gái nào dại dột đâm đầu vào cơ chứ? Với
lại vội vàng làm gì. Đợi hết tuổi quân dịch, có một số vốn kha khá, tôi
sẽ xin chuyển về tỉnh. Lúc ấy, đàn bà con gái bu theo tôi gạt đâu cho
hết. Hy vọng như vậy, tôi thấy vui vui trong lòng nên mỉm cười nói đùa
với mẹ.
- Ai mà chịu lấy con hở mẹ? Nên hể
cô nào mẹ chấm, đồng ý theo con ra trạm là con chịu vô điều kiện.
Nhưng nói trước là con không còn ngày phép để về lo chuyện tìm hiểu, tỏ
tình như trong xi nê đâu đó. Mẹ cứ cưới đùm con...
Mẹ tôi sốt sắng:
- Mẹ lo được mà.
Tôi
cười lúc nghĩ đến cô bạn học cùng xóm mà mẹ tôi vẫn thường khen rối
rít, và cái lúc cô nghe mẹ tôi ngõ lời theo cái kiểu mà tôi vừa đưa ra.
Mẹ sẽ phải thất vọng bỏ ngay ý định kiếm vợ cho tôi.
Mẹ tôi không nghĩ vậy, bà vẫn tiếp tục nói với giọng vui mừng vì đã thuyết phục được con trai:
-Yên trí đi, Mẹ chọn ai thì người ấy phải là dâu hiền, vợ thảo, không làm khổ con đâu.
Vậy
mà không ngờ mùa thu năm ấy, tôi nhận được thư yêu cầu về gấp để cưới
vợ. Mọi chuyện đã chuẩn bị xong, chỉ chờ tôi về. Đầu tiên, tôi buồn cười
quá, sau đó mới đâm hoảng. Mọi việc té ra nghiêm trọng thực chứ không
phải trò đùa. Tôi vội vàng xin phép để về.
- Anh đồng ý cưới vợ ư?
-
Tôi chỉ định về xem xét mọi chuyện rồi tìm cách từ chối. Dù sao tôi
cũng là một thanh niên tiến bộ chứ đâu phải quê mùa, xưa cổ đâu mà lấy
như vậy.
- Thế anh có thành công không?
- Con bão rớt cuối cùng trong năm ấy đã ngăn cản hành động của tôi. Rồi vài đột biến quân sự khiến tôi không thể rời trạm.
Khi đường thông thương trở lại, một buổi chiều đi rừng về, tôi thấy một người con gái ngồi sẵn trong trạm với rương đồ đạc…
- Té ra cô ấy đến để ở với anh. Gan thật.
Người đàn ông nín lặng, lắng nghe tiếng pháo chọi lẻ tẻ của đám trẻ con ngoài xóm. Mãi ông mới nói tiếp:
-
Chả hiểu bằng cách nào cô ấy một mình đến được đây với bao nhiêu thứ
lỉnh kỉnh. Hẳn phải có sự lựa chọn rõ ràng, một quyết tâm lớn lao mới
làm như vậy. Nhưng lúc ấy tôi chỉ thấy bực mình. Tôi thầm nghĩ đến
những điều oái ăm mà đâm tức tối rồi ghét lây cả cái người gọi là vợ
mình. Thật không thể hiểu được tại sao tôi lại độc ác đến thế. Tôi bước
vào và nạt nộ ngay câu đầu tiên.
- Cô đến đây làm gì? Tôi không cần tới ai cả. Cô về đi. Cô không biết là ở đây chỉ có đá với rừng thôi sao?
Không ngờ cô ấy vẫn từ tốn trả lời thay vì khóc lóc như tôi nghĩ.
- Mẹ cho phép em ra đây để cơm nước cho anh. Dù sao em vẫn là vợ anh.
Vợ,
vợ tôi đấy ư? Không. Trong thời gian còn đi học và cả khi đang ở cái
trạm heo hút này, tôi vẫn mơ về một người vợ, một mái gia đình khác hẳn
với người vợ và cái trạm hẻo lánh này. Trời đã không ưu đãi tôi trong
học hành công việc, nay lại đày đoạ tôi suốt cuộc đời với ngươi đàn bà
bất đắc dĩ này.
Nhưng thay vì dỗi hờn,
khóc lóc, hoặc ngạc nhiên tức giận trước thái độ của tôi, cô gái làm
thinh đứng dậy, cất gọn đồ đạc, thay quần áo và bắt đầu dọn dẹp căn
phòng. Dù sao tôi vẫn có chút suy nghĩ. Mọi việc có phần lỗi của tôi và
do gia đình tôi. Do đó, tôi nén lòng, cố tìm phương cách giải quyết.
- Anh gửi cô ấy về theo chuyến tàu ngược Nam là xong chuyện chứ gì?
Người đàn ông mỉm cười lắc đầu:
-
Không, Nhàn, tên cô ấy, không phải là một người dễ nản lòng. Cô ấy nhất
định ở lại với những lý do chắc chắn, hợp lý mà tôi không thể cãi lại mà
nếu cãi lại thì chứng tỏ gia đình tôi chỉ là những kẻ bất lương.
- Thế anh phải đối phó ra sao? A, nhưng cuối cùng cô ấy đã là vợ anh mà.
-
Không làm sao được, tôi đành để Nhàn ở lại. Có điều là tôi căm ghét ra
mặt. Hễ Nhàn ở nhà, tôi ra đường sắt ngồi. Nhàn ra sân tôi tìm cách đi
ăn bắn. Nhàn chẳng nói một lời, cứ lo trông nom dọn dẹp. Có hôm, Nhàn
còn thay tôi trong công việc. Mới đầu tôi tháo vát ghê lắm. nhưng sau
đó, thấy Nhàn làm đúng, tôi lợi dụng việc này nhảy tàu về Nha Trang rong
chơi, uống rượu suốt đêm, hôm sau lại leo tàu trở về.
- Hẳn cô ấy rất buồn.
-
Chắc vậy, nhưng lúc đó tôi không biết và không màng nghĩ đến chuyện ấy.
Được làm vợ của tôi là phúc, cô ấy không có quyền đòi hỏi gì thêm. Tôi
phải hy sinh cả cuộc đời còn lại để cùng ở chung một mái nhà với cô ấy
thì cô ấy phải chấp nhận các thói hư tật xấu của tôi chứ. Mấy tháng liền
chúng tôi chưa lần nào ăn chung một bữa cơm.
- Anh sắt đá quá.
-
Tuổi trẻ độc ác hơn người già, có lẽ vì vậy mà tôi dửng dưng trước nỗi
buồn câm lặng của Nhàn. Rồi tôi quen được một cô gái bán quán ở chợ Đầm.
Cô ta xinh xắn, chải chuốt, lượt là. Thế là tôi mê tít, suốt ngày ở Nha
Trang, tắm biển, tiêu pha hết nhẵn tiền mới mò về. Và lần nào cũng say
bê bết. Khi về lại mắng chửi, tìm cách nói cay đắng để nhổ được cái gai
trước mắt. Nhàn càng nhẩn nhục, tôi càng bực bội. Có lần tôi đã la lên:
-
Cô hèn lắm, lẽ ra cô phải trở về nhà để tôi rảnh nợ. Cô bám lấy tôi làm
gì? Cô đâu phải là để làm vợ tôi. Cô nhìn lại mình xem, quê mùa, ít
học, xấu xí…
Ôi, tôi không từ một lời xấu
xa nào để đổ lên đầu Nhàn. Lần ấy, Nhàn khóc nhiều và bỏ đi. Tôi mừng
vì thoát nạn, nhưng sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy đã thấy Nhàn ngồi
nhặt thóc cho gà ăn ở sân nhà, mắt sưng vù thảm não. Tôi còn nhớ hôm ấy
là ngày 23 tháng chạp, ngày Ông Táo về trời.
Lần này, cô ấy không im lặng
mà nói thẳng với tôi:
- Cha mẹ tôi đã gả
tôi cho anh, có cưới xin, hai họ, xóm làng đều biết cả, Vì vậy chỗ của
tôi là ở đây, dù anh có đối xử như thế nào mặc lòng. Tôi chỉ ra đi khi
bố mẹ anh sang nói với bố mẹ tôi. Bây giờ tôi vẫn còn là vợ anh.
Tôi
ngạc nhiên đến độ quên cả nỗi bực bội thường ngày. Khi sửa soạn nhảy
tàu đi Nha Trang thăm cô bồ, tôi vẫn còn lẩm bẩm tự nhủ - té ra nó chẳng
hiền gì. - Cái này mới thật là gay, song không hiểu tại sao khi nghĩ vậy
tôi không bực tức Nhàn như mọi khi.
- Có
lẽ Nhàn vừa cho anh thấy một khía cạnh mới của con người mình, nhẫn nại,
nhưng quật khởi đúng lúc. Tính cách cuả phụ nữ Việt Nam.
Người
đàn ông hít một hơi dài. Mái tóc bạc trắng của ông nổi bật trên nền
trời chiều, bàn tay run run vì xúc động. Hồi ức hình như đang sống lại
sinh động trong lòng ông.
- Nhưng tôi lại
chìm trong men rượu. Tôi ở lì ngoài Nha Trang, tiêu hết món tiền lương
tháng 13 cuả mình với cô bồ xinh. Sáng 30 tết, cô bồ trở mặt đuổi tôi ra
khỏi quán, viện cớ năm hết tết đến, tôi không thể ở trong nhà cô ta.
Tất nhiên tôi thừa thông minh để hiểu tình đời bạc bẻo là thế. Không có
tiền thì tình yêu cũng tan như mây khói. Tôi muốn về trạm, nhưng có một
cuộc đụng độ đâu đó ở trên núi, làm tắc. Nhớ đến nhiệm vụ của mình, tôi
quýnh quánh tìm mọi cách để về trạm. Láng cháng, không về được, tôi có
thể bị tình nghi là thông đồng với Cộng Sản, hoặc nhẹ nhất là trốn
nhiệm sở… Bề nào cũng rũ tù. Nhưng muốn thuê xe về thì túi không có lấy
một đồng. Còn xin quá giang, chẳng ai chịu nhận một kẻ quần áo tóc tai
bẩn thỉu nồng nặc hơi men như tôi, lỡ tôi là kẻ gian thì sao?
Ngày
30 tết, pháo nổ, phố xá rộn ràng, các quán rượu bập bùng tiếng nhạc.
Tôi bụng đói, chân mỏi, ngồi bó gối dưới gốc dừa cạnh bãi biển, lòng
nguyền rủa mãi số phận đen đủi của mình.
- Anh thoát ra bằng cách nào?
-
Trưa 30 Tết, khi tôi đang thiêm thiếp trên chiếc ghế đá, một bàn tay
lay tôi dậy. Nhàn hiện ra trước mắt tôi như một cứu tinh. Cô ấy đã đi bộ
băng núi để đón xe đò và tìm được tôi ngay tại chỗ tôi nằm.
- Phải là một người thông minh và can đảm mới làm được việc đó thật chính xác.
-
Sau này tôi có hỏi, nhưng cô ấy chỉ nói một cách đơn giản, rằng vì tôi
là chồng cô, cô phải đi kiếm cho được tôi và tất nhiên phải kiếm ra
thôi.
Cả hai chúng tôi cùng về vừa kịp
chuyến tàu ra Trung thông đường. Nhìn chuyến tàu vượt qua, khuất sau
rừng cây thẩm màu. Tôi buồn rầu thở dài:
- Chiều 30 Tết rồi mà chẳng có gì thay đổi.
Nhưng
tôi đã nhầm. Khi bước vào nhà, cảnh nhà như lạ hẳn. Căn phòng sáng sủa,
đẹp đẻ tươi vui với một cây mai nở hoa vàng ươm trên cửa sổ. Trên mặt
tủ, không phải là những món đồ lỉnh kỉnh mà là một bát nhang và hai cây
đèn thấp đỏ với bánh chưng, bánh tét, bánh khoai mì, bánh su sê, đầy một
đĩa to hụ. Ở giữa mâm trái rừng đủ màu sắp xếp vui mắt. Chưa có cổ
bàn, nhưng căn nhà đã có không khí tết và ấm cúng như mọi nhà. Mùi xào
nấu từ dưới bếp bay lên thơm nức mũi, kích thích cơn đói tôi mãnh liệt.
Chẳng bao lâu Nhàn bước lên nói với tôi:
- Có nước lá thơm ở đằng sau, anh ra tắm rồi ăn cơm.
Tôi
làm thinh ngoan ngoãn ra tắm rửa. Nước nóng làm bao mệt nhọc tiêu tan.
Lúc trở vào, thức ăn đã sẳn sàng. Tôi ngại ngần một chút rồi bước đến
bàn thờ thắp một nén nhang thơm. Đàng sau tôi, Nhàn lâm râm khấn vái.
Khi
ăn đến bát thứ ba, tôi mới cảm nhận chính xác được tài nấu ăn của Nhàn.
Với những thức đơn giản, nàng đã chế biến nêm nếm để cho những đĩa thức
ăn ngon lành, tinh khiết, vừa miệng.
Dưới
ánh đèn đêm 30 Tết, bỗng dưng tôi không còn cảm giác cô đơn nữa. Mẹ tôi
đã nói đúng. Bà đã chọn cho tôi một người vợ thảo. Cách chọn của bà tuy
không có sự đồng ý của tôi và chẳng thích hợp với thời đại, nhưng công
bằng mà nói, Nhàn là một người phụ nữ tốt và dễ thương phù hợp với cuộc
sống gia đình, nhất là một gia đình vì công việc phải ở nơi hẻo lánh như
tôi.
- Hai anh chị bắt đầu hoà hợp với nhau từ tết năm ấy.
Vâng,
trái tim tôi đã chấp nhận Nhàn, và càng ngày, tình yêu càng nảy nở
trong tôi. Nhàn đã chứng tỏ cái đức hạnh công dung mà chưa chắc một cô
gái đẹp nào đó hơn được. Có Nhàn, rừng núi chẳng còn hiu quạnh. Rồi con
cái ra đời, và tôi không mong gì hơn nữa.
Nhưng chiến tranh càng ngày càng ác liệt .
Mồ
hôi rịn chảy trên da mặt người đàn ông. Mái tóc bạc rũ xuống. Nét mặt
hằn đầy đau khổ. Cặp mắt rong lanh rướm lệ. Ông lắc đầu cố xua đuổi dĩ
vãng.
- Không, tôi không muốn nhắc lại những ngày đau lòng.
- Vâng, cái chết của chị tôi đã nghe. Tôi nghiệp. Anh nên rời chỗ cũ, vì đó đâu còn trạm nữa và anh cũng đâu còn làm việc.
-
Nhưng, ngôi nhà ấy đã trở thành nhà tôi.
Đã có nhiều ngôi nhà khác ở bên
cạnh, nơi đây đâu còn vắng vẽ nữa . Tôi an tâm giữ gìn chút kỷ niệm với
người đã mất. Tôi chỉ ân hận là mình chưa nói được câu tỏ tình với vợ
như những đôi tình nhân. Câu nói mà lẽ ra tôi phải nói vào một buổi
chiều 30 Tết năm xưa...
(KIM HÀI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét