Phần I : Miền Nam
Chương VI: Vượt biên
Ngày
7-8-1987, khi Trần Minh Triết lên thuyền, anh kể: “Tôi thấy chuyến
vượt biên còn có hai thầy giáo và hai người bạn học cùng lớp của mình”. Những
năm ấy, người dân miền Nam nói: “Nếu cây cột đèn mà biết đi chắc nó cũng đã bứng
đất mà đi mất”. Nếu như những gì xảy ra trong các trại cải tạo có thể được giữ
kín, thì vượt biên lại là vấn đề gây chú ý ngay sau khi có các thuyền nhân tới
được vùng biển quốc tế. Những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhoi chở hàng trăm người
đối chọi với sóng dữ, với cướp biển, với sự thờ ơ của các quốc gia lân bang đã
gây rúng động dư luận.
“Vượt biên”
Vụ
vượt biên đầu tiên bị bắt và bị đưa ra công khai do “đám chủ công ty vàng lá
Kim Thành” tổ chức. Nhưng, do tính đơn lẻ của nó, chính quyền và dư luận chưa
đánh giá vượt biên thực sự là một vấn đề. Báo chí Sài Gòn, kể cả tờ báo của của
nhóm các dân biểu đối lập trước 30-4-1975 như Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận,
Dương Văn Ba, cũng coi những người vượt biên này như tội phạm. Vụ việc được nhật
báo Tin Sáng viết: “Lực lượng võ trang giải phóng quận Nhà Bè vừa tóm được trọn
ổ bọn người định vượt biên trốn ra nước ngoài đem theo một số lượng lớn vàng và
kim cương vào ngày 22-8 vừa qua. Được biết kẻ chủ mưu là đám chủ công ty vàng
lá Kim Thành. Đám này đã đứng ra tổ chức cho một số tài phiệt Hoa kiều và một số
sĩ quan chế độ cũ trốn ra nước ngoài. Hiện nay cả bọn đang bị câu lưu và chờ
ngày ra tòa xét xử”. Báo Sài Gòn Giải Phóng còn cho biết thêm:
“Phần lớn số này là những sĩ quan ngụy ác ôn, trốn tránh học tập cải tạo”.
Tờ Tin Sáng viết tiếp: “Sau khi cả bọn bị bắt, Ủy ban Quân quản đã đến tiếp thu
căn nhà lầu hai tầng tại số 39 Phan Châu Trinh vào lúc 4 giờ 15 phút ngày 26-8.
Đây là tiệm vàng Kim Đô, bán các loại nữ trang bằng vàng ở phía ngoài, nhưng
phía trong là cả một cơ sở
đúc vàng”.
Biên
bản họp Trung ương Cục do ông Hà Phú Thuận lập vào ngày 3-9-1975 cho biết chi
tiết vụ vượt biên đầu tiên này: “Ta còn bắt giữ chín tên: La Quang, Sầm Hào
Tài, Đặng Ngôn, Đào Hưng, Huỳnh Diệu Quang, Lê Văn Y và Nguyễn Văn Thôi. Hai
tên sau cùng là nhân viên hàng không, nhiều lần tổ chức mua bán vàng lậu từ
Hong Kong - Sài Gòn và Sài Gòn – Hong Kong thời Ngụy. Khi bắt Lê Văn Y ta lấy
được 200 lượng vàng. Sơ kết, ta đã lấy được 8.437 lượng vàng 24 cara; 70 hột
xoàn từ một đến năm ly; 182 triệu tiền miền Nam; 10.550 đôla, 1.700 tiền Thái
Lan. Toàn bộ tiền vàng đã kiểm kê và giao cho ngân hàng”. Chính quyền quân quản
đã tịch thu nhà của chủ tiệm vàng Kim Thành. Quyết định này về sau sẽ có giá trị
như một án lệ.
Biên
bản ngày 3-9-1975 còn nhắc đến một vụ vượt biên nữa do “chủ hãng Việt Hoa, công
ty Kiến Trúc tổ chức” mà chính quyền biết được qua lời khai của “cơ sở”. Những
người vượt biên trong vụ này khi bị phát hiện đã “đổ vàng xuống sông
và xé đô la”. Đặc biệt, theo biên bản: “Cơ sở ta cho biết, nó nói đã hối lộ cán
bộ hai triệu nên nó được thả. Được về, nó tỏ ra hối tiếc với số vàng và đôla.
Nó nhận xét có thể mua chuộc được cán bộ, cán bộ ta cũng ăn hối lộ nhưng ăn ít mà
hở hang - thua Ngụy, ăn nhiều mà kín, những vụ hối lộ lớn hai ba năm sau mới bị
lộ. Hiện nay chúng chuyển tiền ra miền Bắc về Hong Kong qua trung gian cán bộ.
Chúng chủ trương có hai hy sinh: hy sinh tài sản còn sinh mạng thì tìm mọi cách
để trốn ra đi bằng mọi đường chủ yếu là hối lộ… Có mấy vụ liên quan đến cán bộ
như sáu cán bộ Ban Thống nhất ở không đăng ký và sau đó trốn đi. Một cán bộ
Thông tấn xã Trung ương tên Lương Mạnh ở đường Nguyễn An Ninh đã làm biên nhận
lấy hai triệu bạc cho cơ quan Thông tấn xã”.
Đến
tháng 11-1977, cuộc họp Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu ghi nhận
hiện tượng vượt biên. Nghị quyết 44/NQ-77 của cuộc họp này viết: “Trên lĩnh vực
an ninh chính trị nổi lên các hiện tượng đáng chú ý như số vụ, số người bỏ Tổ
quốc chạy trốn ra nước ngoài vẫn tiếp tục tăng trong đó có cả cán bộ, nhân viên
đang công tác trong các cơ quan nhà nước... Đối với một bộ phận nhân dân, thậm
chí cả một số ít cán bộ, đảng viên, trước khó khăn về đời sống kinh tế… đã xuất
hiện tâm lý dao động, băn khoăn, hoài nghi, đặc biệt là giới trí thức và tầng lớp
trung gian, thiếu tin tưởng ở tiền đồ của Cách mạng”.
Ngày
7-5-1979, tại Hội nghị Cải tạo Công thương nghiệp Tư doanh diễn ra tại Thành phố
Hồ Chí Minh với thành phần gồm lãnh đạo các tỉnh thành từ Bình Trị Thiên tới
Minh Hải, ông Võ Văn Kiệt nói: “Tôi xin nêu vài con số về số người trốn ra nước
ngoài: Từ tháng 10-1978 đến tháng 3-1979, có trên 20.000 người, không kể số người
Hoa ta cho họ đi sau khi cải tạo. Trong số này có trên 1.500 cán bộ, nhân viên,
cán bộ khoa học, kỹ sư, bác sỹ… Đáng chú ý, có trên ba mươi vụ cướp tàu đánh cá
trốn, mười lăm vụ cướp chúng ta ngăn chặn được”. Nhưng ngay sau
đó, ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: “Những con số trên đây còn thấp so với sự thật”.
Chỉ tính riêng những người may mắn được cứu vớt đưa tới các trại tị nạn, con số
đã cao hơn nhiều số được báo cáo.
Năm
1975 mới chỉ có 377 người; năm 1976 đã tăng đến 5.619 người; năm 1977 tăng lên
21.276 người; năm 1978, con số cao gấp tám lần so với mức thống kê của chính
quyền, 106.489 người; năm 1979, chỉ tính đến tháng 7, đã là 292.315 người.
Không chỉ có vượt biên bằng thuyền, một số không nhỏ khác thậm chí còn đến Thái
Lan qua ngả Campuchia trong những năm tháng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang
đánh nhau với Khmer Đỏ. Năm 1981, khi nhà văn Phan Nhật Nam đang ở trong tù, vợ
và hai con ông, một chín tuổi, một mười bốn tuổi đã theo đường bộ qua ngả
Campuchia. Ông Nam nói: “Không hiểu nhờ phép màu nào mà vợ con tôi trốn thoát. Ở
biên giới Campuchia - Thái Lan có đêm giày lính Pol Pot gần như đạp ngay trước
mặt”.
Tháng
11-1985, sau chín lần vượt biên bằng thuyền bất thành, và sau khi gia đình được
chính phủ Thụy Điển bảo lãnh nhưng không được Việt Nam cho phép, chàng trai hai
mươi mốt tuổi Lê Phương Đông đã đi bộ suốt bốn tháng theo ngả Campuchia. Anh bị
quân đội của Son Sann bắt cùng bốn người Việt Nam khác. Cả bốn
người bị giam giữ tại trại lính của Son Sann và bị buộc phải lao động khổ sai.
Sau mấy tháng, Đông và ba người cùng đi được một người lính Thái Lan giúp trốn
thoát. Tháng 4-1987, Đông được đưa sang Thụy Điển. Lê Phương Đông là con trai của
nữ nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ. Cả hai đều bị bắt, và cho tới khi Đông
tới Stockholm, ông Trần Dạ Từ vẫn đang ở trong tù. Từ trường hợp của vợ chồng
nhà văn Nhã Ca, năm 1981, chính phủ Thụy Điển và Hội Văn bút Quốc tế bắt đầu
gây áp lực lên chính quyền Hà Nội yêu cầu thả những nhà văn bị giam giữ. Năm 1984,
Thụy Điển cũng đã bảo lãnh cho hơn 700 người Việt Nam ra đi. Trước đó, ca sỹ Mỹ
Joan Baez, người đã từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, năm 1979 đã dẫn đầu
một cuộc biểu tình lên tới 12.000 người, đốt nến và đi bộ đến Nhà Trắng, cho
công bố một thư ngỏ “phản đối chính sách tàn bạo của Chính phủ Việt Nam”. Ngày
20-7-1979, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập một hội nghị về thuyền nhân
Việt Nam tại Geneva với sáu mươi quốc gia tham dự. Tại hội nghị, Quốc Vụ khanh
Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, nói “thuyền nhân” chỉ là “những phần
tử bất mãn của chế độ cũ, những kẻ có nợ máu với nhân dân, những thành phần đĩ điếm,
trốn tránh lao động”. Khi về nước, ông Nguyễn Cơ Thạch lại có thái độ khác. Ông
Trần Quốc Hương (Mười Hương), bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI,
kể: “Tôi ra Hà Nội, Nguyễn Cơ Thạch chửi: các anh làm ăn thế nào để người ta vượt
biên. Trong khi đó, anh Lê Đức Thọ lại nói, các anh phục kích bắt vượt biên là
không nên. Tội gì làm cho mang tiếng. Không thể giữ được họ đâu, ngày xưa vợ
con lính sống bằng lương Mỹ, giờ họ sống bằng cái gì. Tôi biết quốc tế có Cao ủy
Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), tôi chỉ thị cho công an, phối hợp với họ làm
chương trình cho họ ‘đoàn tụ’ đi. Cho đi hết. Ta không giữ cái đó làm gì. Đây
là tội chúng nó, phải để chúng nó gánh”. Ở thành phố, những nhà
lãnh đạo như ông Mười Hương biết, “thuyền nhân” không phải là “những kẻ nợ máu
hay đĩ điếm”.
Từ “trí thức yêu nước”
Nhiều
trí thức Sài Gòn cũ, không phải vô cớ, đã trở thành thuyền nhân. Con đường để họ
phấn đấu trở thành “con cưng” của chế độ mới không hề bằng phẳng. Họ vừa có thể
bị khinh rẻ bởi các đồng nghiệp cũ, vừa bị kỳ thị bởi các “trí thức xã hội chủ
nghĩa” vừa từ miền Bắc vô, vừa bị bế tắc bởi môi trường làm việc thiếu thốn và
không được chế độ mới hoàn toàn tin cậy. Khi tình hình kinh tế trở nên khó
khăn, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm tới các trí thức Sài Gòn cũ bằng cách
trợ cấp thêm mỗi tháng mấy lít xăng, mấy chục ký gạo, một ít than củi, nhưng lại
không thể giúp họ phá vỡ những bức bách để có thể làm những điều mà người trí
thức mong muốn. Vậy mà theo ông Võ Văn Kiệt: “Một số trí thức từ miền Bắc vào
hoặc đi tập kết về than phiền, ‘Thành ủy nuôi mấy ông cũ, tụi này heo nuôi’.
Anh em ở ngoài vô cũng đòi tái đánh giá để cấp bằng lại đối với những trí thức
trong Nam, kể cả những người đã làm tiến sỹ ở Pháp, Mỹ”. Những ngày ấy, tiến sỹ
học ở Liên Xô về được tính hệ số 1, tiến sỹ ở Pháp được tính hệ số 0,9, còn tiến
sỹ ở Mỹ thì chỉ được tính hệ số 0,8. Trong đợt đầu, một người từng lấy bằng tiến
sỹ ở Mỹ, từng được phong giáo sư trước năm 1975 như ông Chu Phạm Ngọc Sơn cũng
chỉ được nơi ông giảng dạy đề nghị phong phó giáo sư. Ông Chu Phạm
Ngọc Sơn kể: “Nhà tôi,
năm 1954 di cư từ Bắc vô, rất sợ, vì đang là trưởng Phòng Xét nghiệm của Bệnh
viện Nhân Dân Gia Định. Giải phóng vô nói bả là giai cấp áp bức phải giao lại
chức cho người khác không có chuyên môn lên thay. Cái bàn cũng không có ngồi mà
bả không dám kêu ca gì cả”.
Sau
ngày 30-4-1975, Chu Phạm Ngọc Sơn là một nhà chuyên môn hợp tác toàn diện với
chế độ. Ông và một số nhà khoa học khác thường không câu nệ khi nhận các đơn đặt
hàng thực hiện những công trình “khoa học” phục vụ nhu cầu chính trị. Theo Tổng
thư ký Hội Trí thức Y êu nước Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Báu: “Những năm ấy,
các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem:
‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’. Những Giáo sư như Phạm
Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học
chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người thì làm ra chất tẩy rửa
‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò’, người
thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng ngay cả những ‘nỗ lực’ đó
cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”.
Giáo
sư Chu Phạm Ngọc Sơn kể: “Nhìn vào lý lịch, thấy trước đây năm nào tôi cũng đi
Mỹ nghiên cứu hoặc đi dạy, người ta cứ thắc mắc sao đi Mỹ quá trời. Tôi nộp đơn
xin vô Hội Trí thức Yêu nước, mấy lần bị từ chối”. Năm 1980, trong thời gian
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn đi Liên Xô, một người con của ông vượt biên không
thành. Người con gái của ông cũng cảm thấy bế tắc khi thi không đậu vào dự bị y
khoa. Biết chuyện, ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện, khi hiểu
thêm nội tình, ông nói với Giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu
đi, đi chính thức. Bên đó có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này nếu các
cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận”.
Ông
Huỳnh Kim Báu kể: Sau giải phóng, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn vào Sài Gòn, sau khi
nghe Mai Chí Thọ, Trần Trọng Tân báo cáo tình hình, ông nói: “Nãy giờ có một
chiến lợi phẩm rất lớn mà các đồng chí không đề cập, đó là lực lượng trí thức
được đào tạo từ nhiều nguồn. Lenin nói, không có trí thức là không có xã hội chủ
nghĩa”. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Báu, cách mà chính quyền sử dụng trí thức
chủ yếu là “làm kiểng”. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ tuy ở thời điểm đó vẫn còn là hiệu
phó Đại học Khoa học, nhưng theo ông Báu: “Đấy chỉ là một chức vụ bù nhìn,
không có vai trò gì trong giáo dục”. Giáo sư Hộ là hiệu phó nhưng không phải đảng
viên, nên khi có vấn đề gì thì những người trong Đảng họp riêng, quyết định
xong, có việc nói với ông, có việc ông không bao giờ được biết. Từ rất sớm,
Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã phản đối cách đào tạo đưa thời gian học chính trị quá
nhiều vào chương trình. Ông cảnh báo: “Nếu chính trị can dự quá mạnh, các nhà
khoa học sẽ mất căn bản”. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ nói lên điều này sau khi chính
ông đã được trải nghiệm trong những ngày học chính trị. Năm 1977, một lớp học
kéo dài mười tám tháng về “Chủ nghĩa xã hội khoa học” dành riêng cho các trí thức
miền Nam đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Võ Ba, người tham gia tổ
chức lớp học này, kể: “Chính quyền tưởng rằng sau lớp học sẽ có được một tầng lớp
trí thức của chế độ cũ yêu mến và phụng sự chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu như
Marxism đã từng được các trí thức miền Nam quan tâm như là một môn khoa học thì
giờ đây họ lại nghe những giảng sư miền Bắc nói về Marx hết sức giáo điều. Chưa
kể, những người đứng lớp còn rao giảng với tư thế của người chiến thắng, tự
tôn, tự đắc”. Những đảng viên tham gia lớp học như ông Võ Ba cũng thừa nhận:
“Trước giới trí thức Sài Gòn, chính quyền đã thất bại
ngay trong lần trình diễn đầu tiên”. Chưa kết thúc lớp học, Tiến sỹ Nguyễn Văn
Trung, một giáo sư triết học nổi tiếng của Sài Gòn, một người được coi là “hằn
học với Giáo hội”, đã coi cộng sản cũng là “một giáo hội”. Tiến sỹ Nguyễn Văn
Trung cho rằng hình thức “kiểm điểm” mà cộng sản áp dụng trong sinh hoạt chính
là một thứ “xưng tội man rợ”. Về đường lối, ông cho rằng: “Có thể có những điều
Lenin nói đã đúng vào năm 1916, nhưng sau bảy mươi năm mà ta áp dụng là không
lý trí”. Còn Giáo sư Châu Tâm Luân thì khi nghe các giảng sư miền Bắc say sưa
nói về con đường “tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển chủ
nghĩa tư bản” đã mỉa mai: “Sao không tìm hiểu xem sau chủ nghĩa cộng sản là gì
để nhân tiện bỏ qua, mình bỏ qua luôn hai, ba bước”.
Giáo
sư Châu Tâm Luân lấy bằng tiến sỹ về kinh tế nông nghiệp ở Đại học Illinois, Mỹ,
năm hai mươi lăm tuổi, trở về dạy cùng lúc ở hai trường đại học Minh Đức và Vạn
Hạnh. Ông là một trong những trí thức phản chiến hàng đầu, bị chế độ Sài Gòn bắt
giam đầu năm 1975 cho tới những ngày cuối tháng 4-1975 mới được Chính quyền
Dương Văn Minh thả ra. Giáo sư Châu Tâm Luân là một thành viên của nhóm “sứ giả”
được ông Dương Văn Minh phái vào trại Davis và được giữ lại ở
đây cho đến trưa ngày 30-4-1975. Sau giải phóng, chính quyền xếp ông vào diện
“người của ta”. Ông là đại biểu khóa I Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,
đồng thời là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về phía mình,
Giáo sư Châu Tâm Luân cũng là một trong những trí thức kỳ vọng nhiều vào chế độ
mới. Mấy tháng “sau giải phóng”, giá cả sinh hoạt tăng vọt lên, trong khi dân
tình lo âu thì ông lại cho là giá tăng vì “tâm lý”, giống như cách giải thích
thời ấy của chính quyền. Sau khi cho rằng nhà nước không thể
dùng ngoại tệ để nhập hàng như trước đây, Giáo
sư Châu Tâm Luân viết: “Giờ đây không còn bọn tay sai đem máu của con em nhân
dân đổi lấy đô la nữa thì cần phải tiết kiệm tối đa số ngoại tệ mà dân phải lao
động đổ mồ hôi mới đem về được cho quốc gia… Vì vậy ngoài sự tiếp tay chánh quyền
kiểm soát gian thương, chúng ta cũng cần kềm hãm bớt kẻ địch ở ngay trong lòng
mình…”.
Khi
trao cho Giáo sư Châu Tâm Luân nhiều trọng trách, Chính quyền nghĩ đơn giản ông
là người “dùng” được. Nhưng, cũng như nhiều trí thức Sài Gòn, ông đã không hành
xử như là một công cụ. Từ năm 1976, Giáo sư Châu Tâm Luân không được đứng lớp
vì kiến thức kinh tế của ông là “kinh tế tư bản”, tuy nhiên, ông vẫn còn được để
ngồi trong Hội đồng Khoa học của trường. Chỉ ít lâu sau, Đảng ủy trường nhận
xét ông muốn “tranh giành lãnh đạo với Đảng”. Giáo sư Châu Tâm Luân kể: “Tôi ngạc
nhiên, chế độ cũ hai lần giao chức cho tôi mà tôi có màng tới đâu”. Nhưng té ra
vấn đề không phải là “ghế”, mà là những ý kiến của ông ở Hội đồng Khoa học luôn
luôn khác với ý kiến của chi bộ. Trong một cuộc họp, khi nghe ông Đỗ Mười thao
thao nói về “hợp tác hóa”, về chủ trương phải đưa những người bần cố nông lên
làm lãnh đạo hợp tác và “phải đào tạo họ", Giáo sư Luân hỏi: “Nhà nước định
đào tạo trong bao lâu?”. Ông Đỗ Mười nói:
“Tình hình gấp rút, đào tạo ba ngày”. Giáo sư Châu Tâm Luân nhớ lại: “Tôi bắt đầu
ngao ngán vì muốn thay đổi thì phải bắt đầu từ cái đầu mà… những ‘cái đầu’ thì
như thế”. Sau lần gặp ông Đỗ Mười, nhà kinh tế nông nghiệp Châu Tâm Luân được
đưa về Viện Khoa học Xã hội. Không chỉ có những đụng độ tại cơ quan. Ở Hội đồng
Nhân dân, Giáo sư Châu Tâm Luân là trưởng Ban Nông nghiệp. Trong một phiên họp
toàn thể thảo luận về các chương trình khoa học của Thành phố, sau khi nghe ông
Luân tranh luận, một đại biểu trong Hội đồng mặc quân phục đứng dậy xin ngưng
cuộc cãi vã, và lớn tiếng: “Các chuyên viên đã để ra rất nhiều thời giờ soạn thảo,
đại biểu đó tư cách gì mà đòi sửa qua sửa lại”. Ông Luân cố dằn lòng: “Tôi xin
ngưng cuộc thảo luận, bởi như vị đại biểu vừa nói, đã có các chuyên viên nghiên
cứu cho chúng ta rồi thì chúng ta chỉ còn là chuyên viên giơ tay thôi”. Chủ trì
phiên họp, ông Mai Chí Thọ không nói gì, chỉ yêu cầu biểu quyết. Nhìn thấy ông
Luân không giơ tay, ông Mai Chí Thọ hỏi: “Ai không chấp thuận?”. Ông Luân cũng
không giơ tay, ông nói: “Toàn thể chấp thuận, một phiếu trắng”. Một số cán bộ
cách mạng tốt bụng bắt đầu lo lắng cho vị giáo sư trẻ tuổi này, một trưởng Ban
Đảng khuyên: “Tôi sáu mươi tuổi, người ta vẫn xem tôi như con nít, phải ăn nói
thận trọng lắm. Anh nhớ, anh chỉ mới hơn ba mươi tuổi”. Giáo sư Châu Tâm Luân kể:
“Tại diễn đàn của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi đề nghị phải áp dụng
‘kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước’. Ông Xuân Thủy nghe, nói với
tôi: ‘Anh phải có người đỡ đầu, anh về nói với Sáu Dân đi’. Tôi trả lời ông
Xuân Thủy: ‘Nếu tôi nói đúng thì các anh phải nghe chứ sao lại cần người đỡ đầu?’.
Sau đó, ông Mai Chí Thọ nhắc: ‘Cậu đúng, nhưng áp dụng như vậy thì phức tạp
quá, làm sao chúng tôi quản lý được. Muốn làm phải có những người như cậu. Mà
nói thật chúng tôi chưa thể tin hoàn toàn những người như cậu'”. Theo ông Luân:
“Những năm ấy, tôi chê ông Võ Văn Kiệt nhát, ‘xé rào’ là vá víu; phải ‘phá vỡ’
để áp dụng kinh tế thị trường chứ không thể phá những đoạn rào. Ông Mai Chí Thọ
nghe, nhắc: ‘Phải giữ chính quyền trước hết, chính sách sai thì còn sửa được chứ
mất chính quyền là mất hết’. Về sau tôi mới thấy ông Mai Chí Thọ đã nói rất thật
lòng, họ đã ngủ rừng hàng chục năm để có chính quyền, làm sao họ để mất cái mà
họ vừa giành được đó”. Hai vợ chồng Giáo sư Châu Tâm Luân đều học ở Mỹ. Trước
năm 1975, gia đình ông đã định cư ở một nước Bắc Âu, nhưng cả hai đều chọn con
đường về nước. Sau năm năm cố gắng chòi đạp trong chế độ mới, ông không tìm thấy
một cơ may thay đổi nào.
Đầu
năm 1979, ông vẫn còn được trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài, nhưng
càng về sau thì không thấy nhà báo nào gặp ông nữa. Giáo sư Châu Tâm Luân nói:
“Tôi bắt đầu có dự cảm bất ổn. Khi tình cờ gặp một vài phóng viên, nghe họ nói
mấy lần đến Việt Nam xin gặp tôi đều được chính quyền trả lời là Giáo sư Châu
Tâm Luân đang đi công tác xa. Tôi biết tôi đang dần dần bị cô lập”. Dù từng hoạt
động trong các phong trào chống đối dưới chế độ Sài Gòn, ông Huỳnh Kim Báu vẫn
phải thừa nhận: “Trước 1975, mặc dù chính quyền bị coi là bù nhìn, nhưng trí thức
vẫn được trọng dụng, họ có quyền thực sự trong chuyên môn. Sau giải phóng,
chính quyền được nói là của mình nhưng trí thức gần như chỉ được dùng như bù
nhìn, trong khi đa phần họ là những người khảng khái”.
Năm
1977, có lần hệ thống nước máy của Thành phố bị đục, ông Võ Văn Kiệt mời các
nhà trí thức tới hiến kế. Nhiều người phát biểu, riêng ông Phạm Biểu Tâm ngồi
im. Ông Kiệt hỏi: “Sao vậy anh Tâm?”. Ông Phạm Biểu Tâm nguyên là chủ tịch Hội
Sinh viên Hà Nội trước 1945. Năm 1963, con gái Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy
thi y khoa đã bị ông đánh rớt dù bị nhà Ngô gây áp lực. Ông là một nhà giáo được
sinh viên kính nể. Ông Tâm được nói là rất quý ông Kiệt, nhưng có lẽ do quá bị
dồn nén, ông đứng dậy nói: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khỏe, vì cái
gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải chuyện tụi
tui”. Một thời gian sau, Giáo sư Phạm Hoàng Hộ trả lại chức hiệu phó. Trường sợ
mang tiếng không nhận, ông khóa phòng, giao chìa khóa, tự chấm dứt vai trò
“chim kiểng” của mình. Theo ông Võ Văn Kiệt, Thành ủy vẫn để Giáo sư Phạm Hoàng
Hộ hàng năm sang Pháp dạy học. Trong một lần đi Pháp, ông ở lại luôn bên đó rồi
viết thư về cho ông Kiệt nói rằng, công việc nghiên cứu nhiều, ông cần phải ở
nơi có phương tiện cho ông làm việc, khi nào đất nước thực sự cần, ông sẽ về. Còn
Giáo sư Châu Tâm Luân, nhân một buổi tối rủ ông Võ Ba tới nhà chơi, đã đưa cho
Võ Ba coi một tập đánh máy hai mươi trang về “tình hình kinh tế nông nghiệp miền
Nam”, rồi nói: “Võ Ba ơi, mình rất mừng vì bản báo cáo này của mình đã được Mặt
trận Tổ quốc đánh máy gởi đi. Hai lần trước thì họ không chịu đánh máy. Nhưng,
Võ Ba ạ, họ đánh sai hết, những thuật ngữ như ma trận họ đánh thành mặt trận
ông ạ”. Mấy hôm sau, Võ Ba chạy qua nhà Giáo sư Luân thì thấy cửa đóng, bên
trong thấp thoáng bóng mấy công an đến “chốt nhà”. Cho dù, sang tới Thái Lan
ông bị các thuyền nhân khác đánh rất đau, khi viết thư về, trả lời câu hỏi của
ông Huỳnh Kim Báu, “liệu vượt biên có phải là một quyết định sai lầm”, Giáo sư
Châu Tâm Luân vẫn cả quyết: “Không, Báu! Dù phải trả giá đắt, mình vẫn thấy đi
là đúng”.
Trong
số các trí thức miền Nam, ông Võ Văn Kiệt “xếp” Giáo sư Châu Tâm Luân vào hàng
“khó tính”. Tuy nhiên, ông kể: “Đến nhà Châu Tâm Luân mình rất thích vì ảnh thẳng
thắn, nghĩ sao nói vậy, có khi như búa bổ. Ảnh hy vọng khi đất nước hòa bình, với
sự phì nhiêu của đất đai miền Nam, sẽ có dịp thi thố giúp phát triển nền nông
nghiệp. Nhưng một thời gian sau, thấy cơ chế như thế thì không thể nào đóng góp
được”. Một người khác từng quen biết Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt nhưng cũng phải
vượt biên là Kỹ sư Phạm Văn Hai, giám đốc nhà máy dệt Phong Phú. Ông Phạm Văn
Hai là người đưa kỹ nghệ nhuộm vào miền Nam. Ông có hai người con, một người được
đặt tên là Phạm Chí Minh, một người là Phạm Ái Quốc. Sau ngày 30-4, ông Phạm
Văn Hai vẫn nhiệt tình tư vấn để phục hồi ngành dệt và nghiên cứu chất kích
thích cây cỏ. Nhưng năm 1977 ông quyết định “đi”. Vượt biên hai lần, cả hai lần
đều bị bắt. Lần đầu bị bắt ở Kiên Giang, Thành ủy lãnh. Lần hai, bị bắt ở thành
phố, ông Võ Văn Kiệt vào thăm, ông Hai nói: “Cho dù anh quan tâm nhưng như thế
này thì không làm được”. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: “Những người như Kỹ sư Phạm
Văn Hai, như Giáo sư Châu Tâm Luân…, nếu chỉ khó khăn về cuộc sống họ sẽ vượt
qua, nhưng nếu bị đặt vào hoàn cảnh không thể đóng góp thì họ không chịu được.
Tôi cũng không biết làm gì hơn, chỉ đề nghị mấy ảnh đừng vượt biên nguy hiểm”. Ông
Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Tôi tiếc đứt ruột khi để những anh em trí thức ấy ra đi,
nhưng biết là nếu họ ở lại thì cơ chế hiện thời cũng chưa cho phép mình sử dụng
họ”. Trước khi vượt biên, ông Dương Kích Nhưỡng, một công trình sư cầu cống, thủy
điện, nói với ông Võ Văn Kiệt: “Ước mơ của các anh rất đẹp, nhưng các anh làm
như thế này là không được. Đi đâu cũng nghe nói tới nghị quyết, làm cái gì cũng chỉ theo tinh
thần nghị quyết này, chủ trương kia thay vì theo pháp luật. Trị nước mà bằng
nghị quyết và chỉ thị chung chung thì không được”. Tổng Thư ký Hội Trí thức Y
êu nước Huỳnh Kim Báu nhớ lại: ông Kiệt biết là các trí thức bắt đầu vượt biên,
ông gọi tôi lên và dặn "Nghe ngóng, nếu có anh em trí thức bị bắt ở đâu,
anh phải lãnh về". Khi nhận được tin công an Bình Thuận bắt giam Kỹ sư
Dương Tấn Tước, ông Kiệt cấp giấy cho ông Báu ra Bình Thuận xin “di án về Thành
phố”. Ông Báu kể: “Công an Bình Thuận thấy giấy của Thành ủy thì cho nhận ‘can
phạm’. Nhưng khi anh Tước thấy tôi mừng quá định kêu lên, tôi đã phải giả vờ
làm mặt lạnh, bước tới, còng tay anh Tước. Dọc đường, tôi cứ phải làm thinh mặc
cho Kỹ sư Dương Tấn Tước ngơ ngác. Qua khỏi Bình Thuận, tôi mới mở còng và giải
thích: Công an Bình Thuận mà biết, người ta chụp đầu cả tôi”. Đích thân ông Kiệt
cũng nhiều lần đến các trại giam để bảo lãnh các trí thức.
Theo
ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Văn Huấn,
hai người giúp việc thời đó của ông, hình thức “xử lý” đối với những trí thức
vượt biên của “Anh Sáu Dân” là kêu tụi tôi đích thân đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo
cho họ. Nhưng phần lớn các trí thức đã ra đi lặng lẽ. Giáo sư Châu Tâm Luân kể:
“Tôi đi tất cả sáu lần. Lần bị giữ lâu nhất là ở Rạch Giá, cả tháng trời. Nhưng
tôi không khai mình là ai. Như bốn lần trước, ở nhà cứ lo một cây vàng thì được
thả”. Có những người không chịu nhờ Thành ủy, hoặc “lo” bằng vàng. Theo ông Huỳnh
Kim Báu, khi vượt biên bị bắt, Giáo sư Lê Thước đã tự sát.
Đến “thường dân”
Sau
ngày “giải phóng”, dồn dập các sự kiện xảy ra trên khắp miền Nam: hết sỹ quan,
công chức bị đưa đi “học tập”, đến cải tạo tư sản, đến đổi tiền rồi đưa dân đi
kinh tế mới. Người dân miền Nam vừa chịu cảnh gia đình ly tán, vừa bắt đầu
phải đứng xếp hàng mua những thực phẩm vốn chưa bao giờ thiếu ở vùng đất màu mỡ
này.
Bác
sỹ Nguyễn Đức Tuệ kể: “Ba tháng sau ngày 30-4, cha tôi mất sau
khi nhìn cảnh đời thay đổi khác hẳn với những gì mà ông chờ đợi. Cảnh nhà đơn
chiếc sau khi ông anh thứ hai của tôi di tản, hai ông anh còn lại bị đưa đi cải
tạo. Mẹ tôi rơi vào khủng hoảng. Những người bà con từ Nghệ An vào đều hỏi tôi
đúng một câu: chúng mày có ăn học tại sao lại không đi Mỹ. Những người giữ chức
vụ lớn trong chính quyền dạy chủ nghĩa cộng sản, trước đám đông nói khác, nhưng
ngồi trong gia đình thì không giấu được khi nói về một miền Bắc xã hội chủ
nghĩa điêu tàn. Họ cảnh cáo tôi về những chuyện đấu tố sắp xảy ra. Trong tổ dân
phố của tôi cũng bắt đầu ám chỉ việc gia đình có người đi Mỹ, nhà cho Mỹ mướn, con
có liên hệ đến Nguyễn Văn Thiệu… Mẹ tôi nghe rồi trở bệnh”. Nhưng điều mà một
bác sỹ như ông Nguyễn Đức Tuệ cảm thấy đụng chạm trực tiếp tới mình là khi chứng
kiến chính trị chen vào mọi mặt. Những buổi học tập chính trị, những buổi họp tổ
là dịp để các bác sĩ thiếu tay nghề bù đắp bằng cách cố tranh đấu được đứng vào
“hàng ngũ Đảng”. Phương châm “hồng thắm hơn chuyên” đã khiến cho trình độ y
khoa của các bác sĩ ngày càng đi xuống. Bác sỹ Tuệ kể: “Trong những buổi sáng
giao ban ở bệnh viện Bình Dân, chúng tôi đã phải ngồi chịu trận nghe các đồng
chí y sĩ từ rừng ra răn dạy các thầy tôi như đại Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Giáo sư
Trần Ngọc Ninh! Bệnh viện Bình Dân, nơi tôi làm việc, vốn là một bệnh viện nổi
tiếng về giải phẫu, càng ngày càng thiếu thuốc men phương tiện, các cuộc mổ xẻ
thiếu thuốc mê và thiếu dụng cụ”.
Sau
vụ “nạn kiều”, chiến tranh lại xảy ra ở hai đầu đất nước. Giặc giã, đói kém, sự
sợ hãi đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài, khiến cho lượng người vượt biên tăng
vọt trong khoảng cuối năm 1979, đầu năm 1980. Một trong những người bắt đầu vượt
biên sau chiến tranh là Lục Phương Mai. Cha Mai, ông Lục Văn Sáu, là một kỹ sư
Tây học nổi tiếng trong ngành xây dựng, gia đình có nhiều người nắm những chức
vụ có nhiều quyền lực trong chế độ Sài Gòn, nhưng vợ ông Sáu lại là Việt Cộng.
Anh em Lục Phương Mai không thể nào di tản theo các thành viên khác của đại gia
đình vì vào đúng chiều 28-4-1975 thì ông Lục Văn Sáu mất. Khi đó, mẹ Mai vẫn
còn đang bị chính quyền Sài Gòn giam trong một nhà tù ở Thủ Đức. Sáng
30-4-1975, khi anh chị em Mai đang cúng “mở cửa mả” cho cha thì “Việt Cộng vô”,
mẹ Mai một mình lê lết đi bộ ra khỏi nhà tù. Mãi tới khoảng 3 giờ chiều mấy anh
em mới tìm thấy mẹ. Ba mươi tháng Tư, với gia đình Mai, không phải là một ngày
đoàn tụ, và những ngày tiếp theo thì còn khốn khổ hơn nhiều. Trước đây, ngoài
thu nhập của ông Lục Văn Sáu, gia đình còn có thể sống phong lưu nhờ vào khoản
tiền mà cuối thập niên 1960 chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu trả cho ông nội
Mai, địa chủ Lục Phương Giản, sau khi trưng mua ruộng đất của ông để thực thi
chính sách “người cày có ruộng”. Sau 30-4-1975, khoản tiền nằm trong ngân hàng
Việt Nam Thương Tín ấy không còn giá trị. Mẹ Lục Phương Mai dù có công nuôi giấu
nhiều cán bộ cao cấp của Cách mạng, nhưng khi ra tù thì cũng không còn sức để
nhận được bổng lộc, chức tước gì. Mấy cô tiểu thư họ Lục bắt đầu nhìn những
“con phe” tới nhà khênh ra từng chiếc tủ lạnh, cây đàn. Năm 1979, anh rể Lục
Phương Mai là Thượng sỹ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Ngọt, một “chuyên gia
tổ chức vượt biên”, thu xếp để mấy chị em ra đi. Vượt biên khi ấy là lối thoát
của những gia đình đã từng dính dấp tới “ngụy” như Thượng sỹ Trần Văn Ngọt.
Trong khi những người vợ sỹ quan đi học tập phải son sắt đợi chờ thì con cái họ
được gửi lên những chiếc “thuyền” của bạn bè. Theo ông Phan Lạc Phúc: “Khi tôi
đi cải tạo, con gái út tôi mới có năm tuổi. Khi tôi về nó đã mười lăm tuổi, bắt
đầu thiếu nữ. Các chị nó vượt biên hết cả chỉ còn nó ở lại với mẹ cháu đợi
tôi”.
“Ra
đi” cũng là một quyết tâm mãnh liệt của những người trở về từ các trại cải tạo.
Mặc dù ai ra trại cũng được nhận xét trong tờ lệnh là “đã nghiêm chỉnh chấp
hành chính sách cải tạo khoan hồng độ lượng của Đảng và Nhà nước”, nhưng họ bắt
đầu cảm thấy mình lại đang bước vào một nhà tù lớn hơn, bởi trên thực tế, họ vẫn
không thực sự có tự do. Cả con cái và gia đình đều không nhìn thấy tương lai.
Không có một chỗ đứng nào cho họ ở trong chế độ. Năm 1977, ông Vượng
được ra khỏi trại cải tạo. Sau khi trình diện ở phường, ông được một sỹ quan an
ninh “rất dễ thương” tới gặp và yêu cầu hợp tác. Công việc tưởng như đơn giản:
Mỗi tuần một lần báo cáo gặp ai, đi đâu, có ai từng là tình báo của chế độ cũ
mà trốn học tập không. Ông Vượng nói: “Tôi hợp tác một tháng để không gây nghi
ngờ rồi trốn khỏi Sài Gòn và từ lúc đó bắt đầu tìm đường vượt biên”. Không tính
một lần có ý định vượt biên qua ngả Campuchia, bốn lần khác bị lộ trước khi lên
thuyền nên chỉ kịp chạy thoát thân, đến lần thứ sáu ông Vượng mới tới được
Malaysia.
Tháng
2-1985, họa sỹ Chóe trở về sau gần chín năm nằm sàn xi măng ở số 4 Phan Đăng
Lưu và lao động giữa rừng Gia Lai, bệnh phong thấp và bệnh tiểu đường bắt đầu nặng
thêm. Nhưng sức khỏe không phải là thứ có thể dễ dàng quật ngã con người khát
khao làm việc của Chóe. Từ một cây cọ phản chiến, ông giờ đây phải “đeo” tờ giấy
xác nhận thành phần là “văn nghệ sỹ phản động”. Bà Kim Loan, vợ ông, nhớ lại:
“Không có công ăn việc làm, ông ấy càng ngày càng phẫn uất rồi trở thành u uất”.
Một trong rất ít người tới thăm họa sỹ Chóe lúc bấy giờ là Huỳnh Bá Thành,
nhưng Chóe từ chối tất cả những đề nghị giúp đỡ của Thành, kể cả việc nhập lại
hộ khẩu.
Ngày
7-4-1976, khi an ninh tới tòa soạn tờ Lao Động Mới bắt Chóe, ông
Tổng Biên tập Tống Văn Công nói với người chỉ huy tên là Đô: “Tôi thấy Chóe làm
bất kể giờ giấc, anh ấy muốn đóng góp, muốn hòa nhập. Tôi xin lấy sinh mạng chính
trị của mình ra đảm bảo”. Ông Đô liền nói: “Anh biết gì mà đảm bảo”. Năm 1985,
Chóe đến nhà Tống Văn Công: “Bạn bè cũ tránh tôi như hủi, anh có dám tiếp tôi
không?”. Họ ngồi với nhau rất lâu, cho dù Chóe không nói ra nhưng ông Công biết
người họa sỹ tài ba này đang bế tắc, ông nói: “Mình tự thấy không đủ tư cách
khuyên Chóe điều gì, vì chín năm trước mình đã không bảo vệ được bạn. Mình chỉ
góp ý, nếu đi thì đi chính thức, vượt biên nguy hiểm lắm”. Sau lần gặp ấy, Chóe
biến mất. Gần hai năm sau, một ngày đầu tháng 8-1987, Chóe đột ngột xuất hiện
trước mặt Tống Văn Công, áo quần nhếch nhác. Tống Văn Công chưa kịp hỏi, Chóe
đã nói: “Mới ra tù. Hồi đó, tôi vượt biên, bị bắt”. Sau gần mười năm ở Khám Chí
Hòa, năm 1985, nhà báo Đoàn Kế Tường cũng được ra tù. Mặc dù biết vợ ông đã bán
nhà, vượt biên, quyết định tha của Trại vẫn trả ông về căn nhà ở đường số 2,
làng Báo Chí Thủ Đức. Ông Tường về, bấm chuông, một người phụ nữ trung niên ra
mở cửa nhìn ông ái ngại, nói: “Căn nhà này xui lắm, em tù tội, lại bị vợ bán
nhà bỏ đi. Chồng chị đi kháng chiến về, chị mua nhà này ở chưa được bao lâu thì
ổng bỏ chị đi lấy vợ khác. Thôi, nếu không có chỗ nào để về thì cứ ở đây với chị”.
Đọc được sự chia sẻ khá chân thành của người chủ mới, nhưng ông Đoàn Kế Tường chỉ
cám ơn rồi về nhà chị gái mình. Bà chị gái thương em, nhưng trong cái không
gian chính trị ngột ngạt lúc đó, chứa trong nhà “một thằng tù phản động” như Tường
là điều không phải dễ dàng, nhất là mấy đứa con của bà chị đã có mấy năm “hòa
nhập vào chế độ mới”. Bà chị dặn: “Cậu nên ra khỏi nhà lúc 5 giờ sáng và về sau
11 giờ, đừng để công an khu vực nó thấy thằng cậu đi tù về, khó cho mấy đứa”. Vào
đúng rằm tháng Tám năm 1985, Đoàn Kế Tường nhảy xe Kamaz lên Đaklak. Trời tối,
mưa như trút, Tường lang thang từng rẫy cà phê xin việc. Ông kể: “Tờ giấy tùy
thân duy nhất mà tôi có là giấy ra tù, không ai dám nhận. Đến nửa đêm thì gặp rẫy
của một thiếu tá cảnh sát đi học tập về, ông nhận. Ông cựu thiếu tá dựng cho
tôi một cái chòi trên hai mẫu cà phê đang phục hóa. Cực nhọc nhưng dù sao cũng
có việc làm. Được ít lâu thì anh Trần Hữu Thọ con trai Đại tá Việt Nam Cộng hòa
Trần Hữu Dũng đi qua thấy tôi khổ quá, kêu về nhà ông ở cùng, ngày làm rẫy, tối
dạy học cho mấy đứa con của anh”. Làm được gần một năm thì, một buổi sáng, ông
Thọ ra phố ăn sáng về kể, đội Cảng Sài Gòn lên đá ở Buôn Mê Thuột, ông gặp huấn
luyện viên Tam Lang ở đó. Tường buột miệng: “Tam Lang là bạn tôi”. Sáng hôm
sau, ông Thọ lại ra phố thuật lại với Tam Lang, Tam Lang xác nhận: “Mai nếu anh
lại ra thì đưa nó đi cùng cho tôi gặp”. Gặp nhau, Tam Lang khuyên Tường: “Sài
Gòn thiếu gì việc. Về đi, ở đây làm gì”. Sài Gòn đúng là có rất nhiều việc,
nhưng tù phản động như Đoàn Kế Tường thì cho dù trình độ cỡ nào, lúc đó cũng chỉ
có thể đạp xích lô. Một người bạn giới thiệu với Hội thánh Tin Lành để nơi này
cho mượn một chiếc xích lô, Tường và một người bạn chia nhau đạp. Đoàn Kế Tường
kể: “Sau đổi tiền, kinh tế càng xuống tận đáy, ăn còn không đủ lấy đâu tiền đi xích
lô”. Đấy là những năm Sài Gòn đầy những ông đạp xích lô trong khi ngóng khách ở
các ngả ba, ngả tư, tranh thủ đọc các cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhiều
người trong số họ cũng vừa mới đi tù về. Ông Tường kể: “Một bữa dong xe cả buổi
mà không có người khách nào, tình cờ gặp thằng bạn thân chạy chiếc Honda tới.
Tôi muối mặt hỏi: Tao đói quá, mày cho tao xin mười đồng. Thằng bạn nói đợi
chút tao quay lại. Tôi đợi tới trưa không thấy. Về nhà, bà chị cho một lượng
vàng, bảo vượt biên đi”. Đoàn Kế Tường xuống Cà Mau, tham gia vào chuyến vượt
biên do một cựu tù cải tạo, ông Nguyễn Thụy Quế, tổ chức. Ông Tường kể: “Chúng
tôi lên một chiếc ghe chở heo chạy từ Năm Căn ra Ngọc Hiển. Gặp con nước ròng,
ghe phải tấp lại chờ. Trên bờ, từ một quán cà phê, bài hát Quê Hương
cứ được phát lặp đi lặp lại. Năm ấy, Quê Hương nổi như cồn, tôi ở Sài Gòn nghe,
nghĩ: tào lao. Nhưng lúc chuẩn bị rời quê hương, tự nhiên xúc động quá. Tôi trốn
ghe quay về, chị tôi chửi quá trời. Tôi chủ động tìm gặp Đỗ Trung Quân tính
khen. Không ngờ Quân bảo: em mắc nợ anh, anh đi thì tốt hơn. Khi đó tôi chưa hiểu
hết lời Quân nói”. Những ngày sau đó của Đoàn Kế Tường là ra ga Hòa Hưng xếp
hàng để sau đó bán chỗ cho người đi tàu mua vé; đêm thì cho khách đợi tàu thuê
chiếu và bán cho họ vài xô nước rửa mặt. Theo ông Tường, điều đó vẫn chưa phải
là bi kịch.
Một
dịp trước ngày 30-4 năm 1987, như thường lệ, công an “truy quét tệ nạn xã hội”,
bắt tất cả về công an Quận 3. Sáng hôm sau, công an sàng lọc, ai có chứng minh
thư, có hộ khẩu thành phố thì cho về, ông Tường chỉ có giấy ra trại thì bị giữ
lại để chuẩn bị đưa đi tập trung cải tạo. Ông Tường kể: “Đang đứng xớ rớ trong
sân công an Quận 3 thì thấy Huỳnh Bá Thành chạy xe Vespa vô. Anh
ta dừng lại trước trước đám can phạm. Tôi cúi mặt xuống tránh. Lúc sau, ngẩng
lên thấy ông vẫn nhìn trừng trừng, rồi hỏi: Đoàn Kế Tường à? Có lẽ thấy tôi tàn
tạ quá, Huỳnh Bá Thành khóc, bảo công an tha tôi rồi cho tôi năm mươi đồng, dặn:
mai mốt qua báo Công An gặp tao, có cả thằng Từ Kế Tường nữa. Tôi về, vào chùa
Liên Trì gặp nhà sư Thích Không Tánh, hỏi nên không, nhà sư gật đầu rồi nói:
Tao đã phản động, thêm mày phản động nữa, cái chùa này sẽ không phật tử nào dám
đến. Thầy Thích Không Tánh lúc ấy cũng chỉ mới ra tù”. Ông Tường kể tiếp: “Tôi
lên, Huỳnh Bá Thành mua cho hai bộ quần áo rồi hỏi: ‘Ông muốn đi thì tôi lo cho
đi’. Tôi nói không, lúc này không vì bài Quê Hương nữa mà vì không muốn lại bị
tù đày. Thành nói: ‘Ông có một tuần để suy nghĩ’. Một tuần sau tôi cũng nói
không đi. Thành hỏi: ‘Muốn làm báo lại không, tôi đang cần những người có nghề’.
Tôi nhận lời. Rồi Thành thu xếp dẫn tôi tới gặp ông Mai Chí Thọ,
nhân một lần ông Thọ vào Sài Gòn. Sau khi ông Thành giải thích, ông Thọ hỏi:
‘Chú mày dám bảo lãnh không?’, ông Thành nói: ‘Dám’. Ông Thọ kêu người đem giấy
bút ra cho Thành cam kết. Thế là tôi trở thành người của Công an Thành phố Hồ
Chí Minh, một tờ báo đang ăn khách lúc đó”. Bài báo đầu tiên đăng lên, tôi ký
Đoàn Thạch Hãn nhưng bạn bè cũ vẫn biết đấy là tôi. Chị tôi mừng vì ngoài chuyện
tôi có công ăn việc làm, từ một thằng tù phản động, tôi trở nên có thế ăn thế
nói trong chế độ. Nhưng ngay sáng hôm báo ra, Đinh Viết Mâu, cựu thiếu úy biệt
kích, là bạn thân trong Chí Hòa, đạp xe tới nhà chị tôi. Mâu lặng lẽ bước vào
tát vào mặt tôi hai tát rồi nói: ‘Thằng phản bội'. Rồi, giữa trời mưa như trút,
Mâu đạp xe đi luôn. Tôi đưa bài báo cho ông Khai Trí, một bạn tù
khác, ông nói: “Cậu viết không có gì xấu nhưng tôi đọc có cái cảm giác như cậu
đang cầm quạt lông ngâm Kiều của Nguyễn Du trong động đĩ”. Ông Tường kể tiếp:
“Có lẽ những người ca ngợi sự kiên cường của tôi khi còn ở trong Chí Hòa muốn
tôi mãi mãi là người hùng trong mắt họ. Còn những người ở phía khác thì cũng
nhìn tôi khinh miệt như nhìn một kẻ chiêu hồi. Khi nghe Đỗ Trung Quân nói ‘em mắc
nợ anh, anh nên đi’, tôi chưa hình dung hết. Càng về sau, tôi càng hiểu vì sao
phần lớn những người tù như tôi phải tìm lối thoát bằng cách vượt biên”.
Năm
1982, ngay sau khi ra khỏi trại cải tạo, Trung úy Trần Quang Phước lo cho cả
gia đình gồm mười bốn người vượt biên. Khi vừa ra cửa biển thì một lốc máy tàu
bị hỏng. Chủ tàu đề nghị mọi người gom tiền để họ vào bờ mua phụ tùng sửa máy.
Ai dè họ đi luôn. Mấy giờ sau thì tàu công an ra. Người tài công cố cho thuyền
chạy bằng lốc máy còn lại. Trần Minh Triết, con trai ông Phước, năm ấy mười sáu
tuổi, nhớ lại: “Một loạt đạn bắn thẳng vào buồng lái, xác người tài công văng
xuống biển”. Sau một thời gian chờ thanh lọc, vợ con ông Phước cũng như những đứa
trẻ khác, chỉ bị giam hai ngày rồi được tha về. Ông Phước bị giam tại trại giam
Trần Phú. Trần Minh Triết kể: “Một hôm, tôi đang thụt bida thì bà già sang, ngoắt
ra, dắt đi ngay lên chùa Tĩnh Hội, Nha Trang. Đi không kịp mang quần áo. Mấy thầy
chùa đưa về xóm Bóng gửi chờ bắt tàu vô Sài Gòn. Lúc đó mới hay, ông già trong khi
được ra khỏi buồng giam đã tìm cách trốn trại. Từ đó, hai anh em tôi mỗi đứa được
gửi một nơi, hai ông bà già cũng trốn chui, trốn nhủi. Cả nhà hiếm khi mới được
gặp nhau. Dượng tôi đi tập kết về, là bác sỹ một bệnh viện lớn quen biết rất
nhiều những người trong chế độ mới, nhưng cũng không thể giúp gì hơn. Một hôm
ông bảo với ba má tôi: Anh nghĩ các em nên đi, ở đây sống không nổi đâu”.
Nữ
nhà văn Nhã Ca chỉ bị tù hơn một năm. Nhưng trong thời gian hai vợ chồng bà ngồi
tù, chính quyền địa phương đã trục xuất ba người con của bà ra khỏi nhà. Căn biệt
thự của ông bà trên đường Ngô Tùng Châu, Bình Thạnh, bị chính quyền lấy giao
cho hợp tác xã mây tre lá. Ra tù, Nhã Ca đưa các con về nhà bà ngoại ở số 142 Tự
Do. Bà chỉ định buôn bán làm ăn, nuôi con và chờ chồng - nhà thơ Trần Dạ Từ -
đang bị đưa đi “cải tạo” trên trại Gia Trung. Nhưng áp lực đến với gia đình bà
càng ngày càng thêm dồn dập.
Năm
1977, hai đứa con của bà, một mười bốn tuổi, một mười một tuổi, bị đuổi khỏi Nhạc
viện Thành phố. Năm 1978, ngôi nhà dùng làm cửa hàng ở số 142, bấy giờ gọi là
đường Đồng Khởi, bị niêm phong. Bị ép và lo sợ bị “xe cây” tới nhà “hốt đi kinh
tế mới” như số phận của nhiều nhà tư sản khác, nửa đêm, Nhã Ca phải đưa các con
về Cần Thơ ở nhờ nhà người thân. Bức bối và bế tắc, Nhã Ca đã phải để cho ba đứa
con lên tàu vượt biên. Chuyến đi bất thành. Cả ba con của bà bị bắt.
Trước khi tới biển
Thời
ấy, thường có hai dạng tổ chức vượt biển - tự túc, nghĩa là không dính líu gì đến
công an, và mua bãi. Dạng thứ nhất thường gặp nguy hiểm hơn lúc xuống tàu rời đất
liền. Mọi thứ đều lén lén, lút lút trong màn đêm. Những người này thường chọn
những đêm không trăng, và chấp nhận bị bắt bất kỳ lúc nào. Dạng thứ hai, thường
được mấy người tổ chức móc nối, sắp xếp ngày giờ trùng với ca trực của “tay
trong” để đưa người xuống tàu. Không có dạng nào là chắc chắn, nhưng những người
đã “móc nối” thì khả năng bị công an xông ra từ trong các lùm cây là ít hơn. Không
phải ai cũng có tiền có vàng để đóng cho các chủ tàu: “đĩ điếm” thì coi như đã
hết thời sau ngày 30-4-75; những “gia đình ác ôn” không phải đi học tập thì trước
đó không phải ai cũng có chức tước tiền bạc; những người mà chồng con đang ở
trong trại thì còn phải mang gánh nặng thăm nuôi - đối với nhiều người vợ tù,
nước có thể bỏ nhưng chồng trong trại giam thì không thể.
Trở
lại câu chuyện của Thượng sỹ Trần Văn Ngọt và cô em vợ của ông, Lục Phương Mai.
Ngày 7-6-1979, từ nhà, mấy chị em, dì cháu Mai đi xích lô máy ra bến xe miền
Tây rồi đi xe đò xuống Tiền Giang. Họ “ém” trong nhà một nông dân, chờ đêm ập
xuống thì nhảy lên một chiếc xuồng con chạy ra ghe lớn đang đậu chờ ngoài cửa
sông. Theo dự kiến, 12 giờ đêm chiếc ghe lớn ấy sẽ bắt đầu hành trình. Nhưng
khi vừa thấp thoáng thấy cửa sông thì bỗng từ trong bờ dừa nước, một chiếc bo
bo xé nước phóng ra, ép sát con xuồng. Thượng sỹ Trần Văn Ngọt chưa kịp phản ứng
đã ăn một báng súng khuỵu xuống. Tất cả trai tráng lẫn đàn bà con gái bị đưa về
trại giam Tiền Giang. Ngay trong đêm, đoàn bị chia hai: nam một bên, nữ một
bên. Và lập tức, quản giáo quát: “Cởi áo ra”; rồi, “Cởi quần ra”; rồi, “Cởi
luôn quần lót”. Quần áo, giày dép đều bị sờ nắn tới từng đường chỉ. Trước khi
ra đi, những người vượt biên đều đã dự liệu tình huống này nên khi chiếc bo bo
vừa phóng ra, hạt xoàn, vàng, đô la đều đã bị ném không thương tiếc xuống nước.
Với nhiều người, “thà để cá ăn, dứt khoát không để vàng bạc rơi vào tay Việt cộng”.
Nhưng Lục Phương Mai vẫn cố giữ lại hai lượng vàng. Trước khi cởi đồ, chị lén
lút chuyển hai lượng vàng ấy cho cô cháu gái tên là Thùy, Thùy chuyền cho em
gái là bé Tí Hương, năm ấy mới lên sáu tuổi không bị quản giáo để ý. Tí Hương
nhét vàng vào bụng để rồi khi mấy dì cháu về buồng giam liền đưa lại cho dì giấu
trong một tuýp thuốc đánh răng. Chín anh em, dì cháu nhà Lục Phương Mai nằm khoảng
hơn một tháng thì được mẹ viết thư lên Quận ủy “nhận lỗi là đã không giáo dục tốt
con em để chúng nó làm điều sai quấy”. Xét gia đình “có công với Cách mạng”, mấy
chị em Mai được tha, riêng Thượng sỹ Trần Văn Ngọt thì bị kêu án ba năm tù.
Nếu
như chiếc thuyền vượt biên của Lục Phương Mai bị chặn ngay từ cửa sông thì thuyền
của chị em nhà Ngô Hồng Ngọc lại đã đi được nhiều giờ trên biển.
Ngày 26-12-1983, Ngọc, lúc đó hai mươi ba tuổi, vượt biên cùng với một đứa em,
hai người dì và bốn chị em họ khác. Ngô Hồng Ngọc kể: “Chúng tôi được đón bằng
xe buýt lớn, giống như một đoàn người hành hương, được đưa tới lăng Ngọc Hà -
Bà Rịa, vào một nhà dân đợi tới đêm thì lên một thuyền nhỏ. Chiếc thuyền taxi
này chạy khoảng một giờ thì tới địa điểm đón, từ đó chúng tôi được đưa vào một
thuyền đánh cá. Chiếc thuyền nhỏ này - ngang khoảng 2,5m, dài 15m - do sáu gia
đình hùn tiền: Gia đình bác sĩ Vận cùng vợ và hai con trai nhỏ (bác sĩ Vận và vợ
là y sĩ, họ có trách nhiệm lo sức khỏe cho mọi người cùng đi); một người hoa
tiêu cùng gia đình; ông tài công cùng ba gia đình chúng tôi. Thế nhưng, khi được
đưa vào thuyền lớn, một nhóm người đông hơn cả số đóng tiền, ém sẵn trước ở đấy,
nhân lúc lộn xộn, cùng lên tàu. Thế là con tàu phải chở tới 126 người, lớn, bé,
già, trẻ. Từ các tai mắt ở khu vực cho đến lực lượng thường xuất hiện ngoài “bến
bãi” đều được “lo bao”, lại đi vào dịp cận Tết, nên việc khởi hành diễn ra suôn
sẻ”. Ngô Hồng Ngọc kể tiếp: “Hai chị em tôi được mẹ đưa cho một túi sâm cắt lát
với lời dặn, lúc khát và mệt thì lấy ra ngậm. Mẹ cũng may lẫn trong gấu áo, gấu
quần tôi 1 số tiền đô la Mỹ, trên tay đeo bốn nhẫn nhỏ loại một chỉ, với hi vọng
khi tới đảo có thể dùng liên lạc về cho bố mẹ. Xuống thuyền, đàn bà và trẻ em
được đưa vào dưới boong, chúng tôi nằm chen chúc lên những thanh gỗ đan vào
nhau quét đầy nhựa đường. Mỗi đợt sóng đánh, ruột gan ai nấy quặn lên và ói. Em
gái nhỏ của tôi đói và khát, những miếng sâm nhỏ mẹ cho chúng tôi đã nhấm hết
mà vẫn không hết mệt. Anh Lê, một người bạn của gia đình tôi, phải đi ‘ngoại
giao’ để mang về từng bát nước cháo cho chúng tôi chia nhau. Ngày thứ ba trên
biển, lâu lâu anh Lê dìu hai chị em tôi lên boong để hít thở chút ít rồi phải
quay lại hầm tàu”. Ngày thứ tư, thuyền bị cháy máy do tài công ngủ quên, cậu
con trai châm nhớt không kịp. Một người em họ của Ngô Hồng Ngọc, Ngô Quang Hưng, năm ấy mới hơn mười tuổi, nhớ lại: “Trong mấy ngày đêm lênh
đênh trên biển, mọi người cố lấy chăn mền căng ra làm buồm, cố ra được ngoài hải
phận quốc tế. Có những đêm, nhìn thấy đèn tàu lớn ở phía xa, mọi người kêu gào,
dùng đèn pin đánh tín hiệu SOS kêu cứu nhưng tàu lớn vẫn không vào. Có hôm, thấy
máy bay bay ngang đầu, lại hò hét, lại hy vọng. Một chị đi tiểu trong cái
‘toilet’ được khoanh bằng một tấm bạt sát bên mạn thuyền, bị sóng đập rơi xuống
biển… Cứ đêm đến là lại nghe tiếng sóng dập hòa lẫn với những lời cầu nguyện”.
Theo Hồng Ngọc: “Thuyền càng lắc mạnh tôi càng nắm chặt tay em gái, chúng tôi
chỉ muốn sống chết có nhau. Xung quanh, con gọi cha mẹ, vợ kêu chồng… Không ai
còn hy vọng tới bến bờ tự do mà chỉ còn hy vọng sống”. Cuối cùng, mọi người thở
phào khi nhìn thấy đảo. Nhưng khi con thuyền dạt vào cách đảo chừng 300m thì bị
đâm vào đá ngầm, thủng đáy. Mọi người bò hết lên boong. Dân đánh cá và một số
người bơi giỏi thì nhảy xuống để bơi vào bờ thoát thân. Ngô Quang Hưng kể: “Khi
nhảy xuống, bác sỹ Vận bị bánh lái tàu đập vào đầu, chết. Cái chị đi toilet rơi
xuống biển đêm trước, khi ở ngoài khơi thì cứu được, lần này lại bị chết khi cố
bơi vào bờ”. Theo Ngô Hồng Ngọc: “Hai mươi lăm người, cả nam lẫn nữ bị đập mạnh
vào đá và bị sóng dập, chết ngay trước mắt chúng tôi: đàn ông nằm sấp, đàn bà nằm
ngửa, xác họ nổi lên chỉ sau hai ba phút”. Con thuyền từ từ chìm. Một số người
nhanh trí, lấy dây buộc vào các mỏm đá để phụ nữ, trẻ em bám vào, từng bước leo
qua từng phiến đá lớn, quanh những xác chết. Thêm một số người chết do sóng
đánh mắc kẹt vào kẽ đá. Ngô Hồng Ngọc kể: “Chừng một giờ sau, một đợt sóng lớn ập
tới, từ đảo nhìn ra, thuyền của chúng tôi vỡ vụn thành những tấm gỗ mỏng trôi
lênh đênh, cùng với xác người và một vùng loang của máu”. Theo Ngô Quang Hưng:
“Một ấn tượng cực kỳ khó quên là trên bờ có cơ man nào là dép Lào. Và nhiều mảnh
gỗ không biết từ đâu dạt đến”. Ngọc nói: “Có lẽ, không chỉ thuyền của chúng tôi
lâm vào cảnh ngộ này”.
Điều
ám ảnh những người sống sót nhất, theo Ngô Quang Hưng: ““Khi các thuyền nhân
đang đấu tranh với sóng, đá ngầm, bánh lái, để tìm cách lên bờ thì cũng là lúc
thủy triều đang dâng. Cái mỏm đá mà chiếc ghe kẹt lại càng lúc càng xa bờ, chìm
dần xuống. Không hiểu thế nào mà còn một cậu bé đứng trên mỏm đá đó khi những
người còn sống sót đã lên hết trên bờ. Sóng thì quá mạnh. Vách đá dựng đứng. Ba
bốn ngày đói khát. Khát khủng khiếp! Không ai có khả năng bơi ngược lại mỏm đá
càng lúc càng xa bờ. Tất cả thẫn thờ đứng nhìn. Những cái xác bồng bềnh. Đàn
ông sấp. Đàn bà ngửa. Biển ngập dần lên mỏm đá mà cậu bé đứng, lúc này chỉ còn
là một cái chấm ngọ nguậy. Mọi thứ biến mất như chưa từng tồn tại trên đời: cái
ghe, mỏm đá, cậu bé. Đoàn thuyền nhân quay lưng trèo lên đỉnh núi trước khi mặt
trời lặn”.
Gia
đình Ngô Hồng Ngọc và gia đình người tài công may mắn còn nguyên vẹn. Vách núi,
về sau mọi người mới biết là hòn Bảy Cạnh, dốc đứng, nhưng mọi người vẫn cố gắng
trèo lên vì nước thủy triều. Ngô Hồng Ngọc nói: “Chúng tôi nắm tay nhau cho qua
cơn đói khát… Đau buồn nhất là gia đình bác sĩ Vận, ông chết trước mắt vợ con.
Người vợ của ông giờ đó đã trở thành góa phụ lại bị gãy chân. Chị Thảo, em gái
bác sĩ Vận, vừa dìu chị dâu vừa lo kéo hai thằng cháu nhỏ. Chúng vừa nhớ bố vừa
đói khát, chốc chốc lại kêu: ‘Bố ơi! Con đói quá. Bố ơi! Con lạnh quá’. Tối như
đêm ba mươi. Không mấy ai để ý đến thời khắc giao thừa. Chúng tôi chỉ đợi trời
sáng để leo qua đỉnh núi, hy vọng ở phía bên kia có người”. Nhưng ở phía bên
kia vẫn chỉ là đảo hoang. Ngô Hồng Ngọc kể: “Chúng tôi bẻ củi, chất thành đống
lớn, đợi trời tối để sưởi cho bớt lạnh và hi vọng tàu đi ngoài xa có thể nhìn
thấy và tới cứu. Thêm một đêm ngóng trông. Khi đống lửa đã sắp tàn thì nghe có
tiếng ca nô chạy vào bờ, tiếng súng bắn và sau đó tiếng loa phóng thanh: ‘Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Công an nhân dân Côn Đảo… Yêu cầu bỏ vũ khí…đầu
hàng!’. Vẫn là ‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’. Không gì có thể làm chúng
tôi đau đớn hơn. Sáng mùng Ba Tết, chúng tôi được một xà lan lớn đưa ra biển và
đưa vào núi lớn Côn Đảo”. Theo Hồng Ngọc: “Từ hôm đó chúng tôi được phát mỗi
người hai bộ quần áo tù màu ghi đậm, vải thô xù xì rồi được đưa vào trong một
phòng giam lớn, hai bên có hai bệ bê tông dài, ở giữa là lối đi. Chúng tôi nằm
xếp lớp trên đó, không chăn, không gối. Hàng ngày, được phát hai lần cơm, lâu
lâu mới có muối mè hay rau luộc. Sau giờ điểm danh sáng, cửa phòng mở, chúng
tôi được đi lại, tắm rửa, hay lòng vòng quanh mấy hàng hiên. Một số người sẽ được
gọi đi ‘làm việc’. Đối diện với trại nữ là khu trại nam. Các tù nhân nam bị nhốt
trong nhà, trừ những giờ ra ngoài đi lao động, trồng rau hay dọn vệ sinh. Khi
chúng tôi tới, Côn Đảo không còn tù chính trị. Những người đang ở đây, phần lớn
là dân vượt biên, những người bị giữ lâu nhất thường là dân ‘có tóc’ như chủ
ghe, tài công”. Các thuyền nhân bị giữ ở Côn Đảo bốn tuần thì được đưa lên một
xà lan lớn, chở vào trại giam Cỏ May, Vũng Tàu. Khác với Côn Đảo, trại giam Cỏ
May giam đủ loại tù, tù chính trị hạng nặng bị nhốt riêng. Hồng Ngọc bị nhốt
chung với các nữ tù chính trị và hình sự. Ngọc kể: “Trong phòng, có người tên
là Dì Ba, nghe đâu từng làm sĩ quan tâm lý chiến thời Việt Nam Cộng Hòa, đã vượt
biên sáu lần, cả sáu lần đều vô khám”. Ngọc bị giam bảy tháng ở trại Cỏ May. Một
người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa vì tội tổ chức vượt biên đã bị nhốt năm
năm trong trại.
Năm
1985, Bộ Luật Hình sự của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lần đầu tiên
ra đời, coi vượt biên là một tội hình sự, xếp chung vào nhóm tội “xâm phạm an
ninh quốc gia”. Trước đó, những người vượt biên bị bắt có thể bị giam mà không
cần xét xử hoặc bị xử theo Pháp lệnh Trừng trị các tội Phản Cách mạng do Ủy ban
Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1967. Theo Luật sư Trương Thị Hòa, người đã từng
bào chữa cho một số bị cáo “vượt biên”, tòa áp dụng khá linh hoạt các quy định
trong Pháp lệnh 1967, tuy nhiên, phần lớn bị xử tù theo Điều 9: “Tội trốn theo
địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài”.
Trại
Gia Trung đã dạy cho Chóe những bài học dài ngày trong buồng biệt giam, để khi
vượt biên bị bắt, anh thôi không “cãi” là mình vô tội nữa. Tại trại giam Công
an Long An, anh đã rất “ngoan” nên “án” ba năm chỉ ở hai năm là được tha. Nhưng
bị bắt ngày ấy vẫn được gọi là may. Anh Phùng Văn Vinh nhớ lại:
“Mùa hè năm 1981, ở bãi biển Thanh Bình Đà Nẵng, có bốn người vượt biên bị bắn chết,
xác trôi vào được xếp ngay hàng trên bờ chờ người tới nhận… Trên xác họ, đầy
kín những lỗ đạn đen xỉn, ruồi vo ve bay… Một xác là của một người thanh niên
lai Mỹ với mái tóc vàng óng, nằm dài ngoằng so với những người còn lại. Nghe
đâu sau đó có ba người được thân nhân tới nhận xác đưa về chôn, còn anh thanh
niên lai Mỹ vì không có ai đến nhận, nên đã bị
đưa đi mất vì dân chúng quanh đó không chịu nổi mùi thối… Tôi nghe những người
lớn lúc đó thầm thì bàn tán, chính quyền cố tình để vậy để răn đe dân chúng
trong vùng. Chẳng là dân Đà Nẵng có tiếng về chuyện liều mạng vượt biển”. Nhưng
đó chỉ là những cái chết được nhìn thấy.
Đường tới các trại tị nạn
Trong
suốt một thập niên rưỡi sau 1975, vượt biên với nhiều người miền Nam là lối
thoát duy nhất, nhưng cũng là lối thoát đắt giá nhất. Hàng nghìn người đã phải
trả bằng chính sinh mạng của mình. Hàng ngàn người khác tuy “tới được bến
bờ tự do” nhưng sự bình yên không bao giờ trở lại sau những nỗi kinh hoàng trên
biển.
Ngày
24-10-1977, toán vượt biên của Bác sỹ Nguyễn Đức Tuệ bước sang
ngày thứ năm của hải trình thì xà lan bị hỏng máy. Họ phải gom hết “pông-sô”
làm buồm lái về phía Thái Lan. Hai ngày sau, thực phẩm dự trữ mang theo bắt đầu
cạn. Bác sỹ Tuệ kể: “Ban tổ chức cuộc vượt biên họp ‘mở rộng’ đưa ra ‘chính
sách công xã’, gom thực phẩm của tất cả các nhóm trên xà lan, tập trung và chia
đều khẩu phần hàng ngày. Thùng nước trên xà lan được khử trùng bằng chlorine,
đun nấu ăn và nước uống. Mỗi gói cơm sấy được nấu thành cháo chia cho gia đình
mười người... Ngày thứ mười, có bốn chiếc thuyền buôn lớn đi qua, chúng tôi đốt
lửa báo hiệu, chúng tôi vẫy tay, chúng tôi đánh cờ semaphore bằng quần áo… Nhưng
những chiếc thuyền ấy đã bỏ đi mặc dù thấy nhóm người chúng tôi bơ vơ giữa biển
trên chiếc xà lan nhỏ bé”. Chiều ngày thứ mười một của chuyến hành trình, theo
Bác sỹ Tuệ: “Biển êm sóng lặng, chúng tôi chợt thấy một chiếc thuyền đánh cá
neo lại từ phía xa chân trời. Hy vọng lại vươn lên trong buổi chiều trên biển.
Chúng tôi vẫy tay, chúng tôi la
hét, chúng tôi phất quần áo làm cờ ra hiệu nhưng không thấy những người trên
thuyền đáp ứng. Cuối cùng, sự may mắn đã đến khi lưới đánh cá của chiếc thuyền
đó trôi ngay gần chiếc xà lan! Hai người bạn trẻ tuổi, Đức và Thành, can đảm nhảy
xuống biển, bơi đến, bám chặt lưới cho đến khi các ngư phủ Thái Lan kéo cả hai
lên thuyền. Mọi người trên xà lan nhìn theo hồi hộp chờ đợi... Chiếc xà lan được
những ngư dân Thái kéo vào thành phố Pattani ở bờ Đông Thái Lan vào ban đêm. Những
ánh đèn thành phố nhìn từ ngoài biển là những ánh sáng hy vọng. Xà lan bị cô lập
ở bến Pattani. Cảnh sát lên kiểm tra, chúng tôi không chánh thức được lên đất
liền, nhưng được phép tiếp xúc với dân địa phương, được mua hàng và lần đầu
tiên được uống Coca Cola sau hai năm kể từ ngày được giải phóng”. Toán vượt
biên của bác sỹ Tuệ chỉ được ở lại Pattani hai ngày để mua thêm thực phẩm. Sửa
chữa máy xong, xà lan của họ bị tàu Thái hộ tống đưa ra biển hướng về phía
Songkhla nơi có trại tị nạn cho người Việt. Xà lan đi hai ngày, đến Songkhla,
thấy bến nhưng bị tàu tuần Thái chĩa súng đuổi ra. Bác sỹ Nguyễn Đức Tuệ kể tiếp:
“Một ngày sau, xà lan lại chết máy. ‘Pông sô’, áo mưa lại kết lại làm buồm, xà
lan trôi nổi bảy ngày, cuối cùng nhờ có luồng nước kéo trở lại Songkhla. Xà lan
tấp bến. Chúng tôi bồng bế nhau, già trẻ lớn bé lội xuống biển. Cùng lúc, dân
Thái Lan tràn lên quăng hành lý xuống và cướp đi luôn, máy tàu bị họ phá và giật
xuống biển. Cả đoàn phải ở ngoài bờ biển, màn trời chiếu đất, ban đêm chúng tôi
đào những hố cát để làm giường tránh gió và canh chừng cho các bà các cô, sợ
dân Thái Lan hãm hiếp. Ban ngày dân địa phương bu quanh nhìn chúng tôi bị rào bởi
vòng rào dây thừng như đi xem sở thú. Họ quăng đồ ăn, quăng trái cây vào như
cho khỉ ăn. Tự do chưa thấy chỉ thấy cướp”. Ba ngày sau, ông tỉnh trưởng
Songkhla xuất hiện với lính cận vệ. Họ dẫn theo sáu mươi bảy thuyền nhân khác
đi bằng thuyền từ Phú Quốc đến Songkhla. Chính sách Thái lúc bấy giờ không nhận
người tị nạn. Những người này bị đuổi ra bãi để nhập chung với nhóm của Bác sỹ
Tuệ. Ông Tuệ kể: “Tôi biết chút tiếng Mỹ, đứng nói chuyện với tỉnh trưởng
Songkhla xin ở lại. Tỉnh trưởng Songkhla cầm gậy chỉ huy đánh vợ tôi đang bồng
con trên tay, miệng thì la 'let’s go'. Các con của những phụ nữ khác cũng bị giằng
ra khỏi tay mẹ, ném từng đứa một lên xà lan, các bà mẹ đành phải theo con. Lính
Thái đánh anh Hải chảy máu mũi. Tôi đứng bên cạnh ông tỉnh trưởng, nổi nóng tiến
gần ngay cạnh ông ta, cận vệ sợ tôi đánh ông tỉnh trưởng, một người vội vàng
rút khẩu súng Colt lên đạn chĩa vào đầu tôi. Một trung sĩ cận vệ tử tế, nói nhỏ:
bác sĩ đừng chống cự, họ sẽ bắn ông thật đấy”. Bác sỹ Tuệ kể tiếp: “Ở trên xà
lan hơn mấy tuần, khói dầu diesel đóng lên mặt mũi, thân thể chúng tôi đen như
mọi, đầu tóc ngứa ngáy, chải thì thấy chí rận rơi xuống. Nhiều trẻ em da bị lở
loét vì nắng và dầu. Con bé Ngọc của chúng tôi, ngày xuống xà lan ăn mặc tươm tất,
quần áo đẹp đẽ tự tay bà ngoại may, khi bước ra khỏi khoang xà lan đã thành ‘cô
bé lọ lem’, quần áo dính nước sét hầm xà lan đổi thành màu cháo lòng… Một tuần ở
Narathiwat, vợ chồng tôi thân với vợ chồng một y tá trẻ ngành quân y Thái. Biết
chúng tôi sẽ phải ra đi chứ không được đưa về trại tị nạn ở Thái Lan như chúng
tôi tưởng, họ nói với tôi là họ không nghĩ chúng tôi sẽ có thể sống sót trong
cuộc hành trình sắp đến nên xin cho bé Ngọc ở lại làm con nuôi, nếu chúng tôi
may mắn đến được đất liền, qua Mỹ lúc ấy chúng tôi có thể làm giấy tờ hội ngộ.
Đề nghị tử tế và thành thật này làm chúng tôi bâng khuâng và suy nghĩ. Em tôi,
Hồng và Hiến họp lại đêm hôm ấy nói rằng: Sống chết có nhau, nay đã đi đến đây
chỉ còn một quãng đường ngắn, anh em có xui xẻo thì xui xẻo cùng. Vợ chồng tôi
đã quyết định để bàn tay Trời định đoạt”.
Ngày
19-10-1977, nhóm vượt biên của Bác sỹ Tuệ đến Trengganu, Thái Lan, sau bốn mươi
ngày lênh đênh. Cho dù có lúc sống chết chỉ còn trong gang tấc, chuyến đi của họ
được coi là may mắn. Đoàn có 168 người, gồm sáu mươi phụ nữ và sáu mươi trẻ em,
không bị nạn hải tặc, không có người bị bệnh nặng, không có người phải bỏ xác
trên biển. Chuyến vượt biên thứ sáu cũng đã đưa Thiếu úy Phan Ngọc Vượng tới được
một trại tị nạn ở Malaysia. Nhưng trước đó, chuyến vượt biên thứ năm của ông
vào cuối năm 1978 đã bất thành dù có nhiều tình cờ may mắn. Chiếc ghe đưa họ ra
khơi là loại ghe bầu chạy trên sông Tiền, thường được gọi là ghe cà dom. Đi được
ba ngày, ba đêm thì chết máy, chiếc ghe trôi vô định ngoài hải phận quốc tế, gặp
gần năm chục chiếc tàu chạy qua mà không có một chiếc nào cứu giúp. Ngày thứ
tư, vào khoảng 5 giờ chiều, xuất hiện một chiếc tàu tên là Hegenburger, chạy gần.
Ông Vượng quyết định nhảy xuống biển bơi ra chặn đầu. Con tàu đồ sộ kéo còi giận
giữ trong mấy phút rồi thả một chiếc ca-nô cùng một sỹ quan và ba người lính xuống.
Canô vừa chạm nước, viên sỹ quan rút súng, đạn găm ngay sau lưng ông Vượng. Rồi
chiếc ca-nô chạy nhanh tới, trong tích tắc, ông Vượng được kéo lên. Viên sỹ
quan hỏi: “Ông là ai?”. Ông Vượng: “Tôi là người tị nạn Việt Nam! Còn các
ông?”. Viên sỹ quan: “Chúng tôi từ Đông Đức”. Ông Vượng: “Sao ông bắn tôi?”.
Viên sỹ quan: “Ông không thấy hai con cá mập nó đang dí sau lưng à?”. Trước khi
gặp thuyền trưởng, ông Vượng được đưa vô nhà hàng trên tàu, ông được đặt ngồi
trước một đĩa thịt bò và một lon Coca. Đó là bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời của
ông Vượng. Những người trên tàu đã rất lịch sự nhưng không chịu đưa những thuyền
nhân đến Hong Kong. Thoạt đầu, họ đã bỏ đi, nhưng sau khi biết cơn bão tới gần
có thể nhận chìm con tàu hỏng máy chở các thuyền nhân Việt Nam, tàu Hegenburger
đã quay trở lại và sau khi thương lượng, những người vượt biên chấp nhận quay
trở vào bờ tránh bão.
Gần
sáng thì họ nhìn thấy bờ biển Vũng Tàu. Thủy thủ tàu Hegenburger báo cho chính
quyền rồi quay đầu. Khoảng 5 giờ sáng, tàu công an xuất hiện. Thuyền trưởng chiếc
ghe vượt biên, nguyên là một trung úy hải quân vừa đi học tập về, nhảy xuống biển.
Ông Vượng biết, nếu bị bắt lại, những người như ông và viên trung úy sẽ phải mục
xương trong tù. Ông Vượng cũng nhảy xuống biển. Mới bơi được mấy sải thì một thằng
nhỏ trên ghe ném cho ông miếng xốp khá lớn. Chính miếng xốp đó đã cứu mạng ông.
Viên trung úy hải quân lần ấy đã không thể bơi vào bờ. Vài giờ sau, ông Vượng
được mấy người Nga kéo lên một chiếc cano nhưng thái độ của họ khiến ông Vượng
e rằng sẽ bị giao cho công an nên khi thấy một chiếc ghe câu nhỏ đi qua, ông Vượng
gọi: “Ơi! Cứu anh!”. Hai thiếu niên trên ghe câu hỏi: “Vượt biên à? Nhảy đi!”.
Ông Vượng nhảy xuống. Ông Vượng được hai cậu bé đưa về nhà trong một làng chài.
Nghỉ ngơi, ăn uống xong, hai cậu bé đưa ông về Sài Gòn với giá một lượng vàng.
Lúc đó, đi honda không hẳn là an toàn, nhưng đi xe đò thì chắc chắn không thoát
vì công an sẽ xét, nếu không có giấy đi đường là bắt liền. Chập tối, họ lên đường,
và tới 11 giờ đêm thì về tới nhà mẹ ông Vượng ở Gò Vấp. Bà mẹ già bật khóc:
“Sao lần nào đi cũng không tới nơi vậy con?”. Toàn bộ số người còn lại trên chiếc
ghe cà dom bị đưa về Vũng Tàu, mọi người khai hết “tội” cho Phan Ngọc Vượng. Họ
bị giam giữ tại trại Cỏ May hai tháng rồi được phóng thích. Câu chuyện Phan Ngọc
Vượng một mình tổ chức vượt biên, tuy không trót lọt, nhưng với trình độ ngoại
ngữ và khả năng ứng phó trong những tình huống hiểm nghèo khá tốt đã được dân
vượt biên đồn thổi. Ông Vượng sau đó đã được những người giàu có chi tiền đề
nghị ông chủ trì một cuộc vượt biên cho gia đình họ. Chuyến đi ấy tổng cộng bốn
mươi chín người trong đó có năm người em của ông Vượng. Khác với năm lần trước,
chuyến vượt biên thứ sáu của ông may mắn bất ngờ. Chập tối ngày thứ tư, một tàu
đánh cá Thái Lan cặp vào mạn của chiếc ghe vượt biên. Ông Vượng kể: “Tôi kêu tất
cả phụ nữ chui xuống hầm, đề phòng. Phía tàu đánh cá cho một đại diện lên gặp
thuyền trưởng nói chuyện. Vào, thấy trong phòng ông thuyền trưởng trang trí đầy
tượng Phật, tôi đã thấy mình may mắn. Ông thuyền trưởng hỏi: ‘Các anh cần gì?’.
Tôi nói: ‘Cần một ít nước uống và xin chỉ đường giùm’. Ông cho nước uống và chè
đỗ xanh, rồi hỏi: ‘Còn dầu không?’. Tôi nói: ‘Thưa còn’. Ông chỉ tay và nói: ‘Cứ
đi theo hướng này thì chiều mai mày sẽ tới Malaysia’. Khoảng bốn giờ chiều hôm sau,
chúng tôi nhìn thấy một rặng dừa”.
Thay
vì được chào đón, khi chiếc ghe vượt biên tới gần bờ, điều mà họ nhìn thấy là
những họng súng đen ngòm trên tay mười hai cảnh sát mặc đồ rằn ri đang chĩa thẳng
vào những người tị nạn. Ông Vượng, khi ấy chỉ mặc một chiếc quần jeans, quyết định
nhảy xuống biển, vừa giơ hai tay, vừa đi vào. Cảnh sát quát: “Stop!”. Ông Vượng
nói: “Refugees”. Cảnh sát: “Bao nhiêu người?”. “49”. “Có vàng, đô-la không?”.
“Có”. “Ok, ra mang vàng vào đây tao cho vô”. Ông Vượng đi ra, chủ tàu lấy năm
lượng cùng một ít nữ trang đưa ông Vượng mang vào bờ. Sau khi nhận vàng, cảnh
sát nói: “Đục tàu đi rồi cho vô”. Vào bãi, bốn mươi chín người phải chịu cảnh
màn trời chiếu đất. Các viên cảnh sát thỉnh thoảng qua gặp nói đưa tiền, muốn
mua gì họ mua cho. Bốn ngày sau, có thêm một tàu của người Hoa “vượt biên bán
chính thức” đến. Họ có 140 người đa số là người Việt. Thêm một tuần lễ sau đó,
189 người phải tự xoay xở trên bãi, đào giếng kiếm nước, lượm củi nấu ăn. Ngày
thứ mười một, một người bận quân phục sỹ quan, đầu đội nón bê rê xanh đến, gặp
ông Vượng, người duy nhất biết tiếng Anh, nói: “Tôi là người của Cao ủy Tị nạn
Liên Hiệp Quốc”. Không phải ai vượt biên cũng có cơ hội gặp được người của Cao ủy
Tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Ngày
27-5-1989, chỉ cần biên phòng khám xét lâu thêm vào tiếng nữa là Phạm Thanh
Tùng cùng chín mươi sáu người khác có thể bị đông cứng trong
khoang chứa cá. Sau một hành trình dài từ Sài Gòn về Châu Đốc giống như những
người đi vía Bà, nhóm vượt biên của Tùng lần lượt được xếp nằm trên những chiếc
xuồng chở dừa. Chủ thuyền lấy lá dừa tươi tấp lên những người vượt biên rồi chở
về hướng Bắc Mỹ Thuận. Bốn giờ sáng thì tàu cặp ghe lớn lúc đó đang neo đậu giữa
dòng. Tổng cộng chín mươi bảy người, gồm cả vợ con người chủ tàu, được xếp vô
khoang cá. Hàng chục cây đá được xếp chồng lên nhiều lớp để che. Ra tới cửa biển
thì đụng tàu biên phòng, cuộc khám xét kéo dài cho đến khi da một đứa trẻ trên
tàu đã bắt đầu tím tái. Chủ tàu cho chạy thêm khoảng một giờ, cầm chắc đã ra khỏi
tầm truy đuổi, mới huy động những
thanh niên còn khỏe liệng hết đá cây xuống biển. Khi đó nhiều người đã lịm đi
vì rét cóng. Đó là chuyến vượt biên lần thứ mười một của Phạm Thanh Tùng. Ngày
1-6-1989, con tàu của Tùng vào tới đảo Talampuru (Philippines).
Chỉ
đi sau chuyến tàu của Tùng một ngày, ngày 2-6-1989, có một chiếc tàu vượt biên
khác cũng vào gần tới đảo Talampuru. Thay vì đậu ngoài xa chờ dẫn đường, khi thấy
một cơn bão đến gần, con tàu tiến nhanh vào đảo. Tàu của họ bị
kẹt vào bãi san hô và ngay sau đó, con tàu bị sóng lớn đánh vỡ ra từng mảnh.
Khi bão tan, chỉ có năm người sống sót bơi được vào bờ. Họ nói, con tàu khởi
hành với 117 người.
Ngày
7-8-1987, để tránh bị biên phòng phát hiện, ông Trần Quang Phước, một cựu trung
úy hải quân Việt Nam Cộng hòa, quyết định ra đi khi Nha Khí tượng dự báo có bão
cấp 7. Con tàu chở hai mươi bảy người trong đó có bốn người trong
gia đình ông Phước. Con trai ông, anh Trần Minh Triết kể: “Con tàu đi tới khuya
thì bắt đầu bão. Cả tàu say sóng nằm la liệt chỉ còn lại hai cha con. Ba tôi cầm
lái. Đi tới trưa hôm sau thì ra tới ngoài khơi xa. Ba tôi giao tay lái cho tôi.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con sóng tiếp nối những con sóng, cứ ập tới
con thuyền nhỏ bé như những ngọn núi. Tôi chỉ còn biết nghe lời cha tôi mà tiếp
tục đi, chỉ biết trao thân cho đại dương, lúc nào cũng có cảm giác mình sắp bị
những con sóng nhấn sâu xuống lòng biển”. Như có phép màu, chỉ bốn ngày sau,
con tàu nhỏ đi tới Malaysia. Trần Minh Triết nói: “Sau mười lăm lần vượt biên
không thành kể từ năm 1982, cha con chúng tôi được đưa vào trại Sungeipesi”.
Tại
trại tị nạn Sungeipesi, cuối năm 1987, Trần Minh Triết ở chung nhà với một phụ
nữ trẻ. Triết kể: “Chiều chiều, xuống cầu thang, tôi thấy chị ấy cứ nép người
vào một góc tối, khóc lên rưng rức. Chúng tôi phải để cho chị ấy khóc bởi chỉ cần
đụng vào là chị ấy hoảng lên, co rúm lại. Không ai dám hỏi han. Trên biển, chị ấy
đã bị hải tặc hiếp dâm nhiều lần”.
Khi
chuyển vào trại Paulo Bidong, Triết gặp một cô gái khác trạc tuổi mình. Cô cùng
một người khác được vớt lên và được coi là hai người sống sót trên một con tàu
vượt biên bị hải tặc trên vùng biển Thái Lan. Cô gái bị hãm hiếp nhiều lần
trong khi chứng kiến anh trai mình bị chặt làm ba khúc. Trần Minh Triết kể:
“Chiều nào cô cũng rủ tôi ra biển. Nhưng chỉ khi ánh mắt chúng tôi chạm tới biển
là cô lại lăn đùng ra đất, mắt trợn ngược lên, miệng cứng lại”. Dung, tên cô
gái, chỉ ở Paulo Bidong bốn mươi lăm ngày, thay vì ở gần hàng năm như những
thuyền nhân khác. Cô được một tổ chức thiện nguyện bảo lãnh đưa đi chữa bệnh. Ông
Nguyễn Văn Mai kể: “Trong thập niên 1980, tôi bay đến các trại tị
nạn nhiều lần và chứng kiến hàng ngàn câu chuyện đau lòng. Ở một trại tị nạn ở
Thái Lan, tôi gặp một phụ nữ bị hải tặc cưỡng hiếp nhiều lần, khi được Hội Chữ
thập đỏ giúp chữa trị, những vết thương của chị đã mưng mủ. Mùi hôi thối lựng một
góc lán. Các bác sỹ còn phát hiện ra là chị bị dính thai. Thai đôi và không
bình thường. Theo các bác sỹ thì giữa các ngón tay của hai đứa trẻ có các màng
dính, họ khuyên nên bỏ. Người chồng là một nông dân chất phác, đã có bốn đứa
con, nói: đứa nhỏ này không có tội, ông trời định cho nó cái nghiệp ở trong vợ
tôi thì không có lí do gì để tôi phá”. Ông Mai kể tiếp: “Không ai có thể ngờ
người chồng đã quyết định như thế. Khi người vợ bị hiếp, bọn hải tặc đã cầm mã
tấu bắt anh và các con đứng xem”. Không ai biết chắc có bao nhiêu nạn nhân của
hải tặc Thái Lan trong những ngày tháng đó. Cho đến ngày 16-4-1989, tại vùng biển
Malaysia, một thuyền chở 130 người tị nạn vẫn bị hải tặc tấn công. Theo Cao ủy
Tị nạn Liên Hiệp Quốc, sau khi hãm hiếp phụ nữ, hải
tặc đã phóng lửa đốt tàu, chỉ có một người sống sót trên chuyến vượt biên xấu số
đó.
Tại
Hội nghị Quốc tế lần II về người Tị nạn Đông Dương, tổ chức trong hai ngày 13
và 14-6-1989, UNHCR cho biết: Chỉ trong vòng từ cuối năm 1988 cho đến tháng
6-1989 đã có hai mươi tám tàu cùng 590 thuyền nhân được ghi nhận là mất tích.
Theo số liệu của UNHCR, con số thuyền nhân Việt Nam đã từng cập bến các quốc
gia lên đến gần một triệu người: Australia 1.750 người; Macau 7.128 người;
Singapore 32.000 người; Philipines 51.722 người; Thái Lan 117.321 người; Indonesia
121.708 người; Hong Kong 195.833 người; Malaysia 254.495 người; một số không
nhiều lắm cũng dừng chân ở Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn… Nhưng,
biển mênh mông, những gì thống kê được chưa phải là toàn bộ sự thật. Nhiều thuyền
nhân còn nhớ, tại trại Palawan, Philippines, có chiếc thuyền gỗ được đặt trước
cửa văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Khi chiếc ghe này bị tấp vào bờ,
bên cạnh những xác chết trương phình, người ta thấy chỉ còn một phụ nữ mang
thai sắp đến ngày sinh. Không ai hiểu bởi phép mầu nào, bà mẹ này cho đến lúc ấy
vẫn còn thoi thóp. Bà đã sống sót cho đến khi sanh hạ đứa bé và kịp cho biết,
con thuyền khi khởi hành có tất cả năm mươi người. Không phải chuyến vượt biên
nào cũng có người sống sót để nói đến số phận của những nạn nhân còn lại. Vĩnh
viễn không ai biết có bao nhiêu người Việt Nam vượt biên trong giai đoạn từ
1975 đến đầu thập niên 1990 đã bỏ mình trên biển, bao nhiêu con tàu đã bị biển
nhận chìm, bao nhiêu con tàu đã bị hải tặc cướp và giết hết, bao nhiêu phụ nữ
và trẻ em đã bị chúng hãm hiếp.
Lịch
sử thuyền nhân Việt Nam bắt đầu khép lại từ năm 1996, khi Liên Hiệp Quốc quyết
định đóng cửa các trại tị nạn trong khu vực và khi cuộc sống trong nước bắt đầu
dễ thở hơn, chấm dứt một bi kịch kéo dài suốt hai thập niên trên biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét