Hai bà cháu ở trong căn nhà nhỏ. Mái lợp gianh, tường đắp bằng đất, bốn
bề trồng đầy rau và cỏ dại. Ngôi nhà nằm lặng lẽ trên đồi cao bốn mùa
phủ sương và mưa gió. Từ ô cửa treo tấm màn màu cháo lòng nhìn ra một
Sapa tỉnh lẻ buồn và lạnh giá, ngày ngày bà đứng chờ đứa con gái về.
Cái ngày đó cách đây đã lâu lắm rồi.
Trong ký ức của bà mọi thứ trở nên nhạt dần, nhưng riêng ngày đó thì bà nhớ mãi. Con gái bà sửa soạn quần áo cho vào cái vali màu nâu đỏ đã sờn hết góc, thỉnh thoảng lại ngơ ngẩn khóc. Bà ôm đứa cháu ngoại vào lòng hỏi khẽ: "Bây giờ con đi đâu?".
Con gái ngượng cười: "Mẹ nuôi cháu giúp con,
chừng nào tìm được chồng con, con về".
Bà âm thầm nhìn con, đau từng
khúc ruột. Nhưng bà không biết nói gì, cũng không biết điều đó đúng hay
sai.
Đầu óc bà đặc lại. Bà chép miệng: "Con định đi đâu?".
Chưa kịp trả
lời, nó đã đi ra tới cửa. Nó đi xuống đồi, lưng áo ka-ki bạc phếch, ba
lô con cóc đeo lủng lẳng trên tấm lưng gầy. Nó trở nên lạc lõng giữa bốn
bề phủ rau xanh và những vồng cải vàng rực.
Bà gọi với theo "Nhớ về con
nhé" và chợt giật thót mình khi nhận ra lời nhắn nhủ rơi lọt thỏm vào
không khí, khi sương mù ùm lên lấp kín bưng.
Bà
quay vào nhà nhìn cháu ngoại đang khóc ngằn ngặt đòi mẹ, cay đắng "À...
Ơi... Gió đưa cây cải về trời... à... à... rau răm ở lại chịu đời đắng
cay... ".
Bà rơm rớm nước mắt: "Cha bố mày, mẹ mày bỏ đi theo giai rồi.
Chỉ còn hai bà cháu mình với nhau thôi. Ngoan nhé bà thương. Chừ làm
thân con gái cực khổ trăm đường con ơi".
Bà lại tẩn mẩn nghĩ, không biết
con gái bà định đi đâu. Thành phố biết bao nhiêu là cám dỗ. Chiến tranh
biết bao nhiêu là đau thương. Thằng bố của đứa bé này, nghĩ dại,có khi
đã mồ yên mả đẹp ở một nơi nào đó rồi. Biết đi đâu mà tìm.
Con
gái bà biệt tăm. Thời gian vẫn đều đặn trôi qua trên tuổi già của bà,
ngày một nhanh hơn. Dưới chân đồi ngườt ta xây những ngôi biệt thự sang
trọng, trồng thêm nhiều thông và hoa tầm xuân, đóng thêm nhiều cọc gỗ
treo biển nhà cho thuê, quán ăn, khách sạn. Bà ít xuống chợ dần, chỉ ở
nhà lo chăm bón rau cho con cháu mang xuống chợ bán.
Buổi
chiều cháu gái về nhà, quẳng phịch cái gùi vào góc bếp phụng phịu: "Sao
người ta gọi cháu là con hoang?".
Bà thót người, vội kéo cháu ngồi sát
bên bếp lửa vỗ về: "Bậy nào! Cháu có cha, có mẹ. Cháu mới gọi bà là bà
được chứ".
Cháu gái nghi ngờ: "Thế mẹ đâu? bố đâu?".
Bà đưa đôi mắt đục
lờ nhìn xa xăm: "Họ xuống xuôi làm giàu rồi. Chừng nào giàu họ lên đón
cháu về".
Bà lại thầm nghĩ: "Nhưng mà bây giờ chúng nó ở đâu?", tay cầm
que cời than run bần bật.
Cháu gái xoa đôi má hồng, hít hà: "Ngoài trời
lạnh quá bà à?".
Bà nghểnh tai nghe. Gió thổi rít từng hồi qua mái
gianh, qua những góc đào. Một lúc mưa rơi lộp bộp, nặng dần như ai ném
đá ngoài sân.
Cháu gái bảo: "Mưa đá. Mai trời nắng lắm đây".
Ừ, - Bà lo
âu - nhưng hỏng rau với đào hết".
Cháu gái hỏi: "Dưới phố thế nào hả
bà?".
Bà im lặng một lúc. Bà nhớ hồi còn con gái, ông chở bà đi khắp Hà
Nội trên chiếc xe đạp cổ lỗ. Những phố nhỏ cũ kỹ và yên tĩnh. Sau này bà
đưa con gái xuống xuôi, mua hàng. Phố xá đã thêm nhiều đèn xe và lọc
lừa, và nhiều chia cách.
Bà lầm bầm: "Có gì đâu chỉ toàn người với xe.
Buồn lắm cháu ạ! Bà cháu mình ở thế này là sướng nhất".
Bà quay lại thấy
cháu gái đã ngoẹo đầu ngủ, mắt khép dài, hai khóe miệng nhếch lên nụ
cười ngây thơ còn đọng đầy nước mắt. Bà lau mặt cho cháu, khe khẽ thở
dài. Ngoài trời mưa đã tạnh. Tiếng côn trùng râm ran sau những luống cây
buồn nẫu cả lòng.ông trưởng khu đi vòng
quanh nhà, chỉ cái này, bảo cái nọ rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu kê
bên cái bàn gỗ mục thấp lè tè, tợp một cụm lớn nước chè.
"Chuyện là thế
này bà ạ - Ông căng người, kín đáo quan sát nét mặt của bà - Nước chè
của bà ngon quá. Tôi muốn nói cái gì nhỉ? à, thế này. Có vài đứa sinh
viên ở xuôi lên đây thực tập để vẽ vời gì ấy mà. Tôi thấy nhà bà rộng
lại neo người - Ông ồ ề, cố gắng làm cho ra vẻ quan trọng. Cặp kính lão
tụt lên tụt xuống trên chóp mũi - Nên tôi bố trí trước. Không biết ý bà
thế nào?".
Bà thở phào. Gớm cái ông này cứ làm bà thon thót cả người.
Tưởng chuyện gì, chứ cái chuyện ở nhờ của bọn trẻ càng làm bà vui thêm
chứ sao. Cháu gái của bà lại có dịp quen biết người ta. Nhưng bà vẫn thấy
hơi tưng tức. Vì ông trưởng khu đặt bà vào chuyện đã rồi, hệt như ông
chồng bà ngày xưa và con gái bà, toàn đẩy bà vào chỗ yếm thế. Cả đời,
hình như chẳng có gì là của bà, là do bà quyết định cả.
Bà nói mát: "Sao
không báo tôi trước - Rồi nhỏ nhẹ - Để tôi chuẩn bị".
Ông cười hề hề,
những mụn trứng cá trên mặt từng lúc lại đỏ tấy lên vì lạnh.
Khoảng
hai ba giờ chiều, sương mù loãng ra đã ùn ùn đổ tới một lớp dày đặc
khác. Cháu gái đi chợ về kéo theo hai đứa con trai và một đứa con gái
rất xinh với lủng củng bao nhiêu túi xách. Ngôi nhà nhỏ bé căng nứt
những tiếng ồn ào và gió lạnh từ ngoài tràn vào. Chúng nó vây lấy bà.
Cậu bé đeo cặp kính cận xề xệ trên chóp mũi, bảo: "Bà cho chúng cháu ở
nhờ nhá".
Bà hiền lành: "Tôi chỉ sợ các cô cậu chê nhà xấu".
Chúng nó
cười. Đứa con gái bảo: "Con là Linh, kia là Hiền, còn anh đeo kính trắng
là Danh".
Linh nhìn ngó một lúc, rồi bảo: "Bà ngồi chỗ này, tư thế này
đẹp quá, để chúng con vẽ chân dung bà".
Chúng nó mở túi lấy giấy, lấy
màu bày khắp ra nhà. Bà ngồi ngượng ngịu, tay đặt lên đùi run run.
Cháu
gái đi vòng quanh nhà, lâu lâu ghé con mắt qua xuýt xoa:"Bà đẹp quá,
giống quá".
Bà nhìn chúng nó thấy tủi thân cho cháu gái. Lớn bằng này mà
chưa ra khỏi Sapa, ngờ nghệch đến tội nghiệp. Lớn bằng này mà chưa biết
tí gì về cuộc sống cả.
Cháu gái dắt mấy
đứa nhỏ đi vẽ suốt ngày. Một mình bà lại ra vào thui thủi. Buổi sớm bà
vẫn ra đứng ở cửa, nhìn xuống chân đồi đầy thông và cỏ dại, đợi con gái
về. Bà nghĩ là mình đã không còn khóc được nữa.
Được
khoảng hai tuần, chúng nó than nhớ nhà. Linh cầm một xấp thư ra đọc.
Cháu gái mon men lại gần:
"Thư ai nhiều thế chị Linh?".
Linh tự hào: "Đây là thư mẹ, đây là thư bố. Còn đây là thư bồ".
Mặt cháu gái thẫn ra.
Nó bảo: "Em chưa bao giờ nhận được thư ai cả".
Danh cười, không biết
đùa hay thật:
"Thế thì lúc nào về, anh sẽ viết thư cho em. Muốn thế nào?
Tuần một cái hay nhiều hơn?"
Hiền tủm tỉm: "Đừng tin nó, thằng này xạo
lắm".
Cháu gái cười mơ màng. Tưởng tượng một ngày kia cũng được cầm một
xấp thư như Linh bây giờ. Tối thứ bảy cuối, Danh đi chơi với cháu gái
khuya mới về. Bà nằm ngủ lơ mơ trong buồng, nghe tiếng kẹt cửa đã tỉnh
ngủ hẳn. Cháu gái chui vào chăn, áp khuôn mặt lạnh ngắt vào người bà.
Bà
khẽ giật mình: "Cha mày, đi đâu về khuya thế con?"
Cháu gái mơ màng:
"Trời đẹp lắm bà ạ! Đêm nay rằm, có trăng. Chúng con xuống chợ tình xem
người Dao kéo nhau, rồi đi dạo khắp nơi".
Cháu gái thật thà: "Anh ấy hôn
con và bảo yêu con. Liệu có tin được không bà?".
Bà khẽ thở dài: "Coi
chừng con ạ!".
Bà định nói thêm mấy câu, đã nghe tiếng ngấy nhè nhẹ của
cháu gái. Từng làn hơi phả vào gáy bà, ấm sực. Bà lồm cồm ngồi dậy, vạch
cửa nhìn ra ngoài. Trăng rọi sáng lạnh, xanh như miếng thép bạc vào
phòng. Không ngủ được, bà ngồi nghĩ ngợi lung tung. Thấy tội thân bà,
thân con gái bà, bây giờ đến lượt đứa cháu gái. Cả đời khổ vì tình, lụy
vì tình. Xa xôi cách trở thế, dần rồi cũng nhạt cả thôi. Xem cung cách
của thằng Danh, chẳng có gì ràng buộc nó được.
Hai
ngày sau đám sinh viên trở về Hà Nội. Danh tặng lại cháu gái bức ký họa
vẽ chân dung cô đầy vẻ đắm đuối bằng màu nước, ngồi bên con đường mòn
phủ đầy cỏ dại, mắt môi rạng rỡ. Cháu gái lặng lẽ đóng khung, treo trang
trọng trên đầu giường. Ngày ngày xuống chợ bán rau, cô ta ghé qua bưu
điện, nhìn người nhân viên to béo soạn thư từ chiếc thùng màu vàng nhạt
và chờ đợi ông ta gọi tên mình. Nhưng không có gì ngoài cái nhún vai
thất vọng và nụ cười thương hại của người đàn ông đáng mến đó. Cháu gái
lủi thủi về nhà, nhìn bức chân dung lại ngẩn ngơ khóc.
Cháu
gái biếng ăn biếng ngủ. Đêm lại giật mình thon thót, mồ hôi vã ra đầm
đìa. Trong người cô có gì cứ cuồn cuộn lên, rồi sôi chảy đầy êm ả, ngọt
ngào. Hệt như đêm nào cô nằm trong vòng tay Danh.
Bà tội nghiệp: "Nó có
hứa hẹn gì với cháu không?"
Cháu gái trả lời: "Không, nhưng anh ấy bảo
cháu là vợ của anh ấy".
Bà sụp xuống, đầu óc quay cuồng. Linh tính nhắc
nhở bà những chuyện đau lòng.
Bà hỏi: "Tháng này cháu có kinh chưa?"
Cháu gái lắc đầu: "Chưa, nhưng sao hả bà?".
Bà rũ xuống, đau đớn nghĩ
đấy là lỗi tại bà. Bà nuôi nó mà không dạy nó. Cũng chưa một lần kể về
cha mẹ nó cho nó nghe. Những người lớn đã sinh ra nó rồi bỏ đi. Thật ra
quá khứ dù tồi tệ đến mấy cũng là kinh nghiệm quý báu. Nhưng bà không
nghĩ ra điều ấy. Bà đã muộn trong mọi việc.
Bà nức nở: "Tội nghiệp cháu
tôi".
Rồi đùng đùng bỏ vào giường.
Bà ốm
nặng. Đến ngày thứ ba bà mới gượng dậy, húp được ít nước cháu. Cháu gái
ngồi bên cạnh, bóp nhẹ tấm lưng gầy của bà:
"Bà ạ, có lẽ con phải xuống
xuôi tìm anh ấy".
Bà thảng thốt: "Con biết đi đâu mà tìm. Mẹ con ngày
xưa đã bỏ bà đi như thế".
Bà kể lể sự thật bà đã giấu diếm suốt mười tám
năm trời, mong giữ chân cháu gái lại. Nhưng mọi thứ trôi tuột qua. Cháu
gái vẫn nhất định im lặng. Cô nghĩ đến Hà Nội, đến Danh, đến đứa bé và
hạnh phúc. Con cô cần có bố. Cô không thể bỏ rơi nó được. Và cô cần có
Danh. Cô đứng dậy: "Chừng nào bà khỏi bệnh, con sẽ đi tìm anh ấy". Mặt
cô tái xanh và cương quyết.
Hôm cô gái đi
trời mưa tầm tã, trôi mất vài luống rau xà lách. Đường đi quệt thành bùn
đặc quánh. Được một lúc mưa tạnh, mây mù kéo lên dày đặc. Mới một vài
bước đã không còn thấy cháu gái đâu nữa. Tất cả trắng xóa, mịt mùng.
Bà
đứng tựa vào cánh cửa gỗ mốc xỉnh và lạnh giá. Hai tay thu vào chiếc áo
bông trấn thủ lỗ chỗ vệt gián nhấm. Bà nghĩ mình không thể nào khóc
được nữa nhưng nước mắt chảy ra nhòe nhoẹt. Bà bấm đốt ngón tay, lẩm
bẩm: "Chừng hai năm nữa, chúng nó sẽ về".
Một làn gió lạnh thổi qua Trong mắt bà sương mù đang tan dần dưới chân đồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét